Thông điệp Lumen Fidei (phần dẫn nhập)

(gpquinhon.org) Thứ bảy - 06/07/2013 09:59

THÔNG ĐIỆP LUMEN FIDEI

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

GỞI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, CÁC TU SĨ

VÀ TOÀN THỂ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN

1. Ánh sáng đức tin : với từ ngữ này, truyền thống của Giáo hội đã ám chỉ ơn sủng lớn lao do Chúa Giêsu đem đến, ơn sủng đó được trình bày trong Tin mừng thánh Gioan: “Tôi là ánh sáng thế gian, để tất cả những ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12, 46). Thánh Phaolô cũng diễn đạt những từ ngữ này như sau : “Thiên Chúa đã phán : “Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm”, ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi” (2 Cor 4,6). Trong thế giới dân ngoại, bị đói khát ánh sáng, tín ngưỡng thờ thần Mặt trời đã được phát triển, Sol invictus, được khẩn cầu khi mặt trời mọc. Dẫu cho mặt trời có mọc lại mỗi ngày, người ta hiểu rất rõ rằng nó không có khả năng phát ra ánh sáng của nó trên toàn bộ cuộc sống con người.  Thực vậy, mặt trời không chiếu sáng toàn bộ thực tại, tia sáng của nó không thể đạt đến tận bóng đêm của sự chết, là nơi con mắt nhân loại bị đóng lại đối với ánh sáng của mình. Thánh Gustino tử đạo khẳng định : “Người ta đã không bao giờ nhìn thấy một ai sẵn sàng chết cho niềm tin của mình vào mặt trời” [1] . Nhận thức được chân trời rộng lớn mà đức tin đã mở ra cho họ, những người kitô hữu đã cầu xin Đức Kitô mặt trời đích thực “những tia sáng đem lại sự sống” [2]. Chúa Giêsu nói với Matta, người đang khóc vì cái chết của em mình là Lazzarô : “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao? (Ga 11, 40). Ai tin, sẽ thấy;  họ sẽ thấy với ánh sáng chiếu soi tất cả mọi nẽo đường, bởi vì ánh sáng cho chúng ta đến từ Chúa Giêsu Phục sinh, ngôi sao mai không bao giờ lặn. 

Một Ánh sáng hão huyền?

2. Khi nói về ánh sáng đức tin này, chúng ta có thể thấy sự phản đối của nhiều người trong thời đại chúng ta. Trong kỷ nguyên hiện đại người ta đã suy nghĩ rằng ánh sáng ấy có tác dụng đủ cho các xã hội cổ đại, nhưng không giúp ích gì cho các thời đại mới, cho người đã trở thành người lớn, cho niềm tự hào về lý trí của mình, cho ước muốn khám phá cách thế mới trong tương lai. Theo nghĩa này, đức tin đã xuất hiện như là ánh sáng hão huyền, đã ngăn cản con người vun trồng sự liều lĩnh về tri thức. Thời trẻ Zietzsche đã đề nghị chị Elisabeth của ông chấp nhận rủi ro để bước đi trên “những con đường mới…,  trong sự không chắc chắn của một người phải tìm tính độc lập cho mình”. Ông nói thêm : “từ điểm này người ta sẽ nhận thấy những nẻo đường của nhân loại : Nếu anh muốn đạt tới sự bình an trong tâm hồn và hạnh phúc, thì hãy tin, nhưng nếu anh muốn là đồ đệ của chân lý, thì hãy tìm kiếm” [3]. Tin đối lại với tìm kiếm. Khởi đi từ đây, Nietzsche sẽ khai triển phê bình của ông về kitô giáo vì đã làm giảm giá trị mang đến cho cuộc sống nhân loại, lấy khỏi cuộc sống tính mới lạ và mạo hiểm. Đức tin giống như ảo ảnh của ánh sáng làm cản trở bước đường của những người tự do hướng đến ngày mai. 

3. Trong quá trình này, đức tin đã kết thúc vì đã bị can dự vào bóng tối. Người ta đã nghĩ đến việc có thể bảo tồn đức tin, có thể tìm cho nó một không gian để nó sống chung với ánh sáng của lý trí. Không gian cho đức tin đã được mở ra ở nơi lý trí không thể chiếu soi, ở nơi con người không thể có sự chắc chắn nữa. Vì thế, đức tin đã được hiểu như là một bước nhảy vọt qua khoảng trống mà chúng ta thực hiện vì thiếu ánh sáng, được thúc đẩy từ cảm thức mù quáng; hoặc đức tin được hiểu giống như ánh sáng chủ quan, có khả năng sưởi ấm con tim, có khả năng đem đến niềm an ủi riêng tư, nhưng nó lại không thể được trình bày cho người khác như là ánh sáng khách quan và chung chung để soi sáng lộ trình. Tuy nhiên, dần dần người ta đã thấy rằng ánh sáng của lý trí độc lập không có khả năng chiếu sáng đủ cho tương lai; cuối cùng, nó ở lại trong sự tối tăm của nó và bỏ lại con người trong sợ hãi vô tri. Và như vậy con người đã chối từ việc tìm kiếm ánh sáng bao la, chân lý rộng lớn, vì tự bằng lòng với chút ánh sáng nhỏ nhoi sáng lên trong phút chốc, nhưng không có khả năng mở đường.  Khi thiếu vắng ánh sáng, tất cả trở nên lộn xộn, không thể phân biệt điều tốt và xấu, con đường dẫn đến mục đích mà từ đó làm cho chúng ta đi vào trong những vòng tròn vô tận, vô phương hướng.  

Ánh sáng từ việc tái khám phá.

4. Vì thế, đây là việc cấp bách để phục hồi lại chính đặc tính ánh sáng đức tin, bởi vì một khi ngọn lửa đức tin được thắp lên tất cả những ánh sáng khác cũng kết thúc vì làm mất đi sức mạnh của nó. Thực vậy, ánh sáng đức tin sở hữu một đặc tính độc đáo, có khả năng soi chiếu toàn thể cuộc sống con người. Vì một ánh sáng mạnh mẽ như vậy, không thể bắt đầu từ chính chúng ta, nó phải đến từ nguồn gốc nguyên thủy, tóm lại nó phải đến từ Thiên Chúa. Đức tin nảy sinh trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng kêu mời chúng ta và tỏ cho chúng tình yêu của mình, một tình yêu đi trước chúng ta và nhờ tình yêu này chúng ta có thể cậy dựa để được gắn bó và xây dựng cuộc sống. Được biến đổi từ tình yêu này chúng ta nhận được những đôi mắt tươi mới, cảm nghiệm được nơi đó có một lời hứa sung mãn lớn lao và mở ra cho chúng ta cái nhìn hướng về tương lai. Đức tin chúng ta đón nhận từ Thiên Chúa như là ơn siêu nhiên, xuất hiện như ánh sáng trên đường, nó định hướng cho lộ trình của chúng ta trong thời gian. Một mặt, ánh sáng đến từ quá khứ là ánh sáng của một ký ức nền tảng, là ánh sáng của cuộc sống Chúa Giêsu, nơi đó Người đã bày tỏ tình yêu đáng tin cậy của mình cách trọn vẹn, có khả năng chiến thắng sự chết. Tuy nhiên, vì Chúa Kitô đã sống lại và lôi kéo chúng ta khỏi sự chết, đức tin là ánh sáng đến từ tương lai, hé mở trước mắt chúng ta những chân trời rộng lớn, và đưa chúng ta vượt qua khỏi cái “tôi” tách biệt của mình hướng đến sự hiệp thông rộng lớn. Vì thế, chúng ta hiểu rằng đức tin không ở trong bóng đêm; đức tin là ánh sáng đối với bóng tối của chúng ta. Trong cuốn Divina Comedia, sau khi đã tuyên xưng đức tin của mình trước mặt thánh Phêrô, Dante mô tả ánh sáng như một “tia lửa, sau đó trở thành ngọn lửa và cháy rực, nó cũng như ngôi sao trong bầu trời lấp lánh trong tôi” [4]. Tôi muốn nói về chính ánh sáng đức tin này vì nó lớn lên để chiếu vào hiện tại cho đến khi trở thành vì sao chiếu soi những chân trời của lộ trình chúng ta, vào thời điểm mà con người đặc biệt cần đến ánh sáng.  

5. Trước cuộc khổ nạn, Chúa Kitô đã cam đoan với Phêrô : “Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất lòng tin” (Lc 22, 32). Người đã nói với Phêrô để củng cố các anh chị em của ông trong cùng một đức tin. Ý thức được trách nhiệm đã được trao phó cho người kế vị thánh Phêrô, Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã công bố Năm Đức Tin này, là thời gian của ơn sủng đang nâng đỡ chúng ta để cảm nghiệm niềm vui lớn lao của việc tin, làm sống lại nhận biết về sự bao la của những chân trời làm hé mở đức tin, để tuyên xưng đức tin trong sự hiệp nhất và trọn vẹn, trung thành với ký ức về Thiên Chúa, được nâng đỡ do sự hiện diện của Người và do hành động của Chúa Thánh Thần. Xác tín về đức tin làm cho cuộc sống tràn đầy, đặt trọng tâm vào Chúa Kitô và vào sức mạnh của ơn sủng Người, đã khích lệ sứ mạng của các kitô hữu đầu tiên. Theo sử liệu về các vị tử đạo chúng ta đọc thấy cuộc đối thoại giữa viên đội trưởng Rusticô người Rôma và tín hữu Gerace : “Cha mẹ anh ở đâu?”, ông đã đưa ra lời thẩm vấn vị tử đạo, và đây là câu trả lời : “Người Cha đích thực của chúng tôi là Đức Kitô, và mẹ của chúng tôi là niềm tin nơi Người” [5]. Đối với các kitô hữu, đức tin là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống được tỏ bày nơi Đức Kitô, Người là người “mẹ”, bởi vì Người đã làm cho họ đến với ánh sáng, đã sinh ra họ trong cuộc sống thần linh, một kinh nghiệm mới, một cái nhìn rạng rỡ của cuộc sống nhờ đó họ đã sẵn sàng hiến tặng chứng tá công khai cho đến cùng.  

6. Năm Đức Tin đã khởi sự vào ngày kỷ niệm 50 năm khai mở Công đồng Vatican II. Sự trùng hợp này cho chúng ta thấy rằng Công Đồng Vatican II là Công đồng của đức tin [6], vì Công đồng đã kêu mời chúng ta hãy trả lại cho trung tâm cuộc sống chúng ta, của Giáo hội và từng cá nhân tính ưu việt của Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Thực vậy, Giáo hội không bao giờ cho rằng đức tin như một sự kiện được thủ đắc, nhưng Giáo hội biết rằng ân sủng này của Thiên Chúa phải được nuôi dưỡng và củng cố, để nó có thể tiếp tục hướng dẫn lộ trình của mình. CĐ Vat II đã thực sự tỏa chiếu đức tin vào bên trong kinh nghiệm nhân loại, cùng bước đi trên mọi nẻo đường của nhân loại hôm nay. Theo cách này đức tin được xuất hiện làm phong phú cuộc sống nhân loại trong tất cả mọi chiều kích của nó. 

7. Những nhận xét này về đức tin - liên tục với tất cả những gì mà Huấn quyền của Giáo hội đã nói về các nhân đức đối thần [7] – có ý bổ sung vào tất cả những gì Đức Thánh Cha Benêđictô XVI đã viết trong thông điệp và Bác ái và Hy vọng.  Ngài gần như đã hoàn tất bản thảo đầu tiên thông điệp về Đức tin. Tôi vô cùng biết ơn ngài, trong tình huynh đệ của Đức Kitô, tôi đảm nhận công việc quý giá của ngài, bổ sung thêm vài văn bản để đóng góp thêm nữa. Thật vậy, đấng kế vị Thánh Phêrô, hôm qua, hôm nay và ngày mai, luôn được mời gọi để “củng cố tình huynh đệ” trong kho tàng vô giá của đức tin mà Thiên Chúa ban cho như là ánh sáng trên đường đời của mỗi người.

Trong đức tin, ơn sủng của Thiên Chúa, nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa tặng ban, làm cho chúng ta nhận ra Tình yêu vĩ đại đã được hiến tặng cho chúng ta, Lời tốt đẹp được gửi đến cho chúng ta là Đức Giêsu Kitô, Lời đã nhập thể. Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta, soi sáng lộ trình tương lai, và làm lớn lên trong chúng ta đôi cánh của niềm hy vọng để chúng ta bước đi với niềm vui. Đức tin, hy vọng và bác ái hợp thành, trong sự đan kết tuyệt diệu, tính năng động của cuộc sống kitô hữu hướng đến sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Làm sao để con đường đức tin này hé mở trước mắt chúng ta? Đâu là nguồn gốc của ánh sáng quyền năng chiếu soi lộ trình của một cuộc sống thành công và phong phú, đầy tràn hoa trái?

(còn nữa)

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ 

Nguồn tin: Gpquinhon.org

 

 


Văn Kiện Giáo Hội