SỰ TƯƠNG PHẢN VÀ ĐỒNG QUY  GIỮA EROS VÀ AGAPÊ

TRONG THÔNG ĐIỆP THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

 (DEUS CARITAS EST)

Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu là thông điệp khởi đầu triều đại của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, do đó có một tầm quan trọng đặc biệt, như một dẫn nhập vào những giáo huấn, những tư tưởng đường lối và hành động của ngài sau này.

Cách suy nghĩ và quảng diễn của Đức Thánh Cha có gốc rễ sâu xa và đầy đủ trong Kinh Thánh, đồng thời cũng là một cách hiểu và giải thích Kinh Thánh rất cụ thể và mạnh dạn, không tách rời Kinh Thánh khỏi thế giới văn hoá của nhân loại. Quan điểm Kitô giáo về tình yêu, tuy có khác biệt với những suy nghĩ thuần tuý trần tục về tình yêu, vẫn không làm cho tình yêu kitô giáo trở nên lạc lõng giữa thế giới loài người, không ăn nhập gì với thực tế của đời sống con người.

Hơn thế nữa thông điệp ra đời rất đúng lúc, vì thế giới đầy hận thù và bạo lực hôm nay cần phải được thức tỉnh bởi một tiếng nói ngôn sứ vững chắc, đáng tin cậy về những điều gì là cơ bản nhất trong đời sống con người và xã hội. Thế giới đang bị mất phương hướng cần phải được định hướng lại, dựa trên những gì đích thực là cốt lõi và đáng quý trọng nhất của con người.

Bài này chỉ dừng lại hai từ ngữ cơ bản nhất về tình yêu mà Đức Thánh cha phân tích kỷ lưỡng và sâu sắc, làm nền tảng cho suy tư thần học của ngài, đó là các từ eros trong văn hoá hy lạp và nhân loại nói chung, và từ agapê đặc thù của Kinh Thánh và văn hoá Kitô giáo.

1.  Trong văn hoá Hy Lạp và ngoại giáo, điều mà chúng ta gọi là tình yêu được diễn tả bằng từ ngữ eros; còn trong văn hoá Kitô giáo thì được diễn tả bằng nhiều từ, nhưng quan trọng và phong phú hơn cả là từ agapê ( x. số 3 ).

Dưới một vài khía cạnh, hai từ ngữ trên có những khác biệt rõ rệt. Những suy tư sâu sắc của triết gia Platon trong các tác phẩm Le BanquetPhèdre về eros đã trở nên nổi tiếng và thành điểm quy chiếu cho các thời đại.

Eros là một sức bật giúp nâng con người lên từ bình diện khả giác sang bình diện khả tri. Đó là nhu cầu tìm kiếm và sở hữu những gì thiện hảo và hoàn mỹ, là những điều mà con người chưa có được hoặc có rất ít. Eros là một khát vọng, là sự  thèm muốn.

Eros tự nó không có tính chất thần linh, vì nếu đích thực là thần linh, thì không thiếu thốn, không có khát vọng vì không có nhu cầu. Thần linh không yêu thương, nhưng có thể được yêu mến, ngưỡng mộ. Còn con người không bao giờ sở hữu trọn vẹn những điều họ cần và tìm kiếm, nên không bao giờ thoả mãn, và luôn tìm cách có được nhiều hơn, trở nên hoàn thiện, đẹp đẽ hơn. Đó là sức mạnh của linh hồn, làm cho linh hồn mọc cánh để bay cao hơn.

Các bậc thang tình yêu là một ẩn dụ để diễn tả tình yêu. Con người có thể leo lên các nấc thang ấy nếu nỗ lực tối đa. Nấc thang đầu tiên của eros là yêu thích vẽ đẹp thể lý. Nấc thứ hai là yêu chính linh hồn mình. Nấc thứ ba là yêu mến các sinh hoạt và sản phẩm của linh hồn. Nấc thứ tứ tư là yêu thích sự hiểu biết chân lý. Nấc thứ năm là chiêm ngắm và thưởng thức cái Đẹp và Thiện hảo tự tại và nên một với chúng: ở đây có thể có một loại kinh nghiệm thần bí, một sự xuất thần.

Trong viễn tượng này, eros là một chỗ nối kết (copula mundi), là một sức mạnh đưa từ khả giác lên siêu giác. Và sức mạnh này nối kết toàn bộ thực tại phi thần linh làm một (hướng về Thiện và Mỹ). Bản chất của eros là một sức mạnh chiếm hữu, muốn đạt tới và sở hữu điều mình còn thiếu.

2.  Ý niệm agapê của Kitô giáo, dưới nhiều khía cạnh, tương phản với eros:

Sức mạnh của agapê không nằm trong “chiếm hữu”, mà nằm trong cho đi (don).

Agapê là một sức mạnh từ trên xuống (descendant) tương phản với sức mạnh “từ dưới lên” (ascendant) của eros. Thiên Chúa là Tình yêu cho đi trọn vẹn, cho đi tất cả: “ Thiên Chúa yêu mến thế gian đến nỗi ban Con một mình cho thế gian”… Ở đây vừa có một sự đảo ngược trong quan niệm về Thiên Chúa, và một sự đảo ngược khác trong quan niệm về Tình yêu.

Tình yêu Kitô giáo không là một sự chiếm đoạt (conquête), mà là một hồng ân, là ân sủng con người nhận lãnh từ Thiên Chúa.

Trong khi eros là khát vọng, thì agapê là hy sinh.

Eros càng cao thượng khi đối tượng càng “vĩ đại”. Trên bình diện này Tình yêu đối với Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ “vĩ đại nhất”. Còn agapê càng cao cả khi đối tượng càng “nhỏ bé” (những con người phận nhỏ, những ai yếu đuối, đau khổ, bệnh tật, bị áp bức…)

3. Đối với Platon, nếu không có cái đẹp, thì cũng không có eroseros đưa chúng ta đi từ cái đẹp khả giác đến cái đẹp vĩnh hằng (sự Thiện Tuyệt đối).

Cái đẹp đồng nhất với mô thể (forma): diễn tả những tương quan hoà điệu. Thiên Chúa là “thước đo tuyệt đối” của mọi thực tại, do đó cái đẹp là “biểu hiện trọn vẹn nhất” của Thiên Chúa.

Cái đẹp có đặc điểm là “khả năng mạc khải thực tại siêu giác” (thế giới của những giá trị), nhờ các giác quan, nhất là thị giác. Với thị giác, ta không thấy được sự khôn ngoan hay những giá trị khác ngoài cái đẹp.

Agapê cũng gợi lên một điều tương tự, trên bình diện khác: nối kết tình yêu với cái đẹp, nhưng hiểu cái đẹp theo một nghĩa đảo ngược. Nếu Tình yêu tuyệt đối đồng nhất với cái Đẹp tuyệt đối, thì theo quan điểm của agapê, cái Đẹp tuyệt đối, chính là Tình yêu của Đức Kitô, Đấng đã tự hiến cho loài người để cứu rỗi họ, Đấng đã hạ mình thấp hèn đến nỗi kẻ bất hạnh nhất trên đời cũng chắc chắn mình được Người yêu thương. Nơi Đức Kitô, cái Đẹp biểu lộ trọn vẹn sự huy hoàng của mình, và có thể cứu độ tất cả theo một nghĩa tuyệt đối.

4. Suy niệm về Tình yêu của Thiên Chúa, triết gia Kierkegaard viết: Thiên Chúa là Tình yêu, và Tình yêu có tương quan đảo ngược với sự vĩ đại và cao cả của đối tượng. Kẻ bị bỏ rơi ở trần gian là người được Thiên Chúa yêu thương nhiều nhất.

Gioan Phaolô II viết: Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên thập giá đã trao cho sự đau khổ một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ, vì có khả năng biến đổi nó từ bên trong. Cuộc khổ nạn ấy đã đưa vào lịch sử loài người là lịch sử của tội một sự đau khổ vô tội, sự đau khổ duy nhất do Tình yêu. Chính sự đau khổ này mở cửa cho niềm hy vọng giải thoát, loại trừ hẳn mũi nhọn không ngừng tra tấn nhân loại. Đó là nỗi đau khổ thiêu đốt sự dữ bằng ngọn lửa Tình yêu. Cái Đẹp đích thực cứu độ chúng ta: cái Đẹp của Tình yêu tuyệt đối thiêu đốt sự dữ bằng ngọn lửa Tình yêu.

Thánh Augustinô viết: “Khi yêu mến Ngài, lạy Chúa, tôi yêu mến gì? Không phải một vẽ đẹp thể xác, không phải một duyên dáng chóng qua, không phải sự huy hoàng của ánh sáng… Nhưng tôi yêu tất cả những điều ấy… trong ánh sáng vô hạn, nơi vang lên tiếng nói mà thời gian không thể làm mất được…”

5. Theo nhà thần học Moellendorf, không có điểm nào chung giữa eros của Platon và agapê Kitô giáo (đặc biệt trong thư 1 Cr 13).

Người ta đã trách thánh Augustinô quá nhấn mạnh đến lòng khao khát Thiên Chúa của con người, coi đó là sử dụng lại ý niệm eros của Platon không đúng chỗ và đúng cách, và đó là một sự “thoả hiệp”. Thực ra thánh Augustinô không thoả hiệp hai quan niệm khác nhau về tình yêu. Người khẳng định dứt khoát: “cả đời sống Kitô hữu là một khát vọng thánh thiện”. Nhưng khát vọng đó không khác với “tình yêu ban tặng” của Thiên Chúa, nhưng là thành phần của hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người.

Có những lúc Thiên Chúa bắt chúng ta chờ đợi, khi ấy Thiên Chúa muốn nới rộng khát vọng của chúng ta. Khi khơi dậy khát vọng nơi ta, Ngài mở rộng tâm hồn ta, làm cho ta có khả năng đón nhận Ngài.

Sự nới rộng lòng khao khát nằm trong kích thước tình yêu ban tặng; Thiên Chúa yêu thương ta và làm cho ta khát vọng yêu mến Ngài.

6. Trong thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, Đức thánh Cha Bênêđíctô XVI  khẳng định rõ ràng sự dung hợp hai ý niệm eros agapê. Người có lập trường rất rõ ràng nghiêng về sự dung hoà hai ý niệm erosagapê.

Ngoài hai lối giải thích riêng lẻ: tình yêu là eros tương phản với “bác ái” là agapê, còn có một lối giải thích thứ ba: Tình yêu là “agapê” bao hàm “eros”. Trong cách giải thích thứ ba này, có sự nới rộng và biến đổi một vài đặc điểm cốt yếu của eros, nâng cao giá trị của nó trong chiều kích của agapê.

Hình ảnh Kinh Thánh của tình yêu ấy là cái thang Giacób: eros đi tìm kiếm Thiên Chúa, và agapê trao lại hồng ân đã nhận lãnh.

(Phần lớn những tư tưởng trên đây là của thần học gia Giovanni Reale đã được trình bày trong số báo Người quan sát Rôma bằng tiếng Pháp, số 2947, ra ngày 05 tháng 09 năm 2006, dưới tựa đề là Eros et agapê: opposition et convergence structurelles dans la conception de l’amour).

 

+ ĐGM. Phaolô BÙI VĂN ĐỌC 

 


Mục Lục Tài Liệu GH