Bài 1:

PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ CỦA ĐỨC KITÔ.

 

Tài Liệu thường Linh mục Giáo phận Nha Trang về  chủ đề Thánh Phaolô, nhà giáo dục đức tin.                                                                                            

Gm. Giuse Võ Đức Minh



Phaolô, Tông đồ của Đức Kitô Giêsu theo Thánh chỉ của Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta và Đức Kitô Giêsu, hy vọng của ta“ (1 Tm 1,1).

Đó là tước hiệu Phaolô thường dùng trong đời sống thường nhật, trong các tương quan cá nhân cũng như trong các thư gửi các môn đệ, gửi các Giáo đoàn: “Phaolô, nô lệ của Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm Tông đồ, được tách riêng để giảng Tin mừng của Thiên Chúa“ (Rm 1,1).


Trước hết, Phaolô cho chúng ta biết ngài là người con của Dân tộc Israel (Gl 1,13-14; 2 Cr 11,22; Rm 9,1-5; 11,1; Pl 3,4-6). Phaolô luôn tự hào và hãnh diện về nguốn gốc của mình: được thuộc về dòng tộc và đoàn dân mà Thiên Chúa đã tuyển chọn từ ngàn xưa.


Truyền thống của tổ tiên cùng với những biến cố, những nhân vật trong lịch sử Dân Thiên Chúa như hoà quyện trong dòng máu, trong hơi thở của Phaolô. Chắc chắn Phaolô rất sung sướng và tâm đắc về lời tuyên bố được ghi lại trong Phúc âm theo Thánh Gioan: “Ơn cứu độ đến từ người Do thái“ (Ga 4,22).


Ngài hãnh diện về quá khứ của Dân Do thái. Ngài xuất thân trong dòng tộc Bengiamin, hấp thụ nền giáo dục truyền thống, chính thống, căn bản, tuân giữ Lề luật hết sức nghiêm nhặt, thụ giáo với vị Rabbi rất nổi tiếng thời bấy giờ là Gamaliel; cho đến độ, ngài không ngần ngại tuyên bố mình là người “vô phương trách cứ, chiếu theo đức công chính trong Lề luật “ (Ph. 3, 6).


Ngài yêu mến, gắn bó, biết ơn Dân tộc mình; đau khổ trước sự chai cứng của họ đối với Tin mừng mà Ngài rao giảng; thậm chí ngài có lúc đã diễn tả khát vọng sâu xa, như tiếng nói tâm sự của mình: nếu có thể đánh đổi mạng sống mình để anh em đồng loại được ơn cứu rỗi, thì chắc là ngài cũng sẵn sàng !


Điều tuyệt diệu là dầu đối diện với sự chống đối quyết liệt của những người đồng hương đối với Sứ điệp về Đức Giêsu Nadarét mà ngài xác tín và rao giảng, ngài vẫn có cái nhìn đầy tràn hy vọng khi tin tưởng vào hồng ân của Thiên Chúa mà nhìn về tương lai của Dân tộc mình: họ sẽ được ơn hoán cải, họ sẽ tin nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu độ, để hưởng trọn vẹn đặc ân mà Thiên Chúa dành cho Dân ưu tuyển của Người. (Rm 11,1-36).


Chúng ta tìm hiểu 3 yếu tố sau đây về Phaolô:


* Tông đồ (Apostolos) trong xã hội Hy – La.

* Tông đồ (Apostolos) trong nhãn quan Tân Ước.

* Phaolô, Tông đồ của Đức Kitô. (Paolos, Apostolos Iêsou Kristou)

 

I. Tông đồ (Apostolos) trong xã hội Hy – La.

 

Ngay từ thời khởi đầu Công nguyên, danh từ Apostolos chỉ người đem một thông điệp, một lệnh truyền; và như thế, người đó nhận thông điệp từ một nơi và có nhiệm vụ đem thông điệp đó đến một nơi khác, thường là một nơi ở xa.


Theo sử gia Flavius Josephe, ông Varus đã cho phép “một phái bộ“ (apostolos) người Do thái đi đến Roma.


Như vậy, ý nghĩa nguyên thủy của Apostolos là việc sai đi thi hành một lệnh truyền, đem theo một thông điệp, đi ra khỏi xứ sở, khỏi quê hương.


Đến thế kỷ thứ 4, Apostolos chỉ một cuộc viễn du bằng thuyền; người thi hành sứ mệnh phải dùng thuyển, đi trên sông, trên biển; vượt sông, vượt biển.


Trên các bản chỉ thảo (papyrus), đây là giấy cho phép chuyên chở lúa gạo trên sông Nil, đi từ các vựa lúa chính thức trong các địa phương đến cảng Alexandria; Apostolos chính là giấy phép, giấy thông hành để xuất cảng.


Đối chiếu ý nghĩa của Apostolos trong xã hội thời đầu Công nguyên và trong cách sử dụng của Hội thánh sơ khai, cách riêng trong các Thư của Thánh Phaolô, chúng ta thấy chỉ có một điểm trùng hợp duy nhất là ý nghĩa “được sai đi“, “được ủy nhiệm“.


Ý nghĩa nầy khiến chúng ta liên tưởng Apostolos đến từ ngữ Shaliakh được sử dụng thường xuyên thời Giáo hội sơ khai.


Apostolos < Shaliakh: người được sai đi, người được ủy thác công việc, người được ủy quyền, người đại diện của một người khác; khiến tư cách, lời nói, việc làm, quyết định của mình có liên hệ đến người ủy thác cho mình.


Trong ý nghĩa đó, Shaliakh của một người được xem như chính con người đó.


Trong lãnh vực tôn giáo, khi một người được Thiên Chúa chọn và tín nhiệm ở địa vị Shaliakh, thì lời nói và hành động của người đó có giá trị như là lời nói và hành động của chính Thiên Chúa (Baba mesia, 86 b), như trường hợp của Abraham, của Tiên tri Elya hay Tiên tri Elisa (Midras. Ps 78).


Trong văn chương Do thái, các Thầy Rabbi quan niệm vị Tư tế đang thi hành công việc tế tự như là vị Shaliakh của Thiên Chúa; ngài thực hiện những điều “mà con người bình thường không làm được“ (Quiddishim, 23 b); cũng thế, trong nghi thức ngày lễ Xá tội (Yom Kippur), họ gọi vị Thượng tế là “vị đại diện của toàn dân trước mặt Thiên Chú “ (Iona 1, 5; Gittin 3, 6). Trong sách Mischna và sách Talmud, Shaliakh là vị đại diện cho cộng đoàn (Rosh-ha-Shanah 4, 9), được cộng đoàn ủy nhiệm và trao cho các quyền đại diện.


Yếu tố này khiến chúng ta lưu ý: Shaliakh không phải chỉ là người được Thiên Chúa chọn và sai đi; mà còn là người đuợc toàn dân tín nhiệm ủy thác sứ vụ thay thế cho mình để đến với Thiên Chúa.


Những khái niệm vừa kể trên dần dần được sử dụng trong văn chương Tân Ước cũng như trong các tổ chức của Giáo hội sơ khai: “Trong những ngày ấy, Ngài (Đức Giêsu) ra núi cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ngày đến, Ngài kêu các môn đồ lại và chọn lấy trong họ một nhóm mười hai, mà Ngài gọi là Tông đồ“ (Lc 6,12-13) (kai apostolous ônomasen).


Trong số các môn đồ (mathêtai < talmidim = môn sinh của người thầy), là những kẻ đi theo Ngài, chia sẻ cuộc sống với Ngài, thuộc về Ngài, Ngài đã tuyển chọn 12 người và chính Ngài đã gọi họ là “ Tông đồ “ (Apostolos). Ngài chưa nói rõ nhiệm vụ của họ, ngoại trừ điều mà Thánh sử Marcô ghi lại: “Ngài kêu nhóm 12 lại, cùng bắt đầu sai họ đi từng hai người và cho họ quyền năng trên các thần ô uế“ (Mc 6,7). Việc Đức Giêsu “sai đi“ (apostellein < Shaliakh) và việc họ đón nhận “quyền năng“ (exousia) từ Đức Giêsu là những yếu tố nền tảng cho sứ vụ “Tông đồ“ (Apostolos) trong Hội thánh của Đức Kitô.

 

II. Tông đồ (Apostolos) trong nhãn quan Tân Ước

 

1/ Tông đồ: con người được kêu gọi.


Tông đồ là con người tôn giáo, sống giữa nhiều người khác, được tách riêng ra, được Đức Kitô tuyển chọn và kêu gọi. Như vậy, người tông đồ chia sẻ đời sống với Đức Kitô, từ bỏ của cải riêng tư của mình, nghề nghiệp của mình, gia đình của mình để được đồng số phận với Ngài (Mt 20,23), để lãnh nhận cùng phép rửa mà Ngài đã nhận (Mc 10,39). Thánh Luca còn nhấn mạnh thêm: “… 

Đức Giêsu đã làm và đã dạy cho đến ngày Ngài siêu thăng, sau khi đã ban lời chỉ giáo cho các Tông đồ, mà thể theo Thánh Thần Ngài đã tuyển lựa
“ (Cv 1,2; Ga 15, 16.19). Thánh Phaolô minh chứng và quả quyết về sứ vụ Tông đồ mình đã lãnh nhận: “Phaolô, nô lệ của Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm Tông đồ“ (Rm 1,1); như vậy, Tông đồ trước hết là do ơn kêu gọi. Phaolô thường dùng công thức này để diễn tả địa vị Tông đồ của mình: “Phaolô, bởi ý định của Thiên Chúa, đã được kêu gọi làm Tông đồ của Đức Kitô Giêsu“ (1 Cr 1,1; 2 Cr 1,1; Cl 1,1; Ep 1,1). Kiểu nói “của Đức Kitô Giêsu“ (1 Pr 1,1) có ý diễn tả nguồn gốc, thuộc về (x. Rm 1,5), liên hệ đến việc Đức Kitô Giêsu phục sinh đã hiện ra và kêu gọi (1 Cr 9,1; 15,3-9); ơn gọi này càng tăng thêm giá trị khi được khẳng định “bởi ý định của Thiên Chúa“. Điều này cho thấy ơn gọi và sứ vụ Tông đồ của Phaolô có nền tảng vô cùng vững chắc, vì phát xuất từ Thiên Chúa: Tông đồ, không phải nhân danh một người nào, cũng không phải do một người nào, nhưng do Đức Kitô Giêsu và do ý định của Thiên Chúa (Gl 1,1). Từ ngữ sử dụng là Thêlêma tou Thêou đồng nghĩa với Epitagê (2 Tm 1,1; 1 Tm 1,1; Tt 1,1) có nghĩa đây là một lệnh truyền bất chấp mọi điều trái ngược, một lệnh truyền không thay đổi và phải chấp hành lập tức. Bởi thế, chức danh Tông đồ của Phaolô là chính thức và vững bền.

 

2/ Tông đồ: con người được sai đi đến với người khác.

 

Đây là nét đặc trưng của người Tông đồ: được một người sai đi đến với những người khác, trong tư cách là người được ủy nhiệm, làm đại diện cho người sai mình đi. Apostolos: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai không lớn hơn người sai nó“ (Ga 13,16); “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: ai đón tiếp kẻ Ta sai đến, là đón tiếp Ta; mà ai đón tiếp Ta, tức là đón tiếp Đấng đã sai Ta“ (Ga 13,20). Thái độ người ta đối xử với vị Shaliakh trên thực tế chính là thái độ người ta dành cho Đấng đã tuyển chọn và ủy nhiệm cho vị Shaliakh.


Sứ vụ của Tông đồ trước hết là rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Đức Giêsu (x. Mc 3,14; Mt 28,20; 1 Cr 1,17; 1 Tx 2, 2.4; Rm 11,13-14; 1 Cr 1,17; Gl 1,16; Ep 3,8; Cv 1,22); đàng khác sứ vụ Tông đồ còn là thiết lập các giáo đoàn (1 Cr 9,2), thi hành năng quyền tha tội (Ga 20,23), thông ban ơn Chúa Thánh Thần (Cv 8,18), truyền chức các vị trợ tế (Cv 6,6), thiết định hàng trưởng tế (Tt 1,5). Sách Công vụ Tông đồ và những chỉ dẫn của Giáo Hội sơ khai còn cho thấy, do đối tượng mà người Tông đồ được sai đến gồm những nơi và những người khác nhau, tạo nên những cử toạ khác nhau: Phêrô được sai đến những người đã được cắt bì (Gl 2,7); còn Phaolô lại được sai đến với lương dân (Rm 11,13; 2 Cr 10,13-16).

 

3/ Tông đồ, con người có thẩm quyền.

 

Vì được tham dự vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nên việc này đòi buộc vị Tông đồ phải có quyền năng và thẩm quyền (Lc 24,49; 1 Tx 1, 5). Chính Đức Kitô ban cho các ngài Thánh Thần và quyền năng (exousia) trên các ma quỷ. Trong tư cách là những vị thừa kế và đại diện của chính Đức Kitô, các Tông đồ trở nên những vị thừa sai lữ hành, những người đứng đầu các Cộng đoàn, những vị được thừa ủy thẩm quyền của chính Đức Kitô: “…. Có lắm điềm thiêng và dấu lạ đã xảy ra do các Tông đồ làm“ (Cv 2,43; Cv 4,33.37; Cv 5,12). Các ngài thi hành sứ vụ “trong quyền năng của Thiên Chúa“ (2 Cr 6,7). Đây là điều làm tăng thêm uy tín cho các Tông đồ khi các ngài giảng dạy cũng như khi các ngài điều hành Cộng đoàn (2 Pr 3,2; Gđ 17), bởi lẽ, các ngài chỉ là những người truyền đạt cho người khác Lời mà các ngài đã lãnh nhận từ vị Thầy của mình (1 Tx 2,13: “anh em đã đón nhận Lời Thiên Chúa từ nơi chúng tôi, không phải như lời của người phàm, mà là Lời của Thiên Chúa“). Các Tông đồ ý thức rõ về thẩm quyền của mình, một thẩm quyền không phát xuất từ người phàm, nhưng là phát xuất từ Thiên Chúa “lời tôi nói, việc tôi rao giảng đã không cốt nơi lời lẽ có sức thuyết phục của khoa khôn ngoan, nhưng nơi việc chứng minh bằng vào Thần Khí và quyền phép …“ (2 Cr 2,4-5; 2 Cr 4,7; 6,7; 10,6; 13,9; Ep 3,7; Cl 1,29); thậm chí các ngài không ngần ngại nói tới những lời rao giảng của mình phát xuất từ sự khôn ngoan của chính Thần Khí Thiên Chúa (1 Cr 4,13).


Điều đặc biệt của Tông đồ, là tuy có thẩm quyền lớn lao như thế, nhưng các ngài không bao giờ đòi đặc quyền, đặc lợi; ngược lại, các ngài càng thi hành sứ vụ tông đồ nơi người khác, thì càng ý thức và chứng tỏ mình chỉ là những người tôi tớ (Ga 13,12-17; Lc 22,25-27).


Apostolos là một tước hiệu đầy vinh dự: “… tôi là người mạt nhất trong các Tông đồ, vả cũng không đáng gọi là Tông đồ nữa, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa“ (1 Cr 15,9); “dẫu rằng vì là Tông đồ của Đức Kitô, chúng tôi có thể đòi người ta phục dịch“ (1 Tx 2,7); “… Các thánh Tông đồ“ (Ep 3,5); bởi vì Tông đồ được gọi theo thánh ý của Thiên Chúa là những người hoàn toàn được thánh hiến cho Thiên Chúa (Ga 17,19: “và vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật“).  

 

4/ Tông đồ: nhóm 12 và những vị trong các lãnh vực khác.

 

Trong Tân Ước, từ ngữ “Tông đồ“ được sử dụng cho hai nhóm người đặc biệt:


Nhóm 12 Tông đồ và nhóm thi hành sứ vụ Tông đồ trong các lãnh vực khác.


Nhóm 12 do Đức Giêsu Nadarét kêu gọi; và sau biến cố Giuđa Iscariốt, Hội thánh đã bổ sung bởi việc bầu chọn Matthia “để kế chỗ trong công việc phục vụ và sứ mạng tông đồ này …… Họ đã bỏ thăm và thăm nhằm Matthia và ông đã được liệt hàng với Mười một Tông đồ“ (Cv 1,25-26).


Chắc chắn, trong nhãn quan Tân Ước, nhóm 12 có ý nghĩa rất quan trọng.


Luca 6,13 chỉ rõ: “Ngài kêu gọi các môn đồ lại và chọn lấy trong họ một nhóm Mười Hai mà Ngài gọi là Tông đồ“;

Matthêô 10,2 nhấn mạnh: “Đây là tên của 12 Tông đồ….“;

Marcô 3,13-19 quảng diễn: “Rồi Ngài lên núi và kêu lại những kẻ Ngài muốn. Và họ đến với Ngài. Ngài đã đặt một nhóm Mười Hai để họ ở với Ngài và để Ngài sai đi rao giảng và được quyền năng trừ quỷ. Ngài đã đặt nhóm 12 ……“.


Con số 12 trong tâm trí của Đức Giêsu không nhằm mục đích nào khác ngoài sứ mạng đặc biệt đã được ghi dấu trong lịch sử Dân Chúa: 12 Vị đứng đầu các chi tộc của đoàn Dân Israel trong thời Cựu Ước, được tiếp nối một cách kỳ diệu bởi 12 Tông đồ, thủ lãnh của đoàn Dân trong thời Tân Ước.


12 Sheloukhim (số nhiều của từ Shalakh) này là những người được ủy nhiệm, những người đại diện, những người được hưởng mọi năng quyền của Đức Kitô: “Ai nghe các con là nghe Thầy; ai khước từ các con là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy “ (Lc 10,16; x. Mt 10,14).


Bởi đó, thẩm quyền của Nhóm 12 là lãnh đạo Giáo Hội của Đức Kitô (Mt 19,28; “…khi Con Người ngự trên ngai vinh hiển Ngài, cả các ngươi nữa cũng sẽ ngồi trên 12 ngai mà xét xử mười hai chi họ Israel“; Lc 22,28-30: “….. các ngươi sẽ được ngự trên ngai mà đoán xét mười hai chi họ Israel“); họ là những vị có thế giá (hoi dokountes: Gl 2,2.6); họ là những vị thẩm phán, những vị cầm cương nẩy mực về tính chính thống của giáo thuyết, là những nền móng của Giáo Hội (Kh 21,14: “Tường thành đặt trên 12 móng, trên các móng là 12 tên của 12 Tông đồ của Chiên Con“).

Ngoài ra, trong Tân Ước còn đề cập đến sự kiện hết sức quan trọng liên quan đến chức danh Tông đồ: đó là việc Đức Kitô phục sinh, trước hết đã hiện ra với Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai (1 Cr 15,5); sau đó với hơn năm trăm anh em, với Giacôbê, với các tông đồ hết thảy, và “cuối cùng, Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa“ (tôi = Phaolô) (1 Cr 15,8).


Như vậy, bản văn Tân Ước cho chúng ta thấy từ ngữ “Apostoloi“ không chỉ dành riêng cho nhóm 12, mà còn đề cập đến những người khác nữa, trong đó có Phaolô. Những người được mang danh hiệu là Apostoloi sau nhóm 12 rất có thể là những vị được Thiên Chúa sai đi rao giảng Tin mừng về Đức Giêsu, được sự ủy thác chính thức của Hội thánh trong những phần vụ khác nhau: “Và Thiên Chúa đã đặt trong Hội thánh: trước tiên là các Tông đồ; thứ đến là các tiên tri; ba là tấn sĩ; rồi các phép lạ; rồi các đặc sủng chữa bịnh, các việc từ thiện và quản trị, các loại ngôn ngữ. Phải chăng hết thảy là tông đồ ? Phải chăng hết thảy là tiên tri ? Phải chăng hết thảy là tấn sĩ ? Phải chăng hết thảy đều làm phép lạ? Phải chăng hết thảy đều có đặc sủng chữa bịnh? Phải chăng hết thảy đếu nói ngôn ngữ? Phài chăng hết thảy đều diễn giải ngôn ngữ ? Anh em hãy hăm hở sao cho được những ân điển trọng hơn“ (1 Cr 12,28-31; Ep 4,11: “Chính Ngài đã ban cho: người thì làm tông đồ, kẻ thì làm tiên tri, người thì làm giảng viên, kẻ thì làm vị chăn chiên, làm thầy dạy“).


Như thế, rõ ràng không có gì mâu thuẫn giữa những vị Tông đồ thuộc Nhóm 12 do chính Đức Giêsu Kitô tuyển chọn và những vị Tông đồ trong nhiều phận vụ khác được sự ủy nhiệm chính thức của Hội thánh “thể theo ý định của Thiên Chúa“.


Dựa trên những phân tích này, chúng ta có thể nói: những vị thuộc Nhóm 12 là các Tông đồ theo định chế của Dân Chúa; còn những vị khác là những Tông đồ theo đặc sủng để phục vụ Dân Chúa.


Một yếu tố khác cũng khiến chúng ta lưu ý, đó là Sách Công vụ các Tông đồ thường liên kết kiểu nói “Các Tông đồ và hàng niên trưởng“ (x. Cv 15, 4.6.22.23). Barnaba, một cộng sự viên quý giá của Phaolô (Cv 14,4.14; 2 Cr 12,7) cũng như những vị thừa sai nhiệt thành như Andronico và Giunia cũng được gọi là “Tông đồ“ (Rm 16, 7: “… họ là những người trổi trang trong hàng tông đồ và đã thuộc về Đức Kitô trước tôi“).


Với đà phát triển của Hội thánh, danh xưng “Tông đồ“ cũng được dùng cho nhiều người và thậm chí đã có lúc bị lạm dụng, như trường hợp một số tín hữu Kitô gốc Do thái muốn làm tông đồ, cốt để kéo mọi người trở về đạo Do thái, hoặc có lối hành xử cứng cỏi theo định kiến chủ quan của mình, không hiệp thông với giáo huấn của thẩm quyền trong Hội thánh: “Thiết tưởng, nào tôi có thua gì những ‘tông đồ thượng đẳng’ kia“ (2 Cr 11,4); “tôi vừa phát khùng đó ! Chính anh em đã câu thúc tôi ! Vì việc tuyên dương ấy, đáng lẽ anh em phải làm thay tôi: vì nào tôi có thua kém gì các ‘tông đồ thượng đẳng’ kia, tuy rằng tôi chỉ là không.“ (2 Cr 12,11); những lạm dụng danh xưng Tông đồ cũng như những vị không đồng tâm nhất trí với giáo huấn của Hội thánh ngay từ thời Giáo hội sơ khai cũng đã được gạn lọc rõ ràng: “Vì những người như thế là tông đồ giả (pseudapostoloi), là hạng thợ gian, trá hình, giả dạng làm tông đồ của Đức Kitô“ (2 Cr 11,13).

Giáo đoàn Ephêsô được khen ngợi, vì đã chỉ rõ cho Dân Chúa biết đâu là tông đồ thật, đâu là tông đồ giả: “Ta biết công việc của ngươi, nổi vất vả cùng sự chịu đựng của ngươi; Ta biết ngươi không thể dung phường bất lương; ngươi đã thử thách những kẻ tự xưng là tông đồ, nhưng kỳ thực thì không, và đã nghiệm thấy chúng là phường láo khoét“ (Kh 2,2).

 

5/ Tông đồ: theo gương mẫu Đức Kitô, vừa là Tông đồ, vừa là Thượng tế.

 

Do đó, hỡi anh em chư thánh, những người đã được thông chia thánh triệu bởi trời, anh em hãy nhìn ngắm vị Sứ giả (Apostolos = Tông đồ), vị Thượng tế (Arkhiereus) trong tín điều của ta, Đức Giêsu“ (Dt 3,1). Câu này có nghĩa là: nhờ hồng ân bởi trời, anh em đã được hiến thánh; do đó, với cái nhìn đức tin, anh em hãy chiêm ngắm Đức Giêsu: chính Ngài là Vị Tông đồ và là Thượng tế trong đạo của chúng ta !


Đây là lần duy nhất trong Tân Ước đề cập đến danh xưng “Tông đồ = Apostolos“ cho Đức Giêsu. Rất có thể từ ngữ Apostolos ở đây quảng diễn ý nghĩa của Shaliakh trong Thánh Kinh Cựu Ước để giới thiệu Đức Giêsu là Đấng được sai đến; nhưng có lẽ chính xác hơn là để gợi lên hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước khi đề cập đến hình ảnh “Sứ giả của Giavê“ (Male-akh Yaweh)> Male-akh Yaweh chính là Vị Sứ giả (Apostolos), thay mặt cho Yaweh, đồng hành và dẫn dắt Israel trong suốt cuộc hành trình sa mạc (Xh 14,19; 23,20.23; 32,34; 33,2; Ds 20,16). Male-akh Yaweh chính là ơn cứu trợ mà Thiên Chúa đã thực hiện cho Dân Người; Ngài là nhân vật “trung gian“ của Giao Ước mà Thánh Kinh thường nhắc tới.


Thế nhưng khi Tân Ước liên kết hai chức danh của Đức Giêsu là “Apostolos – Arkhiereus“, rồi quả quyết sự kiện đó thuộc tín điều của chúng ta, ở trong đạo của chúng ta; mà chức danh “Thượng tế“ của Đức Giêsu được tỏ hiện trong Mầu nhiệm Vượt Qua (Tử nạn – Phục sinh – Lên trời), thì vai trò “Tông đồ = Sứ giả = Apostolos) của Ngài là do ai đề cử ?


Chiêm ngắm Đức Giêsu trong tư cách là “Sứ giả“ của thiên Chúa chính là nhận ra Ngài là Đấng “ngự đến nhân Danh Thiên Chúa“, Đấng do Thiên Chúa sai đến trần gian. Phải chăng từ ngữ nầy phát xuất từ chính Đức Giêsu khi Ngài tự giới thiệu về mình trong câu chuyện chữa lành người mù từ lúc mới sinh trong Phúc âm theo Thánh Gioan ? (Ga 9,7; “đoạn Ngài bảo nó: ‘Hãy đi rửa trong suối Siloam’ - có nghĩa là: Kẻ được sai đến“; Siloam = Apestalmenos). Địa danh “Siloam“ (‘kẻ được sai đến’ là cái mương, cái kênh dẫn nước vào Thành Giêrusalem: Giêshuah > Siloam.


Như vậy, hình ảnh Đức Giêsu lãnh nhận sứ vụ: Tông đồ là hình ảnh con người Giêsu mang sứ vụ thần linh lãnh nhận từ Thiên Chúa đến cứu độ loài người.


Còn việc liên kết hai chức danh “Tông đồ - Thượng tế“ nơi Đức Kitô, chính là khẳng định: nhờ Mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Kitô thi hành sứ vụ Thượng tế: Sacerdos – Victima trước Tôn Nhan của Thiên Chúa, bên hữu Chúa Cha; Người còn là “Apostolos“ của Dân Chúa, để đại diện cho Dân Chúa trước mặt Thiên Chúa; Người thực sự là vị Shaliakh – Apostolos của Dân Chúa, được cộng đoàn tín hữu ủy thác để thi hành sứ vụ là “Đấng bầu cử“ cho loài người bên cạnh Thiên Chúa; Ngài trở nên như Đấng Paraklêtos của loài người bên cạnh Thiên Chúa (1 Ga 2,1: “Hỡi anh em, những con thơ bé, tôi viết điều này để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai trót phạm tội, thì này, ta có Đấng bàu chữa nơi Cha, Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính“; phận vụ của Người trong tư cách là Apostolos-Arkhiereus (Sứ giả - Thượng tế) là chuyển cầu không ngừng cho loài người trong Đền thánh thiên quốc: “Và điều gì các ngươi xin nhân danh Ta, Ta sẽ làm, ngõ hầu Cha được tôn vinh nơi Con. Và nếu các ngươi xin gì với Ta, nhân Danh Ta, Ta sẽ làm“ (Ga 14,13-14). Sứ vụ “Tông đồ“ của Ngài, chính là sứ vụ “Thượng tế“ hữu hiệu và có giá trị vĩnh hằng.

 

III. Phaolô, Tông đồ (Apostolos) của Đức Giêsu Kitô.

 

Đời sống tôn giáo sâu xa của Phaolô được bộc lộ rõ ràng và hết sức cụ thể qua cách thức mà Phaolô thực hiện trong sứ vụ Tông đồ của mình. Chính khi lãnh nhận và thi hành sứ vụ “Tông đồ của Đức Giêsu Kitô“, con người Phaolô ngày càng triển nở, được tăng giá trị, thậm chí như được làm cho viên mãn, thành toàn.


Thật vậy, trong ơn gọi Tông đồ, Phaolô nhấn mạnh đến sáng kiến của Thiên Chúa, luôn phát xuất và khởi điểm từ Thiên Chúa. Đây là cái nhìn đầy niềm tin của người tín hữu sống theo truyền thống ngàn đời trong lịch sử của Dân Thiên Chúa. Câu chuyện về ơn gọi Tông đồ của Phaolô hoàn toàn theo mẫu các ơn gọi trong lịch sử thánh: tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa và hoàn toàn do sáng kiến của Thiên Chúa. Ơn gọi của Abraham, của Môsê, của Đavít, của các Tiên tri, từ Samuel, Nathan, đến Êlya, Êlysa, đến Amos, Hôsê, Ysaya,Yêrêmya, Êzêkiel, hay ơn gọi của người Tôi tớ Yaweh, của Đức Maria, của Gioan Tẩy giả, của các Tông đồ trong Nhóm 12, ……. Tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa, do sự hướng dẫn của Thiên Chúa, nhằm hướng tới và hoàn thành sứ vụ trong việc mạc khải và loan truyền mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô.


Nhìn vào con người của Phaolô, trong tư cách là Tông đồ của Đức Giêsu Kitô, chúng ta thấy in đậm dấu ấn của “người Tôi tớ Thiên Chúa“ - một tước hiệu mà Kinh thánh thường dùng để chỉ những người được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi tham dự vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa -; trên nền tảng này, nhờ bén rễ sâu trong lịch sử và truyền thống của Dân tộc mình, sứ vụ Tông đồ của Phaolô không những giúp mọi người đọc lại lịch sử Dân Chúa, chiêm ngắm khuôn mặt và đời sống của những nhân vật được gọi là “Tôi tớ của Thiên Chúa“ trong lịch sử thánh, mà còn kết tụ nơi bản thân mình tất cả những gì liên quan đến vai trò của “Tông đồ: Apostolos < Shaliakh“ trong nhãn quan Tân Ước:

       
            +  người được Thiên Chúa kêu gọi;        

            +  người được sai đến với những người khác, đặc biệt đến với muôn dân;        
            +  người có thẩm quyền để tổ chức và điều hành Cộng đoàn;      
            +  người cộng tác, hỗ trợ và phát huy di sản mà Thiên Chúa đã ký thác cho Nhóm
                Mười Hai;      
            +  người đạt tới mức thành toàn khi hướng tất cả sứ vụ Tông đồ của mình vào việc rao 
                giảng  và làm chứng về mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô, trở nên “đồng hình, đồng 
                dạng với Đức Kitô“ cho đến độ: nếu như Đức Giêsu Kitô đã từng quả quyết “Ai thấy   
                Thầy là đã thấy Cha
“ (Ga 14,9); thì Phaolô cũng không ngần ngại khẳng định: “Tôi 
                sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi
“ (Gl 2,20); do đó, ngài 
                mạnh dạn mời gọi mọi người: “anh em hãy noi gương tôi, vì tôi đã noi gương Đức 
                Giêsu Kitô
“ (1 Cr 11,1).

        

Phaolô giới thiệu mình là con người được Thiên Chúa dành riêng để sai đi đến với lương dân rao giảng Tin mừng cho mọi người; Tin mừng đó đã được các Tiên tri thời Cựu Ước loan báo và chuẩn bị. (Rm 1,1-6: “Phaolô, nô lệ của Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm Tông đồ, được tách riêng để giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, Tin Mừng Người đã hứa trước kia, nhờ các Tiên tri trong Sách Thánh, tức là Tin mừng về Con của Người, Đấng đã xuất từ dòng giống Đavít, theo xác phàm- Đấng đã được đặt làm Con Thiên Chúa quyền năng, theo Thánh Khí, do tự phục sinh từ cõi chết, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: nhờ Ngài, chúng tôi đã lĩnh ân sủng và sứ vụ tông đồ, để vì Danh Ngài, giảng truyền sự vâng phục đức tin, trong mọi dân tộc: trong đó, có cả anh em, những kẻ đã được hiệu triệu theo Đức Giêsu Kitô“).


Về ơn gọi tông đồ, Phaolô cảm nghiệm có điều gì đó như thân phận và sứ vụ của Tiên tri Giêrêmia:

Nhưng khi Đấng đã tách riêng tôi ngay từ lòng mẹ và kêu gọi tôi nhân bởi ân huệ của Người đã có nhã ý mạc khải Con của Người trong tôi, để tôi giảng Tin mừng về Ngài nơi các dân ngoại“ (Gl 1,15-16 // Gr 1,5: “Trước khi Ta nắn ra ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; và trước khi lọt dạ mẹ, Ta đã tác thánh ngươi, Ta đã đặ ngươi làm tiên tri cho các dân tộc“);

Phaolô cũng không ngần ngại so sánh ơn gọi tông đồ của mình với ơn gọi của Môsê: “Mà nếu việc phục vụ án chết, khắc từng chữ trên những tấm đá, đã rạng vẻ vinh quang,khiến cho con cái Israel không thể nhìn mặt Môsê được, bởi vinh quang – cái vinh quang chóng tàn – chói lọi nơi mặt ông, thì sẽ rạng vinh quang hơn biết mấy, việc phục vụ giới Thần Khí ? Vì nếu phục vụ án phạt là mối vinh quang, thì phục vụ sự công chính tất phải ứa tràn vinh quang hơn gấp bội. Quả điều được vinh quang trong chức vụ ấy, khi so với vinh quang siêu vời này, ắt phải kể bằng không. Vì nếu điều chóng tàn còn rạng vinh quang, thì điều còn mãi tất phải rạng vinh quang hơn gấp bội !“ (2 Cr 3,7-11).


Vì đón nhận ơn gọi Tông đồ trực tiếp từ Đức Giêsu, Phaolô đáp trả bằng tinh thần vâng phục và trung thành của người Tôi tớ. Không những Phaolô làm sống lại hình ảnh và sứ vụ của các Tổ phụ, của các Tiên tri, của các Bậc Hiền nhân trong lịch sử thánh, mà ngài còn chiếu toả khuôn mặt và đời sống của chính Đức Giêsu Kitô, người Tôi tớ trung thành của Thiên Chúa.


Là Tông đồ với những thẩm quyền cụ thể của mình, Phaolô đã sống thân phận của người Tôi tớ, thân phận người nhà của Thiên Chúa (Oikonomos): “Đã như vậy, thì người ta hãy coi chúng tôi như những thủ hạ của Đức Kitô và như những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa“ (1 Cr 4,1). Phaolô phục vụ Đức Giêsu Kitô bằng cách công bố cho muôn dân biết ơn cứu độ của Thiên Chúa đã được chính Đức Giêsu Kitô thực hiện cho mọi người và mọi tạo vật. Thi hành sứ vụ Tông đồ, Phaolô không coi đó như là đặc ân riêng của mình; ngài không sáng tác thêm một cái gì mới cũng không rao giảng một nội dung nào khác; ngài chỉ truyền đạt lại nguyên vẹn sứ điệp Tin mừng mà ngài đã nhận trực tiếp từ Đức Giêsu Kitô.


Ngay cả khi tổ chức, điều khiển Giáo đoàn, Phaolô chỉ hướng dẫn họ đến với Đức Giêsu Kitô; dựa trên Kinh thánh và truyền thống của đoàn Dân ưu tuyển, Phaolô cho thấy, mọi người, mọi vật và ngay cả mọi sự chỉ có ý nghĩa và đạt tới tầm mức viên mãn khi hướng về Đức Kitô và phát xuất từ Đức Kitô; vì Đức Kitô là chóp đỉnh và là tâm điểm của lịch sử cứu độ; chỉ một mình Đức Giêsu Kitô mới thực hiện ơn cứu độ; chính Ngài là ơn cứu độ; Đức Kitô, đối với sứ vụ Tông đồ của Phaolô, chính là chìa khoá mở ra tất cả kho tàng Mầu nhiệm của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng cũng như công trình cứu độ; còn tất cả, dầu ở bất cứ cương vị nào, cũng chỉ là con người, là thụ tạo.

 

* * * * * * *

 

Phaolô, Tông đồ của Đức Kitô.

 

Đón nhận ơn thiên triệu Tông đồ của Đức Kitô, Phaolô đã chu toàn một cách tuyệt vời sứ vụ của mình, để lại dấu ấn và trở nên mẫu gương Tông đồ trong dòng lịch sử của Dân Chúa.


Thật khó gặp được một con người hoàn hảo và phong phú như Phaolô: vừa là một người thần bí nội tâm, lại hết sức hoạt động trong mọi môi trường; vừa là một nhà suy tư thần học, lại dấn thân không mệt mỏi trong tư cách nhà thừa sai lữ hành; vừa là con người khai sáng đầy đặc sủng, lại là một người thành thạo trong việc quản trị, tổ chức Giáo đoàn; vừa là một người tuân giữ lề luật một cách nghiêm khắc, lại là một mục tử nhân lành, bao dung; vừa là một người hay lý luận, tranh biện, lại là một nhà linh hướng nhẫn nại, lắng nghe; vừa là một con người rất tự tin cho đến độ gần như là tự phụ, lại là một người rất khiêm tốn, phục vụ;


Biết bao nhiêu mâu thuẫn, nghịch lý nơi chính con người của Phaolô… Chính những đặc điểm này khiến Phaolô mang trong con người của mình những tiềm năng phong phú. Và chính Đức Kitô đã chọn Phaolô, đã biến Phaolô trở nên Tông đồ của mình.


Thật ý vị và chí lý như nhận định của Cha Emile Osty PSS:

“Phaolô là một cây đàn tuyệt diệu mà Đức Kitô đã dùng để làm vang lên mọi âm điệu trong lịch sử Dân Chúa“.

 

Gợi ý thảo luận:

 

Thánh Phaolô đã nói: “Anh em hãy theo gương tôi, cũng như tôi đối với Đức Kitô“ (1Cr 11,1); còn Đức Kitô “trong mọi sự, Ngài đã nên giống các anh em Ngài, đã trở thành Vị Thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương, vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân“ (Dt 2,17).

Là linh mục của Chúa Kitô và Hội thánh, Cha được sai đến sống giữa đoàn chiên và được đoàn chiên tín nhiệm ký thác, khi Cha ở bên Chúa Kitô. Xin Cha chia sẻ kinh nghiệm mục vụ của mình.


Trở về Trang Mục Lục