Bài giáo lý I của ĐTC Bêđictô XVI về Thánh Phaolô:

 

THÁNH PHAOLÔ THÀNH TARSÔ


Trong buổi Triều yết Chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 25-10-2006, Đức Thánh Cha Beneđictô XVI nói:


Anh Chị Em thân mến,


Chúng ta đã kết thúc những bài suy niệm về Mười Hai Thánh Tông Đồ, là những vị được Chúa Giêsu trực tiếp gọi trong thời gian Người còn tại thế. Hôm nay, chúng ta bắt đầu xem xét đến những khuôn mặt của những nhân vật quan trọng khác trong thời Hội Thánh thời sơ khai.

Các ngài cũng đã hiến đời mình cho Chúa, cho Tin Mừng và cho Giáo Hội. Các ngài là những người nam hay nữ, như Thánh Luca đã viết trong sách Công vụ Tông đồ, “đã liều mạng vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (15,26).


Người đầu tiên đã được Chính Chúa, là Đấng Phục Sinh, gọi làm một Tông Đồ thật, chính là Thánh Phaolô thành Tarsus. Ngài nổi bật như một ngôi sao sáng nhất trong lịch sử Giáo Hội, nếu không nói là trong việc thành lập Giáo Hội. Thánh Gioan Kim Khẩu ca tụng ngài như một người cao trọng hơn nhiều thiên thần và tổng lãnh thiên thần (x. Panegirico, 7, 3). Dante Aligheiri trong Hài kịch của Thiên Chúa (Divine Comedy), cảm hứng bởi câu truyện Thánh Luca kể trong Công vụ Tông đồ (x. 9,15), đã diễn tả ngài cách đơn giản là “cái bình được chọn” (inf. 2,28), có nghĩa là một dụng cụ được Thiên Chúa chọn. Những người khác gọi ngài là “Vị Tông Đồ Thứ 13”, hay cách trực tiếp, “vị trước nhất sau vị Duy Nhất”.


Chắc chắn rằng sau Chúa Giêsu, ngài là một trong những vị tiên khởi mà chúng ta biết nhiều nhất. Thực ra, chúng ta không những chỉ có câu truyện mà Thánh Luca viết trong sách Công vụ Tông đồ, mà còn cả một số thư mà chính tay ngài viết, là những văn kiện trực tiếp tỏ lộ cá tính và tư tưởng của ngài mà không qua trung gian.


Thánh Luca cho chúng ta biết tên ngài trước kia là Saulô (x. Cv 7,58; 8,1), cũng là Saulê trong tiếng Hipri (x. Cv 9,14, 17; 22,7, 13; 26,14), như vua Saulê (x. Cv 13,21), và ngài là người Do Thái lưu vong, vì thành Tarsus toạ lạc giữa Anatolia và Syria.


Ngài xuống Giêrusalem rất sớm để học tận gốc Luật Môsê theo chân vị thầy nổi danh là Gamalielê (x. Cv 22,3). Ngài cũng học một nghề thủ công và phổ thông, là đan lều (x. Cv 18,3), mà sau này giúp ngài tự cung cấp cho mình để không trở thành gánh nặng cho Giáo Hội (x. Cv 20,34; 1 Cr 4,12; 2 Cr 12,13).


Thật là một bước quyết định cho ngài khi biết có một cộng đoàn của những người tự nhận là môn đệ của Chúa Giêsu. Ngài biết về Đức tin nhờ họ - được gọi là một “đạo” mới - không đặt Lề luật của Thiên Chúa ở trọng tâm mà lại đặt con người Giêsu, Chịu Đóng Đinh và đã Sống Lại, mà họ còn nối kết người ấy với việc tha tội. Là một người Do Thái cuồng tín, ngài cho rằng sứ điệp này không những không thể chấp nhận được, mà còn gây gương mù, nên ngài thấy có nhiệm vụ phải bắt bớ những người theo Đức Kitô ngay cả ở ngoài Giêrusalem.


Chính trên đường đi Đamascô vào đầu thập niên 30 mà theo lời ngài thì “Đức Kitô đã làm cho tôi thuộc về Người” (Pl 3,12). Trong khi Thánh Luca kể lại sự kiện với nhiều chi tiết - như ánh sáng của Chúa Phục Sinh đã chạm đến ngài và biến đổi đời ngài tận căn thế nào - trong các thư ngài đi thẳng vào điểm căn bản mà không chỉ nói về thị kiến (x. 1 Cr 9,1), mà còn về một sự soi sáng (x. 2 Cr 4,6), và trên hết, về một mạc khải và một ơn gọi trong cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh (x. Gl 1,15-16).


Thực ra, ngài sẽ định nghĩa cách dứt khoát mình là “một Tông đồ bởi ơn gọi” (x. Rm 1,1; 1 Cr 1,1) hay “Tông đồ do Thánh Ý Thiên Chúa” (2 Cr 1,1; Ep 1,1; Cl 1,1), để nhấn mạnh rằng cuộc trở lại của ngài không phải là kết quả của một sự mở mang tư tưởng hay suy tư, nhưng là kết quả của sự can thiệp của Thiên Chúa, một ân sủng không thể lường được của ngài.

Từ đó trở đi, tất cả những gì đối với ngài là có giá trị đều bị đảo lộn trở thành thua thiệt và phân bón (x. Pl 3,7-10). Và từ giây phút ấy, ngài dồn toàn lực vào việc phục vụ một mình Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người mà thôi. Sự hiện hữu của ngài phải trở nên sự hiện hữu của một vị Tông Đồ muốn “trở nên mọi sự cho mọi người” (1 Cr 9,22) mà không giữ lại điều gì cho mình.


Từ đó, chúng ta rút ra một bài học rất quan trọng: điều chính yếu là đặt Đức Kitô ở trọng tâm của đời sống mình, để căn tính của mình được đánh dấu cách rõ ràng bằng cuộc gặp gỡ [Đức Kitô], qua việc kết hiệp với Đức Kitô và với Lời của Người. Trong ánh sáng của Người, các giá trị khác được phục hồi và được thanh luyện khỏi mọi cặn bã.


Một bài học căn bản khác mà Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta là chiều rộng phổ quát đánh dấu việc tông đồ của ngài. Vì cảm nhận cách sâu sắc vấn đề khó khăn của dân ngoại trong việc nhận biết Thiên Chúa, là Đấng ban ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, Chịu Đóng Đinh và Sống Lại, cho mọi người không trừ ai, nên ngài hiến toàn thân để làm cho Tin Mừng này được nhận biết, để công bố ân sủng được tiền định để hoà giải con người với Thiên Chúa, với chính mình và với tha nhân.


Ngay từ giây phút đầu tiên, ngài đã hiểu rằng điều này là một thực thể không những chỉ liên hệ với dân Do Thái hay một nhóm người nào đó, nhưng là một thực thể có giá trị phổ quát và liên hệ với mọi người, vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người.


Điểm khởi hành của các cuộc hành trình truyền giáo của ngài là Giáo Hội ở Antiôkia nước Syria, nơi mà lần đầu tiên Tin Mừng được rao giảng cho người Hy Lạp và danh xưng “Kitô hữu” được đặt cho những người tin vào Đức Kitô (x. Cv 11,20,26).


Từ đó, trước hết, ngài đi Cyprus, rồi vào dịp khác, đến các miền của Tiểu Á (Pisidia, Laconia, Galatia), và sau đó, đến các vùng ở Âu Châu (Maceđonia, Hy Lạp). Các thành phố thời danh nhất là Êphêsus, Phillipphê, Thessalônica, Côrinthô, mà không quên Berêa, Athens và Milêtus.


Trong việc tông đồ của Thánh Phaolô cũng không thiếu gì những khó khăn mà ngài đã can đảm đương đầu vì yêu mến Đức Kitô. Chính ngài đã nhắc lại phải chịu đựng “vất vả… tù đày… đánh đập… nhiều lần chạm trán với tử thần… Ba lần bị đánh đòn bằng roi, 1 lần bị ném đá, 3 lần đắm tàu, trải qua một đêm và một ngày trên biển cả; phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Và không kể các điều khác, còn có những áp lực hằng ngày đè nặng trên tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các giáo hội! (2 Cr 11,23-28).


Từ một đoạn trong thư gửi tín hữu Rôma (x. Rm 15,24.28) xuất hiện một đề nghị của ngài là đi đến cả Tây Ban Nha, đến Phương Tây, để loan báo Tin Mừng khắp nơi, ngay cả đến tận chân trời mà người ta biết đến [vào thời đó]. Làm sao mà chúng ta không thán phục một con người như thế? Làm sao mà chúng ta không cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một vị Tông Đồ có một tầm vóc như vậy?


Chắc chắn rằng ngài đã không thể đương đầu với những khó khăn như thế và đôi khi trong hoàn cảnh tuyệt vọng nếu ngài đã không có một lý do để tin vào một giá trị tuyệt đối, mà trước giá trị ấy, không một ngăn cách nào có thể được coi là không thể vượt qua được. Như chúng ta đã biết, đối với Thánh Phaolô, lý do này là Đức Giêsu Kitô, mà ngài đã viết về Người như sau: “Tình yêu của Đức Kitô thúc đẩy chúng tôi… để những người đang sống không còn sống cho mình nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2 Cr 5,14-15), vì chúng ta và vì tất cả mọi người.


Thực ra, Thánh Tông Đồ đã làm chứng hùng hồn bằng máu của ngài dưới thời Hoàng đế Nêrô ở đây, tại Rôma, là nơi mà chúng ta đang giữ và tôn kính hài cốt của ngài. Thánh Clêmentê thành Rôma, vị tiền nhiệm của tôi ở Toà Thánh này, đã viết về ngài trong năm cuối cùng của thế kỷ thứ nhất: “Bởi vì lòng ghen tương và sự bất hoà mà Thánh Phaolô đã bắt buộc phải chỉ cho chúng ta làm thế nào để đạt được phần thưởng kiên nhẫn… Sau khi rao giảng công lý cho toàn thế giới, và sau khi đã đến tận biên cương của Phương Tây, ngài chịu tử vỉ đạo trước các nhà cầm quyền chính trị; bằng cách ấy ngài từ bỏ cõi đời này và về đến nơi thánh, để trở thành mẫu gương cao quý về kiên trì” (Thư gửi tín hữu Côrinthô, 5).


Nguyện xin Chúa giúp chúng ta thực hành lời khuyên nhủ mà Thánh Tông Đồ để lại cho chúng ta trong các thư của ngài: “Anh chị em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1 Cr 11,1).

 

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ