ÐỂ ANH EM SINH NHIỀU HOA TRÁI

Việc Huấn Luyện Giáo Dân

(Tông huấn Kitô hữu giáo dân chương V, số 57 - 64)

 

Lm. Giuse Võ Ðức Minh, Trình bày

 

1.   Mục tiêu huấn luyện

a. Luôn đạt đến sự trưởng thành hơn

b. Khám phá và sống ơn gọi cũng như sứ vụ cá nhân của mình

2.   Khía cạnh huấn luyện

a. Huấn luyện toàn vẹn để có một đời sống thống nhất

b. Nội dung huấn luyện

- Huấn luyện thiêng liêng

- Huấn luyện giáo lý

- Học thuyết xã hội của Giáo hội

- Thăng tiến các giá trị nhân bản

3. Thiên Chúa là nhà giáo dục và những cộng tác viên của Ngài

a. Thiên Chúa là nhà giáo dục đầu tiên và cao cả của Dân Ngài

b. Giáo hội - Hiền mẫu

c. Giáo Hội toàn cầu

- Ðức Giáo Hoàng

- Ðức Giám Mục

- Giáo xứ

d. Các môi trường giáo dục khác

- Gia đình kitô giáo - "Giáo hội tại gia"

- Các trường học và đại học công giáo

- Các nhóm - hiệp hội và các phong trào

e. Mọi người huấn luyện lẫn nhau

4. Ðức Maria, người Mẹ và là người Thầy huấn luyện

a. Cả các anh nữa, hãy đi làm vườn nho cho tôi !

b. Ngài có bảo gì, hãy làm theo!


Thật là đẹp và vô cùng ý nghĩa, trong chương 5 là chương cuối của Tông Huấn, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gợi lại hình ảnh sống động của cây nho và cành nho để nói về việc huấn luyện người kitộ hữu giáo dân, trong viễn tượng một khi người giáo dân như những cành nho tháp chặt với thân cây nho, được chăm sóc cẩn thận, cắt tỉa đúng cách, thì sẽ sinh nhiều hoa trái.

        Có thể tóm gọn 8 số của chương 5 (chương 5, số 57 - 64) trong 4 tiểu tựa sau đây :

- Mục tiêu huấn luyện

- Khía cạnh huấn luyện

- Thiên Chúa là nhà giáo dục và những cộng tác viên của Ngài

- Ðức Maria, người Mẹ và là người Thầy huấn luyện

1. Mục tiêu huấn luyện

Việc huấn luyện Kitô hữu giáo dân nhằm 2 mục tiêu cụ thể này :

a. Luôn đạt đến sự trưởng thành hơn

Ðây là một trong những khía cạnh nền tảng của đời sống và sứ vụ của giáo dân ; lớn lên, không ngừng trưởng thành để luôn sinh hoa trái nhiều hơn. Thánh Kinh từ thời Cựu Ước (TV. 80,15-16) và sau này được chính Chúa Giêsu lập lại (Ga. 15,1-2) đã không ngần ngại giới thiệu Chúa Cha như người làm vườn nho chuyên cần, yêu thương và chăm sóc vườn nho của Ngài (từ hình ảnh này sẽ gợi lên cho chúng ta thấy sau này người kitô hữu giáo dân, khi được huấn luyện đầy đủ để đạt đến sự trưởng thành hơn, là trực tiếp noi gương và cộng tác với Chúa Cha). Như vậy, sự sống và phát triển của cành nho tùy thuộc vào sự gắn liền, tháp chặt với thân cây nho là Ðức Giêsu Kitô : "Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga. 15,5)

        Như vậy, kitô hữu giáo dân được mời gọi trong sự tự do của mình để lớn lên trưởng thành và sinh hoa trái. Lời mời gọi này, dầu tôn trọng sự tự do của con người, nhưng như là một mệnh lệnh : vì cũng như cành nho, tự nó, không thể có nhựa sống và không thể lớn lên, trưởng thành, trổ sinh hoa trái. Nhưng, khi gắn liền với cây nho,và được cắt tỉa thì sẽ có nhựa sống và trổ sinh hoa trái. Do đó, trước lời mời gọi của Chúa, con người không thể không trả lời, không thể không đảm nhận trách nhiệm : "Ai không ở trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi" (Ga.15,6). Vậy để luôn đạt tới sự trưởng thành hơn, cần thiết phải có một sự huấn luyện toàn vẹn và thường xuyên cho người Kitô hữu giáo dân. Chính các Nghị phụ Thượng hội đồng đã diễn tả việc huấn luyện kitô giáo như "một tiến trình trưởng thành liên tục của cá nhân trong đức tin và là một tiến trình nên giống Ðức Kitô, theo ý muốn của Chúa Cha, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần", các Nghị phụ cũng xác quyết rõ ràng : "Việc huấn luyện giáo dân phải nằm trong số những ưu tiên của Giáo phận và phải có chỗ đứng trong chương trình hoạt động của mục vụ, sao cho mọi cố gắng của cộng đồng (các linh mục, giáo dân, tu sĩ) đều quy hướng về mục đích này".

b. Khám phá và sống ơn gọi cũng như sứ vụ cá nhân của mình :

Ðây là mục tiêu thứ hai của việc huấn luyện giáo dân. Làm sao cho mỗi giáo dân cảm nghiệm được điều này : Thiên Chúa gọi tôi và chính Người sai tôi như người thợ vào vườn nho của Người. Ơn gọi và sứ vụ cá nhân mà Thiên Chúa gởi đến từng người giáo dân xác định phẩm giá và trách nhiệm của mỗi người. Ðó là đường hướng chủ lực cho toàn bộ công trình huấn luyện, nhằm giúp người giáo dân khám phá ra phẩm giá của mình trong tâm tình hân hoan và tạ ơn ; đồng thời cũng giúp họ chu toàn trách nhiệm của mình một cách trung tín và quảng đại.

Các điều kiện sau đây là những chuẩn mực để giúp người giáo dân khám phá ra ý định cụ thể của Chúa về đời sống của mình : mau mắn và ngoan ngoãn lắng nghe Lời Chúa, trung thành và kiên tâm cầu nguyện trong cuộc sống hàng ngày ; cần tiếp xúc và trao đổi với một vị linh hướng khôn ngoan và nhân ái.

Những điều kiện này sẽ giúp người giáo dân nhìn ra, trong ánh sáng đức tin, những ân điển và những tài năng mình nhận được, giúp họ nhận ra ý Chúa xuyên qua các dấu chỉ của thời đại.

Có những thời điểm trong cụôc sống để nhận ra lời mời gọi của Chúa và đón nhận sứ vụ Người giao phó, cách riêng thời thiếu niên, thời thanh xuân ; và trong tinh thần ý nghĩa bài dụ ngôn của Chúa về thợ làm vườn nho, thì lời mời gọi của Chúa xảy ra vào mọi lúc trong suốt cả cuộc đời của người tín hữu (từ giờ thứ nhất cho tới giờ thứ mười một trong ngày).

Nhờ thái độ chăm chú lắng nghe tiếng Chúa mời gọi và kiên trì, quảng đại đáp trả, mà người giáo dân biết được điều Thiên Chúa muốn nơi mình và mau mắn làm điều Chúa muốn.

Việc huấn luyện giáo dân đạt tới mục tiêu của mình là làm cho người giáo dân cần phải có khả năng và làm cho mình ngày càng có khả năng hơn.

2. Khía cạnh huấn luyện

Trong hai số 59 và 60, Tông huấn đề cập đến các khía cạnh huấn luyện giáo dân.

a. Huấn luyện toàn vẹn để có một đời sống thống nhất.

Trong tư cách là chi thể của Giáo hội và là công dân của xã hội nhân loại, người giáo dân cần phải được huấn luyện một cách toàn vẹn để có một cuộc sống thống nhất.

        Thật vậy, không thể có hai đời sống song song trong cuộc đời của người giáo dân, như thể một bên là đời sống "thiêng liêng" và bên kia là đời sống "trần thế". Tông huấn chỉ rõ : mỗi người giáo dân, đời sống thiêng liêng với những giá trị và đòi hỏi riêng phải được quyện vào một cách nhuần nhuyễn với đời sống trần thế, nghĩa là đời sống gia đình, nghề nghiệp, những tương quan xã hội, sự tham gia chính trị cùng các hoạt động văn hoá.

        Hình ảnh cành nho nào được ghép vào cây nho là Ðức Kitô sẽ trổ sinh hoa trái trong mọi lãnh vực của hoạt động và của cuộc sống luôn soi dẫn mọi hoạt động, mọi tình huống, mọi dấn thân cụ thể của người kitô hữu giáo dân.

        Trung thành với lời dạy của Thánh Công Ðồng Vatican II, người giáo dân phải hướng tới sự thống nhất đời sống của mình, để không có sự phân cách giữa đức tin và đời sống, giữa Tin Mừng và văn hoá.

        Như vậy, người giáo dân phải được hấp thụ một nền huấn luyện toàn vẹn để đức tin mà họ tuyên xưng được thể hiện và thấm nhập vào cuộc sống thường nhật của họ. Ðức Thánh Cha đã có một khẳng định rất rõ ràng và mạnh mẽ : "một đức tin mà không trở thành văn hoá là một đức tin không được đón nhận trọn vẹn, không được suy nghĩ thấu đáo và không được sống một cách trung tín".

b. Nội dung huấn luyện

Có 4 nội dung cụ thể được Tông huấn giới thiệu trong việc huấn luyện toàn vẹn đối với kitô hữu giáo dân.

- Huấn luyện thiêng liêng

Việc huấn luyện này phải có chỗ đứng ưu vị nơi đời sống giáo dân ; vì mỗi người được kêu gọi để không ngừng lớn lên trong tình thân mật với Ðức Giêsu Kitô, trong sự hoà hợp với ý muốn của Chúa Cha, trong sự tận tuỵ đầy tình bác ái và công bình để phục vụ anh em mình. Về việc huấn luyện thiêng liêng, Thánh Công Ðồng nói : "đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô trong Giáo hội, được nuôi dưỡng bằng sự phù giúp thiêng liêng chung cho mọi tín hữu, nhất là bằng việc tham dự tích cực vào Phụng vụ thánh. Người giáo dân phải làm thế nào để nhờ những phương tiện ấy mà chu toàn nhiệm vụ trần thế trong những hoàn cảnh thường xuyên của cuộc sống mà vẫn không tách khỏi đời sống mình sự kết hiệp với Chúa Kitô, nhưng càng kết hiệp mật thiết hơn khi thi hành công việc của mình theo ý Thiên Chúa.

- Huấn luyện giáo lý

Ngày nay việc huấn luyện giáo lý cho các tín hữu mỗi ngày một khẩn thiết hơn, không những để đào sâu đức tin, mà còn vì nhu cầu loan báo Tin Mừng, làm sao cho thế giới ngày nay có thể bắt gặp được "niềm hy vọng lớn lao" nơi đời sống của người kitô hữu.

Do đó việc huấn luyện giáo lý đòi buộc một hoạt động huấn giáo có hệ thống, thích hợp với lứa tuổi và với những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống ; đồng thời cũng đòi buộc một sự thăng tiến văn hoá theo tinh thần kitô giáo.

- Học thuyết xã hội của Giáo hội

Ngoài ra, một khía cạnh khác của việc huấn luyện kitô hữu giáo dân mà Tông huấn gọi là không thể thiếu được, đó là người giáo dân, nhất là những người tham gia nhiều cách khác nhau vào lãnh vực xã hội hoặc chính trị, phải hiểu biết chính xác hơn về học thuyết xã hội của Giáo hội. Học thuyết này bao gồm những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán và những chỉ dẫn hành động. Học thuyết xã hội của Giáo hội có tính năng động, thích ứng với hoàn cảnh không gian và thời gian. Người giáo dân cần nắm vững những nguyên tắc luân lý thuộc lãnh vực trật tự xã hội cũng như những lãnh vực khác, để ra sức bảo vệ các quyền cơ bản của con người.

- Thăng tiến các giá trị nhân bản

Ðể được huấn luyện toàn vẹn giúp người giáo dân có được một sự thống nhất trong đời sống,Tông Huấn còn đề cập đến việc lưu tâm tài bồi các giá trị nhân bản, để thăng tiến các giá trị nhân bản. Ðiều này quan trọng trong sứ mạng truyền giáo và tông đồ. Thánh Công Ðồng đã viết : "Người giáo dân nên quý trọng chuyên môn nghề nghiệp, ý thức gia đình và công dân, cũng như những đức tính liên quan tới đời sống xã hội, chẳng hạn sự lương thiện, tinh thần công bình, lòng thành thực, sự tế nhị, lòng quả cảm ; không có những đức tính đó, không thể có đời sống kitô hữu đích thực.

3. Thiên Chúa là nhà Giáo dục và những công tác viên của Ngài

Huấn luyện các tín hữu ở đâu và bằng những phương tiện nào ? Những ai và những cộng đồng nào được kêu gọi để chu toàn nhiệm vụ huấn luyện giáo dân cách toàn vẹn và thống nhất ?

a. Thiên Chúa là nhà giáo dục đầu tiên và cao cả của Dân Ngài

Nếu như trong một gia đình, công trình giáo dục liên kết sâu xa với thiên chức làm cha làm mẹ, thì việc huấn luyện kitô giáo bắt nguồn và nhận được sức mạnh từ Thiên Chúa - Ngài là người cha yêu thương và giáo dục con cái, Ngài là nhà giáo dục đầu tiên và cao cả của Dân Ngài. Bản văn Thánh Kinh tuyệt vời trong bài ca của Môsê nói rõ điều đó : "gặp thấy nó giữa miền hoang địa, giữa cảnh hỗn mang đầy tiếng hú rợn rùng, Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa. Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bày con bay nhảy, xòe cánh ra đỡ lấy rồi cõng con bên mình. Duy một mình Ðức Chúa lãnh đạo dân, chẳng có thần ngoại bang nào bên cạnh Chúa" (Ðnl 32, 10-12).

Công trình huấn luyện của Thiên Chúa được bày tỏ ra và hoàn tất nơi Ðức Giêsu là Thầy và được tác động từ bên trong tâm hồn con người bởi sự hiện diện năng động của Chúa Thánh Thần. Câu nói rất ý nghĩa sau đây của Thánh Augustinô có thể giúp chúng ta hiểu rõ vai trò giáo dục của Thiên Chúa : "Filius dicebat sed Pater docebat" (Con nói, nhưng Cha dạy bảo).

b. Giáo hội - Hiền mẫu

Giáo hội - Hiền mẫu là người đầu tiên được kêu gọi để cộng tác vào công trình giáo dục của Thiên Chúa, trong chính bản thân Giáo Hội cũng như trong những phát biểu và diễn đạt khác nhau của mình. Như vậy, người kitô hữu giáo dân được huấn luyện nhờ Giáo hội và trong Giáo hội - Hiền mẫu, trong sự hiệp thông và cộng tác hỗ tương giữa mọi thành phần của Giáo hội. Chính như thế mà toàn thể cộng đồng Giáo hội, trong các chi thể khác nhau của mình, nhận được sự phong phú của Thánh Thần và góp phần cộng tác vào đó.

c. Giáo Hội toàn cầu

- Ðức Giáo Hoàng

Trong tư cách là đấng kế vị thánh Phêrô, Ðức Giáo Hoàng có tác vụ "củng cố anh em mình trong đức tin" bằng cách giảng dạy cho mọi tín hữu những điều cần thiết trong ơn gọi và sứ vụ kitô giáo và Giáo hội - không chỉ những lời ngài nói, nhưng cả những gì được chuyển đạt trong các văn kiện của các cơ quan khác nhau của Toà Thánh đều phải được giáo dân lắng nghe với lòng tuân phục yêu mến.

- Ðức Giám mục

Theo giáo huấn của Thánh Công Ðồng, Giáo hội duy nhất và phổ quát cũng hiện diện trong mỗi Giáo hội địa phương mà chúng ta gọi là Giáo phận hay Ðịa phận. Ðứng đầu giáo phận là Ðức Giám mục Giáo phận. Ngài có trách nhiệm cá nhân đối với giáo dân. Ngài phải huấn luyện họ bằng việc loan báo Lời Chúa, cử hành phụng vụ Thánh thể và các Bí tích, làm sinh động và hướng dẫn đời sống Kitô hữu của họ. Ðức Giám mục có những cộng sự viên gần gũi là hàng linh mục và các tu sĩ nam nữ.

- Giáo xứ

Trong lòng Giáo hội địa phương, có sự hiện diện và hoạt động của Giáo xứ. Ðối với giáo dân, Giáo xứ có vai trò trực tiếp và cá nhân hơn trong việc huấn luyện. Giáo xứ có điều kiện dễ dàng hơn để đến với từng giới, từng nhóm trong gia đình và ngay cả với riêng từng người ; vì thế, Giáo xứ được mời gọi tham gia vào việc huấn luyện giáo dân biết lắng nghe Lời Chúa, biết đối thoại với Chúa trong cử hành phụng vụ cũng như trong việc cầu nguyện riêng ; biết sống bác ái huynh đệ, khám phá ra ý nghĩa của sự hiệp thông và trách nhiệm truyền giáo trong Giáo hội.

d. Các môi trường giáo dục khác

- Gia đình kitô giáo

Ðây là một trường học tự nhiên và căn bản trong việc huấn luyện đức tin. Từ Bí tích hôn nhân, cha mẹ được nhận ân sủng và trách vụ giáo dục kitô giáo cho con cái của mình, làm chứng trước mặt con cái và chuyển đạt cho chúng các giá trị nhân bản, đồng thời với các giá trị tôn giáo. Chính cụôc sống hàng ngày của một gia đình kitô giáo đích thực làm nên "kinh nghiệm đầu tiên về Giáo hội". Trong chiều kích đó, gia đình kitô giáo được xem như là "Giáo hội tại gia".

- Các trường học và đại học công giáo

Ðây là những môi trường quan trọng cho việc huấn luyện, là những trung tâm giúp canh tân và đào sâu đời sống thiêng liêng. Tông huấn khuyến khích việc phải thiết lập và phát triển những "cộng đồng giáo dục", bao gồm một trật những bậc phụ huynh, các vị giảng huấn, các linh mục, tu sĩ nam nữ, đại diện giới trẻ, để chu toàn chức năng giáo dục ; học đường cần tôn trọng sự tự do đích thực trong việc giáo dục. Tông huấn khuyến khích giáo dân đảm nhiệm trách vụ giáo dục trong các trường học và các viện giáo dục với tinh thần công dân và kitô giáo sâu sắc ; làm sao cho mối liên hệ thâm sâu giữa đức tin và khoa học, giữa Tin Mừng và văn hoá nhân loại được dễ cảm nhận hơn đối với mọi người.

- Các nhóm, các hiệp hội và các phong trào

Tương tự như thế, các tổ chức này có chỗ đứng trong việc huấn luyện giáo dân. Mỗi tập thể này, với phương pháp riêng của mình, có khả năng góp phần vào việc huấn luyện người tín hữu giáo dân bằng cách truyền đạt các kinh nghiệm của đời sống tông đồ.

e. Mọi người huấn luyện lẫn nhau

Việc huấn luyện không phải là đặc quyền của một số người, nhưng thực sự là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người.

Ðể thực hiện một đường lối mục vụ thực sự hữu hiệu, cần phải cổ vũ việc đào tạo các người huấn luyện, kể cả việc thiết lập các khóa học hay các trường dành riêng cho việc đó.

Trong công trình huấn luyện, cần quan tâm đặc biệt đến nền văn hoá địa phương ; và, với tư cách là Mẹ và là Thầy, Giáo hội sẽ cố gắng bảo tồn nền văn hoá của các nhóm thiểu số đang sống giữa lòng các quốc gia lớn.

Mỗi Kitô hữu giáo dân, khi đã ý thức tầm quan trọng của việc huấn luyện, thì sẽ sẵn sàng để cho Thiên Chúa hành động trong đời sống của mình. Ðể cho Chúa huấn luyện mình, theo đường lối và cung cách của Thiên Chúa, thì người giáo dân đó sẽ sinh hoa nhiều trái ; như hình ảnh của cành nho để cho chủ vườn nho cắt tỉa mới trổ sinh hoa trái nhiều hơn.

4. Ðức Maria, người Mẹ và là người Thầy huấn luyện

Trong số cuối cùng kết luận Tông huấn, Ðức Thánh Cha vừa nhắc lại lời kêu mời, vừa mời gọi cầu nguyện. Hình ảnh của Ðức Maria, Mẹ và Thầy nổi bật trong phần này.

a. "Cả các anh nữa, hãy đi làm vườn nho cho tôi"

Mở đầu Tông huấn, khi gợi lên bài dụ ngôn của Tin Mừng về vườn nho mênh mông của Chúa, Ðức Thánh Cha đã chỉ rõ : vườn nho chính là thế giới (Mt 13,38), phải được biến đổi theo chương trình của Thiên Chúa, hướng tới ngày hoàn thành chung cuộc của Nước Thiên Chúa. Lời mời gọi của chủ vườn nho ngay từ những lúc đầu tiên : "cả các anh nữa, vào làm vườn nho cho tôi đi" (Mt 20,3-4) như đạt tới đỉnh cao khi được Ðức Thánh Cha nhắc lại lời kêu mời ấy ở đoạn kết thúc Tông huấn : "cả các anh nữa, hãy đi làm vườn nho cho tôi !". Và ngài xác định : "có thể nói rằng ý nghĩa mà Thượng hội đồng hiểu về ơn gọi và sứ vụ của giáo dân nằm ngay trong lời kêu mời này của Ðấng Cứu Thế gởi tới mọi người, đặc biệt các giáo dân, nam cũng như nữ"

Càng dấn thân vào làm việc trong vườn nho của Chúa, người tín hữu giáo dân sẽ thấm thía lời khuyên nhủ của Ðức Thánh Cha là kiên quyết gìn giữ trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống của mình một ý thức về Giáo hội ; nghĩa là ý thức mình là chi thể của Giáo Hội Chúa Kitô và mình được tham dự vào mầu nhiệm hiệp thông, cũng như vào năng lực tông đồ và truyền giáo của Giáo hội. Ðấy là phẩm giá vô cùng cao quý mà mình nhận được qua Bí tích Thánh Tẩy : nhờ ân sủng, mình được trở nên người con của Chúa Cha, làm chi thể tháp nhập vào Chúa Kitô và Giáo Hội Người, làm đền thờ sống động và thánh thiện của Chúa Thánh Thần.

Ý thức về phẩm giá kitô hữu của mình còn giúp cho người giáo dân cảm thức được mình thuộc mầu nhiệm Giáo hội - hiệp thông, quan tâm vun đắp và khẩn nài sự hiệp nhất giữa những người con của Thiên Chúa trong đại gia đình Giáo hội.

"Cả các anh nữa, hãy đi làm vườn nho cho tôi" chính là lời mời gọi và là lệnh truyền của Chúa vang vọng nơi mọi tâm hồn khi hướng tới công trình của cuộc Phúc âm hoá mới mà thế giới đang hết sức cần đến khi bước vào thiên niên kỷ thứ ba.

b. Ngài có bảo gì hãy làm theo

Thượng hội đồng Giám mục nhóm họp vào tháng Mân Côi, Năm Thánh Mẫu 1987, đã hoàn toàn trao phó những công việc của mình cho sự cầu bầu của Ðức Maria, Mẹ Ðấng Cứu Thế. Những thành quả thiêng liêng từ những kết quả của Thượng hội đồng được đúc kết lại trong Tông huấn này cũng được Ðức Thánh Cha trao phó cho sự cầu bầu của Ðức Maria. Và lời cầu nguyện chân thành dâng lên Ðức Maria, Trinh Nữ Rất Thánh, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo hội càng giúp cho mọi chi thể trong Giáo hội, noi gương Người, vừa là Mẹ vừa là Thầy, để học biết điều Chúa muốn và mau mắn làm điều Chúa dạy nơi chính cụôc sống của mình : "Ngài có bảo gì, hãy làm theo !".


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà