THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN

TRONG CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG

 

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT.

 

"Hãy rao giảng Lời, hãy ứng phó lúc thuận, lúc nghịch …"

(2 Tm 4,1)

 

I. NHẬP ĐỀ

Tuần Thường Huấn đi vào những đề tài thiết thực của việc"loan báo Tin Mừng". Các cha đã trình bầy các thông điệp, sắc lệnh, tông thư và các bài, làm nổi bật sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, cho đất nước Việt Nam và một cách đặc biệt, làm rõ nét việc giới thiệu Chúa Kitô cho người Kinh và người Dân tộc tại Giáo phận Đàlạt. Công cuộc loan báo Tin Mừng khởi đi từ Kérygma tiên khởi của các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần cho tới ngày nay và cho đến muôn thế hệ, luôn có những kẻ tin và những người không tin. Như thế, có thể nói rằng sứ vụ "đến với muôn dân” luôn có những khó khăn và thuận lợi.

 

Kérygma hay Lời Rao Giảng Tiên Khởi

Kérygma theo cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn bởi tiếng Kéryg là thằng mõ, sứ thần, nói chung là người loan báo một điều gì. Đây là lời loan báo Tin Mừng của Giáo Hội tiên khởi, của các Tông đồ, chủ yếu cho những kẻ chưa tin, những kẻ mới được gặp gỡ Tin Mừng lần đầu tiên. Nội dung của Kérygma là lời công bố Đức Giêsu đã chết và phục sinh.

 

Sứ điệp phục sinh là nền tảng lời rao giảng của các tông đồ. Các Tông Đồ đã ra khỏi sự nhát đảm, sợ chết, sợ phải đối đầu với những vị lãnh đạo xã hội, tôn giáo, và những người Do Thái quá khích. Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy các ngài công bố Tin Mừng phục sinh lần đầu tiên tại Giêrusalem và làm cho các ngài trở thành những chứng nhân nhiệt thành, tận tâm, can trường của Chúa Giêsu phục sinh (Cv 1,22).

 

Lời rao giảng đầu tiên của thánh Phêrô và của các Tông Đồ, đã đưa nhiều người đến đức tin, đón nhận Chúa và ngay ngày hôm đó đã có 3.000 người xin chịu phép rửa. Tuy nhiên, cũng có những kẻ không tin, không đón nhận lời loan báo của các tông đồ, họ cho rằng những lời nói của các ngài là những lời nhảm nhí, không thể chấp nhận được (Cv 3,26 ; 4,1-3 ; 1P 2,8).

 

II. LOAN BÁO TIN MỪNG TẠI VIỆT NAM : NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN

Nối tiếp lời rao giảng của các tông đồ và theo lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu : “Hãy đến với muôn dân" (Mt 28,19), nhiều bước chân của các vị thừa sai đã đặt chân đến Việt Nam. Lịch sử truyền giáo tại Việt Nam là một chuỗi dài những hồng ân. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động mạnh mẽ trong công cuộc loan báo Tin Mừng của các vị thừa sai. Đức tin công giáo đã bén rễ trên đất nước Việt Nam vào giữa thế kỷ 16 (1533). Đó là bước chân của các vị thừa sai thuộc Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Đaminh, Augustinô. Các tu sĩ này đến từ Macao và Manila (Phi Luật Tân) và chỉ dừng chân ít ngày tại Việt Nam.

 

Đến năm 1659, Tòa Thánh thành lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, giao cho các giám mục Hội Thừa Sai Paris và Dòng Đaminh cai quản. Giáo phận Đàng Trong, từ sông Gianh trở vào, với Đức Cha Lambert De La Motte và Giáo phận Đàng Ngoài, từ sông Gianh trở ra, với Đức Cha Francois Pallu. Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, chúng ta sẽ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác vì suốt một thời gian dài 300 năm (1580-1845), Hội Thánh Việt Nam đã gặp những thuận lợi tưởng rằng không có được, nhưng đồng thời đã gặp biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu thử thách.

 

Tertullien đã viết : “Máu tử đạo là hạt giống trổ sinh người tín hữu". Câu nói ấy quả đúng với toàn thể Giáo Hội và một cách nhỏ hẹp hơn, nó đã làm nổi bật những nét sáng và tối trong công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Quả thực lịch sử Giáo Hội Việt Nam đan xen bóng tối và ánh sáng. Con xin ghi nhận hai sự kiện này khi cố gắng đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam :

- Năm 1523, Duarte Coelho được vua Bồ Đào Nha sai qua Việt Nam để điều đình thương mại và nhân đó tìm đường cho các thừa sai qua truyền giáo. Nhưng, lúc đó Việt Nam đang có rối loạn, nên Duarte Coelho không hy vọng gặp được vua nước Việt để thương thuyết, điều đình, Ông liền rút lui và có ghi lại ở vùng biển một hình thánh giá lớn làm kỷ niệm. Ba mưoi ba  năm sau đó, giáo sĩ Mendes Pinto, Dòng Tên qua ven biển Việt Nam đã gặp hình thánh giá nói trên ở cù lao Chàm : "Thánh giá được khắc trên tảng đá lớn".

 - Sáng ngày 19.3.1627, cha Alexandre de Rhodes và cha Pedros Marques đã vào cửa Bạng Thanh Hoá. Tầu của các Ngài bị sóng to gió lớn và đã được Chúa che chở cập bến cửa Bạng. Ngoài khơi cửa Bạng, các Ngài đã thấy một hình thánh giá lớn mầu trắng được vẽ trên một mỏm đá lớn ở ngoài khơi cửa Bạng.

 

Những sự kiện này và những biến cố khác trong công cuộc loan báo Tin Mừng ở Việt Nam, báo hiệu một chân trời rộng mở trong đó có hân hoan và đau khổ, thử thách. Các thừa sai tại Việt Nam gồm nhiều quốc tịch như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Ái Nhĩ Lan, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ vv… đã đặt chân tới Việt Nam để rao giảng Tin Mừng, giới thiệu Chúa Kitô phục sinh và xây dựng Hội Thánh Việt Nam.

 

Trong suốt 300 năm (từ năm 1659-1960) công cuộc truyền giáo của các thừa sai đã gặp biết bao thuận lợi cũng như những khó khăn không sao tránh được. Phân tích những sự kiện, những hoàn cảnh, những biến cố, con xin được đưa ra một số thuận lợi và những khó khăn sau :

 

A. NHỮNG THUẬN LỢI :

 

1. Về Phía Các Vị Thừa Sai : 

Tất cả các thừa sai đến Việt Nam gồm nhiều ngôn ngữ, quốc tịch, đất nước, nhưng các Ngài đều ra đi với hai bàn tay trắng : từ bỏ đất nước, quê hương, gia đình, những người thân thương. Các Ngài ra đi với lòng siêu thoát và hoàn toàn tin tưởng, phó thác vào quyền năng của Chúa Giêsu (Lc 10,17- 24).

- Các Ngài luôn kiên nhẫn trước thất bại, yêu thương nhẫn nại ngay cả đối với sự coi thường của người đời.

- Các Ngài luôn tin tưởng vào lời Chúa mời gọi, phải đối đầu với khổ đau, chấp nhận khổ đau với tình yêu (Lc 9,43b-45).

- Các Ngài là những người quảng đại dấn thân, thánh thiện, hiền lành, khiêm tốn, liều lĩnh trong đức tin sâu thẳm (Cv 1,8).

- Các Ngài đã chấp nhận nếp sống thiếu tiện nghi, nếu không nói là lạc hậu, cư ngụ trong những nhà nghèo nàn lợp tranh, vách đất, ngôn ngữ bất đồng, khí hậu nóng bức của vùng nhiệt đới, chấp nhận bị hiểu lầm, kiên nhẫn chịu đựng những thử thách, với niềm cậy trông, trung thành và vui vẻ, hân hoan vì các Ngài biết các Ngài đang làm gì và tin vào ai. (2Tm 1,12).

 

2. Về phía vua, quan, chính quyền, các vị có chức tước, các sư sãi :

- Có những vị vua chúa, công chúa, hoàng tử, các quan, các tướng lãnh có thiện cảm với các vị thừa sai, khâm phục, biết ơn các vị thừa sai, nên tỏ ra tế nhị, lịch sự và nhiều khi dễ dãi hiến kế thuận lợi để các thừa sai giảng đạo, và ở lại giảng đạo, có cơ hội loan báo Tin Mừng (như vua tôi nhà Mạc, công chúa Chằm (nhà Lê), Chúa Trịnh … Sầu Vương Nguyễn Phúc Nguyên và con lên nối ngôi cha là Nguyễn phúc Lan cũng ủng hộ các vị thừa sai). Tướng Nguyễn Hoàng đời nhà Lê theo cha Ordonẽz, xin rửa tội, công chúa tu viện Mai Hoa, thân mẫu tướng Nguyễn Hoàng, thái Hậu xin theo đạo và xin được rửa tội.

- Có những vị quan tổng trấn, trấn thủ có thiện cảm với đạo, với các thừa sai, nên bảo vệ, tạo điều kiện để các thừa sai hoạt động.

- Có những vị cố vấn có uy tín, trình độ theo đạo và trở nên những tông đồ rất nhiệt thành (như cụ Phaolô năm 1622 là cố vấn của quan trấn thủ Quảng Nam).

- Có những sư sãi trở lại đạo và trở nên chứng nhân cho Tin Mừng như sư cụ Đamian, sư cụ Manuel vv. và còn rất nhiều vị sư sãi khác nữa.

 

3. Về phía dân chúng :

- Dân chúng nghe các thừa sai giảng đạo, thích, thấy có lý và tin theo (các thừa sai đã rửa tội nhiều người như cha Ordonẽz, De Pina, Borri, Buzomi, Alexandre de Rhodes, Pedro Marques vv.)

 - Dân chúng thấy các vị vua, chúa, quan quyền, tướng lãnh tin theo đạo thì họ ồ ạt tin theo (biến cố tướng Nguyễn Hoàng thời Lê theo đạo. Cha Ordonẽz đã rửa tội cho 120 võ quan ngày 17.9.1591 và ngay tối hôm đó đã rửa tội thêm 20 người (còn nhiều biến cố…).

 

B. NHỮNG KHÓ KHĂN :

1. Tới một đất nước đa tôn giáo (Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Ông Bà vv…), các thừa sai gặp nhiều khó khăn và dễ bị hiểu lầm.

2. Một đất nước có nền quân chủ phong kiến, bế quan tỏa cảng, có nhiều phân tranh giữa triều vua này với vua khác, nên các thừa sai bị nghi kỵ.

3. Một đất nước có ngôn ngữ riêng, khó phát âm, các thừa sai chưa được chuẩn bị trước về ngôn ngữ, địa lý, tập tục, truyền thống, tập quán …

4. Có những vị vua chúa, quan quyền định kiến nên gây hết khó khăn này đến khó khăn khác cho các vị thừa sai, cho những người theo Chúa và đã nhiều lần trục xuất các vị thừa sai ra khỏi nước. Tuy nhiên, những khó khăn thử thách cam go nhất gây nên biết bao cái chết, đau thương cho nhiều vị thừa sai nước ngoài, cho các linh mục, nữ tu, thầy giảng, giáo dân bản địa vẫn là sự thù ghét của một số vua nhà Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức với 14 chỉ dụ cấm đạo từ năm 1833 tới 1862.

 

Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam với nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp muôn vàn thử thách, khó khăn. Hội Thánh Việt Nam luôn phát triển và tăng trưởng mau lẹ. Tất cả đều là hồng ân như lời thánh Phaolô nói.

 

III. RAO GIẢNG TIN MỪNG TẠI GIÁO PHẬN ĐÀLẠT : THUẬN LỢI - KHÓ KHĂN ?

Một biến cố quan trọng khi nói tới truyền giáo tại vùng đất cao nguyên là việc Bác sĩ A. Yersin và đoàn thám hiểm đã đặt chân lên vùng đất cao nguyên Lâm Viên và khai sinh ra Đàlạt vào chiều ngày 21.6.1893. Biến cố tìm ra vùng đất mênh mông, bát ngàn với khí hậu mát mẻ, lý tưởng, với núi rừng trùng điệp và thổ nhưỡng thích hợp cho nhiều loại hoa, loại rau và các vùng đất mênh mông trồng cây công nghiệp như cà phê, trà vv. đã thu hút rất nhiều người từ nhiều miền đất nước đến Đàlạt, Lâm Đồng sinh sống, làm ăn.

 

Thời triều Nguyễn (trước 1945) và thời trước 1955, người ta chia lãnh thổ Việt Nam ra làm 3 kỳ. Đàlạt nằm trong chế độ Hoàng Triều Cương Thổ (vùng đất dành riêng của hoàng gia triều Nguyễn), nên rất nhiều người từ Thừa Thiên-Huế lên sinh sống, đặc biệt là những người “Ôn Mệ, dòng Tôn Thất có vị thế ảnh hưởng lớn trong dân chúng.

 

Từ năm 1955 về sau, nhiều người miền Bắc nhập cư hợp với số ít người từ Phương Nam lên mưu sinh phát triển kinh tế về mặt trồng tỉa, buôn bán. Đàlạt cũng là nơi có nhiều người Pháp, người Hoa từ các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Sơn Đông đến làm ăn, riêng người Pháp làm trong các công sở, bệnh viện, trường học. Nhưng dân cư ngụ tại địa phương lâu đời nhất, mà người xưa gọi là người bản thổ, dân thổ cư là người Lạch, nay ta gọi là Lạt. Người Lạch có ảnh hưởng rất lớn đến Đàlạt, Lâm Đồng (xin xem Compte rendu des travaux de 1927, Saigon Cochinchine Occidentale par Mgr Dumortier Vic. Apost. De Saigon ; 110 năm hình thành và phát triển Tp Đàlạt ; Đàlạt điểm hẹn năm 2000 ; Moissons des Rédemptoristes 1960)

 

Tất cả những người từ các miền đất nước Việt Nam, những người Pháp, Hoa, đến miền cao nguyên Lâm Viên, Tuyên Đức (Lâm Đồng), Đàlạt đều mang theo những tập quán, phong tục, truyền thống, văn hoá của từng miền, từng vùng, từng miền đất : có những người có đạo Công Giáo, nhưng có nhiều người theo những tín ngưỡng khác nhau, vì thế vấn đề loan báo Tin Mừng được đặt ra một cách cấp bách vì nơi đâu có con người nơi đó cần được rao giảng nước Thiên Chúa. Giáo phận Đàlạt cũng gắn liền với lịch sử đạo Công Giáo và công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

 

A. CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG TẠI ĐÀLẠT

Công cuộc này được gắn liền với việc thành lập Giáo phận Đàlạt. Với sắc chỉ Venerabilium Nostrorum của Đức Thánh Cha Gioan XXIII ký ngày 27.11.1960 thành lập Giáo phận Đàlạt. Nhà thờ con gà trở thành nhà thờ chánh toà. Địa phận Đàlạt đã có các Đức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền, Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm và Đức Giám mục đương kim Phêrô Nguyễn Văn Nhơn trở thành Giám mục Chánh tòa ngày 24.6.1994. Công cuộc truyền giáo ở Giáo phận Đàlạt được các đức cha quan tâm và lưu ý, thúc giục và khuyến khích, đặc biệt Đức Cha Phêrô đặt công việc loan báo Tin Mừng làm mối ưu tư và đặt ưu tiên hàng đầu, nhờ đó càng ngày càng có nhiều người xin theo Chúa.

 

Sở dĩ có nhiều người theo Chúa vì các thừa sai, các sứ giả Tin Mừng ngoại quốc cũng như Việt Nam, là những con người quảng đại, trung thành với sứ mạng Chúa, và Giáo Hội trao phó, đã làm công việc của Chúa, làm như Chúa, chứ không làm theo ý riêng của mình, đã luôn theo chỉ thị truyền giáo của Chúa : từ bỏ, phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa, với sự tác động của Chúa Thánh Thần, đã can đảm, kiên nhẫn và hy sinh.

 

Về phía những người nghe dù thuộc mọi thành phần xã hội, nhiều miền trong đất nước với những phong tục, tập quán, văn hoá, ngôn ngữ khác nhau, tín ngưỡng khác nhau nhưng những người nghe có nhiều người đã chấp nhận lời rao giảng : họ đã tin và xin học đạo, xin lãnh nhận Bí tích rửa tội.

 

Một yếu tố khác nữa, vì khí hậu Đàlạt, Lâm Đồng mát mẻ, trong lành, sảng khoái đã giúp con người ở Lâm Đồng, Đàlạt trở nên hiền hòa, trầm mặc, thanh lịch, mến khách, cần cù, có đầu óc rộng mở, không bảo thủ và sẵn sàng tiếp nhận những gì tốt đẹp từ mọi nơi, mọi miền.

 

Thêm vào đó, các xứ đạo từ Bắc vào Lâm Đồng, Đàlạt đã có nề nếp, truyền thống giữ đạo, sống đạo và làm gương mẫu tốt về đạo, nên những Kitô hữu cũng là những chứng nhân hết sức quan trọng trong công việc loan báo Tin Mừng ở Giáo phận Đàlạt.

 

B. MẢNG LOAN BÁO TIN MỪNG CHO NGƯỜI DÂN TỘC :

Tại tỉnh Lâm Đồng, Đàlạt, ngoài dân tộc Churu, còn có nhiều sắc dân Lạch, Chil, Sre, Mạ, Bơnơr, Mơnông, thuộc hệ Kơho và sinh sống rải rác khắp nơi trong tỉnh Lâm Đồng Đàlạt. Người Lạch, Chil, Bơnơr chia nhau sống tại các vùng phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, riêng người Lạch sống từ chân núi Langbiang tới thành phố Đàlạt. Người Dân Tộc sống quần cư  thành từng làng với những tập tục, tập quán của từng bộ tộc. Ngày nay một số làng đã trở về làng cũ để tiếp tục sinh sống. Sở dĩ người Dân Tộc đi đây đi đó ngoài tập quán sống du canh, du cư, còn do những năm tháng xa xưa bệnh dịch rất hay xuất hiện hoặc do sự hận thù giữa tộc này với tộc khác, họ này với họ khác, hoặc do tranh chấp đất đai gây ra đổ máu, nên họ phải di chuyển đi nơi khác để tìm kế sinh nhai, xây lại cuộc đời mới vv.

 

Với một số dân thuộc Bộ tộc Kơho, sống khắp nơi rải rác trong các huyện tại tỉnh Lâm Đồng gồm trên 150.000 người, vấn đề rao giảng cho người Dân tộc trở nên mối ưu tư và là ưu tiên cho công cuộc truyền giáo.

 

Tuy nhiên, phải ghi nhận sự kiện nổi bật là vào ngày 24.1.1927, Đức Cha Dumortier đã bổ nhiệm cha Jean Cassaigne làm cha xứ đầu tiên của Di Linh. Nhờ ngài mà nhiều người Dân tộc biết Chúa và nhiều người phong cùi được chăm sóc. Nhiều cha Thừa sai Paris cũng được gửi tới Đàlạt, Lâm Đồng để lo cho người Dân tộc. Vào thập niên 1950, các cha Dòng Chúa Cứu Thế cũng tới Phú Sơn (Fyan) để loan báo Tin Mừng cho đối tượng này. Ngay tại Giáo phận, một số cha địa phận cũng hăng say làm nhiệm vụ duy nhất là loan báo Tin Mừng cho người Dân tộc. Sau đó là các cha thuộc Tu hội Thánh Vinh Sơn, các nữ tu thuộc nhiều dòng đã nhiệt thành làm công việc lo cho người Dân tộc tại Đàlạt, Lâm Đồng.

 

Mảng truyền giáo cho người Dân tộc cũng là mối bận tâm lớn của Đức Cha Giáo phận Đàlạt vì người Dân tộc, như bài nghiên cứu của cha Đaminh Nguyễn Huy Trọng đã được trình bầy tại cuộc hội thảo về "Kinh Nghiệm Hội Nhập Văn Hóa Trong Nếp Sống Kitô Giáo Tại Việt Nam", diễn ra tại Saigon trong hai ngày 14 và 15.5.2003 do Uỷ Ban Văn Hoá thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức. Ngài chia sẻ trong bài nói chuyện của ngài rằng : "Ngài chỉ muốn đề cập tới niềm tin tiên thiên, một thứ tín ngưỡng dân gian của người Dân tộc. Người Kơho tin vào thần linh vô hình, vô danh : Đấng duy nhất, vô hình, vô danh, cao cả nhưng ở khắp nơi. Người Kơho cũng tin vào một loại thần linh hữu hình, hữu danh : các vị thần này là thần lành (ví dụ : thần nhà, thần lúa, thần mồ côi) và họ cũng lưu ý tới các vị thần dữ như quỷ vô hình, vô danh, quỷ hữu hình, hữu danh. Họ tin vào một vị trung gian (Kòn gùng) : Sơđèn (không thấy nói đến cái chết hay hóa thân của Ông. Chỉ nói Ông về với Vầng Sáng : như vậy, Ông không có tiền thân, không có hậu duệ)”. Với một quan niệm như thế, những thừa sai ngoại quốc, cũng như các thừa sai, linh mục, nữ tu Việt Nam khi loan báo Tin Mừng cho người Dân tộc sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn sau :

 

1. Thuận lợi :

- Người Dân tộc là người chưa được nghe nói về Chúa (vì họ vẫn theo một thứ tín ngưỡng dân gian).Tâm hồn họ còn hoàn toàn như trang giấy trắng : họ đơn sơ, nghèo khó, khát khao được nói về Chúa như lời Đức Cha Phêrô chia sẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tuần tĩnh tâm linh mục từ ngày 8-12.9.2003 rằng : "Ngay từ đầu khi các vị thừa sai đến trên vùng đất Đàlạt thì đã bị thu hút ngay bởi sự nghèo khó của người Dân tộc và sự chân thành đơn sơ của họ".

- Người Dân tộc là người bé nhỏ, hiền lành, dễ mến, rất tình cảm, thịnh tình, thiện cảm với các thừa sai.

- Các già làng sẽ giúp khi họ tin các thừa sai và dân chúng sẽ theo họ khi các già làng cắt nghĩa thuận lợi cho dân làng.

- Một cái thuận khác nữa là về phía các thừa sai, những người phục vụ cho người  Dân tộc, tất cả đều đến với họ bằng tình thương, bằng tấm lòng của Chúa như lời Đức Cha Phêrô chia sẻ : "… những vị thừa sai đến với họ với những nỗ lực, những động cơ siêu nhiên. Yêu mến anh em như bản thân mình. Yêu mến anh em như Chúa yêu mến".

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn triền miên như ngôn ngữ bất đồng, đời sống du canh du cư, lịch sử, phong tục, tập quán, luật tục của các bộ tộc nhiều khi rất khắt khe (chế độ hôn nhân mẫu hệ, tin ma lai).

 

2.  Khó Khăn :

- Cuộc sống của người Dân tộc nhiều nơi chưa ổn định, nhiều nơi các thừa sai không thể tới được vì nhiều lý do. Đời sống của người Dân tộc còn nhiều khó khăn chồng chất : no đói thất thường, năm nào cũng có khoảng cách đói vài tháng tới khi giáp hạt. Người Dân tộc luôn phải đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt : họ sống ở xa trong các vùng sâu vùng xa, còn rất lạc hậu, nhiều nơi còn giữ những hủ tục lạc hậu như tin thầy cúng, thầy phù thủy, tin ó ma lai, đau bệnh không đi bác sĩ mà cúng tế, hao tốn tiền bạc, của cải gây ra nhiều cái chết oan uổng, đau thương cho buôn làng. Nhiều nơi còn giữ các tục lệ vô bổ, dị đoan như giữ lửa trong bếp, khi nấu ăn không được nói chuyện, sản phụ không được ăn thịt tươi, không được dùng củi gần nhà vì là củi bẩn, trong thời gian thu hoạch lúa người nhà không được tắm giặt vv.

- Tâp tục uống rượu cần, rượu đế còn phổ biến hầu hết ở các buôn làng.

Công cuộc loan báo Tin Mừng cho người Dân tộc Kơho tại Giáo phận Đàlạt như con vừa trình bầy vừa có những thuận lợi và khó khăn. Nhưng con tin đây là ân huệ Chúa ban cho Giáo phận Đàlạt. Công việc của Chúa và việc làm của Chúa Thánh Thần, người Dân tộc tin vào Chúa cứ mỗi ngày mỗi gia tăng một cách kỳ diệu, lạ lùng. Ngày đầu Giáo phận Đàlạt được thành lập mới chỉ có 1.547 người theo đạo Công Giáo. Mười năm sau đó, người Dân tộc theo Chúa tăng lên 7.142 người trên tổng số 100.000 người Dân tộc. Hiện nay (năm 2002), số giáo dân Dân tộc là hơn 70.000 người trên 150.000 người Dân tộc.

 

IV. MỘT CÁI NHÌN XUYÊN SUỐT :

Ngay từ thời Chúa Giêsu đến thời các Tông Đồ cho tới ngày hôm nay, các sứ giả Tin Mừng, Hội Thánh ở khắp nơi đều có những lúc thuận, lúc nghịch, Tuy nhiên, lúc nào người Kitô hữu cũng được mời gọi phải loan báo Nước Trời, giới thiệu Đức Kitô vì Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo (TG số 35).

 

Như vậy, công cuộc truyền giáo luôn là sứ mạng của Giáo Hội, của toàn thể dân Chúa, đến nỗi khi thấy những miền bao la chưa được phúc âm hóa, Giáo Hội cũng như mọi Kitô hữu đã tự hỏi như thánh Phaolô tông đồ : "Làm sao kêu lên với Đấng mà người ta không tin ? Làm sao tin Đấng mà người ta không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có người rao giảng ? Làm sao mà rao giảng, nếu người ta không được sai đi. (Rm 10,14-15).

 

Do bởi lòng tuân phục đối với Đức Kitô, Hội Thánh đã không ngừng sai phái các nhà rao giảng Tin Mừng đến mọi miền trên trái đất và đến mọi cảnh huống nhân loại, vì vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi của mọi người (TG, GH 17).

 

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trước Hội Đồng Giám Mục Achentina vào năm 1987 đã gợi lại cảnh lần đánh cá nhiệm lạ thứ hai như dấu chỉ của Đức Giêsu phục sinh : Lúc đó nhiều tông đồ đang ở với Simon Phêrô và Ông bảo họ "Tôi đi đánh cá đây". Họ nói với Ông : "Chúng tôi cũng đi với Ông". Và sự có mặt của Đức Kitô, vẫn còn bị che khuất bởi mắt họ, đã làm mẻ lưới bắt được 153 con cá lớn. Cuộc đánh cá đó cũng là dấu chỉ của sứ mạng phổ quát của Hội Thánh cho đến tận thế của cuộc ra khơi không ngừng (Lc 5,4), của các giám mục hợp nhất với người kế vị thánh Phêrô. Dấu chỉ mà ơn Chúa hiện diện một cách vô hình ngày nay tái diễn giữa chúng ta, như vào buổi bình minh ấy bên bờ hồ, đẩy chúng ta với một sự nhiệt thành mới vào sứ mạng chài lưới người (Mt 4,19 ; Mc 1,17). Đức Thánh Cha viết tiếp : "Vậy ta hãy tiếp tục đi đánh cá. Ta hãy ra khơi nhân danh Chúa". Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Mục Vụ Năm 2003 đã viết : "…Chúng tôi mời anh chị em hãy đáp lại lời gọi "Ra Khơi" của Đức Thánh Cha, qui hướng lời cầu nguyện và hoạt động của Hội Thánh tại Việt Nam vào việc"Loan báo Tin Mừng".

 

V. THAY LỜI KẾT :

"Hội Thánh chào đời dưới làn khí hùng mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng truyền lệnh cho các tông đồ ra khỏi Nhà Tiệc Ly và khởi sự sứ mạng của họ. Họ đi giữa loài người và bắt đầu lên đường đi khắp thế giới, để thâu nạp môn đồ từ hết mọi dân nước" (Bài giảng kết thúc Đại Hội Thánh Thể toàn quốc tại Milan, ngày 22.5.1983, của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II). Ý thức được sứ mạng đến với muôn dân và nhìn lại công cuộc truyền giáo cho người Kinh và Dân tộc tại Giáo phận Đàlạt thân yêu, con xin cảm tạ ơn Chúa Ba Ngôi, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse vì việc rao giảng Tin Mừng ở Giáo phận Đàlạt, đã luôn được Đức Cha và Linh mục đoàn quan tâm và đặt lên ưu tiên hàng đầu, và như thế, cả Giáo phận Đàlạt luôn sống trong tình trạng truyền giáo như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói "Giáo Hội" ở trong tình trạng thừa sai đời đời.

 

Cảm nghiệm sâu xa về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và ý thức về lệnh truyền giáo của Đức Giêsu phục sinh, chắc chắn Quí Cha cũng luôn canh cánh trong lòng như lời thánh Phaolô : "Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1C 9,16). Và thánh Phaolô còn căn dặn mọi người : "Phải rao giảng Lời, lúc thuận cũng như lúc nghịch (2Tm 4,1-2). Như thế, lời của Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ xưa : "Ra khơi mà thả lưới đánh cá" (Lc 5,4), vẫn vang vọng nơi tâm hồn mỗi người và như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết : "… Với tư cách là những tông đồ đích thực, trong những giờ khắc âu lo, ta hãy hướng nhìn về Chúa để thưa với Ngài, chúng con sẽ tiếp tục thả lưới, cho dù phải hy sinh và bị hiểu lầm, chúng con phải công bố sự thật đầy đủ và chính thực về con người của Ngài, về Hội Thánh mà Ngài đã thiết lập, về con người và thế giới đã được cứu chuộc bằng máu Ngài, chứ không theo chủ trương giảm trừ giản lược hay diễn tả một cách mơ hồ, dị nghĩa”


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà