TRUYỀN GIÁO CHO ANH EM CHURU

 

Lm. Giuse Nguyễn Đức Ngọc, Cm

 

Khi nói về Giáo Phận Đàlạt, ta thường liên tưởng đến việc Truyền giáo cho đồng bào Dân tộc, mà anh em Kơho là một điển hình. Nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của cộng đồng dân Chúa, cùng với mồ hôi và công sức của những chứng nhân rao giảng, mà cánh đồng Truyền giáo cho anh em Kơho, ngày càng trổ sinh nhiều bông hạt.

 

Thế nhưng, sẽ đầy đủ hơn, nếu chúng ta cũng nhắc đến việc loan báo Tin Mừng cho anh em Churu. Thật vậy, cách đây gần 50 năm, vào năm 1954, sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, tuy ngắn ngủi nhưng đầy ấn tượng, giữa một Cha Thừa sai Paris, Cha Darricau, và anh em Churu, đã hình thành thêm một hướng đi Truyền giáo : Truyền giáo cho anh em Churu. Đường hướng này ngày càng rõ nét. Toà Thánh, cách nào đó, đã nhìn nhận hướng đi Truyền giáo này, qua việc : Bộ Phụng Tự phê duyệt và cho phép sử dụng bản văn phần “Thường lễ” bằng tiếng Churu qua văn thư : Prot N. 1226/66 ngày 30.04.1966. Hiện nay, hướng đi này cũng đang được nhiều sự quan tâm, khích lệ của Đức Cha Phêrô, Giám mục Giáo phận Đàlạt, Cha Tổng Đại Diện, và các cha liên hệ.

 

Anh em Churu là ai, mà được Giáo Hội dành riêng một hướng đi Truyền giáo ? Trước khi đi vào phần chính, xin được giới thiệu đôi nét về anh em Churu.

 

I. VÀI NÉT VỀ ANH EM CHURU.

 

A. NƠI Ở VÀ DÂN SỐ  :

Anh em Churu là một trong những Sắc tộc thiểu số của Lâm Đồng và Thuận Hải

Theo tác giả Nguyễn Văn Diệu trong cuốn sách “Vấn đề Dân tộc ở Lâm Đồng”, vào năm 1983, anh em Churu có tất cả 10.000 người :

- Ở Lâm Đồng có 8.000 người, cư trú tập trung ở huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng.

- Ở Thuận Hải có 2.000 người, cư trú tập trung ở huyện An Sơn Phan Rang.

Chúng ta không biết rõ, hiện nay ở Thuận Hải con số anh em Churu bao nhiêu. Nhưng riêng ở Lâm Đồng, theo thống kê dân số cuối năm 2000 của Lâm Đồng, anh em Churu có tất cả 14.628 người ; và hiện nay (2003) theo ước tính của các cha đang phục vụ anh em Churu ở Đơn Dương và Đức Trọng (dựa con số thống kê của địa phương), anh em Churu ở Lâm Đồng có khoảng 25.900 người.

 

B. MỘT GIẢ THUYẾT VỀ NGUỒN GỐC :

Nhiều người cho rằng : Anh em Churu có “họ hàng” rất gần với người Chăm. Có người còn nói mạnh hơn : Từ xa xưa anh em Churu và người Chăm có chung một nguồn gốc. Họ dựa vào những lý chứng sau :

 

1. Về ngôn ngữ anh em Churu có chung một  Ngữ hệ với người Chăm : Ngữ hệ Mã Lai - Pôlinêdi (vì thế anh em Churu có chung ngữ hệ với anh em Giarai ở Kontum, anh em Êđê ở Ban Mê Thuột, anh em Raglai ở Lâm Đồng). Khác với anh em Kơho : Ngữ hệ Môn-khơ-me

 

2. Những tục ngữ, ca dao “Kơtha pơđik”, những bài hát xưa “Kơtha h’ri” đậm đặc âm hưởng Chăm. Những phong tục, tập quán, niềm tin (nhất là về người chết) ảnh hưởng người Chăm rất nhiều.

 

3. Một số nơi anh em Churu cư trú, có “dấu vết” của người Chăm. Chẳng hạn ở Próh, cách đây vài năm, người ta đã tìm thấy một “móng nhà” bằng gạch, độ sâu 1m50, rộng 5m, dài 10m, theo các nhà khảo cổ Việt Nam đó là “móng nhà” của một đền vua người Chăm có từ thế kỷ 13. Và ở Đà Loan, từ lâu đã có những bài viết của các tác giả Việt Nam cũng như ngoại quốc, đề cập nhiều đến kho tàng của vua Chăm ở làng Sòp, mà Cha Déthune (Lazariste) khi truyền giáo cho vùng này, đã từng đến thăm với 2 Giáo lý viên Churu, là ông Ya Hiên hiện đang ở xã Tà In và ông Ya Minh hiện đang ở Diom (vì chiến tranh kho tàng này ngày nay không còn nữa).

 

4. Có những anh em Churu thông minh, nhanh nhẹn, khéo léo … như người Chăm. Có những anh em Churu có học vị cao : Tiến sĩ, Cử nhân, Kỹ sư, Bác sĩ ... (với hình ảnh để lại, bà Touneh Hàn Đào, con của Già làng Touneh Hàn Đăng, hiện ở làng Diom cho biết : Một người em của bà, tên là Touneh Hàn Thọ, đã có học vị Tiến sĩ Xã hội học bên Bỉ).  Có những  anh em Churu, đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong xã hội xưa và nay (cũng dựa vào lời kể, kèm theo hình ảnh của Bà Touneh Hàn Đào : Già làng Touneh Hàn Đăng làng Diom, nguyên là “Sous-chef de la province Haut Donnai” năm 1922, lo cho anh em Dân tộc cả vùng Di Linh, Bảo Lộc, Đàlạt … Và ở làng Preh Riong thuộc Tùng Nghĩa, có bà bác sĩ Ma Nui, hiện là Đại biểu Quốc Hội …) Có những anh em Churu nói được nhiều ngôn ngữ (Churu, Kơhô, Pháp, Việt … )

 

C. Ý NGHĨA TÊN GỌI CHURU :

Một số già làng Churu (Tha plơi) cho rằng : người Churu Lâm Đồng trước đây, ở vùng duyên hải Trung bộ, vì chiến tranh liên miên giữa người Chăm, người Khơme và người Việt ; thêm vào đó sự bóc lột của giới quý tộc, việc bắt phu, bắt lính. Một số người buộc rời bỏ quê hương đi tìm vùng đất mới. Chính những di dân này đã tự đặt cho mình tên gọi Churu, nghĩa là : “xâm đất”

 

Tuy nhiên, theo những anh em Churu khác : Tên gọi Churu bắt nguồn từ chữ “Chăm bruh” của người Chăm : “Chăm” là người Chăm, “bruh” là đi trốn. “Chăm bruh” hay Churu có nghĩa là “người Chăm đi trốn”. Ngày nay anh em Churu vẫn còn hát một bài hát theo ý nghĩa này, với chữ "Chăm bruh" được lập đi lập lại như một điệp khúc, vừa hát, vừa múa, vừa thổi “Rơkel”, vừa đánh trống “Pơrnơng” (một loại trống của người Chăm)

 

II. TRUYỀN GIÁO CHO ANH EM CHURU QUA NHỮNG NÉT CHÍNH :

Với những bài viết của các Cha Thừa Sai Paris để lại, cũng như dựa vào lời kể của Cha Cố Giuse Quang, Cha Alexis Hậu Bề Trên Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn, các cha, các soeurs liên hệ ; của Ông Ya Minh, Ông Ya Hiên, những Giáo lý viên Churu kỳ cựu, cùng một số anh em Churu đã từng cộng tác trong việc truyền giáo. Xin tạm chia việc truyền giáo cho anh em Churu ra ba giai đoạn :

Giai đoạn ban đầu (1954 – 1961)

Giai đoạn chuyển tiếp  (1961 – 1975)

Giai đoạn hiện nay (1975 – 2003)             

 

A. GIAI ĐOẠN BAN ĐẦU  (1954 – 1961) :

Theo bản tường trình của các Cha Thừa Sai Paris trong Tổng Đại Hội năm 1974 tai Paris : Vào năm 1919 đã có những cuộc gặp gỡ đầu tiên của các Cha Thừa Sai Paris (cụ thể là Cha Nicolas) với anh em Dân Tộc vùng Lâm Đồng. Thế nhưng, mãi đến năm 1927 công cuộc Truyền giáo cho anh em Dân tộc vùng Lâm Đồng mới thực sự bắt đầu với Cha Cassaigne. Và mãi đến năm 1954, một Cha Thừa Sai Paris, Cha Darricau mới có cuộc gặp gỡ  đầu tiên với anh em Churu

 

Trong bài viết “Semailles”,  Cha Darricau đã kể lại như sau : Năm 1954 khi đang ở Dran để lo cho ba cộng đoàn Kitô hữu người Việt. Một hôm trên đường đi, Tôi đã gặp một nhóm anh em Dân tộc trẻ họ xin học Giáo lý và nói bằng tiếng Pháp với Tôi : “Thưa Cha, bao giờ chúng con có một Cha lo cho các làng chúng con ? Chúng con đang sống trong bóng tối, chúng con rất mong ánh sáng”. Tôi đã bị đánh động bởi lòng thành thật của họ. Nhưng rất tiếc, tôi chưa biết một tí gì về ngôn ngữ của họ ! …

 

“Ngôn ngữ của họ” đã được Cha Darricau xác định, cũng trong bài viết “Semailles” là : “Raglai Churu”

 

Chưa kịp đáp lại lời thỉnh cầu tốt lành  của anh em Churu, thì cũng trong năm 1954, Cha Darricau được gọi đi Kala Di Linh để thay thế Cha Dournes, cũng như để học ngôn ngữ “Srê Kơho”

 

Thiên Chúa quan phòng đã làm việc : Một cha Việt Nam, Cha Phêrô Thông, đã thay thế Cha Darricau. Năm 1955 Cha Phêrô Thông đang là cha phó nhất nhà thờ Chánh Toà cho Cha Parrel (Cha Giuse Quang là cha phó hai) Cha Phêrô Thông được gọi đi làm Cha Sở Cầu Đất kiêm nhiệm nhà thờ Dran. Vì là người hăng hái nhiệt tình truyền giáo, nên từ Dran, Cha Phêrô Thông đã tìm đến anh em Churu ở Diom, để làm “công tác xã hội miền Thượng” phân phát quần áo, thuốc men, gạọ thóc … với sự trợ giúp đắc lực của ông Giám đốc “Công tác Xã hội miền Thượng” Đàlạt lúc bấy giờ là một người Churu, gốc làng Diom, tên là Touneh Hàn Tín (con của già làng Touneh Hàn Đăng). Qua những “công tác xã hội” Cha Phêrô Thông đã tranh thủ nói đôi lời về Chúa và tập những bài hát về Chúa cho anh em Churu, nhất là vào những dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh ...

 

Năm 1957 Cha Phêrô Thông về Saigòn làm việc. Cha Giuse Quang thay thế Cha Phêrô Thông ở Diom, tiếp tục nói về Chúa cho Anh em Churu qua những “công tác xã hội”. Cha xây dựng nhiều ngôi nhà ở cho Anh em Churu, và một nhà vòm bằng tole để làm chỗ tạm trú cho các cha, các soeurs ... đến làm việc

 

Năm 1958, một năm đáng nhớ cho công cuộc truyền giáo cho anh em Churu, đang ở Kala Di Linh, Cha Darricau được chấp thuận đi M’lon (Dran) lập một thí điểm truyền giáo mới. Thế là vào ngày 16.07.1958, lễ Đức Mẹ Carmel, nhiều thành viên truyền giáo đã quây quần bên Đức Cha Cassaigne để khánh thành “Trung tâm Thượng M’lon” (le Centre Montagnard de M’lon), một thí điểm truyền giáo mới do Cha Darricau xây dựng. Từ M’lon Cha Darricau đã  theo con đường Dran tìm đến anh em Churu ở Diom, để đáp lại lời thỉnh cầu năm nào của anh em Churu : "Chúng con đang sống trong bóng tối, chúng con rất mong ánh sáng." Có thể nói được rằng : Với Cha Darricau việc truyền giáo cho anh em Churu thực sự được bắt đầu. Cha xây dựng ở Diom ngôi nhà thờ đầu tiên “bằng cây lợp tole”. Mỗi chiều thứ bảy từ M’lon Cha vào Diom, quy tụ các em học sinh nam, giúp các em học giúp lễ bằng tiếng La tinh, học hát bằng tiếng La tinh. Sáng Chúa Nhật Cha cử hành Thánh lễ cũng bằng tiếng La tinh, các chú giúp lễ thưa kinh La tinh khá vất vả ! anh em Churu người lớn và trẻ em, tất cả đều chưa rửa tội “xem lễ vui vẻ”. Sau Thánh lễ Cha Darricau dạy giáo lý bằng tiếng Pháp, các giáo lý viên Churu dịch ra tiếng Churu. Kế đó các soeurs Phan Sinh phát thuốc, đôi khi quần áo, gạo muối … Trong thời gian đầu Cha Darricau không vội vàng rửa tội. Cùng với Cha Grison, Cha Darricau lo xây dựng “hạ tầng cơ sở” cho thật tốt. Qua trung gian anh em Churu biết tiếng Pháp và tiếng Kơho (Cha Darricau đã học tiếng Kơho, nhưng tiếng Churu chưa có cơ hội học nhiều) Cha Darricau đào tạo giáo lý viên Churu, dạy Giáo lý, dịch sang tiếng Churu một ít kinh đọc hằng ngày …

 

Vào giai đoạn ban đầu, có một điều cần lưu ý : Trong “Bulletin M.E.P 2 Série N 117” tháng 10 năm 1958 nói đến việc “Khánh thành Trung Tâm Thượng M’lon”, cũng cho biết rằng : Đã có Cha Octave Lefèvre, Cha Parrel (Cha sở Nhà Thờ Chánh Toà Đàlạt) và các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, đã từng có những cuộc gặp gỡ thân thiện với anh em Churu, nhưng không cho biết rõ lúc nào, chỉ nói : “Autrefois”. Tuy nhiên dưa vào những bài viết khác của các Cha Thừa Sai Paris : Chắc chắn những cuộc gặp gỡ của hai cha và các NTBAVS với anh em Churu, phải sau năm 1948 và trước năm 1955, bởi vì : Năm 1948 Cha Octave Lefèvre từ Vinh vào Đàlạt, và năm 1955 Cha Octave Lefèvre bị tai nạn xe hơi và qua đời. Chúng ta không biết rõ Cha Octave Lefèvre và Cha Parrel và các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn  gặp gỡ anh em Churu trước hay sau Cha Darricau. Nhưng chắc chắn Cha Darricau là người đầu tiên đã thao thức một cách đặc biệt đến công việc Truyền giáo cho anh em Churu và cũng là người đầu tiên thực sự truyền giáo cho anh em Churu

 

B. GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP (1961 – 1975) :

Từ năm 1928 đã có các cha Lazariste từ Trung Hoa sang Việt Nam, đến Đàlạt, chủ yếu để lo cho các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, trong công việc tuyên uý, linh hướng (Theo tài liệu các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn). Đến năm 1960 nhân sự ngày càng nhiều. Với ơn gọi hàng đầu : "Bước theo Đức Kitô Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo"(Luật chung Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn), các cha Lazariste quyết định mở thêm hướng đi : Truyền giáo cho anh em Dân tộc thiểu số. Lúc ban đầu các cha tìm đến các anh em Dân tộc Churu ở Krong Pha (Sông Pha) dưới chân đèo Bellvue (Ngoạn Mục). Nhưng sau này, vì hoàn cảnh chiến tranh các cha không thể tiếp tục đến với anh em Churu ở Krong Pha. Qua những lần gặp gỡ, trao đổi với Cha Darricau về công viêc truyền giáo anh em Dân tộc. Cha Darricau đã thoả thuận với các Cha Lazariste: Các Cha MEP tiếp tục lo cho anh em Kơho, chủ yếu bên này sông Đa Nhim (Labui, M’răng, M’lon…) còn các Cha Lazariste lo cho anh em Churu, chủ yếu bên Nam sông Đa Nhim (Diom, Kađô, Proh, Kadơn …). Năm 1961, mộät cha Lazariste, đã đến với anh em Churu ở Diom, Cha Cartier, sau đó Cha Dulucq, Cha Déthune, Cha Jacques Gros, sau cùng là Cha Berset.

 

Thời gian đầu, Cha Darricau vẫn đến Diom để giúp đỡ các cha Lazariste làm quen với công việc, cũng như để tiếp tục những công việc còn dang dở. Chính vì thế trong thời gian chuyển tiếp này, đã có “ba Sự kiện” quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến việc truyền giáo anh em Churu :

 

1. Sự kiện “Rửa tội Già làng Touneh Hàn Đăng”

Khoảng sau một năm làm việc tại Diom ; cùng với Cha Darricau các Cha Lazariste đã mời Đức Cha Simon Hoà Hiền  cử hành Thánh lễ trọng thể để rửa tội và ban phép Thêm sức cho Già làng Touneh Hàn Đăng, một người có nhiều uy tín và có ảnh hưởng nhiều trên công việc Truyền giáo cho anh em Churu (theo Cha Darricau : sau khi cụ trở lại đạo, cụ đã kéo theo 5 làng cùng trở lại). Trong số những người con của Cụ có ông Touneh Hàn Tín là người đã từng giúp đỡ đắc lực cho Cha Phêrô Thông, Cha Giuse Quang làm “công tác xã hội” ở Diom. Đặc biệt người con tên là : Touneh Hàn Thọ, theo sổ rửa tội Nhà Thờ Chánh Toà, có lẽ là người Churu đầu tiên được rửa tội, vào năm 1955, khi đang theo học tại trường “Les Frères des Ecoles Chrétiennes” ở Đàlạt. (như nói trên, ông nàøy có học vị Tiến sĩ  Xã hội học ở Bỉ)

 

2. Sự kiện “Rửa tội năm làng” :

Cũng khoảng một năm, sau sự kiện “Rửa tội Già làng Touneh Hàn Đăng”, một lần nữa, cùng với Cha Darricau, các cha Lazaristes mời Đức Cha Simon Hoà Hiền cử hành Thánh Lễ trọng thể thứ hai. Trong thánh lễ này, lần đầu tiên sau 3, 4 năm dạy Giáo lý một cách kỹ lưỡng, một số đông anh em Churu được tuyển lựa từ năm làng (đã thuộc giáo lý) được Đức Cha rửa tội, ban phép Thêm sức và hợp thức hoá hôn phối.

 

3. Sự kiện “Tẩy rửa các làng” :

Trước khi rửa tội chung cho năm làng, Cha Darricau và các cha Lazariste đã đi “tẩy rửa” các làng, đến các làng nhổ các "Gơnừng" (cây Nêu buộc trâu, dê, heo ... để cúng Yàng). Đến từng nhà thu hết "Prah Yàng" trong nhà và treo Thánh Giá giữa nhà (“Prah Yàng" là Kệ cúng “Yàng sàng” : Thần nhà) ; sau đó vào trong bồ lúa, thu hết “Đềk mơtêi", "Gri” và cắm Thánh Giá vào bồ lúa (“Đềk mơtêi" là Đá thần. “Gri" là một hũ nhỏ bằng đất sét nung, trong có “Đềk mơtêi”, được trang hoàng lông gà. Anh em Churu tin rằng “Yàng bơdai” : Thần lúa ở trong hũ. Vì thế mỗi khi cúng “Yàng bơdai” họ bỏ vào hũ một ít máu con vật được cúng, cơm, cháo, lòng gà, lòng heo...). Các Cha cũng ra ruộng Churu khi làm ruộng hãy nhìn lên cây Thánh Giá, và mhất là khi gặt lúa lại càng nhìn lên Cây Thánh Giá để cảm ơn Chúa ("Dồng jrai, Dồng ro, Dồng  kơn-dah là các loại cây Nêu cao thấp để cúng “Yàng hama" : Thần ruộng. Cúng “Yàng hama” rất tốn kém, mỗi lần cúng là phải có trâu, dê, heo …). Riêng Cha Darricau đã đốt một “Bơmùng" của anh em Churu  (Cha Darricau gọi là "Pagode". “Bơmùng" là một ngôi nhà nhỏ lợp tranh mà các “Gru, Bơjơu: thày cúng"  dùng để cúng  các “Yàng"). Đối với anh em Churu đó là một sự kiện lớn, nhờ đó họ không còn sợ các thần, ma quỷ, bùa ngải ... Họ yên tâm theo Chúa, và các cha cũng yên tâm, sau khi rửa tội họ không còn gì để tin bậy bạ nữa.

 

Sau “Ba sự kiện” quan trọng này, Cha Darricau ở lại M’lon, để lo cho anh em Kơho, và không vào Diom nữa. Các cha Lazariste tiếp tục "phục vụ Đức Kitô nơi những người nghèo khổ" (Cha Vinh Sơn), Với nhân sự nhiều hơn, các cha chia nhau đi các nơi : Năm 1964 Cha Déthune đi Srêboê (ngày nay thuộc vùng Đà Loan) với sự cộng tác của các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Có thể gọi Srêboê là “Trung tâm Thượng” của Cha Déthune, từ đó Cha đi đến các vùng xung quanh : Tùng Nghĩa, Tà In, Tà Năng ... Năm 1968, vì chiến tranh, Cha Déthune chuyển Srêboê ra Dagun (gần cầu Đại Ninh). Năm 1970 Cha Dulucq đi Kađô. Năm 1972 Cha Jacques Gros đi Kadơn với sự cộng tác của các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Cũng trong năm 1972 Cha Berset từ trại phong Bến Sắn đến Diom thay thế Cha Cartier về Pháp.

 

Các cha xây dựng ở mỗi làng một nhà nguyện, cứ hàng tuần đến các làng cử hành Thánh Lễ, dạy Giáo lý, rửa tội, phát thuốc ... Các cha, cách riêng Cha Déthune, hoàn chỉnh các kinh đọc bằng tiếng Churu do Cha Darricau để lại, dịch thêm một số kinh đọc mới. Hoàn thành : Một tập Giáo lý mỏng bằng tiếng Churu, Bộ Lễ Chúa Nhật quanh năm A,B,C với gần đầy đủ các mùa ... Một cuốn Tự Điển Churu – Pháp ...  và đặc biệt hơn cả, bản dịch phần “Thường lễ”  bằng tiếng Churu đã được Toà Thánh duyệt xét. Riêng Cha Dulucq với khiếu âm nhạc, Cha đã viết một số bài hát Phụng vụ mang âm hưởng Churu.

 

Trong thời gian này cũng có một số thày thuộc Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn (Thày Báu, Thày Hiền, Thày Gia ...) đi theo các cha đến các làng, nhưng chủ yếu là học hỏi, làm quen với công việc truyền giáo.

 

Qua hai giai đoạn ban đầu và chuyển tiếp, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của làng Diom. Có thể ví làng Diom như “chiếc nôi” của việc truyền giáo cho anh em Churu, bởi vì :

-      Hành trình truyền giáo cho anh em Churu được khởi đi từ làng Diom

-      Các cha truyền giáo cho anh em Churu đều đến làng Diom để làm quen phong tục tập quán, để học tiếng Churu ... trước khi đi đến các nơi khác.

-      “Ba Sự Kiện” quan trọng trong việc truyền giáo cho anh em Churu đều xảy ra tại làng Diom.

-      Người Churu đầu tiên được Rửa tội vào năm 1955  là ông Touneh Hàn Thọ, gốc làng Diom.

(Trong bài viết “Les Missionnaires et les Montagnards, Cha Boutery cho biết : Vào năm 1893, Bác sĩ Yersin đã từng đến Diom) .

 

C. GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (1975 – 2003)

Năm 1975 các Cha Lazariste giao lại công việc truyền giáo cho anh em Churu cho Giáo Phận.

-      Các cha Châu Sơn lo cho anh em Churu làng Diom B,  làng B’Ké.

-      Cha Phêrô Thạch Giáo xứ Lạc Viên lo cho anh em Churu làng Diom A, làng B’Kăn. Sau này với sự cộng tác của Cha Gioan Thành, và hiện nay Cha GB. Phụng.

-      Cha Gioan Baotixita Khang Giáo xứ Lạc Hoà lo cho anh em Churu vùng Kađô, vùng Proh, vùng Kađơn.

-      Năm 1991 xây dựng Nhà thờ Kađơn, Cha Alexis Hậu (CM) lo cho anh em Churu vùng Proh và Kađơn. Năm 1995 xây dựng Nhà thờ Proh, Cha Augustinô Gia (CM) lo cho anh em Churu vùng Proh.

-      Năm 1991 Cha Giuse Định lo cho anh em Churu vùng Tùng Nghĩa. Sau này với sự cộng tác của Cha Vinh Sơn Dung.

-      Năm 1992 Cha Giuse Thuyết (SDB)  lo cho anh em Churu vùng Tà In, Tà Năng, Đà Loan ... Năm 1995 khánh thành Nhà thờ Ninh Loan. Đến năm 1996, Thày Giuse Nguyên (IC) cộng tác với Cha Giuse Thuyết phục vụ Giáo xứ Ninh Loan, lo cho anh em Churu vùng này.

-      Năm 1988 Cha Giuse Liêm Giáo xứ Suối Thông, lo cho anh em Churu vùng Tutra, sau đó Cha Đaminh Hiếu (OFM), Cha Tôma Hào.

-      Đường lối Chúa thật là kỳ diệu ! Sau những năm tháng vất vả gieo vãi vun trồng, cánh đồng truyền giáo cho anh em Churu, từ năm 1975, đã rộn ràng đi vào mùa gặt. Anh em Churu gia nhập Giáo Hội ngày càng nhiều, có những làng gần như tất cả đã đón nhận Bí tích Rửa tội.

       

Hiện nay (năm 2003) anh em Churu ở Lâm Đồng có vào khoảng : 25.900 người (như đã trình bày trên) ; và theo sổ sách của các cha đang phục vụ anh em Churu, con số anh em Churu đã rửa tội là 11.670 người : 

 

1. Giáo hạt Đơn Dương :

- Giáo xứ Châu Sơn : 2 làng Churu (Diom B, B'Kè) Tổng cộng : 500 người, đã rửa tội gần hết.

- Giáo xứ Lạc Viên : 2 làng Churu (Diom A, B’Kăn) Tổng cộng : 2.000 người, đã rửa tội gần hết.

- Giáo xứ Kađô : 2 làng Churu (Tanhiang, Kađô) Tổng cộng : 600 người, đã rửa tội gần hết.

- Giáo xứ Proh : 4 làng Churu (Proh Ngoê, Proh CÊơmleêng, Proh Troêng, Proh-Yù) Tổng cộng 3.000 người, đã rửa tội 1.800 người.

- Giáo xứ Kađơn : ½ làng Churu (½ Kađơn). Tổng cộng 300 người, đã rửa tội 200 người.

- Giáo xứ Suối Thông : Vùng Tutra có 2 làng ½ Churu (Rơlơêm, Madăn, ½ Kambuêt). Tổng cộng : 5.000 người, đã rửa tội : 1.800 người.

Tổng cộng Hạt Đơn Dương có : 11.400 người Churu, đã rửa tội 6.900 người.

 

2. Giáo Hạt Đức Trọng :

- Giáo xứ Tùng Nghĩa : 2 làng Churu (Preh Riòng, Preh Kơnàih). Tổng cộng : 1.300 người, đã rửa tội 570 người.

- Giáo xứ Ninh Loan :

* Vùng Tà In : 4.500 người, đã rửa tội 1.500 người.

* Vùng Tà Năng : 7.200 người, đã rửa tội 2.000 người.

* Vùng Tà Loan : 1.500 người, đã rửa tội 700 người.

 

Tổng cộng Hạt Đức Trọng có : 14.500 người Churu, đã rửa tội 4.770 người.

 

Trong Giáo Phận có tất cả 11 cha, cách này cách khác, đang phục vụ anh em Churu. Bên cạnh đó có các thày, các Nữ tu Phan Sinh, Đa Minh, các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn ...

 

Nhờ sự khích lệ củûa Đức Cha Phêrô, Cha Tổång Đại Diện, các cha, theo tinh thần Hội nhập Văn hoá, với phương hướng Đức Cha Giáo Phận nhắc nhở : Làm việc chung một cách nghiêm túc, học hỏi nơi các cha truyền giáo cho anh em Kơho, giữ lại và bổ túc những gì đã có, thực hiện những gì chưa có ... "Nhóm Anh em Churu" đã tạm hoàn chỉnh việc chuyển ngữ sang tiếng Churu : Một tập Kinh đọc hằng ngày, một tập Giáo lý, một tập Hát các mùa … đang cố gắng chuyển ngữ Tin mừng Mát-thêu, Tin mừng Mát-cô …, đang  sưu tập, học hỏi những ca dao, tục ngữ, những bài hát xưa, phong tục tập quán … của anh em Churu, để có thể có những buổi cử hành Phụng vụ, những buổi cầu nguyện mang nét Churu hơn.

 

Tạ ơn Chúa ! Đã có 3 thày Churu : 1 thày Dòng Chúa Cứu Thế, 1 thày Dòng Châu Sơn (đã khấn), 1 thày Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn (đã khấn, học xong chương trình Thần học).  2 nữ tu "L’eau Vie". Một số em Churu nam nữ đang tìm hiểu ơn gọi, cùng một số giáo lý viên Churu …

 

Đó chỉ là hoa quả đầu mùa hiếm hoi, nhưng chắc hẳn hứa hẹn một mùa gặt lạc quan hơn. Mong rằng sẽ có một Phụng vụ mang nét Churu hơn, sẽ có nhiều thày, nhiều nữ tu, nhiều giáo lý viên Churu hơn … và nhất là sẽ có linh mục Churu.

 

Từ lời dạy của Đức Cha Phêrô : “Anh em Dân tộc là một ân huệ lớn cho Giáo Phận Đàlạt.” Chúng ta cũng có thể nói rằng : “Anh em Churu là một ân huệ của Giáo Phận Đàlạt”. Ân huệ ấy, là tình thương của Chúa, là lòng yêu thương của Đức Cha, của Cha Tổng Đại Diện, của các cha và toàn thể Dân Chúa ; là tấm lòng Anh em Churu, là niềm vui trên bước đường truyền giáo. Ân huệ đó đang tiếp tục mời gọi Ra khơi (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II) với Chúa Thánh Thần, với một nhiệt tình Tông đồ mới (Thư Mục Vụ năm 2003 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).