bài năm :

“VIỆC NGHIÊN CỨU THÁNH KINH PHẢI NHƯ LINH HỒN CỦA KHOA THẦN HỌC” (Dei Verbum s.24)

Lm. Phêrô Trần Văn Hội

 

Hiến chế tín lý về Mạc khải Dei Verbum là một trong những văn kiện quan trọng nhất của Công đồng Vatican II. Được đưa vào chương trình làm việc của các Nghị phụ ngày 14-11-1962, bản lược đồ đầu tiên – với tựa đề Constitution sur les Sources de la Révélation- Hiến chế về Các Nguồn mạc khải - đã làm cho khóa họp thứ nhất thành một khóa họp đầy “bão tố”, theo như nhận xét của Hồng y Martini.[1] Lược đồ này đã bị phần lớn các Nghị phụ từ chối, tuy chưa đủ 2/3 số phiếu chống đề bị loại bỏ nhưng tình hình quá căng thẳng nên Đức Gioan XXIII phải can thiệp và trao lại công việc cho một Ủy ban Thần học hỗn hợp do hai Đức Hồng Y Ottaviani và Béa làm chủ tịch, khởi đầu một quá trình làm việc dài và rất gian nan. Bản văn chung cuộc, mà theo đánh giá của J. Ratzinger còn mang dấu vết của quá trình biên soạn gian nan, được bỏ phiếu và thông qua ngày 18.11.1965 với 2344 phiếu thuận và 6 phiếu chống, và được Đức Giáo Hoàng công bố cùng ngày.

Hiến chế đã có ảnh hưởng quan trọng đến rất nhiều lãnh vực trong đời sống Giáo Hội : từ việc phổ biến Lời Chúa cho đại chúng, nghiên cứu Kinh Thánh và thần học, đến sinh hoạt phụng vụ, mục vụ của Giáo Hội và có ảnh hưởng lớn trong lãnh vực Đại kết. Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày ban hành Hiến chế, không chỉ ở Rôma, mà nhiều nơi trên thế giới cũng tổ chức nhìn lại để đánh giá việc đón nhận Hiến chế quan trọng này trong đời sống Giáo Hội và mở ra hướng mới cho tương lai. Hòa trong tâm tình chung của cả Giáo Hội, Khóa Thường Huấn của chúng ta, ngoài việc tìm hiểu một số đề tài liên quan đến Hiến Chế : về cách giải thích Lời Chúa, về mối tương quan giữa Lời Chúa và Giáo Phụ, Lời Chúa và việc rao giảng, Lời Chúa và đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng để giờ để tìm hiểu cách tổng quát nội dung của Hiến chế và sẽ được nghe nhận định về những hoa quả mà Hiến chế đã mang lại cho đời sống Giáo Hội nói chung, và Giáo Hội Việt Nam nói riêng.

Nội dung bài trình bày này bàn về mối tương quan giữa Thần học và Kinh Thánh, một điểm nhỏ trong chương sáu của Hiến chế về “Kinh Thánh trong đời sống của Giáo Hội”. Theo đánh giá của Đức Hồng Y W. Kasper trong bài phát biểu tại Hội nghị quốc tế vừa qua về Dei Verbum, thì đây “không phải là phần phụ lục mang tính đạo đức” nhưng “thực sự là đỉnh cao của toàn bộ Hiến chế”,[2] mở ra những cánh cửa để Lời Chúa đi vào đời sống Giáo Hội, để mỗi người có thể cung kính lắng nghe và đụng chạm đến Lời Thiên Chúa và hưởng nhờ hoa quả của Lời Cứu độ. Việc làm sáng tỏ mối tương quan giữa Kinh Thánh và Thần học, tuy là thuộc một lãnh vực chuyên môn, cũng không có mục đích nào khác hơn là nhằm giúp hiểu rõ hơn vai trò của Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội và dân Chúa, cũng như mong muốn để cho Lời Chúa trở thành đèn dọi bước chân chúng ta đi.

Thần học là khoa học của lòng tin, là đức tin đi tìm sự hiểu biết mà cũng là sự hiểu biết tra vấn về lòng tin để hướng tới một lòng tin trưởng thành hơn. Mà lòng tin là thực tại rất phong phú, được diễn tả và chuyên chở không chỉ trong Kinh Thánh mà còn được thông truyền, nuôi dưỡng qua Truyền thống sống động của Hội Thánh, qua học thuyết của các Giáo phụ, đời sống Phụng vụ bí tích và cả đời sống thực tế của Hội Thánh. Do đó, trong thần học, Kinh Thánh không phải là yếu tố duy nhất. Ngoài Kinh Thánh và những yếu tố vừa gợi ra, người ta không thể nào không nói đến vai trò của Triết học. Rồi trong thần học hiện đại, người ta còn vận dụng những thủ đắc của các khoa học nhân văn : nhân học, tâm lý học, nhân chủng học, xã hội học… Nhưng theo tinh thần của Dei Verbum, Kinh Thánh vẫn là yếu tố hàng đầu, là nền tảng, là linh hồn của thần học.

Bàn về mối tương quan giữa Thần học và Kinh Thánh là bàn về một vần đề mang tính lý thuyết và nguyên tắc, liên quan nhiều hơn đến các nhà thần học và Kinh Thánh chuyên nghiệp. Vì thế, chắc chắn sẽ rất khô khan đối với chúng ta là những người không làm công tác thần học chuyên môn, và sẽ càng khô khan hơn vì rất khó để chúng ta rút ra những úng dụng cụ thể cho đời sống mục vụ ! Nhưng nhiều khi những điều không hữu dụng ngay trước mắt cũng cần thiết, và hy vọng đây là một trường hợp. Cụ thể, bài trình bày này được chia ra làm hai phần. Phần I trình bày nét chính yếu trong giáo huấn của Công đồng Vatican II về mối tương quan giữa Thần học và Kinh Thánh và sẽ cố gắng làm nổi lên sự mới mẻ của Dei Verbum so với mối tương quan hiện có lúc đó giữa Kinh Thánh và Thần học ; phần II, xin được lấy ví dụ về việc tái khám phá Mầu nhiệm Phục Sinh để minh họa mối tương quan phải có giữa Kinh Thánh và Thần học, đặc biệt là Thần học tín lý.

I.          GIÁO HUẤN CỦA DEI VERBUM
VỀ TƯƠNG QUAN GIỮA KINH THÁNH VÀ THẦN HỌC

Dei Verbum số 24 đề cập đến mối tương quan giữa Kinh Thánh và một số sinh hoạt nhằm đào tạo đức tin trong Giáo Hội : việc rao giảng Lời Chúa, dạy Giáo lý, bài giảng trong phụng vụ… Phần liên quan đến thần học toàn văn như sau : “Khoa Thần học dựa trên Kinh Thánh và Thánh Truyền như dựa vào một nền tảng vĩnh viễn. Trên nền tảng này, thần học được củng cố hết sức chắc chắn và mãi mãi đuợc trẻ trung trong khi tìm kiếm, dưới ánh sáng chân lý đức tin, mọi chân lý tiềm ẩn trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Thánh Kinh chứa đựng lời của Chúa và thực sự là lời của Chúa vì được linh ứng. Nên nghiên cứu Thánh kinh phải là linh hồn của Khoa Thần học Thánh”.

Đối với đa số chúng ta ngày hôm nay, những người được đào tạo nhiều chục năm sau Công đồng Vatican II, những khẳng định trên của Công đồng đã ít nhiều trở nên quen thuộc, và có thể làm chúng ta nghĩ rằng điều đó là đương nhiên, không có gì đặc biệt. Thế nhưng trong lịch sử thần học, chỉ cách đây không xa lắm, thực tế lại hoàn toàn không như vậy. Dĩ nhiên là Kinh Thánh đã không bao giờ vắng bóng trong thần học, nhưng vấn đề là có mặt với tư thế nào, có phải như nền tảng, như mực thước để quy chiếu, như linh hồn tạo ra sức sống và sự trẻ trung hay không lại là một điều khác.

Một cái nhìn sơ lược lại lịch sử thần học sẽ giúp chúng ta cảm nhận được phần nào sự chuyển biến rất mới mẻ và lớn lao trong quan niệm của Dei Verbum về mối tương quan này. Một số các cha lớn tuổi chắc chắn rất quen thuộc với những khảo luận thần học được xây dựng dựa trên những luận đề (thèses) làm thành một hệ thống xây dựng rất chặt chẽ. Những luận đề thần học này được rút ra và hình thành từ những bản văn của huấn quyền, rồi được củng cố và chứng minh bằng các luận cứ rút ra từ Kinh Thánh và Truyền thống. Tiếp đến người ta đào sâu những luận đề bằng phần suy lý mang nặng sắc thái Thần học Kinh viện.

Xin đan cử một ví dụ. Trong tác phẩm “Tín Lý” (Précis théologique) của Ludgwig Ott,[3] một thủ bản thần học khá nổi tiếng, tác giả định nghĩa khoa tín lý là “một cách trình bày có tính khoa học về tổng hợp các giáo lý có tính lý thuyết, do Thiên Chúa mạc khải về chính Thiên Chúa và họat động của Người, dựa trên các tín điều của Hội Thánh” (tr. 9). Về phương pháp, ông phân biệt thần học tín lý tích cực (théologie dogmatique positive) với thần học tín lý suy luận (spéculative). Thần học tích cực có mục đích “minh chứng một giáo lý thần học được huấn quyền trình bày để tin đã có trong nguồn Thánh Kinh và Thánh Truyền”. Môn thần học này sẽ trở thành khoa Hộ giáo (apologétique) khi được vận dụng để bảo vệ giáo lý Hội Thánh chống lại những ý kiến lệch lạc. Còn thần học suy lý, được đồng hóa với Thần học được gọi là Kinh viện, có mục tiêu là “sử dụng lý trí để tìm hiểu nội dung mạc khải, để nhận thức các chân lý đức tin”.

Với một nền thần học mà nội dung và phương pháp được xác định như vừa nói, thì không cần bình luận, ai cũng nhận ra đâu là vai trò và chỗ đứng của Kinh Thánh. Nền tảng và khởi điểm của khoa tín lý không phải là Kinh Thánh song là các tín điều mà Hội Thánh dạy. Chẳng những Truyền thống mà cả Thánh Kinh đều chỉ được quan tâm vì giá trị minh chứng của chúng đối với luận đề thần học được đưa ra. Nói rõ hơn, Kinh Thánh và Truyền thống được quan tâm vận dụng trong mức độ chúng tương hợp và soi sáng, củng cố học thuyết hiện hành của Huấn quyền.

Cách vận dụng Kinh Thánh như trên thường rất ít khi tuân thủ nguyên tắc nghiên cứu bản văn Kinh Thánh một cách đúng mức. Theo nhận định của J.Ratzinger,[4] ngay cả khi các bản văn Kinh Thánh được quan tâm nghiên cứu cách thận trọng với những phương pháp chú giải hiện đại, thì các học giả cũng khó thành công trong việc triển khai một chủ đề thần học theo nhãn quan của Kinh Thánh hoặc giải quyết những vấn đề phát sinh từ chính bản văn Kinh Thánh, theo nhãn quan của khoa Thần học Kinh Thánh mà không bị định hướng trước bởi các bản văn huấn quyền. Và những vấn đề thần học mới được bàn bạc tới, cách chung thường do nghiên cứu của các nhà thần học tín lý đề ra chứ không phải từ chính nội dung tự thân của Thánh Kinh. Khoa Kinh Thánh cách nào đó bị biến thành một thứ phụ lục cho Khoa thần học tín lý thay vì xây dựng khoa tín lý khởi đi từ Kinh Thánh.

Một tác giả nổi tiếng khác, Aloïs Grillmeier, cũng có những nhận định tương tự. Theo ông, huấn quyền thường là những văn bản đuợc hình thành trong những hoàn cảnh đặc thù, khá thường khi là đề nhằm đối phó với một số sai lầm nào đó và minh định lập trường của Giáo Hội, và vì vậy thường không có cái nhìn bao quát và toàn diện đối với kho tàng mạc khải.[5] Đây là một nhận định rất quan trọng bộc lộ khuyết điểm rất lớn của cách làm thần học cũ, và chúng ta sẽ có dịp trở lại để làm sáng tỏ thêm.

Nhận định như thế không có nghĩa là phủ nhận tất cả giá trị của nền Thần học đã từng gắn bó với đời sống Giáo hội nhiều thế kỷ. Khi đọc Ludwig Ott hoặc những thủ bản tương tự,[6] không thể nào không nhìn nhận sự chặt chẽ, tính sư phạm và sự chính xác trong cách diễn đạt và giải thích các khái niệm thần học (concept) nền tảng của kho tàng đức tin. Về mặt này, đặc biệt là sự chắc chắn trong việc giải thích các khái niệm và các dữ kiện liên quan đến lịch sử tín điều, các thủ bản loại này vẫn là những sách tham khảo rất giá trị. Tuy nhiên, những ưu điểm trên không thề nào bù đắp những khiếm khuyết rất lớn của nền thần học được xây dựng và khởi đi từ Huấn quyền.

Thử nhìn vào khảo luận Thần học về Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi của L. Ott chẳng hạn. Khi trình bày “Giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi”, để “xác định tín lý và nền tảng tích cực cho tín điều về Thiên Chúa Ba Ngôi”, tác giả khởi đầu bằng cách phủ nhận các lạc thuyết về Mầu nhiệm Ba Ngôi, tiếp đến ông nói về nền tảng tích cực của tín điều (positive) : gồm chứng cứ của Cựu ước, Tân ước và Thánh Truyền. Sau đó, ông trình bày các luận đề liên quan đến “nền tảng của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi “tức là các Mầu nhiệm Nhiệm Sinh của Chúa Con và Mầu nhiệm Nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần”, củng cố chúng bằng các giáo huấn của Hội Thánh và nền tảng Kinh Thánh, chứng cứ của Thánh Truyền. Sau cùng là “cách giải thích suy lý về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi” (phần spéculative), tập trung giải thích các khái niệm thần học : nhiệm sinh, nhiệm xuất, tương quan, Ngôi vị, sự thông hiệp giữa ba ngôi Thiên Chúa (périchorèse)….

Nội dung các chương tất cả đều là những điều thiết yếu trong niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng khi đọc khảo luận này, một đôc giả hôm nay không thể nào không nhận ra sự thiếu vắng mối tương quan giữa Mầu nhiệm Thiên Chúa nội tại và Thiên Chúa cứu độ ; nói khác đi Lịch sử cứu độ hầu như không hề hiện diện, các chủ đề lớn của Kinh Thánh như ơn Tuyển chọn của Israel, Giao ước, tình phụ tử của Thiên Chúa không được nhắc tới hay chỉ nói phớt qua. Đặc biệt trong phần trưng dẫn Tân Ước, tác giả tập trung vào việc kể ra những đoạn văn có giá trị minh chứng sự hiện hữu của các Ngôi vị Thiên Chúa, hoặc đặt nền tảng cho các Mầu nhiệm Nhiệm sinh hay Nhiệm xuất trong Thiên Chúa vĩnh cửu. Khuôn mặt Đức Giêsu, Đấng Mạc Khải Chúa Cha, rất mờ nhạt và cuộc đời làm Con của Ngài cũng như mối tương quan sống động giữa Ngài với Chúa Thánh Thần gần như không được nói đến ! Nếu đem so sánh tác phẩm của L. Ott với tác phẩm đã trở thành kinh điển của W.Kasper chúng ta sẽ nhận ra rất rõ sự khác biệt. Chỉ nguyên tựa đề của cuốn sách đã nói lên định hướng của dòng suy tư : “Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô”,[7] và thực tế đến 1/3 tác phẩm dành để bàn về “Sứ điệp của Đức Giêsu Kitô về Thiên Chúa” (tr. 201-332), chưa kể phần bàn về nền tảng Kinh Thánh của Mầu nhiệm Ba ngôi (tr. 345-363). Nhưng vấn đề then chốt không phải chỉ là có trưng dẫn Kinh Thánh nhiều hay ít, mà trong chính cấu trúc của tác phẩm, tác giả cho thấy rõ Kinh Thánh mới là nền tảng, là khởi điểm suy tư, còn Huấn quyền đóng vai trò hướng dẫn, soi sáng để hiểu cho đúng những gì mà Thiên Chúa đã mạc khải trong Thánh Kinh.

Do đó, sẽ không có gì quá đáng khi J.Ratzinger cho rằng so với cách làm thần học cũ, Dei Verbum đã có một cái nhìn gần như cách mạng về mối tương quan giữa Kinh Thánh và Thần học. Theo tinh thần của Dei Verbum số 24, Kinh Thánh không thể chỉ là nguồn cung cấp các bằng chứng để hợp thức hóa các luận đề thần học rút ra từ huấn quyền nhưng phải là nền tảng thường hằng để xây dựng khoa thần học, là khởi điểm suy tư, và trụ cột nâng đỡ tòa nhà tri thức thần học. Suy tư thần học phải khởi đầu từ Kinh Thánh vừa phải luôn trở về với Kinh Thánh như chuẩn mực chuẩn quy chiếu của mình. Nền tảng là hình ảnh gợi lên sự tĩnh lặng, bất biến, đảm bảo sự liên tục và trường tồn cho tòa nhà thần học. Ngôi nhà thần học có thể xây dựng với dạng thức và những biến tấu khác nhau, tùy theo tâm thức thời đại và nền văn hóa, chính Kinh Thánh là nền tảng sẽ giúp tạo ra sự vững chắc và ổn định.

Kinh Thánh không chỉ là nền tảng, là khởi điểm, mà còn là yếu tố làm cho thần học được “vững chắc và trẻ trung”. Theo A. Grillmeier, khi được nghiên cứu bằng những phương pháp ngày càng hoàn thiện, Kinh Thánh không ngừng cung cấp cho thần học những chủ đề suy tư mới, nuôi dưỡng thần học bằng chính sự sống của mình và giúp nắm vững hình thái cũng như ý nghĩa nguyên thủy của những công thức thần học sau này của Giáo Hội. Có thể nói, xét cho cùng, so với Kinh Thánh, các công thức thần học chỉ có một vai trò mang tính phân diện (rôle partiel) và có mục đích xác định ý nghĩa của những chân lý Thánh Kinh chứ không hề có tham vọng chuyển tải toàn bộ sứ điệp của Kinh Thánh. Hiểu cho đúng, các công thức giáo lý nhằm bảo tồn ý nghĩa của Kinh Thánh ở những điểm thiết yếu và quyết định. Khá thường khi, đó là những cách đọc “khó hơn” (lectio difficilior) so với những giải pháp của các lạc giáo, dễ dàng nhưng lại ngược với những yếu tố căn bản của lòng tin. Ví dụ : Dưỡng tử thuyết, Khổ phụ thuyết có vẻ “hợp lý” và dễ chấp nhận hơn Mầu nhiệm Ba Ngôi hay Mầu nhiệm Đức Giêsu là Con Thiên Chúa vĩnh cửu nhập thể làm người. Dĩ nhiên, như đã nói, các công thức tín điều không phải là không có nguy cơ thu hẹp tầm nhìn của các chúng ta so với nội dung toàn diện của sứ điệp Kinh Thánh.

Kinh Thánh gắn liền với sự sinh động của Thần học đến nỗi theo Dei Verbum, việc nghiên cứu Kinh Thánh phải trở nên “như linh hồn của khoa thần học”. Hiến chế mượn lại cách nói trên của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong thông điệp Providentissimus Deus, (18.11.1893). Cách nói này còn được nhắc lại trong Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục số 16, qua đó củng cố và định hướng cụ thể cho giáo huấn của mình. “Phải đặc biệt chuyên lo dạy Thánh Kinh cho các chủng sinh, vì Thánh Kinh phải “như là linh hồn của toàn thể khoa thần học. Sau phần nhập môn, phải cẩn thận khai sáng cho họ phương pháp chú giải, cho họ thấu triệt các đại đề của Mạc Khải, cho họ có hứng thú đọc và suy gẫm Kinh Thánh hằng ngày làm của nuôi dưỡng”. Về cách dạy các môn thần học tín lý, sắc lệnh cũng có chỉ thị rất rõ ràng : “Trước hết, trình bày chính các chủ đề Kinh Thánh, cho các chủng sinh thấy các Giáo phụ Đông và Tây phương, cũng như diễn tiến lịch sử tín lý đã đóng góp gì trong việc trung thành lưu truyền và minh giải từng chân lý Mạc khải…”. Câu nói tuy vắn nhưng hệ luận lại rất dài : nó đảo lộn cả một tiến trình làm thần học kéo dài nhiều thế kỷ như chúng ta đã có dịp thấy qua.

Khẳng định Kinh Thánh là linh hồn của Khoa thần học không có nghĩa là đồng hóa hai ngành tín lý và Thần học Kinh Thánh hay kết án thần học vào việc lặp lại đến thiên thu những chân lý đã được mạc khải tự ban đầu và bỏ qua những nỗ lực phát triển thần học. Cách nói muốn nhấn mạnh đến nghĩa vụ của thần học đối với Kinh Thánh. Ngoài nghĩa vụ làm nổi bật giá trị của những hiểu biết mà Giáo Hội có được về Kinh Thánh trong các thời kỳ của lịch sử Hội Thánh, đặc biệt là thời kỳ các Giáo phụ, các thế hệ thần học gia còn có quyền và nghĩa vụ hiểu và thực hiện công việc nghiên cứu thần học như một nỗ lực đọc Kinh Thánh mới mẻ. Kinh Thánh không phải là hồng ân mà Thiên Chúa chỉ ban cho Giáo Hội sơ khai, nhưng là thực tại cánh chung được ban một lần thay cho tất cả. Chính điều đó đòi hỏi chúng ta phải tra cứu và tìm hiểu giáo huấn của Kinh Thánh - không chỉ một lần thay cho tất cả - mà cho lòng tin qua mọi thời đại và nhất là cho niềm tin của con người hôm nay. Các cách nói của Kinh Thánh phải được diễn tả, được phiên dịch ra ngôn ngữ thời đại chúng ta, và sứ điệp của Kinh Thánh phải được cập nhật hóa. Cần phải làm cho Kinh Thánh thấm nhập vào trong đời sống con người và cho thấy Kinh Thánh chứa đựng câu trả lời cho những vấn nạn và các nhu cầu cốt yếu của con người hôm nay. Và đó chính là vai trò của Thần học.[8]

Những tiến bộ của việc nghiên cứu và giải thích Kinh Thánh đặt ra những đòi hỏi mới cho khoa thần học và là cơ hội tốt để Kinh Thánh thực sự trở nên linh hồn của Khoa Thần học. Chẵng hạn cuộc tranh luận xung quanh vấn đề Đức Giêsu lịch sử và Đức Giêsu của lòng tin mà Bultmann khơi lên, đã là cơ hội không những Giáo Hội minh định lập trường của mình về tính cách lịch sử của Tin Mừng mà còn giúp thần học khám phá và hội nhập vào suy tư Kitô học sử tính của Đức Giêsu, một chiều kích rất quan trọng của Mầu nhiệm Đức Giêsu mà giờ đây đã trở nên yếu tố không thể thiếu trong môn Kitô học. Kinh Thánh là linh hồn của Khoa Thần học, miễn là nó được đọc trong ánh sáng lòng tin của Giáo Hội và được giải thích như là Lời Chúa, chứ không phải chỉ như một áng văn cổ đối tượng của nghiên cứu khoa học. Kinh Thánh phải là linh hồn của Thần học vì Đức Giêsu chính là Đấng Mạc Khải Thiên Chúa, là con đường dẫn chúng ta đến với Ngài, mà như lời thánh Giêrônimô nói : “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Giêsu” (DV 25).

Dei Verbum chắc chắn đã thổi một luồng gió mới vào trong đời sống Giáo Hội, đặc biệt trong việc quảng bá và học hỏi Lời Chúa, để mọi người có điều kiện tiếp xúc với Lời Chúa và đem Lời Chúa vào cuộc sống. Nhìn lại 40 năm qua, W.Kasper có nhận xét đó là một giai đoạn đầy ánh sáng nhưng cũng có pha lẫn bóng tối. “Đôi khi việc giải thích Kinh Thánh trở nên một chiều, phức tạp và khô khan nghèo nàn trên bình diện thiêng liêng đến nỗi nó lại tạo ra những rào cản mới xung quang Kinh Thánh và ngăn cản những người tín hữu đơn sơ tiếp xúc với Lời Chúa thay vì giúp đỡ họ. Rất nhiều bản chú giải nói nhiều hơn về ý hướng của các tác giả Kinh Thánh và những tầng, lớp khác nhau của bản văn hơn là về sứ điệp của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Khi đó, Lời Thiên Chúa bị thay thế bằng những từ ngữ và quan điểm nhân loại. Những cách thực hành chú giải như vậy góp phần làm “vỡ vụn” bản văn Kinh Thánh và đánh mất đi sự duy nhất nội tại của quy điển. Rất may, hiện nay đang có những cố gắng lượng giá mang tính phê bình đối với khoa chú giải hiện đại”.

Còn về mối tương quan giữa Kinh Thánh và Thần học, sau khi đã có những nhận xét rất tích cực về chỗ đứng của Kinh Thánh và trong thần học kể từ khi Dei Verbum ra đời, Đức Tổng Giám mục Abuja, Nigeria là John Onaiyekan đã nhận định như sau. “Hiến chế Dei Verbum đã tỏ ra rất thận trọng trong cách trình bày mối tương quan giữa Kinh Thánh và Thánh truyền. Sự quân bình này cần phải được duy trì với sự chăm sóc ân cần và cẩn trọng như nhau (đối với cả hai). Kinh nghiệm của 40 năm qua dạy chúng ta rằng điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. […] Cũng vậy, sự quân bình đầy tế nhị giữa Kinh Thánh và học thuyết của Giáo Hội cần phải được duy trì. Một mặt, Kinh Thánh vẫn là linh hồn của Thần học và là quy luật Đức tin, theo nghĩa Giáo Hội không thể dạy điều gì trái ngược với Kinh Thánh được giải thích cách đúng đắn. Mặt khác, vì Giáo Hội đã lãnh nhận chân lý Tin Mừng do chính Đức Giêsu, và trước khi có sách Kinh Thánh, nên rõ ràng là lòng tin của Giáo Hội không phải chỉ được đặt nền tảng trên Kinh Thánh mà thôi. Do vậy, chúng ta cần tránh những cuộc tranh luận vô bổ và phù phiếm về các loại câu hỏi này. Cũng không cần phải xấu hổ thừa nhận rằng một số những khẳng định học thuyết của chúng ta, chẳng hạn Mầu nhiệm Đức Mẹ Lên Trời, không thể nào thiết lập chỉ thuần túy dựa trên nền tảng Kinh Thánh”.

Với nhận định rất đáng suy gẫm đó, xin được kết thúc phần trình bày giáo huấn của Dei Verbum về mối tương quan giữa Kinh Thánh và thần học. Phần tiếp sau của bài trình bày này liên quan đến việc tái khám phá Mầu nhiệm Phục sinh sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và sự phong phú mà việc nghiên cứu Kinh Thánh có thể mang lại cho đời sống thần học.

I.          TRỞ VỀ VỚI KINH THÁNH
VÀ QUÁ TRÌNH TÁI KHÁM PHÁ MẦU NHIỆM PHỤC SINH

Ngày nay Mầu nhiệm Phục sinh hiện diện trong tất cả mọi lãnh vực sinh hoạt của Hội Thánh như là nét đặc trưng của niềm tin Kitô giáo. Trong Thần học hiện đại, không ai có thể hình dung một giảng trình về Mầu nhiệm Chúa Kitô mà không dành một vị trí đặc biệt cho Mầu nhiệm Phục sinh. Nhưng chỉ cách đây không lâu lắm, tình hình hoàn toàn không như vậy. Khi giở lại những thủ bản thần học về Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể và Cứu chuộc được biên soạn trước Công đồng Vatican II chẳng hạn, chúng ta không khỏi giật mình về sự vắng bóng của Mầu nhiệm trọng tâm này cả trong cơ cấu của giáo trình lẫn trong suy tư thần học về Mầu nhiệm cứu độ.

Trong phần II của khảo luận về Mầu nhiệm “Đức Kitô Nhập thể và cứu chuộc” của Ludwig Ott mà chúng ta đã nói đến, khi bàn về Ơn cứu chuộc, tác giả dành trọn chương cuối cùng để nói về “Kết thúc vinh quang của ơn cứu độ hay việc tôn vinh Đức Kitô”. Trong chương 3 này, sau khi trình bày Mầu nhiệm Đức Kitô xuống ngục tổ tông, L. Ott nói về sự Phục sinh của Ngài, khẳng định “Ngày thứ ba sau khi chết, Đức Kitô sống lại vinh quang từ trong cõi chết” là một tín điều (de fide) được tuyên xưng trong mọi tín biểu của Giáo Hội thời cổ. Tiếp đến, ông viện dẫn Giáo huấn của Công đồng Tôlêđô 11 (năm 675), theo đó Đức Kitô sống lại do tự sức mình - mà nền tảng chính là Mầu nhiệm Ngôi hiệp. Nguyên nhân chính của Mầu nhiệm Phục sinh là Ngôi Lời trong sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần ; nguyên nhân phụ là những phần của nhân tính... Sau đó là phần trưng dẫn chứng cứ Kinh Thánh làm chứng Đức Giêsu sống lại từ trong cõi chết.

Trong tiểu mục nói về tầm quan trọng và ý nghĩa của mầu nhiệm phục sinh, ông viết : “Đối với chính Đức Kitô, cuộc Phục sinh là việc bước vào tình trạng vinh quang, được xem như phần thưởng cho sự tự hạ trong đau khổ”. Còn “trong nhãn quan cứu độ, cuộc Phục sinh không như cái chết thập tự là nguyên nhân tạo công nghiệp (cause méritoire) cho ơn cứu độ chúng ta, nhưng là sự hoàn tất vinh quang của công trình cứu độ. Cuộc Phục sinh thuộc vào sự thành toàn của ơn cứu độ và như thế trong Kinh Thánh được trình bày cùng với cái chết như một khối thống nhất (Rm 4,25), Phục sinh như tiền ảnh cho cuộc phục sinh tinh thần khỏi mọi tội lỗi (Rm 6,3s) là tiền ảnh và đảm bảo cho việc phục sinh thân xác trong tương lai (1Cr 15,20s ; Pl 3,21)”. Trong số hai trang nói về mầu nhiệm Phục sinh, tác giả dành đúng 15 dòng để nói về tầm quan trọng của Mầu nhiệm Phục sinh mà khẳng định đáng lưu ý nhất là “cuộc Phục sinh không như cái chết thập tự là nguyên nhân tạo công nghiệp cho ơn cứu độ của chúng ta” ! (tr. 383)

Dĩ nhiên L. Ott không phải là ngoại lệ. Tác phẩm khá nổi tiếng của Claude Chopin, “Ngôi Lời Nhập thể và cứu chuộc”, phát hành 1963 - mà ngay đến những năm 80-90, một số Chủng viện ở Việt Nam vẫn còn dùng làm thủ bản - cũng thể hiện một thực trạng tương tự. Mầu nhiệm Phục sinh được đề cập đến trong luận đề XXX, trong đó tác giả khẳng định Đức Giêsu sống lại vào ngày thứ ba, thân xác vinh quang Phục sinh của Đấng Phục sinh chính là thân xác của Đấng chịu đóng đinh ; Mầu nhiệm Phục sinh là công trình của Chúa Cha. Điều rất đáng ngạc nhiên là tác giả nhìn nhận rằng “mầu nhiệm Phục sinh của Đức Giêsu chiếm vị trí trung tâm trong lời rao giảng của các Tông đồ, rằng “có một mối liên hệ mất thiết giữa cái chết và sự Phục sinh”. Nhưng ông lại không thể rút ra được những hệ luận thần học phù hợp !

Về giá trị cứu độ của biến cố phục sinh, Chopin đề cập đến việc thông ban sự sống của Đấng Phục sinh cho những người được công chính hóa qua đời sống bí tích, nhưng không nói gì về giá trị cứu độ của chính biến cố. Và ông kết thúc luận đề với nhận định sau : “Nếu như người ta không tìm thấy trong các văn kiện của huấn quyền một định tín nào liên quan đến giá trị cứu độ của việc tôn vinh Đức Giêsu trong Mầu nhiệm Phục sinh, người ta có thể nhận thấy trong đời sống Giáo Hội rất nhiều cách thức diễn tả lòng tin của mình vào giá trị cứu độ của biến cố
này : trong phụng vụ đêm Vọng phục sinh, trong phụng vụ cầu cho người qua đời, là những cách thức diễn tả đức tin gắn liền với những bản văn quan trọng trong Kinh Thánh và Giáo phụ quan trọng” (tr. 174).

Mấu chốt của vấn đề nằm ở quãng cách giữa các văn kiện của huấn quyền so với các bản văn Kinh Thánh cũng như đời sống phụng vụ của Giáo Hội. C. Chopin đã đưa ra một nhận định rất xác đáng, vừa phản ánh cách thức làm thần học cũ và phơi bày khuyết điểm rất lớn của nền thần học được xây dựng khởi đi từ huấn quyền chứ không phải từ Kinh Thánh. Nhưng ông chỉ có thể dừng lại ở đó và dường như không hình dung ra được phải làm thế nào để ra khỏi cách làm thần học mà ông đã quen thuộc. Một lần nữa chúng ta thấy rõ hơn : huấn quyền minh giải và xác định cách hiểu bản văn Kinh Thánh chứ không chuyển tải hết nội dung sứ điệp Kinh Thánh.

Nhiều thần học gia tự hỏi và cố gắng phân tích lý do tại sao suốt nhiều thế kỷ, thần học lại có thể để cho Mầu nhiệm lớn lao này “đi nghỉ dài hạn” và đẩy nó vào trong những góc nhỏ xa xôi của đời sống thần học, và thường khi chỉ được dành cho một ghi chú nhỏ, một phụ lục hay một hệ luận dài đôi ba dòng như thế.[9] Theo
K. Rahner, sự ra đời của khoa Hộ giáo vào thể kỷ thứ 18 là một phần lý do của sự lãng quên đó. Đối với khoa Hộ giáo cổ điển, việc nại đến Biến cố Phục sinh luôn được coi là bằng chứng hùng hồn nhất – tức là phép lạ lớn lao nhất – để chứng minh sự chân thật và giá trị của Kitô giáo. Do vậy, người ta dành rất nhiều nỗ lực để chứng minh sự kiện Phục sinh, và khi đã làm xong điều đó, người ta nghĩ rằng điều quan trọng nhất về biến cố Phục sinh đã được nói rồi và quên đi chính biến cố và ý nghĩa của nó !

Tuy nhiên, cũng theo K.Rahner, lý do sâu xa nhất của sụ lãng quên đó hệ tại việc nền thần học Tây phương đã giải thích biến ơn cứu chuộc và ý nghĩa cứu độ của biến cố Giêsu Kitô dựa vào học thuyết đền bù (satisfaction) hoàn toàn có tính pháp lý mà nguồn gốc không chỉ dừng lại nơi Thánh Anselmô nhưng lên đến tận thánh Augustinô và Tertullien. Theo học thuyết mà chúng ta rất quen thuộc này, thì chỉ cần cuộc khổ nạn và cái chết của vị Người - Chúa là đủ đền bù sự xúc phạm vô biên đối với Thiên Chúa mà tội lỗi con người đã gây ra. Tất cả các biến cố khác của cuộc đời Đức Giêsu, trong đó có Mầu nhiệm Phục sinh, vì vậy mà mất đi ý nghĩa. Sự Phục sinh cuối cùng chỉ liên quan đến số phận riêng tư của Đức Giêsu chứ không có tầm quan trọng cứu độ.[10]

Adolphe Gesché, thành viên lâu năm của “Ủy ban quốc tế về Thần học” (CTI) thì cho rằng, ngoài lý do mà Rahner đã nói, lý do nội tại sâu xa của sự lãng quên này là vì thần học đã mất quá nhiều công sức - một cách không tương xứng - vào vấn đề sử tính của biến cố Phục sinh và lãng quên nhiều khía cạnh khác của Mầu nhiệm. Thật cần thiết và phải lẽ khi nhấn mạnh rằng lòng tin Kitô giáo là một lòng tin có cội rễ lịch sử, nhưng không nên vì thế mà quên rằng niềm tin thuộc về lãnh vực tự do và không ai có thễ bị ép buộc phải tin vì chúng ta đã trưng ra bằng chứng không thể bài bác ! Theo ông, câu trả lời liên quan đến sử tính của biến cố Phục sinh “không dạy chúng ta điều gì về bản chất của biến cố, về ý nghĩa, về tầm quan trọng hay về những lý do khiến cho biến cố này cần phải trở thành chủ đề của một khảo luận thần học ưu tiên”. Những nghiên cứu về sử tính của biến cố phục sinh không làm cho khoa thần học chính danh về mầu nhiệm phục sinh tiến triển, đơn giản tại vì nó không trả lời cho những đòi hỏi thiết yếu của nhận thức thần học... Chứng minh rằng biến cố đã thực sự xảy ra là một chuyện, cho thấy đó là một biến cố cứu độ và chỉ ra nó đặt nền tảng cho niềm tin theo nghĩa nào và biến đó xây dựng cơ cấu cho cuộc hiệu hữu và hành động của người Kitô hữu như thế nào lại là chuyện khác...[11]

Một trong những tác giả đã góp phần rất quan trọng trong việc tái khám phá Mầu nhiệm Phục sinh và đưa Mầu nhiệm Phục sinh vào trong suy tư thần học là F.X. Durrwell, với tác phẩm đầu tay và cũng là tác phẩm quan trọng nhất của ông, “La résurrection de Jésus mystère de salut”, phát hành năm 1950 và đến nay đã tái bản đến lần thứ 11. Xin được lấy trường hợp của ông làm ví dụ minh họa, dù ông không nổi tiếng trong giới thần học chuyên môn như nhà thần học Tin lành W. Pannenberg[12] với tác phẩm kinh điển của ông về Mầu nhiệm Phục sinh. (Có lẽ vì là nhà Kinh thánh nên tư tưởng của Durrwell không có tính hệ thống chặt chẽ của một nhà suy lý và thiếu những tiền đề triết học vững chắc tạo thuận lợi cho việc triển khai hệ thống hóa).

Ngay từ lúc còn là sinh viên thần học, F.X. Durrwell đã bị dằn vặt bởi sự lãng quên Mầu nhiệm Phục sinh trong cơ cấu và suy tư thần học, cách riêng là trong môn Cứu độ học truyền thống. Ông cũng không hài lòng về tình trạng thiếu liên lạc đến độ tách rời của những môn học tín lý quan trọng nhất. Thần học về Mầu nhiệm Ba Ngôi không quan tâm gì đến thần học về Chúa Kitô ; còn trong chính bộ môn về Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể và Cứu chuộc, cả hai phần cũng không có sự nối kết nại tại cách sâu xa. Những gì được trình bày về việc Ngôi Lời nhập thể dường như chỉ nhằm bảo đảm sự tương ứng giữa sự xúc phạm của con người và sự đền bù của vị Người - Chúa. Chúa Thánh Thần thì hoàn toàn không được nói đến ! Trở thành nhà Kinh thánh được đào tạo chuyên nghiệp, ông suy nghĩ về thực trạng đó, và đã phản ứng một cách đơn giản nhưng quyết liệt : “Kinh Thánh không quan niệm lịch sử ơn cứu chuộc chúng ta như thế !”.[13] Phản ứng của ông vừa bộc lộ tâm huyết của một nhà Kinh thánh chuyên nghiệp vừa bộc lộ một trực giác thần học rất sâu xa về vai trò tối quan trọng của Mầu nhiệm Phục sinh cũng như về mối tương quan giữa Thần học và Kinh Thánh. Và ông quyết tâm trở về với Kinh Thánh như là nền tảng và chuẩn mực đầu tiên và cuối cùng cho suy tư thần học của mình.

Theo ông, khuyết điểm chính yếu của khoa Cứu độ học truyền thống hệ tại chỗ đó là nền “thần học mang tính pháp lý chứ không mang tính Ba Ngôi.[14] Nền thần học này không lưu tâm đến điều tối quan trọng là chính Thiên Chúa Cha đã có sáng kiến giao hòa thế gian với Ngài trong Con chí ái (2Cr 5,18-22), cũng không nhận ra vai trò của Thánh Thần trong công trình cứu độ. Chính vì thế, Khoa Cứu độ học truyền thống đã trình bày khuôn mặt Thiên Chúa và giải thích ơn cứu độ rất xa với điều Kinh Thánh dạy, đôi khi rơi vào những hình dung quá đáng làm méo mó khuôn mặt Thiên Chúa. Dưới cái nhìn của ông, đó là hậu quả của việc các nhà thần học đã xây dựng hệ thống của mình dựa trên một số “bản văn Kinh Thánh (được trích dẫn cách ) rời rạc mà không quy chiếu về kiến trúc ba ngôi mà Kinh Thánh đã phác họa” (Le père, tr.55) ; đã biến một số hình ảnh Kinh Thánh thành những khái niệm mang tính lý thuyết để làm nền tảng cho cả một hệ thống suy tư mà không quan tâm đến sứ điệp Kinh Thánh trong toàn bộ. Ví dụ : theo Kinh Thánh hình ảnh “giá chuộc”, (Mc 10,45 ; 1Cr 6,20 và 7,23 ; 1P 1,18) hay nghi lễ “đền tội” có một ý nghĩa hoàn toàn khác so với cách mà mà Khoa Cứu độ học truyền thống hiểu những từ ngữ này sau khi biến chúng thành khái niệm lý thuyết.

Ý thức sâu xa về những bất cập trong khoa cứu độ học truyền thống và khoảng cách giữa những tư tưởng thần học phổ cập thời đó so với mạc khải của Kinh Thánh, F.X. Durrwell nỗ lực trở về với Kinh Thánh để làm mới suy tư của mình. Và khi trở về với Kinh Thánh, ông đã tái khám phá điều cốt yếu này : niềm tin Kitô giáo thiết yếu là niềm tin vào Mầu nhiệm Phục sinh. Theo Cv 2,22-36, Phêrô đã khai mào lời rao giảng tiên khởi bằng việc loan báo Mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô và sau đó mầu nhiệm này vẫn tiếp tục là trọng tâm của lời rao giảng (3,12-36 ; 4,9-12 ; 10,34-43). Thủa ban đầu, khi loan báo Mầu nhiệm Phục sinh các Tông đồ nỗ lực xóa tan đi cớ vấp phạm của Mầu nhiệm Thập giá. Sau này, cái chết cứu độ của Đức Giêsu được lồng vào trong lời tuyên xưng, nhưng điều đó không hề làm suy giảm tầm quan trọng của mầu nhiệm Phục sinh như bản văn cổ xưa nhất của Tân Ước làm chứng cho chúng ta : “Vì tiên vàn tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy : là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo Lời Kinh Thánh, là Ngài đã bị chốn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba theo Lời Kinh Thánh, là Ngài đã hiện ra cho Kêpha” (1Cr 15,3-5). Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại vì chúng ta, đó lànội dung căn bản Truyền thống Kitô giáo.

Về vấn đề này J. Doré cho rằng niềm tin càng triệt để, càng gần nguồn cội và càng mang tính nền tảng và khai sáng, thì mầu nhiệm Phục sinh càng chiếm vị trí trung tâm. Trong mức độ mà niềm tin trở thành chính đời sống, thành thái độ đặc thù Kitô giáo, thì mầu nhiệm Phục sinh không chỉ là đối tượng trung tâm mà còn đóng vai trò của một “nguyên lý định hình” (principe de formalisation) cho cuộc hành trình đức tin, trong toàn bộ nội dung cũng như trong những hình thái cụ thể của đời sống đức tin. Nếu lòng tin gắn liền với Mầu nhiệm phục sinh như thế, thì thần học là khoa học của lòng tin không thể nào khác hơn được, nếu nó muốn thực sự là khoa học của lòng tin kitô giáo. Đã có một thời gian dài nhiều thế kỷ người ta quên bẵng đi sự thật nền tảng đó.[15] [Kinh Tin mà chúng ta vẫn quen đọc, chỉ nhắc đến mầu nhiệm tử nạn của Chúa Giêsu mà không hề nói gì đến Mầu nhiệm Phục sinh của Ngài, như thể đó không phải là đối tượng của lòng tin vậy !]

Sau khi đã tái khẳng định chiều kích phục sinh của niềm tin Kitô giáo, Durwell nỗ lực chúng minh sự cần thiết của Mầu nhiệm Phục sinh đối với ơn cứu độ. Ông không chỉ dựa vào một số những bản văn căn bản mà chúng ta rất quen thuộc như 1Cr 15,14-17 : “Mà nếu Đức Kitô không sống lại, vậy thì lời rao giảng của chúng tôi thật hư không, và hư không nữa niềm tin của anh em... Nhưng nếu Đức Kitô không sống lại, thì việc anh em tin cũng hão huyền ! và hiện nay anh em vẫn còn ở trong tội của anh em”. Hoặc là lời thánh Phaolô trong Rm 4,25 : “Ngài đã bị phó nộp vì các lỗi lầm của ta, và đã sống lại là để chúng ta được giải án tuyên công”. Công cuộc khảo sát các bản văn Kinh Thánh của Durrwell, Cựu Ước và đặc biêt là Tân Ước, từ các Tin Mừng Nhất lãm đến Phúc Âm Gioan, sang các thư Phaolô và thư Do Thái, cho thấy là người ta không thể tách rời cái chết của Đức Giêsu khỏi mầu nhiệm Phục sinh của Ngài. Ông cũng cho thấy trong những lời Đức Giêsu loan báo Mầu nhiệm Vượt qua cuộc tử nạn luôn gắn liền với Mầu nhiệm Phục sinh (Mt 16,21-23 và ss ; Mt 17,22-23 và ss ; 20,17-19), dù chúng ta có thói quen gọi đó là lời loan báo cuộc thương khó !

Khi nhận định về đóng góp của F.X. Durrwell, Martin Benzerath cho rằng Durrwell không phải là người đầu tiên có trực giác thần học về vai trò của Mầu nhiệm Phục sinh ; một số tác giả khác đã đi trước ông và Durrwell cũng thường trích dẫn họ, đặc biệt là cha P. Prat, nhưng Durrwell có công là người đầu tiên thực hiện một tổng hợp mà những ý tường đã trở nên quen thuộc với chúng ta, trong khi cách đây 30 năm, chúng hoàn toàn không được biết đến. Theo ông, việc xuất bản tác phẩm La résurrection làm thành một niên hiệu quan trọng trong lịch “sử Thần học Kinh Thánh và trong đời sống Giáo Hội.[16]

Trong số những ý tưởng đã trở nên quen thuộc nhờ đóng góp của Durrwell mà Benzerath đã đề cập, có thể kể đến mối tương quan không thể tách lìa giữa lời loan báo và việc thiết lập Nước Thiên Chúa với cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu (Theo cái nhìn của Tin Mừng Nhất lãm) ; cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu gắn liền với nhau như hai giai đoạn của một hành trình : cái chết là khởi điểm và biến cố Phục sinh là đạt điểm của cuộc hành trình duy nhất vượt qua thế gian để về cùng Cha ; đó là hai mặt của một mầu nhiệm duy nhất là việc Chúa Cha tôn vinh Đức Giêsu (Gioan). Bên cạnh đó, mầu nhiệm Phục sinh còn được trình bày như là việc Thiên chúa chấp nhận hy lễ thập giá của Đức Giêsu, là việc Đức Giêsu – Thượng tế của Giao ước mới – đi ngang qua các tầng trời vào Cung thánh vĩnh cửu là cung lòng Thiên Chúa Cha, mở ra một cách hiểu hoàn toàn khác rất sát với Kinh Thánh về thuật ngữ “đền tội” (expiation) mà cốt lõi là sự hiệp thông, tái lập Giao ước mà sáng kiến thuộc về Thiên chúa (thư Do Thái) ; là cuộc vượt qua từ thân phận xác phàm sang đời sống theo Thánh Thần, là sự tuôn đổ Thánh Thần của Thiên Chúa vào thời cánh chung (thư Phaolô). Những ý tưởng này  không chỉ đề cao vai trò thiết yếu của Mầu nhiệm Phục sinh trong công trình cứu độ mà còn mở ra nhiều hướng khác nhau trong việc đào sâu ý nghĩa thần học của Mầu nhiệm Phục sinh, điều mà theo nhận định của Gesché, trong quá khứ thần học đã thiếu sót.

Sự phong phú của việc trở về với Kinh Thánh không chỉ liên quan đến biến cố Vượt qua của Đức Giêsu, nhưng còn tối quan trọng trong việc hiểu đúng và trính bày Mầu nhiệm Chúa Giêsu. Trong một bài báo rất nổi tiếng, “Problèmes actuels de la christologie” [17] thần học gia K. Rahner nhìn lại nền thần học của Chalcédoine. Sau khi khẳng định giá trị bất di dịch của giáo lý Chalcédoine, ông đặt rất nhiều câu hỏi để chỉ cho thấy rằng người ta không thể chỉ dừng lại ở đó, mà phải trở về với Kinh Thánh. Ông viết : “Dĩ nhiên là các luận đề thần học đó, trong mức độ chúng là tín điều, là đúng và thiết yếu. Và dĩ nhiên chúng cũng là cách diễn tả vừa gom góp vừa cô đọng những chứng từ nền tảng của Kinh Thánh về Đức Giêsu ; cách diễn tả đó là hoa quả công việc lâu dài của một lịch sử thiêng liêng duy nhất, dưới sự hướng dẫn của Thánh linh Thiên Chúa sống động trong Giáo Hội. Tất cả điều đó đều đúng, nhưng tín điều của Chalcédoine và một vài mảnh vụn mà sau đó, khoa kitô học đã nhặt nhạnh lấy trong lịch sử phát triển của khoa tín lý, có phải là bản tóm lược và sự tổng hợp thấu đáo và cạn kiệt tất cả những gì mà Kinh Thánh nói với chúng ta về Đức Giêsu, Đấng Kitô và Con Thiên Chúa, và của tất cả những gì mà Kinh Thánh có thể nói với chúng ta về Ngài, giả như chúng ta có thể đi tới chỗ diễn đạt trong ngôn ngữ của chúng ta tất cả những gì còn chưa được đưa vào trong khoa thần học kinh điển ? Trả lời khẳng định cho câu hỏi này là chối bỏ rằng Kinh Thánh là suối nguồn không thể tát cạn những chân lý về Đức Kitô” (tr.123).

Chia sẻ cùng một suy nghĩ như Rahner, Durrwell tự hỏi khi chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, hay khi chúng ta tuyên xưng nhân tính đích thực của Đức Giêsu, chúng ta đã tuyên xưng hết những gì mà Tân Ước dạy chúng ta về Ngài chưa ? và ông khẳng định rằng chưa ! Giáo huấn của Giáo Hội dạy chúng ta Đức Giêsu là người thật, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, chúng ta sẽ có một con người hết sức trừu tượng, một con người không có lịch sử, không có sử tính, không trải qua kinh nghiệm của sự “trở thành” (le devenir) vốn là những yếu tố căn bản của một con người đích thực. Một con người như thế không lột tả được hết chân dung của Đức Giêsu mà Tin Mừng trình bày cho chúng ta. Con Thiên Chúa không làm người một cách chung chung, mà làm người trong thân phận của một người Do Thái thế kỷ thứ nhất, Ngài có quá khứ, có hiện tại và tương lai. Quá khứ của dân tộc Ngài cũng là quá khứ của Ngài và chúng ta không thể hiểu Ngài cách trọn vẹn nếu không lý đến lịch sử đó. Theo Tin Mừng, Đức Giêsu càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và con người, một Đức Giêsu biết vui biết buồn, gần gũi với những người nghèo khổ và yếu đuối nhưng không sợ tiếp xúc với giới chức trọng quyền cao, và cũng không sợ đối mặt với cường quyền, một Đức Giêsu hiểu được những căng thẳng và mâu thuẫn có thể đe dọa mạng sống của mình nhưng vẫn không rút lại chọn lựa sống cho Thiên Chúa và cho con người của mình.

Đặc biệt nhờ trở về với Kinh Thánh ông đã góp phần khai phá một cách trình bày rất sống động, không những đối với Mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh mà tất cả cuộc sống tại thế của Ngài. Theo Durrwell, Đức Giêsu quả là Thiên Chúa thật và là người thật như giáo huấn của Chalcédoine dạy chúng ta. Nhưng nếu trung thành với Tin mừng, chúng ta phải nói rằng chân tính trọn vẹn của Ngài không phải là một vị Người - Chúa, nhưng là “Người - Con Thiên Chúa trong Chúa Thánh Linh” (l’Homme - Fils de Dieu dans l’Esprit-Saint). Ngài là Thiên Chúa nhưng không phải là vị Thiên Chúa đơn độc, nhưng là Thiên Chúa trong mối tương quan với Đấng mà Ngài gọi là Cha và với Thánh Linh không ngừng ở trên Ngài từ giây phút nhập thể đến lúc Ngài phó thác thần khí trên Thập giá. Từ xác tín đó, Durrwell hình thành một dòng suy tư Kitô học mang đậm đà mầu sắc Ba Ngôi và dòng suy tư về mầu nhiệm Ba Ngôi mang đậm dấu ấn Kitô học, cho thấy hai Mầu nhiệm này không tách rời nhau. Cuộc đời tại thế của Đức Giêsu và sứ vụ cứu thế của Ngài được trình bày như một cuộc đời làm Con Thiên Chúa trong Chúa Thánh Linh.

Trong suốt cuộc đời của mình, Đức Giêsu không làm gì nói gì khác hơn là sống chính căn tính Con Thiên Chúa của Ngài, mà “đón nhận” và “hiến dâng” chính là thái độ làm con đặc thù, được sống dưới hình thái của sự vâng phục. Trong cái nhìn đó, mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu được trình bày như là đỉnh cao của Mầu nhiệm Nhập thể và Mầu nhiệm làm Con của Chúa Giêsu ; Đó cũng là nơi mà Thiên Chúa thể hiện trọn vẹn nhất cương vị làm Cha của mình và Thánh Thần bộc lộ trọn vẹn quyền năng của Tình yêu. Do đó, Mầu nhiệm Vượt qua là Mạc khải tối hậu về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bởi vì nơi đó Mầu nhiệm Ba Ngôi trở thánh hiện thực trong lịch sử nhân loại, vì chúng ta và cho chúng ta. Ơn cứu độ được trình bày như hồng phúc làm con Thiên Chúa trong Con chí ái là Đức Giêsu nhờ lãnh nhận hồng ân Thánh Thần nghĩa tử, hoa quả của Mầu nhiệm Vượt qua. Đó là hoa quả việc áp dụng niềm tin của Giáo Hội rằng Mầu nhiệm Thiên Chúa nội tại chính là Mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ vào trong khoa Kitô học mang chiều kích ba ngôi để trình bày sự tương đồng giũa sự Nhiệm sinh vĩnh hằng (génération) và Sứ vụ (Missio) của Đức Giêsu Kitô.

Đây cũng là chiều hướng suy tư rất mới mẻ hiện được nhiều nhà thần học hàng đầu ủng hộ, trong đó phải kể đến H. U. Von Balthasar. Theo Alberto Esperel, thì “việc hội nhập hồng ân Thánh thần nghĩa tử vào trong thần học về Mầu nhiệm Phục sinh, xét như là hoa quả của công trình cứu độ, là một trong những khám phá quan trọng nhất của khoa Kitô học thế kỷ chúng ta đang sống” và Durrwell là một trong ba nhà thần học được nêu tên bên cạnh U. Von Balthasar và J.Ratzinger.[18]

Thực tế thì dòng suy tư này của Durrwell phát xuất từ một trong những trực giác thần học đầu tiên và căn bản của ông. Khi suy niệm đoạn thư Gal 4,1-6 nói về ơn “nghĩa tử”, ông khám phá ra rằng cùng với cái chết, Mầu nhiệm Phục sinh của Đức Giêsu làm thành Mầu nhiệm Cứu độ duy nhất. Ơn cứu độ chính là mầu nhiệm bản thân của Đức Giêsu (la rédemtption est le mystère personnel de Jésus). Đức Giêsu không chỉ lập công đem lại cho chúng ta ơn cứu độ qua những đau khổ Ngài chịu, mà trong chính cái chết và sự Phục sinh của Ngài, Ngài trở thành chính ơn cứu độ, ơn cứu độ mà mọi người được mời gọi bước vào. Con người được cứu độ không phải như kẻ lãnh nhận một phần thưởng nào đó bên ngoài Đức Giêsu, nhưng bằng cách đi vào trong sự hiệp thông với Ngài trong Mầu nhiệm Sự chết và Sự Phục sinh, tức là hiệp thông với Mầu nhiệm làm Con Thiên Chúa trong Thánh Linh của Đức Giêsu và nhờ đó được lãnh nhận Thánh Thần nghĩa tử Ngài ban.

Qua con kênh của sự Hiệp thông, chúng ta có thể thoáng mối liên hệ giữa Mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Đức Giêsu với Mầu nhiệm Thánh Thể, Mầu nhiệm Giáo Hội và Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà hướng suy nghĩ này mở ra. Khoa Kitô học hiện đại khẳng định Mầu nhiệm Phục sinh chính là khởi điểm của niềm tin Kitô ; và còn hơn thế nữa, người ta còn nghĩ rằng phải dành cho Mầu nhiệm này vai trò của một “nguyên lý định hình” (principe de formalisation) cho đời sống đức tin và nguyên lý tổ chức (Principe organisateur) của toàn bộ tòa nhà Thần học : tất cả phải được hình thành trong sự quy chiếu về Mầu nhiệm trọng tâm này. Đó cũng là ý kiến của Durrwell khi ông cho rằng Mầu nhiệm Đức Giêsu Tử nạn – Phục sinh và ơn Cứu độ ở trong Ngài chính là chìa khóa liên kết các bộ môn thần học khác nhau thành một ngôi Thánh đường xinh đẹp. Và trong viễn tượng cánh chung, ông nói rằng thần học phải khởi đầu và kết thúc trong Mầu nhiệm Phục sinh của Đức Giêsu, khi mà Ngài trở nên “tất cả trong mọi sự “. Đó là kết luận của Durrwell vào những năm tháng xế chiều của một cuộc đời tận tụy với Kinh Thánh.

KẾT luẬn

Hy vọng những trang vừa qua đã giúp chúng ta thấy được mối tương quan giữa Kinh Thánh và thần học theo cái nhìn của Dei Verbum và sự mới mẻ trong cái nhìn của Hiến chế, cũng như khám phá phần nào sự phong phú mà Kinh Thánh mang đến cho Thần học. Phần kết luận này xin được nói đôi điều về vai trò của thần học trong đời sống Giáo Hội.

Một trong những nét mới mẻ và sâu xa nhất của Dei Verbum chính là việc chuyển đổi từ một quan niệm về Mạc khải như việc truyền đạt các chân lý, đặc biệt các chân lý mà trí tuệ con người không thể trực tiếp vươn tới, do uy quyền của Thiên Chúa để con người đón nhận (Révélation sur le modèle de l’information et de l’instruction) sang một quan niệm về Mạc Khải được hiểu như một sự thông ban (Modèle de la communication) mang đậm nét chủ vị. Đối tượng được Thiên Chúa mạc khải, thông ban, không phải là gì khác mà chính là bản thân Ngài và ý định cứu độ của Ngài (auto-communication) đối với con người. Sự đổi mới quan niệm về Mạc khải đi liền với sự đổi mới quan niệm về lòng tin là thái độ đáp trả của con người. Với Dei Verbum, lòng tin không chỉ là sự ưng thuận của lý trí đối với những chân lý được truyền dạy mà còn là và nhất là sự gắn bó của toàn diện con người với Đấng đã tự thông ban bản thân cho mình.

 Lòng tin có được trước hết là do sáng kiến và tình thương của Thiên Chúa đã thương tự bày tỏ và thông ban chính mình cho con người. Một lòng tin đích thực đòi hỏi mỗi người đón nhận làm của riêng mình gia sản mà Giáo Hội đã truyền lại cho mình. Yếu tố chủ vị, cá nhân, sự dấn thân của mỗi người ngày càng trở nên quan trọng dù rằng không bao giờ có thể làm lu mờ sáng kiến ân sủng của Thiên Chúa. Nhưng người ta chỉ có thể dấn thân, gắn bó, đón nhận nếu hiểu được vì sao.

Là khoa học của lòng tin, phát xuất từ lòng tin, thần học hướng tới niềm tin. Đối với kho tàng Mạc khải, nó có vai trò soi sáng và phê bình đối với đức tin của các Kitô hữu, xét như là sự đáp trả của con người đối với sự mạc khải của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Thần học phải minh giải lòng tin để cho thấy là trong niềm tin và trong tất cả mọi hình thái diễn tả của nó, chúng ta đối diện không phải với một điều gì khác mà chính là với Thiên Chúa đang tự trao ban. Đối tượng của niềm tin không phải là ai hay là gì khác mà chính là Thiên Chúa, và chính hiểu biết về Thiên Chúa s ẽ góp phần đưa tới quyết định tin vào Ngài. Thần học nỗ lực tìm hiểu và thúc đẩy lòng tín thác đó, khám phá các lý do và các nẻo đường đưa đến quyết định dấn thân của con người.

Dưới một góc độ khác, trách nhiệm của thần học là phục vụ cho cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người và cho hồng ân của sự hình thành và triển nở của một nhân loại mới ; một nhân loại làm bởi những con người mới nhào nắn nên nhờ lòng tín thác họ đặt nơi Thiên Chúa và cũng từ ánh sáng và lòng tin Thiên Chúa đặt nơi con ngườ. Bởi lẽ, Mạc khải không chỉ nói với con người về Thiên Chúa, mà chính khi nói với con người về Thiên Chúa, mạc khải cũng nói với con người về con người là đối tượng của tình yêu của Thiên Chúa.

Do đó, ngoài việc soi sáng, thúc đẩy sự dấn thân và tín thác của con người vào Thiên Chúa, thần học cũng phải làm sáng tỏ những ngõ cụt, những nẻo đường tăm tối của lòng tin qua tiến trình dài của lịch sử, của các nền văn hóa và các thực hành của con người. Là khoa học của lòng tin, thần học cần tôn vinh giá trị soi sáng của lòng tin trong Giáo hội cũng như trong xã hội. Đồng thời nó cũng có trách nhiệm tra vấn về cách thức mà lòng tin xây dựng con người và hình thành cấu trúc nội tâm của họ. Và dĩ nhiên, thần học không thể né tránh trách nhiệm soi sáng và phê phán đối với cách thức mà các thể chế xã hội đối xử với con người là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương. Là khoa học của lòng tin mà lòng tin bao giờ cũng là lòng tin của Hội Thánh nên thần học để thực sự là thần học, phải mang chiều kích Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội không bao giờ là mực thước cho chính mình, nên mọi tư tưởng thần học phải tự đặt mình dưới sự phán xử của Thiên Chúa. Duới sự phán xử của Thiên Chúa, thần học nỗ lực xem xét coi, hôm qua và hôm nay, sứ điệp Kitô giáo mà chúng ta loan truyền có thực sự là sứ điệp đến từ nơi Thiên Chúa hay không và có đưa dẫn đến với Ngài không.

Nếu Giáo Hội không có lý do tồn tại nào khác hơn là chính Thiên Chúa và đề nghị Giao ước của Ngài, và lòng tin không có ý nghĩa nào khác hơn là chính sự đáp trả lại đề nghị của Thiên Chúa, thì thần học có vai trò là suy nghĩ về đề nghị của Thiên Chúa và lời đáp của con người, đồng thời phục vụ sự kết ước đó. Nhưng tìm đâu ra nguồn sáng để hiểu về đề nghị của Thiên Chúa và lời đáp của con người nếu không phải là trong Kinh Thánh, nơi lưu giữ kinh nghiệm của hàng ngàn năm gặp gỡ giữa đôi bên và trong dòng chảy lưu truyền chân lý và sự sống khởi xuất từ Đức Kitô sang cho Hội Thánh của Ngài ?



[1] Carlo Maria MARTINI, La place centrale de la Parole de Dieu dans la vie de l’Eglise- L’animation biblique de toute la pastorale, n.3 . Bài phát biểu trong Hội nghị quốc tế kỷ niệm 40 năm Dei Verbum do Fédération biblique catholique tổ chức.

[2] W.KASPER, Portée pastorale, spirituelle, oecuménique de la Lectio divina, phần IV, trong bài phát biểu tại Hội nghị kỷ niệm 40 năm Dei Verbum.

[3] Grundriss der katholischen Dogmatik, Herder, 1965, bản dịch Nguyễn văn Trinh, ĐCV Saigon 2003

[4] J.Ratzinger, The dogmatic constitution on divine revelation, a commentary, p.24.(Nguyên bản tiếng Đức trong Lexikon fur Theologie und Kirche, vol 13, Freiburg, Herder, 1967)

[5] « La Sainte Ecriture dans la Vie de l’Eglise, commentaire du chapitre VI », in « Vatican II, La révélation divine », t.2, Unam Sanctam n.70b, Cerf, 1968, tr.453.

[6] Chẳng hạn một số thủ bản thần học trong collection Le mystère chrétien của nhà xuất bản Desclée: Le Verbe incarné et Rédempteur của C. Chopin ; Le mystère de Dieu của F. M. Genuyt ; Le mariage của Pierre Adnès, v.v…

[7] Der Gott Jesu Christi,1982 ; bd t. Pháp : Le Dieu des chrétiens, 1996

[8] A. GRILLMEIER, op.cit. tr. 456-457.

[9] Adolphe GESCHÉ, “La résurrection de Jésus dans la théologie dogmatique », RTL, 1971, tr. 264

[10] « Questions dogmatiques se rapportant à la dévotion pascale », Ecrits théologiques, t.8, 1967, tr.146

[11] A. GESCHE, op.cit. tr. 273

[12] «Esquisse d’une christologie”, nguyên bản tiếng Đức phát hành năm 1964-bd.tiếng Pháp :Cerf, 1971.

[13] La résurrection de Jésus mystère de salut, tr.15

[14] Le père Dieu en son mystère, tr.56.

[15] Sư lãng quên này không phải chỉ dừng lại trong thần học mà đi vào trong đời sống thực hành của dân Chúa đến tận hôm nay. Kinh Tin (trong bộ ba kinh Tin- Cậy –Mến) mà chúng ta vẫn đọc ngày nay, chỉ dừng lại ở Mầu nhiệm Tử nạn mà không hề nói gì đến Mầu nhiệm Phục sinh : « Lạy Chúa, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng, con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba ngôi mà Ngôi thứ hai đã xuống thế làm người chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ, bầy nhiêu điều ấy cùng các điều Hội thánh dạy thì con tin vững vàng… » cứ như thể là Mầu nhiệm Phục sinh không phải là đối tượng của niềm tin hay không quan trọng đối với niềm tin vậy. Đó là chưa nói đến đối tượng của niềm tin từ chỗ Thiên Chúa là Cha trong kinh Tin Kính trở thành Thiên chúa Đấng thưởng phạt vô cùng… Không biết bản kinh có từ khi nào nhưng dấu ấn thần học pháp lý rất rõ nét. Cũng vậy trong kinh Cám ơn : « …Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng… lại cho Ngôi hai xuống thế làm người chuộc tội chịu chết trên cây Thánh giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời… ». Mầu nhiệm Phục sinh không được kể là lý do khiến chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa !

[16] «L’¬uvre du père Durrwell» trong La Pâque du Christ mystère du salut, Mélanges offertes à Durrwell, Cerf, Paris, 1982, tr.283.

[17] Ecrits théologiques, t.1, Desclée de Brouwer, 1957, tr.115-182

[18] Alberto ESPEZEL, Le mystère pascal au coeur de la médiation du Christ, trong communio, tập XXII, 1997, số 2-3,tr 109.

 


Mục Lục | Trở Về Trang Nhà