ĐÔI ĐIỀU VỀ BÁC ÁI MỤC VỤ

NHÂN ĐỌC THÔNG ĐIỆP DEUS CARITAS EST

 

 

Không một chỗ nào trong Thông điệp minh nhiên nói về bác ái mục vụ. Thậm chí những chữ ‘bác ái mục vụ’, nếu không lầm, cũng không thấy có trong bản văn. Đây không phải là điều Đức Giáo Hoàng muốn đề cập. Trong Thông điệp đầu đời giáo hoàng của mình, ngài muốn nhấn mạnh về tình yêu nói chung, một tình yêu là của Thiên Chúa, phát xuất từ Thiên Chúa, được ban tặng cho con người, để người ta, nhất là người Kitô hữu, có thể yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau, nghĩa là trao ban tình yêu của Thiên Chúa cho người khác.

Ngay cả trong phần thứ hai là phần khai triển nhiều hơn khía cạnh thực hành, Thông điệp cũng chỉ nói chung về hoạt động bác ái, phục vụ bác ái, coi đó tiên vàn là công tác của cả Hội Thánh, của từng cá nhân cũng như các tổ chức trong Hội Thánh, “trên các bình diện, bắt đầu từ các giáo xứ đến các Giáo Hội từng vùng, từng miền, cho đến Giáo Hội toàn cầu” (s.32), trong đó trách nhiệm về hoạt động bác ái được coi như… bổn pnận thuộc thừa tác vụ của Giám mục (ibid.).

Tuy vậy, những ý tưởng được gợi ra trong Thông điệp cho phép chúng ta nghĩ đến một sự bác ái chuyên biệt hơn, cụ thể hơn cho linh mục chúng ta. Đó là bác ái của người mục tử, bác ái mục vụ. Và đây là điều chúng ta muốn cùng nhau suy nghĩ trong dịp thường huấn này.

Theo Đức Gioan Phaolô II, bác ái mục vụ là “nguyên lý nội tại thôi thúc và hướng dẫn đời sống của linh mục…, tạo nên nguyên lý nội tại và động lực có thể thống nhất những hoạt động phong phú và đa dạng của linh mục”[1]. Không những thế, nó còn là “phương thế thiết yếu để đưa con người vào đời sống ân sủng”[2]]. Một nhân đức có tầm quan trọng và hiệu năng lớn lao như thế phải được linh mục chúng ta quan tâm và thực hành.

Đề tài được giới hạn vào 3 điểm : động lực và kiểu mẫu của bác ái mục vụ ; thể hiện bác ái mục vụ ; những phương thế vun trồng bác ái mục vụ.

I.       ĐỘNG LỰC VÀ KIỂU MẪU

    CỦA BÁC ÁI MỤC VỤ.

Trong Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập, chỉ có một Mục Tử duy nhất là chính Ngài. Nhưng “để chăn dắt và phát triển dân Chúa luôn mãi, Chúa Kitô đã thiết lập các thừa tác vụ khác nhau trong Hội Thánh hầu mưu ích cho toàn thân”.[3] Không những thiết lập, Ngài còn “trao ban quyền hành và sứ mạng, phương hướng và cứu cánh cho thừa tác vụ Giáo Hội”.[4] Trong số những người lãnh nhận thừa tác vụ này, có Giám Mục và linh mục được đặt làm mục tử, hành động nhân danh Đức Kitô, “hành động với thần lực và vai trò của chính Đức Kitô”,[5] thi hành chức vụ thủ lãnh của Đức Kitô (in persona Christi Capitis).

Là những mục tử hữu hình trong Giáo Hội, các ngài “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Mục Tử”[6]. Chính ấn tích của bí tích Truyền Chức Thánh làm cho các ngài đồng hình đồng dạng với Đức Kitô về phương diện hữu thể học. Nhưng điều này chỉ có ý nghĩa nếu các ngài đồng hình đồng dạng với Đức Kitô về phương diện luân lý và tu đức, nghĩa là trong cách sống và hoạt động của mình, các ngài làm nổi bật hình ảnh Đức Kitô, những nét của khuôn mẫu là Đức Kitô, cách riêng tình yêu của Đức Kitô Mục Tử. Chính tình yêu này làm cho việc chăn dắt đàn chiên của Chúa trở thành một dịch vụ tình yêu.[7] Chính tình yêu này phải là khuôn mẫu và động lực thúc đẩy các linh mục thi hành bác ái mục vụ.

Vậy Đức Kitô đã thể hiện tình yêu này như thế nào ?

Trước hết, Chúa xưng mình là một mục tử tốt (Ga 10,11). Theo bản văn hy lạp, ‘tốt’ gợi lên ý tưởng về một mục tử thật, hoàn toàn xứng danh là mục tử, ngược với mục tử giả. Nhưng hiểu ‘tốt’ theo nghĩa thông thường cũng không sai, vì tốt lành là đặc điểm của mục tử đích thực, và nơi Chúa Giêsu Mục Tử, biểu lộ sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa. Khi tự xưng như vậy, Chúa muốn cho thấy Ngài sẽ đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm về đàn chiên, đồng thời cũng cho thấy một sự bảo đảm và đoan hứa mãi mãi sẽ là Mục Tử tốt ỡ giữa đàn chiên.

Người mục tử chúng ta hôm nay theo gương Chúa, phải luôn tỏ ra là một mục tử tốt. Đương nhiên chúng ta không dám tự xưng mình là mục tử tốt, nhưng sự tốt lành theo khuôn mẫu của Chúa phải luôn là mục tiêu để chúng ta vươn tới, bằng cách không ngừng cải thiện đời sống và hoạt động thừa tác vụ của mình, sao cho mỗi ngày một tốt hơn.

Sự tốt lành được biểu lộ qua nhiều khía cạnh nói lên tình yêu sâu xa của Chúa.

Trông thấy đám đông đi theo mình, Chúa động lòng xót thương họ, vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không có người chăn (Mt 9,36 ; Mc 6,3-4). Nói đúng ra, họ vẫn có người chăn, nhưng chỉ là những người chăn thuê, không thiết gì đến chiên (Ga 10,13), nên chiên phải bơ vơ.

Linh mục chúng ta không phải là người chăn thuê, cũng không phải như một thứ công chức, sống theo một thứ chủ nghĩa công chức (fonctionnalisme). Thực tế, một số linh mục có não trạng thu hẹp chức tư tế thừa tác vào những khía cạnh thuần túy công vụ. Não trạng này có nguy cơ làm cho đời sống linh mục trở thành trống rỗng, thường được bù trừ bằng những lối sống không phù hợp với thừa tác vụ của mình.[8] Chúng ta đã tự nguyện lãnh nhận sứ mạng từ Chúa. Phải quan tâm đến những người được trao phó cho mình. Phải hun đúc cho mình một sự mẫn cảm đối với những người đáng thương, nhất là những người đói khát chân lý hoặc cần được thông truyền chân lý, vì chúng ta được sai đến chủ yếu để cung ứng cho họ chân lý của Thiên Chúa.

Mục tử cũng là người có tương giao tốt với từng con chiên. Chúa Giêsu Mục Tử lên tiếng gọi chiên và được chiên nhận ra tiếng (Ga 10,3-5). Ngài âu yếm gọi tên từng người, như đã gọi tên các Tông Đồ ngày xưa, đã gọi tên Dakêu khi vào thành Giêricô, đã gọi tên Maria Magđala sau khi sống lại… Ngài có thể kêu gọi qua lời Ngài trong Sách Thánh, qua tiếng nói tự thâm tâm mỗi người, qua thừa tác viên trong Giáo Hội… Ngài cũng kêu gọi từng người đi theo Ngài trong một ơn gọi phù hợp với họ, đưa họ tới sự sống, như chiên được dẫn tới đồng cỏ xanh tươi. Dù Chúa có gọi theo cách thức nào thì con chiên biết và yêu Chúa vẫn nhận ra đó là tiếng nói của Ngài và đáp lại, giống như Maria Magđala, lúc đầu trông thấy Chúa Phục Sinh lại tưởng là người giữ vườn, nhưng khi nghe Chúa gọi tên mình thì đã nhận ra Chúa ngay và đã đáp lại : Rabbouni (Ga 20,16).

Người mục tử hôm nay, sống tinh thần bác ái mục vụ, có kêu mời ai thì cũng phải kêu mời họ đến với Chúa, đi theo Chúa, và phải giúp cho họ nhận ra chính là tiếng Chúa gọi mình. Tương quan của chúng ta với con chiên phải đưa đến tương quan tốt của họ với Chủ Chiên đích thực là Chúa.

Chúa Giêsu Mục Tử cũng là người biết chiên và chiên biết Ngài. Biết, không chỉ là một thái độ thuần túy tri thức, hoặc biết hời hợt như khi nghe nói về một người nào mà bảo rằng mình có biết người đó. Đây là một sự biết vào sâu, diễn tả một cộng đồng sinh mệnh dựa trên cả tri thức lẫn tình yêu. Chúa Giêsu biết rõ và yêu thương con chiên, như Ngài biết rõ và yêu mến Chúa Cha. Sự hiểu biết của Ngài về con chiên bắt nguồn từ tình yêu liên kết Ngài với Chúa Cha, và có được sự sung mãn trong tình yêu này. Nhưng Ngài chỉ có thể là Mục Tử tốt khi giúp cho con chiên cũng biết và yêu mến Chúa Cha.

Người mục tử hôm nay dễ có khuynh hướng biết nhiều thứ ‘đàn’ hay ‘đoàn’ diễn ra trước mắt, qua cuộc sống cụ thể và những phương tiện thông tin hiện đại. Nhưng nếu muốn là mục tử tốt thì phải ưu tiên biết và yêu thương đàn chiên được trao phó cho mình, không những thế, còn phải giúp họ biết và yêu mến Chúa Giêsu Mục Tử, và qua Ngài mà biết và yêu mến Thiên Chúa.

Có lẽ nét đặc trưng nhất nơi một mục tử chân chính là hy sinh mình cho đàn chiên (Ga 10,11.15.17-18), để chúng được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Chúa Giêsu chính là mẫu mục tử như vậy. Qua việc hiến mạng sống mình, Ngài bộc lộ tấm lòng chân thành và vô vị lợi tuyệt đối khi nhận chăm sóc đàn chiên. Đàn chiên này là xương bởi xương Ngài và thịt bởi thịt Ngài, theo cách Ađam nói với Evà (x. St 2,23). Những gì liên hệ đến đàn chiên thì cũng liên hệ đến Ngài. Mọi nguy hiểm đe dọa đàn chiên đều làm cho Ngài lo lắng. Nhưng Chúa Giêsu Mục Tử không chỉ hy sinh để cung ứng những nhu cầu bên ngoài của đàn chiên. Sự hy sinh độc đáo nhất, cao quý nhất, nói lên tình yêu cao cả nhất, là Ngài đã hy sinh mạng sống, đã tự nguyện chấp nhận hy tế Thập giá. Ở đây, hình ảnh mục tử hòa lẫn với hình ảnh Chiên Con, hình ảnh người Tôi Tớ đau khổ, mang lấy mọi tội lỗi của đàn chiên, hy sinh thân mình để lôi kéo ơn tha thứ của Thiên Chúa. Là Mục Tử tốt trong cái chết, Chúa Giêsu cũng là Mục Tử tốt trong sự sống lại. Nhờ sự sống lại này, Ngài đã hoàn tất công cuộc cứu độ, đưa đoàn chiên trở lại với Chúa Cha, làm cho họ được sống bằng sự sống vĩnh cửu của Ngài (Ga 14,19).

Người mục tử hôm nay cũng phải biết hy sinh cuộc sống của mình vì đàn chiên. Hy sinh đến nỗi chấp nhận chết vì đàn chiên chắc hẳn chỉ là trường hợp hãn hữu, nhưng hy sinh những gì thuộc về đời sống như tiền bạc, thời giờ, tiện nghi, sở thích… là điều có thể làm và phải làm. Những hy sinh như vậy cũng là một cách chết, chết dần chết mòn. “Yêu là chết trong lòng một tí”. Nhưng chết đó là để sống, đặc biệt ở đây là để làm cho đàn chiên của mình được sống.

Cuối cùng, người mục tử tốt đi tìm chiên lạc (Lc 15,3-7 ; Mt 18,12), quy tụ chiên thành một bầy. Chiên lạc là hình ảnh người tội lỗi. Chúa Giêsu Mục Tử sẵn sàng bỏ 99 con chiên còn lại để đi tìm một con xa bầy, vì Ngài đến để kêu gọi và tìm kiếm kẻ có tội. Chiên lạc cũng còn được hiểu là những người khác được Ngài gọi trước là con chiên nhưng chưa thuộc về đàn chiên. Ngài cũng có sứ mệnh quy tụ những con chiên đó, đưa về làm thành một đàn chiên duy nhất, dưới sự chăn dắt của một chủ chăn.

Người mục tử hôm nay cũng có trọng trách với hai loại chiên này. Một đàng phải quan tâm đến những người tội lỗi trong cộng đồng, tìm cách đưa họ về đường chính, không an tâm với ý nghĩ “sống chết mặc bay”. Đàng khác, không chỉ hài lòng với đàn chiên được trao phó, mà còn phải hướng tới những người ở ngoài đàn chiên, chưa được biết Chúa. Ý hướng truyền giáo luôn luôn phải được khơi dậy nơi bất cứ mục tử nào.

Tóm lại, mọi mục tử tốt đều phải sống bác ái mục vụ trên đây, theo gương Chúa Giêsu Mục Tử “trong sự hiến mình và phục vụ của Người”.[9]

 

II. THỂ HIỆN BÁC ÁI MỤC VỤ.

Linh mục là Thày dạy lời Chúa, thừa tác viên các bí tích và người lãnh đạo cộng đồng. Đó là những hoạt động chuyên biệt của người mục tử. Ngài phải thể hiện bác ái mục vụ trong những hoạt động chuyên biệt này.

1. Thày dạy lời Chúa

Lời Chúa là lời thần linh, lời mạc khải, lời đem lại sự sống đời đời cho những ai tin, lắng nghe và thực hành. Lời đó được truyền đạt trong và qua Giáo Hội, là một phương tiện nhờ đó Chúa Kitô hiện diện và hành động. Lời Chúa khi được lắng nghe và đón nhận sẽ giúp con người gặp gỡ một Thiên Chúa nói, sẽ chất vấn tâm hồn họ, sẽ đòi buộc họ quyết định thay đổi đời sống.

Bởi vậy, lời cần phải được loan báo và giảng dạy. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của linh mục,[10] là món nợ mà linh mục mắc với mọi người, là nhiệm vụ mà “các linh mục bị ràng buộc cách chặt chẽ hơn bất cứ nhiệm vụ nào khác, nghiêm khắc hơn bất cứ nhiệm vụ nào khác”.[11] Việc dùng lời Chúa để dạy dỗ các tín hữu nổi bật trong số những việc làm thể hiện lòng bác ái mục vụ, vì nó đáp ứng nhất với điều người ta chờ đợi nơi các mục tử. Đó là bác ái trí thức.[12]

Thông thường thì người mục tử truyền đạt lời Chúa qua hai công việc là dạy giáo lý và giảng giải lời Chúa trong các bí tích, nhất là trong Thánh Lễ. Nhưng trên thực tế, việc dạy giáo lý thường được trao cho các giáo lý viên, chỉ còn công việc thứ hai dành cho mục tử, là công việc chỉ người có chức thánh mới có quyền làm.

Chúng ta hẳn được nghe nhiều phản ánh không thuận lợi của giáo dân về bài giảng của linh mục, trong đó có những điều thực sự không phù hợp với tinh thần bác ái mục vụ. Thử ghi nhận một số phản ánh đáng lưu ý :

Linh mục chửi mắng giáo dân trên tòa giảng. Dân chúng chờ đợi nghe những lời giúp cho họ hiểu biết hơn về tình thương của Chúa, giúp họ cảm thấy được an ủi, khích lệ, để can đảm đi theo Chúa, thì thay vào đó lại là những lời của con người trách mắng con người, trực tiếp hoặc gián tiếp, những lời thay vì đem đến sự sống lại đem đến sự chết, không chết về thể xác mà là chết về tinh thần nếu như đó là những lời thậm tệ. “Trời đánh còn tránh bữa ăn”. Trời tránh, nhưng linh mục không tránh. Lương thực lời Chúa đã bị linh mục thao túng một cách tệ hại, làm sao giáo dân có thể nuốt trôi cho được ?

Có những bài giảng không đụng chạm tới ai, thậm chí có thể làm cho một số người thích thú, nhưng lại không chứng tỏ bác ái mục vụ chân thực. Nội dung chỉ là những chuyện giời ơi đất hỡi, những sự khôn ngoan thuần túy của con người hay của mình, chứ không phải sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Augustinô bảo rằng : “Kiến thức của chúng ta là Đức Kitô, sự khôn ngoan của chúng ta cũng là Đức Kitô”.[13] Thánh Phaolô thì khẳng định : “Chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí ; chúng tôi dùng những lời lẽ Thần Khí linh hứng để diễn tả thực tại thuộc về Thần Khí” (1Cr 2,13). Thêm thắt một câu truyện như gia vị để cho bài giảng thêm đậm đà cũng tốt thôi, nhưng đừng để cho người nghe chỉ nhớ đến truyện mà quên mất lời Chúa. Liên hệ với hoàn cảnh cụ thể và vấn nạn thực tế của người nghe là điều nên làm và phải làm, nhưng phải biết dùng lời Chúa để giải thích và soi sáng những điều đó. Dân Chúa đói khát lời Chúa không tìm đến tòa giảng để nghe những chuyện đâu đâu, hoặc những gì ai nấy đều có thể biết chi tiết qua các phương tiện thông tin hiện đại của ngày hôm nay.

Bác ái mục vụ đòi linh mục cung cấp cho họ của ăn đích thực, có chất lượng, để đời sống đạo của họ không suy dinh dưỡng. Của ăn này không gì khác hơn là chính lời Chúa. Muốn vậy, chúng ta phải không ngừng học hỏi và nghiền ngẫm lời Chúa, vì “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”.[14] Lười biếng trí thức, trong đó có lười biếng học hỏi Kinh Thánh, là nguy cơ đáng báo động nơi không ít linh mục. Có thể do lười biếng thực. Có thể do tự phụ mình đã biết đủ nên không chịu học hỏi thêm.[15] Dĩ nhiên, biết ở đây không chỉ thuần túy về tri thức, nhưng còn biết bằng tấm lòng : yêu mến lời Chúa, để lời Chúa thấm nhập và biến cải tâm hồn chúng ta trước, qua suy niệm, cầu nguyện và thực hành. Khi có đầy trong lòng, tự nhiên lời Chúa sẽ trào ra ngoài miệng. Khi ấy, chúng ta sẽ không “trở thành những kẻ huênh hoang rao giảng lời Thiên Chúa bằng môi miệng, bởi đã không nghe lời Chúa trong lòng”.[16]

Một việc cụ thể mà trước đây Đức Cha Bartôlômêô đã có lần nhắc nhở : “Đừng bao giờ suy nghĩ bài giảng mà không đọc trước các bài Kinh Thánh của Thánh Lễ, vì bài giảng phải được múc từ nguồn Kinh Thánh và phụng vụ. Đừng mở miệng sau Phúc Âm khi không biết, không nghe, không suy lời Chúa vừa được công bố”.[17] Một lời nhắc nhở không phải là thừa.

Ngoài ra, để giúp cho việc giảng được hiệu quả, phải biết trau dồi hình thức giảng, làm sao cho sứ điệp được trình bày mạch lạc, hấp dẫn, bằng thứ ngôn ngữ dễ hiểu nhưng không tầm thường, phù hợp với trình độ và não trạng người nghe. Không phải ai cũng có thể trở thành nhà hùng biện. Nhưng nếu yêu mến lời Chúa, yêu thương và tôn trọng người nghe, chuyên cần học hỏi cả về những điều phải giảng lẫn cách thức giảng, với thái độ chân thành và khiêm tốn, thì lời Chúa mà chúng ta truyền đạt vẫn có thể giúp biến cải tâm hồn họ. “Linh mục không phải là nhà hoạt náo truyền thông (showmaster) đang biểu diễn một cái gì đó do ông tự nghĩ ra. Trái lại, ông có thể là một diễn viên rất tồi, nhưng ông đang đại diện cho một cái gì đó hoàn toàn khác, và cái đó hoàn toàn không tùy thuộc ông”.[18]

Tóm lại, bác ái mục vụ đòi người mục tử phải rao truyền trung thực và trọn vẹn lời Chúa, và cố làm sao cho lời Chúa đạt được hiệu quả tối đa nơi người nghe.

2. Thừa tác viên bí tích.

Linh mục là người “quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (1Cr 4,1) là những kho tàng ân sủng nuôi dưỡng đời sống và đức tin của người tín hữu. Thuộc vào kho tàng ân sủng này là các bí tích.

Các bí tích có vai trò quan trọng trong đời sống người Kitô hữu. Các bí tích khai tâm đặt nền tảng cho toàn thể đời sống của họ, giúp họ hiệp thông sâu xa hơn vào đời sống thần linh và ngày càng tiến tới đức mến hoàn hảo, đồng thời cũng đặt nền tảng cho ơn gọi chung của người môn đệ Chúa Kitô : ơn gọi nên thánh và được sai đi rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Các bí tích Thống Hối và Xức Dầu Bệnh Nhân giúp họ được chữa lành, đặc biệt được tha thứ tội lỗi. Các bí tích Truyền Chức Thánh và Hôn Nhân nhằm xây dựng cộng đồng và cũng góp phần cứu rỗi bản thân.

Được tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô và hành động như thừa tác viên của Ngài, linh mục thi hành chức tư tế này đặc biệt trong việc cử hành các nghi thức phụng vụ và bí tích. Tuy chúng ta thường xuyên cử hành các bí tích Thánh Tẩy, Thánh Thể, Thống Hối, Xức Dầu Bệnh Nhân, Hôn Nhân, nhưng có hai bí tích cần được lưu ý nhiều hơn, vì tầm quan trọng đặc biệt của chúng trong đời sống, hầu như được làm hằng ngày, và cũng vì có nhiều vấn đề đặt ra cho mục vụ. Đó là các bí tích Thánh Thể và Thống Hối. Bác ái mục vụ của chúng ta cần được đặt ưu tiên cho những bí tích này.

Đối với các bí tích nói chung, bổn phận của linh mục là giúp cho giáo dân hiểu biết ý nghĩa của chúng, ý nghĩa giáo hội và quy hướng về Thánh Thể, cũng như tập cho họ, khi tham dự, biết yêu mến, đón nhận và sống ơn bí tích nhờ chức tư tế cộng đồng của họ. Như vậy, họ sẽ tránh được ý tưởng sai lầm coi bí tích như một thứ ma thuật tự nó có hiệu lực không liên hệ gì đến đời sống Kitô giáo.[19] Liên hệ với ý tưởng sai lầm trên đây, cần giúp cho họ biết dọn mình xứng đáng, vì chỉ khi chuẩn bị tâm hồn cẩn thận và xứng đáng, họ mới có quyền và có thể lãnh nhận bí tích cách hữu hiệu.[20]

Riêng về Bí tích Thánh Thể, chúng ta đều biết Thánh Thể có vai trò trung tâm, là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn thể đời sống người Kitô hữu, vì chính nhờ tác động của bí tích này và chung quanh bí tích này mà cộng đồng được sống động và trường thành.[21] Nhưng để cho thấy giá trị và hiệu quả của Thánh Lễ trong đời sống thì ngoài việc chuẩn bị cho giáo dân như nói trên, bác ái mục vụ còn đòi hỏi chính thừa tác viên phải góp phần xứng hợp vào cử hành, qua việc tổ chức, thái độ và hành động của mình trong Thánh Lễ. Quy Chế Tổng Quát của Sách Lễ Rôma đã đưa ra những chỉ dẫn tổng quát như sau : “Phải hết sức lo cho việc cử hành Thánh Lễ… được tổ chức thế nào, để các thừa tác viên và các tín hữu, khi tham dự tùy theo địa vị của mình, được lãnh nhận các hiệu quả dồi dào hơn” và “điều này có thể đạt được, nếu ta để ý đến bản chất và hoàn cảnh của mỗi cộng đoàn, mà xếp đặt toàn bộ việc cử hành thế nào, để giúp các tín hữu tham dự với cả xác hồn, một cách ý thức, tích cực, đầy đủ, và với lòng tin cậy mến nồng nàn. Đó là việc tham dự mà Hội Thánh mong muốn, và bản chất việc cử hành đòi hỏi, lại cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của giáo dân, phát xuất từ bí tích Thánh Tẩy”.[22] Chúng ta thấy một trong những lý do Quy Chế đưa ra liên hệ đến quyền lợi của giáo dân, tức còn hơn cả bác ái nữa, vì liên hệ đến sự công bằng mà người giáo dân phải được hưởng khi tham dự Thánh Lễ.

Xin được gợi ra một vài điểm về sự công bằng và bác ái này.

- Giữ đúng giờ lễ. Nhiều người càm ràm không chỉ vì lễ lâu (nhiều phần vì giảng dài), mà còn vì Thánh Lễ bắt đầu trễ hơn giờ quy định. Trong cuộc sống hôm nay, thời giờ phân chia cho những công việc trong ngày thường sít sao. Ngay cả ngày Chúa nhật, dù không có lao động, dịch vụ hay học hành đi nữa (thường ra vẫn có đối với một số người), vẫn còn có những công việc khác để làm. Làm lễ trễ giờ có thể gây khó khăn cho công việc của họ. Vả lại, dù không thực sự bận gì sau đó thì tâm lý của người đi lễ vẫn khó chịu khi phải chờ đợi. Chính sự khó chịu hoặc lo lắng làm cho tâm hồn họ không còn được sự thanh thản và sốt sắng.

- Giữ đúng quy luật phụng vụ. “Trong số những khía cạnh khác nhau của kỷ luật Giáo Hội, sự tuân phục đối với những luật lệ và quy định phụng vụ của Giáo Hội, nghĩa là trung thành với các quy tắc tổ chức việc phụng thờ Thiên Chúa theo ý muốn của Linh Mục Thượng Phẩm đời đời và Nhiệm Thể của Người, có tầm quan trọng đặc biệt… Việc ấn định các quy tắc phụng vụ thuộc thẩm quyền Giáo Hội tức Tòa Thánh mà thôi và, trong những điều Giáo luật quy định, thuộc thẩm quyền Giám Mục. Không ai khác, ngay cả linh mục, được phép thêm bớt hay thay đổi bất cứ điều gì trong phụng vụ theo ý mình”.[23] Linh mục chỉ là thừa tác viên, cử hành phụng vụ nhân danh Chúa Kitô và Giáo Hội, phải thi hành những gì Chúa và Giáo Hội dạy về việc này. Giáo dân có quyền được tham dự phụng vụ theo nghi thức của Giáo Hội thì linh mục có bổn phận cho họ được hưởng quyền đó, chứ không phải những gì theo ý muốn và sáng kiến riêng của mình. Đừng gây thắc mắc và chia rẽ nơi họ liên can đến việc cử hành phụng vụ.

- Thái độ cử chỉ của chủ tế. Muốn cho giáo dân tham dự Thánh Lễ sốt sắng thì chính chủ tế phải cử hành sao cho sốt sắng, qua thái độ, cử chỉ và lời đọc của mình. “Việc thiếu lưu tâm đến những khía cạnh biểu trưng của phụng vụ hoặc, hơn nữa, sự cẩu thả, vội vã, hời hợt và vô trật tự sẽ làm mất hết ý nghĩa đồng thời làm suy giảm chức năng của phụng vụ là làm tăng trưởng đức tin. Ai cử hành cẩu thả chứng tỏ đức tin yếu kém và không thể dạy người khác đạt tới đức tin. Ngược lại, cử hành tốt là một huấn giáo đầu tiên và quan trọng nhất về Hy Lễ Thánh”.[24]

Để được như vậy, phải luôn ý thức về công việc thiêng thánh sắp làm, và có sự chuẩn bị cần thiết ngay trước khi làm. Còn về lâu về dài, phải tập cho mình một thái độ nghiêm trang, một cung giọng tự nhiên, nhịp nhàng, những cử chỉ vừa phải và đúng phép, không như một kịch sĩ diễn trò cũng không phải một pháp sư vẽ bùa. Sự múa máy gây phản cảm của chủ tế có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhiều giáo dân thích tham dự Chầu phép lành hơn là tham dự Thánh Lễ, dù họ biết Thánh Lễ có giá trị hơn. Ít ra khi chầu, người ta được thanh thản, đối diện trực tiếp với Thánh Thể, không phải thông qua một chủ sự làm cho họ chia trí và khó chịu.

Về việc ban bí tích Thống Hối hay Giải Tội, có nhiều điểm cũng cần được đề ra cho bác ái mục vụ. Thống hối, đặc biệt qua bí tích, là điều kiện cần thiết để có thể tin và được cứu độ, và để có thể lãnh nhận ơn ích khi tham dự mầu nhiệm thánh. Việc thống hối càng phải được nhấn mạnh trong một thế giới ít nhạy cảm với tội lỗi, với thực tại tội lỗi. Bởi vậy, người mục tử sẽ không ngừng dựa vào lời Chúa kêu gọi người ta thống hối nhất là qua bí tích.

Nhưng để giáo dân có thể làm việc này thì một trong những điều kiện là linh mục phải năng ngồi tòa. Không những có thời biểu ấn định việc ngồi tòa,[25] mà còn phải sẵn sàng giải tội bất cứ lúc nào khi có thể, nhất là cho những hối nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Bác ái mục vụ đòi chúng ta phải sẵn sàng như vậy, giúp cho người ta tìm lại được tình yêu thương tha thứ của Chúa. Thường thi linh mục trẻ mới ra lò thích ngồi tòa hơn làm lễ có giảng, vì giảng chưa thông, còn linh mục cao tuổi, do “bệnh mục xương đã nhập vào mình” (Kb 3,16), không thể ngồi lâu nên thích giảng hơn giải tội. Nhưng trên thực tế, phải nói thành thật là lắm cha già lại siêng năng giải tội hơn cha trẻ. Cha trẻ muốn có những hoạt động này khác ở bên ngoài cho ra trò, chứ chuyện lủi thủi một mình trong tòa, đối diện với một hối nhân thôi, thì có mòi không ưa.[26]

Trong khi giải tội, cũng phải thể hiện lòng bác ái với hối nhân : kiên nhẫn khi hối nhân xưng có vẻ vớ vẩn hoặc không chuẩn bị kỹ ; không la rầy về những tội hối nhân phạm ; không to tiếng quá khiến hối nhân có thể cảm thấy xấu hổ với người khác. Nhiều trường hợp hối nhân chết khiếp khi đến với tòa có cha giải tội theo cung cách ấy. Thư luân lưu của Bộ Giáo sĩ viết : “Nhiệm vụ của linh mục trong nghi thức xá giải là đặt hối nhân trước Chúa Kitô, nhờ vậy, bằng sự hết sức tế nhị tạo điều kiện dễ dàng cho một cuộc gặp gỡ lòng thương xót Chúa”, và không quên cảnh báo : “Việc xưng tội giảm sút… gây thiệt hại cho đời sống luân lý và lương tâm của người tín hữu, nguy hiểm đó đôi khi là do sự sa sút phẩm chất phục vụ của thừa tác viên xá giải về phương diện thần học và mục vụ”.[27]


3. Người lãnh đạo cộng đồng.

Người mục tử được đặt làm thủ lãnh cộng đồng. Lãnh đạo là một vinh dự, đồng thời cũng là một trách vụ nặng nề (honor – onus). Đối với người mục tử chúng ta, vinh dự không phải là điều chúng ta tìm kiếm, nhưng trách vụ là điều chúng ta phải không ngừng và hết sức quan tâm.

Chúng ta đảm nhận chức vụ trong vai trò của Đức Kitô là Đầu. Qua bí tích Truyền Chức Thánh, chúng ta được Chúa ban quyền để làm công việc này. Đây là quyền thánh (potestas sacra) để phục vụ cho dân thánh của Chúa, nên được thực hiện khác với quyền cai trị trong một xã hội hay tổ chức dân sự. Tư cách của người thể hiện quyền này phải là tư cách của chính Đức Kitô là Đầu đã thể hiện, tức là lãnh đạo dân Chúa trong tinh thần bác ái yêu thương. Chức linh mục chính là “tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu”, nói theo cha sở họ Ars.[28]

Để có được tinh thần trên đây, người mục tử phải yêu Chúa trước đã. Chúng ta hẳn nhớ câu truyện Chúa Phục Sinh trao cho Phêrô quyền chăn dắt đàn chiên của Ngài, với đòi hỏi đi kèm như thế nào. “Này anh Simon, con ông Giona, anh có mến Thày hơn các anh em này không ?” (Ga 21,15). Chúa không đòi hỏi gì khác hơn là phải yêu Ngài. Chúa còn hỏi đi hỏi lại tới 3 lần để cho thấy tầm quan trọng của vấn đề. Mà quan trọng và cần thiết thật ! Không yêu Chúa, làm sao Phêrô có thể chăn dắt những con chiên được Chúa yêu thương và trao phó cho mình ?

Nơi người mục tử lãnh đạo cộng đồng hôm nay, Chúa cũng đòi hỏi như vậy. Có yêu Chúa, chúng ta mới có thể chuyển đạt tình yêu của Ngài cho các con chiên của Ngài. Có yêu Chúa, chúng ta mới có thể chăn dắt đàn chiên của Ngài.

Trong vai trò lãnh đạo, người mục tử tập họp dân Chúa, tổ chức cộng đồng, dẫn dắt đàn chiên, chăm lo cho sự sống của con chiên. Đi vào những khía cạnh cụ thể của vai trò này, thiết tưởng chỉ cần đọc lại những gì đã được quy định trong khoản 529 của Giáo luật. Khoản này đúc kết những chỉ thị chính yếu trong các văn kiện khác nhau của Tòa Thánh về những việc mà người mục tử phải ưu tiên để ý và thi hành, cũng như tinh thần phải có khi thi hành những việc này : “Để nhiệt thành chu toàn chức vụ chủ chăn, cha sở phải cố gắng biết các tín hữu đã được ủy thác cho mình chăm sóc ; vì vậy, cần thăm viếng các gia đình, chia sẻ những lo lắng, ưu tư và nhất là những tang tóc của các tín hữu và an ủi họ trong Chúa ; đồng thời sửa bảo họ cách khôn khéo nếu họ có những thiếu sót nào đó ; đối với những bệnh nhân, nhất là những người sắp qua đời, hãy lấy hết tình bác ái mà giúp đỡ bằng cách dùng các bí tích giúp họ vững lòng và phó thác linh hồn họ cho Thiên Chúa ; phải đặc biệt chú ý tới những người nghèo, những người đau khổ, những người cô đơn, những người bị đày biệt xứ cũng như những người đang gặp khó khăn đặc biệt ; cũng phải cố gắng sao cho các đôi vợ chồng và những người làm cha mẹ được nâng đỡ trong sự chu toàn những phận sự riêng của họ, và cổ võ sự tăng trưởng đời sống Kitô giáo trong gia đình”.

Tiếp đến, cũng trong khoản này, Giáo luật muốn cha sở hướng giáo dân lên một tầm mức cao hơn, trên bình diện Giáo Hội : “Cha sở phải nhận biết và thúc giục mọi tín hữu giáo dân góp phần riêng của họ vào sứ mệnh của Giáo Hội, bằng cách cổ võ các hiệp hội của họ vào những mục tiêu tôn giáo… cũng phải cố làm sao cho các tín hữu quan tâm tới sự hiệp thông trong giáo xứ và chính họ tự cảm thấy mình vừa là phần tử của giáo phận vừa là phần tử của Giáo Hội phổ quát, sao cho tham dự hoặc nâng đỡ những công trình nhằm cổ võ sự hiệp thông ấy”.

Các cha sở, hoặc nói chung là các mục tử, ai nấy đều biết rõ những trách nhiệm trên đây. Nhưng thực tế thì thi hành thế nào ?

Nói chung, các ngài ý thức sứ mệnh, cố gắng thi hành theo gương Chúa cũng như theo tinh thần lời Chúa dạy : “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em ; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,43-44). Ngay trong Giáo Hội Việt Nam, không thiếu những tấm gương để đời của những mục tử như vậy.

Nhưng cũng phải nói thành thật, một số mục tử điều hành cộng đồng không có được phẩm chất như lòng Chúa mong ước. Chức vụ vương đế, lẽ ra phải được thể hiện theo tinh thần Tin Mừng, lại biến các ngài thành như nhng đế vương hoặc những ông quan thực sự. Lý do có thể ở nơi các ngài và có thể một phần cũng ở nơi con chiên. Các ngài đã không muốn biết đến những lời căn dặn như : người làm lớn không được bắt người khác phục quyền như nơi các dân (x. Mc 10,42), “đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đàn chiên” (1Pr 5,3), hoặc tự phụ tự mãn về địa vị làm cha của mình, về khả năng có thật hay tưởng tượng của mình so với giáo dân, nên có những cách hành xử cha chú, kẻ cả (paternalisme), độc đoán chuyên quyền (autoritarisme) gây ra những khó khăn, khổ sở chia rẽ trong cộng đồng. Có vô vàn lời càm ràm của giáo dân về cách hành xử này của các linh mục. Thái độ trên của người mục tử lại có vẻ được khích lệ do sự kính trọng, đôi khi thái quá, của giáo dân, nhất là những giáo dân chân chất miền quê, đối với các ngài. Nguyên một cách chào cha chẳng hạn, cũng phải “con xin phép lạy cha”, thì tránh sao cho linh mục khỏi lên nước ?[29]

Người mục tử chúng ta, suy nghĩ về bác ái mục vụ, phải thường xuyên tra xét về tư cách và cung cách hành xử trong vai trò lãnh đạo dân Chúa.

III.    NHỮNG PHƯƠNG THẾ

      VUN TRỒNG BÁC ÁI MỤC VỤ.

Bác ái là tình yêu được Thiên Chúa đổ xuống lòng ta (Rm 5,5), để ta thể hiện cho người khác, và đối với mục tử thì thể hiện đặc biệt cho các con chiên của mình. Tuy là ơn Chúa ban nhưng bác ái cần được vun trồng không ngừng để ngày một hoàn hảo hơn. Bác ái mục vụ cũng vậy. Có rất nhiều phương thế giúp chúng ta làm việc này. Ngoài những gì đã nói rải rác ở trên, xin đề nghị một vài phương thế chính.

1. Gắn bó với Thánh Thể.

Nếu Thánh Thể là trọng tâm sinh hoạt cộng đồng Kitô giáo, của đời sống người Kitô hữu nói chung, thì không những cũng phải là trọng tâm thừa tác vụ của người mục tử mà còn là trọng tâm của chính đời sống người mục tử. Thánh Thể là mầu nhiệm tình yêu. Gắn bó với Thánh Thể là gắn bó với nguồn mạch tình yêu, luôn được Chúa ban thêm tình yêu, được tình yêu này thúc đẩy để biết chia sẻ cho người khác qua thừa tác vụ của chúng ta.

Trong những phương tiện giúp chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể thì Thánh Lễ phải ưu tiên, phải là mối quan tâm hàng đầu. “Tinh thần tư tế của linh mục là cố lo sao để nội tâm hóa những gì được thực hiện trên bàn thờ. Linh mục phải có một đời sống Thánh Thể tràn đầy và sốt sắng, để từ đó tìm được đà tiến và sức lực cho đời sống thiêng liêng của mình. Việc cử hành Thánh Lễ, cũng như hằng ngày viếng Đức Kitô nơi Thánh Thể… là những thời khắc đầy ý nghĩa và là một trợ lực không gì thay thế được cho đời sống thiêng liêng”.[30]

Có lẽ ở đây nên nhắc lại lời của Giám Mục nói với tân chức linh mục trong nghi thức trao bánh rượu : “Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thập giá Chúa”.

Để giúp chúng ta ý thức thì ngoài việc chuẩn bị xa là học hỏi và suy niệm về Thánh Thể, thiết tưởng cần lưu ý đến việc chuẩn bị gần ngay trước Thánh Lễ. Giáo luật khoản 909 có lời khuyên chung chung như sau : “Linh mục đừng quên cầu nguyện để dọn mình thích đáng và xong lễ rồi đừng quên cám ơn Chúa”. Ngày xưa, trước giờ lễ có Giờ Kinh Laudes, có những kinh đọc tùy ý để dọn mình làm lễ,[31] mặc phần nào của lễ phục đều có kinh nguyện đi kèm. Nay tuy không còn, nhưng không vì vậy mà xao lãng sự chuẩn bị cần thiết.

Nhưng quan trọng hơn, chính là điểm cuối trong lời nhắc của Giám Mục : rập đời sống chúng ta theo khuôn mẫu mầu nhiệm Thập giá Chúa hoặc, nói như Chỉ Nam linh mục, nội tâm hóa những gì thực hiện trên bàn thờ. Việc truyền phép nhắc cho ta bổn phận phải biến đổi mình nên giống Chúa Kitô Linh Mục. Mầu nhiệm tế sát nhắc cho ta bổn phận phải tế sát mình để phục vụ Chúa Kitô. Sự tự hiến của Chúa Kitô trong việc trao ban mình nhắc cho ta phải hiến thân cho các linh hồn. Ba việc trên đây được cha Antoine Chevrier thâu tóm trong một câu nói thời danh : Le prêtre est un homme dépouillé, un homme crucifié, un homme mangé. Ba việc trên đây cũng chính là thực hiện điều chúng ta đã long trọng hứa trong ngày chịu chức khi Giám Mục hỏi : “Con có muốn ngày càng liên kết mật thiết hơn với Đức Kitô Thượng Tế, Đấng đã tự hiến mình cho Chúa Cha làm của lễ tinh tuyền vì chúng ta, và có muốn cùng với Người hiến thân cho Thiên Chúa để cứu độ loài người không ?”

Cũng như bánh và rượu, nhờ lời truyền phép, biến thành Thịt Máu Chúa, con người chúng ta, nhờ tiếp xúc gần gũi với mầu nhiệm, cũng phải biến đổi sao cho nói được như Phaolô : “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Khi cử hành Thánh Lễ, chúng ta không những là tư tế mà còn là tế vật, như Chúa Kitô Thượng Tế và Tế Vật, biết “hiến dâng thân mình làm lễ tế sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Bàn tay chúng ta được xức dầu thánh không chỉ để làm các việc thánh, mà còn phải bị đâm thủng như bàn tay của Chúa Kitô trên Thánh giá. Nói khác đi, Chúa Kitô phải tìm lại được các dấu thánh khổ nạn của Ngài nơi ta. Và cũng như Chúa Kitô Thánh Thể ban mình cho ta làm của ăn, chúng ta cũng phải trở thành lương thực cho người khác, tiêu hao mình vì con chiên (x. 2Cr 12,15), đặc biệt ban cho họ những gì thuộc Thiên Chúa (tình yêu, sự sống, lời Chúa, chân lý của Thiên Chúa).

2. Thực hành sự khiêm nhu.

Trong số các gương mẫu của Chúa đã nêu trên, thiết tưởng người mục tử cần quan tâm tới một trong những gương mẫu này : sống khiêm nhu. Gương mẫu này đã được chính Chúa mời gọi chúng ta thụ giáo : “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Hiền lành và khiêm nhường, hai đặc tính sóng đôi. Đó là hai mặt của một thái độ tâm trí. Có khiêm nhường là có hiền lành. Và chính khi có sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng, chúng ta mới có thể thật tình yêu thương con chiên. Hai đức tính này thuộc nền tảng của tình yêu, là cánh cửa đầu tiên mở vào con đường bác ái. Trước khi kêu gọi chúng ta lấy tình bác ái mà cư xử với nhau, Phaolô đã nhắc phải ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại (x. Ep 4,2).

Có thể có mục tử xấu, nhưng chắc không có mục tử dữ. Tuy nhiên, từ chỗ không dữ đến chỗ thực sự hiền lành, khoảng cách có khi còn khá xa, nhất là khi tính tự nhiên vào loại nóng. Có người cho rằng phải nóng tính mới được việc. Quả có thế thật trong một số trường hợp. Thế nhưng điều muốn nói ở đây không chỉ là được việc mà còn được lòng người. Con chiên làm mà lòng hậm hực, nhất là vì sợ cha nóng tính mà giữ thái độ kính nhi viễn chi là điều không hay. Chưa kể nóng quá đến chỗ nóng giận thì nguy. Giận quá mất khôn như người ta thường nói. Khi nóng giận, chúng ta có thể dễ dàng để lộ ra những lời nói hay hành động không phù hợp với tư cách một linh mục và mục tử.

Ở đây cũng cần phân biệt. Hiền lành không đồng nghĩa và đồng tình với nhu nhược, yếu đuối. Chính Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường đấy, nhưng không bao giờ lùi bước khi phải bảo vệ chân lý, luôn mạnh mẽ chống lại những gì xúc phạm tới phẩm giá con người, nhất là ơn cứu rỗi của họ. Hiền lành không phải là thiếu cá tính, “hiền như Bụt”, mặc ai muốn làm gì thì làm. Tuy phải đơn sơ như chim bồ câu, nhưng cũng phải khôn ngoan như rắn, Chúa nói vậy (x. Mt 10,16).

Lấy thí dụ về một cách thực hành bác ái mục vụ là sửa lỗi con chiên. Đây là một trong 7 mối thương linh hồn người ta (trong kinh Thương người có 14 mối), thường được đọc là răn bảo kẻ có tội. Trước một lỗi nặng của người khác, gây tác hại cho cả cộng đồng, khiêm nhường không lên án vì thấy mình cũng tội lỗi, là một chuyện, hiền lành để tỏ ra bao dung, muốn chín bỏ làm mười cho xong, là một chuyện, nhưng lợi ích của cộng đồng lại là chuyện khác. Có khi tự nhủ : hơi đâu mà lo, mặc xác nó ! Nhiều trường hợp không mặc xác được đâu. Có khi ngần ngại, sợ chả được tích sự gì, lại thêm mất lòng, gây thêm thù oán. Phaolô ngày xưa đâu có ngại làm mất lòng Phêrô khi mạnh mẽ chống lại vị Tông Đồ trưởng, vì Phêrô muốn người ngoại trở lại phải giữ những tập tục của người Do Thái (x. Gl 2,1tt). Dĩ nhiên, khi sửa lỗi, chúng ta không thể không nhớ tới lời khuyên của Phaolô : “Hãy lấy tinh thần hiền hòa mà sửa dạy” (Gl 6,1), và làm theo cách mà chính Chúa gợi ra : “Hãy đi sửa lỗi nó, một mình với nó thôi (Mt 18,5), trừ khi bất đắc dĩ phải làm cách khác. Đó là cách thể hiện bác ái mục vụ mà vẫn dung hòa được với tấm lòng hiền lành.

Mục vụ của chúng ta là sự phục vụ của người mục tử. Nhưng sự phục vụ này chỉ có ý nghĩa đích thực nếu làm không những vì bác ái mà còn phải có lòng khiêm nhường. “Đâu có khiêm nhường, đấy có bác ái” (Augustinô).[32] Bác ái và khiêm nhường cộng lại làm nên sự phục vụ theo Tin Mừng. Không có bác ái, chúng ta chỉ có thể phục vụ theo kiểu công chức phục vụ người dân, hoặc như kiểu người bán hàng phục vụ khách hàng. Có coi khách hàng là Thượng Đế đi nữa thì cũng chỉ vì hầu bao của khách hàng mà thôi. Nhưng có bác ái mà thiếu sự khiêm nhường, sự phục vụ của chúng ta có khi không phải là phục vụ người mà là phục vụ mình, hoặc chỉ là cái cớ để bắt người phục vụ mình.

Phục vụ mình là khi phục vụ không hoàn toàn vô vị lợi, không hẳn vì người khác, nhưng là muốn cho người khác thấy mình đang phục vụ, mong cho người khác hiểu là mình đang làm ơn cho họ. Về điểm này, Chúa Giêsu có những đòi hỏi triệt để : “Đừng để tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Một kiểu nói thật thú vị để diễn tả hành động ngược với những kẻ giả hình. Chẳng những không tìm cách rao báo cho mọi người biết, mà còn phải âm thầm khiêm tốn, không khoe khoang, không tự mãn, không thích hãnh diện về việc mình làm. Làm cốt cho người khác thấy, mong được người khác ca ngợi, thì dù có tất bật với việc phục vụ, việc này cũng chả còn mấy ý nghĩa. Phải luôn nhớ là “Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình” (Rm 15,3). Đó là luật vàng của phục vụ.

Muốn phân biệt đâu là lý do thúc đẩy ta phục vụ, cứ xem những việc phục vụ nào ta hăng hái vui lòng làm, và những việc nào ta muốn tránh né. Khi phải làm cho ai một việc gì, cứ xem ta có sẵn sàng bỏ những việc đem lại danh giá, để nhận một việc âm thầm ít ai chuộng không. Việc phục vụ bảo đảm nhất là việc ta làm mà không ai biết đến, hoặc không nhằm để cho nhiều người biết đến, nhưng chỉ có Thiên Chúa ngự trong nơi bí ẩn thấu suốt mà thôi (x. Mt 6,4).

Phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường còn ở chỗ không lấy cớ phục vụ để bắt người khác phục vụ mình. Điều này không hiếm, nhất là nơi những người lãnh đạo như mục tử. Khổ nỗi, thường thường chính đương sự lại không nhận ra hay không muốn nhận ra. Nó che giấu một tham vọng thống trị, một thói quen áp đặt cho người khác ý muốn hay cách thức hành động của mình. Nói tắt là muốn ra oai, chứng tỏ ta đây có quyền. Uy quyền trong tay một người như thế giống như một cái búa. Người đó có khuynh hướng coi mọi vấn đề như những cái đinh, chỉ biết lấy búa mà đóng, mà nện.

Xin ra ví dụ : thấy một việc mình cho là hay, một phương pháp là hợp, rồi chẳng bàn bạc với ai, hoặc có hỏi ý mà không nghe người nào, cứ thế bắt người khác cùng với mình làm theo đó, cho dù đa số người khác không đồng tình.

Phục vụ trong hoạt động tông đồ, lại nhiệt thành nữa, tự nó là điều tốt chứ đâu có xấu. Nhưng vì cung cách làm như vậy, chúng ta thực ra đã vô tình bắt người khác phục vụ mình, chứ không phải mình phục vụ người khác. Chúng ta đã không lưu ý đến những đau khổ bực bội gây ra cho con chiên. Thậm chí còn ngạc nhiên không hiểu sao con chiên lại không thích hoặc chê bai điều mình làm cho họ, không thấy những cố gắng của mình phục vụ họ. Do đó mà đâm buồn, thấy nản, trách con chiên vô ơn, bạc bẽo. Thực ra con chiên không thấy, không thích sự phục vụ của mình, vì mình đã phục vụ mà thiếu sự khiêm tốn, chỉ chiều theo sở thích riêng, theo đầu óc quen độc đoán và áp chế của mình.

Bởi vậy, cần biết khiêm tốn và kiểm điểm lại sự phục vụ của ta.

Dù sao, cũng nên giữ sự tự do của Tin Mừng. Khi phục vụ, đã đành chúng ta không coi mình hơn người khác, nhưng không phải lúc nào cũng nhất thiết coi mình ở dưới người khác. Không tự tôn mà cũng không tự ti. “Có những người tỏ ra rất khiêm nhường để đặt mình dưới người khác, nhưng lại không khiêm nhường để giống như họ” (Manzoni). Một nhận xét thật tinh tế.

 Đôi khi sự phục vụ tốt nhất không ở chỗ phục vụ người khác, nhưng để người khác phục vụ mình. Ở đây, nhận cũng quý như cho, cũng là một cách cho. Bởi vậy, có lúc Chúa Giêsu đã để cho người khác rửa chân cho mình (Lc 7,38). Và Ngài có để cho các phụ nữ đi theo hầu hạ trong suốt hành trình truyền giáo cũng là theo ý hướng đó.[33]

***

 Nếu bác ái huynh đệ ngày càng được coi là dấu chỉ đặc trưng và khả tín nhất của một người Kitô hữu, thì bác ái mục vụ cũng được coi là dấu chỉ đặc trưng và khả tín nhất của một mục tử. Điều quan trọng là ý thức và nhất là thực hành. Chúa nói với các môn đệ : “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành thì thật phúc cho anh em” (Ga 13,17). Vấn đề chẳng qua là thực hành. Học hỏi bác ái mục vụ bằng cách tập thực hành bác ái mục vụ và rà soát xem thời biểu, cách sống và công việc đã giúp cho việc thực hành này như thế nào. Cố gắng vươn tới hình ảnh về một mục tử như lòng Chúa mong ước.

Trên bia mộ của một cha xứ, người ta đọc được những hàng chữ sau đây :

PASCEBAT GREGEM (ngài đã chăn dắt đoàn chiên)

AMORE

(bằng tình yêu)

MORE

(bằng đời sống tốt)

ORE

(bằng lời giảng dạy)

RE

(bằng những gì mình có)

Tuy là cách chơi chữ, câu trên đây cũng cho thấy vị linh mục quá cố đã chu toàn sứ mệnh của mình như thế nào. Tất cả đều phát xuất từ tình yêu. Ngài đã chăn dắt đoàn chiên của ngài bằng tấm lòng bác ái.

Ước mong cho mọi mục tử trong Giáo Hội, nếu được người khác nhớ đến, thì cũng được nhớ đến bằng những lời tương tự.

 

Lm. Micae Trần Đình Quảng


 



[1] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, 25/3/1992, số 23

[2] Bộ Giáo sĩ, Kim Chỉ Nam cho thừa tác vụ và đời sống linh mục, 31/1/1994, số 43

[3] CĐ Vat.II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 18

[4] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 874

[5] ĐGH. Piô XII, Thông điệp Đấng Trung Gian của Thiên Chúa

[6] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, số 21

[7] “Sit amoris officium pascere dominicum gregem”, Thánh Augustinô, Tract. In Io., 123,5 : PL 35, 1967

[8] Bộ Giáo sĩ, Kim Chỉ Nam…, số 44

[9] ĐGH. Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis, số 23

[10] CĐ Vat. II, Sắc lệnh về Thừa tác vụ và đời sống linh mục, số 4

[11] ĐGH Gioan XXIII, Thông điệp Sacerdotii nostri primordia, 1/8/1959 : AAS 51 (1959), 572

[12] Bộ Giáo sĩ, Luân thư Linh mục và ngàn năm Kitô giáo thứ ba, 19/3/1999, ch. II, 2

[13] De Trinitate, 13, 19, 24

[14] Thánh Hiêronimô, Comm. in Is., Prol. : PL 24, 17

[15] Thánh Augustinô bảo rằng : “Khi bạn nói : đủ rồi, tức là bạn đã chết (Ubi dixisti : satis, periisti)

[16] CĐ Vat. II, Hiến chế về Mạc khải, số 25

[17] Tuần Tĩnh tâm Linh mục Giáo phận Đàlạt, 1988, bài 5 : Đổi mới huấn giáo

[18] Joseph Ratzinger, Muối cho đời, Bản dịch của Phạm Hồng Lam và Trần Hoành, Phong trào giáo dân Việt Nam hải ngoại ấn hành, 2005, tr. 181

[19] Bộ Truyền bá Phúc Âm, Chỉ Nam linh mục, 1/10/1989, số 8, b

[20] ibid. ; Giáo luật §§213 và 843

[21] Bộ Truyền bá Phúc Âm, Chỉ Nam linh mục, số 8, d

[22] Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, số 2 và 3

[23] Bộ Giáo sĩ, Huấn thị Linh mục mục tử và người lãnh đạo cộng đồng giáo xứ, 4/8/2002, số 15

[24] Bộ Giáo sĩ, Luân thư Linh mục và Ngàn năm Kitô giáo thứ ba, ch. III, 2

[25] ibid., ch. III, 3

[26] Sự sẵn sàng trên đây cũng cần phải có khi ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, vì thực ra về bí tích này, không thể quy định giờ giấc. Giáo dân có thói quen đi tìm linh mục khi bệnh nhân gần ‘sinh thì’, dù đã chịu đủ các phép không lâu trước đó. Đáng ngại là bệnh nhân hay người cao tuổi thường ‘sinh thì’ vào ban đêm, nhưng không vì vậy mà linh mục thẳng thừng từ chối.

[27] ibid.

[28] x. Jean-Marie Vianney, curé d’Ars : sa pensée, son coeur, présentés par Bernard Nodet, Le Puy, 1960, p. 100

[29] Đức Cha Bartôlômêô có lần đã nhắc nhở các linh mục trong giáo phận, khi nói về việc tiếp đón giám mục : “Hãy đơn giản hóa lễ nghi đón tiếp giám mục theo kiểu ngày xưa. Cuộc rước mở đầu Thánh Lễ như phụng vụ chỉ dẫn đã quá đủ rồi. Những sáo ngữ giới thiệu mũ ngọc gậy vàng không đúng với sự thật để nói về cái mũ và cây gậy của người chăn chiên. Các bài chào nừng với những kiểu nói : Đức Cha bớt thì giờ vàng ngọc, không quản đường xa trắc trở đến thăm giáo xứ chúng con. Ngay cả kiểu nói “Đại diện Thiên Chúa và Đức Kitô” cũng chỉ nên tin khi giám mục, linh mục cử hành những hành vi cứu độ mà Chúa Kitô đã thiết lập, hơn là nhắc đi nói lại mãi trong những bài chào mừng theo nghi thức” (Tuần Tĩnh tâm Linh mục Giáo phận Đàlạt, 1988, bài 7 : Đổi mới lãnh đạo.

[30] Bộ Truyền bá Phúc Âm, Chỉ Nam linh mục, số 22, c

[31] Trong bản mẫu la tinh Sách Lễ Rôma, phần Phụ lục có in những kinh này. Nhiều kinh rất hay, như kinh của thánh Ambrosiô, thánh Tôma. Tiếc rằng bản tiếng Việt lại không dịch.

[32] Ubi humilitas ibi caritas (Aug.,In Io., Epist V, Prologue : PL 35, 1977)

[33] Về sự phục vụ, x. Raniero Cantalamessa, L’Eucharistie notre sanctification, éd. Centurion, 1989, pp. 93-112


Mục Lục