LINH MỤC, CON NGƯỜI CỦA HIỆP THÔNG

Lm. Antôn Nguyễn Đức Khiết

 

NHẬP ĐỀ

Đi tìm căn tính của linh mục là đi tìm cái cốt lõi, bản chất, cái “là” của linh mục, cái làm nên linh mục (être du prêtre) hay nói cách khác là đặt câu hỏi : linh mục là ai ? Câu hỏi về căn tính đi trước câu hỏi về sứ vụ, “linh mục làm gì ?”. Trong thực tế, hai câu hỏi này gắn liền với nhau và bổ túc cho nhau. Nhờ hiểu biết căn tính linh mục, ta sẽ hiểu hơn sứ vụ của linh mục và qua sứ vụ của linh mục, ta hiểu hơn về căn tính linh mục.

Muốn hiểu biết căn tính của chức linh mục thừa tác trước hết là gì, chúng ta phải đặt chức linh mục trong lòng Dân Thiên Chúa và suy tư về căn tính này trong hướng nhìn của Giáo Hội học hiệp thông (Ecclésiologie de communion). Trong lòng Dân Thiên Chúa như mầu nhiệm hiệp thông, linh mục tiên vàn là con người của hiệp thông.

Câu hỏi về căn tính gắn với câu hỏi về sứ vụ. Nếu như linh mục tiên vàn là con người của hiệp thông thì sự hiệp thông ở đây gắn với sứ vụ. Nói cách khác, linh mục thi hành sứ vụ của mình trong sự hiệp thông Giáo Hội. Hiệp thông không thể tách rời khỏi sứ vụ. Không có sự hiệp thông trừu tượng. Hiệp thông luôn đi ngang qua sứ vụ. Nếu Giáo Hội hiện hữu là vì con người và cho con người, thì chức linh mục cũng hiện hữu là vì con người và cho con người. Linh mục là ân ban của Thiên Chúa cho cộng đoàn Giáo Hội, một ân ban luôn gắn với con người, với lịch sử và môi trường. Như “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm” (Ga 1,14) và đã đi đến tận cùng nghịch lý của đời người cho tới cái chết, cũng vậy, linh mục trong lòng Giáo Hội phải hiện diện trong mọi nẻo đường của thế giới con người để làm cho Tình Yêu của Chúa Cha, Ân Sủng của Đức Kitô và sự Hiệp Thông của Chúa Thánh Thần hiện diện. Nếu Đức Kitô, Vị Mục Tử duy nhất đã hoàn toàn đi vào lịch sử của con người, trong các mối tương giao cụ thể, thì linh mục củng phải trở nên con người dấn thân cho sự hiệp thông qua các mối tương giao cụ thể trong lòng Giáo Hội hiệp thông. Vì thế, đi tìm căn tính hiệp thông của linh mục rốt cuộc là suy nghĩ về những nẻo đường, những tương giao có thực trong sứ vụ của linh mục, để qua những tương giao cụ thể, linh mục biểu lộ khuôn mặt của mình như một con người của hiệp thông (homme de communion)

Hướng nhìn hiệp thông sẽ là sợi chỉ đỏ của đề tài này.

I.         BA NGÔI LÀ CỘI NGUỒN CỦA GIÁO HỘI

Lý do chúng ta phải nói đến tiểu đề này là vì chúng ta chỉ hiểu được căn tính hiệp thông của linh mục trong hướng nhìn Giáo Hội học hiệp thông, một hướng nhìn của Công đồng Vatican II.

Trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, Công đồng đã bắt đầu với cái nhìn chiêm ngắm Mầu Nhiệm Ba Ngôi (x. GH số 1-4) và cũng đã kết thúc với cái nhìn chiêm ngắm Mầu Nhiệm Khôn Tả này (x. GH 69). Với cái nhìn chiêm ngắm này, Công đồng Vatican II đã tìm lại được truyền thống vừa xa xưa vừa rất sâu xa trong hành trình lịch sử tư tưởng thần học của Giáo Hội khi trích dẫn lời thánh giáo phụ Cyprianô : “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[1]

Khi trở về với các chứng từ của Kinh Thánh và của các giáo phụ, Vatican II đã thay thế cái nhìn về Giáo Hội : từ cái nhìn về một Giáo Hội mang tính xã hội và cấu trúc kim tự tháp sang một Giáo Hội hiệp thông mang chiều kích Ba Ngôi.

Với cái nhìn “từ trên”, chúng ta sẽ thấy rằng Giáo Hội tiên vàn không phải là hoa trái của “xác thịt và máu huyết” (Ga 1,13), không phải là một bông hoa phát xuất từ đất, nhưng là một hồng ân “từ trên”, một hoa trái khai sinh từ sáng kiến của Thiên Chúa. Thiên Chúa đi bước trước trong sáng kiến này. Trong ý định cứu rỗi đầy yêu thương từ đời đời của Chúa Cha, Giáo Hội đã được Thiên Chúa chuẩn bị trong lịch sử Giáo Ước với dân Israel, để khi đến thời gian viên mãn, Giáo Hội được thiết lập trong sứ mạng của Chúa Con mà cao điểm là mầu nhiệm Vượt Qua và được hoàn tất trong ngày Lễ Ngũ Tuần, ngày mà Giáo Hội nhận được đầy tràn Chúa Thánh Thần. Được khai sinh từ ý định của Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Thánh Thần, Giáo Hội là hình ảnh của sự hiệp thông Ba Ngôi và sự hiệp thông Ba Ngôi là cội nguồn của Giáo Hội.

Khi nói đến sự hiệp thông Ba Ngôi là cội nguồn của sự hiệp thông Giáo Hội, Vatican II muốn nói rằng sự hiệp thông trong Giáo Hội, trước hết và trên hết không phải là công trình của con người nhưng là công trình của Thiên Chúa, là ân huệ của Thiên Chúa. Với cái nhìn “Từ Trên” này, Vatican II đã mở ra, đào sâu và mong ước đưa vào đời sống Giáo Hội tính năng động của sự hiệp thông bắt nguồn từ Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Cội nguồn Ba Ngôi của Giáo Hội không cho phép Giáo Hội co rút vào chính mình nhưng ngược lại là khởi điểm cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, cho những công việc làm chứng cho tình liên đới và chia sẻ, cho sự hiệp thông giữa các thành phần trong Giáo Hội theo cách thế Ba Ngôi. Giữa lòng Giáo Hội hiệp thông này, linh mục có sứ mạng xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội.

II.       MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA BA NGÔI :

      CỘI NGUỒN CĂN TÍNH HIỆP THÔNG CỦA LINH MỤC

Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1990 đã hướng những mối ưu tư và những suy nghĩ của mình về vấn đề gia tăng ơn gọi linh mục, việc đào tạo và xác định những đường hướng đào tạo trường kỳ thích hợp để nâng đỡ các linh mục sống cuộc đời và sứ vụ của mình theo hình ảnh Chúa Kitô, vị Mục Tử nhân hậu.

Dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Pastores dabo vobis (PDV) do Đức Gioan Phaolô II ban hành (25.3.1992) đã nêu bật 2 điểm chính yếu sau đây khi nói đến căn tính hiệp thông của linh mục :

-          Căn tính hiệp thông của linh mục bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ;

-          Để hiểu căn tính của linh mục, ta phải đặt linh mục trong lòng Giáo Hội xét như mầu nhiệm hiệp thông.

Đức Gioan Phaolô II viết như sau :

“Chính trong lòng Giáo Hội xét như là mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, trong nỗi day dứt thi hành sứ vụ mà mọi căn tính kitô hữu được mạc khải và đồng thời căn tính loại biệt của linh mục và của thừa tác vụ linh mục cũng được mạc khải. Quả vậy, linh mục, nhờ vào sự thánh hiến đã lãnh nhận qua Bí tích Truyền Chức thánh, được sai đi bởi Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, và một cách đặc biệt, được nên đồng hình đồng dạng với Ngài, Đấng là Đầu và Mục tử của dân Ngài, để sống và hoạt động trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm phục vụ Giáo Hội và cứu độ thế giới.

Nhờ đó, người ta hiểu được tính chất thiết yếu “tương giao” của căn tính linh mục : do bởi chức linh mục phát xuất từ nơi thẳm sâu mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa, nghĩa là từ tình yêu của Chúa Cha, từ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô và từ ơn hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, người linh mục qua bí tích được hội nhập vào sự hiệp thông với giám mục và với các linh mục khác, để phục vụ Dân Thiên Chúa là Giáo Hội và để dẫn dắt mọi người đến với Chúa Kitô..

Bởi thế, không thể tìm cách xác định bản chất và sứ vụ của chức linh mục thừa tác ở bên ngoài nhiệm thể đa tạp và phong phú gồm những tương quan bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và nối dài trong sự hiệp thông với Giáo Hội, xét như là dấu chỉ và khí cụ trong Chúa Kitô của sự nối kết giữa loài người với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại. Từ đó, nghiên cứu Giáo Hội về phương diện hiệp thông chính là việc làm có tính định đoạt để có thể nắm vững căn tính linh mục, phẩm giá riêng biệt của linh mục, ơn gọi và sứ mạng trong Dân Thiên Chúa và trong thế giới” (PDV 12)

Như vậy, khi suy tư về căn tính hiệp thông của linh mục, Tông Huấn Pastores dabo vobis muốn nêu bật 3 điểm chính sau đây :

Căn tính hiệp thông của chức linh mục bắt nguồn từ sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi hiệp thông với nhau trong đời sống nội tại, trong công trình tạo dựng và cứu độ thế giới và trong sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Chiều kích tương giao của linh mục : Nếu tự bản chất linh mục là con người của hiệp thông, thì trong sứ vụ, linh mục là con người của tương giao. Tương giao với Thiên Chúa, Giáo Hội, giám mục, anh em linh mục, các ơn gọi khác nhau trong lòng Giáo Hội, con người và thế giới, lịch sử, văn hóa, môi trường. Chức linh mục không phải là một ân ban (le don) trừu tượng, nhưng ân ban này được thể hiện trong một sứ vụ có tính cách lịch sử và nhân loại Nếu Giáo Hội phổ quát hiện diện trong các giáo hội địa phương, thì linh mục cũng vậy : linh mục nhận sứ vụ trong một hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội đặc thù của Giáo Hội địa phương của mình. Chức linh mục là một thực tế sống động. Vì thế, sự hiệp thông của linh mục phải được đáp trả trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống.

Việc nghiên cứu Giáo Hội về phương diện hiệp thông là việc làm có tính quyết định để có thể nắm vững căn tính linh mục, phẩm giá riêng biệt của linh mục, ơn gọi và sứ vụ của linh mục trong Dân Thiên Chúa và trong thế giới. Điều này có nghĩa là ta chỉ hiều được căn tính và sứ vụ linh mục trong lòng Giáo Hội hiệp thông.

III.    CĂN TÍNH HIỆP THÔNG CỦA LINH MỤC

      ĐƯỢC BIỂU THỊ TRONG NGHI THỨC PHONG CHỨC

      CỦA NHỮNG THẾ KỶ ĐẦU

Điều chúng ta ghi nhận trong phần này là ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, căn tính hiệp thông của linh mục đã được diễn tả trong các Nghi thức Phong Chức của Giáo Hội La Tinh và Giáo Hội Đông Phương (Les Rituels d’ordination) và trong chính các lời nguyện phong chức (Les prières d’ordination). Nói cách khác, căn tính hiệp thông của linh mục được xây dựng trên nền tảng thần học.

1.  Trong Nghi thức phong chức

    của Giáo Hội La Tinh

Nghi thức phong chức của Giáo Hội La Tinh được ghi lại lần đầu tiên trong tác phẩm “Truyền Thống Tông Đồ” (Tradition apostolique) của thánh Hippôlitô thành Rôma, được viết vào đầu thế kỷ III, khoảng năm 215.

Đây là một tác phẩm rất quan trọng ; tác phẩm này cho ta thấy đời sống của Giáo Hội trong những thế kỷ đầu. Tác phẩm này đã ảnh hưởng sâu đậm trên Giáo Hội Tây Phương lẫn Đông Phương.

Về bí tích truyền chức, tác phẩm này cung cấp cho ta cái nhìn thần học về các thừa tác vụ thuộc phẩm trật : giám mục, linh mục và phó tế. Thần học về bí tích truyền chức trong tác phẩm này đã được Đức giáo hoàng Piô XII lấy lại trong Tông Hiến Sacramentum Ordinis (Bí tích Truyền chức) năm 1947 và được Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen gentium) tái khẳng định.

Trong Nghi lễ phong chức linh mục được tác phẩm Truyền Thống Tông Đồ ghi lại thì giám mục đặt tay trên đầu tiến chức, các linh mục cũng đặt tay, nhưng chỉ giám mục đọc lời nguyện phong chức.

Sau đây là lời nguyện phong chức linh mục :

“Lạy Thiên Chúa và là Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xin hãy đoái nhìn tôi tớ Cha đây và ban cho người này Thánh Thần ân sủng và khôn ngoan của bậc niên trưởng (presbyterium), để người giúp đỡlãnh đạo dân của Cha với tâm hồn trong sạch, cũng như Cha đã đoái nhìn đến dân mà Cha đã tuyển chọn và truyền cho Môsê chọn các niên trưởng, những người Cha đã đổ đầy Thần Khí mà Cha đã ban cho tôi tớ của Cha (x. Ds 11,17-25).

Vậy giờ đây, lạy Cha, xin hãy ban Thánh Thần ân sủng của Cha, gìn giữ Thần Khí ấy không suy giảm nơi chúng con, làm cho chúng con nên xứng đáng, để khi được đầy tràn Thần Khí, chúng con phục vụ Cha với tâm hồn đơn sơ, ca ngợi Cha nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Cha, nhờ Người, vinh dự và quyền năng đều quy về Cha, hiệp nhất với Chúa Con cùng với Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh, bây giờ và mãi mãi, đến thiên thu vạn đại. Amen”. [2]

Nghi lễ phong chức gồm nghi thức đặt taylời nguyện phong chức. Đối chiếu lời nguyện phong chức giám mục và lời nguyện phong chức linh mục trong tác phẩm Truyền thống tông đồ, ta thấy một khác biệt căn bản : trong lời nguyện phong chức giám mục, giám mục chủ phong đặt tay và cầu nguyện cho tiến chức nhận được Thánh Thần Thủ lãnh (Spiritus principalis – L’Esprit souverain), còn trong lời nguyện phong chức linh mục, giám mục đặt tay và cầu nguyện cho tiến chức nhận dược Thánh Thần ân sủng và khôn ngoan (inpartire Spiritum gratii et consilii – L’Esprit de grâce et de conseil) của bậc niên trưởng (presbyteroi), để giúp đở, chia sẻthông phần vào việc chăn dắt dân Chúa của hàng giám mục.

Lời nguyện phong chức linh mục quy chiếu đến việc Môsê tuyển chọn 70 vị niên trưởng theo sách Dân Số 11, 17-25. Như vậy, ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, lời nguyện phong chức linh mục đã cho ta thấy rõ tương quan hiệp thông giữa giám mục và linh mục và giữa linh mục với linh mục đoàn. Giám mục cầu xin Chúa ban cho người sắp thụ phong linh mục nhận được “Thánh Thần ân sủng và khôn ngoan” để họ trở nên những trợ tá, cộng sự viên của hàng giám mục mà lãnh đạo Dân Chúa.

Trong Nghi thức phong chức linh mục của Truyền Thống Tông Đồ, các linh mục hiện diện đặt tay, nhưng không đọc lời nguyện phong chức. Điều này cho thấy linh mục không có quyền phong chức và tân linh mục được đón nhận vào linh mục đoàn và trở thành thành viện của linh mục đoàn.

Tại các Giáo Hội La Tinh, sau tác phẩm “Truyền Thống Tông đồ”, ta phải đợi nhiều thế kỷ nữa mới có chi tiết về nghi lễ phong chức trong cuốn “Sacramentaire de Vérone” (khoảng năm 560-580) và cuốn Sacramentaire Grégorien (khoảng năm 630-650).

Sách Nghi thức phong chức phó tế, linh mục và giám muc (ấn bản mẫu thứ nhất) năm 1968 đã lấy lại lời nguyện phong chức giám mục trong Truyền Thống Tông Đồ khi phong chức giám mục, trong khi đó lấy lại hai lời nguyện phong chức linh mục và phó tế trong hai cuốn sách mà chúng ta vừa nhắc tới ở trên khi phong chức linh mục và phó tế.

Lời nguyện phong chức linh mục gồm ba phần : phần thứ nhất nói lên Thiên Chúa là Đấng thiết lập phẩm trật. Phần thứ hai nói đến phẩm trật trong Cựu ước và trong Tân ước để từ đó nói đến các linh mục là những cộng sự viện của hàng giám mục : như Elêazar và Ithamat là những cộng sự viên của Aaron, 70 vị niên trưởng là những cộng sự của Môsê, như các môn đệ là phụ tá của các tông đồ thì các linh mục là những cộng sự viên của hàng giám mục. Phần thứ ba là lời nguyện của giám mục dâng lên Thiên Chúa vì ngài cần có người cộng tác.

Lời nguyện phong chức nhấn mạnh đến sự tùy thuộc của linh mục vào giám mục và xin Thiên Chúa chọn những người nhị phẩm và trao cho họ nhiệm vụ nhị phẩm (des hommes honorés du second rang, sequentis ordinis viros et secundae dignitatis). Nhiệm vụ của bậc nhị phẩm là tham dự vào nhiệm vụ của hàng giám mục trong cả ba chức năng : giáo huấn, thánh hóa và cai quản, nhưng trong mức độ tùy thuộc.


2.  Trong Nghi thức phong chức

    của Giáo Hội Đông Phương :

Nghi thức phong chức của Giáo Hội La Tinh được ghi lại trong Truyền Thống Tông Đồ đã gặt hái được thành công và được phổ biến rộng rãi trong nhiều Giáo Hội Đông Phương vào cuối thế kỷ IV và trong thế kỷ V. Chúng ta thấy được ảnh hưởng của tác phẩm này trong hai tác phẩm quan trọng của Giáo Hội Đông Phương là Hiến Chế Tông Đồ (Constitutions apostoliques, khoảng năm 380) cho các Giáo Hội vùng Syria và Kinh Nguyện của Sérapion (Euchologe de Sérapion, khoảng năm 350) cho các Giáo Hội miền Ai Cập

Trong tác phẩm Kinh nguyện của Sérapion, khi phong chức linh mục, giám mục đặt tay và đọc lời nguyện phong chức như sau :

“Lạy Chúa là Chúa Cả càn khôn, là Cha của Con Một duy nhất, chúng con giơ tay trên người này và chúng con nài xin Chúa :

Nguyện xin Thánh Thần chân lý ở trong người này. Lạy Thiên Chúa hằng hữu, chiếu theo lòng nhân hậu của Chúa, xin ban cho người này ơn thông minh, sự hiểu biết và một tâm hồn nhân hậu.

Nguyện xin Thánh Thần ở cùng người này để người này có thể lãnh đạo dân Chúa, là sứ giả các lời thần linh của Chúa, để người này có khả năng hoà giải dân với Chúa.

Chiếu theo lòng nhân hậu của Chúa, nhờ Thần Khí của Môsê, Chúa đã đổ tràn Thánh Thần trên những người được tuyển chọn ; xin cũng ban cho người này, nhờ Thánh Thần của Con Một Chúa, Thánh Thần trong ân sủng khôn ngoan, ân sủng hiểu biết và ân sủng đức tin chân thật, để người này có thể phục vụ Chúa với một lương tâm trong sạch. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa, Nhờ Người, mọi vinh quang và uy quyền đều quy về Chúa trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen” [3]

Công thức của lời nguyện được dùng ở số nhiều : “chúng con giơ tay trên người này”. Từ đó, chúng ta có thể nghĩ đến hàng linh mục hiệp nhất với giám mục cùng giơ tay hướng về tiến chức. Nghi thức này cho thấy linh mục được giám mục và hàng linh mục tuyển chọn và được đưa vào trong “linh mục đoàn”.

Lời nguyện phong chức cũng quy chiếu đến việc Mosê tuyển chọn 70 vị niên trưởng để nêu bật căn tính hiệp thông của linh mục, một căn tính được thiết lập do các mối tương giao : tương giao với giám mục, với linh mục đoàn, với dân Chúa ; với Lời Chúa và với sứ vụ hoà giải.

IV.    CÁC MỐi TƯƠNG GIAO HIỆP THÔNG CỦA LINH MỤC TRONG GIÁO HỘI HIỆP THÔNG

Các mối tương giao làm nên căn tính hiệp thông của linh mục không phải từ trời rơi xuống, nhưng là qua những tuong giao cụ thể với những con người cụ thể : giám mục, anh em linh mục, giáo dân và những người mà linh mục gặp gỡ trong đời ngang qua sứ vụ mục tử.

Những mối tương giao hiệp thông này sẽ đi ngang qua kinh nghiệm bản thân của linh mục : tình bạn, sự giúp đỡ, sự thông cảm và chia sẻ, những căng thẳng và xung đột, những đau khổ và niềm vui…

1.  Linh mục - cộng sự viên của giám mục

Khi đối chiếu nền thần học hậu-Trentô với thần học của Vatican II về chức linh mục, chúng ta cần phải nhắc lại là có một sự thay đổi cái nhìn về chức linh mục (presbytérat) được Công đồng Vatican II kiện toàn.

Thần học hậu Trentô về bí tích truyền chức tập trung suy tư của mình vào chức linh mục, trong khi đó thần học Vatican II lại đổi hướng nhìn khi bắt đầu với chức giám mục. Vatican II nói gì với chúng ta về thừa tác vụ linh mục (ministère presbytéral) ? Chúng ta sẽ nhìn lại một cách tổng quát những khẳng định chính yếu của Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium và Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis”.

Từ chức vụ giám mục, Vatican II nhìn chức linh mục trong tương quan với chức giám mục : linh mục nhị phẩm (prêtre de second rang) tùy thuộc vào giám mục, là cộng sự viên của giám mục trong trách nhiệm mục vụ. Cùng với giám mục, linh mục tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô trong “chức tư tế thừa tác” (sacerdoce ministériel), hay đúng hơn, trong “thừa tác vụ tư tế” (ministère sacerdotal) với ba chức năng, nhưng trong mức độ trách nhiệm và thực thi thu hẹp hơn mức độ của giám mục.

“Được Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian (x. Ga 10,36), Đức Kitô nhờ các tông đồ, đã làm cho các giám mục, những vị kế nhiệm các tông đồ, có thể tham dự vào việc thánh hiến và vào sứ mạng của mình. Các giám mục lại giao trách nhiệm của tác vụ mình một cách hợp pháp cho nhiều phần tử trong Hội Thánh theo từng cấp bậc” (LG 28).

“Người lại trao ban cho các linh mục chức vụ thừa hành này ở một cấp độ tùy thuộc, để một khi gia nhập hàng linh mục, họ là những cộng sự viên của hàng giám mục để chu toàn một cách tốt đẹp sứ mạng tông đồ mà Đức Kitô trao phó” (PO 2).

Khởi điểm thần học về bí tích truyền chức của Vatican II là chức giám mục. Vatican II luôn nhấn mạnh đến sự tùy thuộc của linh mục vào giám mục. Linh mục là cộng sự viên của giám mục, là phụ tá, là hiện thân của giám mục trong các cộng đồng địa phương mà linh mục được sai đến để phục vụ :

“Là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng giám mục, linh mục được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa. Các ngài hợp với giám mục mình tạo thành linh mục đoàn duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục là hiện thân của giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ cùng chia sẻ nỗi lo lắng của giám mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy” (LG 28,2).

Để đưa thần học về bí tích truyền chức của Vatican II vào trong chính Nghi Thức Phong Chức, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban hành Tông Hiến Pontificalis Romani recognitio (Duyệt lại sách Nghi thức Giám mục Rôma) ngày 18-6-1968 và đã phê chuẩn ấn bản mẫu thứ nhất sách Nghi Thức Phong Chức, duới nhan đề “Về việc Phong chức Phó tế, Linh mục và Giám mục” (De ordinationoe Diaconi, Presbyteri et Episcopi).

Ngày 29 tháng 6 năm 1989, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí tích, do Đức Hồng Y E. Martinez làm Tổng Trưởng, ký một sắc lệnh về Nghi Thức tấn phong Giám mục, Linh mục và Phó tế, với những lời như sau :

“Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dùng quyền của Người phê chuẩn ấn bản thứ hai này của Sách Nghi Thức Giám mục Rôma về việc phong chức Giám mục, Linh mục và Phó tế. Nay Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí tích ban hành và tuyên bố đây là ấn bản mẫu”

Như vậy, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phê chuẩn ấn bản mẫu thứ hai với sự thay đổi nhan đề “Về việc Phong chức Giám mục, Linh mục và Phó Tế” (De Ordinatione Episcopi, Presbyteri et Diaconi).

Ta thấy tựa đề của sách Nghi Thức Phong Chức đã thay đổi từ ấn bản mẫu thứ nhất (1968) sang ấn bản mẫu thứ hai (1989). Khi bắt đầu với Giám mục, người có sự sung mãn của Bí tích Truyền Chức, ta sẽ dễ hiểu hơn tại sao các linh mục lại là những cộng sự viên của giám mục, và các phó tế là những người phải quy hướng về thừa tác vụ của ngài.

Như vậy, dưới hướng nhìn hiệp thông, linh mục chỉ có thể thi hành phận vụ của mình khi tùy thuộc vào giám mục và hiệp thông với giám mục. Lời hứa vâng phục giám mục khi chịu chức và cái hôn bình an của giám mục vào cuối nghi thức truyền chức (x. Nghi thức Phong chức Linh mục), cho thấy giám mục nhận các linh mục như cộng sự viên, như con cái, như anh em, và như
bạn hữu.

Để diễn tả mối tương giao hiệp thông này một cách cụ thể trong sứ vụ, linh mục phải chia sẻ những ưu tư và đường hướng mục vụ của giám mục mình.

2.  Hiệp thông với anh em linh mục :

        Tình huynh đệ do bí tích

Khi gia nhập hàng linh mục nhờ Bí Tích Truyền Chức, tất cả các linh mục liên kết mật thiết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích. Trong một giáo phận, khi được chỉ định phục vụ dưới quyền giám mục của mình, các linh mục hợp thành một linh mục đoàn duy nhất. Tuy giữ những chức vụ khác nhau, nhưng các ngài vẫn thi hành một thừa tác vụ Tu Tế duy nhất cho nhân loại và cùng hướng về một mục đích là xây dựng Thân Thể Chúa Kitô (x. PO 8)

Điều này đã được biểu thị trong Nghi Lễ Truyền Chức ngay từ thời xa xưa, khi các linh mục hiện diện được mời cùng với giám mục chủ phong đặt tay trên vị tiến chức, và khi các ngài đồng tâm cùng cử hành Bí Tích Thánh Thể. Chính trong sự hiệp nhất với giám mục và mối liên kết chặt chẽ với linh mục đoàn mà mỗi linh mục xây dựng sự hiệp nhất của cộng đoàn Giáo Hội trong sự hoà điệu của nhiều ơn gọi, nhiều đặc sủng và nhiều hình thức phục vụ khác nhau.

Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống linh mục đã nói
đến việc thực hành tình huynh đệ do bí tích cách cụ thể như sau :

“Bởi vậy, những linh mục lớn tuổi hãy thực sự đón nhận các linh mục trẻ như là những người em và hãy giúp đỡ họ trong những công tác cũng như những gánh nặng đầu tiên của thừa tác vụ ; hơn nữa, các ngài nên cố gắng hiểu biết tâm trạng của họ, dù khác với tâm trạng mình, và theo dõi các công việc của họ với lòng nhân hậu. Cũng thế, các linh mục trẻ phải kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị lớn tuổi cũng như phải bàn hỏi với các ngài về những vấn đề liên quan đến việc coi sóc các linh hồn và sẵn lòng cộng tác với các ngài.

Trong tinh thần huynh đệ đó, các linh mục đừng quên lòng hiếu khách, phải lo làm việc thiện và san sẻ của cải, nhất là phải chú tâm đến những vị đau yếu, phiềm muộn, lao lực, cô đơn, bị đầy ải và ngay cả những vị bị bách hại. Các ngài cũng hãy sẵn lòng và vui vẻ họp nhau để tĩnh dưỡng tâm hồn, vì nhớ lại những lời mà chính Chúa đã mời gọi các tông đồ mệt mỏi : “Các con hãy đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6, 31). Ngoài ra để giúp nhau vun trồng đời sống thiêng liêng và trí thức, để có thể cộng tác với nhau đắc lực hơn trong thừa tác vụ, và để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra do sự cô đơn, các linh mục phải cổ võ một đời sống chung, hoặc một lối sống cộng đoàn nào đó. Việc này có thể thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau tùy những nhu cầu khác biệt thuộc cá nhân hay mục vụ ; như ở chung nơi nào có thể hoặc ăn chung, hoặc ít là có những cuộc họp mặt thường xuyên hay định kỳ” (PO 8).

Những lời trên đây quả thực như kim chỉ nam hướng dẫn linh mục sống tình huynh đệ do bí tích. Chúng ta nhắc lại một số từ chìa khóa (les mots-clés) của đoạn văn :

Tương quan giữa linh mục lớn tuổi và linh mục trẻ : đón nhận, giúp đỡ và thông cảm

Tương quan giữa linh mục trẻ và linh mục lớn tuổi : kính trong, bàn hỏi, cộng tác quảng đại

Tương quan giữa các linh mục với nhau : có một hình thức cộng đoàn nào đó, chia sẻ.

3.  Linh mục, người bạn và anh em của giáo dân

Cũng như bản chất của thừa tác vụ theo Tân ước là một sự phục vụ, thì chức linh mục thừa tác phải hướng về việc phục vụ chức tư tế cộng đồng của toàn thể dân Chúa. Từ đó, trong sứ vụ, linh mục là người bạn, người anh em của giáo dân :

“Sau hết, bởi vì dung mạo của mình cũng như sự dấn thân của mình không phải là để thay thế, nhưng đúng hơn là để nâng cao chức tư tế lãnh nhận từ Bí tích Rửa Tội của toàn thể dân Thiên Chúa và để hướng dẫn chức tư tế ấy đến chỗ thể hiện trọn vẹn trong Giáo Hội, các linh mục sống trong một tương quan tích cực và xây dựng đối với người giáo dân. Các linh mục phục vụ cho đức tin, cho niềm trông cậy và cho đức ái của họ. Các linh mục công nhận những điều ấy và, với tư cách là anh em và là bạn hữu, các linh mục bảo tồn phẩm giá cho những người làm con Thiên Chúa và giúp họ thực thi trọn vẹn vai trò loại biệt của họ trong khuôn khổ sứ vụ của Giáo Hội” (PDV 17, đ. 3 ; x. PO 9).

Khi nói về mối tương giao hiệp thông với người giáo dân, Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống linh mục đã đưa ra những hướng dẫn thực tế mà ta cần suy nghĩ :

“Do Bí Tích Truyền Chức, các linh mục Tân Ước thi hành nhiệm vụ rất cao cả và cần thiết là làm cha và làm thầy trong dân Chúa và cho dân Chúa, nhưng đồng thời cùng với mọi kitô hữu, các ngài cũng là môn đệ Chúa Kitô… Như vậy, các linh mục phải lãnh đạo làm sao để không tìm tư lợi, nhưng tìm lợi ích cho Chúa Giêsu Kitô ; các ngài hợp tác với giáo dân và cùng với họ, xử sự theo gương Thầy, Đấng đến ở giữa mọi người “không để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình thay cho nhiều người” (Mt 20, 28). Các linh mục phải thành thật nhìn nhận và nêu cao phẩm giá và vai trò riêng biệt của người giáo dân trong sứ mạng Giáo Hội. Các ngài cũng phải thành thật kính trọng sự tự do chân chính mà mọi người có quyền được hưởng trong xã hội trần gian. Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giáo dân, lưu ý đến các nguyện vọng của họ trong tình huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác của hoạt động nhân sinh, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ của thời đại” (PO 9).

Trong tương giao hiệp thông với giáo dân, linh mục phải thấy rằng trong Vườn Nho của Chúa có nhiều ơn gọi khác nhau, nhiều sự phục vụ khác nhau và mỗi ơn gọi, mỗi cách thế phục vụ đều có một chỗ đứng không thể thay thế. Hơn nữa, trong sứ vụ mục tử, linh mục cần có một tấm lòng, một tâm hồn quảng đại và biết lắng nghe.

4.  Linh mục, con người của sứ vụ và đối thoại

Mục đích của chức linh mục thừa tác là phục vụ Giáo Hội và cứu độ thế giới. Từ hướng nhìn này, linh mục là con người của sứ vụ và đối thoại. Loan báo Tin Mừng cho con người thời đại hôm nay đòi hỏi linh mục một lối sống mục vụ mới, một nhiệt tình mới được xây dựng trên sự hiệp thông :

“Một cách đặc biệt, bởi vì trong nội bộ Giáo Hội, linh mục là con người của hiệp thông, cho nên đối với mọi người, linh mục phải là con người của sứ vụ và đối thoại. Bén rễ sâu xa trong sự thật và trong đức ái của Chúa Kitô, được thôi thúc bởi ước vọng và sự cần thiết nội tại phải loan báo ơn cứu độ cho mọi người, linh mục được mời gọi nối kết với mọi người những mối quan hệ huynh đệ và phục vụ, cùng nhau truy tầm chân lý bằng cách làm việc để thăng tiến công bằng và hoà bình. Linh mục phải nối kết những quan hệ huynh đệ trước hết với các anh em thuộc các Giáo Hội khác và thuộc các hệ phái Kitô giáo, nhưng cũng phải nối kết những quan hệ huynh đệ với các tín hữu thuộc các tôn giáo khác, với mọi người thiện chí, và một cách đặc biệt, với những người nghèo và những người yếu đuối hơn hết, cũng như nối kết mọi người, hoặc không nhận thức, hoặc không diễn tả ra được, đang ngưỡng vọng về chân lý và ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến, theo lời và theo gương Đức Giêsu như Ngài đã nói : “Không phải những người khoẻ mạnh cần thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người có tội” (Mc 2,17).

Ngày nay, một cách đặc biệt, trách nhiệm mục vụ mà ưu tiên là “công cuộc phúc âm hoá mới” là trách nhiệm của toàn thể dân Chúa và đòi hỏi một nhiệt tình mới, những phương pháp mới và một ngôn ngữ mới dành cho việc loan báo và làm chứng về Tin Mừng, đòi buộc các linh mục phải triệt để và hoàn toàn đắm mình trong mầu nhiệm Chúa Kitô và phải có khả năng thể hiện một lối sống mục vụ mới, đánh dấu bằng một sự hiệp thông sâu xa với Đức Giáo Hoàng, với các giám mục và giữa các linh mục với nhau, và bằng một sự hợp tác sai hoa sai trái hơn, tôn trọng và thăng tiến các vai trò khác nhau, các đặc sủng và các thừa tác vụ giữa lòng công đoàn Giáo Hội” (PDV 18, đ. 2-3).

Như vậy, một lối sống mục vụ mới được ghi dấu bằng sự hiệp thông chính là đòi hỏi của sứ vu linh mục ngày nay.

 

KẾT LUẬN

Trong ngôi nhà hiệp thông của Giáo Hội, linh mục là con người hiệp thôngngười thợ xây dựng sự hiệp thông : hiệp thông với giám mục của mình, hiệp thông với anh em linh mục, hiệp thông với các thừa tác vụ giữa lòng Giáo Hội và hiệp thông với giáo dân. Bản chất hiệp thông của chức linh mục làm cho thừa tác vụ của linh mục mang tính chất cộng đồng và chỉ có thể được hoàn thành như một công trình tập thề. Đức Gioan Phaolô II nói :

“Tự căn rễ, thừa tác vụ được phong chức mang “bản chất cộng đồng” và chỉ có thể được hoàn thành như là “công trình tập thể”. Công đồng đã diễn tả rất nhiều về bản chất hiệp thông ấy của chức linh mục, đã lần lượt nghiên cứu các quan hệ giữa linh mục với giám mục của mình, với các linh mục khác và với giáo dân (x. PO 7-9). Thừa tác vụ linh mục trước hết là sự hiệp thông, sự hợp tác thiết yếu và có trách nhiệm vào thừa tác vụ của giám mục trong việc chăm lo cho Giáo Hội hoàn vũ và cho Giáo Hội đặc thù và cùng với giám mục, làm thành một linh mục đoàn duy nhất trong khi phục vụ Giáo Hội ấy” (PDV 17, đ. 1).

Một khi thâm tín rằng tự bản chất, thừa tác vụ linh mục mang “bản chất cộng đồng” và chỉ có thể được hoàn thành như “công trình tập thể”, chúng ta thấy rằng không một linh mục nào có thể chu toàn đầy đủ sứ mạng của mình một cách lẻ loi và riêng lẻ, nhưng phải hiệp thông với giám mục, với anh em linh mục, với các thừa tác vụ khác nhau giữa lòng Dân Chúa và với tất cả những người thành tâm thiện chí.

Linh mục không sống chức linh mục như một sở hữu riêng, nhưng thuộc về một đoàn, “linh mục đoàn”. Điều này không đi ngược lại lời mời gọi đích thân của Chúa Giêsu đối với từng người : “Phần con, hãy theo Thầy” (Ga 21,22).

 



[1] GH 4 ; thánh Cyprianô, De Orat. Dom. 23 : PL 4, 553).

 

[2] Bernard Botte, Truyền thống tông đồ của thánh Hippolitô. 7, Aschendorft Munster, p. 21-23

[3] x. Lucien Deiss, Printemps de la Liturgie, Levain, Paris, 1979, p. 196


Thường Huấn Linh Mục Giáo Phận Đàlạt, 2009