“HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ TƯỞNG NHỚ ĐẾN THÀY”

Thánh Thể làm nên Giáo Hội nhờ việc chiêm niệm

 

Cho tới lúc này tôi đã cố gắng cho thấy Thánh Thể làm nên Giáo Hội nhờ việc truyền phép và hiệp lễ như thế nào. Trong bài suy niệm này, tôi còn muốn nói thêm một cách thức mới giúp Thánh Thể làm nên Giáo Hội: việc chiêm niệm.

Đôi khi Thánh Thể và chiêm niệm đã được coi như hai con đường phân biệt nhau, song song với sự hoàn thiện Kitô giáo cách nào đó. Con đường thứ nhất được biết đến như con đường bí nhiệm (voie mystérique) hay khách quan, đứng đầu là các bí tích, nhất là Thánh Thể; con đường thứ hai là con đường thần bí (voie mystique) hay chủ quan, đứng đầu là chiêm niệm. Về điểm này, người ta đã muốn thấy thời các Giáo phụ và thời cận đại, linh đạo Chính thống giáo và linh đạo Tây phương, phân biệt với nhau cách nào đó. Như người ta nói, linh đạo thời Giáo Phụ được duy trì cách trung thành hơn trong Chính Thống giáo, dựa nhiều hơn trên các bí tích; trong khi linh đạo Tây phương, chịu ảnh hưởng của một vài nhà thần bí lớn thời cận đại, dựa nhiều hơn vào việc chiêm niệm, hoặc vào đời sống cầu nguyện, theo kiểu nói của thánh nữ Têrêxa Avila, một trong những nhà thần bí này.

Dù trong thực tế có như thế nào (luôn phức tạp hơn nhiều so với các lược đồ), tôi nghĩ đã đến lúc tổng hợp hai con đường, hoặc đúng hơn, tái khám phá tổng hợp đã có về điểm này cho tới đầu thời cận đại, mà đã biến mất vì nhiểu lý do. Theo nhãn quan hiệp nhất này, bí tích và đời sống cầu nguyện không phải là hai con đường khác nhau và kế tiếp nhau cho việc thánh hóa; ngược lại, chúng liên kết chặt chẽ với nhau và tùy thuộc vào nhau. Nền tảng của tất cả chắc chắn là đời sống bí tích: những “mầu nhiệm” cho ta tiếp xúc trực tiếp và khách quan với việc cứu độ do Thiên Chúa thực hiện một lần vĩnh viễn nơi Đức Giêsu Kitô. Nhưng chỉ mầu nhiệm mà thôi thì không đủ để giúp tiến bộ trên đường tu đức; cần một đời sống nội tâm liên kết với đời sống bí tích, tức cần việc chiêm niệm. Là vì chiêm niệm là phương tiện giúp chúng ta “lãnh nhận” mầu nhiệm (lãnh nhận hiểu theo nghĩa mạnh), nội tâm hóa chúng, mở lòng ta ra cho chúng hoạt động; chính là yếu tố đáp lại mầu nhiệm trên bình diện hiện sinh và chủ quan, là một cách cho phép ân sủng của bí tích tạo nên vũ trụ bên trong chúng ta, tư tưởng, tình cảm, ý muốn và ký ức của chúng ta.

Sự sống thần linh được chuyển đạt cho ta qua các bí tích, tiên vàn phải được tiêu hóa trong chiêm niệm; chỉ sau đó nó mới có thể diễn tả ra trong những hành động cụ thể của chúng ta: trong việc thực hành các nhân đức mà trên hết là đức ái. Cũng như không có hành vi nhân linh nào mà không phát xuất từ một ý nghĩ (không có suy nghĩ thì hành vi này không có giá trị nào, hoặc khi đó sẽ rất nguy hiểm), cũng vậy không có nhân đức Kitô giáo nào lại không phát xuất từ chiêm niệm. Thánh Grêgoriô Nyssê viết: “Có ba yếu tố bày tỏ và phân biệt đời sống người Kitô hữu: hành động, lời nói và tư tưởng. Đứng đầu trong ba là tư tưởng, rồi đến lời nói cho thấy những gì đã được tâm trí suy nghĩ và được diễn tả bằng những từ, còn hành động đứng ở vị trí thứ ba, thể hiện trong việc làm điều người ta suy nghĩ. Sự hoàn thiện của đời sống Kitô giáo hệ tại ở chỗ trở nên hoàn toàn giống Đức Kitô, trước tiên trong lãnh vực bên trong của tâm hồn, tiếp đến trong lãnh vực bên ngoài của hành động” (Le parfait idéal du chrétien, PG 46, 283 tt).

Thế nên chiêm niệm là lối đi bắt buộc để từ chỗ hiệp thông với Đức Kitô đi đến Thánh lễ, đến việc bắt chước Đức Kitô trong đời sống. Vì vậy, cũng như người ta nói về lời mời gọi mọi người tín hữu nên thánh (x. GH 39-40), cũng vậy, người ta phải nói về lời mời gọi mọi người tín hữu chiêm niệm. Con đường hoàn thiện Kitô giáo đi từ những mầu nhiệm đến chiêm niệm và từ chiêm niệm đến hành động. Cùng lúc ấy, ba yếu tố này làm thành một con đường nên thánh duy nhất mở ra cho mọi người tín hữu theo lượng khôn dò của hồng ân Thiên Chúa và sự tự do của con người đáp lại. Ưu tiên của chiêm niệm trước hành động, tự nó, không có nghĩa là nó quan trọng hơn việc thực hành các nhân đức và đời sống hoạt động, mà chỉ có nghĩa là chiêm niệm đứng đầu vì là nguồn mạch của hai việc sau. Chắc chắn đây là nói về một kiểu mẫu nào đó về đời sống chiêm niệm, mở ra cho mọi người có thể thực hiện.

Không ngừng tưởng niệm Đức Kitô

Khi cố gắng áp dụng sát cho Thánh Thể những nét tổng quát sơ khởi liên hệ đến các mầu nhiệm, ngay lập tức chúng tôi khám phá ra tầm quan trọng và tính thời sự của những nét tổng quát đó. Người ta suy ra rằng để trở nên giống Đức Kitô, việc ăn mình Ngài và uống máu Ngài là không đủ, còn phải chiêm ngắm mầu nhiệm này nữa. Có mối liên hệ lớn lao giữa Thánh Thể và Nhập Thể. Theo thánh Augustinô, trong việc Nhập Thể, “Đức Maria đã cưu mang Ngôi Lời trong trí trước khi cưu mang trong dạ” (Prius concepit mente quam corpore). Thậm chí ngài cho biết thêm là cưu mang Đức Kitô trong dạ sẽ không có giá trị nào nếu Đức Maria đã không cưu mang Ngài bằng tình yêu từ nơi sâu thẳm của tâm hồn (x. De S. Virg. 3 ; PL 40, 398).

Vậy sau việc nhập thể, Đức Maria tràn đầy Đức Giêsu không những trong thân xác mà còn trong tâm trí Người; tràn đầy Đức Giêsu vì Đức Giêsu chiếm lĩnh mọi tư tưởng, sự chờ mong (và Người đã chờ mong biết bao!) và tình yêu của Người. Như mọi người mẹ “chờ mong” một đứa con, nhưng trong một mức độ vô cùng hoàn hảo, Đức Maria hoàn toàn hồi tâm; cái nhìn của Người, thay vì hướng ra bên ngoài, thì hướng vào chỗ sâu kín nơi mình, vì kho tàng của Người là ở đó, nơi Người giữ sự bí mật êm dịu đã làm cho Người chết lặng vì ngạc nhiên thán phục. Luca viết: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Đó là điều dường như tốt cho ta tìm được nơi Người kiểu mẫu hoàn hảo nhất cho việc chiêm niệm Thánh Thể: đó phải là tâm thái của người Kitô hữu sau khi rước lễ. Người đó cũng phải đón nhận Đức Kitô trong tâm trí sau khi đón nhận Ngài trong thân xác mình (thụ thai có nghĩa là đón nhận nơi mình). Vậy đón nhận Đức Kitô trong tâm trí cụ thể có nghĩa là nghĩ về Ngài, nhìn đến Ngài, nhớ đến Ngài. Chính xác đó là từ khóa của bài suy niệm hôm nay : nhớ đến Đức Kitô, tưởng niệm về Ngài.

Khi lập phép Thánh Thể, Đức Giêsu đã hiến thánh lời này khi nói: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày” (Lc 22,19). “Tưởng nhớ” là hạn từ riêng thiết lập mối dây lý tưởng giữa Thánh Thể và lễ Vượt Qua Do thái, và như người ta biết, lễ này cũng là một “tưởng niệm” (x. Xh 12,14). Điều này quan trọng đến nỗi thánh Phaolô, khi thuật lại về việc lập phép Thánh Thể, ít nhất hai lần nhắc lại lệnh truyền này của Đức Giêsu. Ngài cũng xác định rõ nội dung việc tưởng nhớ mà chúng ta phải làm về Đức Giêsu khi viết: “Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11,26). Nội dung là cái chết của Đức Kitô.

Tưởng niệm Thánh Thể có hai chiều kích hay hai ý nghĩa: một liên hệ đến Thiên Chúa và một liên hệ đến con người. Điều này cho phép chúng ta nói đến một ý nghĩa thần học và một ý nghĩa nhân học.

Theo ý nghĩa thần học, tưởng niệm là nhớ đến Đức Giêsu nơi Chúa Cha; đây là lời mời gọi Chúa Cha nhớ đến những gì Đức Giêsu đã làm cho chúng ta, để vì yêu thương Con mình, Người tha thứ cho chúng ta và làm cho ta được hạnh phúc. Nói khác đi, chúng ta nhắc nhớ Đức Giêsu cho Chúa Cha, để Chúa Cha nhớ đến chúng ta. Joachim Jeremias đã cắt nghĩa lời này của Đức Giêsu như sau: “Anh em hãy làm việc này để Chúa Cha nhớ đến Thày.” Trong Cựu Ước, lúc bị thử thách nặng nề, dân Chúa vẫn hướng về Thiên Chúa mà kêu lên: “Xin Ngài nhớ đến Abraham, tổ phụ chúng con, nhớ đến Isaac và Giacóp” ; Thánh vịnh 132 cũng nói: “Lạy Chúa, xin nhớ đến Đavít, nhớ đến nỗi đau khổ của ngài”. Nhưng chúng ta từ đây là dân của Giáo Ước Mới, có thể kêu lên Thiên Chúa một cách vô cùng hiệu quả, vì chúng ta có thể nói: xin nhớ đến Con Cha là Đức Giêsu, và hy tế của Ngài. Phụng vụ của Giáo Hội cung cấp cho chúng ta một gương mẫu tuyệt vời. Các Kinh Nguyện Thánh Thể trong Thánh Lễ, đặc biệt Kinh Nguyện Thánh Thể IV, chỉ là một anamnèse, một tưởng niệm về Đức Giêsu trước Chúa Cha; đây là một trình thuật (thực sự hơi ngây ngô, làm như Chúa Cha không biết gì, nhưng lại rất đẹp) kể cho Thiên Chúa là Cha những việc Con của Người đã nói và làm cho chúng ta khi Ngài còn ở dưới thế: “Người đã nhập thể…đã nộp mình chịu chết…đã sai Chúa Thánh Thần đến với các tín hữu…Khi đến giờ Người được Cha tôn vinh, và vì yêu thương các môn đệ còn ở trần gian, Người đã yêu thương họ đến cùng.” Người ta còn thấy tính chất thuật truyện trong chính những lời truyền phép, những lời này không gì khác hơn là thuật lại với Chúa Cha về điều Đức Giêsu đã nói khi Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra cho chúng ta. Chỉ sau khi đã đã làm cho Chúa Cha nhớ đến Đức Giêsu, chúng ta mới xin Chúa Cha nhớ đến chúng ta: “Giờ đây, lạy Cha, xin nhớ đến mọi người mà chúng con dâng của lễ này cầu cho họ”; “Lạy Cha, xin nhớ đến Giáo Hội của Cha.”

Theo ý nghĩa nhân học hay hiện sinh, tưởng niệm Thánh Thể là một lời nhắc nhớ về Đức Giêsu, không phải cho Chúa Cha, nhưng là cho chúng ta; nhắc chúng ta nhớ đến Ngài. Qua nhiều thế kỷ, những lời đầu tiên linh mục đọc sau truyền phép là: “Unde et memores”, “vì vậy, chúng con là tôi tớ Chúa, kính nhớ cuộc khổ hình hồng phúc và lên trời vinh quang của Con Chúa là Đức Giêsu…”. Chúng ta phải khôi phục giá trị của tiềm lực thiêng liêng rất lớn của việc nhớ đến Đức Giêsu. Nhớ đến Đức Giêsu phải làm cho chúng ta vui mừng và mạnh sức trong cuộc lữ hành ở trần gian này. Theo chân thánh Bênađô, phụng vụ xưa đã ca lên: “Tưởng nhớ Đức Giêsu thì êm dịu, đem lại niềm vui thực cho cõi lòng”. Chúng ta phải có thể nói với Đức Giêsu chính ngôn ngữ của Isaia nói với Thiên Chúa trong Cựu Ước: “Lạy Đức Chúa, hồn chúng con khát vọng Thánh Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài” (Is 26,8). Thực sự, khi trở lại tâm trí, ký ức có khả năng xúc tác tất cả thế giới nội tâm, đưa thế giới này tới đối tượng của ký ức, nhất là khi ký ức này không phải là một sự vật nhưng là một người chúng ta yêu mến. Khi một người mẹ nhớ đến đứa con mới sinh bà đã để ở nhà, tất cả từ tận thẳm sâu của bà hướng về đứa con nhỏ, tình âu yếm của người mẹ làm bà đảo lộn, mắt bà đẫm lệ. Cũng xẩy ra như vậy, tuy một cách thiêng liêng hơn, nơi các thánh khi tâm hồn các ngài hướng về Thiên Chúa. Quả thực tác giả Thánh vịnh đã nói: “Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ, suốt năm canh thầm thĩ cới Ngài. Quả thật Ngài đã thương trợ giúp, nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui” (Tv 63,7-8). Trong số những quan năng của tâm trí con người, ký ức là một trong những quan năng mầu nhiệm nhất và gây ấn tượng nhất. Thử nghĩ coi: tất cả những gì chúng ta đã thấy, đã nghe, đã tưởng nghĩ, từ hồi còn nhỏ, tất cả được lưu giữ ở trong “bụng dạ” chỗ nào không rõ, sẵn sàng thức dậy và trồi lên trên mặt như ý ta muốn. Thánh Augustinô viết những trang rất hay về ký ức, và đối với ngài, đó là dấu chỉ và dấu vết của Ba Ngôi: “Lậy Chúa, quan năng ký ức này lớn lao biết bao; đó là ngôi đền bí ẩn bao la vô tận… Ai có thể chạm tói đáy nó. Một cách nào đó, nó làm cho quay cuồng… Từ ngày con biết Ngài, Ngài lưu lại trong ký ức của con, chính nơi đó mà con tìm thấy Ngài và khi nhớ tới Ngài, con lấy làm vui sướng được có Ngài’ (Conf. X, 8.17.24). Thiên Chúa, mà các tầng trời không thể chứa nổi, lại ẩn mình nơi ngôi đền ký ức của con người. Nhớ đến bởi động từ la tinh recordari, theo nguyện ngữ có nghĩa đưa lên lại (re) trong tâm hồn (cor) ; vì vậy không chỉ là hoạt động của trí khôn, nhưng còn là của ý muốn và con tim; nhớ đến chính là nghĩ đến với tình yêu. Rõ ràng Đức Giêsu gán cho Chúa Thánh Thần việc chúng ta nhớ đến Ngài (x. Ga 14,26).

Từ lời Đức Giêsu nói “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”, được phụng vụ lặp lại, các Giáo Phụ, đặc biệt các Giáo Phụ Hy lạp, đã khai triển cả một linh đạo Thánh Thể rất phong phú. Theo các ngài hoa quả thiêng liêng của Thánh Thể không gì khác hơn là không ngừng nhớ tới Đức Giêsu. Quả thực, chính nhờ con đường gián tiếp của việc trung thành tưởng niệm này mà Thiên Chúa ngự đến trong tâm hồn để biến nó thành đền thờ của Người. Theo thánh Basiliô, khi Đức Giêsu lập phép Thánh Thể, Ngài chỉ nhắm tới chuyện này là: “khi ăn thịt và uống máu Ngài, chúng ta luôn nhớ đến Ngài đã chết và sống lại vì chúng ta” (De bapt. I, 3).

Tuy vậy, các Giáo Phụ nhấn mạnh một điểm: sự biến đổi tâm hồn chúng ta chỉ có thể thực sự xẩy ra nếu chúng ta “miệt mài” chiêm ngắm những mầu nhiệm: “Vì sự luyến tiếc, có dồi dào ân sủng đi kèm, nẩy sinh từ lòng yêu mến Đức Kitô, và vì tình yêu nẩy sinh từ những tư tưởng có Đức Kitô và tình yêu của Ngài đối với con người là đối tượng, chính là một sự giúp đỡ quý báu, nếu duy trì những tư tưởng như vậy hiên diện trong trí nhớ, và để cho linh hồn bận bịu về những tư tưởng ấy, không cho nó nghỉ ngơi trong lãnh vực này. Hơn nữa, cố gắng luyện tập liên tục như vậy rất hữu ích cho chúng ta, mà không cho phép chúng ta có một gián đoạn nào, trong suốt cả cuộc đời chúng ta nếu có thể, hoặc ít nhất thường xuyên; khi đó, những tư tưởng của Ngài khắc sâu trong linh hồn và hoàn toàn làm chủ trái tim. Cũng như lửa không thể bắt được vào những vật nó chạm tới, nếu không có sự tiếp xúc liên tục, cũng vậy một tư tưởng không được tiếp nối thường xuyên không thể chuyển đạt được đam mê nào vào trái tim; phải có thời gian, một thời gian lâu kéo dài” (N. Cabasilas, La vie dans le Christ, VI, 4).

Vậy sự ước muốn của ta phải đưa ta tới điều mà sự tưởng nhớ về Đức Kitô tạo thành con đường nơi ta, và đi qua tư tưởng của ta như mật trong các tầng ong. Đó là điều không phải là không thể hoặc ở ngoài tầm với của các Kitô hữu bình thường. Nhiều người, cả những người sống trong thế gian, đã có kinh nghiệm về điều này, ít nhất trong những thời kỳ lâu dài. (Chắc chắn ở trần gian này không thể tự phụ là đi tới chỗ có được sự tưởng nhớ liên tục này thường xuyên và không biến chất.) Điều làm cho nhiệm vụ dễ dàng hơn, ít nhất khi bắt đầu, là lặp lại trong trí hoặc lắp bắp trên môi một từ, chẳng hạn, kêu cầu kéo dài tên Đức Giêsu. Hiệu năng của một phương tiện rất đơn giản hầu như không thể tin được. Lý do là vì tên Đức Giêsu không chỉ là một cái “tên”, nhưng bao hàm mầu nhiệm con người Đức Kitô và quyền năng của Ngài. Kêu cầu danh Đức Giêsu giúp chúng ta đặc biệt cắt đứt mọi tư tưởng kiêu căng, tự mãn, nóng giận, những ý nghĩ không trong sạch, ngược lại, giúp chúng ta có được sức mạnh hướng tới những điều tốt. Chỉ cần học quan sát những tư tưởng của mình, như thể chúng là của ai khác, và nắm được sự phát triển của chúng, nếu có thể nói được như vậy; người ta hiểu ngay một tư tưởng thành hình nơi ta sẽ đi tới đâu: nơi Thiên Chúa hay nơi ta, kết quả là vinh quang của Thiên Chúa hay vinh quang riêng của ta. Trong trường hợp sau, việc lặp đi lặp lại danh Đức Giêsu, với lòng tin vào quyền năng của Chúa, giúp “cắt đứt” tư tưởng xấu hay vô ích, và dần dần đặt nơi ta “những tình cảm có trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 2,5). Người ta sẽ quen với việc nghĩ theo cách của Thiên Chúa chứ không theo cách của con người (x. Mt 16,33) và trái tim trở nên trong sạch. Là vì đặc biệt việc tìm kiếm chúng ta và vinh quang riêng của ta làm tâm hồn ra nhơ bẩn; nhưng người nào chiêm ngắm Thiên Chúa giống như người quay lưng lại: tình thế buộc người đó phải quên mình và không nhìn đến mình. Bởi vì một người chiêm ngắm không chiêm ngắm mình.

Tôn thờ trước Thánh Thể

Cho tới đây, tôi đã cố gắng làm sáng tỏ nguyên tắc tổng quát về việc chiêm niệm Thánh Thể và vai trò của nó trong việc thánh hóa. Giờ đây tôi muốn nhấn mạnh những hình thức có thể có của nó và chỉ ra những phương tiện chúng ta có để vun trồng nó.

Hình thức đầu tiên chiêm niệm Thánh Thể: Phụng vụ lời Chúa trong Thánh lễ. Mỗi lần phụng vụ ấy nhắc cho chúng ta một khía cạnh của lịch sử cứu độ và một nét trong đời sống của Đức Giêsu, khi, bằng cách này, thêm một phần nội dung luôn mới mẻ vào việc tưởng niệm của chúng ta về Ngài. Phụng vụ lời Chúa soi sáng Thánh Thể, giúp đi vào chiều sâu khôn dò của mầu nhiệm được cử hành. Lấy thí dụ cụ thể : phụng vụ Chúa nhật 24 thường niên năm B, bài đọc I trích từ sách tiên tri Isaia 53,3: “Người bị đời khinh khi, ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên…”; bài đọc II trích thư Do thái 4,14-16: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm…” ; cuối cùng bài Phúc Âm trích trong Maccô 10,35-45: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống?... Con Người đến không phải để được hầu hạ..” Mỗi lời trong những lời trên mở ra chân trời bao la cho việc chiêm niệm Thánh Thể! Bàn tiệc lời Chúa chuẩn bị cho bàn tiệc bánh thánh. Nó khơi lên lòng khao khát và làm gia tăng lòng mến Đức Kitô. Cũng đã xẩy ra như vậy trong phụng vụ khác thường mà hai môn đệ Emmau đã được sống: việc giải thích Kinh Thánh bắt đầu sưởi ấm tâm hồn hai môn đệ; được chuẩn bị như vậy hai ông có thể nhận ra Chúa ngay khi Ngài bẻ bánh.

Thời gian chuẩn bị và tạ ơn trước và sau khi rước lễ là một hình thức khác chiêm niệm Thánh Thể.

Nhưng hình thức tuyệt vời để chiêm niệm Thánh Thể chính là lúc yên lặng tôn thờ trước Thánh Thể. Chắc chắn người ta có thể chiêm ngắm Đức Giêsu Thánh Thể, thậm chí từ xa, trong nhà tạm của tâm trí mình (thánh Phanxicô thường nói: “Ngoài Thánh lễ ra, tôi thờ lậy thân xác Đức Kitô với con mắt của tâm trí, trong cầu nguyện, cũng theo cách thức như tôi tôn thờ Ngài khi tôi chiêm ngắm Ngài trong cử hành Thánh lễ”. Ghi chú trên sách Nguyện của thánh Phanxicô). Chiêm ngắm sự hiện diện thực sự của Đức Kitô, trong hai hình bánh rượu, và trong một nơi trầm lặng ngần nào có thể và như đã thấm nhuần sự hiện diện của Ngài, ít nhất giúp đỡ thêm cho chúng ta cách đáng kể.

Trong thư ngày 24 tháng 2 năm 1980 về mầu nhiệm và việc tôn kính Thánh Thể, Đức Gioan Phaolô II viết: “Việc tôn thờ Thánh Thể trong bí tích tình yêu này được diễn tả trong những hình thức khác nhau của việc tôn sùng Thánh Thể: kinh nguyện cá nhân trước Thánh Thể, những giờ thờ lạy, đặt Mình Thánh ít phút, kéo dài, hàng năm… Sự linh hoạt và đào sâu việc tôn kính Thánh Thể là bằng chứng cho việc canh tân xác thực mà Công đồng ấn định cho mình như mục đích, và những việc ấy là trọng tâm của việc canh tân… Đức Giêsu chờ đợi ta trong bí tích tình yêu này. Đừng tính toán thời giờ đi gặp Ngài trong việc thờ lậy, trong việc chiêm ngắm đầy lòng tin…” Nhắc lại lệnh truyền này là cần thiết; quả thực, việc đạo đức Thánh Thể truyền thống đã bị lãng quên ít nhiều trong sự nhiệt tình canh tân phụng vụ, vì đương nhiên người ta quan tâm đến lãnh vực cộng đoàn và nghi thức hơn là lòng đạo cá nhân. Nó cũng bị lãng quên vì sở thích ngây ngô thái quá dành cho xã hội học và tính thế tục, chỉ nhìn trong Thánh Thể chiều kích đồng bàn với người dự tiệc theo chiều ngang, như người ta nói. Chuyển động ly tâm (hướng tới người nghèo, tới sự dấn thân vào chính trị, thế giới thứ ba, v.v.) là nét nổi bật trong một số lớn các cộng đồng Kitô giáo sau Công đồng, chuyển động ấy phải được quân bình hóa bằng một chuyển động hướng tâm về trung tâm cộng đồng, nơi có Thánh Thể. Tổng Giám mục Milanô, C.M. Martini, trong lá thư mục vụ Chiều kích chiêm niệm của đời sống, nhấn mạnh sự cần thiết của việc tái khám phá này. Ngài viết: “Tất cả những điều đó (tức là làm cho Thánh Thể trở thành khuôn mẫu của đời sống), một cách cụ thể, đòi nuôi dưỡng những thái độ bên trong đi trước, đi kèm và đi sau cử hành Thánh Thể: lắng nghe lời mạc khải, chiêm niệm những mầu nhiệm của Đức Giêsu, trực giác về ý muốn của Chúa Cha lộ ra trong những lời của Đức Giêsu, đối chiếu dự phóng cuộc đời phát xuất từ Vượt Qua-Thánh Thể với những tình huống thiêng liêng luôn mới mẻ của cộng đồng và các tín hữu bình thường. Vì vậy, yên lặng cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa, suy niệm Kinh Thánh, suy tư cá nhân, không tách rời khỏi Thánh Thể, nhưng cùng với Thánh Thể tạo nên mối dây liên kết cốt tử.”

Việc tôn kính và tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ là cách diễn tả tương đối mới đây lòng đạo đức Kitô giáo; bên Tây phương, người ta đã thấy chúng phát triển từ thế kỷ XI, để chống lại lạc giáo Béranger thành Tours phủ nhận sự hiện diện “thực sự” và chỉ chấp nhận sự hiện diện tượng trưng của Đức Giêsu trong Thánh Thể. Từ đó người ta có thể nói, không có vị thánh nào mà đời sống lại không ghi dấu ảnh hưởng quyết định của lòng đạo đức Thánh Thể; nó đã là nguồn mạch của những năng lực thiêng liêng rất lớn, một loại lò lửa luôn cháy sáng giữa lòng nhà Thiên Chúa, và chính ở đó mà mọi con cái trong Giáo Hội được người ta công nhận là vĩ đại, đã đến để sưởi ấm.

Nếu việc tôn kinh Thánh Thể ngoài Thánh lễ phát triển tương đối chậm, thì nhìn thấy ở đó một dấu chỉ cho việc dành ra, liên hệ đến vấn đề này, một sự tự do nào đó cho những hệ phái Kitô giáo khác nhau, có lẽ là điều tốt (x. M. Thurian, Le mystère de l’Eucharistie, Presses de Taizée, 1981, tr. 62 tt). Việc đạo đức Thánh Thể này là một hồng ân của Thần Khí ban cho Giáo Hội Công giáo, là Giáo Hội có nhiệm vụ vun trồng viêc tôn kính này, với lòng biết ơn những hệ phái Kitô giáo khác, nhưng không vì vậy mà đòi buộc họ phải làm. Mọi trào lưu lớn về đường thiêng liêng trong Kitô giáo đã có đặc sủng góp phần vào sự phong phú của toàn thể Giáo Hội: đối với người Tin lành, đặc sủng này là tôn kính lời Chúa; đối với người Chính Thống giáo thì tôn kính icônes (và người Công giáo chúng ta đã kín múc biết bao nhiêu ở nguồn mạch của họ trong lãnh vực này); việc tôn kính Thánh Thể là riêng cho Giáo Hội Công giáo. Mỗi con đường trong ba con đường này thực sự theo đuổi cùng một mục đích: chiêm ngắm Đức Kitô và mầu nhiệm của Ngài.

Nếu quà tặng riêng của Giáo Hội Công giáo, và một trong những bí mật của sức mạnh của nó nằm trong cách độc nhất làm cho Đức Giêsu-Thánh Thể hiện diện và được tôn thờ giữa lòng Giáo Hội, thì người ta thấy việc chúng ta đánh giá cao tối đa quà tặng này là quan trọng biết mấy! Người ta hẳn nói rằng Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội lấy lại một vài hình thức của lòng đạo đức Thánh Thể đã trở nên hơi nhàm chán vì thói quen và vì tính vụ nghi thức; lấy lại, nhưng được đổi mới, vì chúng ta phải sử dụng ở đó tính mẫn cảm Kinh thánh và phụng vụ đang tăng trưởng mà lòng đạo đức Kitô giáo đã thủ đắc giữa lúc đó. Người ta dự vào việc tái sinh của một nhu cầu sâu xa là tôn thờ Thánh Thể, như Maria ở Bêtania ngồi bên chân Thầy (x. Lc 10,39). Chúng ta đang tái khám phá ra rằng thân thể bí nhiệm của Đức Kitô là Giáo Hội chỉ có thể nẩy sinh và lớn lên chung quanh thân thể thực sự của Ngài là Thánh Thể.

Theo ý nghĩa này, tôi nói rắng Thánh Thể làm nên Giáo Hội nhờ việc chiêm niệm. Khi chúng ta ở yên và bình lặng lâu ngần nào có thể trước Đức Giêsu trong Thánh Thể, chúng ta cảm thấy sự khao khát của Ngài ở nơi chúng ta, chúng ta bỏ các dự phóng của chúng ta để nhường chỗ cho những dự phóng của Thiên Chúa; ánh sáng của Thiên Chúa dần dần ùa vào trong tâm hồn ta và chữa lành nó. Một sự gì đó xẩy ra như cây cối khi mùa xuân tới, với chất diệp lục tố. Từ các cành trổ sinh các lá xanh; những lá này hút từ khí quyển một số yếu tố, mà dưới tác động của ánh sáng mặt trời, được “định hình” và biến đổi thành chất dinh dưỡng nuôi cây. Không có những lá xanh này, cây không thể lớn, không sinh hoa trái và sẽ không góp phần tái tạo ôxy mà chúng ta thở. Những lá xanh này là biểu tượng của những tâm hồn Thánh Thể, khi chiêm ngắm “Mặt trời công chính” là Đức Kitô, “định hình” lương thực là Chúa Thánh Thần, làm lợi cho toàn thân cây là Giáo Hội. Nói khác đi, chúng ta bắt gặp lại lời của Tông Đồ Phaolô viết cho tín hữu Corintô: “Tất cả chúng ta, mặt không màn che, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy chúng ta được biến đổi nên giống cùng một hình ảnh đó, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2Cr 3,18).

Một thi sĩ hiện thời đã diễn tả cách tuyệt vời – và điều này hẳn là được linh hứng cho linh hồn đang chiêm niệm trước Thánh Thể – câu thơ này: “Tôi rạng rỡ lên bằng vô biên” (G. Ungaretti).

Tôi nhìn Chúa và Ngài nhìn tôi

Thế nhưng, chiêm ngắm Thánh Thể chính xác có nghĩa gì? Tự nó, chiêm ngắm Thánh Thể không gì khác hơn khả năng, hoặc đúng hơn, hồng ân biết tiếp xúc thân mật với Đức Giêsu hiện diện thực sự trong Bánh Thánh, và qua Ngài, vươn lên tới Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Tất cả những việc đó, làm trong thinh lặng hết sức có thể, cả bên ngoài lẫn bên trong. Đối với chiêm ngắm, sự thinh lặng là người bạn đời yêu dấu, người bảo vệ, như Giuse đối với Đức Maria. Chiêm niệm là bằng trực giác gắn chặt mình vào thực tại thần linh (có thể là Thiên Chúa, hoặc một trong các phẩm chất của Người, hoặc một mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Giêsu), và vui hưởng sự hiện diện của Người. Trong suy gẫm, điểm nhấn được đặt trước tiên vào việc tìm kiếm Chân Lý; ngược lại, trong chiêm niệm, người ta chuyên chú vào việc vui hưởng Chân Lý đã tìm thấy (Vì chiêm ngắm luôn hướng tới con người, tới toàn diện chứ không từng phần, Chân Lý ở đây viết bằng chữ hoa).

Những bậc thầy tu đức đã định nghĩa chiêm niệm như sau: “Một cái nhìn tự do, tập trung và vào sâu” (Hugues de Saint-Victor), hoặc “một cái nhìn yêu mến đối với Thiên Chúa” (thánh Bênađô). Vì vậy người nông dân xứ Ars đã đưa ra định nghĩa hay nhất về chiêm niệm. Ông ngồi hàng giờ bất động trong nhà thờ, mắt nhìn lên nhà tạm. Cha thánh hỏi ông đã làm gì suốt ngày như vậy, ông đáp: “Không làm gì cả, chỉ là tôi nhìn Ngài và Ngài nhìn tôi!” Bấy nhiêu đủ nói với chúng ta rằng chiêm niệm Kitô giáo không bao giờ chỉ có một chiều độc nhất, và không nhìn đến “Hư vô” (như trong một số tôn giáo ở Đông phương, đặc biệt là Phật giáo); luôn là hai cái nhìn gặp nhau :cái nhìn của ta hướng tới Chúa và cái nhìn của Chúa hướng tới ta. Nếu có những lần cái nhìn của ta kém đi, đến chỗ không nhìn Chúa nữa, thì, tuy vậy, cái nhìn của Ngài không bao giờ chao đảo. Chiêm niệm Thánh Thể đôi khi chỉ cần hài lòng với một hành vi đơn thuần hiện diện cùng với sự hiện diện của Đức Giêsu, ở lại dưới cái nhìn của Ngài để cũng làm cho Ngài được vui sướng nhìn ta, dù ta chỉ là thụ tạo vô tích sự và tội lỗi, tuy vậy vẫn là hoa quả của cuộc khổ nạn của Ngài, và đã được ban sự sống của Ngài: “Ngài nhìn tôi!”

Thế nên chiêm niệm Kitô giáo, tự nó, không bị ngăn cản bởi sự khô khan mà chúng ta có thể trải nghiệm, để cho mình đi đến chỗ tiêu tan, hoặc ngược lại nó là một điều Thiên Chúa cho phép để thanh tẩy chúng ta. Chỉ cần cho nó một ý nghĩa bằng cách từ bỏ thỏa mãn của chúng ta là hoa quả của sự nhiệt tâm của chúng ta, để làm cho Ngài được hạnh phúc và nói theo kiểu Charles de Foucauld: “Lạy Chúa Giêsu, hạnh phúc của Chúa là đủ cho con”. Đức Giêsu chuẩn bị vĩnh cửu để cho ta được hạnh phúc, còn ta, để làm cho Ngài hạnh phúc, chúng ta chỉ mất một chút thời giờ: sao chúng ta lại nhẫn tâm đánh mất cơ hội sẽ không trở lại nữa trong vĩnh cửu? Dường như việc chúng ta tôn thờ Thánh Thể đôi khi có thể làm chúng ta chỉ thuần túy mất thời giờ, nhìn mà không thấy, nhưng nó lại không bao hàm một sức mạnh nào hay một chứng tá đức tin nào sao? Đức Giêsu biết rằng chúng ta có thể đi làm bao nhiêu việc khác khiến chúng ta thích thú hơn, trong khi nếu ngồi ở đó, chúng ta chỉ tổ mất thời giờ. Khi chúng ta không thể cầu nguyện, chúng ta có thể luôn nhờ thân xác chúng ta giúp đỡ và chính việc đó trở thành một lời cầu nguyện (cả khi linh hồn chúng ta không hề có ý vắng mặt).

Khi để thời gian chiêm ngắm Đức Giêsu trong bí tích bàn thờ, chúng ta thực hiện lời tiên tri lúc Ngài chết trên thập giá: “Họ đã nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37). Hơn nữa một việc chiêm ngắm như thế tự nó đã là một lời tiên tri, vì làm trước những gì chúng ta sẽ không ngừng làm trên Giêrusalem thiên quốc. Đó chính là một hoạt động mang tính cánh chung và tiên tri nhất mà người ta có thể thực hiện trong Giáo Hội. Ngày tận thế, Chiên Con sẽ không còn bị tế sát, người ta sẽ không ăn thịt Ngài, không còn truyền phép, không còn hiệp lễ nữa. Nhưng điều không kết thúc chính là chiêm ngắm Chiên Con bị sát tế vì chúng ta. Quả thực, đó là công việc các thánh đang làm ở trên trời (x. Kh 5,1). Khi ở trước nhà tạm chúng ta đã nhập  đoàn với Giáo Hội ở trên trời: nhưng các thánh thì trong hưởng kiến, còn chúng ta thì trong đức tin.

Chúng ta đọc trong sách Xuất hành: “Ông Môsê từ trên núi Sinai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước. Khi xuống núi, ông Môsê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa” (Xh 34, 29). Môsê đã không biết và chúng ta cũng không biết điều đó (vì tốt hơn là như vậy). Nhưng khi trở về với anh em sau những lúc như thế, có lẽ cũng có người nào đó, qua nét rạng rỡ trên khuôn mặt của chúng ta, thấy là chúng ta đã chiêm ngắm Chúa. Và  đó là một trong những món quà đẹp đẽ nhất chúng ta dành cho họ.

 

(R. Cantalamessa, L’Eucharistie, notre sanctification, Centurion, 1989, ch. IV, pp. 69-90)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều