XXXVIII

 

“ÔI! THÁNH GIÁ,

NGUỒN HY VỌNG DUY NHẤT

CỦA THẾ GIỚI”

 

Chúng ta vừa nghe trình thuật về cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Về căn bản, đây chỉ là bản tường thuật về một cái chết thảm khốc, một điều hầu như không bao giờ thiếu trong các tin tức trong ngày. Cả trong những ngày gần đây, chúng ta đã nghe nhiều, chẳng hạn tin tức về ba mươi tám Kitô hữu Copte bị giết ở Ai Cập hôm Chúa nhật Lễ Lá. Những tin tức như vậy nối tiếp nhau dầy đặc đến mức chỉ một ngày sau là chúng ta quên những tin tức ngày hôm trước. Vậy tại sao sau 2000 năm, thế giới vẫn còn nhớ cái chết của Đức Giêsu Nadaret, như thể nó vừa xảy ra ngày hôm qua? Thực tế là cái chết này thay đổi mãi mãi bộ mặt của cái chết, mang lại cho nó một ý nghĩa mới. Chúng ta hãy dành ra một lúc suy nghĩ về nó.

 “Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh dập ống chân Người. Nhung một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19,33-34) Lúc bắt đầu sứ vụ, khi có những người hỏi Ngài lấy quyền gì mà đuổi các con buôn ra khỏi Đền thờ, Đức Giêsu đã trả lời: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. “Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2,19.21), Gioan đã xác định như thế vào dịp này, và rồi cũng tác giả sách Phúc Âm này làm chứng rằng từ hông đền thờ "bị phá hủy" nước và máu chảy ra. Một sự ám chỉ rõ ràng lời tiên tri của Edêkien, người đã nói về đền thờ tương lai của Thiên Chúa: một dòng nước từ Đền Thờ chảy ra, đầu tiên là một dòng suối, sau đó là một dòng sông thuyền bè qua lại được và trên bờ đủ loại cây cối mọc lên.

Nhưng chúng ta hãy đi đến tận nguồn của những "dòng nước hằng sống" này (Ga 7,38), trong trái tim bị đâm thủng của Đức Kitô. Trong sách Khải huyền, cũng người môn đệ yêu dấu của Đức Giêsu viết: "Bấy giờ tôi thấy đứng ở giữa ngai và bốn Con Vật, giữa các vị Kỳ Mục, một Con Chiên, trông như thể đã bị giết" (Kh 5,6). Bị sát tế nhưng đứng, nói cách khác bị đâm thủng, nhưng đã sống lại và đang sống.

Từ đây trong Ba Ngôi và trên thế giới, có một trái tim nhân loại đang đập thực sự, chứ không chỉ là một cách nói. Nếu quả thực Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì trái tim của Ngài cũng vậy; trái tim này sống, giống như tất cả phần còn lại của thân thể, trong một chiều kích khác, thực sự, mặc dù bí nhiệm. Nếu Con Chiên ở trên trời, "bị sát tế, nhưng đứng", thì trái tim của Ngài cũng cùng chung một tình trạng; đó là một trái tim bị đâm thủng nhưng vẫn sống; bị đâm thủng mãi mãi, chính xác vì đang sống mãi mãi.

Một tác giả đã đặt ra một kiểu nói để mô tả đỉnh điểm của sự gian ác giữa lòng nhân loại: "trung tâm của bóng tối" (Joseph Conrad). Sau hy tế của Đức Giêsu, sâu hơn trung tâm bóng tối này, một trung tâm ánh sáng đập nhẹ trên thế giới. Quả thực, một khi về trời, Đức Kitô đã không bỏ thế gian, y như khi nhập thể, Ngài đã không bỏ Ba Ngôi.

Một điệp ca của Phụng vụ Giờ Kinh nói: "Hôm nay, ý muốn của Chúa Cha được thực hiện, là biến Đức Kitô thành trung tâm của thế giới". Câu này minh họa cho sự lạc quan bất khuất của Kitô giáo, đã khiến một nhà thần bí nữ thời Trung cổ nói lên rằng: "Tội lỗi thì không thể tránh được, nhưng cứ yên tâm, mọi sự sẽ tốt đẹp, mọi sự sẽ kết thúc tốt đẹp." (Julian Norwich).

* * *

Các đan sĩ chartreux đã chọn một huy hiệu để ở lối vào đan viện. Huy hiệu này trình bầy một quả cầu, bên trên có cây thập giá, với hàng chữ bao quanh Stat crux dum volvitur orbis, "Thập giá đứng yên trong khi thế giới xoay tròn".

Thập giá biểu thị điều gì, khi là điểm vững chắc, trục chính yếu trong một thế giới đang thay đổi? Đó là tiếng nói "không" dứt khoát và không thể đảo ngược của Thiên Chúa trước bạo lực, bất công, hận thù, dối trá, trước tất cả những gì chúng ta gọi là "sự dữ"; và đồng thời là tiếng nói "có", cũng không thể đảo ngược, trước tình yêu, sự thật, sự thiện. Nói "không" với tội lỗi, nói "có" với tội nhân. Đây là điều Đức Giêsu đã thực hành trong suốt cuộc đời mình và giờ đây Ngài vĩnh viễn hóa nó bằng cái chết của mình.

Lý do của sự phân biệt này là rõ ràng: tội nhân là một thụ tạo của Thiên Chúa và giữ được phẩm giá của mình, bất chấp mọi lỗi lầm mình phạm. Tội lỗi, không; nó là một thực tại "ký sinh", được thêm vào, thành quả do những đam mê của chúng ta và "sự ghen tị của ma quỷ" đem lại (Kn 2,24). Đây cũng là lý do tại sao Ngôi Lời, khi nhập thể, đã mặc lấy mọi sự của con người, ngoại trừ tội lỗi. Người trộm lành, người được Đức Giêsu sắp chết hứa ban thiên đàng, là minh chứng sống động cho thấy Thiên Chúa lên án tội lỗi nhưng cứu vớt tội nhân.

Do đó, thập giá không chống lại thế gian, nhưng là vì thế gian: mang lại ý nghĩa cho mọi đau khổ đã có, đang có và sẽ có trong lịch sử nhân loại. Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: "Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ con của Người, mà được cứu độ" (Ga 3,17). Thập giá là lời tuyên bố sống động rằng chiến thắng cuối cùng không thuộc về những người chiến thắng  người khác, nhưng thuộc về những người chiến thắng chính mình; không thuộc về những người gây ra đau khổ, nhưng thuộc về những người chịu đau khổ.

* * *

"Dum volvitur orbis", trong khi thế giới xoay vòng. Lịch sử nhân loại trải qua từ thời kỳ này sang thời kỳ khác: người ta nói về thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, thời kỳ đế quốc, thời đại nguyên tử, thời đại điện tử. Nhưng hôm nay có một cái gì đó mới mẻ. Ý tưởng về sự chuyển đổi không còn đủ để mô tả tình hình hiện tại. Cùng với ý tưởng về sự thay đổi, phải thêm vào ý tưởng về sự phân mảnh. Có tác giả nói là chúng ta đang sống trong một “xã hội hóa lỏng" (Zygmunt Bauman); không còn những điểm cố định, không còn những giá trị không thể chối cãi, không còn tảng đá nào trên biển để bám vào hoặc va chạm. Mọi thứ đều biến động.

 Giả thuyết tồi tệ nhất đã xảy ra, giả thuyết mà triết gia đã dự đoán là hậu quả của cái chết của Thiên Chúa, giả thuyết mà sự xuất hiện của siêu nhân lẽ ra đã phải ngăn chặn, (nhưng ông đã không ngăn chặn): "Chúng ta đã làm gì khi chúng ta tách trái đất này ra khỏi mặt trời của nó? Những chuyển động của nó lúc này đang dẫn nó tới đâu? Những chuyển động của chúng ta dẫn nó tới đâu? Xa tất cả các mặt trời ư? Chúng ta lại không ngừng rơi xuống sao? Tiến tới, lùi sau, sang bên cạnh, mọi phía chăng? Có phải còn một cái gì ở trên và một cái gì ở dưới chăng? Phải chăng chúng ta lại không lang thang như xuyên qua một cõi hư vô bất tận?[1]

Người ta đã nói rằng "giết chết Thiên Chúa là vụ tự tử khủng khiếp nhất", và đó là những gì chúng ta đang chứng kiến một phần. Không phải "nơi nào Thiên Chúa sinh ra thì con người chết" (J.-P. Sartre); điều ngược lại mới đúng: nơi nào Thiên Chúa chết thì con người chết.

 Một họa sĩ thuộc trường phái siêu thực ở hậu bán thế kỷ trước (Salvador Dalí) đã vẽ một cây thánh giá mà dường như là một lời tiên tri về tình hình này. Một cây thánh giá khổng lồ, có chiều kích vũ trụ, trên đó có một Đức Kitô, cũng lớn không kém, nhìn từ trên cao, đầu gục xuống. Nhưng không có đất khô dưới thập giá, mà chỉ có nước. Đấng trên thánh giá không bị treo lơ lửng giữa trời và đất, nhưng giữa trời và yếu tố lỏng của thế giới.

Tuy vậy hình ảnh bi thảm này (hậu cảnh bức tranh là một đám mây có thể ám chỉ đám mây nguyên tử) cho thấy một điều chắc chắn an ủi chúng ta: cũng có niềm hy vọng cho một xã hội hóa lỏng như xã hội chúng ta! Có niềm hy vọng, vì trên nó chính là "thập giá của Đức Kitô đang đứng". Chính là những gì chúng ta lặp lại mỗi năm trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh khi công bố những lời của thi sĩ Venance Fortunat: O crux, ave spes unica, "Kính chào, ôi Thánh giá, nguồn hy vọng duy nhất của thế giới".

Phải, Thiên Chúa đã chết, Ngài đã chết nơi Con của mình là Đức Giêsu Kitô; thế nhưng Ngài đã không nằm yên trong mộ, Ngài đã sống lại. Phêrô nói với dân chúng ngày lễ Ngũ Tuần: "Anh em đã đóng đinh Người, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại!” (Cv 2,23-24). Ngài là Đấng “đã chết, nhưng nay sống đến muôn thuở muôn đời” (Kh 1,18). Thập giá không đứng yên "trong khi thế giới quay vòng", như thể chỉ là ký ức thuần túy về một biến cố đã qua, hoặc một biểu tượng thuần túy; thập giá có mặt trong suốt dòng lịch sử, như một thực tại đang diễn ra, đang sống và hoạt động.

* * *

Nhưng, không như các nhà xã hội học, chúng ta không chỉ phân tích xã hội chúng ta đang sống. Đức Kitô đã không đến để cắt nghĩa sự việc, nhưng để thay đổi con người. Trái tim của bóng tối không phải là của bất kỳ kẻ bất lương nào ẩn mình nơi hang cùng ngõ hẻm, cũng không phải là của xã hội sản sinh ra nó. Nó có mặt ở những mức độ khác nhau nơi mỗi chúng ta.

 Kinh Thánh gọi đó là "trái tim bằng đá". Chúa nói trong Êdêkien: "Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt" (Ed 36,26). Một trái tim bằng đá là một trái tim khép kín trước ý muốn của Thiên Chúa và nỗi khổ của anh em mình, trái tim của những người tích lũy tiền bạc vô giới hạn và thờ ơ trước nỗi tuyệt vọng của những người thậm chí không có lấy một ly nước cho con cái của họ uống; đó cũng là trái tim của những người để  cho đam mê không trong sạch hoàn toàn chi phối, sẵn sàng giết người vì nó hoặc sống một cuộc sống hai mặt. Khi không luôn nhìn ra bên ngoài, hướng tới người khác, chúng ta không thể nói trái tim của chúng ta là trái  tim của một thừa tác viên của Thiên Chúa hay của một Kitô hữu thực hành đạo, nếu như về cơ bản chúng ta sống “cho chính chúng ta”, chứ không phải “cho Chúa”.

Kinh Thánh viết rắng lúc Đức Kitô sinh thì, "bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới, đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy” (Mt 27,51tt). Những dấu chỉ này thường được giải thích theo nghĩa tận thế, thuộc ngôn ngữ tượng trưng mô tả biến cố cánh chung. Nhưng những dấu chỉ này cũng có một ý nghĩa khuyến thiện: chúng cho thấy những gì phải xảy ra trong tâm hồn những người đọc và suy niệm về cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Trong một phụng vụ như phụng vụ hôm nay nay, thánh Lêô Cả đã nói với các tín hữu: "Chớ gì bản tính con người run sợ trước cực hình của Đấng Cứu Chuộc, chớ gì các viên đá của những trái tim bất trung vỡ ra và những người chết nằm trong mộ đi ra, khi đã nhấc ra hòn đá đè trên họ[2]”.

Trái tim thịt, được Thiên Chúa hứa ban qua miệng các tiên tri, từ đây hiện diện trên thế giới: đó là trái tim của Đức Kitô bị đâm thủng trên thập giá, mà chúng ta tôn kính như là "Thánh Tâm Chúa". Khi lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta tin chắc trái tim này cũng bắt đầu đập trong chúng ta. Nhìn vào thập giá trước đó, chúng ta hãy nói từ tận đáy lòng, như người thu thuế cầu nguyện ở Đền Thờ: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” Và chúng ta cũng vậy, giống như người đó, sẽ trở về nhà mà “được nên công chính” (Lc 18,13-14).

 

(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 411-417)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 



[1]  F.Nietzsche, Le gai savoir, aphorisme 125.

[2]  Sermo 66, 3; PL 54, 366.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều