IX

“BỊ NGHIỀN NÁT VÌ CHÚNG TA PHẠM TỘI”

 

Tông đồ Phaolô viết: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người.” (Rm 6,3) Vậy sự kiện được dìm trong nước lúc rửa tội là dấu chỉ bên ngoài và hữu hình của một sự “tắm rửa” khác và một sự “mai táng” khác: sự mai táng cái chết của Đức Kitô. Thế nhưng điều đã xẩy ra lúc đầu, theo cách nghi thức và tượng trưng, một ngày kia phải được thực hiện trong các sự kiện, bằng đức tin, trong suột cuộc sống, để điều đó không chỉ là một biểu tượng. Chúng ta phải tiến hành một sự dìm mình cứu độ trong cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, chúng ta dìm mình trong đó bằng tinh thần, cảm thấy mình cũng phải chịu lạnh lẽo và cay đắng, để ra khỏi đó mà như được đổi mới và tôi luyện lại.

Kinh Thánh viết là ở Giêrusalem có một cái hồ nước lạ lùng, ai là người đầu tiên nhào xuống đó khi nước khuấy động thì được chữa lành. Chúng ta phải nhảy xuống hồ nước, hoặc đúng hơn, nhảy xuống đại dương là cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, vì đó là cuộc khổ nạn của Con Người-Thiên Chúa: một đại dương bao la, không bờ không đáy.

Đó là cuộc Khổ nạn của linh hồn Đức Kitô, Đấng là linh hồn của cuộc Khổ nạn, điều làm cho cuộc Khổ nạn này có một giá trị độc nhất và siêu việt. Những người khác đã chịu những đau khổ thể xác mà Đức Giêsu đã chịu, và có lẽ còn nặng nề hơn. Dầu sao, chắc chắn về phương diện thể lý, tất cả những đau khổ mà mọi người phải chịu qua các thế kỷ, tạo thành một khối lớn hơn những đau khổ của Đức Giêsu; nhưng đàng khác, toàn bộ các đau khổ và kinh hoàng của con người sẽ không bao giờ đạt tới, ngay cả từ xa, cuộc Khổ nạn của linh hồn Đấng Cứu Chuộc.

Một sự đau khổ trong linh hồn như thế hoàn toàn thấy có trong những lời sau đây của tông đồ Phaolô: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa` đã biến người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2Cr 5,21) Chính Con Thiên Chúa, Đấng vô tội, Đấng thánh, trở thành “tội”, tội được nhân cách hóa!

Ở Ghếtsêmani, Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Xin cho con khỏi phải uống chén này!” (Mt 26,39) Trong Kinh Thánh, hình ảnh chén hầu như luôn luôn gợi ra ý tưởng về cơn giận của Thiên Chúa chống lại tội lỗi (x. Kh 14,10). Nơi Isaia, nó được gọi là “chén lôi đình” (Is 51,22). Phaolô viết: “Từ trời, Thiên Chúa mạc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính.” (Rm 1,18) Đó là một loại nguyên tắc phổ quát. Nơi nào có tội lỗi, không thể không có sự xét xử của Thiên Chúa, chữ “không!” khủng khiếp của Ngài; chẳng vậy, chính Thiên Chúa thỏa hiệp với tội lỗi, không còn phân biệt giữa thiện và ác, cả vũ trụ sẽ sụp đổ. Cơn giận của Thiên Chúa không giống như con giận của con người, chính là một danh hiệu khác để làm rõ nét sự thánh thiện của Thiên Chúa.

Giờ đây, trong cuộc Khổ nạn của mình, Đức Giêsu là sự vô đạo, tất cả sự vô đạo của thế giới. Chính vì vậy cơn giận của Thiên Chúa đổ xuống trên Ngài. Thiên Chúa “đã lên án tội trong thân xác Dức Kitô” (x. Rm 8,3).

Một viễn tượng quá pháp lý về sự việc ngăn cản không cho hiểu chính xác cuộc Khổ nạn của Đức Kitô. Không phải là một bên là loài người với những tội lỗi của họ, và bên kia là Đức Giêsu chịu khổ và chịu phạt vì những tội lỗi này, mà vẫn hoàn toàn đứng ở xa. Tương quan giữa Đức Giêsu và tội lỗi không gián tiếp cũng không duy nhất mang tính pháp lý, nhưng gần gũi và thật sự. Nói khác đi tội lỗi ở nơi Ngài, Ngài đã mắc tội cách mầu nhiệm, vì Ngài đã tự nguyện “mang lấy” chúng. “Tội lỗi của chúng ta, chính Ngài đã mang vào thân thể Ngài” (1Pr 2,24). Một cách nào đó Ngài cảm thấy mình là tội lỗi của thế giới, và chính đó là cuộc Khổ nạn nơi linh hồn.

***

Một ngày nào đó sẽ phải gán một cái tên và một bộ mặt cho thực tại tội lỗi này, để nó không còn là một ý tưởng trừu tượng cho chúng ta, hoặc một việc ít quan trọng, như thế gian nghĩ về nó. Đức Giêsu đã đảm nhận tất cả sự kiêu căng của con người, tất cả sự phản loạn công khai hay ngấm ngầm chống lại Thiên Chúa, tất cả sự dâm dật (là tội và vẫn là tội, cho dù mọi người bắt đầu quả quyết ngược lại), tất cả sự giả hình, tất cả sự bạo hành và bất công, tất cả sự bóc lột người nghèo khổ và yếu đuối, tất cả sự dối trá, ghen ghét, là một điều kinh khủng.

Chính trong cuộc Khổ nạn của Đức Kitô mà những lời của Isaia chúng ta vừa nghe trong bài đọc I được thực hiện đầy đủ: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an.” (Is 53,5), Chính Người, “Đấng công chính chịu đau khổ”, cầu nguyện trong các Thánh vịnh và thưa lên Chúa Cha: “Cơn giận Chúa đè nặng trên con, như sóng cồn xô đẩy dập vùi. Bao cơn thịnh nộ, Ngài đổ ngập thân con, bấy nỗi kinh hoàng khiến con rời rã.” (Tv 88,8.17)

Điều gì sẽ xẩy ra nếu tất cả vũ trụ vật lý, với hàng tỷ thiên hà của nó, đè nặng trên một điểm duy nhất như một kim tự tháp vĩ đại chổng ngược đầu? Điểm này sẽ phải chịu áp lực lớn như thế nào? Thì này, trong cuộc Khổ nạn, tất cả vũ trụ tinh thần của tội lỗi, cũng vô hạn như vũ trụ vật chất, đè nặng trên tâm hồn Con Người-Thiên Chúa. Kinh Thánh viết: “Đức Chúa đã đổ trên đầu người tất cả tội lỗi của chúng ta” (x. Is 53,6); Ngài là Chiên Thiên Chúa, “mang trên mình” tội lỗi của thế gian (x. Ga 1,29). Thập giá thật sự mà Đức Giêsu vác trên vai, mang tới Canvê, để cuối cùng chịu đóng đinh vào đó, chính là tội lỗi.

Chính vì Đức Giêsu mang lấy tội lỗi mà Thiên Chúa xa Ngài. Sự lôi cuốn vô hạn giữa Chúa Cha và Chúa Con giờ đây bị một sức đẩy cũng vô hạn cản trở. Vào mùa hè ở vùng núi Alpes, khi một lượng không khí lạnh từ miến Bắc tràn xuống gặp một lượng không khí nóng từ miền Nam tràn lên, những trận bão ghê gớm xẩy ra làm xáo trộn bầu khí quyển: mây mù, gió hú, sấm chớp xé toang từ đầu đến cuối bầu trời, những tiếng sét làm rung rinh đồi núi. Một điều tương tự đã xẩy ra trong trong linh hồn Đấng Cứu Chuộc: sự ác độc tột đỉnh của tội lỗi đụng mạnh vào sự thánh thiện tột đỉnh của Thiên Chúa, xé toang nó đến độ làm nó mướt mồ hôi máu, và làm nó phải rên rỉ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức!” (Mc 14,34)

Nói về người Do Thái, trong chương 9 thư Rôma, thánh Phaolô nói lòng ngài rất đau khổ về họ, vì họ từ chối Phúc Âm, đến nỗi ngài sẵn sàng bị “vạ tuyệt thông”, xa lìa Đức Kitô, vi lợi ích của các anh em mình (x. Rm 9,3). Điều thánh Tông Đồ mới chỉ thoáng thấy như một sự mất mát tột cùng, nhưng thực tế không phải chịu như vậy, thì Đức Giêsu trên thập giá đã phải sống thực sự, cho tới tột cùng; Ngài đã trở thành bị “vạ tuyệt thông”, xa lìa Thiên Chúa, vì lợi ích của các anh em mình. Thư Galát viết: “Đức Kitô đã chuộc chúng ta khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta, chính Người đã trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ.” (Gl 3,13) “Bị nguyền rủa – katàra” hầu như đồng nghĩa với bị vạ tuyệt thông; thuật ngữ hàm ý một sự chia lìa giữa Thiên Chúa và con người, một loại vạ tuyệt thông.

Kinh nghiệm về sự thinh lặng của Thiên Chúa, mà người thời nay cảm thấy thật thấm thía, cũng giúp chúng ta hiểu phần nào cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, miễn người ta biết rằng đối với người của Kinh Thánh, sự thinh lặng của Thiên Chúa không có cùng một ý nghĩa như đối với con người thời nay. Sự thinh lặng của Thiên Chúa được đo bằng cường độ người ta nại đến tên Ngài. Nó không có nghĩa gì với người không tin hoặc với người, tuy tin, nhưng hờ hững với Ngài. Sự tin tưởng nơi Ngài càng lớn, lời cầu xin với Ngài càng hăng say, thì sự thinh lẳng của Thiên Chúa càng đau đớn. Như vậy chúng ta có thể nhận thấy rõ hơn, đối với Đức Giêsu, sự thinh lặng của Chúa Cha phải như thế nào, và vực thẳm nào ẩn giấu sau tiếng kêu: “Lậy Thiên Chúa, lậy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27.46). Đức Maria dưới chân thập giá cũng biết sự thinh lặng của Thiên Chúa là như thế nào. Không ai ngoài Mẹ có thể coi là của mình cách tốt hơn lời cảm thán phát ra từ miệng một Giáo Phụ, nhớ về thời kỳ Giáo Hội bị bách hại khốc liệt dưới triều hoàng đế Giulianô, thời mà các nhà thờ bị mạo phạm và các trinh nữ bị hãm hiếp: "Chúa ơi, chịu đựng sự thinh lặng của Chúa ngày hôm đó thật khó biết bao!"

Đức Giêsu trên thập giá đã trải nghiệm tới cùng hậu quả căn bản của tội lỗi là mất Thiên Chúa. Ngài trở thành người không có Thiên Chúa, thành người vô thần! “Vô thần” có thể có một nghĩa năng động và một nghĩa thụ động; nó có thể vừa chỉ một người từ chối Thiên Chúa, vùa chỉ một người bị Thiên Chúa chối từ. Và chính nghĩa thứ hai này mà thuật ngữ ghê gớm ấy được áp dụng cho Đức Kitô trên thập giá. Chắc chắn sự vô thần của Ngài không phải là kết quả của một lầm lỗi, nhưng là hình phạt của một lầm lỗi, để đền thay cho mọi thứ vô thần có lỗi trên thế giới và nơi mỗi người chúng ta, dưới hình thức một sự phản kháng Thiên Chúa, một sự ích kỷ, hoặc một sự lãnh đạm đối với Thiên Chúa. Rõ ràng là Chúa Cha trên trời gần gũi với Chúa Con không lúc nào bằng lúc này, khi mà Chúa Con đang thực hiện hành vi vâng phục tối thượng của mình, nhưng với tư cách là con người; đây là lúc Đức Giêsu không còn thấy gần gũi như thế nữa và “cảm thấy” bị bỏ rơi.

***

Tất cả những điều đó là cần thiết “để tội lỗi bị hủy diệt” (Rm 6,6), và để “nhờ đức tin chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa là Thần Khí” (Gl 3,14), đổi lấy sự trừng phạt. Các Giáo Phụ đã áp dụng cho Đức Kitô trên thập giá hình bóng Kinh thánh của nước đắng ở Mara, trở nên ngọt nhờ cây gỗ Môsê thả xuống nước đó (x. Xh 15,23-25). Trên cây gỗ thập giá, chính Đức Giêsu đã uống nước đắng của tội lỗi và biến nó thành nước “ngọt” của Thần Khí Ngài, được biểu thị bằng nước từ cạnh sườn Ngài chảy ra.. Ngài đã biến đổi tiếng “không” rất lớn của con người đối với Thiên Chúa thành một tiếng amen, còn lớn hơn nhiều, đến nỗi giờ đây “nhờ Người mà chúng ta hô lên ‘amen’ để tôn vinh Thiên Chúa” (2Cr 1,20).

“Mầu nhiệm đạo thánh cao cả” (1Tm 3,10) là thế. Nó nằm ở chỗ, ngay cả trong một tình huống cùng cực như vậy, Đức Giêsu vẫn phó thác nơi Chúa Cha, vâng phục Chúa Cha bằng tình yêu mến; môi miệng Ngài vẫn không ngừng kêu lên tiếng của một người con: “Abba, Cha ơi” và lúc sinh thì còn kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Khi hoàn tất mầu nhiệm hiếu thảo này, Đức Giêsu có Mẹ Ngài đứng gần bên, Đấng mà giờ đây chúng ta nghĩ tới, lòng đầy xúc động. “Người đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra”, một bản văn của Vaticanô II nói như vậy, và bằng cách này, “trên bình diện ân sủng, Người là Mẹ chúng ta [1]”.

***

Trong Tân Ước, khởi giảng (kérygme), hay loan báo cuộc Khổ nạn, luôn bao gồm hai yếu tố, yếu tố sự kiện: “Ngài đã chịu khổ”, “chịu chết”, và lý do của sự kiện: “vì chúng ta”, “vì tội chúng ta” (x. Rm 4,25; 1Cr 15,3). Cuộc Khổ nạn của Đức Kitô luôn xa lạ với chúng ta bao lâu chưa đi vào trong đó qua cửa nhỏ “vì chúng ta”, vì chỉ người nào nhận ra đó là công trình của Đức Kitô, người đó mới thực sự biết cuộc Khổ nạn của Ngài. Không nhận ra như thế, mọi sự sẽ có thể chỉ là những lời nói không ai nghe.

Vậy ở Ghếtsêmani, cũng chính tội riêng tôi phạm đè nặng tâm hồn Đức Giêsu; trên thập giá, chính vì sự ích kỷ của tôi, sự lạm dụng tự do của tôi đã đóng đinh Ngài. Nếu Đức Kitô đã chết “vì tội tôi”, điều đó có nghĩa là – nói bằng kiểu năng động thay cho thụ động – tôi đã đóng đinh Đức Giêsu Nadarét. Ba ngàn người nghe Phêrô nói hôm lễ Ngũ Tuần, không phải ai cũng có mặt ở dinh Philatô, không phải ai cũng đã đóng đinh Chúa ở Canvê, tuy nhiên, Phêrô mạnh mẽ nói với họ: “Anh em đã đóng đinh Đức Giêsu Nadarét!” Và, dưới tác động của Thần Khí, họ đã thừa nhận đúng như vậy, vì như sách Công vụ viết: “họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phêrô cùng các tông đồ khác: Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2,23-37)

“Bạn đã có ở đó không, bạn đã có ở đó không, khi chúng đóng đinh Chúa của tôi?” – Were you there, were you there when they crucified my Lord ? Đó là lời ca đầy lòng tin của một negro spiritual. Lời ấy còn tiếp: “Đôi khi ý nghĩ này làm tôi run sợ, run sợ, run sợ!” Cứ mỗi lần nghe bản nhạc này, tôi cảm thấy bị thúc giục trả lời từ trong tâm khảm của tôi: “Hỡi ôi, đúng vậy, tôi cũng đã ở đó, tôi cũng đã ở đó khi chúng đóng đinh Chúa của tôi!”

Điều cần thiết là trong quá trình sống của một người, một ngày nào đó có một biến động và trong lòng anh ta có điều gì đó tương tự như những gì xảy ra trong thiên nhiên lúc Đức Kitô chịu chết, khi màn trong Đền thờ bị xé ra từ trên xuống dưới, những tảng đá vỡ ra và những mồ mả mở tung. Điều cần thiết là, dù sao, một niềm kính sợ lành mạnh đối với Thiên Chúa phải làm nổ tung trái tim chúng ta, một trái tim tin chắc về Ngài. Tông đồ Phêrô đã có một kinh nghiệm tương tự, và nếu ông đã có thể nói những lời kinh khủng này với đám đông, thì chính vì trước đây ông đã nói những lời trên cho chính mình và, khi Đức Giêsu quay lại nhìn, ông “đã khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61-62).

Chúng ta vừa mới nghe những lời của Phúc Âm Gioan: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19,37). Chớ gì những lời tiên tri trên cũng được thực hiện nơi ta; chúng ta hãy nhìn lên Đâng chúng ta đã đâm thâu, chúng ta hãy nhìn bằng một cách mới; chúng ta hãy thương tiếc như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng (x. Da 12,10). Nếu người ta không hoán cải khi nghe lời chúng ta, những người của Giáo Hội, chớ gì họ hoán cải khi thấy chúng ta khóc.

***

Chính giờ đây là lúc mà “phép rửa trong cái chết của Chúa” được thực hiện trong đời sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Chớ gì một điều gì đó của con người cũ rơi xuống khỏi vai chúng ta, tách ra khỏi ta, và chôn vùi mãi trong cuộc Khổ nạn của Đức Kitô. Kinh Thánh nói: trong quá khứ mất thời giờ làm thỏa mãn dục vọng là quá đủ rồi! (x. 1Pr 4,3), mất thời giờ biện minh cho chúng ta và tố cáo người khác, là quá đủ rồi, mất thời giờ cho những tranh biện vô ích giữa chúng ta, những người công giáo và tín hũu, là quá đủ rồi. Đức Kitô đã chết “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52), thế mà chúng ta lại tiếp tục chia rẽ nhau, phân tán nhau vì những chuyện thứ yếu sao? Làm sao chúng ta còn có thể vơ vẩn trong những bất đồng nhỏ mọn, trước một Thiên Chúa chết vì yêu thương ta và trước một thế giới đa phần còn chưa biết Ngài? Cessent jurgia maligna, cessent lites” – Hãy thôi đi những cuộc tranh cãi xấu xa, hãy thôi đi những cuộc tranh tụng và ước gì Đức Kitô ở giữa anh em!” đó là lời của một bài bình ca ngày xưa. Phần lớn những điều xấu xa và tai họa xẩy đến cho các gia đình, cộng đồng, xã hội và Giáo Hội là do mỗi người xét đoán và buộc tội người khác thay vì xét đoán và cáo buộc mình vì tội lỗi của mình; mỗi người muốn người khác thay đổi, nhưng ít người nghĩ một cách nghiêm túc là phải thay đổi chính mình. Phải, nếu chúng ta quyết định thực hiện việc thay đổi này nơi ta, thì chính chiều hôm nay thế giới hẳn sẽ tốt hơn và tâm hồn chúng ta sẽ được bình an. Nếu cần phải bảo vệ sự thật và công lý chống lại ai, chúng ta sẽ làm điều đó tốt hơn sau đó, với nhiều tự do và bác ái hơn.

***

Chỉ sau khi trải qua phép rửa mới trong cái chết của Đức Kitô, chúng ta sẽ thấy thập giá thay đổi hoàn toàn dáng vẻ và, từ chỗ buộc tội chúng ta, gây ra nỗi sợ hãi và buồn bã, lại biến thành một động lực đem lại niềm vui và sự chắc chắn. “Vậy giờ đây những ai ở trong Đức Kitô Giêsu thì không còn bị lên án nữa” (Rm 8,1), sự lên án đã thấy cạn dòng, nhường chỗ cho khoan dung và tha thứ. Thậm chí thập giá xuất hiện như công trạng và hãnh diện của chúng ta: “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6,14). Ở đây, sự “hãnh diện” có một ý nghĩa phụ nói lên sự chắc chắn mang lại niềm vui, kèm theo tâm tình xúc động biết ơn của con người trong đức tin. Chính là tình cảm thấm nhiễm phụng vụ chiều nay, gợi hứng cho thánh thi của thời gian Khổ nạn này: “O Crux ave, spes unica – Kính chào thập giá, niềm hy vọng độc nhất!”

Làm sao có thể hãnh diện về một sự đau khổ mà chính chúng ta không phải chịu, ngược lại chúng ta đã gây ra? Lý do là vì giờ đây cuộc Khổ nạn của Đức Kitô trở thành “của chúng ta”, kho tàng lớn nhất của chúng ta, đá tảng cứu độ chúng ta. Kiểu nói cho thấy lý do “vì chúng ta” cuối cùng trở thành “cho chúng ta”. Nếu tiên vàn nó có nghĩa là “vì tội lỗi chúng ta – propter nos”, thì giờ đây, sau khi chúng ta đã nhận ra, xưng thú tội mình và đã tỏ lòng ăn năn thống hối, nó có nghĩa là “có lợi cho chúng ta – pro nobis”. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta,  để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2Cr 5,21)

(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 95-104)

Lm Micae Trần Đình Quảng



[1]  Lumen Gentium, n. 58 et 61


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều