4

MẦU NHIỆM ĐÁNG SỢ VÀ LÔI CUỐN

 

 

Như chúng ta đã thấy, nếu không thể định nghĩa  Thiên Chúa hằng sống, thì ít nhất chúng ta cũng có thể xác định tìm thấy Ngài cách nào và ở đâu. Một đêm kia, triết gia Pascal nán lại lâu hơn bình thường để cầu nguyện. Khi đó, ông sống một kinh nghiệm nóng bỏng về Thiên Chúa hằng sống mà ông tìm cách ghi lại trên giấy dưới dạng những tiếng thốt lên ngắn gọn. Sau khi ông qua đời, người ta tìm thấy ô vuông trên giấy kẻ này khâu bên trong áo của ông, ngang trái tim ông. Ông nói:

"Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacob, không phải của các triết gia và học giả... Sự Chắc Chắn. Tình Cảm, Niềm Vui. Bình An. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa của bạn sẽ là Thiên Chúa của tôi." Quên đi thế giới và mọi sự, ngoại trừ Thiên Chúa. Ngài chỉ được tìm thấy nhờ những con đường được chỉ dẫn trong Phúc Âm. Sự vĩ đại của tâm hồn con người. "Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con đã biết Cha..." Xin cho con mãi mãi không bao giờ xa Chúa. Niềm vui, niềm vui, niềm vui, khóc vì vui."

Bản văn này giúp cho người ta hiểu ngay ý nghĩa của việc khám phá ra Thiên Chúa hiện hữu và “rất đỗi ngạc nhiên" về chuyện đó.

Một nhận xét của Pascal làm chúng ta phải lưu ý đặc biệt hơn ở đây : Thiên Chúa hằng sống "chỉ được tìm thấy nhờ những con đường được chỉ dẫn trong Phúc Âm", nghĩa là trong Kinh Thánh. (Pascal giúp cho người ta hiểu điều này cách thực tế, khi ông hầu như chỉ sử dụng các biểu thức lấy từ Kinh Thánh). Thiên Chúa hằng sống hiện diện khắp nơi trong Sách Thánh, “Người đi dạo trong đó” như Sách Thánh chép là Ngài đã làm như thế ngay từ khởi thủy, trong vườn địa đàng (x. St 3,8). Rất nhiều khi người ta gặp Ngài ở đó. Thánh Ambrôsiô viết: "Thiên Chúa đi dạo trong vườn địa đàng theo nghĩa nào, vì Ngài luôn hiện diện khắp nơi? Theo tôi, điều đó có nghĩa là Thiên Chúa bày tỏ sự hiện diện của Ngài trong những bản văn khác nhau của Sách Thánh, nơi người ta bắt gặp Ngài hiện diện khắp nơi[1]."

Giống như Môsê, chúng ta hãy ẩn mình trong hốc đá, nghĩa là trong một trang nào đó của Kinh Thánh, để, ít nhất cách gián tiếp và tình cờ, nắm bắt ánh hào quang của Ngài, một cách bày tỏ nào đó của cuộc đời Ngài. Chúng ta không thể mô tả Thiên Chúa hằng sống cũng như không thể nhốt Ngài trong khuôn khổ các định nghĩa, điều ấy đúng! Nhưng thánh Cyrillô Giêrusalem viết: "Lấy lý do không có khả năng uống cả dòng sông, phải chăng tôi lại không uống một chút nước tôi cần? Hoặc lấy lý do đã vào một vườn cây ăn trái, và không thể ăn tất cả các trái cây trong  đó, có phải cuối cùng tôi chịu đói mà ra khỏi vườn chăng[2]?

Hãy lấy ví dụ về những phán quyết của Thiên Chúa. Kinh Thánh rất hay nói đến những phán quyết này, công bố những phán quyết này thật công minh, thánh thiện, khôn dò khôn thấu, đáng sợ và đồng thời “ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất" (Tv 19, 11). “Sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được!” (Rm 11,33). Theo một Thánh vịnh, "Thành thị miền Giuđa hớn hở nhảy mừng vì những phán quyết của Ngài, lạy Chúa!" (Tv 97,8). Và: “Quyết định của Ngài sâu tựa vực thẳm! (Tv 36,7).

Ý tưởng về Thiên Chúa được các triết gia phác họa không bao gồm bất cứ điều gì như thế về vấn đề này. Nó thậm chí không cho phép nghi ngờ về sự tồn tại của những phán quyết giống như vậy, vốn "là luật cho toàn vũ trụ" như thánh vịnh Tv 105,7 nhắc nhở. Những phán quyết của Thiên Chúa là một thực tại khác xa những ý tưởng của phái Platon ẩn giấu trong tâm trí của Thiên Chúa. Đây vừa là những ý tưởng vừa là những quyết định, những ý tưởng sáng tạo “quyết định” về con người và lịch sử. Một sự khôn ngoan như thế gợi hứng cho người ta nhớ rằng người ta vĩnh viễn sống dưới phán quyết của Thiên Chúa! nhớ rằng mọi sự đều phơi bầy không che đậy trước sự hiện diện của Ngài, ngay cả tư tưởng của người phủ nhận Ngài! Tác giả sách Gương Chúa Giêsu Kitô nói: “Lạy Chúa! Chúa khiến cho tiếng sấm những phán quyết của Chúa vang lên trong con; Chúa làm xương cốt con rụng rời vì sợ hãi và rùng mình; linh hồn con vô cùng sợ hãi, rất kinh khiếp vì những phán quyết ấy. Con ngạc nhiên khi thấy ngay cả các tầng trời cũng không được tinh tuyền trước mắt Chúa[3].”

Thiên Chúa hằng sống mạc khải mình đặc biệt trong phán quyết mầu nhiệm nhất: phán quyết bày tỏ nơi thập giá Đức Kitô. Để khám phá ra nét mới do thập giá mang lại, khi tìm hiểu về Thiên Chúa hằng sống, điều thích hợp là nhớ lại một số thì mạnh (temps forts) của mạc khải Kinh Thánh về Thiên Chúa.

Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa tỏ mình ra với Môsê bằng cách xướng lên: "Đức Chúa ! Đức Chúa!” Tiếp theo là hai chuỗi thuộc tính: "Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhận nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi... nhưng (và ở đây bắt đầu chuỗi thuộc tính thứ hai) không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời, vì lỗi lầm của cha ông” (Xh 34, 5-7).

Sự tương phản đặc trưng này được duy trì trong suốt Kinh Thánh. Các Thánh vịnh ca lên có khi khía cạnh này, có khi khía cạnh kia: Thiên Chúa là Đấng tha thứ hoặc Thiên Chúa là Đấng sửa phạt. Một Thánh vịnh có tựa đề: “Ca ngợi Thiên Chúa đáng sợ”: ở đó, Thiên Chúa được ca ngợi là “lẫm liệt uy hùng, đáng sợ, đập tan khí thế bao thủ lãnh, gây kinh hoàng cho vua chúa trần gian” (Tv 76). Ở chỗ khác, cũng chính Thiên Chúa được ca ngợi là "nhân hậu và từ bi, chậm giận và giầu tình thương, nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên" (Tv 145,6-9).

Để cố gắng thể hiện một thực tại vô biên, con người  không có phương sách nào tốt hơn là sử dụng những hình thức đối nghịch nhau trong một ngôn ngữ bằng những kiểu tương phản. Ví dụ, để diễn tả Chúa Thánh Thần, họ nại tới hai biểu tượng trái ngược nhau hoàn toàn: nước và lửa. Về Đức Giêsu Kitô, người ta nói Ngài vừa là chiên vừa là sư tử (x. Kh 5,5). Việc sử dụng các hạn từ trái ngược nhau thiết lập một không gian rộng mở giữa chúng, không có giới hạn. Kinh Thánh luôn duy trì, làm sức căng, hai đặc điểm cơ bản này của Thiên Chúa với nhau: một bên là sự thánh thiện và quyền năng, bên kia là sự tốt lành vô hạn; một bên là cơn giận, bên kia là thương xót, không bao giờ tìm cách san bằng chúng, không bao giờ làm tăng chút mâu thuẫn nào giữa chúng. Đối mặt Thiên Chúa này, hai phản ứng hay thái độ được bày tỏ song song diễn tả những bổn phận cơ bản của thụ tạo : kính sợ và yêu thương: "Ngươi sẽ yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi... Ngươi sẽ kính sợ Chúa là Thiên Chúa của ngươi" (Đnl 6,5.13).

Tất cả những kinh nghiệm tuyệt vời về Thiên Chúa hằng sống làm nổi bật nét tương phản giữa hai cái nhìn này về Thiên Chúa, trình bày chúng sao cho có sự cân bằng với nhau. Trong kinh Magnificat, Đức Maria công nhận Thiên Chúa là “Chúa”, “Đấng toàn năng”, “Thánh”, những tước hiệu thể hiện sự uy nghi, siêu việt và khơi dậy lòng kính sợ và tôn kính. Nhưng Thiên Chúa đồng thời cũng là “Đấng Cứu Độ tôi”, là điều nói lên sự tốt lành, nhân từ của Ngài và khơi dậy sự đáp lại của tình yêu và phó thác. Thánh Phanxicô Assisi bắt đầu Bài Ca Vạn Vật của mình bằng cách hát lên lời ca tụng Thiên Chúa "tối cao, toàn năng, là Chúa tốt lành...", sau đó cảnh báo rằng không ai xứng đáng "nhắc đến" Ngài, nghĩa là xướng danh Ngài. Trong một lời cầu nguyện khác, thánh nhân gọi Ngài là: "Thiên Chúa toàn năng, vĩnh cửu, công bình và thương xót...!" Đối với ngài, “Đấng Tối Cao, toàn năng, vĩnh cửu, công bình” đồng thời cũng là “Thiên Chúa nhân hậu và thương xót”.

Hơn ai khác, thánh Augustinô nhấn mạnh sự tương phản giữa hai phản ứng yêu thương và sợ hãi của con người. Ngài thưa lên với Chân Lý Vĩnh Cửu: "Khi lần đầu tiên con biết Chúa, Chúa đã nâng con lên tới Chúa… Chúa dùng tia sáng mãnh liệt của Chúa chiếu trên con, để đánh vào cái nhìn yếu đuối của con và con run lên vì yêu mến và kinh sợ." Trong một đoạn khác, ngài thú nhận: "Trước mặt Chúa, con run lên vì yêu và sợ[4]."

Từ sự kiện này, một đại diện nổi tiếng của hiện tượng học tôn giáo đã soạn một luận án về thần linh như một mầu nhiệm “đáng sợ và lôi cuốn”, theo nghĩa quyền năng của thần làm người ta kinh sợ, nhưng sự tốt lành của thần lại lôi cuốn họ. Tác giả cho chúng ta thấy quan niệm cơ bản này về Thiên Chúa trong các vũ trụ tôn giáo đa dạng nhất, cả cổ đại lẫn hiện đại. Tuy nhiên, ông nhận ra biểu hiện cao nhất của mầu nhiệm này trong Kitô giáo, vì phẩm chất đạo đức của tôn giáo này[5].

Nói cho đúng, ngay cả nơi các Kitô hữu, không phải lúc nào người ta cũng biết cách duy trì sự quân bình chính đáng giữa những mặt đối lập này. Một số trào lưu tâm linh (thường có nguồn gốc Công giáo) đã nhấn mạnh khía cạnh tốt lành và ban ơn ("Thiên Chúa nhân lành") đến nỗi quên đi khía cạnh uy nghi và kính sợ Thiên Chúa. Các trào lưu khác (trào lưu được biết đến nhiều nhất gắn liền với Calvin) đã quá nhấn mạnh sự uy nghi chói lọi, quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa, đến độ hầu như con người không còn biết gì hơn là hãi sợ Thiên Chúa. Calvin viết: “Khi chúng ta nghĩ đến sự uy nghi đáng sợ của Thiên Chúa, thì không thể không kinh hãi”. Và ở những chỗ khác: "Sợ hãi là nền tảng của tôn giáo."

Trước khi tiếp tục suy tư, chúng ta hãy cầu nguyện dựa vào một bản văn của thánh Phanxicô Assisi:

"Xin cho sự hiểu biết của chúng con về Chúa trở nên rõ ràng; để chúng con biết chiều rộng của những ơn lành Chúa ban, chiều dài của những lời Chúa hứa, chiều cao của Chúa uy nghi và chiều sâu của việc Chúa phán xét. Amen[6].”

 



[1]  Thánh Ambrôsiô, De Paradiso, 14, 18 (PL 14, 308).

[2]  Thánh Cyrillô Giêrusalem, Catéchèses VI, 5. x. Migne, 1993, p.97.

[3]  Imitation de Jésus-Christ, III, 14.

[4]  Thánh Augustinô, Confessions, VII, 10; XI, 9; x. BA t. 13,p. 617; t. 14, p. 289.

[5]  x. R.Otto, Le Sacré (cité note 12), 4B, p. 27sv

[6]  Thánh Phanxicô, Paraphrase du Pater, 3, Ecrits. C. SC 285, p. 277.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều