12

PHÚC CHO AI CÓ TÂM HỒN TRONG SẠCH

VÌ HỌ SẼ ĐƯỢC NHÌN THẤY THIÊN CHÚA

 

 

Nếu chúng ta muốn đến gần Thiên Chúa, phải “loại bỏ” nhiều trở ngại: tiếng ồn, đám đông, thế giới, thụ tạo, chính chúng ta… Tuy nhiên, trong số những trở ngại này, có một trở ngại tuyệt đối cần thiết, chứ không chỉ tương đối, mà chúng ta phải loại bỏ: trở ngại “phân cách chúng ta với Thiên Chúa”, khiến Người phải “ẩn mặt” (Is 59,2). Đó là tội lỗi.

Kinh Thánh dạy rằng để gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta phải “cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang bao quanh chúng ta” (Dt 12,1). Từ "gánh nặng" dịch theo thuật ngữ tiếng Hy lạp oncos, là gốc của từ ung thư học và có nghĩa là khối u; từ "bao quanh", trong bản văn gốc, gợi ra ý tưởng về một cái ôm hôn rất nhẹ nhàng nhưng ngột ngạt. Tự phụ đến gần Thiên Chúa mà không từ bỏ tội lỗi là tưởng rằng có thể tiến tới bằng cách tiến một bước và lùi một bước. Trên thực tế, theo định nghĩa cổ điển nhất, phạm tội "là quay lưng với Thiên Chúa" (aversio a Deo) để quay lại với các thụ tạo.

Thường thường, trở ngại thực sự cho việc nhận biết Thiên Chúa không nằm trong lãnh vực trí khôn, nhưng trong lãnh vực đạo đức; rất thường ở trong ý muốn hơn là ở trong trí khôn. Một nhà hộ giáo xưa, một Kitô hữu, khi nói với người ngoại giáo vào thời ông, đã viết: "Nếu bạn nói với tôi: Hãy cho tôi thấy Thiên Chúa của bạn!", tôi có thể trả lời: "Hãy cho tôi thấy bạn là người thế nào..." Ông giải thích ý nghĩa lời nói của mình như sau: Chỉ những ai mở rộng đôi mắt linh hồn mới nhận ra Thiên Chúa. Là vì nếu mọi người đều có mắt, thì một số người có mắt bị che phủ. Mặt trời có chiếu sáng rực rỡ cũng vô ích, người mù không nhìn thấy gì và thậm chí anh ta còn nói không có ánh sáng mặt trời. Hoặc, nếu một tấm gương han rỉ, người ta không còn có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu khuôn mặt của mình. Cũng vậy, khi cái nhìn nội tâm của con người bị tội lỗi che đậy, thì người đó không thể thấy được Thiên Chúa nữa, vì tội lỗi đã nhận chìm con tim trong bóng đêm và tăm tối[1].

Đối với những người được gọi là "phóng túng", Pascal đã cho một nhận xét, không được hiểu theo nghĩa không có sự phân biệt nào (vì trong số những người vô thần, có những người không thể chê trách về mặt đạo đức, cũng như trong số các Kitô hữu có những người phóng túng) nhưng bao gồm nhiều sự thật: "Họ nói: Tôi sẽ sớm từ bỏ lạc thú, nếu tôi có đức tin. Nhưng tôi nói cho bạn hay: Bạn sẽ sớm có đức tin nếu bạn từ bỏ lạc thú[2]." Người tín hữu không có quyền ban đức tin và do đó xác minh điều người phóng túng quả quyết; nhưng người phóng túng có khả năng từ bỏ tội lỗi và xác minh sự thật của những gì người tín hữu nói.

Trước câu hỏi: “Ai được lên núi Chúa?”, tác giả Thánh vịnh đã trả lời: “Đó là kẻ tay sạch lòng thanh” (Tv 24,3-4). Đức Giêsu cô đọng tất cả giáo huấn của Kinh Thánh về điểm này trong một câu rất vắn tắt: "Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa!" (Mt 5,8).

Chúng ta biết những thuật ngữ "trong sạch", “sự trong sạch”, trong Kinh Thánh cũng như trong ngôn ngữ thường ngày, bao hàm nhiều ý nghĩa: sự trong sạch về mặt thẩm mỹ, sự tinh tuyền về đường nét, sự đúng đắn về mặt đạo đức biểu lộ trong tư tưởng hoặc trong ý định, v.v. Chúng ta cũng biết rất rõ là, trong lãnh vực tính dục, từ chỉ phẩm chất một số hành vi phải được ghi dấu bằng hai cách tôn trọng: tôn trọng cứu cánh tính nội tại của tính dục và tôn trọng ý muốn của Đấng Tạo Hóa. Chỉ có thể tương giao với Thiên Chúa là thần trí bằng thần trí của chúng ta. Thế mà tình trạng rối loạn, hoặc tệ hơn, những lệch lạc trong lãnh vực này, gây ra hiệu quả là làm cho thần trí đen tối: không chỉ các nhà luân lý mà thôi, nhưng mọi người đều nhận thấy thế. Khi người ta dùng chân khua nước ao, bùn nổi lên từ đáy làm nước bị đục. Thiên Chúa là ánh sáng; ai làm tâm trí u tối bởi những rối loạn như vậy chứng tỏ người đó "ghét sự sáng”(Ga 3,20).

Tội lỗi không còn cho phép nhìn thấy bộ mặt của Thiên Chúa, hoặc bất quá chỉ cho thấy một bộ mặt hoàn toàn biến dạng. Tội lỗi không cho thấy Thiên Chúa như là bạn, là đồng minh hay là người cha, nhưng là kẻ đối nghịch, kẻ thù, Đấng mà qua các lệnh “Ngươi phải” hay “Ngươi không được”, không cho phép dung dưỡng những ham muốn xấu xa của bạn. Tội lỗi khơi dậy trong lòng con người một sự căm phẫn âm ỉ đối với Thiên Chúa, đến mức đôi khi con người muốn không có Thiên Chúa, nếu điều này tùy thuộc vào họ.

Nói chung, để khuyên con người chạy trốn tội lỗi, người ta đưa ra những động cơ tiêu cực: tội lỗi làm suy thoái thụ tạo, dẫn đến cái chết và diệt vong. Và người ta bỏ qua lý do tích cực, là lý do mạnh nhất: từ bỏ tội lỗi là tìm thấy Thiên Chúa! Tìm thấy những gì người ta đã tìm kiếm một cách vô ích trong tội lỗi. Chính nỗi nhớ “cơm bánh dư dật” ở nhà cha đã thuyết phục người con hoang đàng từ bỏ đồ ăn của heo chứ không phải mùi vị chẳng ra gì của nó! Có lẽ người ta sẽ có được nhiều hơn từ xã hội băng hoại hiện nay, bằng cách nói cho nó về Thiên Chúa hằng sống, Đấng có vẻ đẹp tỏa rạng trước mắt thế giới, bằng cách khơi dậy nơi con người nỗi nhớ về Thiên Chúa, hơn là bằng cách vứt tội lỗi của mình vào mặt Ngài chăng?

Những lời này không chỉ dành cho những người "phóng túng", cho những người không tin, mà còn, và thậm chí ưu tiên, cho chúng ta, những người tuyên bố mình là Kitô hữu và thậm chí có lẽ có ơn gọi loan báo cho người khác Thiên Chúa hằng sống. Khi Thiên Chúa "kêu gọi" tiên tri Isaia, Ngài không chỉ dẫn cho ông phải nói gì hoặc nói thế nào. Ngài chỉ đưa một cục than hồng chạm vào môi miệng ông và nói: "Ngươi đã được tha lỗi và xóa tội." Đồng thời, nhà tiên tri cảm thấy phát sinh nơi ông một lời kêu gọi mới và không cưỡng lại được, kêu gọi loan báo Thiên Chúa ba lần thánh, và ông kêu lên: "Dạ, con đây: xin hãy sai con đi!" (x. Is 6,1-8)

Cần phải cam kết “đoạn tuyệt với tội lỗi” (x. 1Pr 4,1) để nhờ kinh nghiệm mà biết được khả năng và niềm vui loan báo mầu nhiệm Thiên Chúa. Khi đó tiếng nói có được một âm thanh mới và tự do, khác với những gì nó đã có cho đến lúc đó; tầm quan trọng của nó không chỉ còn trên phương diện hộ giáo, nhưng trên phương diện khởi giảng (kérygmatique). Nếu quả thực không thể chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì vẫn luôn có thể cho thấy điều đó! Hai người du hành trên một chuyến xe lửa, một phụ nữ và một linh mục, ngồi đối diện nhau. Vị linh mục về nhà sau một cuộc tĩnh tâm. Ngài vừa nhận được ơn xá giải, rạng rỡ hạnh phúc vì đã nhận được ơn tha thứ tội lỗi. Sau một thời gian im lặng, người phụ nữ bỏ cuốn sách đang đọc xuống, nhìn vị linh mục mà thốt lên: "Thưa cha, cha có vẻ mặt khiến cho người ta tin vào Thiên Chúa!"

Một lời thật kích thích chúng ta tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi, bằng cả nghị lực và “đến mức đổ máu” (Dt 12,4) nếu cần. Thánh Basiliô khuyên chúng ta làm như vậy: "Một khi được thanh tẩy khỏi sự xấu xa do mắc phải những thói hư tật xấu, và trở lại vẻ đẹp của hình thức nguyên thủy, chỉ với điều kiện này, chúng ta mới có thể đến gần Đấng Bảo Trợ. Như mặt trời, Người có con mắt rất tinh tuyền, sẽ cho bạn thấy nơi Người Hình Ảnh của Đấng Vô Hình; khi sung sướng chiêm ngắm Hình Ảnh, bạn sẽ thấy vẻ đẹp khôn tả của Nguyên Mẫu... Như những vật thể rõ ràng và trong suốt trở nên lấp lánh khi có tia sáng chiếu vào và tự chúng khuếch tán ra một ánh chói sáng khác, cũng vậy, những linh hồn mang Thần Khí, được Thần Khí chiếu sáng, tự chúng trở nên linh thiêng và đổ tràn ân sủng trên những người khác[3]."

Để có được "tâm hồn trong sạch nhìn thấy" Thiên Chúa, chúng ta hãy dùng Thánh vịnh Miserere mà cầu nguyện:

“Xin xóa tội con đã phạm. Lạy Chúa Trới, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng… Đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài. Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1]  Théophile d’Antioche, Ad Autolicos, 1, 2. x. SC 20, p. 58 sv.

[2]  B. Pascal, Pensées, édit. Brunschwicg, 240

[3]  Basile, Traité du Saint-Esprit, IX, 23; x. SC 17 bis, p. 147sv


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều