25

HÃY ĐỂ CHO THIÊN CHÚA

ĐƯỢC TỰ DO

 

 

Để kết thúc, chúng ta hãy quyết định để cho Thiên Chúa được tự do. Thế giới đòi hỏi quyền tự do của con người; họ không ngừng nói về nó. Trên hết, là sự tự do của mình đối với Thiên Chúa, đối với mạc khải, đối với luật pháp của Ngài. Nhưng chúng ta, những người tín hữu, chúng ta phải bảo vệ sự tự do của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn nhận sự tự do của Thiên Chúa, như tác giả Thánh vịnh đã tuyên bố: "Hãy nhìn nhận sức uy hùng của Thiên Chúa!" (Tv 68,35)

Nhìn nhận hoặc trả lại cho Thiên Chúa sự tự do của Ngài có nghĩa gì? Có nghĩa là biết chấp nhận Chúa là Thiên Chúa luôn luôn mới, Đấng luôn luôn làm ra điều mới, ngay cả trước khi chúng ta chưa hiểu điều cũ, điều “cũ” mà dĩ nhiên chúng ta sẽ không bao giờ có thể hiểu được hoàn toàn. Điều đó còn có nghĩa là không buộc Ngài phải đi theo nước bước của chúng ta, một cám dỗ của Giáo Hội trong thực tại nhân loại của mình: muốn "hệ thống hoá" hoặc muốn cho Thiên Chúa phù hợp với quan điểm của chúng ta, giản lược Ngài thành một hệ thống, được tổ chức tốt, hoàn chỉnh và đã đóng kín, tất cả đã sẵn sàng để được chuyển đạt, không có vấn đề nào tồn đọng, không có điều gì đang thay đổi. Người ta có thể so sánh Giáo Hội với một nhà xuất bản phải đối phó với một thiên tài. Người này đã thực hiện một cuốn tiểu thuyết vĩ đại và đã ủy thác việc phát hành cho một nhà xuất bản đăng dần từng kỳ. Theo đà xuất hiện, tác phẩm lớn dần, các nhân vật mới xuất hiện cũng như các tập mới, tập đầu tiên được lấy lại và phát triển... Sáng tạo nghệ thuật dường như luôn phong phú hơn. Nhà xuất bản ngày càng mất kiên nhẫn. Ông muốn tác phẩm cuối cùng được hoàn thành để có thể liên kết nó lại thành một cuốn sách đẹp, đăng ký nó vào danh mục của mình và bắt đầu phân phối. Thế mà, ông buộc phải tiếp tục không ngừng in ấn, vì tất cả các độc giả đều muốn có ấn bản cuối cùng, và ông, một nhà xuất bản tội nghiệp, không thể bán những ấn bản đầu tiên mà ông phải chất đống trong kho.

Theo tôi, dường như chúng ta đang bỏ qua sự tự do mà chúng ta phải thừa nhận nơi Thiên Chúa, và khuynh hướng này đã ăn sâu vào chúng ta đến nỗi chúng ta thậm chí không ý thức về nó. Thiên Chúa, Đấng đòi hỏi quyền được trồng và nhổ, xây dựng và phá đổ, đánh đập và chữa lành, đày xuống địa ngục và lôi lên trở lại, Ngài ở đâu? Có lẽ đây là Thiên Chúa đã biến mất lúc Tân Ước lên ngôi chăng? Và phải chăng Đức Giêsu Kitô, như Marcion nghĩ, là sứ giả của một Thiên Chúa khác, dễ gần gũi hơn và nhân từ hơn? Ôi! Lạy Chúa, chúng con bủn xỉn với Chúa dường nào, chúng con thông thái rởm biết bao!

Những phương tiện mà chúng ta sử dụng để ràng buộc sự tự do của Thiên Chúa thì rất nhiều và được biện minh rất nhiều về mặt thần học, đến nỗi chúng ta xác tín đang bảo vệ sự nghiêm túc của Thiên Chúa, sự đáng tin cậy của Ngài, sự trung tín, sự gắn bó chặt chẽ và tính bất biến của Ngài. Chúng ta không hiểu rằng lòng trung tín của Ngài hệ tại ở chỗ luôn trung thành với sự mới mẻ của mình, luôn tạo ra cái mới, làm những điều mới và làm mới lại những cái mới đang có. Nếu mạc khải khách quan khép lại, thì sự phong phú vô tận của Thiên Chúa vẫn luôn hoạt động. Chỉ có Kinh Thánh là được "đóng thành một quyển" mà người ta không thể thêm bớt gì. Hoàn toàn khác với tất cả những gì, bắt đầu từ Kinh Thánh, phát sinh liên tục trong Giáo Hội.

Sự tự do tuyệt đối này, Thiên Chúa yêu cầu nó đặc biệt trong cách Ngài gợi ra các vị thánh và dẫn dắt các linh hồn. Người ta nói rằng sống quá gần các thánh là chuyện không dễ. Lý do sâu xa là vì sự tự do tối cao và sự sáng tạo của Thiên Chúa được thể hiện nơi họ. Đối với những người có thẩm quyền và có trách nhiệm về công ích, việc “chịu đựng” một sự tự do như vậy có thể trở thành một cuộc tử đạo thực sự: bị dẫn dắt trong một màn sương mù mầu nhiệm dày đặc, đôi khi đến mức phi lý.

Giêrêmia nhận được lời này: "Người chạy với người đi bộ mà còn mệt nhọc, thì chạy đua với ngựa làm sao? Nếu ngươi chỉ thấy an tâm trong một xứ thái bình, thì trong bụi rậm sông Giođan, an tâm làm sao được?” (Gr 12,5). Đúng vậy, người ta có thể được kêu gọi chạy đua với ngựa, lại là ngựa đua, trong khi do tính khí, người ta thích ru rú ở nhà hơn. Người ta có thể bị buộc phải đi trong "rừng rậm", không nhìn thấy gì, không hiểu gì, không biết mình đi đâu, chung quanh có rất nhiều thú dữ và nguy hiểm... Nhưng thực ra, người ta cảm thấy rằng liều mình vì Thiên Chúa và với Thiên Chúa (bởi vì Thiên Chúa cũng liều mình qua sự tự do của chúng ta) thì vô cùng tốt hơn so với việc đi trong an toàn không có bất ngờ nào. Rủi ro nặng nề hơn chính cuộc đời – là không rõ liệu đang đi về phía Thiên Chúa hay theo hướng hoàn toàn ngược lại; là không biết điều đó, ít ra bằng “lý lẽ” riêng của mình, nhưng biết điều đó bằng cách khác, bằng đức tin, bằng trái tim, bằng sự trung gian của vâng phục và bằng sự phân định của Giáo Hội, điều này giống như một “lý lẽ” cao hơn. Điều chính yếu cần giữ là sự tự do này của Thiên Chúa không bao giờ trở thành cái cớ để sống theo xác thịt. Để tránh nguy cơ này, con người phải luôn chết một chút cho chính mình và “gắn chặt mình vào thập giá với Đức Kitô”.

Nếu chúng ta xem xét Thiên Chúa để ý đến sự tự do của chúng ta đến mức nào, thì chúng ta hẳn phải bối rối thấy ít có trường hợp chúng ta để ý đến sự tự do của Ngài. Chúng ta hẳn phải giữ chút thể diện cho mình là để cho Thiên Chúa được tự do. Không chỉ bên ngoài chúng ta, trong Giáo Hội, nhưng trên hết là bên trong chúng ta, trong đời sống thiêng liêng của chúng ta. Tự do ban cho chúng ta niềm vui và tự do để  chúng ta phải buồn, tự do nói và tự do thinh lặng, tự do xuất hiện và tự do ẩn mình. Theo một cách nào đó, trả lại cho Thiên Chúa sự tự do mà Ngài đã có đối với chúng ta tức khắc trước đó, ngay trước khi Ngài tạo ra chúng ta, khi chúng ta mới chỉ là "ý nghĩ trong lòng Ngài" và khi Ngài có thể tùy nghi sử dụng chúng ta mà không cần phải đợi chúng ta đồng ý.

Đây là những gì Đức Maria đã làm. Origen đã ghi nhận điều đó một cách đúng đắn: "Khi nói: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa’ (lc 1,38), thì như thể Người nói: Tôi là một tấm bảng bằng sáp; xin sứ thần của Chúa  cứ viết những gì Ngài muốn! Xin làm những gì Ngài muốn! lạy Chúa Tể vũ hoàn[1]."

Theo nghĩa này, chúng ta hãy biến lời cầu nguyện của Charles de Foucault thành lời cầu nguyện của chúng ta:

"Lạy Cha, con phó mình con cho Cha, xin biến con thành những gì làm cho Cha hài lòng. Cha làm nơi con điều gì đi nữa, con đều tạ ơn Cha. Con sẵn sàng mọi sự; con chấp nhận tất cả. Miễn là ý muốn của Cha được thực hiện nơi con, nơi mọi thụ tạo của Cha, con không mong muốn gì khác, lạy Thiên Chúa của con. Con phó thác hồn con trong tay Cha. Con trao nó cho Cha, lạy Thiên Chúa của con, với tất cả tình yêu của trái tim con, vì con yêu mến Cha và vì con cần tình yêu để hiến thân, để hết lòng phó thác con nơi bàn tay Cha, với lòng tin tưởng vô hạn, vì Cha là Cha của con."

 



[1]  Origène, Commentaire sur l’évangile de Luc, frag. 17; cf. SC 87, p. 477.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều