26

THẦN KHÍ BAN SỰ SỐNG

 

 

Trước khi vĩnh viễn rời bỏ phần có nhiều khó khăn này trong cuộc hành trình của chúng ta, nơi chúng ta đã cho thấy ý thức về Thiên Chúa hằng sống vắng bóng trong văn hóa chúng ta, một câu hỏi được đặt ra, liên quan đến cả quá khứ lẫn tương lai: làm sao chúng ta đã có thể đi đến chỗ sai lệch như vậy, và có thể làm gì để tránh những chuyện tương tự trong tương lai?

Một danh xưng cho chúng ta câu trả lời: Chúa Thánh Thần! Thánh Grêgôriô Nyssê đã viết: “Nếu chúng ta lấy Chúa Thánh Thần ra khỏi Thiên Chúa, thì những gì còn lại không phải là Thiên Chúa hằng sống, mà là thây ma của Ngài[1]”. Đó là lời giải thích về "cái chết của Thiên Chúa", một đề tài nổi tiếng; đây là điều mà bất cứ ai muốn xây dựng một “thần học” trên một nền tảng như vậy, cần phải tiên vàn làm sáng tỏ.

Chính Đức Giêsu đã đưa ra lý do. Ngài nói: "Thần Khí mới làm cho sống  chứ xác thịt chẳng có ích gì" (Ga 6,63). Trong trường hợp chúng ta, những lời này mang lại một ánh sáng quý giá: chính Thần Khí mới ban sự sống cho ý tưởng về Thiên Chúa cũng như cho bất cứ học hỏi nào về Thiên Chúa. Lý trí của con người, bị tội lỗi ghi dấu, không thể tự nó là đủ. Thậm chí nó không giúp gì trên thực tế, vì nếu nó khám phá ra Thiên Chúa hiện hữu, nó không thể lôi kéo theo một cách cư xử cho phù hợp, là tôn vinh và tạ ơn Ngài. Người nào chuẩn bị nói về Thiên Chúa dưới bất cứ danh nghĩa nào, nếu là một tín hữu, đều phải nhớ rằng “không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1Cr 2,11).

Chúa Thánh Thần là “môi trường sống” đích thực, Sitzt im Leben, nơi tất cả thần học Kitô giáo đích thực ra đời và phát triển. Các nghiên cứu gần đây đã có thể xác định rõ ý nghĩa đầu tiên của thuật ngữ ruah trong tiếng Do thái, (pneuma, tinh thần), trong thế giới Kinh Thánh, trước hết không phải là hơi thở hay gió, mà là "không gian mở", nơi gió có thể bày tỏ sức mạnh của nó, và nơi mà người ta có thể nhận thấy nó hiện diện. Sự xác định này, mang lại cho sự hiểu biết của chúng ta về Chúa Thánh Thần một yếu tố mới, được xác nhận bằng cách sử dụng thuật ngữ truyền thống như một túc từ chỉ nơi chốn: "trong" Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là không gian vô hình, nơi mà sau ngày phục sinh, người ta có thể nhận ra Thiên Chúa đi qua và là nơi chính Thiên Chúa tự biểu lộ như một thực tại sống động và hoạt động. Điều này cũng đúng với Đức Kitô. "Trong Chúa Thánh Thần" chỉ ra môi trường mầu nhiệm, nơi mà, sau sự phục sinh, người ta có thể tiếp xúc với Đức Kitô và cảm nghiệm hành động thánh hóa của Ngài. Thật vậy, Đức Kitô đang sống “trong Chúa Thánh Thần” (x. Rm 1,4; 1Pr 3,18).

Giữa Thiên Chúa và con người, cung điện lớn do đó không sáng lên, tia sáng bất ngờ và khôn lường của nó chỉ có thể phát ra bên trong một từ trường đặc biệt: từ trường này chính là Chúa Thánh Thần đối với tất cả những gì liên quan đến đức tin. Chính Ngài là Đấng tạo ra, nơi sâu thẳm nhất của con người, tình trạng ân sủng mà một ngày nào đó sẽ cho phép xuất hiện tia sáng vĩ đại, sự "chiếu sáng" bên trong. Khi đó, người ta như thể bị lóa mắt, đến mức “rất đỗi ngạc nhiên vì nó": phải, Thiên Chúa hiện hữu, Ngài là thực tại. Trong suốt sự nghiệp thần học hoặc nghiên cứu đơn thuần về Thiên Chúa, sự chiếu sáng này gây ra một chỗ ngắt và một bước nhảy vọt, tương tự với những gì chúng ta đôi khi quan sát thấy ở một số tác giả: trong cùng một bài viết, họ bất ngờ chuyển từ văn xuôi sang thi ca, không có sự chuyển tiếp, như thể suy nghĩ của họ, đột nhiên được chắp cánh, cuối cùng chỉ có thể bày tỏ mình bằng lời ca. Đó là trường hợp rất hay xẩy ra nơi Péguy.

Một nhà thần học đương thời, người đã sống kinh nghiệm này, giải thích như sau: "Nếu thần học muốn thực sự là một nguồn mạch sự sống và tiếp xúc với thực tại, nó phải bắt đầu bằng một kinh nghiệm về Thiên Chúa chứ không phải bằng một suy tư triết học về Hữu Thể tuyệt đối. Trong tương lai, như chúng ta thấy trong Tân Ước, thần học sẽ phải bắt đầu, bằng kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần hiện diện trong cộng đồng Kitô giáo. Giáo thuyết và con người của Chúa Thánh Thần không phải là một trong số những học thuyết, nhưng là học thuyết và là thực tại nền tảng trong Giáo Hội. Một cuộc canh tân đời sống trong Thần Khí, chẳng hạn như cuộc canh tân mà chúng ta bắt đầu thoáng thấy, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến một lãnh vực thần học, nhưng là toàn thể thần học và Giáo Hội[2].

Vậy thì làm sao chúng ta có thể hy vọng tiếp xúc với Thiên Chúa hằng sống, khi hoàn toàn không quan tâm đến Chúa Thánh Thần? Và với những ai muốn tìm thấy Thiên Chúa ở chỗ khác, trong sách vở hay trong suy luận của con người, thì hẳn là thích hợp khi nhắc cho họ sứ điệp của thiên thần nói với các phụ nữ: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa những kẻ chết?” (Lc 24,5). Thánh Basiliô viết rất đúng: “Sự thân tình với Thiên Chúa tùy thuộc vào Chúa Thánh Thần[3].” Sự thân tình ấy tùy thuộc vào Chúa Thánh Thần theo nghĩa là Thiên Chúa sẽ thân tình hay xa lạ với chúng ta tùy thuộc vào sự nhạy cảm hoặc dị ứng của chúng ta với Thần Khí.

Người ta có thể phản bác: Phải chăng người ta đã nói không đủ về Thần Khí vào thời kỳ được đề cập? Tôi trả lời: Tất nhiên, người ta đã chưa bao giờ nói nhiều về Thần Khí. Chính ý niệm Thần Khí với tư cách là một thực tại khác với vật chất, thế giới và thiên nhiên – khi đó đã bị đẩy đến những phát triển cực đoan nhất, đến khái niệm về “Tinh Thần tuyệt đối.” Người ta thậm chí còn lưu ý rằng ý niệm Thần Khí là một sự chinh phục của triết học hiện đại phần lớn không được biết đến ở thời Thượng cổ. Vậy thì lời giải thích chính xác là gì? Nó nằm ở chỗ đây không thực sự là Thần Khí "Thánh”, nhưng là "tinh thần của lịch sử", "tinh thần của thế gian", chính xác là điều mà Kinh Thánh ghi nhận như một điều đối lập hoàn toàn với “Thần Khí Thiên Chúa” (x.1Cr 2,12). Hơn nữa, ngay cả khi nói về Chúa Thánh Thần, người ta cũng rất hay nói về ý tưởng chứ không phải thực tại Thần Khí.

Do đó, phương thức là tiếp xúc lại ngày càng đầy đủ hơn với thực tại Chúa Thánh Thần hoặc đúng hơn, với ngôi vị Chúa Thánh Thần. Không hài lòng với một khoa Thánh Thần học được đổi mới, nghĩa là một thần học về Thần Khí, nhưng khao khát biến Thần Khí thành một kinh nghiệm cá nhân. Nếu trong cụ thể sự vắng mặt của Chúa Thánh Thần ảnh hưởng tiêu cực đến việc tìm kiếm Thiên Chúa như thế nào và tại sao lại ngăn cản không cho đến với Thiên Chúa hằng sống, người ta sẽ khám phá ra tầm quan trọng của kinh nghiệm này, ngay cả chỉ trên bình diện thần học và lý trí. Như chúng ta đã thấy, những bằng chứng truyền thống về sự hiện hữu của Thiên Chúa đã bị bác bỏ, với lý do chúng chuyển từ tư tưởng sang hữu thể, từ ý tưởng về một sự vật sang sự tồn tại của sự vật đó. Người ta đã không lưu ý rằng đây là hai cấp độ thuộc hai thế giới khác nhau. Chỉ khi Thiên Chúa là đối tượng của kinh nghiệm chứ không chỉ là đối tượng của suy tưởng, người ta mới có thể suy ra sự hiện hữu thực sự của Ngài. Điều mà khi đó rõ ràng là không thể.

Giờ đây chúng ta đang ở trong trọng tâm của vấn đề. Trong con người, nơi Chúa Thánh Thần hoạt động, Thiên Chúa không chỉ sống như một ý tưởng; Ngài còn thực tại ở đó. Trong Thần Khí, người ta đúng là cảm nghiệm được Thiên Chúa; một kinh nghiệm chắc chắn không hoàn hảo, theo kiểu ân huệ mở đầu (Rm 8,23; 2Cr 5,5), nhưng là một kinh nghiệm thật sự, mặc dù thiêng liêng và không cảm thấy được.

Trong các tác phẩm của Gioan, Chúa Thánh Thần được gọi là “Thần chân lý” (Ga 14,17; 16,13) hay thậm chí đơn giản là “Chân Lý” (1Ga 5,6). Thuật ngữ "chân lý" có nghĩa là thực tại Thiên Chúa đạt tới được nơi chính nó chứ không qua một hình ảnh hay một trung gian nào. Vậy đây vừa là vấn đề thực tại đã biết, mà cũng là kiến ​​thức về thực tại. Và vì phải thờ phượng Thiên Chúa "trong tinh thần và chân lý", chứ không theo cách thờ phượng của con người gắn liền với những địa điểm và đền thờ do bàn tay con người xây dựng, tương tự như vậy, phải biết Thiên Chúa "trong tinh thần và chân lý", có nghĩa là trong phạm vi riêng của mình, không có những giới hạn do các biểu trưng và ý tưởng thuần túy của con người đặt ra. Nói cách khác, nhờ Thiên Chúa mà biết Thiên Chúa.

Đối với những tín hữu chân chính, và đặc biệt đối với những nhà thần bí thực hiện điều kiện này ở mức độ cao, Thiên Chúa không còn chỉ là đối tượng của sự suy tư nhưng là của kinh nghiệm. Nếu đúng là mọi người không thể là những nhà thần bí, thì vẫn đúng là mọi người đều có thể lắng nghe lời chứng của họ và đánh giá cao nó, ít nhất cũng bằng đánh giá cao lời chứng của các triết gia.

Đặc biệt mọi người trong Giáo Hội đều có thể tự mình trải nghiệm về Thiên Chúa trong Thần Khí. Tân Ước đưa ra hai định nghĩa có liên quan với nhau. Chúa Thánh Thần được gọi là “Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống” (2Cr 3,3) và Giáo Hội là “Giáo Hội của Thiên Chúa hằng sống” (1Tm 3,15). Sau Đức Giêsu Kitô, một cách rất đặc biệt nhưng không độc quyền, Giáo Hội là "không gian mở" của Thần Khí, nơi con người có thể tiếp xúc với mầu nhiệm Thiên Chúa hằng sống.

Để thực sự được như vậy, đặc biệt là ở những nơi học thần học và những nơi chuẩn bị những bậc thầy tương lai của đức tin, chúng ta hãy đọc những lời nổi tiếng của một bài thánh thi dâng lên Chúa Thánh Thần:

"Xin ngự đến lạy Thánh Thần sáng tạo

Đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời

Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi

Là sản phẩm do tay Ngài mà có…

Xin Ngài dạy cho biết Cha từ ái

Cùng am tường về Thánh Tử khoan nhân

Và hằng tin Ngài là chính Thánh Thần

Nguồn thương mến giữa hai ngôi bền chặt”.

 



[1]  Saint Grégoire de Nysse, De eo qui sit ad imaginem Dei (PG 44, 1340)

[2]  H. Muhlen, dans The Spirit and the Church, R. Martin, New York, 1976, pp. 177 sv.

[3]  Saint Basile, Traité de l’Esprit Saint, XIX, 49, SC 17 bis, p. 228.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều