27

NHU CẦU THỜ PHƯỢNG

 

 

Về ba Đạo Sĩ, người ta biết rằng sau khi rời khỏi Giêrusalem, để lại đó những cuộc tranh luận của các tiến sĩ Luật và những mưu đồ của Hêrôđê, họ tiếp tục hành trình, vui mừng vì ngôi sao lại hiện ra và họ tìm thấy Hài Nhi. Khi ấy “họ sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,11). Chúng ta sẽ theo gương của họ, một chút thôi. Sau khi vượt qua thời khắc 'bão táp' trong cuộc hành trình của chúng ta, cũng là lúc chúng ta nên rời bỏ những luồng dư luận của người ta và tiếp tục con đường đi tới Thiên Chúa hằng sống để thờ phượng Ngài.

Nếu tội lỗi khiến con người "không thể bào chữa được", ở chỗ không nhận biết Chúa là Thiên Chúa, thì thuốc giải độc đặc trị chỉ có thể là sự thờ phượng, là vì chỉ có nó, do đã được dành riêng cho một mình Thiên Chúa, làm chứng cách tuyệt vời rằng người ta thực sự thừa nhận Chúa "là Thiên Chúa". Sự thờ phượng là biểu hiện cao nhất của việc “tôn vinh” và “tạ ơn” mà thánh Tông Đồ nói ở đầu thư gửi tín hữu Rôma.

Như chúng ta đã nói ở trên, chính Tân Ước đã gán cho thuật ngữ thờ phượng phẩm giá mà trước đây nó không có. Trên thực tế, mỗi lần trong Tân Ước có ai đó cố gắng thờ phượng vị nào khác ngoài chính Thiên Chúa, thì ngay lập tức phản ứng sẽ là: “Không! Không phải vị đó! Sự thờ phượng chỉ thuộc về Thiên Chúa!" (Kh 19,20; 22,9; Cv 10,25-28; 14,13tt). Đến độ nếu làm ngược lại, dường như người ta sẽ gặp nguy hiểm chết người. Giáo Hội đã nhận được giáo huấn này và biến thờ phượng thành một hành vi tôn kính tuyệt vời lâtrie, phân biệt với tôn kính dulie dành cho các thánh, và tôn kính hyperdulie (biệt tôn) vốn dành cho Đức Trinh Nữ Maria. Do đó, thờ phượng là hành vi tôn giáo duy nhất, mà trong toàn thể vũ trụ, người ta chỉ có thể đưa về một mình Thiên Chúa, chứ không đưa về ai khác, ngay cả với Đức Trinh Nữ Maria. Đây là phẩm giá và sức mạnh độc nhất của nó.

Thờ phượng bao gồm những gì và biểu lộ ra sao? Nó có thể được chuẩn bị bằng một suy tư lâu dài, nhưng dẫn đến một trực giác không khác mọi trực giác, không tồn tại lâu, giống như một tia sáng lóe lên trong đêm; một tia sáng đặc biệt: không phải ánh sáng của chân lý cho bằng ánh sáng của thực tại. Đó là cảm nhận sự vĩ đại, uy nghi, vẻ đẹp, đồng thời sự tốt lành của Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài, và làm cho người ta phải rất đỗi thán phục. Giống như một con tàu đắm giữa đại dương uy nghi của Thiên Chúa, một đại dương không bờ không đáy. "Ôi! Ngọt ngào biết bao khi bị đắm tàu ​​giữa đại dương này[1]!"

Thinh lặng là một hình thức thờ phượng hiệu quả hơn bất cứ lời nói nào. Bản thân nó nói lên rằng thực tại hoàn toàn nằm ngoài tất cả những lời mà người ta có thể nói ra. Mệnh lệnh này có âm vang rất lớn trong Kinh Thánh: "Toàn thể cõi đất, hãy thinh lặng trước nhan Người!" (Kb 2,20); và: "Hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa là Chúa Thượng!" (Xp 1,7). Khi "các giác quan được sự thinh lặng vô biên bao quanh và ký ức mất dần đi nhờ được thinh lặng giúp đỡ", thì không còn gì khác hơn là thờ phượng.

Một số người cho rằng từ adorare trong tiếng latinh gợi nhắc cử chỉ đưa tay lên miệng, như để buộc phải im lặng. Nếu điều này đúng, thì đó là điều Gióp đã làm khi mà, vào cuối cuộc thử thách của mình và được nói và nghe những lời thân mật khi đối diện với Đấng Toàn năng, ông đã tuyên bố: "Con đây tầm thường bé nhỏ, biết nói chi để trả lời Ngài? Con sẽ đưa tay lên che miệng” (G 40,4). Theo nghĩa này, câu thánh vịnh được phụng vụ lặp lại, nói rằng (theo bản văn tiếng Do Thái): "Đối với Ngài, thinh lặng là lời ca ngợi": Tibi silentium laus (x. Tv 65,2). Theo cách diễn đạt lạ lùng của thánh Grêgôriô Nadian mà chúng ta đã đọc ở trên, thì thờ phượng có nghĩa là "dâng lên Thiên Chúa một bài thánh thi thinh lặng". Cũng như chúng ta càng leo lên một đỉnh núi cao, không khí càng trở nên loãng, cũng vậy "chúng ta càng đến gần Thiên Chúa, lời nói của chúng ta càng phải giảm đi tương ứng với sự đi lên của chúng ta, đến nỗi khi tới cuối đường, chúng ta sẽ hoàn toàn thinh lặng và hoàn toàn kết hợp với Đấng khôn tả[2].'

Nếu thực sự muốn nói lời nào đó để "giữ chặt" tâm trí, không cho nó đi lang thang nơi khác, hãy dùng những từ vắn tắt nhất có thể, như: A-men! Vâng! Thờ phượng chính là thuận theo. Đó là để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa. Đó là nói vâng với Thiên Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa, và nói vâng với chúng ta, là những thụ tạo của Thiên Chúa. Đó là phương dược chữa trị sự thất vọng này, thất vọng ở chỗ, như chúng ta đã thấy, “không muốn là cái mình là”, tùy thuộc vào Thiên Chúa.

Vậy thờ phượng đòi người ta phải cúi đầu và im lặng. Một hành động như vậy có xứng với con người không? Phải chăng sẽ không làm nhục người đó, làm sút giảm địa vị của người đó? Và thậm chí nó có thực sự xứng với Thiên Chúa không? Để Thiên Chúa là Thiên Chúa, Ngài có cần các thụ tạo phải im lặng khi phủ phục trước Ngài không? Phủ nhận điều đó cũng vô ích: đối với các thụ tạo, sự thờ phượng có một khía cạnh của khiêm nhường triệt để; phải làm cho mình thành nhỏ bé, phải phục tùng. Như chúng ta biết, chính lý do này đã chặn đứng dân ngoại và ngăn cản họ thờ phượng Thiên Chúa như một Thiên Chúa. Sự thờ phượng luôn có khía cạnh hy sinh, từ bỏ. Qua đó, nó chứng thực Thiên Chúa là Thiên Chúa và không gì cũng như không ai có quyền hiện hữu trước mặt Ngài, nếu không phải nhờ ân sủng của Ngài. Qua thờ phượng, người ta sát tế và hy sinh bản thân, vinh quang riêng của mình, sự tự mãn của mình: một vinh quang giả dối, không bền. Đối với con người, loại bỏ được nó là được giải thoát.

Qua thờ phượng, người ta “giải thoát sự thật đã bị sự bất công giam cầm”. Người ta trở nên "chính thực" (authentique) theo nghĩa sâu xa nhất của từ này. Qua thờ phượng, người ta cảm thấy trước mọi vật sẽ trở lại cùng Thiên Chúa; người ta phó thác cho chiều hướng và dòng chảy của hữu thể. Cũng như nước được yên hàn khi chảy ra biển, chim được vui vẻ bay lượn theo chuyển động của gió, người thờ phượng cũng được như vậy khi thờ phượng. Vậy thờ phượng Thiên Chúa không phải là một bổn phận hay nghĩa vụ cho bằng là một đặc ân và thậm chí một nhu cầu. Con người cần “một thực tại uy nghi nào đó để yêu mến và thờ phượng”. Nó được tạo ra để làm điều đó. Thiên Chúa  không cần chúng ta thờ phượng; chính con người cần  thờ phượng. Nietzsche đã hoàn toàn “đi trệch” đường khi trách Thiên Chúa trong Kinh Thánh là một “người phương đông ham hố danh vọng ở trên cao, ở trên trời [3].” (Nhiều tác giả, ngay cả trong số các tín hữu và nhà thần học, trích dẫn thiếu thận trọng tác giả này!)

Ngôn ngữ của người tín hữu Kierkegaard thật khác biệt biết bao: "Con người, thân thể hướng lên trời, là một hữu thể thờ phượng. Vóc dáng của họ là dấu chỉ để phân biệt họ, nhưng khả năng phủ phục tôn thờ là một đặc tính còn đẹp đẽ hơn. Họ vinh quang vì được là chúa tể đứng thẳng, nhưng vinh quang tối cao là không không, khi thờ phượng... Chính nhờ thờ phượng mà con người giống Thiên Chúa... Nhà hiền triết ngoại đạo tìm cách giống Thiên Chúa bằng quyền thống trị... nhưng không những không ở quyền năng này, trái lại sự giống Thiên Chúa ở giữa lòng một sự khác biệt vô hạn... Con người và Thiên Chúa không giống nhau vì lý do trực tiếp, nhưng vì lý do ngược lại. Trước hết, trong sự vô biên, Thiên Chúa phải trở thành đối tượng thờ phượng vĩnh viễn và ở khắp nơi, và con người phải là một hữu thể thờ phượng không ngừng để có sự giống nhau giữa hai bên. Nếu con người có ý giống với Thiên Chúa bằng sự thống trị tức là họ đã quên Thiên Chúa và một khi Thiên Chúa biến mất, con người đóng vai trò chúa tể khi Ngài vắng mặt. Ngoại giáo là như thế: là cuộc sống của con người khi Thiên Chúa vắng mặt[4]."

Cuối cùng, sự thờ phượng phải được tự do. Tự do làm cho nó xứng đáng với cả Thiên Chúa lẫn con người. Không phải một sự tự do tiêu cực, ở chỗ không bị ép buộc, nhưng là tự do tích cực, hăm hở vui mừng, một món quà tự phát của thụ tạo diễn tả niềm vui qua việc thờ phượng vì mình không phải là Thiên Chúa và do đó chấp nhận ở trên mình có một Thiên Chúa để tôn thờ, ngưỡng mộ và ca tụng.

Ngay cả đối với Thiên Chúa, chính sự tự do làm cho việc thờ phượng có giá trị. Thiên Chúa nói:

"Chính Ta được tự do, và Ta đã tạo ra con người theo hình ảnh của Ta và giống Ta... Quyền tự do của thụ tạo là phản ánh đẹp đẽ nhất  trên thế gian sự Tự do của Đấng Tạo Hóa... Một khi biết mình được yêu thương một cách tự do, thì sự tùng phục không còn ý vị gì nữa. Một khi biết mình được những con người tự do yêu thương, thì sự cúi lạy của những nô lệ chẳng có nghĩa lý gì đối với ngươi nữa[5]. "

Chúng ta hãy cầu nguyện, sử dụng cách diễn đạt và cảm nghĩ của triết gia mà chúng ta vừa nói đến:

"Lạy Thiên Chúa của con, cho dù theo giả thuyết,  Chúa không phải là tình yêu mà chỉ là sự uy nghi vô biên và xa vời, thì con cũng không thể làm gì hơn là yêu Chúa. Trong linh hồn con có lòng khao khát một sự uy nghi khiến con không bao giờ coi thờ phượng  là nhàm chán[6]."

 



[1]  G. Leopardi, L’infine.

[2]  cf. Denys l’Aréopagite, Théologie mystique, 1, 3; Migne, Paris, 1991, p. 35.

[3]  F, Nietzsche, Le gai savoir, no 135, Paris, Gallimard, 1982, p. 155.

[4]  S. Kierkegaard, Ce que nous apprennent les lis des champs et les oiseaux du ciel dans Discours édifiants; cf. Oeuvres, t. 13, Paris, Orante, 1966, p. 185 sv.

[5]  Ch. Péguy, Le mystère des Saints Innocents, Oeuvres poétiques complètes, NRF, Paris, Gallimard, 1975, p. 715-716.

[6]  S. Kierkegaard, Journal, XI 2 A 154.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều