28

TRONG HỐC ĐÁ

 

 

Ở điếm đến, chúng ta hãy lấy lại bản văn của thánh Phaolô đã hướng dẫn chúng ta khi bắt đầu suy tư. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh đề ra một phương dược không thích hợp, ở một nơi không có thờ phượng, vì nó khác với phương dược được lời Chúa cung cấp. Thánh Tông Đồ yêu cầu điều gì với dân ngoại, để chữa họ khỏi tội chống lại Thiên Chúa? Phải chăng hoán cải sẽ đưa họ đến chỗ tôn vinh Thiên Chúa, như ngày xưa, trước khi tâm trí họ ra tối tăm? Phải chăng là lại chiêm ngưỡng cách chính đáng hơn các tinh tú và thế giới được tạo dựng, để khám phá ra Thiên Chúa và thờ phượng Ngài? Không! Không có gì như vậy hết! Không được tìm kiếm phương dược bằng cách trở lại phía sau, mà là nhìn về phía trước. Thánh Phaolô nói về điều này mãi sau trong thư của ngài. Phương dược thực sự không thể tìm thấy cả trong lãnh vực tạo dựng lẫn trong lãnh vực cứu chuộc. Sau khi trình bày công trình của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần, ngài nói về sự thờ phượng (latreia) dành cho Thiên Chúa. Và sự thờ phượng mới này sẽ được thực hiện bởi "Thần Khí Thiên Chúa" (Pl 3,3), chứ không chỉ bởi trí khôn của con người nữa, như trong quá khứ.

Kết luận thực hành là từ nay sự thờ phượng phải nhờ Đức Kitô: "Tôn vinh Người trong Hội Thánh và nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 3,21). Ngay cả phẩm chất của thờ phượng cũng đã thay đổi. Đó là một thực tại mới, khác với mọi hình thức thờ phượng trong thực hành nơi các hệ thống tôn giáo khác. Đức Kitô, Người-Chúa, là vinh quang tuyệt vời và là lời tạ ơn hoàn hảo dâng lên Chúa Cha. Từ đây, thờ phượng Thiên Chúa là kết hiệp trong Thần Khí với Đức Giêsu Kitô, là Đấng thờ phượng Chúa Cha cách hoàn hảo, “mầu nhiệm cao cả của đạo thánh” (1Tm 3,16), Đấng đã chấm dứt mọi sự vô đạo. Đó là sự thờ phượng được dâng lên Thiên Chúa bởi một Ai đó duy nhất, Thiên Chúa và con người trong cùng một ngôi vị, và do đó, có thể vượt qua vực thẳm bản thể học ngăn cách giữa người thờ phượng và Đấng được thờ phượng. Tựu trung, đó là một sự thờ phượng “xứng với Thiên Chúa”.

Như vậy, chính Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần, với tư cách là những ngôi Thiên Chúa, được thờ phượng. Bằng cách thay thế từ "cầu nguyện" bằng từ "thờ phượng", chúng ta có thể lấy lại bản văn của thánh Augustinô: "Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa... là Đấng vừa thờ phượng cho chúng ta, vừa thờ phượng trong chúng ta, và được chúng ta thờ phượng. Ngài thờ phượng cho chúng ta với tư cách là tư tế, Ngài thờ phượng trong chúng ta với tư cách là đầu, Ngài được chúng ta thờ phượng vì Ngài là Thiên Chúa[1]."

Như chúng ta đã thấy: trong Tân Ước, khi ai đó muốn thờ phượng một thiên thần hoặc một tông đồ, phản ứng tức thì của người có liên quan là hét lên: "Không! Không phải như vậy!" Nhưng khi người phụ nữ xứ Canaan, người mù từ lúc mới sinh, và các tông đồ làm cử chỉ này đối với Đức Giêsu ở trần gian, thì Ngài không bao giờ phản đối. Ngài không bao giờ nói: "Đừng làm thế!" Và các tông đồ biết rõ rằng người ta chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa (x. Mt 4,10), nên các ông không cho rằng mình phải từ chối những bằng chứng thờ phượng như thế. Sự kiện đặc biệt này càng thuyết phục hơn vì được thuật lại mà không có ý định cung cấp bằng chứng về nó, biểu lộ rõ ràng niềm tin của Giáo Hội sơ khai vào thần tính của Đức Kitô.

Do đó, sự thờ phượng của Kitô giáo mang tính ba ngôi. Nó mang đặc tính này trong sự phát triển và trong tính năng động của nó, vì nó là sự thờ phượng hướng "lên Chúa Cha nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần." Nó mang đặc tính này trong đối tượng của nó, vì là sự thờ phượng cùng hướng lên "Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần."

Từ tất cả những điều trên, chúng ta rút ra một số áp dụng thực tiễn. Khi xẩy ra lúc mà, dưới chuyển động bên trong của ân sủng, chúng ta cảm thấy nhu cầu thờ phượng nẩy sinh trong chúng ta và chúng ta thấy lời nói là không đủ, phủ phục là không đủ, ngay cả im lặng cũng không đủ, mọi sự đều vô vị và quá ít ỏi, khi đó, đối mặt với cảm giác bất lực này, chúng ta thấy có một lối thoát đang mở ra cho chúng ta: nhờ đức tin, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần (và Người chỉ mong có thế) kết hiệp chúng ta với Đức Giêsu Kitô, và do kết hiệp với Ngài, chúng ta thờ phượng Thiên Chúa Cha. Nếu cần, chúng ta có thể sử dụng những lời hoặc công thức phụng vụ của Thánh lễ, là những gì diễn tả cách tuyệt vời sự thờ phượng này: "Nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Thánh Thần đến muôn đời."

Đó là thờ phượng "trong thần khí và sự thật" mà Đức Giêsu đã nói khi trò chuyện với người phụ nữ Samari. Nó tạo nên đại hiến chương của sự thờ phượng Kitô giáo: "Này chị, hãy tin tôi; đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết, còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến – chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật.”(Ga 4,21-24). Các từ "thần khí và sự thật" ở đây chắc chắn bao gồm nhiều cấp độ ý nghĩa, một số, chủ quan hơn, liên quan đến các tính cách chuẩn bị của con người (nội tâm, chân thành, tự do), một số khác, khách quan hơn, đạt đến những thực tại bên ngoài con người. Mức độ cao nhất trong số các ý nghĩa khách quan này là mức độ mà "thần khí" chỉ về Chúa Thánh Thần và sự thật liên quan đến chính Chúa Kitô, Đấng là sự thật.

Thần khí và sự thật, Đức Kitô đã đưa cả hai đến thế gian: đây là khả năng mới được tạo ra bởi việc Ngài đến giữa chúng ta. Trong sách Xuất hành, chúng ta thấy trên núi Sinai, Thiên Chúa đã chỉ cho Môsê một cái hốc đá, nơi mà khi ẩn mình, ông có thể chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa mà không chết (x. Xh 33,21). Chú giải đoạn văn này, thánh Basiliô đã viết: "Đối với người Kitô hữu chúng ta hôm nay, hốc đá này, nơi này, nơi chúng ta có thể nương náu để chiêm ngắm Thiên Chúa và tôn thờ Người, là gì? Là Chúa Thánh Thần! Chúng ta đã học được điều ấy từ ai? Từ chính Chúa, Đấng đã nói: “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật[2]!” Vậy nếu theo một nghĩa, chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 6,19), thì theo một nghĩa khác, chính Chúa Thánh Thần là đền thờ của chúng ta. Chúng ta là đền thờ nhân loại của Ngài, còn Ngài, Ngài là đền thờ thần linh của chúng ta.

Lý tưởng của sự thờ phượng Kitô giáo tìm thấy ở đó những viễn tượng, vẻ huy hoàng, sức mạnh và lôi cuốn biết mấy! Trong cơn lốc điên cuồng của thế giới, ai lại không cảm thấy nhu cầu thỉnh thoảng phải trốn vào hốc đá thiêng liêng này, để chiêm quan Thiên Chúa và thờ phượng Ngài theo gương Môsê? Nơi tâm hồn chúng ta, chúng ta hãy khám phá ra khoảng trống này, một loại hốc đá vô hình này, luôn sẵn sàng đón nhận chúng ta, dù chúng ta ở đâu hay làm gì. Nơi đó, luôn luôn có thể thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật. Ngày nay, Chúa Thánh Thần ngày càng thu hút nhiều linh hồn vào hốc đá mầu nhiệm này: một số tác giả mà chúng ta đã bắt gặp, gọi đó là “đáy của tâm hồn”. Họ thất bại không tìm được sự bình an, khi nghĩ rằng Cha trên trời "tìm kiếm những người thờ phượng như vậy", chờ đợi họ và mong muốn họ; người ta có thể nói rằng Ngài thăm dò khắp mặt đất để tìm kiếm họ. Và Ngài tìm kiếm họ để làm cho họ được thỏa mãn bằng chính Ngài, để được “Ngài cho uống thỏa thuê nơi suối hoan lạc” (Tv 36,9).

Một trong những món quà kỳ diệu nhất, mà việc tái khám phá Chúa Thánh Thần mang lại cho Giáo Hội ngày nay, là sự ý thức khích lệ và hướng về việc tôn thờ Thiên Chúa hằng sống. Công cuộc “Canh tân đặc sủng” đã bắt đầu trong Giáo Hội Công giáo với kinh nghiệm rất mạnh về sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống do Chúa Thánh Thần khơi dậy. Nhóm tham gia cuộc tĩnh tâm đầu tiên, nơi thực tế này lần đầu tiên được biểu lộ, đã gặp nhau vào một buổi tối trong nhà nguyện trước Thánh Thể. Đột nhiên, xẩy ra một biến cố kỳ lạ. Một trong những người tham gia đã mô tả như sau:

“Sự kính sợ Chúa bắt đầu lan tỏa nơi chúng tôi; một loại sợ hãi thánh khiến chúng tôi không thể nhìn lên. Ngài ở đó, cá nhân Ngài hiện diện, và chúng tôi sợ mình không thể chịu đựng được tình yêu thái quá của Ngài. Chúng tôi thờ phượng Ngài, lần đầu tiên khám phá ra ý nghĩa của thờ phượng. Chúng tôi đã sống một kinh nghiệm cháy bỏng về thực tại khủng khiếp và về sự hiện diện của Chúa. Kể từ đó, một cách rõ ràng mới mẻ và trực tiếp, chúng tôi đã hiểu được những hình ảnh về Đức Chúa, Đấng xuống trên Sinai trong đám lửa và nói trong tiếng sấm. Chúng tôi đã hiểu kinh nghiệm của Isaia và cách diễn tả Thiên Chúa như một ngọn lửa thiêu hủy. Theo một cách nào đó, nỗi sợ hãi thánh này giống như tình yêu, hoặc ít nhất đó là cách chúng tôi cảm thấy như thế. Nó là một cái gì đó cực kỳ đáng yêu và đẹp đẽ, mặc dù không ai trong chúng tôi thấy được chút hình ảnh khả giác nào về nó. Cứ như thể thực tại cá nhân của Thiên Chúa, huy hoàng và chói lọi, xâm nhập vào căn phòng chúng tôi đang ở, làm tràn ngập nó cùng lúc với chúng tôi[3]."

Sự hiện diện đồng thời: một bên là uy nghi và nhân từ nơi Thiên Chúa; bên kia là kính sợ và yêu  mến nơi người chiêm ngưỡng Ngài. Lúc đó, tác giả bản văn không biết rằng việc mô tả kinh nghiệm này, bằng những hạn từ hoàn hảo, lấy lại những nét chính yếu về Thiên Chúa hằng sống của Kinh Thánh mà chúng ta đã muốn trình bày ở đầu cuốn sách này.

Cùng với Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện:

“Lậy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa không cần chúng con ca tụng, nhựng tạ ơn Chúa lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con không thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.[4]

 



[1]  Saint Augustin, Sur le psaume 85; cf. Humeau, p. 215.

[2]  Saint Basile, Traité de l’Esprit Saint, XXVI, 62; SC 17 bis, p. 473.

[3]  Dans The Spirit and the church, cit. (note 120) p. 16.

[4]  Sách Lễ Rôma, Kinh Tiền tụng chung IV.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều