Chương 29

“HÃY KÍNH SỢ THIÊN CHÚA

VÀ TÔN VINH NGƯỜI!”

 

 

Cho đến đây, tôi đã gợi ra một số cơ hội và hình thức có thể giúp ích cho việc thờ phượng riêng tư và thinh lặng. Không chỉ có thờ phượng riêng tư. Còn có những hình thức khác, với những cách diễn tả bên ngoài, những cử chỉ, lời nói, kinh nguyện xác định, tất cả liên kết và giúp cho người ta tham dự vào một buổi thờ phượng rộng lớn hơn, có tính phụng vụ, vốn thuộc phạm vi của Giáo Hội. Trên thực tế, đối với những người cảm thấy có nhu cầu và ước muốn mới là tôn thờ Thiên Chúa trong tâm hồn, thì phụng vụ và việc thực hành của Giáo Hội cung cấp kèm cho họ toàn bộ thời gian, phương tiện, nghi thức, từ lúc thức dậy buổi sáng cho đến lúc nghỉ đêm. Buổi sáng, khi thức dậy, bắt đầu cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Khi ấy, lời kinh giáo đầu là lời đầu tiên mời gọi thờ phượng, một trong những văn bản đẹp nhất trong toàn bộ Kinh Thánh: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Người là Đấng dựng nên ta” (Tv 95,6).

Kinh Gloria (Vinh danh) đầu Thánh lễ nói lên lời ca ngợi và tôn thờ: "Chúng con ca ngợi Chúa. Chúng con chúc tụng Chúa. Chúng con thờ lạy Chúa. Chúng con tôn vinh Chúa. Chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa". Tôn thờ và cảm tạ không phải vì ơn lành nào đó Chúa ban cho chúng ta, nhưng "vì vinh quang cao cả Chúa": đơn giản vì Chúa là Thiên Chúa, đơn giản vì Chúa hiện hữu. Biểu hiện của một tình cảm rất tinh tuyền! Chính đó là tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa “xứng với Thiên Chúa”. Sau đó là kinh Sanctus: "Thánh, thánh, thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh..." Kể từ khi tiên tri Isaia được nghe các thiên thần Sêraphim trên trời hát lên, bài ca này đã luôn được coi như một trong những biểu hiện thờ phượng cao cả nhất sự uy nghi của Thiên Chúa.

Trong ngày, mỗi lần quỳ gối đều có thể trở thành một cơ hội để khơi dậy tinh thần thờ phượng, vì mỗi lần nghiêm trang quỳ gối tự nó đã là một hành vi thờ phượng hoàn hảo: trong ngôn ngữ Hy Lạp của Tân Ước, thờ phượng (proskyneo) chính xác có nghĩa phủ phục xuống đất.

Tuy vậy việc thờ phượng không giới hạn vào những lúc cụ thể này. Nó là một tình trạng tâm hồn, một ý định của con tim, mà người ta có thể duy trì trong mọi tình huống. Khi hiện diện trong cuộc sống, nó biến mọi kinh nguyện và mọi hành động thành việc thờ phượng; nó luôn tạo ra một thời gian thờ phượng. Mỗi người khám phá ra lối vào riêng của mình, một phương tiện rất riêng, giúp người đó đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống, đi vào tình trạng thờ phượng, một loại con đường bí mật mà chỉ mình người đó biết. Đó có thể là một lời trong Kinh Thánh, mà người đó đặc biệt yêu thích ("Linh hồn tôi khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống"; "Hồn con hướng về Chúa!"...). Đó có thể là một hình ảnh bên trong hoặc bên ngoài, một linh ảnh, như linh ảnh Ba Ngôi của Rublev, hoặc ký ức về một khoảnh khắc tràn đầy ân sủng và ánh sáng trong quá khứ.

Chúng ta phải khôi phục ý nghĩa của việc thờ phượng Thiên Chúa trong văn hóa và linh đạo phương Tây của chúng ta. Và tiên vàn trong cuộc sống đạo đức cá nhân. Trên bình diện cá nhân này, thờ phượng chứng tỏ là một vũ khí tuyệt vời mà chúng ta sử dụng cho cuộc chiến thiêng liêng. Trong những lúc bị cám dỗ nặng nề hoặc nội tâm muốn nổi loạn, khi một “luồng chống đối” bên phía con người cũ, điều gì sẽ xảy ra nếu tôi hiểu theo đúng nghĩa đen của loại tiếng hô ra trận mà chúng ta vừa nhắc đến: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa...”, và nếu tôi thực sự quỳ xuống trước một cây thánh giá? Lúc ấy tôi bắt tính kiêu căng của tôi, đam mê nhục dục của tôi, nói tắt là tội lỗi của tôi, "quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên tôi”. Tôi đặt những kẻ thù của Thiên Chúa làm "bệ đỡ ngai của Ngài". Tôi làm trước cuộc phán xét cuối cùng, khi “mọi người sẽ quỳ gối lạy Ngài” (x. Rm 14,11), mọi sự dữ sẽ được vạch trần và Thiên Chúa “thật công bằng khi tuyên án” (x. Tv 51,6). Chẳng phải là "để làm cho kẻ thù của ta và của Thiên Chúa phải bất ngờ sao, buộc hắn phải thừa nhận sự thất bại của hắn sao? Sau này, tuy tội vẫn còn, nhưng nó không "ngự trị" nơi ta nữa: nó bị buộc phải thoái vị. Quyền năng thánh hóa của việc thờ phượng là thế!

Vượt lên trên lòng đạo đức cá nhân, việc thờ phượng cũng sẽ cần được tôn vinh trong phụng vụ, trong nghiên cứu thần học và khoa chú giải, và đặc biệt trong việc Phúc Âm hóa. Việc Phúc Âm hóa tốt nhất là bắt đầu bằng thờ phượng và dẫn tới thờ phượng. Theo các sử gia, phép rửa mà thánh giám mục Rémi ban cho Clovis, vua của người Francs, ở Reims, vào đêm Giáng sinh năm 498 hoặc 499, ghi dấu bước đầu của công cuộc Phúc Âm hóa có tổ chức ở châu Âu, sau những cuộc xâm lược của dân man di. Những lời vị thánh nói khi ấy trở thành nổi tiếng: "Hãy khiêm nhường cúi đầu, hỡi Sicambre, hãy thờ lạy vật mà ông đã thiêu hủy và thiêu hủy vật mà ông đã thờ lạy[1]." (Sicambers là một dân tộc rất kiêu hãnh và hiếu chiến, đóng tại các vùng giữa Pháp và Đức ngày nay, ở trung tâm châu Âu).

Nghe hai động từ: "Khiêm tốn cúi đầu và thờ lạy" vào lúc khởi đầu công cuộc Phúc Âm hóa châu Âu, lại  chẳng gợi nhắc điều gì sao? Chúng ta hẳn rất ước ao một nhân vật có quyền bính của một thánh Remi, một thánh Bonifaciô, một thánh Gall, một thánh Colomban hoặc những người đi tiên phong vĩ đại khác của công cuộc Phúc Âm hóa đầu tiên này, tiếp tục và còn đưa ra lời kêu gọi như thế cho ngày hôm nay! Thờ phượng không phải là một phương tiện thuần túy chuẩn bị hoặc hỗ trợ cho việc Phúc Âm hóa, tự nó đã là Phúc Âm hóa. Một thừa sai đã nhiều năm làm việc tại một trong những khu vực nghèo nhất của châu Phi, mới đây đã viết: "Chúng ta được kêu gọi đáp lại một nhu cầu cơ bản của con người, nhu cầu sâu xa về Thiên Chúa, đáp lại khát khao Đấng Tuyệt Đối, chúng ta được kêu gọi cho người ta thấy con đường của Thiên Chúa, dạy họ cầu nguyện. Đây là lý do tại sao ở những vùng này, người Hồi giáo kết nạp được rất nhiều dự tòng: ngay từ đầu và bằng những lời rất đơn giản, họ dạy cho người ta thờ phượng Thiên Chúa." Các Kitô hữu được hưởng những lợi lộc rất quý giá cho sự thờ phượng của họ! Họ phải khám phá ra chúng, vì ý nghĩa của những giá trị này đã rất thường xuyên bị mất đi.

Trong lãnh vực này, những anh em Do Thái của chúng ta, ít nhất những người thực hành đức tin của họ, có thể dạy chúng ta rất nhiều điều. Đạo đức và lành thánh biết bao tục lệ mà họ đã duy trì trong văn chương tôn giáo Do Thái, như sách Talmud và các tác phẩm viết khác, là không bao giờ kêu tên Chúa (Adonai, trong ngôn ngữ của họ), mà lại không lập tức thêm câu xen: "Chúc tụng Chúa đi! Chúc tụng Chúa đi!", như thể họ sợ không kính trọng Thiên Chúa khi lướt qua quá nhanh và không chú ý đủ đến tên của Người, khi đọc bản văn thánh.

Sách Khải huyền nói về một thiên thần "bay trên đỉnh vòm trời" và lớn tiếng tuyên bố với cư dân trên mặt đất: "Hãy kính sợ Thiên Chúa và tôn vinh Người ... Hãy thờ lạy Đấng đã tạo thành trời đất" (Kh 14, 7). Ước mong Thiên Chúa ban cho các Giáo Hội Kitô ở châu Âu và phương Tây từ bỏ những chia rẽ lâu đời và những tranh chấp không mấy liên quan đến vinh quang Thiên Chúa; ước mong trong sự hòa hợp huynh đệ, họ trở thành một âm vang trên trái đất tiếng nói trên đây của thiên thần. Bởi vì “thật là khủng khiếp khi phải rơi vào tay Thiên Chúa hằng sống” (Hr 10,31). Rơi như kẻ thù, hoặc thuần túy như những người không quan tâm đến Thiên Chúa!

Chúng ta hãy cầu nguyện bằng những lời của một thi sĩ và nhà thần bí Tin lành, giữa thế kỷ Khai sáng, lên tiếng nhắc nhở mọi người về bổn phận thờ phượng của mình:

"Thiên Chúa hiện diện ở đây: chúng ta hãy đến tôn thờ Người! Với lòng tôn kính thánh, chúng ta hãy vào trước nhan Người. Thiên Chúa ở đây giữa chúng ta: chớ gì tất cả đều im lặng nơi ta, chớ gì tâm khảm chúng ta phủ phục trước nhan Người. Bất cứ ai biết Người, bất cứ ai xướng tên Người, hãy nhìn xuống đất và nâng tâm hồn lên với Người[2]”.

 



[1]  Saint Grégoire de Tours, Histoire des Francs, II, 31; cf. trad. Latouche, Paris, Belles-Lettres, 1963, p. 121.

[2]  G. Tersteegen, Geiliches Blumengarlein II, Stuttgart 1969; p. 340.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều