Tông Huấn NIỀM VUI YÊU THƯƠNG (AMORIS LAETITIA) (4)

Bản Việt ngữ: Lm. Lê Công Đức (dịch từ bản tiếng Anh)

 

CHƯƠNG TÁM: ĐỒNG HÀNH, PHÂN ĐỊNH, VÀ HỘI NHẬP SỰ YẾU ĐUỐI

291.             Các Nghị Phụ Thương Hội Đồng tuyên bố rằng mặc dù Giáo hội ý thức bất cứ sự cắt đứt nào của mối dây hôn phối cũng “đều đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa”, song Giáo hội cũng “ý thức về sự mỏng dòn của nhiều con cái mình”.[1] Được soi sáng bởi ánh nhìn của Đức Giêsu Kitô, “với tình thương, Giáo hội hướng về những ai tham dự vào đời sống Giáo hội một cách không trọn vẹn, nhìn nhận rằng ơn sủng Thiên Chúa cũng hoạt động trong đời sống của họ bằng cách ban cho họ ơn can đảm để làm việc thiện, chăm sóc nhau trong yêu thương, và phục vụ cộng đoàn nơi họ sống và làm việc”.[2] Sự tiếp cận này cũng được thúc đẩy bởi việc chúng ta cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mặc dù Giáo hội không ngừng nhấn mạnh tiếng gọi nên hoàn thiện và thúc đẩy một sự đáp trả trọn vẹn hơn đối với Thiên Chúa, “Giáo hội cũng phải ân cần quan tâm đồng hành với những con cái yếu đuối nhất của mình – những người cho thấy các dấu hiệu của một tình yêu bị thương tích và rối loạn – để phục hồi nơi họ niềm hy vọng và tin tưởng, giống như ngọn hải đăng ở cảng hay như ngọn đuốc giương lên giữa dân chúng để soi dẫn cho những kẻ lạc đường hay những ai đang bị bủa vây trong bão tố”.[3] Chúng ta không được quên rằng công việc của Giáo hội thường giống như công việc của một bệnh viện tiền phương.

292.             Hôn nhân Kitô giáo, như phản ảnh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo hội, được thực hiện trọn vẹn trong sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ trao hiến chính mình cho nhau trong một tình yêu độc hữu, trung thành và tự do, họ thuộc về nhau cho đến chết và họ mở ra đón nhận việc truyền sinh, họ được thánh hiến bằng bí tích có sức trao ban ơn sủng để họ trở thành một Hội Thánh tại gia và trở nên men sự sống mới cho xã hội. Một số hình thức kết hợp đi ngược lại lý tưởng này cách tận căn, trong khi một số hình thức khác thực hiện lý tưởng này ít nhất một phần và theo cách loại suy. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố rằng Giáo hội không xem thường những yếu tố tích cực trong những hoàn cảnh chưa hay không còn tương hợp với giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân.[4]

TÍNH TIỆM TIẾN TRONG SĂN SÓC MỤC VỤ

293.             Các Nghị Phụ cũng lưu ý đến hoàn cảnh đặc biệt của một hôn phối thuần túy dân sự hay thậm chí chỉ đơn thuần là sự sống chung, với sự phân biệt rõ ràng giữa hai trường hợp ấy, các ngài ghi nhận rằng “khi những kết hợp như thế đạt được một sự ổn định nhất định, được pháp luật nhìn nhận, được đặc trưng bởi tình thương và trách nhiệm thâm sâu đối với con cái, và cho thấy có một khả năng vượt qua các thử thách, thì những sự kết hợp ấy có thể cung ứng cơ hội cho việc săn sóc mục vụ, với đích ngắm là cuối cùng dẫn tới việc cử hành bí tích hôn nhân”.[5] Mặt khác, thật rất đáng ưu tư việc nhiều người trẻ ngày nay không tin vào hôn nhân, họ sống chung và trì hoãn vô thời hạn việc cam kết hôn nhân, trong khi những người khác thì phá vỡ một cam kết đã được đưa ra để rồi ngay lập tức làm một cam kết mới. “Là thành viên của Giáo hội, họ cũng cần sự săn sóc mục vụ đầy ý nghĩa thương xót và trợ giúp”.[6] Vì các mục tử của Giáo hội không chỉ có trách nhiệm thăng tiến hôn nhân Kitô giáo, mà còn có trách nhiệm “biện phân mục vụ đối với các hoàn cảnh của rất nhiều người không còn sống thực tại ấy. Cần phải đi vào cuộc đối thoại mục vụ với những người này để nhận ra những yếu tố trong đời sống họ có thể dẫn đến một sự cởi mở hơn nữa đối với Tin Mừng về hôn nhân ở mức trọn vẹn của nó”.[7] Trong việc biện phân mục vụ này, cần phải “nhận diện những yếu tố có thể thúc đẩy việc Phúc Âm hóa và sự phát triển nhân bản cũng như thiêng liêng”.[8]

294.             “Sự chọn lựa một cuộc hôn phối dân sự, hay trong nhiều trường hợp chỉ đơn thuần là một sự sống chung, thường không bị thúc đẩy bởi thành kiến hay bởi sự phản kháng đối với một kết hợp có tính bí tích, nhưng thường do những tình huống có tính văn hóa hoặc ngẫu nhiên”.[9] Trong những trường hợp ấy, người ta cũng có thể bày tỏ sự kính trọng đối với các dấu hiệu của tình yêu mà, cách nào đó, phản ảnh chính tình yêu của Thiên Chúa.[10] Chúng ta biết rằng có “một sự gia tăng không ngừng con số những người mà sau khi sống chung một thời gian dài, họ xin được kết hôn trong Giáo hội. Việc đơn thuần sống chung thường là một chọn lựa xuất phát từ một thái độ nói chung chống lại bất cứ gì có tính thiết chế hay có tính dứt khoát; cũng có thể người ta chọn lựa như thế trong khi chờ đợi sự ổn định hơn trong đời sống (chẳng hạn, một công việc làm và một thu nhập ổn định). Tại một số quốc gia, những kết hợp de facto (tức chuyện đã rồi trong thực tế) có rất nhiều, không chỉ vì người ta tẩy chay các giá trị liên quan đến gia đình và hôn phối, nhưng chủ yếu bởi vì việc cử hành lễ cưới được thấy là quá tốn kém trong bối cảnh xã hội. Như vậy, tình trạng nghèo nàn vật chất kéo người ta vào những sự kết hợp de facto”.[11] Dù trường hợp nào đi nữa, “tất cả những hoàn cảnh này đòi một sự đáp trả tích cực, tức tìm cách chuyển hóa chúng thành những cơ hội có thể dẫn tới thực tại đầy đủ của hôn nhân và gia đình phù hợp với Tin Mừng. Những đôi vợ chồng này cần được đón tiếp và hướng dẫn một cách kiên nhẫn và thận trọng”.[12] Thử xem cách mà Đức Giêsu ứng xử với người phụ nữ Samari (x. Ga 4,1-26): Người đề cập đến khát vọng tình yêu đích thực của chị, để giải thoát chị khỏi bóng tối trong cuộc đời chị và đưa chị đến niềm vui trọn vẹn của Tin Mừng.

295.             Theo tinh thần ấy, Thánh Phaolô đề ra cái gọi là “luật tiệm tiến” với nhận thức rằng con người “hiểu biết, yêu mến và đạt tới sự thiện luân lý theo những giai đoạn phát triển khác nhau”.[13] Đây không phải là một “sự tiệm tiến của luật” nhưng đúng hơn là một sự tiệm tiến trong việc thi hành cách khôn ngoan những hành động tự do xét về phía những chủ thể không ở trong một vị thế có thể hiểu, trân trọng, hay thực thi đầy đủ những đòi hỏi khách quan của luật. Vì luật tự nó là một quà tặng của Thiên Chúa giúp chỉ đường, một quà tặng cho mọi người không trừ ai; nên nó có thể được tuân theo với sự trợ giúp của ơn sủng, ngay cả dù mỗi con người “tiến tới từ từ với sự hội nhập không ngừng những quà tặng của Thiên Chúa và những đòi hỏi của tình yêu tuyệt đối và dứt khoát của Thiên Chúa trong toàn thể đời sống cá nhân và xã hội của mình”.[14]

PHÂN ĐỊNH NHỮNG HOÀN CẢNH “BẤT THƯỜNG”[15]

296.             Thượng Hội Đồng đề cập những hoàn cảnh yếu đuối và bất toàn khác nhau. Ở đây tôi muốn nhắc lại một điều mà tôi đã cố gắng làm sáng tỏ cho toàn thể Giáo hội, phòng tránh trường hợp chúng ta đi lạc: “Có hai cách nghĩ vẫn thấy diễn ra trong lịch sử Giáo hội: đó là, loại bỏ và phục hồi. Kể từ thời Công đồng Giêrusalem, con đường của Giáo hội luôn luôn là con đường của Đức Giêsu, con đường thương xót và phục hồi… Con đường của Giáo hội là không lên án bất cứ ai vĩnh viễn; đó là đổ dầu thơm lòng thương xót của Thiên Chúa trên tất cả những ai chân thành kêu xin… Vì bác ái đích thực thì không bao giờ đòi người ta phải xứng đáng, nó luôn luôn vô điều kiện và nhưng không”.[16] Vì thế, cần phải “tránh những phán quyết không có sự xem xét đến tính phức tạp của các hoàn cảnh khác nhau” và cần phải “lưu tâm đến nỗi khốn khổ mà người ta phải chịu do hoàn cảnh của họ”.[17]

297.             Điều quan trọng là đi đến với mọi người, giúp mỗi người tìm ra cách thích đáng để tham dự vào cộng đoàn Giáo hội và nhờ đó họ kinh nghiệm mình được chạm đến bởi một lòng thương xót “nhưng không, vô điều kiện và mình hoàn toàn bất xứng”. Không ai có thể bị lên án vĩnh viễn, vì đó không phải là lô-gíc của Tin Mừng! Ở đây tôi không chỉ nói về những người ly dị và tái hôn, nhưng nói về mọi người, trong bất luận hoàn cảnh nào. Dĩ nhiên, nếu một ai đó phô bày một tội khách quan như thể đó là một phần của lý tưởng Kitô giáo, hoặc muốn áp đặt một cái gì đó khác với những gì Giáo hội giảng dạy, thì người ấy không thể mạo nhận danh nghĩa giảng dạy cho kẻ khác; đây là một trường hợp tự tách mình ra khỏi cộng đoàn (x. Mt 18,17). Những người ấy cần phải lắng nghe lại sứ điệp Tin Mừng và lời mời gọi hoán cải của Tin Mừng. Tuy nhiên, ngay cả đối với một người như thế, vẫn có thể có cách để tham dự vào đời sống của cộng đoàn, ví dụ, trong công tác xã hội, trong các cuộc họp mặt cầu nguyện, hoặc bằng một cách nào đó mà người ấy có thể nghĩ ra, với sự phân định của cha sở. Liên quan tới cách ứng xử đối với các hoàn cảnh “bất thường”, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã đạt được một sự đồng thuận chung mà tôi vốn ủng hộ: “Khi xem xét một phương thức mục vụ đối với những người đã ký kết một hôn phối dân sự, những người ly dị và tái hôn, hay những người chỉ đơn thuần sống chung, Giáo hội có trách nhiệm giúp họ hiểu khoa sư phạm ơn sủng của Thiên Chúa trong cuộc đời họ, và cung ứng cho họ sự trợ giúp để họ có thể đạt được đầy đủ kế hoạch của Thiên Chúa cho mình”,[18] điều này luôn luôn có thể, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

298.             Những người ly dị đã đi vào một mối kết hợp mới, chẳng hạn, có thể thuộc rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, mà ta không được phớt lờ hay ép vào những cách phân loại quá cứng nhắc và chẳng còn chừa chỗ nào cho một sự phân định cá nhân hay mục vụ thích hợp. Ví như trường hợp một mối kết hợp thứ hai đã vững chắc qua thời gian, với các con cái mới, với sự trung thành được chứng tỏ, với sự quảng đại tự hiến, với nhiệt tâm sống đạo, với một ý thức về tình trạng bất thường của mình và về cái khó khăn sừng sững của việc làm sao quay lui mà đồng thời trong lương tâm không cảm thấy rằng mình sẽ rơi vào những tội mới. Giáo hội ý thức những hoàn cảnh “trong đó, vì những lý do hệ trọng, như việc nuôi dạy con cái, một đôi nam nữ không thể thỏa mãn sự đòi buộc phải chia tay”.[19] Cũng có những trường hợp trong đó người ta đã cố gắng hết sức để cứu cuộc hôn nhân thứ nhất của mình và đã bị ruồng bỏ một cách bất công, hay “những người đã đi vào một mối kết hợp thứ hai vì lợi ích của việc nuôi dạy con cái, và đôi khi trong lương tâm họ tin rằng cuộc hôn phối trước đây đã đổ vỡ vô phương sửa chữa ấy là một hôn phối không thành hiệu”.[20] Còn ví như trường hợp khác, một mối kết hợp mới xảy ra từ một cuộc ly dị chưa lâu, với tất cả nỗi đau khổ và hoang mang gây ra cho con cái và toàn gia đình, hay trường hợp một người cố lì trong tình trạng bỏ bê bổn phận đối với gia đình. Phải thấy rõ rằng đó không phải là lý tưởng mà Tin Mừng đề ra cho hôn nhân và gia đình. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố rằng sự phân định của các mục tử phải luôn luôn được làm “với sự biện biệt thích đáng”,[21] với một cách tiếp cận “biện phân kỹ lưỡng các hoàn cảnh”.[22] Chúng ta vốn biết rằng “những cách kê toa dễ dãi” không hề tồn tại.[23]

299.             Tôi đồng ý với nhiều Nghị Phụ Thượng Hội Đồng trong ghi nhận rằng “những tín hữu đã ly dị và tái hôn về mặt dân sự cần phải được hội nhập đầy đủ hơn vào các cộng đoàn Kitô hữu bằng những cách có thể, trong khi phòng tránh bất cứ điều gì gây gương xấu. Lô-gíc hội nhập là chìa khóa của việc săn sóc mục vụ đối với họ, một sự săn sóc cho phép họ không chỉ nhận ra rằng mình thuộc về Giáo hội là Thân Thể Đức Kitô, mà còn biết rằng mình có thể có được một kinh nghiệm đầy hoa trái và niềm vui trong đó. Họ đã lãnh Phép Rửa; họ là anh chị em; Chúa Thánh Thần đổ vào trái tim họ những ơn sủng và khả năng để phục vụ cho thiện ích chung. Sự tham gia của họ có thể được thể hiện trong những việc phục vụ khác nhau trong Giáo hội, điều này nhất thiết đòi hỏi sự phân định xem ta có thể vượt qua những hình thức nào trong nhiều hình thức cấm cản khác nhau vốn đang được áp dụng trong cơ cấu phụng vụ, mục vụ, giáo dục và tổ chức. Những người ấy cần cảm thấy mình không phải là những thành viên bị tuyệt thông của Giáo hội, nhưng là những thành viên sống động, có thể sống và lớn lên trong Giáo hội, và kinh nghiệm Giáo hội như một người mẹ luôn đón nhận mình, người mẹ ân cần săn sóc và khích lệ mình trên nẻo đường của sự sống và của Tin Mừng. Sự hội nhập này cũng rất cần trong việc săn sóc và giáo dục Kitô giáo cho con cái họ, là đối tượng phải được xem là quan trọng nhất”.[24]

300.             Nếu chúng ta xem xét những hoàn cảnh cụ thể quá đỗi đa dạng như những gì tôi vừa đề cập, thì dễ nhận hiểu rằng không thể kỳ vọng Thượng Hội Đồng hay Tông Huấn này cung cấp một bộ luật chung mới, có tính qui chuẩn và có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Điều có thể, đó là một sự khích lệ mới mẻ để đảm nhận một sự phân định cá nhân và mục vụ đầy trách nhiệm đối với những trường hợp cụ thể, một sự phân định trong đó người ta nhìn nhận rằng vì “mức trách nhiệm không như nhau trong mọi trường hợp”,[25] nên những hệ quả hay những hiệu ứng của một qui tắc không luôn đương nhiên giống nhau.[26] Các linh mục có bổn phận “đồng hành [với những người ly dị và tái hôn] để giúp họ hiểu hoàn cảnh của họ dựa vào giáo huấn của Giáo hội và những hướng dẫn của giám mục. Một sự khảo sát lương tâm xuyên qua những khoảnh khắc hồi tâm và thống hối sẽ rất hữu ích cho tiến trình này. Những người ly dị và tái hôn cần tự vấn: mình đã hành động thế nào đối với con cái khi mối kết hợp vợ chồng đi vào khủng hoảng; mình đã có những cố gắng để hòa giải hay không; người bị mình ruồng bỏ đã ra sao; mối quan hệ mới có những hệ quả gì trên những người khác trong gia đình và trong cộng đoàn tín hữu; và mình đang nêu gương gì cho các bạn trẻ đang chuẩn bị hôn nhân. Một sự hồi tâm chân thành có thể củng cố niềm tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa vốn không từ chối bất cứ ai”.[27]Chúng ta đang nói về một tiến trình đồng hành và phân định có thể “dẫn dắt các tín hữu tới một ý thức về hoàn cảnh của họ trước mặt Thiên Chúa. Việc trao đổi với linh mục, ở tòa trong, sẽ góp phần đào tạo một phán đoán đúng đắn về những gì đang cản trở khả năng cho một sự tham dự đầy đủ hơn vào đời sống của Giáo hội, và về những bước nào có thể thúc đẩy khả năng ấy và tăng cường nó. Vì sự tiệm tiến không nằm trong luật (x. Familiaris Consortio, 34), nên sự phân định này không bao giờ bỏ qua những đòi hỏi của Tin Mừng về sự thật và bác ái, như Giáo hội đã nêu. Để có được sự phân định ấy, nhất thiết phải có những điều kiện sau đây: sự khiêm tốn, sự thận trọng và lòng yêu mến đối với Giáo hội và giáo huấn của Giáo hội, lòng chân thành tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và một niềm khát khao đáp lại thánh ý Chúa một cách hoàn hảo hơn”.[28] Những tâm thế này là thiết yếu để tránh mối nguy lớn của những cách hiểu sai lầm, chẳng hạn cho rằng bất cứ linh mục nào cũng có thể nhanh chóng ban “sự chuẩn chước”, hay cho rằng một số người có thể đạt được những đặc ân về bí tích bằng cách mua chuộc. Khi một người tế nhị và có trách nhiệm – tức người không đặt những mong muốn của riêng mình lên trên thiện ích chung của Giáo hội – gặp một mục tử có khả năng nhận biết tính hệ trọng của vấn đề mà mình đang đối diện, thì không thể có nguy cơ rằng một sự phân định riêng biệt nào đó có thể khiến người ta nghĩ rằng Giáo hội đang dùng một tiêu chuẩn kép.

———————————

[1] Phúc trình THĐ. 2014, 24.

[2] Ibid., 25.

[3] Ibid., 28.

[4] X. ibid., 41, 43; Phúc trình chung kết 2015, 70.

[5] Ibid., 27.

[6] Ibid., 26.

[7] Ibid., 41.

[8] Ibid.

[9] Phúc trình chung kết 2015, 71.

[10] X. ibid.

[11] Phúc trình THĐ. 2014, 42.

[12] Ibid., 43.

[13] Tông Huấn Familiaris Consortio (22.11.1981) ), 34: AAS 74 (1982), 123.

[14] Ibid., 9: AAS 74 (1982), 90.

[15] X. Bài giáo lý (24.6.2015): L’Osservatore Romano, 25.6.2015, tr. 8.

[16] Bài giảng Thánh Lễ cử hành với các Hồng y mới (15.2.2015): AAS 107 (2015), 257.

[17] Phúc trình chung kết 2015, 51.

[18] Phúc trình THĐ. 2014, 25.

[19] GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22.11.1981), 84: AAS 74 (1982), 186. Trong những trường hợp như thế, nhiều người, biết và chấp nhận khả năng sống “như anh chị em” mà Giáo hội đề nghị, chỉ ra rằng nếu thiếu đi một số sự diễn tả mật thiết, “thì sự trung thành thường bị lâm nguy và thiện ích của con cái bị ảnh hưởng” (VATICAN II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay Gaudium et Spes, 51).

[20] Ibid.

[21] Phúc trình THĐ. 2014, 26.

[22] Ibid., 45.

[23] BÊNÊĐICTÔ XVI, Diễn từ tại Đại hội Các Gia Đình Thế Giới Lần Thứ Bảy ở Milan (2.6.2012), Câu trả lời số 5: Insegnamenti VIII/1 (2012), 691.

[24] Phúc trình chung kết 2015, 84.

[25] Ibid., 51.

[26] Đây cũng là trường hợp liên quan tới kỷ luật bí tích, vì sự phân định có thể nhận ra rằng trong một hoàn cảnh riêng, không có tồn tại lỗi phạm nặng nề nào. Trong những trường hợp như thế, sẽ áp dụng điều được nói trong một văn kiện khác: x. Evangelii Gaudium (24.11.2013), 44 và 47: AAS 105 (2013), 1038-1040.

[27] Phúc trình chung kết 2015, 85.

[28] Ibid., 86.

 


Văn Kiện Giáo Hội