Tông Huấn NIỀM VUI YÊU THƯƠNG (AMORIS LAETITIA) (6)

Bản Việt ngữ: Lm. Lê Công Đức (dịch từ bản tiếng Anh)

 

CHƯƠNG TÁM (tiếp theo)

309.             Thật quí hóa việc những suy tư này diễn ra trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, bởi vì cũng trong vô vàn hoàn cảnh đang tác động đến các gia đình, “Giáo hội được trao nhiệm vụ loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim sống động của Tin Mừng, lòng thương xót ấy – bằng cách riêng của nó – phải xuyên thấu vào lòng trí mỗi người. Tân Nương của Đức Kitô phải noi gương cung cách của Con Thiên Chúa, Đấng đi ra đến với mọi người không trừ ai”.[1] Giáo hội biết rằng Đức Giêsu là mục tử của toàn thể một trăm con chiên ấy, không phải chỉ của chín mươi chín con. Người yêu thương tất cả chúng. Từ nhận thức này, ta thấy “dầu thơm của lòng thương xót có thể đạt tới mọi người, những người tin và cả những người ở xa, như một dấu cho thấy rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta”.[2]

  

310.             Chúng ta không được quên rằng “thương xót không chỉ là việc của Chúa Cha; nó cũng trở thành tiêu chuẩn để nhận biết ai là con cái đích thực của Ngài. Nói tắt, chúng ta được mời gọi thi thố lòng thương xót bởi vì, trước hết, lòng thương xót đã được thi thố cho chúng ta”.[3] Đây không phải là màu mè lãng mạn hay là một kiểu đáp trả nửa vời đối với tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu luôn kiếm tìm điều tốt nhất cho chúng ta, vì kỳ thực “lòng thương xót là chính nền tảng của đời sống Giáo hội. Tất cả hoạt động mục vụ của Giáo hội phải in dấu sự dịu hiền mà Giáo hội diễn tả cho các tín hữu; không có gì trong lời rao giảng và trong chứng tá mà Giáo hội nêu cho thế giới lại có thể thiếu lòng thương xót”.[4] Quả thực là có những lúc “chúng ta hành động như những chủ nhân ông của ơn sủng hơn là như những người hỗ trợ nó. Nhưng Giáo hội không phải là một trạm thu thuế; Giáo hội là nhà của Chúa Cha, nơi có đủ chỗ cho mọi người, với tất cả những vấn đề của họ”.[5]

 

311.             Việc giảng dạy thần học luân lý không được bỏ qua những lưu ý này, vì cho dù quả đúng là cần phải quan tâm đến tính toàn vẹn trong giáo huấn luân lý của Giáo hội, nhưng vẫn luôn phải lưu tâm đặc biệt để nhấn mạnh và thúc đẩy các giá trị cao nhất và cốt yếu nhất của Tin Mừng,[6] nhất là địa vị hàng đầu của đức ái xét như sự đáp trả trước quà tặng tình yêu hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa. Có những lúc chúng ta thấy khó dành chỗ cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa trong hoạt động mục vụ của chúng ta.[7] Chúng ta đặt ra quá nhiều điều kiện cho lòng thương xót đến độ làm nó mất sạch ý nghĩa cụ thể và thực sự của nó. Đó là cách tệ hại nhất để làm suy yếu Tin Mừng. Chẳng hạn, quả thực là lòng thương xót không loại trừ công lý và sự thật, nhưng trước hết chúng ta phải nói rằng lòng thương xót là sự tròn đầy của công lý, và là cách thể hiện sáng ngời nhất sự thật của Thiên Chúa. Vì thế, luôn phải xem là “không thỏa đáng bất cứ quan niệm thần học nào rốt cục nghi ngờ sự toàn năng của Thiên Chúa và, nhất là, nghi ngờ lòng thương xót của Ngài”.[8]

 

312.             Điều này cung ứng cho chúng ta một cái khung và bầu khí giúp ta tránh một nền đạo đức lạnh lùng quan liêu khi xử lý những vấn đề đặc biệt nhạy cảm. Thay vào đó, nó đặt ta trong bối cảnh của một sự phân định mục vụ đầy ắp tình yêu và lòng thương xót, nghĩa là ta luôn sẵn sàng để thông cảm, tha thứ, đồng hành, hy vọng, và nhất là để hội nhập. Tâm thế này cần phải lan tràn trong Giáo hội và hướng dẫn chúng ta “mở lòng ra đón nhận những ai đang sống ở những bờ rìa xa nhất của xã hội”.[9] Tôi khích lệ các tín hữu nào thấy mình đang ở trong những hoàn cảnh phức tạp hãy tin tưởng chia sẻ với các mục tử của mình, hay với những anh chị em giáo dân nhiệt tâm dấn thân cho Chúa. Có thể họ không luôn luôn gặp được một sự xác nhận đối với những ý nghĩ hay mong muốn của mình, nhưng chắc chắn họ sẽ nhận được ánh sáng nào đó giúp họ hiểu hơn hoàn cảnh của mình và khám phá ra một nẻo đường cho mình lớn lên. Tôi cũng khích lệ các mục tử của Giáo hội lắng nghe những người ấy với sự nhạy bén và bình tĩnh, với niềm khao khát chân thành muốn hiểu cảnh ngộ và quan điểm của họ, để giúp họ sống đời mình tốt hơn và nhận ra chỗ dành cho mình trong Giáo hội.

[1] Tông Sắc Misericordiae Vultus (11.4.2015), 12: AAS 107 (2015): 407.

[2] Ibid., 5: 402.

[3] Ibid., 9: 405.

[4] Ibid., 10: 406.

[5] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), 47: AAS 105 (2013), 1040.

[6] X. ibid., 36-37: AAS 105 (2013), 1035.

[7] Có lẽ do một sự ngần ngại nào đó, được che đậy bởi nhiệt tâm trung thành với sự thật, một số linh mục đòi hỏi các hối nhân một quyết tâm sửa chữa rất thiếu tế nhị, đến nỗi làm cho lòng thương xót bị che mờ bởi sự theo đuổi một công lý được coi là thuần túy. Vì thế, sẽ hữu ích việc nhắc lại giáo huấn của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi ngài tuyên bố rằng khả năng của một sự sa ngã mới “không nên làm người ta nghi ngờ sự chân thực của lòng quyết tâm” (Thư gửi Hồng y William W. Baum dịp tổ chức Khóa về Tòa Trong[22.3.1996], 5: Insegnamenti XIX/1 [1996], 589).

[8] ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Hy Vọng Ơn Cứu Độ Cho Những Trẻ Em Chết Mà Chưa Lãnh Phép Rửa(19.4.2007), 2.

[9] Tông Sắc Misericordiae Vultus (11.4.2015), 15: AAS 107 (2015), 409.

 


Văn Kiện Giáo Hội