Christus vivit: Lắng nghe – Giải thích – Lựa chọn

(catechesis.net)

Christus vivit: tông huấn hậu thượng hội đồng về tuổi trẻ

Lắng nghe – Giải thích – Lựa chọn

Phan Tấn Thành

Qua việc phân tích cấu trúc của tông huấn, bài này muốn nêu bật những ý tưởng chủ đạo của tiến trình biện phân theo linh đạo thánh Inhaxio Loyola, tóm lại trong ba động từ: “lắng nghe, giải thích, lựa chọn”.

I. Tìm hiểu bố cục tông huấn qua các văn kiện chuẩn bị

II. Các bộ ba trong tông huấn

Viết tắt: CV (Christus vivit)

——————————————–

Tông huấn hậu thượng hội đồng đúc kết những thành quả của một khóa họp thượng hội đồng giám mục, bắt đầu với “Sơ thảo” (Lineamenta) đặt lên những câu hỏi để tham khảo ý kiến các giám mục và các cơ quan có thẩm quyền. Các ý kiến được thu thập lại thành “Dụng cụ làm việc” (Instrumentum laboris). Sau những phiên họp và thảo luận, các nghị phụ đệ lên Đức thánh cha một danh sách các đề nghị (Propositiones), dựa vào đó, Đức thánh cha sẽ soạn thảo tông huấn hậu thượng hội đồng (Exhortatio apostolica).

Lần này, tiến trình có vài thay đổi không nhỏ. Xét vì “tuổi trẻ” là đề tài thảo luận, cho nên các bạn trẻ cũng được tham gia vào nhiều hội nghị được tổ chức tại các địa phương cũng như ngay tại Vatican[1]. Một sự khác biệt nữa là vào lúc bế mạc khóa họp, các nghị phụ đã bỏ phiếu biểu quyết “Văn kiện kết thúc” (Documento Finale): một văn kiện với bố cục khá chặt chẽ, đến nỗi có người thắc mắc không hiểu có nên soạn thêm một tông huấn nữa không. Cuối cùng, tông huấn cũng được viết, và người ta được biết là bản gốc bằng tiếng Tây-ban-nha chứ không phải tiếng Ý, mang hình thức một lá thư gửi các bạn trẻ (nhưng dĩ nhiên là nhắm đến toàn thể Giáo hội chứ không chỉ giới hạn cho các bạn trẻ). Văn kiện được ký ngày 25 tháng 3, lễ Truyền tin, tại đền kính Đức Mẹ ở Loreto (miền Trung nước Ý), nhưng mãi đến ngày 2 tháng 4 mới được công bố cho báo chí (lấy lý do là kỷ niệm ngày băng hà của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã khởi xướng ngày Quốc tế bạn trẻ, cũng như là giáo hoàng đầu tiên đã viết một lá thư cho các bạn trẻ ngày 31/3/1985).

Có nhiều cách tiếp cận tông huấn Christus vivit. Chắc hẳn phần lớn các bài bình luận đều tập trung vào khía cạnh mục vụ (Mục vụ giới trẻ); tuy nhiên bài viết này chỉ giới hạn vào việc phân tích thần học. Chúng tôi muốn nêu bật vài tư tưởng chủ đạo của văn kiện, liên quan đến việc “phân định ơn gọi”. Thực vậy, đề tài của khóa họp thường lệ thứ XV (3-28 tháng 10 năm 2018) là “đức tin, các bạn trẻ và việc phân định ơn gọi”. Có lẽ vì muốn mang hình thức một lá thư thân mật, cho nên tựa đề này không xuất hiện ở đầu tông huấn nữa. Như sẽ thấy sau, đề tài này được bàn đến trong hai chương cuối cùng (tuy với thứ tự đảo ngược). Thế nhưng chính tiến trình phân định ơn gọi đã định hình cho cấu trúc của văn kiện, cách riêng là tiến trình ba bước. Đó là hai điểm mà chúng tôi muốn giới thiệu: 1/ Tìm hiểu cấu trúc văn kiện. 2/ Những bộ ba trong tông huấn. Tuy nhiên, trước khi đi vào nội dung, xin được nói đôi lời về những lời mở đầu.

Những lời mở đầu

Tông huấn được công bố với những lời mở đầu bằng tiếng Latinh “Christus vivit”, mặc dù chưa có bản văn tiếng Latinh[2]. Như đã nói, nguyên văn tiếng Tây-ban-nha là “Vive Cristo”, và xem ra việc dịch thuật sang các ngôn ngữ khác gặp nhiều lúng túng. Thật vậy, khi đối chiếu trên mạng internet của Tòa thánh ta thấy các cách dịch không hoàn toàn như nhau: “Christus lebt” (Đức), “Christ is alive” (Anh), “Il vit, le Christ” (Pháp), “Cristo vive” (Ý và Bồ-đào-nha). Phải dịch sang tiếng Việt thế nào ? “Đức Kitô (/ Chúa Kitô) sống / đang sống / luôn sống / sống động / sinh sống”?

Dù sao, thiết tưởng điều quan trọng hơn nữa là cần khám phá ý định của tác giả. Theo cha Antonio Spadaro S.J.[3], điểm nhấn nằm ở từ “sống”, một từ ngữ (xét như động từ, danh từ, tính từ) xuất hiện 280 lần, ngang với từ “trẻ”. Đây là sứ điệp mà Giáo hội loan báo cho thế giới: Đức Kitô sống bên cạnh bạn, và muốn cho bạn sống (CV 126). Đức Kitô luôn luôn là người trẻ, và muốn cho bạn được trẻ trung (CV số 124tt)

I. Bố cục

Tông huấn CV được chia làm 9 chương. Thoạt tiên, thật khó nhận ra sự mạch lạc của nó.

Chương 1. Lời Chúa nói gì về các bạn trẻ?

Chương 2. Đức Kitô luôn luôn trẻ

Chương 3. Các bạn là ngày hôm nay của Thiên Chúa

Chương 4. Lời loan báo trọng đại cho tất cả các bạn trẻ

Chương 5. Lộ trình của tuổi trẻ

Chương 6. Các bạn trẻ có gốc có rễ

Chương 7. Mục vụ giới trẻ

Chương 8. Ơn gọi

Chương 9. Phân định

May thay, hai vị đồng thư ký là cha Giacomo Costa SJ và cha Rossano Sala SDB, những người đã tham gia vào việc soạn thảo các văn kiện của  khóa họp Thượng hội đồng này, đã cung cấp cho chúng ta một chìa khóa khám phá cái “logic” của nó[4].  Thực vậy, ngay từ giai đoạn chuẩn bị, các văn kiện đều dựa theo “tiến trình ba bước” của việc phân định (theo tinh thần thánh Inhaxio Loyola): nhận định – giải thích – chọn lựa.

Chúng ta hãy ôn lại các giai đoạn ấy, từ “Tài liệu chuẩn bị”, qua “Dụng cụ làm việc”, đến “Văn kiện kết thúc”, dẫn tới tông huấn hậu thượng hội đồng.

A. Tài liệu chuẩn bị (13/1/2017)

Bản văn Tin mừng được dùng là trình thuật người thanh niên đến tìm Chúa Giêsu vì muốn đi theo Người (Ga 1,36-39). Văn kiện gồm ba chương:

1/ Phân tích hiện trạng các bạn trẻ trên thế giới hôm nay.

2/ Phân định ơn gọi, qua 3 động từ được sử dụng trong Evangelii gaudium (số 51): a) nhận định; b) giải thích; c) quyết định.

3/ Hoạt động mục vụ.

Chúng ta có thể nhận ra mô hình “xem / xét / làm” qua ba chương vừa nói. Riêng trong chặng thứ hai, ba động từ được xen vào để mô tả tiến trình chọn lựa tương lai cuộc đời để đáp lại tiếng gọi của Chúa.

B. Dụng cụ làm việc (8/5/2018)

Văn kiện khá dài (gồm 214 số) được chia làm 3 phần, mang tựa đề là:  “Nhìn nhận” – “Giải thích” – “Lựa chọn”. Mỗi phần gồm nhiều chương không đồng đều với nhau.

Phần thứ nhất (số 4-72): “Nhìn nhận” nghĩa là nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô (giống như các môn đệ Emmaus) trong những thực tại hôm nay (quen gọi là “đọc dấu chỉ thời đại”).

Gồm 5 chương.

Hai chương đầu cung cấp bức tranh toàn cảnh về những điểm giống và khác nhau giữa các bạn trẻ hôm nay.

Ba chương còn lại chú trọng đến ba điểm nóng: 1/ tình trạng của những bạn trẻ bị gạt ra ngoài lề (do nghèo đói, thất nghiệp, di cư, kỳ thị); 2/ sáu thách đố nhân văn và văn hóa (sự nhận thức của các bạn trẻ về thân xác, tình cảm, giới tính; / những tiêu chuẩn mới để đánh giá sự vật; / hiệu ứng của kỹ thuật số đối với thời gian, không gian và tương quan nhân bản; / sự thất vọng đối với các cơ chế xã hội và tôn giáo; / sợ những quyết định dài hạn; / khát khao giá trị tâm linh); 3/ lắng nghe các bạn trẻ (các bạn ước ao sự nhất quán trong đời sống; sống tương quan huynh đệ; dấn thân cho công lý).

Phần thứ hai (số 73-136): “Giải thích”, tìm hiểu ý nghĩa của ơn gọi dưới khía cạnh Kinh thánh, nhân văn, thần học, giáo hội, sư phạm, tâm linh.

Gồm 4 chương, xoay quanh bốn đề tài:

1/ “Tuổi trẻ” theo Kinh thánh (tuổi trẻ là thời của tình yêu và vui tươi, của sức mạnh, chinh phục và liều lĩnh, do dự và sợ hãi, sa ngã và chỗi dậy, sẵn sàng lắng nghe, nhất là thời gian tiếp xúc với Thiên Chúa của giao ước);

2/ “Ơn gọi” (không chỉ giới hạn vào ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ);

3/ “Phân định”: biết đọc ra các biến cố của cuộc đời;

4/ “Đồng hành” (với nhiều hình thức: của cộng đoàn, của bạn bè và gia đình, đồng hành tâm lý và tâm linh…).

Phần thứ ba (số 137-211): “Lựa chọn”, biện phân và quyết định. Tương đương với “làm”, sau khi đã “xem và xét”. Đối tượng nhắm đến Giáo hội: cần một sự “hoán cải” (conversio) trong tâm trí và đổi mới lối thực hành mục vụ. Phần này cũng gồm 4 chương.

1/ Trước hết, nhắc đến sứ mạng của Giáo hội là phục vụ Nước Chúa, và cần phải làm lộ ra chức vụ này.

2/ Cụ thể hơn, cần kiểm điểm lại sự hiện diện của Giáo hội với giới trẻ: giới trẻ lìa xa Giáo hội, hay Giáo hội lìa xa giới trẻ? Cần phải gần gũi các bạn trẻ tại những môi trường sinh sống của họ: trường học, lao động, hoạt động chính trị, thể thao, môi trường số, âm nhạc; cũng đừng quên các bạn trẻ bị gạt bỏ (bệnh tật, nghiện ngập, bị tù, tị nạn, vv), làm sao để họ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.

3/ Những dạng thức hiện diện với các bạn trẻ (mục vụ gia đình, công tác huấn giáo, mục vụ cầu nguyện, những hình thức phục vụ xã hội).

4/ Sự phối hợp các hình thức mục vụ với các bạn trẻ.

Ngay từ những trang mở đầu (số 3-4), văn kiện cho biết là cấu trúc ba phần dựa theo tiến trình ba chặng của việc phân định.

C. Văn kiện kết thúc (27/10/2018)

Đây là bản văn đúc kết những cuộc thảo luận trong Thượng Hội đồng, gồm 12 chương, 167 số (55 trang A4). Điểm đặc biệt là các mệnh đề được gom vào 3 phần, với icôn chủ đạo là trình thuật Chúa Phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35). Ý nghĩa của việc sử dụng đoạn văn này được giải thích ở  số 4 như sau:

Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ là những người chưa hiểu ý nghĩa của những gì đã xảy ra cho Người, và họ đang rời bỏ Giêrusalem và cộng đồng. Để trở nên bạn đồng hành với họ, Người đã cùng đi với họ trên đường. Người đã hỏi họ và kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của họ về biến cố đã xảy ra để giúp họ nhận ra những gì họ đang trải qua. Rồi, Người công bố Lời Chúa cho họ một cách thân mật và đầy sinh lực, giải thíchbiến cố mà họ đã sống dưới ánh sáng của Thánh Kinh. Người chấp nhận lời mời của họ và dừng lại với họ khi màn đêm buông xuống: Người đã bước vào đêm đen của họ. Khi nghe Người, lòng họ rạo rực và tinh thần họ bừng sáng; lúc bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ là những người lựa chọn đi con đường ngược lại, để trở về với cộng đồng và chia sẻ với cộng đồng kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh mà không chút chần chừ.

Từ đó, văn kiện được chỉa ra làm ba phần, mỗi phần gồm bốn chương:

Phần thứ nhất. “Người cùng đi với họ” (Lc 24,15): làm sáng tỏ những gì Thượng hội đồng nhận ra bối cảnh sinh sống của bạn trẻ. Phần này gồm 4 chương như sau:

1/ Một Giáo hội lắng nghe

2/ Ba yếu tố then chốt

3/ Bản sắc và những mối quan hệ

4/ Người trẻ ngày nay

Phần thứ hai. “Mắt họ mở ra” (Lc 24,31): giải thích và cung cấp một số chìa khoá căn bản để đọc các chủ đề của Thượng Hội Đồng. Phần này gồm bốn chương:

1/ Hồng ân tuổi trẻ

2/ Mầu nhiệm ơn gọi

3/ Sứ mạng đồng hành

4/ Nghệ thuật phân định

Phần thứ ba. “Họ lập tức trở về” (Lc 24,33), đề ra các lựa chọn cho một cuộc hoán cải tâm linh, mục vụ và truyền giáo. Tựa đề bốn chương như sau:

1/ Đặc tính công nghị truyền giáo của Giáo hội

2/ Đồng hành trong cuộc sống mỗi ngày

3/ Canh tân nhiệt huyết truyền giáo

4/ Đào tạo toàn diện

Như vậy, cầu trúc ba phần của Văn kiện kết thúc là: “nhận ra – giải thích – lựa chọn”.

D. Tông huấn Christus vivit (25/3/2019)

Sau khi đã có khái niệm về “tiền lệ” như vậy, ta dễ nhận ra cấu trúc của tông huấn. Nó gồm ba phần (mặc dù không tuyên bố minh thị), đó là: “nhận biết” (hoặc: lắng nghe) – “giải thích” – “lựa chọn”. Mỗi phần gồm ba chương, được xếp theo thứ tự liên tục. Dựa trên mô hình này, chúng ta có thể tìm thấy một “sợi chỉ” để dẫn dắt chúng ta xuyên qua văn kiện.

Phần thứ nhất: “Lắng nghe”, bao gồm ba chương đầu.

1/ Lắng nghe Lời Chúa về  các ban trẻ: những cuộc gặp gỡ của các bạn trẻ trong Kinh thánh.

2/ Lắng nghe Chúa Kitô gặp gỡ bạn trẻ thuộc mọi thời.

3/ Lắng nghe hoàn cảnh các bạn trẻ hôm nay để đồng hành với họ. Như sẽ thấy sau, tông huấn không nhằm thảo ra một bá cáo xã hội học, nhưng hướng dẫn việc đọc các sự kiện dưới cái nhìn thiêng liêng

Phần thứ hai: “Giải thích”, gồm ba chương kế tiếp.

Thật vậy, Giáo hội không đưa ra cho các bạn trẻ một kế hoạch sư phạm, tâm lý học hoặc xã hội học, nhưng đưa họ đến gặp gỡ Đức Kitô, nhờ thế họ khám phá ơn gọi và sứ mạng của mình.

4/ Loan báo: Giáo hội loan báo cho các bạn trẻ sứ điệp căn bản: Đức Kitô yêu thương các bạn trẻ, đồng hành với các bạn

5/ Lộ trình của các bạn trẻ. Các bạn trẻ được mời gọi hãy giữ vai trò chủ động trong cuộc đời cá nhân cũng như xã hội; đừng ù lì hoặc bị lôi cuốn theo phong trào

6/ Cội rễ. Tuy tuổi trẻ tượng trưng cho sáng tạo, hướng về tương lai, nhưng cũng đừng quên gốc rễ của mình. Cần trân trọng các thế hệ đàn anh, cùng đồng hành với họ.

Phần thứ ba: “Lựa chọn”, tức là quyết định, dấn thân, gồm ba chương cuối cùng.

Toàn thể Giáo hội được mời gọi hãy đồng hành với các bạn trẻ, giúp họ khám phá ơn gọi của họ.

7/ Mục vụ. Những đường hướng hoạt động mang tính công nghị, đón nhận các đặc sủng đa dạng của các phần tử trong Giáo hội. Từ đó, tông huấn cũng nói đến tính đa dạng của các hình thức mục vụ giới trẻ.

8/ Ơn gọi. Ởn gọi được hiểu như là lời mời gọi sống tình bạn với Chúa Giêsu và tham gia vào công trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa, qua việc phục vụ tha nhân (CV 253-258).

9/ Phân định ơn gọi. Tông huấn ngỏ lời trực tiếp với các bạn trẻ, mời gọi họ hãy sẵn sàng đảm nhận các rủi ro để thể hiện cuộc đời. Đừng dừng lại ở địa vị và lợi lộc, nhưng hãy dám tiến đến quà tặng mà mình nhận lãnh và trao ban, và sự tự do kèm theo. Trên tiến trình này, các bạn trẻ cần được đồng hành, nhưng các bạn cũng hãy biết lắng nghe, chất vấn, và đi theo tiếng gọi.

Nên lưu ý là sự phân chia ba phần không có trong chính bản văn, nhưng là theo sự gợi ý của các vị phụ tá tổng thư ký. Dù sao, chính ĐTC Phanxicô khi giới thiệu tông huấn CV trong bài giảng Thánh lễ cử hành tại Loreto ngày 25 tháng 3, cũng đã nêu bật ba chặng của ơn gọi khi suy gẫm biến cố Truyền tin: lắng nghe, phân định, lựa chọn

1) Lắng nghe tiếng Chúa (“Maria, đừng sợ…, này chị sẽ thụ thai một người con trai, sẽ hạ sinh và đặt tên cho em là Giêsu”: Lc 1,30-31). Thiên Chúa đã khởi xướng việc kêu gọi đi theo Ngài: kêu gọi vào đức tin, vào đời sống Kitô hữu, vào sự thánh hiến đặc biệt, để trao ban tình yêu của Ngài. Vì thế ta hãy sẵn sàng lắng nghe và đón nhận tiếng Chúa, ngay từ thâm tâm cõi lòng

2) Phân định (“Việc ấy xảy đến thế nào?”: Lc 1,34). Đức Maria bày tỏ ước muốn khám phá kế hoạch của Chúa dành cho mình, và tìm cách đáp ứng với tinh thần trách nhiệm. Cần ý thức những khả năng giới hạn của mình, nhưng đồng thời cũng xác tín rằng Thiên Chúa luôn sẵn sàng trao ban và hoạt động nơi sự bé nhỏ của mình.

3) Quyết định lựa chọn (“Xin hãy xảy ra cho tôi theo như lời của ngài”: Lc 1,38). Đức Maria thuận theo kế hoạch của Thiên Chúa, và trao hiến tất cả cuộc đời cho Ngài. Đức Maria trở thành mẫu gương cho việc phân định kế hoạch của Thiên Chúa và chấp nhận cho Ngài hướng dẫn.

Như vậy tông huấn CV vẫn giữ cấu trúc ba phần như các văn kiện chuẩn bị, nhưng chúng ta thấy có vài sự khác biệt. So sánh với Văn kiện kết thúc, CV rút số chương từ 12 xuống 9 (3 x 3; thay cho 3 x 4). Thứ tự các đề mục cũng có phần thay đổi: trước đây “phân định ơn gọi” nằm trong phần thứ hai, bây giờ được đưa vào hai chương cuối cùng (nghĩa là phần thứ ba).. Một điểm đáng ghi nhận là CV không dựa theo một “icôn” chủ đạo, đang khi Văn kiện chung kết dựa theo trình thuật Chúa Phục sinh hiện ra và đồng hành với hai môn đệ. Icôn này chỉ được CV nhắc đến này ở số 236-237 (xem thêm các số 156; 292; 296). Nên biết là CV cũng dừng lại suy nhiệm “icôn” Truyền tin cho Đức Maria ở các số 43-46.

Tại sao tông huấn dựa theo cấu trúc ba phần? Có hai cách trả lời:

– 1/ Các văn kiện của các thượng hội đồng mang tính cách mục vụ, và thường dựa theo phương pháp mục vụ được phát biều qua công thức “Xem – Xét – Làm”. Chẳng hạn như tông huấn Amoris laetitia : a) Xem: thực trạng hôn nhân và gia đình (ch.2); b) Xét: đạo lý của Giáo hội (Ch.3-5); c) Làm: mục vụ hôn nhân (ch.6-9

– 2/ Một cách đặc biệt hơn, đây là tiến trình phân định theo thánh Inhaxio Loyola.

Phân định (hoặc “biện phân”) dùng để dịch discernere trong tiếng Latinh. Động từ này gồm bởi “dis” có nghĩa là tách, và “cernere” có nghĩa là chọn. Một cách khái quát, phân định là “phán đoán” về phẩm chất của sự vật, “phân biệt và tách rời” điều tốt và điều xấu, điều lợi và điều hại, điều chính và điều phụ. Sự phân định xảy ra khá thường xuyên trong đời sống hằng ngày nhưng đặc biệt là trong những hoàn cảnh quan trọng của cá nhân hoặc cộng đồng, khi phải chọn lựa, quyết định một hướng đi lâu dài. Làm thế nào nhận ra ý Chúa muốn? (x. Rm 12,2). Điều này không chỉ có nghĩa là chọn lựa điều tốt và tránh bỏ tội lỗi, nhưng còn là biết nhận ra điều gì đẹp lòng Chúa (x.Ep 5,10), điều gì tốt hơn (x.Pl 1,9-10; 1 Tx 5,21-22). Dĩ nhiên, để nhận ra ý Chúa, ta cần được thần khí Chúa hướng dẫn! Khổ nỗi là Tân ước cũng cho ta biết rằng bên cạnh “thần khí tốt” còn có “thần khí xấu” (1Ga 4,1), cũng tựa như bên cạnh ngôn sứ thật có ngôn sứ giả, như lời Chúa Giêsu đã cảnh báo (Mt 7,15). Chính vì thế mà cần có sự phân định thần khí (1Tx 5,19-21).

Từ ngữ “phân định” (danh từ hoặc động từ) đã được sử dụng trong Kinh thánh và truyền thống thần học tâm linh từ lâu đời[5]. Vào thời cận đại, thuật ngữ  “phân định” trở thành chuyên môn của trường phái linh đạo thánh Inhaxiô Loyola[6]. Ra như đức đương kim giáo hoàng muốn phổ biến học thuyết này cho toàn thể Giáo hội. Chỉ cần trưng dẫn một thống kê nho nhỏ thì đủ thấy điều đó. Tông huấn Evangelii gaudium (văn kiện ra mắt của ngài) sử dụng 10 lần (các số 16; 30; 33; 43; 45; 50; 154; 166; 179; 181); con số nhảy vọt lên tới 40 lần trong tông huấn Amoris Laetitia (đặc biệt là trong chương Tám)[7]. Điều thú vị hơn nữa là trong tiến trình phân định cá nhân (chứ không nói đến phân định cộng đoàn), truyền thống Ý-nhã thường nói đến ba chặng, được diễn tả qua ba động từ “cảm nhận / phán đoán / lựa chọn”, tương ứng với ba quan năng tinh thần: ký ức / trí tuệ / ý chí. Chúng ta hãy rảo qua các chặng ấy.

1/ Cảm nhận. Đây là chặng ý thức tất cả những gì xảy ra bên ngoài ta / chung quanh ta / và bên trong ta. Tất cả các dữ liệu ấy được chuyển sang hiện tại nhờ Ký ức (trí nhớ). Điều quan trọng hơn cả là nhìn nhận những cảm xúc, những thúc giục nội tâm được gợi lên trong ta.

2/ Giải thích. Sau khi đã thu thập tất cả các dữ liệu nội tâm, đến lượt trí tuệ « phân định » chúng dưới ánh sáng của Tin mừng, những nhu cầu của nhân loại. Đến đây, ta cần phải vận dụng các quy tắc biện phân đã được thánh Ý-nhã phát biểu trong sách Linh Thao. Dù sao, tiêu chuẩn tối cao là mối tương quan của ta với Đức Kitô, Đấng gọi chúng ta đi theo Người để loan báo Nước Trời. Ta cần được thấm nhuần bởi những “giá trị” dựa theo Tin mừng (phục vụ thay vì được phục vụ, chia sẻ thay vì vơ vét, trọng thực chất hơn là vẻ hào nhoáng). Phân định có thể là phân biệt giữa tiếng nói của Chúa với tiếng nói của ma quỷ và thế gian.

3/ Lựa chọn. Sang chặng cuối cùng, con người sử dụng tự do của mình để lựa chọn, đáp lại tiếng gọi của Chúa bằng một quyết định rõ rệt. Nên nhắc lại là lắm khi không phải ta cần lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu, nhưng là lựa chọn giữa hai điều tốt để đi theo điều “tốt hơn”. Dĩ nhiên, sau khi đã quyết định lựa chọn một điều nào, còn cần phải lựa chọn các phương tiện tối ưu để thi hành điều đã định.

Tóm lại, các văn kiện của Thượng hội đồng về tuổi trẻ đã kết hợp phương pháp “xem – xét – làm” với với tiến trình “cảm nhận – phán đoán – giải thích”, đưa đến kết quả là bộ ba: “lắng nghe – giải thích – lựa chọn” (x. Dụng cụ làm việc, số 3 và 112).

II. Những bộ ba

Ngoài cấu trúc ba phần, chúng ta còn nhận thấy “bộ ba” xuất hiện đây đó trong tông huấn CV (cũng như trong các văn kiện trước đó). Chúng tôi chỉ muốn dừng lại ở các điểm then chốt trong ba chặng vừa nêu trên đây[8].

1/ Chặng lắng nghe

Khi nói đến hoàn cảnh của các bạn trẻ thời nay (chương Ba), Tông huấn nhấn mạnh đến ba khung cảnh đặc biệt: a) môi trường kỹ thuật số (CV 86-90); b) di dân (CV 91-94); c) những lạm dụng (CV 95-102). Trước đây, ba hoàn cảnh này đã được nêu lên trong “Văn kiện kết thúc” (số 21-31) và “Dụng cụ làm việc” (từ chương hai đến chương năm của phần thứ nhất). Đó là ba khung cảnh của cuộc sống hôm nay, với những thách đố, nghĩa là những cơ may cũng như hiểm nguy của nó.

2/ Chặng giải thích

Giáo hội muốn loan báo cho các bạn trẻ sứ điệp của Đức Kitô, được tóm lại trong ba điểm căn bản  (CV 130): a) Thiên Chúa yêu thương bạn (CV 112-117); b) Đức Giêsu Kitô vì yêu thương, đã hiến thân mình để cứu độ bạn (CV 118-123); c) Đức Giêsu Kitô sống,  muốn bạn sống (CV 124-129). Đức Kitô luôn hiện diện bên cạnh bạn và không bỏ rơi bạn (x. Văn kiện kết thúc số 133).

3/ Chặng lựa chọn

Khi bàn về các ơn gọi, tông huấn nhắc đến ba ơn gọi chính: hôn nhân, lao động, tận hiến. a) Trước hết là ơn gọi “tình yêu” và lập gia đình (CV 259-267), đã được bàn rộng trong tông huấn Amoris laetitia. – b) Lãnh vực thứ hai là “lao động” (CV 268-273), với những lo âu đang ám ảnh các bạn trẻ, tưa như thất nghiệp, khai thác sức lao động (CV 268-273). – c) Cuối cùng là các ơn gọi linh mục và tu sĩ (CV 274-277), mà các bạn trẻ được kêu mời hãy quảng đại lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh.

Kết luận

Xin kết thúc bài này với ba nhận xét.

1/ Bố cục. Như đã nói ở đầu, chúng tôi không muốn đi sâu vào nội dung tông huấn Christus vivit, dành việc này cho các bài nghiên cứu của các tác giả khác cũng như các cuộc hội thảo sẽ được tổ chức. Bài này chỉ muốn cung cấp một “chìa khóa” để đọc văn kiện, dựa vào những ý tưởng chủ đạo được nêu lên trong suốt tiến trình chuẩn bị và cử hành Thượng hội đồng. Chúng ta thấy rằng Tông huấn CV nhiều lần quy chiếu về “Văn kiện kết thúc”, nhưng để hiểu bản văn này chúng ta cần phải lùi lại “Tài liệu làm việc”,  là tài liệu cung cấp nhiều khái niệm lý thuyết hơn cả cho vấn đề “phân định ơn gọi” của các bạn trẻ[9].

2/ Tuổi trẻ. Đức Thánh Cha Phanxico muốn gửi tông huấn CV đến các bạn trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý: đây không phải là tâm sự của một cụ già gửi cho các bạn trẻ[10]. Tông thư nhiều lần giải thích ý nghĩa của “tuổi trẻ”: nó không ám chỉ giai đoạn thời gian trong cuộc đời con người, cho bằng ám chỉ một “tâm trạng”  (CV 35).

– Có người đã “lão hóa” tuy tuổi còn non: đó là kẻ buông xuôi, phó mặc cho định mệnh, than thân trách phận; thay vì ý thức trách nhiệm và can đảm dấn thân. Chương Năm của tông huấn mô tả vài đặc tính nổi bật của tuổi trẻ: biết thao thức mơ mộng; biết sống cởi mở với tha nhân; biết dấn thân vào công tác xã hội; biết can đảm hướng về tương lai, canh tân hiện tại nhưng không xóa bỏ truyền thống (CV 131-178).

– Giáo hội không chỉ mang trách nhiệm đối với các bạn trẻ, nhưng Giáo hội còn có trách nhiệm phải trẻ trung hóa (CV 35-36). Không có “Giáo hội của người trẻ”, không có “Giáo Hội cho người trẻ”, mà chỉ có một Giáo hội trong đó các bạn trẻ là thành phần. “Văn kiện kết thúc” (số 66; 131;116) đã nhấn mạnh điều ấy: chỉ có “Giáo hội trẻ” chứ không có “Giáo hội của các người trẻ”.

– Đối lại, các bạn trẻ có sứ mạng làm cho Giáo hội được trẻ trung. Họ nhắc nhở Giáo hội đừng tự mãn, đừng khép kín, và hãy gần gũi với những người bé nhỏ, những người bị gạt bỏ (CV 37).

– Tóm lại, tuổi trẻ là một hồng ân cần đón nhận và sống sung mãn (CV 134). Tuổi trẻ là một ơn gọi và sứ mạng (CV 286).

3/ Gặp gỡ Đức Kitô. Thành thật mà nói, Giáo hội không có những kế hoạch mục vụ tiền chế cho bạn trẻ. Mặt khác, các kế hoạch này chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Mục tiêu của tất cả các hoạt động của Giáo hội là đưa Đức Kitô đến với con người (trong đó có các bạn trẻ), và giúp cho họ gặp gỡ Người, cảm nhận tình yêu của Người, và đáp lại tình yêu ấy bằng cách tham gia vào sứ vụ cứu độ của Người  (CV 150-158; 250). Điều này muốn nói rằng mục vụ giới trẻ cần mang tính “thần khí”[11] nhiều hơn là tính “kỹ thuật”. Mục vụ giới trẻ nhằm giúp các bạn trẻ khám phá ơn gọi mà Chúa dành cho họ trên đời (CV 254).

——————————–

Cước chú:

[1] Một seminario quốc tế “về điều kiện giới trẻ trên thế giới” được mở tại Rôma từ ngày 11 đến 15 tháng 9 năm 2017; tiếp đến là một cuộc họp “tiền thượng hội đồng” diễn ra tại Rôma vào các ngày 19 đến 24 tháng 3 năm 2018, mà các kết luận được đệ trình lên Đức Thánh Cha vào ngày 25/3 (Chúa nhật Lễ lá, ngày quốc tế bạn trẻ).

[2] Cho đến nay, trong các văn kiện thuộc huấn quyền của ĐTC Phanxicô chỉ  có hai thông điệp (Laudato si và Lumen fidei) và một tông huấn (Amoris laetitia) được dịch sang tiếng Latinh. Nên biết là vào thời họp công đồng Vaticanô II, các bản văn được viết bằng tiếng Latinh, rồi sau đó mới được dịch sang sinh ngữ; từ sau công đồng, tiến trình ngược lại. Vì thế khi đoạn văn tối nghĩa, nhà chú giải cần phải truy tầm bản gốc bằng tiếng gì, ngõ hầu hiểu rõ đích xác ý định của tác giả.

[3] Antonio Spadaro, Analisi dell’Esortazione apostolica “Christus vivit” di papa Francesco in: La Civilta Cattolica quaderno 4051, Anno 2019, vol.II, p.3-17. https://www.laciviltacattolica.it/articolo/giovani-che-volano-con-i-piedi/

[4] Christus vivit Guida alla lettura  cura di padre Giacomo Costa sj e don Rossano Sala sdbhttp://www.notedipastoralegiovanile.it/index.php?option=com_content&view=article&id=14650:christus-vivit-guida-alla-lettura&catid=488&Itemid=101

[5] M. Costa, « L’arte del discernere: premesse, criteri e regole », in: Credere Oggi, 29 (2002), 50-81. Trong lịch sử thần học, người ta còn sử dụng danh từ discretio , đặc biệt trong thuật ngữ “biện phân thần khí” (διακρίσεις πνευμάτων, discretio spirituum), được thánh Phaolô đã nói trong 1Cr 12,10; 14,29.

[6] Thánh Inhaxiô  Loyola đã đưa ra 14 nguyên tắc phân định trong tác phẩm “Linh Thao” (Tuần lễ thứ nhất: số 313-327;  xem thêm các số 1-20. 169-189. 328-336. 337-370).

[7] X. Maurizio Gronchi, “L’esercizio del discernimento: indicazioni dottrinali recenti”, in: L’Osservatore Romano 13 marzo 2017. Nên biết là trong tông huấn Gaudete et exultate, thuật ngữ discernimento được dùng 16 lần trong bản tiếng Ý, và được dùng làm tựa đề cho Chương Năm (“Chiến đấu, tỉnh thức, phân định”). Trong bản văn tiếng Tây ban nha của tông huấn Christus vivit , các từ “discernir, discernimiento” xuất hiện 34 lần, trong đó 20 lần (quá một nửa) ở trong chương chín.

[8]  Tông huấn CV (các số 49-63) giới thiệu 12 (= 3×4) mẫu gương thánh thiện của các bạn trẻ, trong đó có thầy giảng Anrê Phú Yên (số 54). Tuy nhiên, các bạn trẻ được mời gọi hãy “bắt chước” chứ đừng “sao chép” các thánh. Mỗi người chúng ta có một con đường riêng, không ai giống ai (CV 162).

[9] Tông huấn (số 208) mời gọi hãy đọc Văn kiện chung kết;  Văn kiện chung kết (số 3) mời gọi hãy đọc Dụng cụ làm việc. Nên biết là Tông huấn trích dẫn Văn kiện chung kết 56 lần. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận được trích dẫn 1 lần ở số 148.

[10] Đức thánh cha Phanxico cảm thấy trẻ lại kể từ khi làm giáo hoàng (CV số 160).

[11] Chúa Thánh Linh được nhắc đến nhiều lần trong tông huấn CV, đặc biệt ở các số 130-133; 164; 192; 201; 230; 244; 246.


Văn Kiện Giáo Hội