ĐỌC TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM

GM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Văn phòng thư ký HĐGMVN

[gpcantho.com08/03/2014]

DẪN NHẬP

Niềm vui Phúc âm tràn ngập tâm hồn tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu, và tông huấn này ước mong thúc đẩy một giai đoạn mới trong công cuộc Phúc-Âm-hóa.

Niềm vui Phúc âm là niềm vui luôn mới mẻ và cần được chia sẻ. Mối nguy hiểm lớn nhất trong thế giới ngày nay là sự âu lo, buồn chán, phát xuất từ lối sống chạy theo những khoái lạc chóng qua, khiến tâm hồn không còn mở ra trước tiếng gọi của Thiên Chúa và cảm nhận niềm vui sâu lắng của tình yêu Chúa. Vì thế, mọi Kitô hữu cần làm mới lại kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu, làm mới lại giao ước với Người.

Các tiên tri trong Cựu Ước, từ Isaia đến Dacaria và Dêphania, đã loan báo niềm vui cứu độ sẽ tràn ngập trong thời Đấng Mêsia. Phúc âm không ngừng kêu gọi chúng ta hãy vui lên. Thế nhưng nhiều Kitô hữu lại sống đạo như thể chỉ có Mùa Chay mà không có Phục Sinh! Chính ra niềm vui đức tin phải bừng sáng ngay giữa những thử thách, vì “tình yêu của Chúa muôn đời bền vững, lòng thương xót của Ngài chẳng bao giờ cạn”. Thật vậy, là Kitô hữu “không phải là kết quả của một chọn lựa luân lý hay một ý tưởng tốt lành, nhưng là sự gặp gỡ một biến cố, một ngôi vị, cuộc gặp gỡ ban cho cuộc đời một chân trời mới và hướng đi quyết định” (Đức Bênêdictô XVI). Nhờ sự gặp gỡ với tình yêu Chúa, tâm hồn chúng ta thoát ra khỏi sự ích kỷ chật hẹp, và đây cũng là động lực chính yếu của Phúc-Âm-hóa, bởi lẽ niềm vui lớn lao chúng ta đã nhận được cần phải chia sẻ cho nhiều người khác.

Niềm vui Phúc âm còn là niềm vui rạng rỡ và an ủi khi rao giảng Phúc âm. Nếu chúng ta muốn sống một cuộc đời phong phú và cao quý thì hãy biết vươn đến tha nhân và đem lại những điều tốt lành cho họ. Điều lạ lùng là sự sống tăng trưởng khi biết cho đi, và tàn lụi khi co cụm trong ích kỷ. Khi Hội Thánh kêu gọi các Kitô hữu thi hành sứ mệnh Phúc-Âm-Hóa, thì đơn giản là Hội Thánh đang chỉ cho họ con đường phát triển đích thực. Tâm điểm của Phúc âm là: Thiên Chúa đã mặc khải tình yêu vô biên của Ngài cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Đức Kitô ấy vẫn là một, “hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13,8). Đức Kitô luôn mới mẻ. Sứ điệp Phúc âm luôn mới mẻ. Bất cứ khi nào chúng ta cố gắng trở về với nguồn Phúc âm, thì chính Phúc âm soi sáng cho ta những nẻo đường mới để thi hành sứ mệnh Phúc-Âm-hóa.

Dĩ nhiên công cuộc Phúc-Âm-hóa đòi hỏi Kitô hữu phải cố gắng và hy sinh nhều, những đừng quên rằng trong mọi công cuộc Phúc-Âm-hóa, chính Thiên Chúa mới đóng vai trò chính. Ngài đòi hỏi tất cả nơi chúng ta, đồng thời Ngài ban mọi sự cho ta. Niềm xác tín này giúp chúng ta giữ được tinh thần vui tươi ngay giữa những vất vả và khó khăn khi thi hành sứ mệnh.

Thượng Hội Đồng Giám mục đã họp về chủ đề Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo, từ ngày 7-28 tháng 10 năm 2012. THĐGM tái khẳng định rằng Tân Phúc-Âm-Hóa là lời hiệu triệu gởi đến mọi tín hữu và công cuộc này được thực hiện trong ba lãnh vực chính:

(1) Tác vụ mục vụ thông thường, nhằm giúp các tín hữu lớn lên trong đời sống thiêng liêng;

(2) hướng đến những người đã chịu Phép Rửa nhưng không sống đạo

(3) rao giảng Phúc âm cho những người chưa biết đến Chúa Giêsu hoặc đã khước từ người

Tông huấn Evangelii Gaudium đúc kết những hoa trái của THĐGM, đồng thời trình bày những mối quan tâm riêng của ĐTC Phanxicô về Phúc-Âm-hóa, đưa ra những hướng dẫn cho toàn thể Hội Thánh trong giai đoạn mới. Theo đó, những vấn đề được quan tâm đặc biệt là:

(1) Canh tân Hội Thánh trong nỗ lực truyền giáo

(2) Những cám dỗ đối với người làm mục vụ

(3) Hội Thánh là Dân truyền giáo

(4) Bài giảng lễ

(5) Người nghèo trong xã hội

(6) Hòa bình và đối thoại

(7) Động lực thiêng liêng của truyền giáo

CHƯƠNG I

SỰ BIẾN ĐỔI MANG TÍNH THỪA SAI CỦA HỘI THÁNH

1. MỘT HỘI THÁNH LÊN ĐƯỜNG

Đọc dài lịch sử Kinh Thánh, Thiên chúa luôn thúc bách các tín hữu lên đường, ra khỏi những tiện nghi của riêng mình để vươn tới những vùng biên đang cần ánh sáng Phúc âm. Niềm vui Phúc âm là niềm vui được dành cho hết mọi người; vì thế, noi gương Chúa Giêsu, Hội thánh phải lên đường rao giảng Phúc âm cho mọi người ở mọi nơi trong mọi cơ hội, không ngần ngại hay sợ hãi.

Hội Thánh lên đường là cộng đoàn các môn đệ sống tinh thần thừa sai, dấn thân vào cuộc sống thường nhật của con người, mang vào mình mùi chiên, đồng hành với con người trong cuộc sống, bất kể những khó khăn và thử thách. Công đoàn thừa sai, cộng đoàn Phúc-Âm-hóa, mang lại hoa trái dồi dào khi Lời Chúa được đón nhận và đem lại ơn giải thoát. Chính điều đó làm nên niềm vui cho cộng đoàn, nhưng họ cũng biết rằng phải thật kiên nhẫn và can đảm, đến mức phải hy sinh mạng sống vì Phúc âm

2. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ VÀ HOÁN CẢI

Nếu Hội Thánh luôn đặt mình trong tư thế lên đường thi hành sứ vụ thì tất cả chúng ta phải thực hiện cuộc hoán cải về mặt mục vụ và truyền giáo. Phải hoán cải khi chúng ta đối chiếu hình ảnh Hội Thánh mà Đức Kitô mong muốn với thực tế của Hội thánh. Phải hoán cải vì chúng ta chưa trung tín đủ với ơn gọi của mình. Không trung tín với ơn gọi, không có sự sống mới và tinh thần Phúc âm đích thực, thì mọi cơ cấu mới mẻ cũng chẳng đem lại hiệu quả gì.

Một khi Phúc-Âm-hóa, truyền giáo là chọn lựa căn bản của Hội Thánh, thì chọn lựa ấy thúc đẩy chúng ta phải thay đổi mọi sự theo viễn tượng loan báo Phúc âm chứ không chỉ để tự vệ và tồn tại. Sự thay đổi này diễn ra trên mọi bình diện.

Trước hết là các giáo xứ, vốn là Hội Thánh sống động giữa con cái Thiên chúa. Điều đó đòi hỏi các giáo xứ phải thật sự quan tâm đến các gia đình và đời sống các tín hữu, kiến tạo bầu khí hiệp thông và tham gia, đồng thời phải huấn luyện các tín hữu thành những sứ giả Phúc âm. Các cộng đoàn cơ bản, các cộng đoàn nhỏ, các đoàn thể và phong trào tông đồ là nguồn phong phú cho đời sống Hội Thánh, nhưng đừng quên là phải gắn kết với giáo xứ và Hội Thánh địa phương trong hoạt động mục vụ chung.

Mỗi Hội Thánh đại phương là Hội Thánh nhập thể tại một nơi, được trang bị đầy đủ những phương thế cứu độ của Đức Kitô, và mang những sắc thái riêng của địa phương. Hội Thánh địa phương phải ra sức rao giảng Phúc âm trong địa phương của mình, do đó phải thường xuyên phân định, thanh tẩy và đổi mới để chu toàn sứ mệnh Phúc-Âm-hóa. Giám mục là người phải thúc đẩy tinh thần truyền giáo trong giáo phận mình, do đó giám mục phải là người đi trước dân để dẫn đường, ở giữa dân để chia sẻ, và đi sau dân để đồng hành với những người bị bỏ lại.

Kể cả Tòa Thánh Roma với những cơ quan trung ương của Hội Thánh cũng cần hoán cải, làm sao để các Hội đồng Giám mục góp phần vào việc thực hiện tính hiệp đoàn nhiều hơn. Chủ trương trung ương tập quyền quá đáng gây trở ngại cho đời sống và nỗ lực Phúc-Âm-hóa của Hội Thánh. Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi tất cả mọi người “kiên quyết và sáng tạo trong nhiệm vụ suy tư lại về những mục tiêu, cấu trúc, mô hình và phương pháp Phúc-Âm-hóa trong cộng đoàn của mình.

3. KHỞI ĐI TỪ TÂM ĐIỂM CỦA PHÚC ÂM

Khi đặt mọi sự trong viễn tượng Phúc-Âm-hóa thì cần suy nghĩ lại cách thế chúng ta truyền đạt sứ điệp Phúc âm. Vấn đề lớn nhất ở đây là nhiều khi sứ điệp chúng ta rao giảng thật ra chỉ là những khía cạnh thứ yếu chứ không phải là tâm điểm của sứ điệp Phúc âm. Sứ điệp Phúc âm phải tập trung vào những gì thiết yếu nhất, đẹp đẽ nhất, vĩ đại nhất và cũng cần thiết nhất. Đó chính là vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại.

Giáo lý Công giáo vẫn vói đến “phẩm trật các chân lý”. Điều quan trọng nhất là đức tin hành động qua đức ái (Ga 5,6), cho nên lòng thương xót là nhân đức vĩ đại nhất, những nhân đức khác quay chung quanh lòng thương xót, và lòng thương xót lấp đầy những khiếm khuyết. Khẳng định này dẫn đến những hệ quả mục vụ quan trọng. Cụ thể là khi rao giảng Phúc âm, phải giữ được sự quân bình, đừng nói quá nhiều về lề luật mà quên ân sủng, nói quá nhiều về Hội Thánh mà quên Đức Kitô. Điều quan trọng nhất là Phúc âm mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, nhìn thấy Chúa nơi tha nhân và tìm kiếm những gì tốt lành nơi họ.

4. THI HÀNH SỨ VỤ TRONG NHỮNG GIỚI HẠN NHÂN SINH

Là Hội Thánh trên đường đi, Hội Thánh cũng cần được lớn lên trong sự hiểu biết đức tin. Vì thế, có nhiều vấn đề trong Hội Thánh cần được nghiên cứu và suy nghĩ cách tự do. Đàng khác, phải không ngừng suy nghĩ về cách trình bày những chân lý bất biến bằng thứ ngôn ngữ mới. Đây là đòi hỏi hết sức cần thiết để có thể thông truyền sứ điệp Phúc âm cho con người ngày nay. Đồng thời đừng quên rằng mọi giáo huấn tôn giáo phải được phản ảnh qua đời sống của người rao giảng, và chỉ khi đó, người nghe mới dễ đón nhận.

Trong tiến trình phân định này, có thể thấy một số tập quán, kể cả những tập quán lâu đời và tốt đẹp, nhưng không trực tiếp liên quan đến tâm điểm của Phúc âm. Cũng có những lề luật hữu ích vào thời điểm trước nhưng không còn hữu ích cho ngày nay. Đừng sợ xem xét lại mọi sự. àm sao để đừng chất gánh nặng lên vai các tín hữu, biến tôn giáo thành một thứ nô lệ và sợ hãi. Goài ra, những người làm công tác mục vụ cần đồng hành với anh chị em mình bằng tất cả tình thương và kiên nhẫn. Các linh mục đừng biến tòa giải tội thành phòng tra tấn, nhưng là nơi gặp gỡ lòng thương xót của Chúa. Mọi người đều cần được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa chạm đến, tình yêu ấy đang hoạt động cách huyền nhiệm nơi mỗi con người

5. MỘT NGƯỜI MẸ VỚI TRÁI TIM RỘNG MỞ

Một Hội Thánh lên đường là một Hội Thánh luôn mở rộng cửa nhà, sẵn sàng đón con cái trở về. Cách cụ thể, không nên đóng cửa nhà thờ, Nhà của Chúa Cha. Không nên đóng chặt cánh cửa các bí tích, đừng biến mình thành những người quản lý các ân sủng cách độc đoán. Hội Thánh là Nhà của Chúa Cha, nơi tất cả mọi người đều có chỗ, với những vấn đề của họ.

Mở rộng cửa mà thôi chưa đủ, Hội Thánh phải đi đến với mọi người, không trừ ai. Nhất là đến với những người nghèo, người đau yếu, người bị khinh miệt, người bị loại trừ. Hãy đi đến với tất cả mọi người và trao tặng cho họ sự sống trong Đức Kitô. Thay vì sợ bị lạc đường, chúng ta hãy sợ điều này: khép kín trong những cơ cấu mang lại cho mình cảm giác an toàn giả tạo, trong những lề luật biến chúng ta thành những thẩm phán hà khắc, trong những thói quen làm cho chúng ta cảm thấy an toàn, đang khi ở cửa nhà mình, người ta đói và Chúa Giêsu không ngừng nói với chúng ta “Hãy cho họ ăn”(Mc 6,37)

CHƯƠNG 2

GIỮA LÒNG CUỘC KHỦNG HOẢNG VỀ DẤN THÂN CỘNG ĐỒNG

Sứ vụ Phúc-Âm-hóa luôn được thi hành trong một bối cảnh sống cụ thể, vì thế chương II của Tông huấn trình bày bối cảnh thời đại ngày nay. Tuy nhiên, đây không phải là một phân tích xã hội học mà đúng hơn là sự phân tích thiêng liêng trrong ánh sáng Phúc âm. Một cách đọc những dấu chỉ của thời đại. Theo đó, từ viễn tượng mục vụ, Tông huấn bàn đến một số yếu tố có thể gây hạn chế và làm suy yếu sự canh tân và tinh thần thừa sai trong Hội Thánh.

1. MỘT VÀI THÁCH ĐỐ TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

Thời đại ngày nay chứng kiến những tiến bộ vượt bực về khoa học và kỹ thuật, tác động trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Thế nhưng phần đông nhân loại lại phải sống vất vả trong bất an, sợ hãi, kể cả trong những nước giàu. Từ đó, Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra những lời kêu gọi.

Hãy nói với nên kinh tế loại trừ và bất bình đẳng! Thế giới ngày nay là thế giới bị thống trị bởi quy luật cạnh trạnh và kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu. Văn hóa ngày nay là văn hóa “vứt bỏ” (throw away). Không chỉ đơn thuần là khai thác và bóc lột nhưng là loại trừ người nghèo khỏi xã hội. Để duy trì lối sống loại trừ người nghèo như thế, người ta hình thành một thứ “toàn cầu hóa về sự vô cảm”, không còn biết thương cảm trước nỗi đau và tiếng kêu của người nghèo, làm như thể đó là trách nhiệm của aii khác chứ không phải của chúng ta.

Hãy nói không với sự thờ phượng tiền bạc! Một trong những nguyên nhân dẫn đến nền văn hóa loại trừ và toàn cầu hóa vô cảm là mối quan hệ của con người với tiền bạc. Tiền bạc đã thành ngẫu tượng mới. Trong thang giá trị, đồng tiền mới chiếm vị trí ưu tiên chứ không phải con người. giá trị của con người là ở sự tiêu thụ chứ không phải nhân phẩm. Từ đó hình thành sự chuyên chế của nền kinh tế phi nhân, và hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo càng lúc càng lớn.

Hãy nói không với hệ thống tài chính thống trị thay vì phục vụ! Đằng sau nền kinh tế phi nhân là sự khước từ đạo đức và khước từ chính Thiên Chúa, vì đạo đức ngăn cản người ta thao túng và hạ thấp phẩm giá của người khác. Phải thấy đạo đức giúp chúng ta xây dựng sự quân bình và trật tự xã hội xứng với phẩm giá con người. Vì thế, việc đổi mới hệ thống tài chính cần quan tâm đến nền đạo đức chân chính, nền đạo đức đề cao phẩm giá con người. Đây là điều cần được các nhà lãnh đạo chính trị quan tâm khi điều hành xã hội.

Hãy nói không với sự bất bình đẳng dẫn đến bạo lực. Bao lâu sự loại trừ và bất bình đẳng trong xã hội và giữa các dân tộc không được giải quyết, thì bấy lâu vẫn còn bạo lực. Nền kinh tế ngày nay một đàng cổ võ sự tiêu thụ vô độ, đằng khác lại đào sâu sự bất bình đẳng. Hậu quả là cấu trúc xã hội bị tổn hại, dẫn đến bạo lực và những xung đột ngày càng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, còn phải kể đến những thách đố khác trong thời đại ngày nay, chẳng hạn những cuộc bách hại các tôn giáo, cách riêng Kitô giáo; sự lan rộng của chủ nghĩa tương đối và dửng dưng tôn giáo. Những điều này không những gây tổn hại cho Hội thánh mà còn cho cấu trúc chung của xã hội. Trong nền văn hóa đang chiếm ưu thế ngày nay, người ta chỉ chú trọng đến cái bên ngoài, cái hữu hình, cái hời hợt và tạm bợ. Chính vì thế, toàn cầu hóa nhiều khi trở thành sự hủy diệt cội rễ văn hóa truyền thống, để thay bằng thứ văn hóa đề cao tiến bộ kinh tế những suy đồi về đạo đức.

Tại nhiều nơi, Hội Thánh phải đối diện với tình trạng phong trào các tôn giáo mới mọc lên như nấm, lôi kéo con cái trong Hội Thánh. Một đằng, đây là phản ứng trước xã hội duy vật chất và tiêu thụ nhằm lấp đầy khoảng trống tâm linh; đàng khác, nó lại khai thác sự yếu đuối của người nghèo. Chính chúng ta cũng có phần trách nhiệm do cơ cấu hoặc bầu khí thiếu thân thiện của cộng đoàn, hoặc do cách điều hành và giải quyết vấn đề.

Ở những nơi khác, tiến trình tục hóa cũng có khuynh hướng giảm thiểu đức tin và Hội Thánh vào lĩnh vực riêng tư của mỗi cá nhân, kèm theo sự cổ võ chủ trương tương đối, phủ nhận những quy luật luân lý khách quan. Để đáp lại, chúng ta cần cung cấp một nền giáo dục giúp suy tư cách phê phán và thúc đẩy những giá trị luân lý đích thực. Dù phải đối diện với nhiều thách đố, tại nhiều quốc gia, Hội Thánh công Giáo vẫn được công chúng nhìn nhận là tổ chức đáng tin cậy, nhân tố tích cực trong việc phục vụ hòa bình, bảo vệ sự sống và quyền con người.

Cuộc khủng hoảng văn hóa ngày nay tác động đặc biệt đến gia đình, vốn là tế bào căn bản của xã hội, nơi con người học sống yêu thương và liên đới, nơi cha mẹ thông truyền đức tin cho con cái. Lối sống theo chủ nghĩa cá nhân làm suy yếu những liên hệ giữa con người với nhau, kể cả giữa những thành viên trong một gia đình, dẫn đến những hậu quả không tốt trong đời sống chung.

Điều cần thiết ngày nay là phải Phúc-Âm-hóa các nền văn hóa, đem tinh thần Phúc âm thấm nhập vào các nền văn hóa. Đòi hỏi này phải được thực hiện trong từng hoàn cảnh khác nhau: những nơi có truyền thống Công giáo lâu đời; những nơi chịu ảnh hưởng của các tôn giáo khác; những nơi đề cao lòng đạo đức bình dân.

Trong các thành phố lớn, xuất hiện nền văn hóa hoàn toàn mới, và đây cũng là nơi cần được Phúc-Âm-hóa. Chính trong những thành phố này, đủ loại hình thức tội phạm diễn ra, người ta sống cô lập với nhau thay vì liên đới. Phúc âm là phương dược chữa lành những cái xấu trong các thành phố, tuy nhiên phải tìm kiếm và sáng tạo những không gian và hình thức mới để đáp ứng nhu cầu mục vụ tại đây.

2. CÔNG TÁC MỤC VỤ VÀ NHỮNG CÁM DỖ PHẢI ĐỐI DIỆN

Hội Thánh góp phần rất lớn trong việc phục vụ nhân loại. Biết bao Kitô hữu hiến cả cuộc đời làm việc trong những môi trường khác nhau: giáo dục thiếu nhi và giới trẻ; chăm sóc người già nua bệnh tật; chăm sóc người nghiện, người bị bỏ rơi. Họ bày tỏ tình yêu vô biên của Chúa cho con người, và chúng ta phải hết lòng biết ơn.

Tuy nhiên, sống giữa lòng thời đại, con cái Chúa cũng có thể bị ảnh hưởng của văn hóa thời đại, gây tổn hại cho công việc mục vụ của mình. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxico lưu ý một vài cám dỗ có thể gây tác động xấu cho người làm mục vụ, và ngài lên tiếng cảnh giác.

Đừng để mình đánh mất nhiệt tình thừa sai! Do tác động của văn hóa thời đại được quảng bá rộng rãi qua các phương tiện truyền thông, nhiều người làm mục vụ mang mặc cảm tự ti đến độ che giấu căn tính Kitô hữu của mình. Từ đó dẫn đến thứ chủ nghĩa tương đối trong thực hành, nghĩa là hành động như thể không có Thiên chúa, đưa ra những quyết định mà không quan tâm đến người nghèo, nhiệt tình thừa sai vơi cạn, chỉ quan tâm đến tự do và thụ hưởng của bản thân mình.

Đừng để mình đánh mất niềm vui rao giảng Phúc âm! Vấn đề ở đây là hoạt động mà không có động lực, thiếu một nền linh đạo có khả năng thấm vào cuộc sống. Từ đó phát sinh sự chai lì và tê liệt trong công việc mục vụ, thể hiện qua nhiều thái độ: lao mình vào những dự án không tưởng; thiếu kiên nhẫn; mơ ước thành công thế gian; làm việc cách vô hồn.

Đừng để mình đánh mất niềm hy vọng! Đức Gioan XXIII từ lâu đã cảnh giác chúng ta về những tiên tri báo họa với lời lẽ đầy bi quan và chủ bại. Làm sao dám chiến đấu nếu không xác tín vào chiến thắng sẽ đến? Nếu chúng ta đánh mất niềm hy vọng thì coi như chưa đánh đã thua rồi và chôn vùi năng lực của mình. Kể cả tại những nơi đang diễn ra tình trạng sa mạc hóa về mặt thiêng liêng, thì cũng đừng quên rằng trong sa mạc, chúng ta khám phá lại giá trị của những gì thiết yếu nhất cho sự sống, và nhân loại đang bước đi trong sa mạc luôn cần đến những con người chỉ tay về Đất hứa.

Đừng để mình đánh mất cộng đoàn! Sự phát triển vượt bực của những phương tiện truyền thông hiện đại có thể là nhịp cầu tuyệt vời của gặp gỡ và tình liên đới nhân loại. Nhưng người ta lại có thể sử dụng những phương tiện ấy để chỉ khép mình trong tiện nghi cá nhân, khước từ những đòi hỏi của tình liên đới. Sự cô lập ấy có thể xuất hiện ngay cả trong đời sống tôn giáo, khi người ta cố tìm một hình thức tôn giáo phù hợp với lối sống nặng chủ nghĩa cá nhân của mình. Linh đạo Kitô giáo phải là linh đạo chữa lành và giải thoát, đồng thời thúc đẩy chúng ta sống tình huynh đệ, phục vụ tha nhân. Hãy tìm gặp Chúa Giêsu nơi khuôn mặt của tha nhân cũng như trong nỗi đau của họ, hãy học chịu đau khổ cùng với Chúa Giêsu khi bị cư xử bất công và vô ơn, và không bao giờ khước từ tình huynh đệ.

Đừng để mình đánh mất những giá trị Phúc âm! Đức Thánh Cha Phanxico nói đến “thói thế gian trong đời sống thiêng liêng”, nghĩa là không tìm vinh quang Chúa mà chỉ tìm vinh quang thế gian và sự thoải mái cá nhân. Thói thế gian này có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức. Có những người quan tâm tỉ mỉ đến phụng vụ và giáo thuyết nhưng lại chẳng hề nghĩ đến tác động của Phúc âm trong đời sống thật của con người. Có người chỉ quan tâm đến điều hành, kế hoạch, thống kê, nhưng mục đích chính lại không phải là dân Chúa mà chỉ là cơ cấu. Nhiệt tình Phúc âm vơi cạn, không quan tâm đến đời sống thực của người dân, chỉ đắm mình vào dự án và kế hoạch!

Đừng để mình đánh mất lý tưởng của tình yêu huynh đệ! Biết bao nhiêu cuộc chiến diễn ra trong nội bộ Dân Chúa. Lý do là vì nhiều người chỉ tìm kiếm quyền lực, uy tín, khoái lạc và an ninh bản thân, rồi tìm cách loại trừ người khác. Đức Thánh Cha Phanxico tha thiết kêu gọi mọi Kitô hữu trên khắp thế giới hãy bày tỏ “chứng tá sáng ngời và cuốn hút về sự hiệp thông huynh đệ”. Hãy cung cấp những chứng tá về sự tha thứ và hòa giải. Hãy đề phòng cơn cám dỗ của sự ghen tị. Hãy xin Chúa giúp chúng ta hiểu được luật yêu thương và sống lý tưởng ấy.

Ngoài ra, Tông huấn còn nói đến một số đòi hỏi khác trong Hội Thánh ngày nay: (1) Đào tạo hàng ngũ giáo dân trưởng thành và nhấn mạnh việc Phúc-Âm-hóa đời sống nghề nghiệp; (2) Tạo nhiều cơ hội hơn cho nữ giới tham gia vào đời sống Hội Thánh (3) Tìm kiếm những phương thức mới cho mục vụ giới trẻ, những người chịu sự thay đổi nhiều nhất do những thay đổi trong xã hội (4) Thúc đẩy ơn gọi linh mục và tu sỉ, đặc biệt qua nhiệt tình tông đồ nơi các linh mục, và tuyển chọn các ứng viên cách kỹ lưỡng.

Kết thúc chương II, Đức Thánh Cha khẳng định: “Thách đố có mặt là để bị vượt qua! Chúng ta hãy sống thực tế, nhưng đừng để mình đánh mất niềm vui, sự vững vàng, sự dấn thân chứa chan hy vọng! Đừng để mình bị tước mất nhiệt tình thừa sai! (số 109)

CHƯƠNG 3

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

1. TOÀN THỂ DÂN CHÚA RAO GIẢNG PHÚC ÂM

Phúc-Âm-hóa là nhiệm vụ của Hội Thánh, và Hội Thánh trước hết và trên hết là một dân đang tiến bước trên đường hành hương, một dân rao giảng Phúc âm. Trong công cuộc Phúc-Âm-hóa, điều phải ghi nhớ là chính Thiên Chúa đi bước trước, và chúng ta chỉ có thể trở thành sứ giả Phúc âm khi đặt mình vào trong sáng kiến của Ngài. Ơn cứu đọ của Thiên Chúa được dành cho hết mọi người. Ngài kêu gọi họ như một Dân chứ không phải những cá nhân đơn độc. Dân được tuyển chọn này là Hội Thánh. Hội Thánh phải là nơi mà tất cả mọi người cảm nhận mình được đón tiếp, yêu thương, tha thứ và được thúc đẩy sống Phúc âm. Quyền năng thánh hóa của Thánh Thần làm việc nơi tất cả những ai chịu Phép Rửa, vì thế mọi thành viên trong Dân Chúa đều phải trở thành nhà truyền giáo. Càng khám phá tình yêu của thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, người môn đệ càng tha thiết với việc Phúc-Âm-hóa. Mỗi người trong chúng ta phải tìm ra cách thế giới thiệu và loan báo Chúa Giêsu cho người khác, ngay trong môi trường sống của mình.

Dân Thiên Chúa nhập thể vào các dân tộc trên thế giới. on người ta luôn sống cụ thể trong một nền văn hóa. Lịch sử Hội Thánh cho thấy Kitô giáo không chỉ được diễn tả trong khuôn khổ một nền văn hóa duy nhất, nhưng phản ánh những dung mạo khác nhau của các nền văn hóa và các dân tộc đã đón nhận Phúc âm. Mọi nền văn hóa đều có thể cống hiến những giá trị tích cực cho việc rao giảng Phúc âm. Chính vì thế, nếu hiểu cho đúng, sự đa dạng về văn hóa không phải là mối đe dọa đối với sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Thánh Thần chính là sự hài hòa, là Đấng tạo nên sự hài hòa đa dạng trong Hội Thánh chứ không phải sự đồng nhất đơn điệu. Do đó không thể áp đặt một hình thức văn hóa đặc thù khi rao giảng Phúc âm.

Cũng ở đây chúng ta thấy rõ năng động truyền giáo của lòng đạo đức bình dân. Lòng đạo đức ấy gắn với văn hóa của dân chúng, bày tỏ khát vọng Thiên Chúa mà chỉ có người nghèo và đơn sơ mới biết, đồng thời được diễn tả bằng những biểu tượng hơn là bằng lý luận. Chỉ nhờ nhận thức phát xuất bởi lòng mến chúng ta mới hiểu được ý nghĩa thần học nơi những việc đạo đức này. Do đó cần phải củng cố và nâng đỡ lòng đạo đức bình dân.

Một hình thức khác là gặp gỡ và đối thoại cá nhân, chia sẻ với người khác về mọi nỗi niềm cuộc sống. Sau đó loan báo Phúc âm với sứ điệp căn bản vè tình yêu Thiên Chúa được tỏ hiện trong Đức Giêsu Kitô, Đấng hiến mạng sống vì chúng ta.

 Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh nên phong phú bằng những đặc sủng khác nhau. Tuy nhiên dấu chỉ chắc chắn về một đặc sủng đích thực là sự hiệp thông với Dân Chúa và vì ích chung.

2. BÀI GIẢNG LỄ

Bài giảng của các linh mục trong thánh lễ có tầm quan trọng đặc biệt vì giúp người nghe gặp gỡ Chúa và thúc đâtr sự canh tân trong đời sống theo tinh thần Phúc âm. Người giảng là khí cụ Thiên Chúa dùng để đến với Dân Ngài và ngỏ lời với họ. Khung cảnh bài giảng là khung cảnh phụng vụ, cho nên bài giảng không phải là bài thuyết trình nhưng là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Dân Ngài. Bài giảng phải mang lại ý nghĩa và sự sống cho cử hành phụng vụ và giúp người ta tiến đến sự hiệp thông sâu xa với Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Hội Thánh là một người mẹ, nên người giảng cũng phải nói với cộng đoàn như người mẹ nói với con, nghĩa là với tất cả tình yêu chăm sóc, biết lắng nghe và quan tâm đến nhu cầu của cộng đoàn, gần gũi với cộng đoàn trong cách nói và diễn tả. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cách Người nói chuyện với dân chúng và giảng dạy họ. Tropng cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, vấn đề không chỉ là thông truyền chân lý mà còn là thông truyền Cái Thiện và Cái Đẹp. Vì thế, bài giảng không phải là bài chú giải Kinh thánh hoặc giáo huấn luân lý mà thôi, nhưng phải khơi dậy cái đẹp của Phúc âm và thúc đấy người ta làm điều thiện. Nhiệm vụ cao quí của người giảng là làm trung gian cho cuộc gặp gỡ giữa hai trái tim: trái tim Thiên Chúa và trái tim con người; do đó người giảng cũng phải nói từ con tim, ở đó không chỉ là những ý tưởng rời rạc mà là tổng hợp của lòng mến.

3. SOẠN GIẢNG

Soạn giảng là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi thời giờ nghiên cứu, cầu nguyện, duy tư và sáng tạo mục vụ. Người giảng cần dành thời giờ đáng kể cho công việc này; nếu không, phải bị coi là thiếu trách nhiệm. Đức Thánh Cha Phanxico cống hiến một phương pháp soạn giảng.

Trước hết, phải tập trung vào bản văn Kinh thánh, nghiên cứu kỹ lưỡng. Điều này phát sinh từ sự kính trọng đối với chân lý và tình yêu của chúng ta với Chúa, với Dân Ngài. Phải chắc chắn là chúng ta hiểu đúng ý nghĩa và sứ điệp chính yếu của bản văn, nghĩa là sứ điệp mà tác giả muốn thông truyền. Để hiểu đúng, chúng ta cũng cần đặt bản văn trong mối liên hệ với toàn thể Kinh thánh, đề phòng những cách giải thích sai lạc và vá víu.

Người giảng phải cá nhân hóa Lời Chúa, nghĩa là bản thân phải tiếp cận Lời Chúa với tâm hồn cầu nguyện, phải xét xem bản thân mình có lớn lên trong Lời mà mình rao giảng không. Ngày nay người ta thích nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, vì thế chính người giảng phải để cho Lời Chúa tác động và nhập thể trong đời sống mình. Dĩ nhiên đời sống chúng ta vẫn có những lầm lỗi nhưng điều quan trọng là ao ước và cố gắng tiến lên trên đường Phúc âm. Về mặt này, lectio divina là điều người giảng cần áp dụng cho chính mình khi soạn giảng.

Cùng với việc lắng nghe Lời Chúa, người giảng phải lắng nghe dân để biết được các tín hữu đang mong được nghe điều gì, để liên kết bản văn Kinh thánh với cuộc sống người dân, để Lời Chúa trở thành ánh sáng hướng dẫn đời sống thường nhật của họ. Công việc này đòi hỏi sự phân định và nhạy bén thiêng liêng để đọc được các sứ điệp của Chúa qua các biến cố.

Ngoài ra phải quan tâm đến cách trình bày bài giảng, không phải để phô trương hay tìm sự nổi tiếng, nhưng phát xuất từ tình yêu Chúa và dân của Ngài, làm sao để dân Chúa đón nhận được Lời Chúa tốt nhất. Hãy tập vận dụng những hình ảnh như người ta nói: “Một ý tưởng, một cảm xúc, một hình ảnh”. Hình ảnh làm cho sứ điệp dễ hiểu, gần gũi, khơi dậy ước muốn và thúc đẩy hành động. Đồng thời, nên giảng cách rõ ràng, mạch lạc và đơn sơ. Nhiều khi người giảng quá quen với những từ ngữ chuyên môn đang khi lại xa lạ với dân chúng. Cuối cùng, nên trình bày bài giảng với cung giọng tích cực hơn là tiêu cực, nhấn mạnh những gì nên làm hơn chỉ là những cấm đoán.

4. DẠY GIÁO LÝ

Các tài liệu của Huấn quyền đã giúp chúng ta hiểu được vai trò nền tảng của kerygma (lời rao giảng đầu tiên) trong việc dạy giáo lý: “Đức Giêsu Kitô yêu bạn, Người hiến dâng mạng sống để cứu bạn, nay Người đâng sống bên bạn mỗi ngày để soi sáng, nâng đỡ và giải thóat bạn”. Được gọi là lời rao giảng đầu tiên vì đó là lời rao giảng chính yếu, và tất cả việc đào tạo Kitô hữu là để đi sâu hơn trong lời rao giảng này. Ngày nay cũng thế, chúng ta cần nhấn mạnh sứ điệp chính yếu nhất là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, sứ điệp này đi trước mọi đòi hỏi khác trong đời sống đạo.

Một khía cạnh khác trong việc dạy giáo lý là nhiệm huấn (mystagogy), bao gồm hai yếu tố chính: một là sự tham gia của tất cả cộng đoàn, hai là khám phá ý nghĩa của những dấu chỉ phụng vụ. Đây là môi trường và phương thế thích hợp giúp các tín hữu lớn lên trong đời sống đức tin. Cũng ở đây, chúng ta khám phá lại “con đường của cái đẹp”. Dạy giáo lý không chỉ là trình bày Sự Thật và Sự Thiện mà còn là Cái Đẹp. Mọi vẻ đẹp đích thực đều có thể dẫn con người đến với Thiên Chúa. Dĩ nhiên là cái đẹp gắn liền với sự thật và sự thiện. Vì thế, nên khuyến khích việc vần dụng nghệ thuật trong công cuộc Phúc-Âm-hóa, bằng cách tìm hiểu kho tàng nghệ thuật của Hội Thánh trong quá khứ cũng như tìm kiếm những dấu chỉ và biểu tượng mới để diễn đạt đức tin.

Nghịch lý của nền văn hóa ngày nay là một đàng con người trở thành vô danh, và đàng khác, người ta lại soi mói chi tiết đời tư người khác chỉ vì tò mò vô bổ. Trong bối cảnh đó, sự đồng hành với các cá nhân là điều cần thiết và là cả một nghệ thuật. Đồng hành thiêng liêng đúng nghĩa phải là sự đồng hành giúp người khác đến gần Chúa hơn. Sự đồng hành này đòi hỏi sự hiểu biết, cẩn trọng, kiên nhẫn và vâng theo Thánh Thần. Cách riêng, cần tập lắng nghe và kiên nhẫn.

Không chỉ khi dạy giáo lý mà trong toàn bộ công cuộc Phúc-Âm-hóa. Lời Chúa phải đóng vai trò trung tâm. Kinh thánh chính là nguồn mạch của Phúc-Âm-hóa. Do đó chúng ta cần được đào tạo thường xuyên trong việc lắng nghe Lời Chúa. Cánh cửa này cũng cần mở ra cho mọi tín hữu, vì thế các giáo phận, giáo xứ và đoàn thể tông đồ phải tạo điều kiện cho việc học hỏi Kinh thánh.

CHƯƠNG 4

CHIỀU KÍCH XÃ HỘI CỦA PHÚC-ÂM-HÓA

1. NHỮNG ÂM HƯỞNG XÃ HỘI CỦA VIỆC RAO GIẢNG PHÚC ÂM

Ở tâm điểm Phúc âm là đời sống cộng đoàn tập trung vào đức ái. Đón nhận sứ điệp cứu độ đòi hỏi đời sống yêu thương huynh đệ với mọi người, nhất là người nghèo. Do đó có mối liên hệ sâu xa giữa Phúc-Âm-hóa và sự thăng tiến của con người, và không thể không quan tâm khi rao giảng Phúc âm.

Phúc âm không chỉ đơn thuần nói đến mối liên hệ cá nhân của chúng ta với Thiên Chúa, nhưng còn nhấn mạnh đến Nước Chúa (x. Lc 4,43), nơi ngự trị của tình yêu huynh đệ, sự công chính, bình an và phẩm giá làm người. Nước Chúa cung cấp cho chúng ta nguyên lý phân định là làm sao hướng tới sự phát triển của tất cả mọi người và là sự phát triển toàn diện.Như thế, nhiệm vụ Phúc-Âm-hóa đòi hỏi phải phục vụ sự phát triển toàn diện nơi mỗi con người. Một đức tin chân chính luôn khao khát biến đổi thế giới, thông truyền các giá trị, làm cho trái đất này tốt đẹp hơn.

Tông huấn này không phải là một thông điệp vầ xã hội nên không bàn đến đầy đủ các vấn đề của xã hội. Đức Thánh Cha Phanxico chỉ muốn tập trung vào hai điều (1) đón tiếp người nghèo trong xã hội, (2) Hòa bình và đối thoại trong đời sống xã hội

2. TIẾP NGƯỜI NGHÈO TRONG XÃ HỘI

Mỗi Kitô hữu cũng như mỗi cộng đoàn đều được kêu gọi trở thành khí cụ của Chúa trong việc giải phóng và thăng tiến người nghèo. “Liên đới” là từ ngữ thông dụng nhưng cần hiểu cho đúng, sự liên đới đích thực đòi hỏi phải thay đổi não trạng để biết suy nghĩ hướng đến ích lợi của cộng đoàn và của mọi người chứ không chỉ riêng cho một số người. Thay đổi cơ cấu mà không thay đổi não trạng thì sơm hay muộn, cơ cấu ấy cũng bại họai.

Việc thay đổi não trạng phát xuất từ ý thức rằng trái đất này là của mọi người và được dành cho tất cả mọi người. Vì thế khi đối diện với tình trạng nghèo khổ của biết bao người trên thế giới, chúng ta phải mở rộng tầm nhìn và lắng nghe tiếng kêu than của người nghèo. Vấn đề cũng không chỉ là cung cấp lương thực cho họ mà còn là giáo dục, chăm sóc y tế, hơn nữa là việc làm.

Kinh thánh nhấn mạnh rất nhiều đến lòng thương xót và việc bố thí như cách thể hiện cụ thể của lòng thương xót. Sứ điệp này hết sức rõ ràng, chúng ta không thể lẩn trốn hoặc tìm cách tưng đối hóa. Cũng từ đây chúng ta hiểu được tại sao nhiều giáo phụ mạnh mẽ lên tiếng chống lại thứ văn hóa tập trung vào sự hưởng thụ ích kỷ trong thế giới ngoại giáo. Do đó, đời sống Kitô hữu phải phản ảnh điều cốt lõi: quan tâm đến những người thấp kém, bị xã hội bỏ rơi.

Thiên Chúa dành tình yêu thương đặc biệt đối với người nghèo đến nỗi chính Ngài đã trở thành một người nghèo, tự đồng hóa mình với họ (x. Mt 25,5 tt.). Đối với Hội Thánh, việc chon lựa người nghèo trước hết là một phạm trù thần học hơn là phạm trù văn hóa, xã hội chính trị. Phạm trù thần học ấy nằm ở chỗ chúng ta tin vào một Đấng Thiên Chúa đã nên nghèo khó vì chúng ta, và nhờ sự nghèo khó của Ngài mà chúng ta nên giàu có. Đây là lý do tôi mong muốn một Họi thánh nghèo và cho người nghèo. Không ai trong chúng ta được miễn chước khỏi trách nhiệm lo cho người nghèo và công bằng xã hội.

Việc phục vụ người nghèo không hệ tại ở những chương trình và hoạt động nhưng trước hết, trong tác động của Thánh Thần, phát xuất từ chỗ cảm nhận được tha nhân là một với chúng ta. Chỉ trên nền tảng này mới có được sự gần gũi chân thành để đồng hành với người nghèo trên đường giải thoát. Cũng từ chỗ này, phải thấy thiệt thòi tồi tệ nhất mà người nghèo phải chịu là thiếu sự chăm sóc thiêng liêng. Tình thương ưu tiên dành cho người nghèo phải trở thành sư ưu tiên trong việc chăm sóc thiêng liêng cho họ

Tình trạng nghèo khó của biết bao người có nguyên nhân là cấu trúc xã hội, những cấu trúc tạo bất công và bất bình đẳng. Các chính sách kinh tế cần được xây dựng theo định hướng phục vụ phẩm giá của mỗi con người và ích chung, chứ không chỉ riêng cho một thiểu số. Muốn thiết lập và thăng tiến công bằng xã hội, vấn đề là không chỉ là tăng trưởng kinh tế mafconf là sự phân phối lợi nhuận công bằng hơn, tạo công ăn việc làm và thăng tiến toàn diện. Đức ái không chỉ là nguyên tắc hành xử trong những tương quan vi mô mà cả trong tương quan vĩ mô. Nền kinh tế ngày nay mang tính toàn cầu. Điều hành kinh tế phải là nghệ thuật xây dựng ngôi nhà chung, hướng đến phúc lợi chung cho mọi người và mọi dân tộc.

Ngày nay, phải chú ý đến những hình thức mới của sự nghèo khổ: vô gia cư, nghiện ngập, tị nạn, thổ dân, người già, di dân. Tệ nạn buôn bán người nói chung, phụ nữ nói riêng, là cả một thảm họa. Hội Thánh cũng quan tâm đặc biệt đến các thai nhi, những người vô tội và yếu ớt nhất. Việc bảo vệ thai nhi gắn liền với việc bảo vệ quyền con người, phát xuất từ xác tín rằng mỗi con người đều có phẩm giá thiêng thánh và bất khả xâm phạm, trong bất cứ hoàn cảnh nào và bất cứ giai đoạn nào của đời sống. Chính vì nền tảng này mà Hội Thnahs sẽ không thay đổi lập trường trong vấn đề này.

Nhìn rộng ra toàn thể tạo thành, chúng ta không những có bổn phận phục vụ con người mà phải phục vụ toàn thể tạo thành, nhất là trong thời đại con người khai thác thiên nhiên không thương xót và để lại biết bao hậu quả thảm khốc cho nhân loại nói chung. Như thánh Phanxicô Assisi, tất cả chúng ta được kêu gọi chăm sóc và bảo vệ thế giới mong manh mà chúng ta và mọi dân tộc đang sinh sống

3. CÔNG ÍCH VÀ HÒA BÌNH TRONG DỜI SỐNG XÃ HỘI

Hòa bình không chỉ đơn thuần là vắng bóng chiến tranh, cũng không thể viện cớ giữ hòa bình để biện minh cho cơ cấu bất công chỉ có lợi cho thiểu số. Nếu hòa bình không phải là kết quả của sự phát triển toàn diện thì rồi nó sẽ tàn lụi và nhường chỗ cho những hình thái bạo lực mới. Việc xây dựng hòa bình phải dựa trên 4 nguyên lý sau đây:

Thứ nhất, thời gian lớn hơn không gian. Nguyên lý này giúp chúng ta tiến hành công việc chậm mà chắc, không để mình bị cám dỗ về những kết quả tức thời. Một trong những sai lầm trong hoạt động chính trị-xã hội là coi không gian và quyền lực lớn hơn thời gian và tiến trình. Nguyên lý này cũng phải được áp dụng cho Phúc-Âm-hóa. Nghĩa là phải quan tâm đến tầm nhìn lớn và đường dài nhiều hơn là những thành công trước mắt.

Thứ hai, hiệp nhất lớn hơn xung đột. khi xảy ra xung đột,có người khép mắt lại như không nhìn thấy, người khác lại lao vào đến đọ chính mình trở thành tù nhân của xung đột. Phương thế tốt nhất là đối diện với nó và tìm cách giải quyết bằng một chuỗi tiến trình. Điều qun trọng là phải vượt lên trên bề mặt của xung đột để biết nhìn nhau như những con người và tôn trọng nhau. Khi đó chúng ta khám phá sự hiệp nhất lơn hơn là xung đột, đồng thời gốc rể của hòa giải là ở chính tâm hồn chúng ta. Chúa Thánh Thần là chính sự hài hòa và Ngài có thể hóa giải mọi khác biệt.

Thứ ba, thực tế lớn hơn ý tưởng. Nguyên lý này mời gọi chúng ta vớt bỏ những gì che giấu thực tại. Những ý tưởng không gắn với thực tại thường dẫn đến chủ nghĩa duy ý chí hay duy danh. Ngược lại, cái thúc đẩy chúng ta hành động là chính thực tại được lý trí soi sáng. Với Kitô hữu, nguyên lý này được khơi nguồn từ mầu nhiệm Nhập Thể, ở đó Lời đã thành xác phàm và nên hình hài cụ thể chứ không chỉ là ý tưởng trừu tượng. Cũng vì thế, nếu áp dụng nguyên lý này vào Phúc-Âm-hóa, thì việc rao giảng Phúc âm thúc đẩy chúng ta phải thực hành Lời mà mình rao giảng, thực thi công bằng và bác ái.

Thứ tư, toàn thể lớn hơn từng phần. Ngày nay, cần quan tâm đến cái toàn cầu để không bị bó hẹp trong tầm nhìn địa phương. Nguyên lý này cũng mời gọi chúng ta đừng quá bận tâm đến những cái vụn vặt mà mất đi tầm nhìn tổng thể. Trong việc rao giảng Phúc âm, cần phải quan tâm đến tính toàn diện và toàn thể của sứ điệp Phúc âm

4. ĐỐI THOẠI ĐỂ XÂY DỰNG HÒA BÌNH

Phúc-Âm-hóa cũng mời gọi dấn bước trên đường đối thoại. Ngày nay, Hội Thánh cần đối thoại với nhà nước, với xã hội và với các tôn giáo khác.

Hội Thánh mong muốn hợp tác với các nhà cầm quyền, trên bình diện quốc gia và quốc tế, để gìn giữ và phát huy công ích. Mọi Kitô hữu đều phải trở thành những người kiến tạo hòa bình và chứng tá đáng tin của sự hòa giải. Trong cuộc đối thoại với xã hội, Hội Thánh không có giải pháp cho những vấn đề riêng, nhưng Hội Thánh hỗ trợ tất cả những chương trình phục vụ nhân phẩm và những giá trị nền tảng của đời sống con người.

Cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin cũng thuộc sứ mệnh Phúc-Âm-hóa. Con đường Hội Thánh đề nghị là tìm kiếm sự tổng hợp giữa việc sử dụng đúng đắn những phương pháp riêng của khoa học, với những lãnh vực nhận thức khác như triết học và thần học. Tổng hợp này sẽ mở ra những chân trời mới cho suy tư và những khả thể mới cho lý trí. Đôi khi một vài nhà khoa học vượt quá giới hạn của mình để đưa ra những tuyên bố cổ võ cho một hệ ý thức hơn là chính chân lý khoa học, và ngăn cản nẻo đường đối thoại chân chính.

Đối thoại đại kết là sự đáp lại lời cầu xin của Chúa Giêsu: “Xin cho chúng con nên một” (Ga 17,21). Tất cả các Kitô hữu cùng đồng hành trên một con đường, phải tin tưởng nhau và hướng mắt đến mục đích chung là dung nhan Thiên Chúa. Cuộc đối thoại này sẽ làm cho Kitô giáo trở nên đáng tin hơn và góp phần phục vụ sự hiệp nhất nhân loại. Đòi hỏi này lại càng khẩn thiết hơn khi nhìn vào sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, cách riêng tại châu Phi và châu Á.

Với Do Thái giáo, chúng ta không thể nhìn Do Thái giáo như một tôn giáo xa lạ, bởi lẽ cùng với họ, chúng ta tin vào Đấng Thiên Chúa đang hoạt động trong lịch sử và đón nhận Lời của Ngài. Cùng với họ, chúng ta chia sẻ nhiều giá trị về mặt luân lý, đồng thời có sự bổ túc phong phú khi cùng nhau lắng nghe và học hỏi Lời Chúa.

Đối thoại với các tôn giáo khác là đòi hỏi cần thiết để xây dựng hòa bình. Phải có sự cởi mở trong chân lý và tình yêu, nhờ đó chúng ta học biết đón nhận người khác cũng như cách suy nghĩ và cách sống của họ, cùng nhau phục vụ công lý và hòa bình. Trong cuộc đối thoại này, cần thấy mối liên hệ thiết yếu giữa đối thoại và loan báo. Đối thoại đích thực chỉ có khi chúng ta vững vàng xác tín, vui tươi trong căn tính của mình, đồng thời mở ra để đón nhận và hiểu biết người khác. Cách riêng, mối quan hệ với Hồi giáo có tầm quan trọng đặc biệt. Cần tránh những ngộ nhận khi phổ quát hóa hành động bạo lực của một vài nhóm với chính Hồi giáo, vì Hồi giáo chân chính và kinh Coran chống lại mọi hình thức của bạo lưc.

Ngoài những cuộc đổi thoại trên, Tông huấn còn quan tâm đến quyền tự do tôn giáo, được nhìn như quyền căn bản của con người. Không thể chỉ coi tôn giáo là chuyện riêng tư của mỗi cá nhân, giới hạn tôn giáo trong nhà thờ hay chùa chiền, và loại trừ tôn giáo khỏi đời sống công của xã hội. Một số người, vì bị cận thị trong lĩnh vực tôn giáo, chỉ tìm cách khai thác một số khiếm khuyết trong các tôn giáo rồi thổi phồng hoặc phổ quát hóa, tạo những cái nhìn tiêu cực về tôn giáo. Với những người không nhìn nhận mình thuộc bất cứ tôn giáo nào nhưng vẫn thành tâm tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ, Hội thánh vẫn gần gũi với họ và ước mong đối thoại trong sự tìm kiếm siêu việt. Đây cũng là đòi hỏi cần thiết trên đường kiến tạo hòa bình.

CHƯƠNG 5

NHỮNG SỨ GIẢ ĐẦY TRÀN THÁNH THẦN

Trong chưng cuối cùng của Tông huấn, Đức Thánh Cha Phanxico cho biết ngài không có ý định trình bày một tổng hợp về linh đạo Kitô giáo, nhưng chỉ muốn chia sẻ một vài suy nghĩ về tinh thần của Tân Phúc-Âm-hóa. Công cuộc Phúc-Âm-hóa tràn đầy Thánh Thần có nghĩa là công cuộc ấy được hướng dẫn bởi Thánh Thần, là linh hồn của Hội Thánh.

1. NHỮNG LÝ DO THÚC ĐẨY TINH THẦN TRUYỀN GIÁO

Những sứ giả tràn đầy Thánh Thần là những sứ giả vừa cầu nguyện vừa làm việc. Phải có cả hai. Một đàng, phải vun trồng đời sống nội tâm, nhờ đó mang lại ý nghĩa và sức sống cho hoạt động. không có những thời giờ dành cho việc thờ phượng, gặp gỡ Chúa, trò chuyện với Chúa, công việc của chúng ta sớm trở thành vô nghĩa. Đằng khác, phải cảnh giác trước thứ linh đạo nặng cá nhân chủ nghĩa, chẳng tha thiết gì dến những đòi hỏi của đức ái. Hãy nio gưng các thánh,khám phá lại một vài lý do thiết yếu cho sự dấn thân rao giảng Phúc âm.

Lý do trước hết chính là tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta, và nếu chúng ta yêu Chúa thì làm sao lại không cảm nhận nhu cầu nói về Chúa cho anh chị em mình! Càng chiêm ngắm tình yêu ấy, chúng ta càng được thúc đẩy rao giảng Phúc âm của Chúa cho người khác, cho nên cần phải khơi lại cảm nhận về tình yêu Chúa nơi lòng mình. Phúc âm đáp ứng những khát vọng sâu thẳm nơi lòng chúng ta cũng như nơi mọi người. Đôi khi nhiệt tình thừa sai nơi chúng ta yếu kém là vì không còn xác tín vào điều đó nữa. Để xác tín ấy luôn mạnh mẽ, cần phải thường xuyên cảm nếm tình bạn của Chúa Giêsu và sứ điệp của Người. Niềm say mê sứ vụ không phải chỉ là một phần trong đời sống mà là toàn bộ đời sống, cắm rễ sâu trong tâm hồn. Một khi không còn xác tín, không còn nhiệt tâm, chúng ta chẳng thuyết phục được ai.

Khi kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ tìm kiếm điều Người tìm kiếm và yêu mến những gì Người yêu mến. Điều Chúa Giêsu tìm kiếm là vinh quang của Chúa Cha. Đây cũng là động lực sâu xa và lớn lao nhất của công cuộc Phúc-Âm-hóa. Chúng ta rao giảng Phúc âm để phục vụ vinh quang Chúa, Đấng yêu thương chúng ta.

Chúa Giêsu yêu thương con người. Cũng thế, sứ giả Phúc âm là người say mê Chúa Giêsu và say mê con người. Chúa muốn dùng chúng ta để đến gần với Dân Chúa hơn. Thế nên, chính Chúa là mẫu mực trong phương pháp rao giảng Phúc âm: gần gũi với dân, hòa đồng với mọi người, nhạy bén trước nhu cầu của họ. Theo gương mẫu đó, sứ giả Phucsaam phải bước vào lòng đời, chia sẻ đời sống với mọi người, lắng nghe những nhu cầu của họ, nâng đỡ họ về vật chất và tinh thần, chứ không chỉ khép kín trong sự an toàn của cá nhân.

Khi rao giảng Phúc âm, chắc chắn chúng ta sẽ gặp những đối kháng, và thánh Phêrô dạy chúng ta phải nói cho mọi người biết lý do niềm hy vọng của mình. Tuy nhiên, không phải với thái độ hung hăng mà là với sư kình trọng, hiền hòa (1Pr 3.15), lấy thiện thắng ác (Rm 12,21). Chúa Giêsu không muốn các môn đệ rao giảng Phúc âm với thái độ kẻ cả như người ban phát ân huệ, nhưng như một người ở giữa anh em mình. Khi chúng ta sống nền linh đạo gần gũi với mọi người và tìm kiếm những điều tốt lành chộh, tâm hồn chúng ta càng mở rộng để đón nhận những ân huệ tuyệt hảo của Chúa.

Nếu thiếu đời sống thiêng liêng sâu xa, sứ giả Phúc âm để rơi vào thái độ tiêu cực, bi quan, chán nản. Chúng ta cần khơi dậy kinh nghiệm của các môn đệ đầu tiên: “Chúa làm việc với họ và củng cố sứ điệp” (Mc 16,20). Ngày nay cũng thế, Đức Kitô Phục sinh vẫn đồng hành và nâng đỡ sứ vụ của chúng ta, Phục sinh không chỉ là một biến cố thuộc quá khứ, nhưng quyền năng của Đấng Phục sinh thấm nhập vào toàn thể thế giới. Dù bên ngoài có những dấu hiệu của chết chóc thì những dấu hiệu của phục sinh vẫn bất ngờ xuất hiện.

Khi thi hành sứ vụ, chắc chắn luôn có những khó khăn từ bên ngoài và cả từ bên trong. Chúng ta có kinh nghiệm về thất bại cũng như về những giới hạn của nhân loại. Thế nhưng tin vào Chúa là dám tin rằng Chúa không bao giờ bỏ rơ chúng ta, và Ngài có thể dùng quyền năng và sự sáng tạo vô hạn của Ngài để rút ra điều lành từ sự dữ. Tin vào Chúa là dám tin rằng Nước Chúa đã hiện diện trong thế giới này và đang lớn lên bằng nhiều cách thế khác nhau. Đức Kitô Phục sinh luôn gieo những hạt mầm của thế giới mới cách kỳ diệu, vượt trên những suy tưởng của chúng ta. Đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng.

Niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh đi đôi với niềm tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng hoạt động trong thế giới này như Ngài muốn và nơi Ngài muốn. Sứ vụ Phúc-Âm-hóa không giống như việc đầu tư tài chính, kể cả hoạt động nhân đạo, cho nên không thẻ đo lừng kết quả theo kiểu con người. Sứ vụ ấy ở một mức sâu hơn, vượt trên những tính toán. Phần chúng ta, hãy can đảm và kiên trì tiến bước, trong niềm tín thác vào Chúa Thánh Thần, Đấng nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta (Rm 8,26). Chính vì thế, phải không ngừng cầu khẩn Thánh Thần.

Một trong những hình thức cầu nguyện phải quan tâm là lời kinh chuyển cầu. Lời kinh này hàm chứa tâm tình tạ ơn Chúa về những ơn lành Chúa ban cho người khác, đồng ifphats xuất từ tâm hồn biết quan tâm đến nhu cầu của tha nhân. Có thể nói rằng Chúa sẽ “động lòng” trước lời khẩn cầu của chúng ta, để quyền năng, tình yêu và sự trung tín của Ngài được bày tỏ rõ nét nơi dân Ngài.

2. ĐỨC MARIA MẸ CỦA CÔNG CUỘC PHÚC-ÂM-HÓA

Trên thập giá, trong giây phút quyết định, Chúa Giêsu đã nói với Đức Mẹ: “Đây là con của Bà” và nói với người môn đệ : “Đây là mẹ của anh” (Ga 19,26-27). Những lời này không chỉ bày tỏ mối quan tâm và tình yêu của Chúa Giêsu với Đức Maria, mà còn bày tỏ mầu nhiệm của sứ vụ cứu độ. Chúa Giêsu không muốn chúng ta bước đi trong hành trình đức tin mà không có Mẹ. Giữa Đức Maria, Hội thánh và từng chi thể trong Hội thánh, có mối liên kết sâu xa.

Đức Maria là người nữ mạnh mẽ trong đức tin, chấp nhậ để Chúa Thánh Thần hướng dẫn toàn bộ cuộc đời, xin Mẹ giúp chúng ta trong việc loan báo sứ điệp cứu độ cho mọi người. Trong hành trình truyền giáo, không khỏi có những lúc khô khan, tối tăm, mệt mỏi. Chính Đức Maria cũng đã trải nghiệm những thử thách và khó khăn đó, xin Mẹ giúp chúng ta kiên cường bước tới trong hành trình đức tin.

Nơi Đức Maria, chúng ta khám phá cuộc cách mạng của tình yêu và sự dịu dàng. Khiêm tốn và dịu dàng không phải là thái độ của kẻ yếu, trái lại là đức tính của những người mạnh mẽ trong đức tin và lòng mến. Nơi Mẹ cũng hội tụ đời sống chiêm niệm và hành động, cầu nguyện và quan tâm đến tha nhân. Tất cả làm nên mô hình lý tưởng – mô hình Maria – cho các sứ giả Phúc âm. Vì thế, Tông huấn kết thúc bằng lời cầu nguyện thiết tha dâng lên Đức Maria, được xưng tụng là người mẹ của Phúc âm, suối nguồn hạnh phúc của những tâm hồn bé nhỏ, để xin cho niềm vui Phúc âm vang vọng đến tận cùng trái đất.