Canh tân đời sống kỷ luật và nghệ thuật đồng hành (II)

(gpquinhon.org) Thứ tư - 08/10/2014 04:43

V. ĐỀ NGHỊ

1. Giảm nhẹ hình phạt - bãi bỏ tục lệ không thích hợp

Như chúng ta biết, ngoài những chế tài do giáo luật quy định, luật địa phương cũng có thể có những biện pháp khác phù hợp với địa phương mình. Trong giáo phận chúng ta hiện nay cũng có một số quy định chung và tại một số giáo xứ cũng đang áp dụng những tục lệ riêng trong giáo xứ của mình nữa. Chẳng hạn, có giáo xứ cha sở không dâng lễ cho người tự tử; cấm xưng tội rước lễ kéo dài quá lâu so với quy định; dứt khoát không bao giờ xét việc chuẩn hôn nhân khác đạo, bó buộc phải cử hành hôn phối phía bên nữ mà không cần xét hoàn cảnh; tuyên bố hay bắt thú công khai quá nặng nề về việc treo tòa những người trong gia đình có con gái “không chồng mà chửa”… Tuy nhiên theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta “đừng sợ việc xét lại” những thể chế, các tục lệ và quy định về hình phạt trong giáo phận.

Giám Mục giáo phận có thể xem xét để thống nhất các biện pháp liên quan đến hình phạt để áp dụng cho toàn giáo phận. Điều nầy cũng có nghĩa là sẽ cương quyết bãi bỏ hay thay đổi các tục lệ tại các giáo xứ hiện nay mà không còn phù hợp hay trái giáo luật và quy định của giáo phận[1].

2. Đào tạo nhân sự có “nghệ thuật đồng hành” 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định việc đồng hành không chỉ là mối bận tâm của một số người có trách nhiệm nhưng phải là mọi thành phần dân Chúa: Giám Mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân[2]. Vấn đề là phải đào tạo những người thích hợp cho việc đồng hành nầy được hữu hiệu hơn.

Trong việc việc đào tạo các ứng sinh linh mục, việc đồng hành hay linh hướng cũng là một vấn đề lớn hiện nay. Chủng viện chúng ta sẽ cố gắng từng bước để giúp các chủng có một “nghệ thuật đồng hành”. Tuy nhiên, trước hết xin quý cha cộng tác đồng hành một cách có nghệ thuật với các chủng sinh trong toàn bộ quá trình đào tạo, nhất là các cha giáo, cha sở, cha đỡ đầu, cha bảo trợ, cha bà con trong dòng tộc…

Tại các giáo xứ hôm nay, nhân sự luôn là mối bận tâm lớn lao, khi mà người trẻ đi học hành và làm ăn xa, còn lại ở giáo xứ phần lớn người già và trẻ em. Tuy nhiên trong việc đào tạo nhân sự thích hợp cho việc đồng hành thì có vẻ những vị giáo dân lớn tuổi có gia đình và kinh nghiệm sống lại tỏ ra thích hợp, ngay cả những người khuyết tật nữa. Thực vậy, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói nghệ thuật đồng hành đòi hỏi có những điều cần thiết: vững vàng, gần gũi, cảm thông và khích lệ, có kinh nghiệm bản thân, thận trọng, kiên nhẫn và ngoan ngoãn vâng nghe Chúa Thánh Thần… Những đòi hỏi nầy có lẽ giới trẻ khó đáp ứng hơn là những người đã từng trải qua sự thăng trầm về đức tin cũng như đời sống gia đình và xã hội.

Sau nữa, nên nhớ «điều rõ ràng là việc huấn luyện cho anh chị em giáo dân … và đồng hành với họ trên con đường đức tin, phải là một trong những mối bận tâm chính yếu của linh mục»[3].

3. “Đồng hành online”

Ngày nay trong thương mãi, để giữ khách hàng lâu dài người ta người ta sử dụng nhiều cách khác nhau như chương trình “chăm sóc khách hàng”, “hậu mãi”, gởi email, gởi thư, gởi tài liệu, gởi tín nhắn, gọi điện thoại nhắc nhớ, đưa ra chương trình khuyến mãi, ưu đãi những khách hàng trung thành, tích lũy điểm thưởng… Trong đó người ta sử dụng rất tốt những phương tiện truyền thông hiện đại để tiếp cận và “đồng hành”, lôi cuốn và giữ chân khách hàng. Bên cạnh đó chúng ta cũng thấy các hãng điện thoại đều có những dịch vụ hữu ích có các nhân viên trực 24/24 giờ, với giọng nói thích hợp tùy theo đối tượng hay nội dung của dịch vụ: như đọc chuyện, kể chuyển, giải đáp thắc mắc, trả lời những thông tin xã hội và kiến thức phổ thông,… Đó chỉ là một vài ích lợi của truyền thông hiện đại và cũng gợi lên cho chúng ta cách sử dụng phương tiện truyền thông trong việc đồng hành mục vụ.

Chúng ta phải thừa nhận những tiện ích của các phương tiện truyền thông hiện đại và cần nắm bắt sử dụng chúng thích hợp theo từng mục đích của mình. Chẳng hạn, đối với chúng ta, «ngày nay, khi các mạng và các phương tiện truyền thông đã đạt những bước tiến bộ chưa từng có, chúng ta cảm nhận một thách thức phải tìm ra và chia sẻ một ‘khoa thần bí’ của việc sống chung với nhau, hòa mình và gặp gỡ, đón nhận và nâng đỡ lẫn nhau, lao mình vào giòng thác này, giòng thác hỗn mang nhưng có thể trở thành một trải nghiệm đích thực về tình huynh đệ, một giòng người thể hiện tình liên đới, một cuộc hành hương thánh. Như thế những khả thể của truyền thông càng lớn thì càng trở thành những khả thể lớn cho sự gặp gỡ và tình liên đới với mọi người. Ra khỏi mình để hoà vào với người khác là điều tốt cho chúng ta. Tự đóng kín mình là nếm cảm vị đắng độc hại của tính tự tại, và loài người sẽ trở nên tồi tệ hơn vì mỗi một chọn lựa ích kỷ của chúng ta»[4].

Thế giới chúng ta đang sống dường như dựa vào kỹ thuật truyền thông để khẳng định sự hiện diện của mình. Ngày nào còn online là ngày đó còn hiện hữu, ngày nào hết online coi như đã mất. Bởi vậy chúng ta cũng nên nghĩ đến một hình thức “đồng hành online”. Hiện nay hầu hết các cha đều có iphone, giáo xứ, cộng đoàn đều có nối kết internet. Trong việc đồng hành chúng ta sử dụng những phương tiện ấy để phục vụ cho mục vụ đồng hành một cách nhanh chóng, nhiều đối tượng và bất kỳ ở đâu. Có như vậy, người được đồng hành cảm thấy mình không bị rơi vào quên lãng và họ không còn cảm thấy một sự ngăn cách lớn lao bởi không gian và thời gian hay về tuổi tác. Trước mắt, chúng ta đừng thường xuyên ở “ngoài vùng phủ sóng” một cách có chủ đích vì sợ phiền toái, trái lại, cần sẵn sàng hy sinh thời giờ để có thể “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” hầu giúp những ai gọi đến chúng ta tìm một sự giải đáp, một sự giúp đỡ, một lời an ủi, tìm thông tin,…

Dù có những ích lợi to lớn, nhưng những phương tiện truyền thông cũng có cả những mối nguy nếu chúng ta lạm dụng chúng. Bởi vậy khi nghĩ đến việc “đồng hành online” chúng ta cần hết sức thận trọng để tránh tình trạng chỉ sống trong “thế giới số” mà thôi. Một sự “đồng hành ảo” trong không gian kỹ thuật số thuần túy cũng có thể dẫn đến những thất vọng khi dối diện với thực tế. Và hơn nữa, khi sống trong thế giới số, nhiều kinh nghiệm thực tế cho thấy người ta rất dễ nói dối và có khi thành thói quen gian dối mà không ý thức đó là một tội. Sử dụng phương tiện truyền thông để hỗ trợ chứ không phải thay thế cho sự đồng hành trực tiếp hay các cuộc thăm viếng và gặp gỡ cá nhân.

4. Thánh lễ cầu nguyện và an táng tại tư gia 

Chúng ta biết rằng linh mục là người sẽ phải đồng hành với người khác suốt chặng đường cuộc sống với biết bao biến cố vui buồn và tới tận ngưỡng cửa của cái chết của họ[5]. Trong quá trình đó, không thể thiếu những công việc mà chỉ có người linh mục mới có khả năng trao ban cho họ đó là các bí tích, đặc biệt là thánh lễ. Cử hành thánh lễ cầu nguyện hay an táng tại tư gia khi hoàn cảnh cho phép là một niềm vui và an ủi rất lớn với những người gặp hoàn cảnh đáng thương. Kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy đó cũng là dịp để truyền giáo rất tốt.

Việc cử hành thánh lễ tại tư gia có thể coi là một trường hợp được giáo luật quy định tại điều 932§1: «Phải cử hành Thánh Thể trong một nơi thánh, trừ khi nhu cầu đòi hỏi cách khác trong một trường hợp đặc biệt; trong trường hợp này, phải cử hành ở một chỗ tôn nghiêm»[6].

Gần đây, trước nhu cầu thực tế nhiều cha trong giáo phận ước muốn Giám Mục giáo phận cho phép rộng rãi hơn việc cử hành thánh lễ cầu nguyện và an táng tại tư gia khi hoàn cảnh cho phép, đặc biệt là tại những vùng truyền giáo. Chẳng hạn trong trường hợp ban bí tích xức dầu hay cho rước lễ như của ăn đàng, linh mục được phép cử hành thánh lễ tại tư gia theo quy định chung[7]. Tương tự, đối với bệnh nhân đau yếu lâu dài, không thể đến nhà thờ bình thường được thì cha sở cũng nên thu xếp để có thể cử hành thánh lễ tại tư gia một đôi lần trong năm. Ngoài ra phải kể đến dịp giỗ chạp, và đặc biệt lễ an táng nơi vùng khó khăn và xa xôi.

Trong các cử hành thánh lễ tại tư gia, các linh mục cần khôn ngoan và trong tinh thần của một người mục tử, xét hoàn cảnh thực tế để tránh những bất tiện cho người giáo dân, ví dụ như tốn kém, phiền nhiễu, ảnh hưởng lớn đến công ăn việc làm, bị chính quyền gây khó dễ… 

5. Một số thánh lễ được phép đồng tế

Ngoài những Thánh lễ được phép đồng tế theo qui định chung của Giáo Hội[8] và của giáo phận xưa nay[9], Đức Giám Mục giáo phận có thể xem xét cho phép đồng tế một số Thánh lễ trong những dịp đặc biệt khác liên quan đến các linh mục và tu sĩ nam nữ mà trong thực tế bên Âu Mỹ lại rất dễ dàng, ngay cả đối với gia đình có mối quan hệ thân quen với linh mục, tu sĩ. Trong giáo phận chúng ta thiết nghĩ Đức Giám Mục có thể cho phép được đồng tế thánh lễ hôn phối hay an táng người bà con theo quan hệ huyết tộc (consanguinitas)[10] với linh mục hay tu sĩ. Cụ thể như sau:

- Huyết tộc trực hệ (hàng dọc) bậc hai và bậc ba: Ông Bà nội, Ngoại, ông bà cố Nội-ngoại.

- Huyết tộc bàng hệ (hàng ngang):

+ Bậc hai (anh, chị, em ruột);

+ Bậc ba (cô dì, chú bác ruột);

+ Bậc bốn (anh chị em con cô, con dì, con chú bác).

Ít ra có thể xét bà con huyết tộc bậc ba với linh mục, tu sĩ.

Thực vậy, trong năm đức ái, chúng ta cần có những thay đổi tích cực theo chiều hướng nâng đỡ, quan tâm nhau nhiều hơn. Việc được phép những thánh lễ đồng tế vừa nêu trên cũng rất phù hợp với ý nghĩa của sự đồng hành, đặc biệt là của Giám Mục đối với hàng linh mục và tu sĩ trong giáo phận của mình. Hơn nữa, xét hoàn cảnh xã hội ngày nay cũng khác xưa. Nếu trước đây, các gia đình có nhiều con là điều bình thường, thì bây giờ, dù không bị cấm đoán khắc khe đi nữa thì các gia đình trẻ không muốn sinh nhiều con, mà họ chỉ theo cách nghĩ đơn giản rằng “gia đình hai con, vợ chồng hạnh phúc” là được; “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”. Gia đình ít con, tình anh em ruột thịt lại cần được nâng đỡ nhiều hơn, nhất là gia đình có người đi tu. Đây cũng là cách để khích lệ các gia đình công giáo sinh nhiều con và dâng con cho Chúa trong đời thánh hiến. Sau nữa, có lẽ đây cũng chính là điều nhiều linh mục trong giáo phận đều mong muốn.

Dĩ nhiên cần xét hoàn cảnh cụ thể để tránh gương xấu hay sự lạm dụng khoe khoang không đáng có trong việc tổ chức thánh lễ đồng tế.

KẾT LUẬN

Thật thích hợp khi chúng ta học hỏi tông huấn Evangelii Gaudium vì có nhiều chỉ dẫn quý giá cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa của giáo phận, cách riêng là trong năm gia tăng đức ái nầy. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: «Các thách thức xuất hiện là để bị vượt qua!»[11]. Canh tân đời sống kỷ luật và đạt tới nghệ thuật đồng hành là hai trong nhiều cách thức giúp chúng ta vượt qua thách thức và đạt tới sự tăng trưởng đời sống Kitô hữu.

1. Trước hết, về việc canh tân đời sống kỷ luật, nếu chúng ta không hiểu rõ ý nghĩa và áp dụng máy móc luật lệ của Giáo Hội, chúng có thể trở thành những gánh nặng hay vật cản cho ân sủng đến với người khác. Những gì giáo luật cho phép cách riêng về đặc ân thì cần giải thích và áp dụng rộng rãi, còn những gì cấm đoán, trừng phạt thì phải giải thích chặt chẽ và áp dụng đúng giới hạn[12]. Một nguyên tắc đã được các nền pháp chế dân chủ chấp nhận: “nulla poena sine lege” (không ai bị phạt nếu không có luật) nhằm tránh sự độc đoán của nhà cầm quyền. Nguyên tắc nầy cũng được giáo luật thừa nhận[13] và chúng ta cần lưu ý khi áp dụng.

Thực tế, có khi chúng ta đang áp dụng cách xã hội đang làm là “quản không được thì cấm”. Đôi khi vì nghĩ rằng giáo dân lạm dụng sự rộng rãi mà giáo luật cho phép nên chúng ta không cho họ biết rõ, thậm chí cấm và cho rằng như thế cộng đoàn sẽ ổn định hơn, giáo dân vì sợ sẽ lo răm rắp tuân theo, giáo xứ sẽ nề nếp hơn. Ta thấy Đức Thánh Cha đã nói: đừng sợ xét lại chúng và đừng đóng kín mình, đừng lui về nơi an toàn của mình, trong “lâu đài giáo xứ bất khả xâm phạm” của mình và bằng lòng với cơ chế của mình.

Sống và tuân giữ lề luật là cách chúng ta làm gia tăng đức ái vì nó thể hiện sự nghiêm túc của chính mình cũng như sự tôn trọng và yêu thương đối với người khác. Thánh Phaolô khẳng định «yêu thương là chu toàn lề luật»[14]. Nếu thực sự yêu thương nhau thì «cộng đoàn không phải là nơi kết tội, bởi vì “kẻ kết tội anh em mình đã bị loại ra ngoài (Kh 12,10)»[15]. Người Kitô hữu «hãy học hỏi, và có thể nói, hãy yêu mến giáo luật vốn cần thiết và thiết thực: một xã hội không có luật sẽ là một xã hội thiếu các quyền. Luật là điều kiện của tình yêu»[16].

2. Tiếp đến, về sự đồng hành, đó là một trong những cách để chúng ta vượt qua thách đố, vượt lên «tính hoài nghi, thói quen nghi kỵ lẫn nhau, sợ mất cái riêng tư của mình, tất cả những thái độ tự vệ mà thế giới hôm nay áp đặt trên chúng ta. Nhiều người tìm cách trốn tránh người khác và tìm ẩn náu nơi cái tiện nghi tư riêng của mình hay nơi một nhóm thân hữu ít ỏi»[17]. Đồng hành còn là sự đáp trả lời dạy Tin Mừng: «hãy mạo hiểm vào những cuộc gặp gỡ trực diện với người khác, với sự hiện diện thể chất của họ vốn thách thức chúng ta, với nỗi đau và các lời kêu xin của họ, với niềm vui của họ lan toả sang chúng ta trong mối tương tác gần gũi và liên tục»[18] để làm tăng trưởng đức tin và dấn thân loan báo Tin Mừng.

Đồng hành là cách thể hiện bác ái với người khác vì đòi hỏi sự kiên nhẫn, cảm thông, khích lệ, nhân ái, không kết án, hiểu biết và tôn trọng… Người đồng hành không áp đặt để người khác rập khuông mình, hay mong muốn có một ảnh hưởng của mình trên cuộc đời họ. Người đồng hành không phải chịu “quặn đau để sinh ra” những người con tinh thần “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” và “để lại dấu ấn cho đời” theo cách người đời, mà «phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được hình thành nơi anh em»[19] mình và để «tất cả chúng ta phải lớn lên trong Đức Kitô»[20]. Đây vừa là chiều kích truyền giáo vừa là niềm vui và hy vọng của sự đồng hành.

3. Sau nữa, nhìn lại giáo phận Qui Nhơn chúng ta, đặc biệt kể từ sau biến cố 1975, với hoàn cảnh nhiều khó khăn và thử thách đã từng có rất nhiều linh mục, chủng sinh sống hài hòa với nhau, đồng lao cộng khổ với dân, tức là đồng hành với mọi thành phần dân Chúa và lương dân để giúp đỡ và hướng dẫn họ trong đời sống đạo đức và xã hội. Những mẫu gương đó hôm nay vẫn còn đang sống động trong lòng nhiều người giáo dân và lương dân. Việc đồng hành đã được Thư chung 1980 nổi tiếng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề nghị như một chương trình sống của người Kitô hữu Việt Nam trong hoàn cảnh mới: «đồng hành với dân tộc»[21]. Và trong năm 2014, sự đồng hành lại được Đức Giám Mục giáo phận đặc biệt mời gọi tha thiết và thúc giục mạnh mẽ như một quyết tâm của toàn giáo phận trong năm gia tăng đức ái nầy. Nếu mọi thành phần dân Chúa toàn giáo phận đồng tâm hiệp sức để thực thi triệt để những đề nghị đó, thiết nghĩ công cuộc Tân Phúc Âm hóa trong giáo phận chúng ta sẽ có những kết quả tốt đẹp vượt quá mong đợi.

4. Cuối cùng, về mặt cá nhân, linh mục, «người sẽ phải đồng hành với người khác suốt chặng đường cuộc sống và tới tận ngưỡng cửa của cái chết, điều quan trọng là phải tự đặt con tim và trí tuệ, lý trí và tình cảm, thân xác và linh hồn ở mức quân bình chính đáng, và về mặt nhân bản, ngài phải là người toàn diện»[22]. Cách riêng, linh mục «không nên ở lì trong phòng đóng kín cửa và mất nhiều giờ “làm bạn” với tivi và internet… rất ngại khi tiếp xúc và thăm giáo dân, nhất là người nghèo, người già nua bênh tật… giao hoàn toàn việc nầy cho các hội đoàn; có khi tìm nhiều lý do mà bỏ qua việc thăm viếng giáo dân»[23].

Không chỉ về nhân bản, người giáo dân và có thể nói, cả lương dân nữa, mong chờ nơi người linh mục phải là «một con người của Chúa, vị cố vấn, trung gian hòa giải, người bạn trung thành và khôn ngoan, người hướng dẫn bảo đảm để họ có thể tin cậy trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, nhờ đó họ được an ủi và che chở»[24]. Đó là những cách nói khác nhau về một người đồng hành đích thực. Thực tế cho thấy, noi theo truyền thống tốt đẹp xưa nay của nhiều bậc cha anh đáng kính trong giáo phận, “ở người thương, đi người nhớ”, ngày nay giáo phận chúng ta, cũng đang có và sẽ không thiếu bao giờ những vị mục tử như thế. Các ngài đang miệt mài âm thầm trên con đường đồng hành với mọi phận người, cả lương lẫn giáo, với ước mong sao cho Đức Kitô được sinh ra và lớn lên nơi tâm hồn của họ.

Để kết thúc, chúng ta có thể nghe tâm tư rất cảm động và chân thành của một giáo dân nói về điều mà họ chờ đợi nơi một người linh mục biết đồng hành đích thực với họ hôm nay:

«Nơi Đức Kitô, có một cuộc sống nhân linh và một cuộc sống thần linh. Nơi linh mục người ta cũng muốn tìm gặp được một cuộc sống thực sự người và một cuộc sống thực sự thần linh. Nỗi bất hạnh là nhiều vị linh mục có vẻ như bị cắt xén, hoặc mất bên nầy hoặc mất bên kia.

Có những linh mục dường như chưa bao giờ sống kiếp con người. Các vị không biết đo lường những khó khăn của người giáo dân, của một người cha hay người mẹ gia đình, đúng với sức nặng thực sự của chúng. Các vị không nhận thức được cuộc đời của một người đàn ông hay của một người đàn bà thực sự là gì, thực tế nó làm sao và đau thương thế nào. Khi những người Kitô hữu giáo dân được một lần găp gỡ một vị linh mục “hiểu” họ, một linh mục đi vào cuộc đời họ, vào trong những khó khăn của họ với trái tim đàn ông của ngài, thì sẽ không bao giờ họ đánh mất kỷ niệm đó. Tuy nhiên với điều kiện là, nếu như ngài để đời mình dính dáng đến cuộc đời chúng tôi, thì ngài đừng sống hoàn toàn như chúng tôi. Đã từ lâu các linh mục coi giáo dân như trẻ vị thành niên; ngày nay, một số lại rơi vào thái cực khác, và trở thành bạn bè đồng trang. Chúng tôi mong muốn các ngài vẫn cứ là cha. Khi một người cha gia đình thấy con trai mình đã lớn, thì khi đó ông sẽ xử sự với con mình như với người đàn ông chứ không còn như với đứa trẻ, nhưng ông luôn coi nó là con mình: một đứa con trai, người đàn ông»[25].

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ 

Nguồn tin: Gpquinhon.org


[1] Xem Giáo luật điều 5 và 6.

[2] Xem Evangelii Gaudium, số 169.

[3] BỘ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục 2013, số 41.

[4] Evangelii Gaudium, số 87.

[5] Xem Bênêđictô XVI, Lá thư gửi cho các chủng sinh, ngày 18.10.2010, số 6.

[6] Theo giáo luật cũ 1917, điều 822§4 thì để cử hành thánh lễ ngoài nơi thánh đòi buộc phải có phép từng lần của Đấng Bản quyền địa phương. Còn trong giáo luật 1983, theo điều 932§1 vừa nói, thì chỉ nói trống: khi nhu cầu đòi hỏi trong trường hợp đặc biệt.

[7] Bộ Phụng Tư và kỷ luật bí tích, Sắc lệnh Promulgatio Codice, 12.9.1983; xem Notitiae 1983, số 80.94. tr. 553. (Trích lại của Giáo Phận Đà Lạt, Hướng dẫn mục vụ Bí tích, 2014, xem footnote số 42, tr. 19-20).

[8] Xem Bộ Phụng Tư và kỷ luật bí tích, Quy chế tổng quát lễ qui Rôma, Missale Romanum, ấn bản 2000, chương IV, các số 199-204.

[9] Xem Huỳnh Văn Sỹ, Quyền và bổn phận của cha sở và cha phó theo giáo luật và theo quy định của giáo phận Qui Nhơn, trong, Tòa Giám Mục Qui Nhơn, Mục vụ giáo xứ, tài liệu thường huấn linh mục 2008, tr. 204-206. Xem Tòa Giám Mục Qui Nhơn, Quy chế Hội đồng Giáo xứ, 2011, điều 28§2.

[10] Để biết cách tính quan hệ hàng và bậc, xem Giáo luật điều 108 và 109. Ngoài ra nên biết rằng, trong giáo luật quan hệ họ hàng do huyết tộc hay do pháp lý có hiệu quả pháp lý nhất định như trong trường hơp bổ nhiệm chức vụ, quản trị tài sản, hôn phối, xét xử tòa án, ví dụ xem Giáo luật đ. 478; 492§3; 1078§3; 1091; 1298; 1448§1…

[11] Evangelii Gaudium, số 109.

[12] Xem Giáo luật các điều 18; 19; 36§1 77; 1313.

[13] Xem điều 221§3 với ngoại lệ tại điều 1399.

[14] Rm 13,10.

[15] Timothy Radcliffe, OP, Sing a new song: the christian vocation, Dominican Publications, Norwich 1999. Bản dịch của Nguyễn Văn Chữ & AE, OP -Hát lên bài ca mới, ơn gọi Kitô hữu, NXB Tôn Giáo 2013, tr. 187.

[16] Bênêđictô XVI, Lá thư gửi cho các chủng sinh, ngày 18.10.2010, số 5.

[17] Evangelii Gaudium, số 88.

[18] Evangelii Gaudium, số 88.

[19] Gal 4,19.

[20] Evangelii Gaudium, số 160.

[21] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư chung 1980, số 9.

[22] Bênêđictô XVI, Lá thư gửi cho các chủng sinh, ngày 18.10.2010, số 6.

[23] Nguyễn Soạn, Huấn dụ của Đức Giám Mục giáo phận với linh mục Qui Nhơn nhân dịp tĩnh tâm thường niên 2012, số 4.3, trong Bản Thông Tin Giáo Phận Qui Nhơn số 167, tháng 3.2012, tr. 195.

[24] Xem Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục 2013, số 50.

[25] Madeleine Delbrel, Témoignage anonyme, 1950. Đoạn nầy trích lại theo cha Claude Tassin, trong bài hướng dẫn Lectio Divina, Is 6,1-8.

 


Văn Kiện Giáo Hội