Đọc Tông Huấn Verbum Domini của ĐGH Bênêđictô XVI

Nguyễn Đức Tuyên

 

Ngày 11 tháng 11 năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã ban hành Tông Huấn “Lời Chúa” (Verbum Domini). Tông huấn này được ngài ký ngày 30 tháng 9 .

Đây là kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XII tại Vatican từ ngày 5 đến 26 tháng 10 năm 2008, nhân dịp Năm Thánh Phaolô. Chủ đề của cuộc họp đó là “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội” ("The Word of God in the Life and Mission of the Church."- “La Parole de Dieu dans la Vie et dans la Mission de l’Eglise). Đây là một tông huấn quan trọng của Đức Bênêđictô XVI, nên ngài được mệnh danh là  “Giáo Hoàng của Lời Chúa”.

Tông huấn dài gần 200 trang khổ sách với 124 đoạn: ngoài phần nhập đề và kết luận, được chia làm 3 phần.

- Phần I nói về Lời Chúa (Verbum Dei) : Thiên Chúa nói, sự đáp trả của con người với Ngài, và tiếp theo đề cập đến việc chú giải Kinh Thánh trong Giáo Hội.

- Phần II: Lời Chúa trong Giáo Hội (Verbum in Ecclesia). a) Giáo Hội tiếp nhận Lời Chúa qua Phụng vụ là nơi ưu tiên của Lời Chúa; b) việc Phụng vụ, mục vụ kinh thánh, giảng thuyết, việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, lectio divina; c) Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội qua Thánh Kinh, hoạt động mục vụ, sách giáo lý và đào tạo giáo dân.

- Phần III: Lời Chúa cho thế giới (Verbum Mundo). Phần này nhấn mạnh đến: a) sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội; loan báo Lời cứu độ của Chúa cho thế giới; b) Lời Chúa và sự dấn thân của Giáo Hội trong thế giới: giới trẻ, người di dân, người nghèo; c) Lời Chúa và văn hóa; d) Lời Chúa và việc đối thoại liên tôn.

Đọc cuốn tông huấn với ý nguyện tóm lược ngắn, gọn, không phải là việc dễ làm của một người có kiến thức hạn hẹp.

NHẬP ĐỀ

 “Lời Chúa tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Lời ấy chính là Tin Mừng đã được rao giảng cho anh em”. Qua đó, Tông Huấn muốn chỉ ra các phương thức căn bản để tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội như một nguồn suối bất tận luôn luôn đổi mới. Đồng thời, muốn nói lên niềm hy vọng rằng Lời Chúa sẽ mỗi ngày một trở nên tâm điểm trọn vẹn hơn của mọi sinh hoạt trong Giáo Hội.

Thánh Tông Đồ Gioan nói với chúng ta về việc “nghe, thấy, chạm đến và chiêm ngưỡng” Lời hằng sống, vì chính sự sống đã được tỏ bày rõ ràng nơi Chúa Kitô. Đức Thánh Cha khuyến khích mọi tín hữu hãy đổi mới cuộc gặp gỡ bản thân và cộng đoàn của họ với Chúa Kitô, Lời hằng sống đã trở nên hữu hình, và trở thành sứ giả của Ngài, để ơn phúc sự sống và hiệp thông đầy thần linh này được truyền bá trọn vẹn hơn trên khắp thế giới.

Giáo Hội được xây dựng trên Lời Chúa và việc học hỏi Thánh Kinh mà đỉnh cao là Công Đồng Vatican II, nhất là việc công bố Hiến Chế Tín Lý về mạc khải Thiên Chúa, tức hiến chế “Lời Chúa” (Dei Verbum). Giáo Hội không ngừng công bố cho mọi thế hệ biết rằng Chúa Kitô “hoàn tất và hoàn hảo hóa mạc khải”.

Trong kỳ họp lần thứ mười hai, các giám mục khắp thế giới đã tụ họp quanh Lời Chúa và tượng trưng đặt bản văn Thánh Kinh làm tâm điểm cho cuộc họp, ngõ hầu nhấn mạnh như mới điều mà ta coi như việc đương nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt là bài suy gẫm do Đức Bartholomaios I, Thượng Phụ Đại Kết của Constantinople, và một giáo sĩ Do Thái Giáo hiện diện để trình bày lời chứng qúy giá về Thánh Kinh Do Thái, vốn cũng là một phần trong Sách Thánh. Ta cũng có thể nhìn thấy một lễ Hiện Xuống đang tiếp diễn; nhiều dân tộc vẫn còn đang mong chờ Lời Chúa được công bố trong chính ngôn ngữ và văn hóa của họ.

PHẦN MỘT: LỜI CHÚA

Cái mới mẻ của mạc khải Thánh Kinh hệ tại ở sự kiện: Thiên Chúa đã trở thành Đấng được biết tới nhờ cuộc đối thoại mà Ngài muốn có với chúng ta. Ngôi Lời hiện hữu trước sáng thế. Thiên Chúa tự mạc khải cho ta như một mầu nhiệm yêu thương bất tận trong đó, Chúa Cha, từ thuở đời đời, thốt ra Lời của Ngài trong Chúa Thánh Thần. Lời đã ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. Do đó, kiểu nói “lời Chúa” ở đây ám chỉ con người Chúa Giêsu Kitô, Con hằng hữu của Chúa Cha, đã sinh ra làm người. Ngoài ra, lời Chúa cũng là lời được các Tông Đồ rao giảng, theo lệnh của Chúa Giêsu phục sinh. Sau cùng, Lời Chúa, lời được Thiên Chúa chứng thực và linh hứng, chính là Sách Thánh, là Cựu Ước và Tân Ước.

Đọc các trình thuật Tin Mừng, ta thấy nhân tính của Chúa Giêsu đã xuất hiện ra sao với mọi nét độc đáo của nó trong tương quan với lời Thiên Chúa. Bằng nhân tính hoàn hảo của mình, Ngài thực hiện ý Chúa Cha mọi lúc. Cần nhấn mạnh đến tính thống nhất của kế hoạch Thiên Chúa nơi Lời nhập thể: nghĩa là Tân Ước trình bày mầu nhiệm vượt qua như phù hợp với Sách Thánh và như sự nên trọn của Sách Thánh.

Các tác giả vĩ đại trong truyền thống Kitô Giáo đều đồng loạt nói về vị trí của Chúa Thánh Thần trong tương quan của tín hữu với Sách Thánh. Điều ấy cho thấy rõ ta không thể hiểu được ý nghĩa Lời Chúa ngoại trừ mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần hành động trong Giáo Hội và trong tâm hồn tín hữu. Khi tái khẳng định mối liên kết sâu xa giữa Chúa Thánh Thần và lời Chúa, ta cũng đặt căn bản cho việc thấu hiểu tầm quan trọng và giá trị quyết định của Thánh Truyền sống động và của Sách Thánh trong Giáo Hội. Nói tóm lại, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần và dưới sự hướng dẫn của huấn quyền, Giáo Hội đã chuyển giao cho mọi thế hệ tất cả những điều đã được mạc khải trong Chúa Kitô.

Nhiệm cục mạc khải có khởi nguyên và nguồn gốc nơi Thiên Chúa Ngôi Cha. Qua lời Ngài “một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú. Chính Ngài đã ban cho ta “ánh sáng để hiểu biết vinh quang Thiên Chúa nơi khuôn mặt Chúa Kitô”.

Toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi đều chứng minh rằng Thiên Chúa lên tiếng và hành động trong lịch sử vì thiện ích chúng ta và để cứu vớt ta một cách toàn diện. Như thế, đứng trên quan điểm mục vụ, điều có tính quyết định là trình bày Lời Chúa trong khả năng có thể bước vào đối thoại với các vấn nạn thường ngày mà con người gặp phải. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng Ngài tới để chúng ta được sống dồi dào (xem Ga 10:10). Thành thử, ta cần hết sức cố gắng chia sẻ lời Chúa như một cởi mở đối với các vấn nạn, một trả lời cho các câu hỏi, một mở rộng đối với các giá trị và một thoả mãn hoàn toàn đối với các hoài vọng của ta.

Thực tại nhân bản, do lời tạo ra, tìm được hình ảnh hoàn hảo nhất của nó trong đức tin xin vâng của Đức Maria. Từ Truyền Tin đến Hiện Xuống, Ngài luôn tỏ ra là một người phụ nữ hoàn toàn cởi mở đón nhận ý Thiên Chúa. Như thế, điều xẩy ra cho Đức Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc lắng nghe Lời Chúa và trong việc cử hành các bí tích.

Thánh Kinh là sách của Giáo Hội, và vị trí chủ yếu của nó trong đời sống Giáo Hội phát sinh ra việc giải thích một cách chính xác. “Xét vì trong Sách Thánh, Thiên Chúa nói qua những con người theo lối con người, nên các nhà giải thích Sách Thánh, nếu muốn quả quyết điều Thiên Chúa có ý định thông đạt cho ta, nên cẩn thận tìm ra ý nghĩa mà các soạn giả thánh thực sự có trong đầu, tức ý nghĩa mà Thiên Chúa có ý định mạc khải qua việc dùng các lời nói của họ”. 

Cựu Ước phải biến thành hữu hình; điều Cựu Ước công bố một cách bí nhiệm, Tân Ước phải công bố công khai như đang xẩy ra. Cho nên, Cựu Ước là tiên tri của Tân Ước; và bản chú giải tốt nhất về Cựu Ước chính là Tân Ước”.  “Thánh Truyền, Thánh Kinh và huấn quyền của Giáo Hội hết sức gắn bó và liên kết với nhau đến nỗi một trong ba không thể đứng vững nếu không có hai thứ kia”

PHẦN HAI: LỜI  CHÚA TRONG GIÁO HỘI

Ta không thể hiểu trọn vẹn mối liên hệ giữa Chúa Kitô, Lời Chúa Cha, và Giáo Hội nếu chỉ căn cứ vào các biến cố dĩ vãng; đúng hơn, đó là một mối liên hệ sống động mà đích thân mỗi thành phần tín hữu đều được mời gọi tiếp cận. Giáo Hội là một cộng đồng lắng nghe và công bố lời Chúa.

Khi coi Giáo Hội như "ngôi nhà của lời”, trước hết ta cần lưu tâm tới phụng vụ thánh, vì phụng vụ chính là khung cảnh tuyệt vời trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta trong chính cuộc sống. Giáo Hội luôn nhận ra rằng trong hành động phụng vụ, lời Chúa đi đôi với hành động bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho lời ấy thành hữu hiệu trong tâm hồn người tín hữu. Ngày nay, đang có nhu cầu muốn tìm kiếm sâu xa hơn mối tương quan giữa Lời và Bí tích trong hoạt động mục vụ của Giáo Hội và trong suy tư thần học. Những điều vừa nói về mối tương quan giữa Lời và Bí tích sẽ có ý nghĩa sâu xa hơn khi ta xét tới việc cử hành Bí Tích Thánh Thể.

Cấu trúc hiện nay của Sách Các Bài Đọc không những cho thấy nhiều bản văn quan trọng hơn của Sách Thánh được cung cấp thường xuyên hơn, mà còn giúp ta hiểu tính thống nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa nhờ tác động hỗ tương giữa các bài đọc Cựu Ước và Tân Ước, một tác động “trong đó, Chúa Kitô là khuôn mặt trung tâm, được tưởng niệm trong mầu nhiệm vượt qua của Ngài”

Phải thận trọng hơn trong việc công bố Lời Chúa, huấn luyện thích đáng cho những người thi hành nhiệm vụ đọc sách trong các cử hành phụng vụ và đặc biệt những người thi hành thừa tác vụ đọc sách. Cần để ý tới bài giảng lễ. Nói vòng vo vô bổ nhằm lôi kéo sự chú ý vào người giảng chứ không vào trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Nên chuẩn bị bài giảng bằng cách suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với niềm xác tín và lòng say mê. Những ai, vì bậc sống của mình, buộc phải đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh nên thi hành nhiệm vụ này một cách trung thành vì lợi ích của Giáo Hội.  

Suốt trong lịch sử Giáo Hội, nhiều vị thánh từng nói về nhu cầu phải hiểu biết Thánh Kinh để lớn mạnh trong tình yêu Chúa Kitô. Tuy nhiên, cần lưu tâm đến việc lan tràn các giáo phái đang phổ biến cách đọc Sách Thánh đầy méo mó và có tính cách thao túng.

Một khía cạnh quan trọng trong hoạt động mục vụ của Giáo Hội, nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, có thể giúp tái khám phá tính trung tâm của Lời Chúa là Giáo lý. Kiến thức về các nhân vật, các biến cố và các câu nói của Thánh Kinh vì thế nên được khuyến khích. Ở đây, điều quan trọng là phải nhấn mạnh mối tương quan giữa Sách Thánh và Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, như cuốn Chỉ Dẫn Giáo Lý Tổng Quát.

Nên thiết lập ra các trung tâm huấn luyện để huấn luyện giáo dân và các nhà truyền giáo giúp họ hiểu, sống và công bố lời Chúa.

Trong các cuộc tụ họp cấp giáo phận, cấp quốc gia hay cấp quốc tế, cần phải nhấn mạnh nhiều hơn tới tầm quan trọng của Lời Chúa, tới việc chăm chú lắng nghe lời ấy, và tới việc đọc Thánh Kinh một cách đầy đức tin và cầu nguyện. “Lời Chúa là điều không thể miễn chước trong việc đào luyện tâm hồn một mục tử tốt và là thừa tác viên của Lời Chúa”. Linh mục cần tiếp cận Lời Chúa với một tâm hồn ngoan ngoãn và năng cầu nguyện, để Lời ấy thấm sâu trong tư tưởng, trong xúc cảm của linh mục và tạo ra một cái nhìn mới, tức “tâm trí Chúa Kitô” (1 Cor 2:16)”.“Yếu tố riêng trong linh đạo phó tế chính là Lời Chúa, lời mà phó tế được kêu gọi làm người giảng giải có thẩm quyền, tin điều ông giảng, dạy điều ông tin, và sống điều ông dạy”.

Truyền thống vĩ đại của đan viện luôn coi việc suy niệm Lời Chúa là một phần chủ yếu trong linh đạo chuyên biệt của mình, nhất là dưới hình thức đọc lời Chúa (lectio divina). Nó khởi đầu bằng việc đọc (lectio) một bản văn, sau đó là suy niệm (meditatio), tới phần cầu nguyện (oratio), kết thúc bằng sự chiêm niệm (contemplation).

Mầu nhiệm hôn nhân vĩ đại chính là nguồn suối sinh ra trách nhiệm chủ yếu mà cha mẹ phải có đối với con cái. Mọi gia đình nên có một cuốn Sách Thánh, đặt tại một nơi xứng đáng và dùng để đọc và cầu nguyện.

Cầu nguyện với Đức Mẹ được khuyến khích nơi tín hữu, nhất là trong đời sống gia đình, vì đây là một trợ giúp để ta suy niệm các mầu nhiệm thánh trong Sách Thánh.

Ngày nay, Đất Thánh vẫn còn là mục tiêu hành hương của người Kitô hữu, một nơi để cầu nguyện và đền tội, như từng được chứng thực từ thời xa xưa.

PHẦN BA: LỜI CHÚA TRONG THẾ GIỚI .

Thần Khí Đấng Phuc Sinh ban cho ta sức mạnh để công bố Lời Chúa khắp nơi bằng chính chứng tá cuộc sống chúng ta. Nhu cầu phải có một cuộc canh tân trong Giáo Hội đối với ý thức truyền giáo vốn có nơi Dân Chúa từ buổi đầu. “Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra. Bằng người thật. Và giờ đây, đường dẫn tới Ngài đã được mở ra.

Tính mới lạ của sứ điệp Kitô Giáo không hệ ở một ý niệm mà là một sự kiện: Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra”. “Như Cha Ta đã sai Ta, Ta cũng sai các con đi” (Ga 20:21). “Sứ mệnh công bố Lời Chúa là trách nhiệm của mọi môn đệ Chúa Giêsu Kitô căn cứ vào Phép Rửa của họ ». Phải làm sống lại một ý thức về điều ấy trong mọi gia đình, mọi giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào trong Giáo Hội. Các giám mục và linh mục là những người đầu tiên được kêu gọi sống một cuộc sống hoàn toàn phục vụ Lời Chúa, công bố Tin Mừng, cử hành các bí tích và đào tạo tín hữu trong việc nhận thức Thánh Kinh một cách chân chính. Các phó tế cũng vậy. Giáo dân cũng được kêu gọi thực thi vai trò tiên tri riêng của mình, một vai trò phát sinh trực tiếp từ Phép Rửa của họ, và làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống hàng ngày, nơi họ sinh sống.

Giáo Hội không thể nào tự giới hạn công tác mục vụ của mình vào việc chỉ chăm sóc những người đã biết Tin Mừng của Chúa Kitô rồi. Việc vươn tay ra truyền giáo là dấu chỉ rõ ràng một cộng đoàn Giáo Hội đã trưởng thành.

Ở bình minh thiên niên kỷ thứ ba, không những vẫn còn nhiều người chưa biết Tin Mừng, nhưng ngay cả một số đông Kitô hữu vẫn cần Lời Chúa một lần nữa được công bố một cách đầy thuyết phục cho họ, để họ cảm nhận được một cách cụ thể sức mạnh của Tin Mừng.

 Các chân trời mênh mông trong sứ mệnh của Giáo Hội và sự phức tạp trong tình hình ngày nay đòi phải có những cách thế mới để thông truyền Lời Chúa cách hữu hiệu. Phải ghi nhớ mối tương quan nội tại giữa việc thông truyền Lời Chúa và việc làm chứng của Kitô hữu. Bằng việc làm chứng, ta phải làm cho Lời Chúa được khả tín.

Chúng ta hết sức cảm động được nghe các câu truyện của những người sống đức tin và làm chứng một cách dũng cảm cho Tin Mừng dù dưới các chế độ thù nghịch với Kitô Giáo hay trong các tình thế bị bách hại.

Một lần nữa chúng ta kêu gọi chính phủ các quốc gia hãy bảo đảm nền tự do lương tâm và nền tự do tôn giáo, cũng như khả năng được phát biểu đức tin cách công khai.

Lời Chúa đã đích thân nhấn mạnh tới nhu cầu ta phải dấn thân vào thế giới và trách nhiệm của ta trước Chúa Kitô, Chúa của lịch sử. Khi công bố Lời Chúa, ta hãy khích lệ lẫn nhau làm điều tốt và cam kết phục vụ công lý, hòa giải và hoà bình. Dấn thân cho công lý và thay đổi thế giới là yếu tố chủ yếu của việc phúc âm hóa.

Nhiệm vụ hàng đầu của tín hữu giáo dân là phải trực tiếp can dự vào sinh hoạt chính trị và xã hội. Giáo hội cũng muốn kêu gọi mọi người lưu ý tới sự quan trọng của việc bảo vệ và phát huy nhân quyền của mọi con người, dựa trên luật tự nhiên vốn viết sẵn trong tâm hồn con người, là các quyền tự chúng có tính “phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng”. Chân thành lắng nghe lời Chúa trong Giáo Hội sẽ làm sống dậy “đức ái và công bình đối với mọi người, nhất là đối với người nghèo”

Việc quan tâm tới giới trẻ đòi ta phải can đảm và rõ ràng trong sứ điệp ta muốn công bố.

Các tình huống di dân ngày nay đưa lại nhiều vấn đề mới cho việc loan truyền Lời Chúa. Và nếu di dân là Kitô hữu, họ đòi hỏi phải có các hình thức chăm lo mục vụ giúp họ có khả năng lớn mạnh trong đức tin và ngược lại, trở thành các sứ giả của Tin Mừng.

Các Nghị Phụ cũng đã xem xét nhu cầu phải công bố Lời Chúa cho tất cả những ai đang đau khổ, cả về phương diện thể lý, tâm lý lẫn tâm linh, những người bịnh hoạn yếu đau, người nghèo khó, và những người thiếu thốn.

Con người như thế thiếu hẳn lòng khiêm nhường chủ yếu giúp họ khả năng nhận ra tạo vật như hồng phúc Chúa ban, hồng phúc mà ta phải tiếp nhận và sử dụng phù hợp với kế hoạch của Người.

Thượng Hội Đồng đã xem xét mối tương quan giữa Lời Chúa và văn hóa. Thiên Chúa không tự mạc khải Ngài cách trừu tượng, nhưng bằng cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh và lối phát biểu vốn gắn bó với nhiều nền văn hóa khác nhau. Trước nhất, có sự thừa nhận tầm quan trọng của văn hóa đúng nghĩa đối với cuộc sống mọi người, nó làm phát sinh ra các giá trị luân lý nền tảng, các biểu thức nghệ thuật xuất chúng và các lối sống điển hình

Sách Thánh chứa đựng nhiều giá trị nhân học và triết học vốn gây ảnh hưởng tích cực đối với nhân loại như một toàn thể. Cảm thức coi Thánh Kinh như qui tắc vĩ đại cho các nền văn hóa cần được phục hồi trọn vẹn.

Một khung cảnh đặc thù cho cuộc gặp gỡ giữa Lời Chúa và văn hóa là khung cảnh trường học và đại học. Các mục tử nên đặc biệt lưu ý đến môi trường này, cổ vũ một nhận thức sâu sắc hơn về Thánh Kinh và việc nắm vững các hệ luận văn hóa phong phú cho thời nay.

 Mối tương quan giữa Lời Chúa và văn hóa tìm được biểu thức trong nhiều lãnh vực, nhất là trong nghệ thuật. Vì lý do này, truyền thống vĩ đại của cả Đông lẫn Tây đều luôn luôn quí chuộng các tác phẩm nghệ thuật được Sách Thánh linh hứng, thí dụ các nghệ thuật tạo hình và kiến trúc, văn chương và âm nhạc.

Giáo Hội bày tỏ sự đánh giá, lòng quí chuộng và thán phục của mình đối với các nghệ sĩ vì “say mê cái đẹp” từng rút cảm hứng từ các bản văn thánh.

Giáo Hội vốn hiện diện một cách có ý nghĩa trong thế giới truyền thông đại chúng, và huấn quyền Giáo Hội, khám phá ra các phương pháp mới để thông truyền sứ điệp Tin Mừng luôn là một phần của chương trình nối vòng tay lớn do các tín hữu chủ động nhằm phúc âm hóa một cách liên tục và có tính hoàn cầu.

 “Hội nhập văn hóa sẽ thực sự phản ảnh được việc nhập thể của Ngôi Lời khi một nền văn hóa, nhờ được Tin Mừng biến đổi và tái sinh, đem lại được từ truyền thống sống động của mình các phát biểu độc đáo về lối sống, lối cử hành và lối suy tư Kitô Giáo.

Trong số các tôn giáo khác nhau, Giáo Hội nhìn người Hồi Giáo với lòng kính trọng; họ là những người thờ lạy Thiên Chúa duy nhất. Tuy nhiên, cần lưu tâm đến việc tôn trọng sự sống như một giá trị nền tảng, các quyền bất khả nhượng của nam giới và nữ giới, và phẩm giá bình đẳng của họ.

Xin nói lên lòng kính trọng của Giáo Hội đối với các tôn giáo cổ xưa và các truyền thống tâm linh của nhiều lục địa. Phật Giáo, có việc tôn trọng sự sống, việc chiêm niệm, sự thanh tĩnh, sự đơn thành; trong Ấn Độ Giáo, có cảm thức về thánh thiêng, về hy lễ và chay tịnh; rồi trong Khổng Giáo, có các giá trị gia đình và xã hội. Dù sao đi nữa, đối thoại liên tôn cũng sẽ tỏ ra vô ích nếu nó không bao gồm lòng tôn trọng chân thực đối với mỗi con người và khả năng để họ tự do thực hành tôn giáo của họ.

NHỮNG CHỦ ĐỀ

Cơ quan Zenit có môt nhãn quan khác khi nhìn Tông Huấn Verbum Domini bằng cách tìm ra một số Chủ Đề quan trọng và trích dẫn những lời ngắn gọn của ĐGH Bênêdictô XVI về những chủ đề đó trong Tông Huấn này. Các chủ đề đó như sau:

Mục Tiêu của Tông Huấn: ”Qua đó, tôi muốn chỉ ra các phương thức căn bản để tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội như một nguồn suối bất tận luôn luôn đổi mới. Đồng thời, tôi muốn nói lên niềm hy vọng rằng Lời Chúa sẽ mỗi ngày một trở nên tâm điểm trọn vẹn hơn của mọi sinh hoạt trong Giáo Hội”(số 1).

Tôn Giáo của Lời Chúa: “Đức tin Kitô Giáo không phải là một “tôn giáo của sách vở”: Kitô Giáo là “tôn giáo của lời Thiên Chúa”, không phải “là lời viết ra và câm nín, nhưng là Lời nhập thể và sống động”(số 7).

Truyền Thống: “Truyền Thống sống động là điều chủ yếu giúp Giáo Hội tăng trưởng qua thời gian trong việc hiểu chân lý mạc khải của Thánh Kinh’ (số 17).

Linh Ứng và Sự Thật: “Sách Thánh là “lời Chúa được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần”. Do cách này, người ta nhận ra tầm quan trọng trọn vẹn của tác giả nhân bản, người đã viết ra bản văn linh hứng, và nhận ra chính Thiên Chúa mới là tác giả thật sự.” (số 19).

Chúa Lắng Nghe Ta: “Thành thử, ta cần hết sức cố gắng chia sẻ lời Chúa như một cởi mở đối với các vấn nạn của ta, một trả lời cho các câu hỏi của ta, một mở rộng đối với các giá trị của ta và một thoả mãn hoàn toàn đối với các hoài mong của ta. Hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải làm rõ việc Thiên Chúa lắng nghe các nhu cầu và yêu cầu xin giúp đỡ của ta ra sao”(số 23).

Việc Chú Giải: “Trong công trình giải thích của họ, các nhà chú giải Công Giáo không bao giờ được quên rằng điều họ đang giải thích chính là lời Thiên Chúa. Trách vụ chung của họ sẽ không chu toàn nếu họ mới chỉ xác định được các nguồn, định nghĩa được các hình thức hay giải thích được các thủ tục văn chương. Họ chỉ đạt tới mục tiêu thực sự trong công việc của mình khi giải thích được ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh như là lời Thiên Chúa nhắn gửi thời đại ngày nay”(số 33).

Do Thái Giáo và Lời Chúa: “Tôi muốn một lần nữa tuyên bố rằng Giáo Hội hết sức trân qúi cuộc đối thoại của mình với người Do Thái. Bất cứ nơi nào thích hợp, ta nên tạo cơ hội để gặp gỡ và trao đổi, công khai cũng như tư riêng, và nhờ thế phát huy sự gia tăng hiểu biết lẫn nhau, quí mến và hợp tác hỗ tương, cũng như nghiên cứu Sách Thánh.”(số 43).

Phong Trào Đại Kết: ” Ý thức rằng Giáo Hội xây nền trên Chúa Kitô, Lời nhập thể của Thiên Chúa, nên Thượng Hội Đồng muốn nhấn mạnh tính trung tâm của việc nghiên cứu Thánh Kinh bên trong cuộc đối thoại đại kết nhằm diễn đạt trọn vẹn sự hợp nhất của mọi tín hữu trong Chúa Kitô”( số 46).

Phiên Dịch Thánh Kinh và Đại Kết:”Cổ vũ các bản dịch Thánh Kinh chung là một phần trong công trình đại kết. Tôi xin cám ơn tất cả những người đã dấn thân vào công trình quan trọng này và xin khuyến khích họ kiên trì trong các cố gắng của mình.” (số 46).

Phụng vụ Thánh:’’ Tôi khuyến khích các Mục tử của Giáo Hội và mọi người dấn thân vào công trình mục vụ hãy lo liệu để mọi tín hữu học cách biết thưởng ngoạn ý nghĩa thâm hậu của lời Chúa đang được biểu lộ hàng năm trong phụng vụ, mạc khải cho ta các màu nhiệm nền tảng của đức tin.”(số 52).

Bài giảng:”Bài giảng là một phần trong nghi lễ phụng vụ và mang ý nghĩa khuyến khích hiểu  biết sâu xa hơn Lời Chúa, để mang lại hoa trái trong cuộc sống đức tin…..Vì lý do này những người rao giảng cần tiếp xúc thường xuyên và sâu xa với bản văn Kinh Thánh; họ phải chuẩn bị cho bài giảng nhờ suy niệm và cầu nguyện để rao giảng với sự thuyết phục và say mê.” (số 59).

Những Việc Cử Hành Lời Chúa: “Những giáo phụ Thượng Hội Đồng khuyến khích mọi Mục tử dùng thì giờ để cử hành Lời Chúa trong những cộng đồng được trao phó cho mình chăm sóc. Những cuộc cử hành này là những dịp ưu tiên cho cuộc gặp gỡ Lời Chúa. Sự thực hành này hiển nhiên đem lại lợi ích cho niềm tin và được coi như yếu tố quan trọng cho nghi lễ phụng vụ.” (số 65).

Vang Âm-Tiếng Dội (acoustics – acoustique) :” Nên chứng tỏ có sự quan tâm tới việc vang âm trong nhà thờ, dĩ nhiên phải tôn trọng thích đáng các qui luật phụng vụ và kiến trúc” ( số 68).

Phụng Ca:” Như một phần trong việc nâng cao lời Chúa trong phụng vụ, ta cũng nên lưu tâm tới việc sử dụng các ca khúc trong những lúc cần, theo một nghi lễ đặc biệt nào đó. Ưu tiên nên dành cho các ca khúc rõ ràng lấy cảm hứng từ Thánh Kinh và là các ca khúc diễn đạt vẻ đẹp của lời Chúa qua sự hòa hợp giữa nhạc và lời. Ta nên cố gắng hết sức để sử dụng tối đa các ca khúc từng được lưu truyền tới ta từ truyền thống của Giáo Hội, một truyền thống luôn tôn trọng tiêu chuẩn vừa nói. Tôi nghĩ cách riêng tới sự quan trọng của lối hát Grêgôrianô”( số 70).

Tông Đồ Thánh Kinh:” Thượng Hội Đồng cũng kêu gọi phải có một cam kết mục vụ nhằm nhấn mạnh tính trung tâm của Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, và khuyến cáo việc tổ chức một việc “tông đồ Thánh Kinh” lớn hơn, không hẳn song song với các hình thức hoạt động mục vụ khác, nhưng như một phương tiện để Thánh Kinh linh hứng mọi hoạt động mục vụ”(số 73).

Giáo Lý:”Công tác giáo lý luôn luôn dẫn tới việc tiếp cận Thánh Kinh trong niềm tin và trong Thánh Truyền của Giáo Hội, đến nỗi những lời đó có thể được cảm nhận như sự sống mà chính Chúa Giêsu đang hiện diện hôm nay khi có hai hay ba người họp lại nhân danh Người.” (số 74).

Lectio Divina:” Những văn kiện có trước và trong kỳ họp Thượng Hội Đồng được lưu tâm đến một phương pháp tiếp cận Lời Chúa cách sung mãn và tràn đầy niềm tin. Điểm quan tâm lớn nhất là phương pháp Lectio Divina thật sự có khả năng mở ra kho tàng đức tin về Lời Chúa, đồng thời cũng đem lại cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu, lời sống động của Thiên Chúa.” (số 87).

Đất Thánh:”Các Nghị phụ Thương Hội Đồng nhớ lại một câu đầy phấn khởi nói về Đất Thánh như “Bản Thánh Kinh thứ năm”. Thật là quan trọng phải có các cộng đồng Kitô hữu tại những nơi đó mặc dầu gặp vô số  những cam go. Thượng Hội Đồng nhấn mạnh sự gắn bó sâu xa với tất cả Kitô hữu trong đất của Đức Giêsu và mang chứng từ của niềm tin nơi họ trong Đấng Phục Sinh.” (số 89).

Việc Tuyên Xưng và Tân Phúc Âm Hóa:” Nhiều anh chị em chúng ta đã được chịu phép Thánh Tẩy, nhưng đã được phúc âm hóa cách không đầy đủ. Trong nhiều trường hợp, những quốc gia trước đây rất phong phú về đức tin và ơn gọi, đã đánh mất dần căn tính dưới ảnh hưởng của văn hóa thế tục.  Nhu cầu tân phúc âm hóa, một cảm nghiệm sâu xa bởi vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, phải được tái xác nhận một cách rõ ràng, trong niềm xác tín rằng lời của Thiên Chúa là lời hữu hiệu.” (số 96).

Công Lý:” Lời Chúa linh ứng cho người nam và nữ xây dựng sự liên kết dựa trên sự chính trực và công lý và biểu lộ giá trị lớn lao trong con mắt Thiên Chúa về mọi cố gắng để xây dựng một thế giới sống động và chính đáng hơn.”(số 100).

Hòa Giải và Hòa Bình: Trong bối cảnh hiện tại, thật cần thiết hơn bao giờ hết để khám phá ra Lời Chúa như suối nguồn hòa giải và hòa bình, vì trong lời ấy, Thiên Chúa hòa giải mọi sự với Ngài . Chúa Kitô “là hòa bình của ta”, là Đấng giật sập mọi bức tường ngăn cách” (số 102).

Sáng Tạo:” sự ngạo mạn của con người sống như thể không có Thiên Chúa dẫn tới tính chất méo mó và lạm dụng, thất bại khi nhìn nó như là vật thủ công của Lời sáng tạo.” (số 108).

Internet: “ Trong thế giới mạng lưới thông tin chất chứa hàng tỷ hình ảnh xuất hiện hàng triệu màn ảnh qua thế giới, khuôn mặt của Chúa Giêsu cần được tỏ hiện và lời Ngài cần được lắng nghe, vì “nếu không có chỗ cho Đức Kitô sẽ không có chỗ cho con người.”(số 113).

Đối thoại Liên Tôn:” Giáo Hội  quan tâm đến phần căn bản của việc tuyên xưng Lời Chúa bao gồm việc gặp gỡ, đối thoại và hợp tác với mọi người thiện chí, đặc biệt là với những hoa trái nơi những truyền thống tín ngưỡng khác nhau của nhân loại. Điều này phải diễn ra, mà không có những hình thức chiết trung và tương đối, mà hợp với đường hướng đã được đề ra do Tuyên Ngôn về liên lạc với các tôn giáo của Công Đồng Vaticanô II và được khai triển trong những giáo huấn của các vị Giáo hoàng.”(số 117).

*

Linh Mục Rosica, Giám Đốc cơ quan truyền hình “Muối và Ánh Sáng” (Salt and Light) tại Canada, một học giả Thánh Kinh, một tác giả nổi tiếng, một vị giảng thuyết tĩnh tâm, người tham dự Thương Hội Đồng Giám Mục thứ XII,  khi trả lời cuộc phỏng vấn của Zenit, đã ca ngợi về nhiều khía cạnh của Tông Huấn Lời Chúa vì đây là một văn kiện quan trọng về Thánh Kinh sau 45 năm, kể từ Công Đồng Vaticanô II .

Chúng tôi hoàn tất bản tóm lược tông huấn này với niềm khắc khoải lo âu vì không thể thực hiện ý muốn một cách trọn vẹn như lòng mong ước. Trước hết là sự phong phú của văn bản với quá nhiều ý tưởng mà sự tóm lược không cho phép ghi đầy đủ. Thứ đến là thần học và giáo huấn về Lời Chúa được các Nghị Phụ khai triển và đào sâu trong Thượng Hội Đồng thứ XII này,  không dễ dàng để tóm tắt. Đây chỉ là vài nét “đan thanh” để người đọc thấy được những điểm chính cột trụ. Muốn hiểu cho thấu đáo, phải bỏ nhiều công sức đọc lại toàn văn trong tinh thần học đạo, may chăng mới hiểu thấu văn bản.