Tông Thư của ĐTC Phan-xi-cô nhằm thiết lập Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên

Kính gửi chư huynh đáng kính:

Đức Hồng Y Peter Kodwo Appiah Turkson – Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hòa Bình;

Và Đức Hồng Y Kurt Koch – Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Việc Thúc Đẩy Sự Hiệp Nhất Giữa Các Ki-Tô Hữu:

Đồng chia sẻ với người anh em rất đáng mến yêu – Đức Thượng Phụ Đại Kết Bartholomaios - về sự lo lắng cho tương lai của thiên nhiên (Laudato Si`, 7-9), và đón nhận lời đề nghị từ vị đại diện của Ngài - Đức Tổng Giám Mục Gio-an thuộc Tổng Giáo Phận Pergamon (Zizoulsa) - mà vị Tổng Giám Mục này đã đưa ra trong buổi giới thiệu Thông Điệp Laudato Si` Về Sự Chăm Sóc Cho Ngôi Nhà Chung, tôi muốn thông báo với quý Đức Hồng Y rằng, tôi đã quyết định thiết lập ngay trong Giáo hội Công giáo „Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên“, mà bắt đầu từ năm nay, ngày này sẽ luôn được cử hành vào ngày mồng 01 tháng 09 hằng năm, như nó đã diễn ra từ rất lâu trong Giáo hội Chính thống.

Với tư cách là các Ki-tô hữu, chúng ta muốn thể hiện sự dấn thân của chúng ta cho việc khắc phục cuộc khủng hoảng về sinh thái mà nhân loại đang trải qua. Vì thế, trước tiên chúng ta phải rút ra được động lực từ di sản tinh thần phong phú của mình, mà động lực ấy sẽ nuôi dưỡng niềm hăng say trước việc chăm sóc thiên nhiên. Trong vấn đề này, chúng ta hãy luôn nhớ rằng, đối với những người đặt niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người vì chúng ta, „tinh thần không bị phân tách khỏi thân xác, cũng không bị phân tách khỏi thiên nhiên hay khỏi những thực tại của thế giới này, nhưng được sống cùng với những thực tại đó và trong những thực tại đó, trong sự hiệp thông với tất cả những gì đang vây quanh chúng ta“ (LS 216).

Vì thế, cuộc khủng hoảng về sinh thái đang mời gọi chúng ta thực hiện một cuộc trở lại thiêng liêng sâu xa: các Ki-tô hữu được kêu gọi thực hiện „một cuộc trở lại có tính sinh thái mà nó bao gồm tất cả những gì đã hình thành nên họ từ cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Giê-su Ki-tô, trong mối tương quan của họ đối với thế giới đang bao quanh họ, hầu đơm bông kết trái“ (LS 217). Trong thực tế: „Ơn gọi trở thành người bảo vệ và chăm sóc công trình của Thiên Chúa, biến hành động thành thực tế, cơ bản thuộc về một đời sống giầu đức hạnh; nó không phải là một cái gì đó tùy thích, cũng không phải là một khía cạnh thứ yếu của kinh nghiệm Ki-tô giáo“ (LS 217).

Ngày cầu nguyện hằng năm cho việc bảo vệ thiên nhiên sẽ trao cho cá nhân các tín hữu lẫn các cộng đoàn khả năng lãnh nhận việc chăm sóc thiên nhiên và canh tân sự trao hiến cá nhân của họ trong ơn gọi riêng, hầu tạ ơn Thiên Chúa về công trình kỳ diệu mà Ngài đã ủy thác cho sự chăm sóc của chúng ta, cũng như cầu xin ơn trợ giúp của Ngài trong việc bảo vệ thiên nhiên, và cầu xin Lòng Thương Xót của Ngài đối với những tội lỗi mà thế giới chúng ta đã mắc phải.

Việc chúng ta cử hành ngày cầu nguyện vào đúng thời gian mà Giáo hội Chính thống cũng cử hành, sẽ trở nên một cơ hội tốt đẹp để đưa ra một chứng tá về sự hiệp thông đang lớn mạnh của chúng ta với các anh chị em Chính Thống giáo. Chúng ta đang sống trong một thời gian mà trong đó tất cả các Ki-tô hữu đều đang đứng trước những thách đố có tầm quan trong giống hệt như nhau, mà để trở nên đáng tin cậy và có công hiệu, chúng ta phải đưa ra câu trả lời chung cho những thách đố ấy. Vì thế, tôi mong muốn rằng, ngày cầu nguyện này, trong khả năng tối đa có thể, cũng nên bao hàm cả các Giáo hội khác, kể cả các cộng đoàn thuộc các Giáo hội ấy, và nên được cử hành trong sự hòa điệu với những sáng kiến mà Hội Đồng Đại Kết của các Giáo hội đưa ra liên quan tới đề tài này.

Kính thưa Đức Hồng Y Turkson, tôi yêu cầu Ngài với tư cách là Chủ Tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, hãy mang sự hiểu biết của các Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình trực thuộc các Hội Đồng Giám Mục riêng biệt cũng như của những tổ chức quốc gia lẫn quốc tế mà họ hoạt động trong lãnh vực môi trường, vào trong sự thiết lập nên Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên, để việc cử hành ngày này sẽ có thể được thực hiện một cách xứng đáng với toàn dân Thiên Chúa, trong sự bao hàm của tất cả những đòi hỏi cũng như những trạng huống có tính địa phương: với các Linh mục, các Tu sĩ và những người Giáo dân. Vì thế, ước chi Hội Đồng này sẽ lo lắng làm sao để cùng với các Hội Đồng Giám Mục, triển khai những sáng kiến thích hợp hầu đưa tới sự động viên và khích lệ đến độ việc cử hành hằng năm sẽ trở thành một khoảnh khắc mạnh mẽ của sự cầu nguyện, của suy tư, của sự hồi tâm và của sự đổi hướng đối với một lối sống nhất quán.

Kính thưa Đức Hồng Y Koch, tôi yêu cầu Ngài với tư cách là Chủ Tịch của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Việc Thúc Đẩy Sự Hiệp Nhất Giữa Các Ki-tô Hữu, hãy thực hiện những mối liên hệ cần thiết với Tòa Thượng Phụ Đại Kết cũng như với những đồng nghiệp Đại Kết khác, hầu cho Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện này trở thành dấu chỉ rằng, tất cả các tín hữu đặt niềm tin vào Chúa Giê-su đều đang cùng đi trên một con đường. Hội Đồng này cũng sẽ có nhiệm vụ trong việc phối hợp các sáng kiến mà Hội Đồng Đại Kết của Các Giáo Hội thực hiện.

Nhờ lời bầu cử của Đức Maria, Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa, và nhờ vào lời cầu bầu của Thánh Phan-xi-cô Assisi, mà trong bài ca mặt trời của mình, Thánh Nhân đã gợi hứng cho rất nhiều những người nam và những người nữ thành tâm thiện chí ca ngợi Đấng Tạo Hóa, và kính trọng thế giới thụ tạo, tôi trông đợi vào một sự cộng tác rộng lớn cho một sự khởi đầu tốt đẹp cũng như một sự cộng tác to lớn nhằm đưa đến sự phát triển tốt đẹp của Ngày Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên này. Liên kết với lời cầu nguyện trên, từ tận đáy lòng, tôi xin ban phép lành Tông Tòa cho cả hai Ngài và cho tất cả các cộng tác viên của quý Ngài.

Vatican ngày mồng 06 tháng 08 năm 2015

Nhân dịp Lễ Kính Chúa Hiển Dung

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội