Tông Thư của ĐTC Phan-xi-cô gửi các Đức Giám Mục trên toàn thế giới nhân dịp Lễ Các Thánh Anh Hài: „Chúng ta hãy than khóc và cầu xin ơn tha thứ!

Hiền Đệ thân mến,

Hôm nay là ngày Lễ Kính Các Thánh Anh Hài, trong lúc tâm hồn chúng ta vẫn còn đang vang vọng những lời của Thiên Thần nói với các mục đồng: „Này tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, người là Đức Ki-tô, Chúa chúng ta“ (Lc 2,10-11), nên tôi cảm thấy cần thiết phải viết cho Hiền Đệ bức thư này. Việc nghe lại sứ điệp trên một lần nữa sẽ đem đến nhiều ích lợi cho chúng ta; chúng ta được tái nghe lại rằng, Thiên Chúa đang ở giữa dân tộc chúng ta. Niềm xác tín ấy, tức niềm xác tín mà chúng ta tái hồi tưởng hàng năm, chính là nguồn cội của niềm vui và niềm hy vọng của chúng ta.

Trong những ngày này chúng ta có thể có được kinh nghiệm về việc Phụng Vụ đang cầm tay chúng ta và dẫn chúng ta đi vào trong trung tâm của Mùa Giáng Sinh, đang đẩy chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm của Đại Lễ Giáng Sinh, và từ từ làm cho chúng ta đến được với nguồn cội của niềm vui Ki-tô giáo như thế nào.

Giống như các mục đồng, chúng ta cũng được kêu gọi hãy làm cho niềm vui này được lớn lên giữa dân tộc chúng ta, chúng ta được yêu cầu hãy chăm sóc cho niềm vui này. Với Hiền Đệ, tôi muốn canh tân lời mời gọi đừng để mình bị lấy đi mất niềm vui ấy. Vì, trong khi chúng ta thường – và vô cớ - bị gây thất vọng bởi thực tế của Giáo hội, hay bởi chính chúng ta, chúng ta cảm thấy bị cám dỗ muốn bám vào một sự sầu muộn vô vọng và đường mật, mà sự sầu muộn ấy muốn chế ngự con tim (xc. Tông Huấn Evangelii gaudium, 83).

Trái với ý muốn của chúng ta, Mùa Giáng Sinh cũng bị đeo bám bởi nước mắt. Các sách Tin Mừng đã không cho phép mình được giấu giếm sự thật để làm cho mình trở nên đáng tin hơn hay có khả năng kích thích hơn. Các tác giả Tin Mừng đã không cho phép mình được biên soạn ra một bản văn „tuyệt hay“ nhưng thiếu thực tế. Đối với các Ngài, Đại Lễ Giáng Sinh không phải là một nơi ẩn nấp mang tính hư ảo, tức nơi mà người ta có thể giấu mình khi chứng kiến những thách đố và những bất công trong thời đại mình. Đúng hơn, các Ngài cũng công bố cho chúng ta biết về cuộc Giáng Sinh của Con Thiên Chúa được lồng vào trong một tấn bi kịch đầy đau thương. Với một trích dẫn từ Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a, tác giả Tin Mừng Mát-thêu đã diễn tả điều này với sự khắc nghiệt to lớn:

Tại Ra-ma, vẳng tiếng khóc than rề rĩ:

Tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình

Và không chịu để cho người ta an ủi,

vì chúng không còn nữa“ (Mt 2,18).

Đó là lời khóc than ai oán của những người mẹ, tức những người đã than khóc trước cái chết của những đứa con vô tội mà họ đã mang nặng đẻ đau khi tận mắt chứng kiến chế độ độc tài và sự ham hố quyền lực một cách vô độ của vua Hê-rô-đê.

Đó là một tiếng ai oán mà trong thời đại hôm nay chúng ta vẫn còn có thể tiếp tục nghe thấy. Điều đó đang thôi thúc chúng ta từ tận đáy tâm hồn, và chúng ta không thể và không muốn làm ngơ giả điếc trước điều đó, cũng như không thể và không muốn làm cho điều đó tiếp tục phải im lặng mãi. Giữa những con người mà tiếc rằng trong thời đại ngày nay người ta vẫn nghe thấy – và tôi viết điều này với sự buồn phiền sâu xa – tiếng ai oán và tiếng khóc than của nhiều người mẹ, của nhiều gia đình về cái chết của con cái họ, về những đứa con vô tội của họ.

Chiêm ngưỡng hang đá cũng có nghĩa là quan sát những giọt nước mắt ấy. Điều đó cũng có nghĩa là học lắng nghe điều xảy ra xung quanh, và có một con tim nhạy cảm và rộng mở đối với nỗi khổ đau của tha nhân, đặc biệt khi đó là nỗi khổ đau của các em nhỏ. Đồng thời điều đó cũng có nghĩa là có thể nhìn nhận rằng, trang sử bi ai này vẫn đang còn được viết ra ngay trong thời đại hôm nay. Chiêm ngưỡng hang đá, và ở đây cách ly hang đá khỏi cuộc sống bao quanh nó, có nghĩa là biến sự kiện Giáng Sinh thành một câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp, mà thực ra câu chuyện đó có khả năng khơi lên trong chúng ta những cảm giác tốt lành, nhưng lại cướp đi khỏi chúng ta sức mạnh sáng tạo của Tin Mừng, mà Tin Mừng ấy muốn trao tặng chúng ta Lời trở thành xác phàm. Và đang có cơn cám dỗ ấy.

Liệu có thể sống niềm vui Ki-tô giáo trong khi người ta quay lưng lại với những thực tế đó không? Liệu có thể hiện thực hóa niềm vui Ki-tô giáo trong khi người ta bỏ ngoài tai những tiếng ai oán của những người chung quanh và của các em nhỏ không?

Thánh Giu-se chính là người đầu tiên được kêu gọi bảo vệ niềm vui của ơn cứu độ. Khi tận mắt chứng kiến những tội ác man rợ mà chúng đã xảy ra, Thánh Giu-se – mẫu gương của những con người tuân phục và trung tín – có khả năng, lắng nghe giọng nói của Thiên Chúa và sứ mạng mà Thiên Chúa Cha ủy thác cho Ngài. Và vì Ngài biết lắng nghe giọng nói của Thiên Chúa và để cho mình được dẫn dắt bởi Thánh Ý Thiên Chúa, Ngài đã nhận thức được một cách tốt hơn những gì chung quanh Ngài, cũng như có thể hiểu được những biến cố với óc thực tế.

Ngày hôm nay, với tư cách là những mục tử, điều ấy cũng đang đòi hỏi chúng ta phải trở nên những con người có thể lắng nghe và không điếc lác trước giọng nói của Thiên Chúa, và như thế, nhận thức được một cách tốt hơn những thực tế mà chúng đang bao quanh chúng ta. Ngày hôm nay, với Thánh Giu-se như là một mẫu gương, chúng ta được kêu gọi, đừng để xảy ra chuyện người ta lấy mất đi niềm vui khỏi chúng ta. Chúng ta được thúc giục hãy bảo vệ niềm vui đó trước các hình tượng của một Hê-rô-đê trong thời đại chúng ta. Và như Thánh Giu-se, chúng ta cần phải có sự can đảm để đón nhận thực tế ấy, hầu đứng dậy và nắm lấy thực tế đó trong tay (xc. Mt 2, 20). Chúng ta cần phải có sự can đảm để bảo vệ niềm vui đó trước những nhân vật mới của một Hê-rô-đê thuộc thời đại chúng ta, mà những nhân vật ấy đang lạm dụng sự trong trắng của các em nhỏ. Sự trong trắng ấy đang bị đè bẹp dưới gánh nặng của lao động bất hợp pháp và của lao động nộ lệ, dưới gánh nặng của nạn mại dâm và của sự bóc lột. Sự trong trắng ấy đang bị hủy hoại bởi chiến tranh và bởi sự di cư cưỡng bức cùng với sự đánh mất tất cả những gì mà sự trong trắng này mang theo với mình. Hàng ngàn em nhỏ đang bị rơi vào tay của những tên thổ phỉ, của những tổ chức Mafia và của những kẻ buôn bán sự chết, tức những kẻ không làm gì khác ngoài việc lạm dụng những nhu cầu của các em và bóc lột chúng.

Chẳng hạn như đang có khoảng 75 triệu em nhỏ đã phải ngưng việc học hành của mình vì tình trạng cùng quẫn và vì những cuộc khủng hoảng liên miên. Trong năm 2015, các em nhỏ chiếm 68% tổng số những con người bị liên lụy tới nạn lạm dụng tình dục. Mặt khác, một phần ba các em nhỏ mà chúng đang phải sống bên ngoài đất nước hay quê hương xứ sở của mình, đã bị cưỡng bức phải biến mất. Chúng ta đang sống trong một thế giới, mà trong đó gần một nửa số trẻ em mà chúng phải chết dưới 5 tuổi, đã chết vì thiếu lương thực. Trong năm 2016, khoảng 150 triệu em nhỏ đã phải thực hiện sự mưu sinh và lao động trẻ em; nhiều em trong số các em nhỏ đó đang phải sống dưới những điều kiện nô lệ. Theo báo cáo mới nhất của UNICEF, nếu tình trạng hoàn cầu không thay đổi thì vào năm 2030, khoảng 167 triệu em nhỏ sẽ phải sống trong sự nghèo khổ đến cùng cực; từ năm 2016 tới năm 2030, 69 triệu em nhỏ sẽ phải chết dưới 5 tuổi, và 60 triệu em nhỏ khác không được đến trường.

Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc than và tiếng ai oán của những em nhỏ ấy; chúng ta cũng hãy lắng nghe tiếng khóc than và tiếng ai oán của mẹ Giáo hội chúng ta, Mẹ không chỉ khóc về những nỗi khổ đau mà chúng được đổ thêm vào cho những người con nhỏ bé nhất của mình, nhưng cũng còn vì Mẹ biết được những tội lỗi của một số thành viên của mình: sự đau khổ, những câu chuyện và nỗi khổ đau của các em bé vị thành niên bị lạm dụng tình dục bởi các Linh mục. Đó là một tội lỗi gây nhục nhã. Chính những người có trách nhiệm trong việc quan tâm chăm sóc cho các em nhỏ ấy lại là những người đã hủy hoại phẩm giá của các em. Chúng ta cần phải than khóc về điều ấy một cách sâu xa cũng như cần phải cầu xin ơn tha thứ. Chúng ta hãy hiệp thông với nỗi khổ đau của các nạn nhân, và về phía mình, hãy than khóc về những tội lỗi. Đó là những tội lỗi đối với những gì đã xảy ra; tội đã bỏ qua sự hỗ trợ; tội bưng bít và lừa dối; tội lạm dụng quyền lực. Giáo hội cũng đang khóc cay khóc đắng về những tội lỗi ấy của các thành viên mình, và cũng đang cầu xin ơn tha thứ. Nếu như hôm nay chúng ta tưởng nhớ tới các Thánh Anh Hài thì tôi cũng muốn xác nhận với tất cả về sự dấn thân của chúng ta để cho những hành vi tội ác đó không còn xảy ra giữa chúng ta nữa. Chúng ta hãy cố gắng để có được sự can cảm cần thiết hầu thúc đẩy tất cả mọi phương cách thiết thực, và trước hết, nhằm bảo vệ sự sống của các em nhỏ, để cho những tội ác như thế không còn được lập lại nữa. Chúng ta hãy bắt tay vào thực hiện sứ mạng để „không khoan nhượng“ trong lãnh vực này, nhưng tiếp nhận cách rõ ràng và chân thành.

Niềm vui Ki-tô giáo không phải là một niềm vui được tạo ra bên lề thực tế, bằng cách là người ta giả điếc làm ngơ trước thực tế, hay làm như thể là nó chẳng có. Niềm vui Ki-tô giáo phát sinh từ một ơn gọi – từ một ơn gọi giống hệt như ơn gọi mà Thánh Giu-se đã lãnh nhận – để „tiếp nhận“ và bảo vệ sự sống, đặc biệt là sự sống của các Thánh Anh Hài trong thời đại hôm nay. Mùa Giáng Sinh chính là Mùa thúc ép chúng ta bảo vệ sự sống và giúp đỡ sự sống để cho sự sống được sinh ra và lớn lên; Mùa này cũng thúc bách chúng ta canh tân bản thân mình với tư cách là những mục tử can đảm. Sự can đảm này sẽ sản sinh ra những xung lực, mà những xung lực này sẽ làm cho chúng ta ý thức về thực tế mà các em nhỏ đang trải qua trong thời đại hôm nay, và cho phép chúng ta ra công làm việc để đảm bảo cho các em những điều kiện cần thiết, hầu phẩm giá của các em không chỉ được kính trọng, nhưng đặc biệt là còn được bảo vệ một cách mạnh mẽ.

Chúng ta đừng để cho ai đó lấy mất đi niềm vui của các em nhỏ. Chúng ta cũng đừng lấy đi niềm vui của các em, chúng ta hãy bảo vệ các em và hãy giúp các em lớn lên!

Chúng ta hãy thực hiện điều này với sự trung tín đầy tình cha giống như của Thánh Giu-se, và hãy thực hiện qua đôi tay của Đức Maria, Thân Mẫu của sự trìu mến, để con tim chúng ta không bị chai cứng.

Trong niềm hiệp thông huynh đệ

Vatican ngày 28 tháng 12 năm 2016

Nhân dịp Lễ Kính Các Thánh Anh Hài 

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội