Tông Thư Của ĐTC Phan-xi-cô Nhằm Công Bố Tháng 10 Năm 2019 Là Tháng Truyền Giáo

 

Kính gửi hiền đệ khả ái – Đức Hồng Y Fernando Filoni

Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Vào ngày 30 tháng 11 năm 2019 sẽ là ngày kỷ niệm lần thứ 100 việc công bố Tông Huấn Maximum illud, mà với Tông Huấn ấy, Đức Thánh Cha Biển Đức XV đã muốn trao cho trách nhiệm loan báo Tin Mừng một xung lực mới để công bố Tin Mừng. Vào năm 1919, lúc kết thúc cuộc xung đột khủng khiếp mang tính toàn cầu mà chính Ngài đã mô tả nó như là „cuộc tắm máu vô ích[1], Ngài đã lưu ý tới sự cần thiết phải canh tân sứ vụ truyền giáo hoàn vũ dựa trên những nền tảng căn bản của Tin Mừng, để sứ vụ ấy được tẩy sạch khỏi lớp vảy cứng có tính xâm thực, và tránh xa những cố gắng của chủ nghĩa quốc gia có xu hướng bành trướng mà chúng đã gây ra rất nhiều bất hạnh. Ngài biết rằng, „Giáo hội của Thiên Chúa là Giáo hội phổ quát, và do đó, không xa lạ với bất cứ dân tộc nào[2], và ở đây Ngài cũng mời gọi hãy từ bỏ tất cả mọi thứ tham lam và lòng hám lợi, vì ý nghĩa của sứ vụ truyền giáo chỉ hàm chứa trong Sứ Điệp và Tình Yêu của Chúa Giê-su Ki-tô, mà sứ điệp và Tình Yêu ấy được lan truyền cũng như được phát tán nhờ vào đời sống thánh thiện và nhờ vào những công việc bác ái. Vì thế, Đức Bê-nê-đíc-tô XV đã trao cho missio ad gentes – sứ vụ đến với muôn dân - một xung lượng đặc biệt, và với những thiết bị truyền thông đang ở vào gia đoạn phôi thai hồi đó, Ngài đã dấn thân cho việc tái khơi dậy niềm ý thức về trách nhiệm truyền giáo, đặc biệt là nơi hàng Giáo sĩ.

Trách nhiệm truyền giáo vừa nêu trên chính là câu trả lời cho lời hiệu triệu có hiệu lực vô thời hạn của Chúa Giê-su: „Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ để loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo!“ (Mc 16,15). Việc thực hiện theo lời hiệu triệu đó của Chúa Giê-su không phải là một sự lựa chọn đối với Giáo hội, nhưng là „sứ mạng tất yếu“ của Giáo hội, như Công Đồng Vatican II [3] đã nhắc nhớ, vì „tự bản chất của mình, Giáo hội là truyền giáo[4]. „Trong thực tế, loan báo Tin Mừng là ân sủng và là ơn gọi đích thực của Giáo hội, cũng như là căn tính thẳm sâu nhất của Giáo hội. Giáo hội hiện hữu để loan báo Tin Mừng[5]. Để tương ứng với căn tính đó, cũng như để tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã bị đóng đinh và đã phục sinh cho tất cả, cũng như tuyên xưng Ngài là Đấng Cứu Độ hằng sống và là Lòng Nhân Hậu, mà Lòng Nhân Hậu ấy có khả năng cứu thoát, „Giáo hội phải“ – Công Đồng Vatican II viết tiếp – „đi theo chính con đường mà Chúa Giê-su đã đi, cụ thể đó là con đường khó nghèo, vâng phục, phục vụ và hy sinh chính bản thân mình, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần[6]. Chỉ có như thế Giáo hội mới thực sự công bố Thiên Chúa và công bố „hình ảnh nguyên tuyền của nhân loại đã được canh tân và được choán đầy bởi Tình Yêu huynh đệ, bởi sự trung thực và bởi tinh thần hòa bình, mà nhân loại đó, tất cả mọi người đều mong đạt tới[7].

Điều mà Đức Bê-nê-đíc-tô XV canh cánh bên lòng cách nay gần 100 năm, và văn kiện của Công Đồng đã nhắc nhớ chúng ta từ hơn năm chục năm nay, vẫn luôn còn mang tính thời sự. Cả trong thời đại hôm nay cũng như hồi ấy, Giáo hội „được Chúa Ki-tô sai đi để loan báo và công bố Tình Yêu của Thiên Chúa cho hết thảy mọi người và mọi dân nước; Giáo hội ý thức rằng, vẫn còn một nhiệm vụ truyền giáo đồ sộ nữa đang nằm trước mặt mình[8]. Trong ý nghĩa đó, Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng đã tuyên bố rằng, „sứ vụ của Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Độ thế giới, mà sứ vụ ấy đã được ủy thác cho Giáo Hội, vẫn còn rất lâu nữa mới đạt tới được sự thành toàn. Một cái nhìn tổng quát về nhân loại vào cuối ngàn năm thứ hai chỉ cho chúng ta thấy rằng, sứ mạng này vẫn đang còn ở điểm khởi đầu, cũng như chỉ cho chúng ta thấy rằng, chúng ta phải dấn tân với toàn bộ sức lực và khả năng của mình cho việc hoàn thành sứ mạng ấy[9]. Vì thế, với những lời trên mà hôm nay Cha muốn tất cả mọi người phải tái lưu tâm tới, Ngài đã kêu gọi Giáo hội „hãy canh tân niềm hăng say truyền giáo“. Và Ngài xác tín rằng: „Trong thực tế, nhờ vào sứ mạng truyền giáo, Giáo hội sẽ được canh tân, Đức Tin và căn tính Ki-tô giáo sẽ được củng cố và nhận được một xung lượng và một động lực mới. Đức Tin trở nên mạnh mẽ nhờ vào việc tiếp tục được chuyển giao! Công cuộc tái loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Ki-tô giáo sẽ thấy được sự khích lệ và điểm tựa trong sự dấn thân truyền giáo đang được thực hiện trên toàn thế giới[10].

Trong Tông Huấn Evangelii gaudium, Cha đã thể hiện ước nguyện tái đặt trước mắt toàn thể Giáo hội lời mời gọi khẩn thiết sau đây như là hoa trái của Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ XIII được triệu tập để suy tư về công cuộc tái loan báo Tin Mừng nhằm tiếp tục chuyển giao Đức Tin Ki-tô giáo: „Đức Gio-an Phao-lô II đã đặt vào trong con tim chúng ta để thừa nhận rằng, ´không được phép đánh mất khả năng loan báo Tin Mừng`cho những người đang xa cách Chúa Ki-tô, vì đó chính là ´nhiệm vụ đầu tiên của Giáo hội`. ´Trong thời đại ngày này, hoạt động truyền giáo cũng vẫn đang còn là một thách đố lớn nhất đối với Giáo hội`, và vì thế, ´ước nguyện truyền giáo phải là ước nguyện đầu tiên`. Điều gì sẽ diễn ra nếu chúng ta tiếp nhận những lời ấy với một cách thức thực sự nghiêm túc? Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng, hành vi truyền giáo chính là khuôn mẫu cho tất cả mọi hoạt động của Giáo hội[11].

Điều Cha muốn diễn tả, chính là việc phải khẩn thiết nhắc lại điều đó một lần nữa, và Cha nghĩ rằng, nó „có một tầm quan trọng mang tính cương lĩnh và chứa đựng những hệ quả quan trọng. Cha hy vọng rằng, tất cả mọi cộng đoàn đều lưu tâm làm sao để có được những biện pháp cần thiết hầu tiến về phía trước trên con đường tái tổ chức lại công cuộc mục vụ và truyền giáo, mà con đường ấy không được phép để mặc cho những điều như chúng là. Giờ đây, một ´công việc quản lý thuần túy` sẽ chẳng giúp ích gì cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải dấn thân vào trong tất cả mọi lãnh vực của thế giới, trong một ´tình trạng truyền giáo không ngừng`[12]. Với niềm tín thác vào Thiên Chúa và với nhiều can đảm, chúng ta đừng sợ hãi trước một „quyết định truyền giáo“ mà nó có khả năng biến đổi tất cả, để tất cả những thói quen, những phong cách sống, những chương trình, những cách sử dụng ngôn từ và bất cứ cấu trúc nào trong Giáo hội cũng đều trở thành một kênh dẫn mà nó có rất nhiều ích lợi trong việc loan báo Tin Mừng cho thế giới ngày nay hơn là việc tự bảo vệ chính mình. Công cuộc cải tổ những cấu trúc mà nó là điều cần thiết đối với việc tái tổ chức lại hoạt động mục vụ, chỉ có thể được hiểu trong ý nghĩa sau đây: lưu tâm làm sao để tất cả những cấu trúc ấy đều có khả năng truyền giáo hơn nữa, cũng như lưu tâm làm sao để cho những hoạt động mục vụ thông thường ngày càng trở nên lớn mạnh và mở ra trong tất cả mọi lãnh vực của hoạt động này, và lưu tâm làm sao để những cấu trúc ấy đặt những hoạt động mục vụ vào trong một tư thế luôn luôn sẵn sàng „lên đường“, đồng thời hỗ trợ những hành vi tích cực của tất cả những ai mà Chúa Giê-su đang giới thiệu cho họ biết về tình bằng hữu của Ngài. Như Đức Gio-an Phao-lô II đã nói với các Giám Mục Úc Châu, „bất cứ sự canh tân nào trong Giáo Hội […] cũng đều phải nhắm tới công cuộc truyền giáo để không sa vào một trong bất cứ dạng thức quy ngã nào của Giáo hội[13].

Trong tinh thần Ngôn Sứ và trong sự chân thực của Tin Mừng, Tông Huấn Maximum illud đã kêu gọi hãy bỏ qua những ranh giới của các quốc gia để làm chứng cho nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa thông qua sứ mạng truyền giáo phổ quát của Giáo hội. Việc chuẩn bị mừng kỷ niệm lần thứ 100 ngày công bố Tông Huấn trên chính là một sự khích lệ để vượt qua cơn cám dỗi liên tục mà nó ẩn mình đàng sau bất cứ sự quy ngã nào của Giáo hội, đàng sau bất cứ hình thức nào của việc quy về mình trong những giới hạn riêng, đàng sau bất cứ hình thức nào của chủ nghĩa mục vụ yếm thế, đàng sau bất cứ nỗi luyến tiếc quá khứ vô sinh nào, để trái lại, mở bản thân mình ra cho những điều mới mẻ đầy hân hoan của Tin Mừng. Ngay cả trong thời đại ngày nay của chúng ta, mà thời đại ấy đang bị hành hạ bởi những thảm kịch chiến tranh, cũng như đang bị đe dọa bởi ý nguyện đau buồn muốn nhấn mạnh tới sự khác biệt và khơi lên những tranh chấp, Tin Mừng này vẫn đang được mang tới cho tất cả mọi người với niềm hăng say mới, và Tin Mừng ấy đang trao tặng niềm tín thác và niềm hy vọng rằng: trong Chúa Giê-su Ki-tô, sự tha thứ sẽ chiến thắng tội lỗi; trong Ngài, sự sống sẽ vượt thắng sự chết và Tình Yêu sẽ chinh phục tất cả mọi nỗi sợ hãi.

Từ viễn tượng đó và dựa vào lời đệ nghị của Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Cha công bố rằng, tháng 10 năm 2019 sẽ là Tháng Truyền Giáo đặc biệt để tái đánh thức một cách mạnh mẽ hơn nữa niềm ý thức về missio ad gentes – sứ vụ đến với muôn dân -, cũng như tái khởi đầu một cuộc canh tân đời sống và mục vụ truyền giáo với một xung lực mới. Người ta sẽ có thể chuẩn bị tốt cho việc đó, cũng như thông qua Tháng Mười Truyền Giáo của năm sắp tới, để việc loan báo Tin Mừng và việc biến các cộng đoàn tín hữu thành những thực tế truyền giáo và loan báo Tin Mừng trở thành ý nguyện thực sự nằm trong con tim của các tín hữu; để Tình Yêu đối với sứ vụ truyền giáo được lớn lên, mà „sứ vụ truyền giáo ấy chính là một niềm say mê của Chúa Giê-su, nhưng đồng thời cũng là niềm say mê của dân Ngài[14].

Cha xin trao phó cho hiền huynh, cho Thánh Bộ mà hiền huynh lãnh đạo, cho các hiệp hội Truyền Giáo trực thuộc Tòa Thánh, nhiệm vụ chuẩn bị cho sự kiện nêu trên, đặc biệt là thông qua một sự nhậy bén được rắc gieo khắp hoàn vũ của các Giáo hội đại phương, của các Hội Dòng sống đời Thánh Hiến và của các Tu Đoàn đời sống tông đồ, cũng như của các hiệp hội, các phong trào và các cộng đoàn khác trong Giáo hội. Ước chi Tháng Truyền Giáo đặc biệt sẽ có thể trở thành một thời gian ân sủng đầy mạnh mẽ và phong nhiêu để thúc đẩy các sáng kiến cũng như đào sâu việc cầu nguyện trong một cách thế đặc biệt, vì việc cầu nguyện chính là linh hồn của mọi hoạt động truyền giáo. Đây sẽ là thời gian mãnh liệt để công bố Tin Mừng, để suy tư về các bản văn Kinh Thánh cũng như suy tư Thần Học về truyền giáo; và đây cũng sẽ là một thời gian để thực hành Đức Ái Ki-tô giáo, để thực hiện những hành vi cụ thể của sự cộng tác và tình liên đới giữa các Giáo hội, đến độ niềm hăng say truyền giáo sẽ tái trỗi dậy và không bao giờ lạc mất khỏi chúng ta[15].

Từ Vatican, ngày 22 tháng 10 năm 2017

Chúa Nhật XXIX TN  - Chúa Nhật Quốc Tế Truyền Giáo

Ngày kính nhớ Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng

 

ĐTC Phan-xi-cô

Ghi chú:

 

[1] Thư gửi các vị nguyên thủ quốc gia của các dân tộc đang thực hiện chiến tranh, 01.08.1917: AAS IX (1917), 421-423.

[2] Đức Bê-nê-đíc-tô XV, Tông Huấn Maximum illud, 30.11.1919: AAS 11 (1919), 445.

[3] Sắc Lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội Ad gentes, 7.12.1965, 7: AAS 58 (1966), 955.

[4] Như trên., 2: AAS 58 (1966), 948.

[5] Đức Phao-lô VI, Tông Huấn Evangelium nuntiandi, 8. 12.1975, 14: AAS 68 (1976), 13.

[6] Sắc Lệnh Ad gentes, 5: AAS 58 (1966), 952.

[7] Nt., 8: AAS 58 (1966), 956-957.

[8] Nt., 10: AAS 58 (1966), 959.

[9] Thông Điệp Redemptoris missio, 7.12.1990, 1: AAS 83 (1991), 249.

[10] Nt., 2: AAS 83 (1991), 250-251.

[11] Số 15: AAS 105 (2013), 1026.

[12] Nt., 25: AAS 105 (2013), 1030.

[13] Nt., 27: AAS 105 (2013), 1031.

[14] Nt., 268: AAS 105 (2013), 1128.

[15] Nt., 80: AAS 105 (2013), 1053.

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội