Tông thư Salvifici Doloris - Về Ý Nghĩa Đau Khổ

LỜI GIỚI THIỆU

“Con người bước đi, cách này hay cách khác, trên con đường đau khổ”, và tất cả chúng ta được đưa tới gặp gỡ con người trên đường đó.

Thinh lặng:

Biết nói gì với một người bạn đang hao mòn vì bệnh tật, cơn bệnh mà người ta biết rằng từ từ, nhưng chắc chắn, sẽ cướp đi sự sống của người bạn? Biết nói gì với những người cha, người mẹ đang quỵ ngã vì cái chết của đứa con? Biết nói gì với một người bị tàn tật nặng nề, ngày này sang ngày khác, phải chịu thử thách vì bị những người khác ruồng bỏ và khinh chê?

Đối với một tâm hồn thật sự biết cảm thông, thì hình như thinh lặng vẫn là cách thích hợp nhất để diễn tả mối thiện cảm, tình bằng hữu hoặc cảm tình. Người ta cũng phải hiểu thế về tiếng kêu của Đức Hồng Y Veuiliot, vài giờ trước lúc lâm chung, sau khi đã trải qua những chuỗi ngày dài đau khổ: “Chúng ta đã viết những câu văn hoa mỹ về đau khổ, chính tôi, tôi cũng đã hăng hái nói về đau khổ. Hãy bảo với các Linh mục rằng đừng nói gì về đau khổ cả!”

Hy vọng:

Tuy vậy, khi đang ấp ủ trong lòng một niềm hy vọng, liệu người ta có thể thinh lặng được không? “Kinh Thánh là cuốn sách vĩ đại về đau khổ”, và nhân dịp Năm Thánh 1984 này, năm kỷ niệm cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng muốn nói lại những lời hy vọng cho con người. Sách Gióp đã nêu lên vấn đề lý do của đau khổ một cách chua xót, sách vẫn chưa giải quyết được vấn đề, đưa ra chỉ dẫn: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Độ tôi vẫn sống, và, vào ngày sau hết… Tôi sẽ được trông thấy Thiên Chúa của tôi”.

Nhìn lên Thánh Giá:

Chỉ khi đưa mắt đức tin nhìn lên Đức Giêsu, con Thiên Chúa, người ta mới có thể khám phá ra, chứ không phải là hiểu, ý nghĩa sâu xa của đau khổ. “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và Đức Giêsu, sau khi đã trở nên gần gũi với thế giới những nhọc nhằn và nước mắt, sau khi đã chữa lành các bệnh tật và công bố tám mối phúc thật, Người còn muốn chia sẻ nỗi khổ đau của con người với tình yêu thương và hoàn toàn tự nguyện.

Qua cây Thập Giá vẫn thường xuyên cầm nơi tay, Đức Giáo Hoàng trình bày cho chúng ta thấy Đấng đã thật sự chịu đau khổ, mà ngôn sứ Isaia từng tuyên báo: “Như con chiên bị dẫn tới lò sát sinh”.

Với Đức Kitô chịu treo trên Thập Giá, con người không còn cô độc trong đau khổ, vì Thiên Chúa của họ đang yêu thương chia sẻ những khổ đau, để chiến thắng khổ đau cũng như sự chết và tội lỗi.

Thập Giá, dấu hiệu Phục Sinh:

Nhưng ý nghĩa của Thập Giá và sự chết chỉ thật sự phát huy trọn vẹn sức mạnh khi được hoàn tất trong biến cố Phục Sinh. “Các nhân chứng trong cuộc tử nạn của Đức Kitô đều đồng thanh làm chứng Người đã phục sinh”. Thánh Pholô viết: “Cần phải nhận biết Đức Kitô trong sức mạnh của biến cố Phục Sinh và trong hiệp thông với những đau khổ của Người, phải trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết, để có thể phục sinh từ cõi chết”.

Trải qua nhiều thế kỷ, Thập Giá Đức Kitô là dấu chỉ của sự chiến thắng cũng như của đau khổ đã được san sẻ, bời vì chính trong sự yếu đuối mà Đức Kitô đã tỏ bày quyền năng của Người, tình yêu đã thắng sự dữ và đau khổ trong vinh quang Phục Sinh.

Với tất cả xác tín của một người tin, Đức Giáo hoàng đã lập lại ngôn ngữ hùng hồn đó, thứ ngôn ngữ mà thánh Phaolô đã sử dụng. Chính Đức Giáo hoàng đã trải qua những cơn dằn vặt đớn đau trong thân xác, vì thế, những lời này lại càng có ý nghĩa xác thực hơn nữa. Mặc dù trong Tông Thư này, Đức Giáo Hoàng không hề ám chỉ đến lần Người bị ám sát, nhưng những đau khổ của Người vẫn hiện diện một cách thầm lặng trong toàn bộ sứ điệp gởi toàn thể thế giới này.

Tin mừng về đau khổ:

Chính Đức Giáo hoàng cũng đã cảm nghiệm “Tin mừng về đau khổ” ngay trong thân xác Người, nghĩa là “không phải chỉ là sự hiện diện của đau khổ trong Tin Mừng như là một đề tài của Tin Mừng, nhưng còn là mặc khải về sức mạnh cứu độ, về ý nghĩa cứu độ của đau khổ trong sứ vụ và ơn gọi của Giáo Hội”. Và Đức Giáo hoàng nhắc nhở rằng Tin Mừng này được viết bởi tất cả những người cùng chịu đau khổ với Đức Kitô, từ Đức Maria cho đến ngày nay. Đây không phải chỉ là câu trả lời trừu tượng cho vấn đề ý nghĩa đau khổ, nhưng còn là lời Thầy mời gọi các môn đệ hãy vác Thập Giá mình.

Đối với tất cả các bệnh nhân đã có may mắn được thấy hoặc nghe Đức Giáo hoàng ngỏ lời tại Lộ Đức ngày 15/08/1983, thì lời kêu gọi này chắc chắn sẽ có âm hưởng đặc biệt. (Hôm ấy, Đức Giáo hoàng đã nói chuyện trong một khoảng thời gian dài, dù điều đó có thể làm sai lạc thời khóa biểu đã định trước).

Người Samari nhân hậu:

Đức Giáo hoàng đã nhắc lại dụ ngôn “người Samari nhân hậu”, không phải chỉ để gởi tới các bệnh nhân, những người phải chịu đau khổ, mà còn là gởi tới mọi người.

Đau khổ vẫn ở ngay trên đường đi của chúng ta, đến nỗi con người rất dễ bị cám dỗ “bỏ đi qua” một cách dửng dưng, sự dửng dưng này là một nét đặc trưng của thời đại chúng ta.

Chắc chắn rằng dụ ngôn “người Samari nhân hậu” đã trở nên yếu tố cốt thiết của nền văn hóa đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Nhưng, “khi đến với đau khổ của người khác, không một tổ chức nào, tự nó, có thể thay thế cho trái tim, sự cảm thông, tình yêu và sáng kiến của con người”.

Và vào ngày phán xét, Chúa sẽ nói với mỗi người chúng ta rằng: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

V. Sứ điệp gởi tới mọi người:

Ngày 13/07/1981, từ bệnh viện, Đức Giáo hoàng gởi thư cho các bệnh nhân đang tham dự Đại Hội Thánh Thể Lộ Đức: “Khi tôi gặp gỡ các bệnh nhân, tại Roma hay trong các chuyến du hành, tôi thích ngừng lại trước mỗi người bệnh, lắng nghe họ, chúc lành cho họ và nhắc nhở họ rằng mỗi người trong họ đều được Thiên Chúa tỏ lòng ưu ái. Đức Giêsu đã làm như vậy”.

“Thiên Chúa đã cho chính tôi, lúc này đây, cũng cảm nghiệm được nỗi đau và sự yếu đuối ngay trong thân xác mình. Tôi cảm thấy rất gần gũi với anh chị em. Tôi hiểu những thử thách của anh chị em hơn. “Những gian nan thử thách Đức Kitô phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức” (Cl 1,24). Tôi kêu mời anh chị em, cùng với tôi, dâng lên Chúa những đau khổ của mình, Người là Đấng đã thực hiện những việc vĩ đại nhờ cây Thánh Giá: hãy hiến dâng để tất cả Giáo Hội, qua bí tích Thánh Thể, có được một sự canh tân Đức Tin và Đức Ái, hầu cả thế giới đón nhận được ơn phúc do sự tha thứ, hòa bình và tình yêu”.

Hôm nay, Đức Giáo hoàng gởi sứ điệp hy vọng, sứ điệp đức tin, sứ điệp tình yêu này tới tất cả mọi người.

RAYMOND MICHEL

Tổng thư ký

Hội Đồng Giám Mục Pháp


Tông thư

SALVIFICI DOLORIS
của Đức thánh cha GIOAN-PHAOLÔ II

Gửi các Giám mục, các linh mục,
tu sĩ nam nữ
và các tín hữu Công giáo

vỀ ý nghĩa Kitô-giáo cỦa đau khỔ con ngưỜi

 

Chư huynh đáng kính trong hàng Giám Mục,

Anh chị em thân mến!

I. NHẬP ĐỀ

1. Khi giải thích giá trị cứu độ của đau khổ, Thánh Phaolô Tông Đồ viết: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức. Như thế là vì lợi ích của Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

Những lời ấy dường như xuất hiện ở cuối một con đường dài, con đường xuyên qua những ngõ ngách của đau khổ, khắc ghi trong lịch sử loài người, và được Lời Chúa soi sáng. Những lời ấy có giá trị gần như một khám phá mấu chốt, tràn đầy niềm vui; vì thế Thánh Tông Đồ cũng viết: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em” (Cl 1,24). Niềm vui đó phát xuất từ việc tìm ra ý nghĩa của đau khổ, và mặc dù đó là kinh nghiệm rất riêng tư của một Phaolô thành Tarso, nhưng cũng có giá trị cho những người khác. Thánh Tông Đồ nói lên khám phá riêng của mình và vui mừng vì khám phá đó có thể giúp cho người khác đi sâu vào ý nghĩa cứu độ của đau khổ, như đã từng giúp cho chính thánh nhân.

2. Đề tài về đau khổ, nhất là xét theo ý nghĩa cứu độ, có lẽ rất phù hợp với bối cảnh Năm Thánh Cứu Độ, năm Toàn xá ngoại lệ của Giáo Hội; và có lẽ chính hoàn cảnh này cũng trực tiếp mời gọi chúng ta quan tâm nhiều hơn nữa đến đề tài đau khổ trong giai đoạn hiện tại. Ngoài ra, đó còn là một đề tài phổ quát gắn liền với con người ở khắp mọi nơi. Có thể nói, đề tài này có mặt thường xuyên cùng với con người trên thế giới, và vì thế cần phải luôn quan tâm đến. Mặc dù trong thư gởi tín hữu Roma Thánh Phaolô đã viết: “Cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,22); mặc dù con người cũng biết đến đau khổ của loài vật, gần giống với đau khổ của con người; tuy nhiên, với từ ngữ “đau khổ” được sử dụng ở đây, chúng tôi muốn nói lên điều có lẽ rất thiết yếu đối với bản tính con người. Ý nghĩa của đau khổ cũng sâu xa như chính con người, bởi vì, theo cách thức của mình, đau khổ vừa biểu lộ vừa vượt lên trên chiều sâu độc đáo của con người. Đau khổ dường như thuộc về siêu việt tính của con người; đó là một trong những điểm cho thấy con người, theo một nghĩa nào đó, có vận mệnh vượt trên chính mình, và được kêu gọi cách huyền nhiệm để thực hiện điều đó.

3. Sở dĩ đề tài đau khổ phải được đề cập đến cách đặc biệt trong Năm Thánh Cứu Độ, trước hết là vì công cuộc Cứu độ đã được thực hiện nhờ Thập Giá Đức Kitô, tức là nhờ sự đau khổ của Người. Và cũng thật là chính đáng, trong Năm Thánh Cứu Độ, chúng ta suy tư lại chân lý đã được diễn tả trong thông điệp “Đấng cứu chuộc con người” (Redemptor hominis): trong Đức Kitô, con người trở thành con đường Giáo Hội (x. các số 14, 18, 22). Có thể nói, con người trở thành con đường của Giáo Hội một cách đặc biệt khi đau khổ đi vào đời sống con người. Như ta biết, điều ấy xảy ra ở những giai đoạn khác nhau của đời sống, dưới nhiều hình thức và mang nhiều chiều kích khác nhau. Thế nhưng, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, đau khổ có vẻ, và thật sự, hầu như không thể tách rời khỏi cuộc đời tại thế của con người.

Vậy, bởi vì trong cuộc đời trần thế, cách này hay cách khác, con người đang tiến bước trên con đường đau khổ, nên trong mọi lúc, có lẽ đặc biệt trong Năm Thánh Cứu Độ này, Giáo Hội phải gặp gỡ con người ngay trên con đường ấy. Giáo Hội đã được sinh ra từ mầu nhiệm cứu độ nơi Thập Giá Đức Kitô, nên Giáo Hội có bổn phận tìm đến gặp gỡ con người một cách đặc biệt trên con đường đau khổ của họ. Chính trong cuộc gặp gỡ này mà con người trở thành con đường của Giáo Hội, và con đường ấy là một trong những con đường quan trọng nhất.

4. Chính vì vậy mà có phần suy tư này, suy tư về đau khổ, được đưa ra đúng vào Năm Thánh Cứu Độ. Đau khổ của con người gợi lên mối cảm thông (compassion), đồng thời gợi lên lòng kính trọng (respect), và tự nó, đau khổ gây ra sự lo sợ (intimide). Nói thế, bởi vì đau khổ hàm chứa sự cao cả của một mầu nhiệm riêng biệt. Lòng kính trọng đặc biệt đối với mọi nỗi khổ đau của con người phải được diễn tả ở phần đầu của những điều sẽ được khai triển nơi đây, và của những gì phát xuất từ nhu cầu sâu xa nhất của trái tim cũng như từ mệnh lệnh quyết liệt của đức tin. Hai lý do đó hình như rất gần nhau và hợp nhất với nhau xung quanh đề tài đau khổ này: nhu cầu của con tim buộc chúng ta vượt thắng tính rụt rè, và mệnh lệnh của đức tin –được diễn tả trong lời Thánh Phaolô như đã trích dẫn– cho thấy những động cơ thúc đẩy chúng tôi dám đề cập đến vấn đề có vẻ rất huyền bí nơi mỗi người; bởi vì trong đau khổ, con người vẫn là một mầu nhiệm không thể thấu hiểu được.

II. THẾ GIỚI NHỮNG KHỔ ĐAU CỦA CON NGƯỜI

5. Trong chiều kích chủ quan, mặc dù xét như là một sự kiện cá vị nằm sâu nơi thâm tâm con người cụ thể và độc đáo, đau khổ dường như không thể diễn tả và thông đạt được; thế nhưng, cùng lúc ấy, có lẽ không có sự kiện nào lại được bàn luận, suy gẫm, quan niệm, bằng cách diễn giải rõ ràng như vấn đề đau khổ, trong “thực tại khách quan” của nó; và vì vậy, không có thực tại nào lại đòi buộc người ta phải tra vấn cặn kẽ và tìm câu trả lời cho bằng vấn đề đau khổ. Như ta thấy, ở đây không phải chỉ là mô tả đau khổ. Có những tiêu chuẩn khác vượt lên trên sự mô tả mà chúng ta phải đề cập đến nếu muốn đi sâu vào thế giới những khổ đau của con người.

Xét như một khoa học, đồng thời như nghệ thuật săn sóc bệnh nhân, y học đã tìm thấy trong lãnh vực bao la ngập tràn khổ đau của con người, khía cạnh quen thuộc nhất của chúng. Khía cạnh này đã được nhận diện một cách rất rõ ràng và đã được chữa trị khá hiệu quả bằng những phương pháp “phản ứng” lại, tức là trị liệu.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một mặt. Đau khổ của con người còn có tầm thức rộng lớn hơn, đa dạng hơn, và có nhiều chiều kích khác nhau. Con người phải chịu đựng đau khổ dưới nhiều hình thức, không phải lúc nào y khoa cũng quan sát được, kể cả những ngành tiến bộ nhất. So với bệnh tật, đau khổ là một cái gì đó rộng lớn hơn, phức tạp hơn, đồng thời cắm rễ rất sâu trong chính bản tính con người. Cách tiếp cận đầu tiên với vấn đề này là phân biệt đau khổ thể lý và đau khổ tinh thần. Sự phân biệt đó dựa trên hai chiều kích của con người, tức là yếu tố thể chất và tinh thần như là chủ thể trực tiếp của đau khổ. Trong mức độ có thể, chúng ta sử dụng các từ “đau khổ” (souffrance) và “đau đớn” (douleur) như là đồng nghĩa: khi thân thể bị đau cách này cách khác, đó là đau khổ thể lý (souffrance physique) ; còn đau khổ tinh thần (souffrance morale) là một “đau đớn của tâm hồn” (douleur de l’âme). Thật thế, chúng ta bàn đến sự đau đớn về phương diện tâm linh chứ không chỉ theo phương diện “tâm lý” (psychique), là hậu quả của đau khổ tinh thần cũng như thể lý. So với đau khổ thể lý, tầm mức và hình thức đa dạng của đau khổ tinh thần cũng không thua kém gì; đang khi đó, hình như phương pháp trị liệu tinh thần lại khó xác định và khó thực hiện hơn.

6. Kinh Thánh là cuốn sách vĩ đại về vấn đề đau khổ. Dựa trên các sách Cựu Ước, ở đây, chúng ta chỉ nêu ra vài hoàn cảnh điển hình có dấu ấn đau khổ, nhất là đau khổ tinh thần: nguy cơ phải chết [1]; cái chết của con cái [2]; đặc biệt là của đứa con đầu lòng và duy nhất [3]; tuyệt tự [4]; nỗi nhớ quê hương; bị người chung quanh bách hại và chống đối [5]; người đang đau khổ bị chế giễu và nhạo báng.[6]

Cô đơn và bị bỏ rơi [7]; rồi còn phải kể đến sự cắn rứt lương tâm [8]; không hiểu tại sao kẻ dữ lại thịnh đạt còn người công chính lại phải đau khổ [9]; sự thất tín và vô ơn của bạn bè và láng giềng [10]; sau cùng là những nỗi bất hạnh của quê hương xứ sở.[11]

Vì Cựu Ước thường quan niệm con người là một tổng thể tâm lý, nên cũng thường liên kết các đau khổ tinh thần với sự đau đớn cảm thấy nơi một chi thể rõ rệt: xương cốt,[12] thận,[13] gan,[14] mật,[15] tim.[16] Thật vậy ta không thể chối cãi được rằng những nỗi đau khổ tinh thần cũng có tính cách thể lý và thường ảnh hưởng tới tình trạng chung của cơ thể.

7. Qua các thí dụ trên đây, ta thấy Kinh Thánh mô tả rất nhiều hoàn cảnh đau thương của con người. Bản liệt kê này, mặc dù phong phú, nhưng trong thực tế cũng không diễn đạt được hết những gì liên quan đến đau khổ được nhắc đi nhắc lại trong quyển sách lịch sử con người (đúng hơn là một quyển sách không được viết thành văn), và hơn nữa, trong quyển sách lịch sử nhân loại mà ta đọc thấy qua lịch sử mỗi người.

Có thể nói người ta đau khổ khi phải chịu một sự dữ, bất cứ là loại nào. Trong từ vựng Cựu Ước, đau khổ và sự dữ như được trình bày như đồng nhất với nhau. Thật thế, từ vựng ấy không có từ riêng để chỉ sự đau khổ, nên phải dùng từ sự dữ để định nghĩa mọi đau khổ. Chỉ có tiếng Hy Lạp và bản Tân Ước (cùng các bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp) dùng động từ PASKO: “tôi buồn khổ, tôi cảm thấy buồn, tôi đau khổ”. Với từ ngữ này, đau khổ không còn có thể được coi như luôn đồng nhất với sự dữ (khách quan) nữa, nhưng ám chỉ một hoàn cảnh trong đó con người phải chịu sự dữ, và do đó con người trở thành chủ thể của đau khổ. Thật ra, đau khổ có cả hai tính cách: chủ động và thụ động (Patior: chịu đau khổ). Ngay cả khi con người tự gây đau khổ cho mình, thì xét theo yếu tố siêu hình, đau khổ vẫn có tính thụ động.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đau khổ, xét về phương diện tâm lý, không có tính chủ động riêng. Thật vậy, hoạt động tính của đau khổ về mặt chủ quan rất đa dạng và khác biệt: đau đớn, buồn phiền, thất vọng, ủ rũ, và cả tuyệt vọng nữa. Sự phân biệt này dựa trên cường độ, chiều sâu của đau khổ, và một cách gián tiếp, dựa trên tất cả các cấu trúc của chủ thể chịu đau khổ và cảm tính riêng của chủ thể. Ở bên trong cái tạo nên hình thức tâm lý của đau khổ, bao giờ cũng có một kinh nghiệm về sự dữ gây nên đau khổ cho con người.

Như vậy, thực tại đau khổ làm nảy sinh câu hỏi về yếu tính sự dữ: sự dữ là gì?

Câu hỏi này, về mặt nào đó không thể tách rời khỏi đề tài đau khổ. Câu trả lời của Kitô giáo về vấn đề này khác với một số truyền thống văn hóa và tôn giáo chủ trương hiện hữu là một sự dữ mà con người cần phải tự giải thoát. Kitô giáo tuyên bố rằng tự căn bản, hiện hữu là một thiện-hảo, cái gì hiện hữu thì đó là một thực tại tốt đẹp; Kitô Giáo tuyên xưng lòng nhân hậu của Đấng Tạo Hóa và nhìn nhận rằng các thụ tạo đều tốt đẹp. Con người phải chịu đau khổ là do sự dữ. Sự dữ là một thiếu sót, một giới hạn hay biến chất của sự thiện. Có thể nói, con người phải chịu đau khổ bởi vì không tham dự vào sự thiện, hoặc theo một nghĩa nào đó, vì con người bị tước mất hay chính mình từ chối sự thiện. Con người phải chịu đau khổ, nhất là khi đáng lẽ phải tham dự vào sự thiện ấy trong trật tự thông thường, thì lại đã không tham dự.

Dựa theo quan điểm Kitô Giáo, thực tại đau khổ được giải thích bằng sự dữ, và một cách nào đó, sự dữ này bao giờ cũng quy chiếu về một sự thiện.

8. Đau khổ của con người tự nó làm thành như một thế giới riêng, hiện hữu đồng thời với con người, thế giới đó xuất hiện trong con người và biến mất đi, nhưng đôi khi đã không biến mất mà lại tồn tại và ăn sâu vào con người. Thế giới những khổ đau bao trùm nhiều người, rất nhiều, có thể nói, thế giới đó hiện diện tản mác khắp nơi. Với nỗi đau khổ riêng của mình, mỗi người làm nên một thành phần nhỏ trong thế giới đó, nhưng nơi mỗi người, thế giới đó lại như một thực thể rõ ràng và độc nhất. Tuy nhiên, nó cũng có chiều kích nhân loại và xã hội. Thế giới đau khổ có tính cách liên đới riêng của nó. Những người chịu đau khổ trở nên giống nhau vì có hoàn cảnh giống nhau, và cùng chịu sự thử thách của số phận, hoặc vì nhu cầu cần cảm thông và lưu tâm, và có lẽ nhất là vì sự day dứt về ý nghĩa của đau khổ. Dù hiện diện tản mác, nhưng thế giới những khổ đau tự nó cũng là một lời mời gọi đặc biệt phải hiệp thông và liên đới. Chúng ta sẽ cố gắng đáp lại lời mời gọi này trong những suy tư dưới đây:

* Khi suy nghĩ về thế giới những khổ đau, theo khía cạnh cá nhân cũng như tập thể, thì cuối cùng người ta phải nhận ra rằng, trong một số thời đại và ở một số nơi, có thể nói thế giới những đau khổ ấy chồng chất nhiều hơn, chẳng hạn những thiên tai, dịch tễ, tai biến, sụp đổ, và các tai họa xã hội khác nhau như nạn mất mùa, kéo theo nạn đói, không kể khi do những nguyên nhân khác.

* Sau cùng, hãy suy nghĩ về những cuộc chiến tranh. Chúng ta nhấn mạnh tới vấn đề này. Tôi muốn nói đến hai cuộc thế chiến gần đây nhất, trong đó, cuộc thế chiến thứ hai đã giết hại biết bao nhân mạng và đã gây ra biết bao đau khổ cho con người. Cũng thế, tương ứng với những sai lầm và vi phạm trong nền văn minh hiện đại của chúng ta, hậu bán thế kỷ này cũng hàm chứa nguy cơ chiến tranh hạt nhân rất khủng khiếp, đến nỗi chúng ta chỉ có thể nói về thời đại này bằng những từ: chồng chất vô số những đau khổ khôn sánh, thậm chí có thể có nguy cơ nhân loại tự tiêu diệt chính mình. Như vậy, xét cho cùng, khổ đau tùy thuộc về mỗi người, nhưng trong thời đại chúng ta, hơn lúc nào hết, dường như nó lại trở thành nỗi đau khổ của thế giới cách đặc biệt, một thế giới đang biến chuyển tột bậc nhờ những tiến bộ do con người tìm ra, nhưng đồng thời cũng là một thế giới đang gặp hiểm nguy do những sai lầm và lỗi phạm của con người nhiều hơn bao giờ hết.

III. TÌM CÂU TRẢ LỜI CHO VẤN NẠN VỀ Ý NGHĨA ĐAU KHỔ

9. Ngay trong nỗi đau khổ của con người, cũng như ở nền móng của toàn bộ thế giới những khổ đau, đã thấy có một câu hỏi không thể lẩn tránh được: tại sao? Đó là một câu hỏi về nguyên nhân, về lý do, nhưng đồng thời cũng là câu hỏi về mục đích, hay, xét cho cùng, đó là câu hỏi về ý nghĩa. Câu hỏi đó không chỉ đi kèm theo nỗi đau khổ của con người, nhưng dường như nó còn đi đến chổ xác định tính chất nhân loại của đau khổ, cái mà vì đó đau khổ được gọi đúng nghĩa là đau khổ của con người.

Hiển nhiên là, đau đớn, nhất là đau đớn thể lý, vẫn đầy dẫy trong thế giới loài vật. Nhưng chỉ có con người, khi đau khổ, mới biết mình đau khổ và tự hỏi lý do tại sao; và nếu không tìm được câu trả lời thỏa đáng thì lại càng đau khổ sâu xa hơn. Đây là một câu hỏi hóc búa, giống như câu hỏi tương tự: câu hỏi về sự dữ. Tại sao có sự dữ? Tại sao có sự dữ trên đời? Đặt vến đề như thế cũng là một cách đặt vấn đề đau khổ, ít là trong mức độ nào đó. Cả hai câu hỏi trên - khi người này đặt ra với người kia, nhóm người này đặt ra với nhóm người kia, và cả khi con người đặt ra với Thiên Chúa - đều rất nan giải. Thật vậy, con người không đặt câu hỏi đó với thế giới, dù rằng đau khổ của con người thường phát xuất từ thế giới, nhưng lại đặt ra với Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo và là Chúa của thế giới. Trong lãnh vực này, con người không những gặp phải nhiều tình trạng vỡ mộng và xung đột trong tương quan với Thiên Chúa, mà còn có thể đi đến chổ chối từ chính Thiên Chúa. Thật vậy, nếu sự hiện hữu của thế giới giúp tâm hồn con người nhận ra sự Hiện Hữu, Khôn Ngoan, Quyền Năng và Cao Cả của Thiên Chúa, thì sự dữ và đau khổ dường như lại làm lu mờ hình ảnh đó, đôi khi còn bôi xóa hoàn toàn, nhất là khi người ta chứng kiến bi kịch hàng ngày của biết bao đau khổ không do lỗi lầm của mình, và biết bao lỗi lầm mà không bị trừng phạt thích đáng. Vì thế, tình cảnh ấy, có lẽ hơn bất cứ tình cảnh nào khác, cho thấy tầm mức quan trọng của vấn đề ý nghĩa đau khổ, và chúng ta phải thật sáng suốt xem xét chính câu hỏi này cũng như mọi câu trả lời có thể có.

10. Khi đặt vấn đề này với Thiên Chúa, trái tim con người đầy xúc động, và tinh thần thì kinh ngạc và lo lắng. Thiên Chúa chờ đợi và sẵn sàng lắng nghe câu hỏi đó, như chúng ta đã thấy trong mặc khải Cựu Ước. Trong sách Gióp, vấn đề được đặt ra một cách hết sức sinh động.

Chúng ta đã biết câu chuyện người công chính đó, dù không phạm một lỗi lầm nào, nhưng đã phải chịu biết bao đau khổ. Ông bị mất hết tài sản, con cái, sau cùng chính ông cũng bị một chứng bệnh nặng nề. Trong tình cảnh ghê sợ như thế, có ba người bạn cũ đến thăm, và mỗi người dùng lời lẽ riêng để thuyết phục ông rằng: sở dĩ ông phải chịu nhiều đau khổ khủng khiếp như thế, là vì ông đã phạm một lỗi lầm lớn lao. Bởi lẽ, theo họ, đau khổ bao giờ cũng là hình phạt cho con người vì một lỗi phạm. Đau khổ là do Thiên Chúa gởi đến. Ngài tuyệt đối công minh, và nguyên do của đau khổ thuộc lãnh vực công minh. Người ta có thể nói những người bạn cố tri của ông Gióp không những muốn thuyết phục ông về sự chính đáng của sự dữ, mà còn muốn bênh vực cho quan điểm của họ về ý nghĩa luân lý của đau khổ. Đối với họ, đau khổ chỉ có ý nghĩa như là hình phạt của tội lỗi; đó là vì họ hoàn toàn đứng trong lãnh vực sự công minh của Thiên Chúa, Đấng lấy lành báo lành, lấy ác báo ác.

Lập luận này có thể tìm thấy trong một số bản văn khác của Cựu Ước. Những bản văn này diễn tả đau khổ như là hình phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi con người. Thiên Chúa của mặc khải là Nhà Lập Pháp và là vị Thẩm Phán tối cao vượt trên mọi quyền bính trần thế. Thật ra, Thiên Chúa của mặc khải trước hết là Đấng Sáng Tạo; khi tạo dựng vạn vật, Người cũng ban cho chúng ta sự thiện hảo, là phẩm tính cốt yếu của việc sáng tạo. Do đó, việc con người ý thức và tự do vi phạm điều thiện không chỉ là vi phạm luật lệ, mà còn là xúc phạm tới Đấng Tạo Hóa, Nhà Lập Pháp tối cao. Sự vi phạm này mang tính chất của tội lỗi, theo nghĩa chính xác của từ này tức là theo nghĩa Kinh Thánh và thần học. Đối với sự dữ luân lý của tội lỗi, cần phải có hình phạt tương xứng để bảo đảm cho trật tự luân lý theo nghĩa siêu việt, nghĩa là trật tự do ý muốn của Đấng Tạo Hóa và là Nhà Lập Pháp tối cao thiết lập. Từ đó, ta cũng rút ra được một trong những chân lý nền tảng của niềm tin tôn giáo, cũng là chân lý dựa trên mặc khải, đó là: Thiên Chúa là vị Thẩm Phán công minh, thưởng điều lành và phạt điều dữ: “Vì lạy Chúa, Ngài thật chí công trong mọi việc Ngài làm cho chúng con; mọi việc Ngài làm thảy đều là chân lý, và đường lối Ngài ngay thẳng. Mọi phán quyết của Ngài đều là sự thật. Ngài đã tuyên án chiếu theo lẽ thật, trong mọi sự Ngài đã giáng xuống trên chúng con… bởi vì, chiếu theo sự thật và đức công minh, Ngài đã giáng xuống tất cả những điều ấy vì tội lỗi chúng con” (Đn 3,27-28).

Ý kiến những người bạn của ông Gióp cho thấy có một xác tín mà người ta cũng gặp thấy trong lương tâm nhân loại: trật tự luân lý khách quan đòi phải trừng phạt sự vi phạm, trừng phạt tội lỗi và sự gian ác. Theo quan điểm này, đau khổ giống như một sự dữ chính đáng. Xác tín của những người quan niệm đau khổ như hình phạt của tội lỗi dựa trên trật tự công bằng, đó cũng là ý kiến của một người bạn ông Gióp: “Như tôi từng thấy, kẻ cày bừa bất hạnh và gieo đau khổ thì lại gặt đau khổ và bất hạnh” (G 4,8).

11. Tuy nhiên, ông Gióp chối bỏ nguyên tắc muốn đồng hóa đau khổ với hình phạt tội lỗi, căn cứ trên suy nghĩ của riêng ông. Gióp thật sự ý thức mình không đáng phải chịu hình phạt như vậy; ngược lại ông còn minh chứng việc lành ông đã làm. Sau củng chính Thiên Chúa trách cứ bạn bè của ông Gióp về những lời cáo buộc của họ và Người nhìn nhận Gióp vô tội. Đau khổ của ông Gióp là đau khổ của người vô tội. Đau khổ đó phải được đón nhận như một mầu nhiệm mà trí khôn con người chưa đủ khả năng thấu triệt.

Sách Gióp không công kích những nền tảng của trật tự siêu việt dựa trên sự công minh, như đã được trình bày trong toàn bộ mặc khải, Cựu Ước cũng như Tân Ước. Tuy nhiên, sách này cũng mạnh mẽ chứng tỏ rằng những nguyên tắt của trật tự đó không thể đem áp dụng một cách cứng ngắc và hời hợt. Nếu đau khổ thật sự có ý nghĩa là một sự trừng phạt, khi đau khổ là kết quả của một lỗi phạm, thì ngược lại, không phải tất cả mọi đau khổ đều là hậu quả của lỗi phạm và đều mang tính chất trừng phạt. Khuôn mặt ông Gióp, người công chính, là một bằng chứng đặc biệt về điều đó trong Cựu Ước. Mặc khải, là chính lời Thiên Chúa, đã thẳng thắn đặt ra vấn đề đau khổ của người vô tội: có đau khổ mà không do lỗi phạm; không phải ông Gióp đã bị trừng phạt, không có cơ sở nào để bắt ông chịu hình phạt, dù rằng ông đã phải trải qua những thử thách hết sức gay go. Trong bài tựa sách Gióp, ta đã thấy rằng vì Satan đề nghị nên Thiên Chúa mới cho phép có thử thách. Quả vậy, trước mặt Chúa, Satan đã phủ nhận sự công chính của ông Gióp: “Khi không mà Gióp lại kính sợ Thiên Chúa sao?... Ngài đã chúc lành cho công việc tay nó làm và các đàn gia súc của nó đã tràn ngập cả xứ. Nhưng Ngài hãy giơ tay và giáng đòn trên tất cả những gì thuộc về nó, chắc chắn nó sẽ nguyền rủa vào mặt Ngài” (G 1,9-11). Và nếu như Thiên Chúa dùng đau khổ để thử thách ông Gióp, đó là vì Người muốn chứng minh sự công chính của ông. Đau khổ có tính chất thử thách.

Sách Gióp không đưa ra lời phán quyết của mặc khải về vấn đề này. Theo một nghĩa nào đó, sách Gióp là lời loan báo cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Tuy vậy, tự nó, sách Gióp đã là một lý chứng đủ để thấy rằng câu trả lời cho vấn nạn về ý nghĩa đau khổ không luôn luôn nằm trong lãnh vực luân lý dựa trên sự công bằng mà thôi. Nếu một câu trả lời như thế tự nó đã có lý do hiện hữu và có giá trị nền tảng, siêu việt, thì đồng thời, câu trả lời đó không những tỏ ra khiếm khuyết đối với những trường hợp tương tự như nỗi đau khổ của ông Gióp, người công chính, mà hơn nữa, nó dường như và thật sự giản lược và làm cho ý niệm công chính mà chúng ta gặp thấy trong mặc khải trở nên nghèo nàn.

12. Sách Gióp đặt vấn đề lý do của đau khổ một cách gay gắt và cũng cho thấy rằng đau khổ đổ xuống cả trên người vô tội, nhưng sách vẫn chưa đưa ra giải đáp.

Ngay trong Cựu Ước, người ta ghi nhận có một khuynh hướng muốn vượt qua ý tưởng cho rằng đau khổ chỉ có ý nghĩa là hình phạt của tội lỗi, bởi vì đồng thời người ta cũng nhấn mạnh đến giá trị giáo dục của hình phạt ấy, tức là đau khổ. Vì thế, trong những đau khổ mà Thiên Chúa đã để xảy ra cho dân Người, có hàm chứa lời kêu gọi lòng Thiên Chúa xót thương, lòng thương xót có trừng phạt là để dẫn đến hoán cải: “Những hình phạt ấy không phải để hủy diệt, nhưng cốt để sửa dạy giống nòi chúng tôi” (2Mcb 6,12).

Như vậy, người ta khẳng định được chiều kích cá nhân của hình phạt. Theo chiều kích này, hình phạt có ý nghĩa không những vì nó được sử dụng để đáp lại một sự dữ khách quan của việc vi phạm, nhưng trước hết vì nó còn có thể tái tạo được sự lành trong chính người phải chịu đau khổ.

Đó là một khía cạnh hết sức quan trọng của đau khổ, bắt nguồn sâu xa từ toàn thể mặc khải Cựu Ước, nhất là Tân Ước. Đau khổ phải giúp người ta hoán cải, nghĩa là tái lập sự lành nơi chủ thể, để họ có thể nhận ra lòng Chúa xót thương trong lời mời gọi sám hối này. Đau khổ nhằm mục đích chiến thắng sự dữ vốn tiềm tàng trong con người dưới nhiều hình thức, và nhằm để củng cố sự thiện trong chủ thể bị đau khổ cũng như trong tương quan của họ với người khác, nhất là với Thiên Chúa.

13. Nhưng để có thể nhận ra câu trả lời đích thực cho vấn đề lý do đau khổ, chúng ta phải hướng tới mặc khải về tình yêu Thiên Chúa, là nguồn mạch cho ý nghĩa của tất cả mọi hiện hữu. Tình yêu cũng là nguồn mạch phong phú nhất cho ý nghĩa của đau khổ, cho dù đau khổ vẫn mãi mãi là một huyền nhiệm. Chúng ta ý thức về sự bất lực và tính cách bất tương xứng trong các cách giải thích của chúng ta. Đức Kitô đã dẫn chúng ta và mầu nhiệm này để giúp ta khám phá ra lý do tại sao có đau khổ, trong mức độ chúng ta có thể hiểu được tình yêu cao vời của Thiên Chúa.

Để khám phá được ý nghĩa sâu xa của đau khổ theo Lời mặc khải của Thiên Chúa, phải mở rộng tâm hồn mình ra với chủ thể con người trong khả năng đa dạng của con người. Nhất là phải đón nhận ánh sáng mặc khải, bởi vì mặc khải không những diễn tả trật tự siêu việt của công lý, nhưng còn soi sáng trật tự đó bằng tình yêu, nguồn mạch căn bản nhất của mọi hiện hữu. Tình yêu cũng là nguồn mạch trọn vẹn nhất để trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của đau khổ. Câu trả lời này đã được Thiên Chúa ban cho con người qua Thập Giá Đức Giêsu Kitô.

IV. Đức Giêsu Kitô: Tình yêu thắng vượt đau khổ

14. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Lời Chúa Kitô nói trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô đưa chúng ta vào chính trung tâm hành vi cứu độ của Thiên Chúa. Lời đó cũng diễn tả yếu tính cứu thế luận Kitô Giáo, tức là yếu tính của Thần học về ơn Cứu Độ. Cứu Độ có nghĩa là giải thoát khỏi sự dữ, do đó Cứu Độ có liên quan mật thiết với vấn đề đau khổ. Theo những lời nói với Nicôđêmô, Thiên Chúa đã ban cho thế gian Người Con để giải thoát nhân loại khỏi sự dữ; mà sự dữ vốn bao hàm viễn tượng dứt khoát và tuyệt đối của đau khổ. Đồng thời, từ ngữ “ban” (Người đã ban) có nghĩa là sự giải thoát đó phải được Người Con Một thực hiện qua sự đau khổ của Người. Nhờ đó, tình yêu được tỏ hiện, một tình yêu vô biên của chính Người Con Một cũng như của chính Chúa Cha, Đấng đã ban Con Mình để đem lại ơn Cứu Độ. Tình yêu như vậy đối với con người, đối với thế gian, chính là tình yêu Cứu Độ.

Trong suy tư tổng quát về vấn đề này, chúng ta phải ý thức rõ ràng rằng, chúng ta đang ở trong chiều kích hoàn toàn mới mẻ của đề tài. Đó không phải là chiều kích nhằm xác định việc tìm kiếm ý nghĩa đau khổ, và theo một nghĩa nào đó, được đóng khung trong những giới hạn của sự công minh. Nhưng đây là chiều kích Cứu Độ mà dường như đã được diễn tả qua lời ông Gióp - người công chính - trong Cựu Ước ít là theo bản Phổ thông: “Tôi biết, phải, tôi biết Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống, và trong ngày sau hết, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa của tôi” (G 19,25-26). Tới đây, nếu như ta đã ưu tiên hoặc gần như hoàn toàn tập trung khảo sát sự đau khổ tạm thời và đa dạng (như trường hợp ông Gióp), thì trái lại, lời Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô trên đây đề cập đến sự đau khổ theo nghĩa cơ bản và tối hậu của nó. Thiên Chúa ban Con Một để con người “khỏi phải chết”, và ý nghĩa “khỏi phải chết” càng sáng tỏ hơn qua những lời “nhưng được sống muôn đời”.

Con người “phải chết” khi “mất sự sống muôn đời”. Bởi vậy đối ngược với ơn Cứu Độ không phải chỉ là đau khổ tạm thời, một đau khổ nào đó, mà là đau khổ chung cục, nghĩa là mất sự sống muôn đời, bị Thiên Chúa ruồng bỏ, bị trầm luân. Người Con Một được ban cho nhân loại trước hết để giữ gìn nhân loại khỏi sự dữ, khỏi đau khổ chung cục đó. Người Con ấy, khi thi hành sứ mạng Cứu Độ, phải tiêu diệt sự dữ tận căn, vì từ gốc rễ này sự dữ đã phát triển trong lịch sử nhân loại. Gốc rễ thâm căn của sự dữ đã ăn sâu vào trong tội lỗi và sự chết, và như thế, nó là nguyên nhân làm mất sự sống muôn đời. Sứ mạng của Người Con Một là vinh thắng tội lỗi và sự chết. Bằng sự tuân phục cho đến chết, Người đã chiến thắng tội lỗi; và bằng sự Phục Sinh, Người đã chiến thắng cái chết.

15. Khi nói Đức Kitô có sứ mạng tiêu diệt sự dữ tận gốc rễ, chúng ta không chỉ nghĩ đến sự dữ và đau khổ tối hậu, có tính cách chung (để con người khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời) mà còn phải nghĩ - ít là một cách gián tiếp - đến sự dữ và đau khổ mang chiều kích nhất thời và có tính cách lịch sử. Quả vậy, sự dữ vẫn liên quan đến tội lỗi và sự chết. Và phải thật khôn ngoan để nhìn nhận đau khổ của con người như là hậu quả của tội lỗi cụ thể (như dẫn chứng rõ ràng trong chuyện ông Gióp, người công chính), nhưng ta không thể tách rời đau khổ của con người ra khỏi tội từ nguyên thủy, khỏi cái mà Thánh Gioan gọi là tội của thế gian (Ga 1,29), khỏi hậu trường tội lỗi của những hành vi cá nhân và những tiến trình xã hội trong lịch sử nhân loại. Nếu như ở đây không được phép áp dụng tiêu chuẩn hạn hẹp của sự liên hệ trực tiếp giữa tội và hình phạt (như 3 người bạn của ông Gióp đã đưa ra), thì cũng không được loại trừ tiêu chuẩn cho rằng từ nguồn gốc của đau khổ đã có những thỏa hiệp đủ loại với tội lỗi.

Về sự chết cũng vậy. Rất thường khi người ta mong mỏi cái chết như là sự giải thóat khỏi đau khổ ở đời này. Đồng thời, chúng ta không thể không biết rằng, cái chết được coi như cuộc phá hoại tổng hợp cuối cùng của đau khổ, cả trong thân xác lẫn tâm hồn. Nhưng trước hết, cái chết là sự tan rã hoàn toàn căn tính tâm thể lý của con người. Khi lìa khỏi xác, hồn vẫn sống và tồn tại, trong khi xác tan nát dần dần đúng như lời Chúa phán khi con người phạm tội vào buổi đầu lịch sử trần thế: “Bởi ngươi là bụi đất, ngươi sẽ trở về với đất bụi” (St 3,19). Bởi vậy, dù cái chết không phải là sự đau khổ theo nghĩa thời gian của từ ngữ, hoặc một cách nào đó, cái chết ở bên kia mọi nỗi đau khổ, thì sự dữ mà con người cảm nghiệm được từ cái chết vẫn mang đặc tính chung kết và toàn diện. Nhờ công trình Cứu Độ, Người Con Một đã giải thoát nhân loại khỏi tội và khỏi chết. Người khởi đầu bằng việc xóa bỏ khỏi lịch sử nhân loại ách thống trị của tội lỗi đã đâm rễ sâu do ảnh hưởng của thần dữ ngay từ tội nguyên tổ, rồi Người ban cho con người khả năng sống trong ơn thánh hóa. Khi chiến thắng tội lỗi, Người cũng tước bỏ quyền lực của sự chết; khi phục sinh, Người đã mở cửa cho sự phục sinh mai sau của thân xác. Cả hai đều là những điều kiện thiết yếu của đời sống vĩnh cửu, tức là hạnh phúc cuối cùng của con người được kết hợp với Thiên Chúa. Tóm lại, trong viễn tượng cánh chung, đau khổ đã hoàn toàn bị xóa bỏ đối với những kẻ được cứu thoát.

Nhờ công cuộc cứu độ của Đức Kitô, con người có hy vọng được sống và nên Thánh muôn đời ngay khi còn lưu ký trần gian. Và mặc dù Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết nhờ Thập Giá và sự Phục Sinh, nhưng Người vẫn không loại trừ những đau khổ tạm thời của đời người và không giải thoát đời người trong toàn thể chiều kích lịch sử của nó khỏi sự đau khổ, tuy thế, chiến thắng ấy đã đem lại cho tất cả chiều kích lịch sử đó và cho mọi nỗi đau khổ một ánh sáng mới, ánh sáng Cứu Độ. Đó là ánh sáng Phúc Âm, Ánh sáng Tin Mừng. Ánh sáng này tỏ hiện chân lý được diễn tả trong cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16). Chân lý này đã đảo lộn triệt để để khung cảnh lịch sử và tình cảnh tại thế của con người: bất kể tội lỗi đã bén rễ sâu vào trong lịch sử nhân loại, được coi như di sản nguyên khởi, như tội của thế gian, như tổng số những tội cá nhân, Thiên Chúa đã yêu Người Con, Người vẫn luôn yêu thương, rồi đến thời đến buổi, tình yêu cao cả ấy, Người đã ban Người Con để tiêu diệt tận gối rễ sự dữ của nhân loại, và khi đem ơn Cứu Độ đến, Người đã trở thành gần gũi với toàn thể thế giới những khổ đau của con người.

16. Khi thi hành sứ mạng thiên sai giữa lòng dân tộc Israel, Đức Kitô luôn gần gũi với thế giới những đau khổ của nhân loại. “Đi tới đâu, Người thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10,38) và hành động của Người trước hết nhắm đến những kẻ đau khổ và những người cần giúp đỡ. Người chữa lành kẻ bệnh tật, an ủi người sầu khổ, cho kẻ đói ăn, chữa lành kẻ câm điếc, mù lòa, phong cùi, quỷ ám và nhiều tật nguyền, ba lần làm cho kẻ chết sống lại. Người nhạy cảm với mọi đau khổ của nhân loại, cả thể lý lẫn tinh thần. Đồng thời Người còn giảng dạy, và trọng tâm giáo huấn của Người là bài giảng Bát Phúc, qua đó Người ngỏ lời với những kẻ gánh chịu nhiều đau khổ khác nhau nơi trần gian tạm bợ này. Đó là những người có “tâm hồn nghèo khó”, những người “lo phiền sầu khổ”, những người “khao khát sống cuộc đời chính trực”, những người “bị ngược đãi vì chính đạo”, những người “vì Đức Kitô mà bị nhục mạ, hành hạ và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,3-11). Đó là trình thuật của Thánh Máthêu, Thánh Luca còn nêu rõ những người “bây giờ phải đói” (6, 21).

Đức Kitô luôn gần gũi với thế giới những đau khổ của nhân loại, và nhất là Người còn đón nhận những đau khổ ấy. Trong thời gian hoạt động công khai, không những Người đã chịu đựng vất vả, không chốn nương thân, bị hiểu lầm bởi chính những người thân tín nhất, mà nhất là, cáng ngày Người càng bị bao vây chặt chẽ trong vòng thù nghịch, và những toan tính muốn tiêu diệt mạng sống của Người ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Đức Kitô ý thức điều đó, và Người vẫn thường nói với các môn đệ về những đau khổ và cái chết đang chờ đón Người: “Này chúng ta lên Giêsusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, nhổ vào mặt Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người; ba ngày sau Người sẽ sống lại” (Mc 10,33-34). Chúa Kitô đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết, và Người ý thức rõ ràng rằng mình phải chu toàn sứ mạng đúng theo cách ấy. Chính nhờ sự đau khổ đó mà Người đã cứu nhân loại khỏi phải chết, nhưng “được sống đời đời”. Chính nhờ thập giá mà Người đã đi đến tận gốc rễ của sự dữ vốn ăn sâu trong lịch sử nhân loại và trong tâm hồn con người. Chính nhờ thập giá, Người mới hoàn tất được công cuộc cứu độ. Trong ý định của Tình yêu muôn thuở, công cuộc này vốn mang đặc tính cứu độ.

Bởi đó, Đức Kitô đã nghiêm khắc khiển trách Phêrô, khi ông muốn Người từ bỏ ý nghĩa về sự đau khổ và cái chết Thập giá (Mt 16, 23). Và khi ông muốn dùng gươm để bảo vệ Người lúc Người bị bắt tại Giếtsimani, thì Người đã nói với ông: “Xỏ gươm vào bao… Làm thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm được sao?” (Mt 26,52-54). Và Người nói: “Chén đắng Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy không uống?” (Ga 18,11). Câu nói ấy, cũng như các câu nói khác rải rác trong Tin Mừng, cho thấy Chúa Kitô thực rất thấm nhiễm tư tưởng mà Người đã diễn tả khi gặp ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Ý thức được sức mạnh cứu độ của đau khổ, Chúa Kitô đã dấn bước tới đau khổ của mình. Người dấn bước trong sự tuân phục Chúa Cha, nhất là Người đã kết hợp với Chúa Cha trong chính tình yêu mà Chúa Cha đã yêu thế gian và con người nơi thế gian. Chẳng thế mà Thánh Pholô đã viết về Chúa Kitô: “Đấng đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gl 2, 20).

17. Kinh Thánh phải được nên trọn. Trong Cựu Ước có khá nhiều bản văn về Đấng Messia, loan báo những đau khổ của Đấng sau này được Thiên Chúa xức dầu. Trong số đó có một bản văn rất đáng lưu ý, đó là bản văn quen gọi là Bài ca thứ tư về Người tôi tớ của Giavê trong sách ngôn sứ Issia. Vị ngôn sứ này thật xứng đáng với danh hiệu là Thánh sử thứ 5. Trong bài ca, ngôn sứ đã tường thuật những đau khổ của Người tôi tớ một cách rất sống động và sâu sắc, dường như tác giả là người đã chứng kiến tận mắt, mắt xác thịt cũng như mắt tinh thần. Nhờ những câu văn đó, cuộc thương khó của Chúa Kitô đã trở nên sáng tỏ và cảm động hơn lối diễn tả của chính các tác giả Tin Mừng. Này đây con người đau khổ đích thực đã xuất hiện trước mắt chúng ta:

“Không duyên dáng, không oai vệ bắt chúng tôi phải để ý…

Người bị khinh và là đồ phế bỏ của loài người.

Con người đớn đau, ốm o xo bại như một kẻ gặp chúng tôi thì lo giấu mặt bị khinh khi, và chúng tôi chẳng thèm đếm xỉa. Trái lại, chính Người đã mang lấy các bệnh tật của chúng tôi.

Chính Người đã vác lấy những đau khổ của chúng tôi.

Còn chúng tôi, chúng tôi lại kể Người như kẻ bị trời đánh, bị Thiên Chúa trừng phạt và đày đọ.

Nhưng Người đã bị đâm thâu vì những ngỗ nghịch của chúng tôi.

Và vì tội vạ của chúng tôi, Người đã bị nghiền tán.

Đã giáng xuống Người hình phạt đổi lấy an bình cho chúng tôi.

Và nhờ những vết hằn Người phải chịu, chúng tôi có phương được lành.

Chúng tôi hết thảy đã xiêu lạc như chiên cừu mỗi người mỗi ngả.

Nhưng Giavê lại để Người phải lụy vì tội vạc của hết thảy chúng tôi”

(Is 53,2-6)

Có thể nói bài ca về Người Tôi tớ đau khổ chứa đựng một nội dung giống hệt từng chi tiết trong các chặng thương khó của Chúa Kitô: bắt bớ, sỉ nhục, bạt tai, khạc nhổ, phẩm giá của tù nhân bị khinh miệt, bị xử án bất công, bị đánh đòn, đội mão gai, chế nhạo, vác thập giá, đóng đinh, hấp hối.

Trong lời kể của vị ngôn sứ, có một điều khiến chúng ta chấn động hơn cả trình thuật Thương Khó, đó là chiều sâu của hy tế Đức Kitô. Dù vô tội, mà này đây Người gánh lấy những khổ đau của mọi người, bởi vì Người đã vác lấy tội lỗi của mọi người “Thiên Chúa đã để Người phải lụy vì tội vạ hết thảy chúng tôi”. Mọi tội lỗi của con người xét theo chiều rộng cũng như chiều sâu đều trở nên nguyên nhân thật sự cho nỗi đau khổ của Đấng Cứu Chuộc. Nếu đau khổ được đo lường theo sự dữ phải chịu, thì lời Isaia cho phép chúng ta hiểu được tầm mức của sự dữ và của đau khổ mà Chúa Kitô đã phải trải qua.

Có thể nói đó là sự đau khổ thay thế, nhưng nhất là sự đau khổ cứu chuộc. Đấng chịu đau khổ trong lời tiên báo đó quả thật là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Nhờ đau khổ của Người, mọi tội lỗi được xóa sạch, vì chỉ mình Người với tư cách là Con Một, mới có thể mang lấy, đảm nhận lấy những tội lỗi ấy bắng tình yêu đối với Chúa Cha, tình yêu thắng vượt sự dữ của mọi tội lỗi, và theo một nghĩa nào đó, Người đã hủy diệt hoàn toàn sự dữ đó trong phạm vi thiêng liêng của mối liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại, và Người đã khỏa lấp khoảng trống ấy bằng sự thiện hảo.

Ở đây ta đụng chạm đến vấn đề hai bản tính của một Ngôi Vị độc nhất mang nỗi đau khổ cứu độ. Qua cuộc thương khó và cái chết trên thập giá, Đấng đã thực hiện việc cứu chuộc, lại chính là Con Một mà Thiên Chúa đã tặng ban. Và đồng thời, Người Con ấy, đồng bản tính với Cha, lại chịu đau khổ với tư cách là con người. Đau khổ của Người có những chiều kích nhân loại; sâu xa và mãnh liệt ở mức độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại, tính cách sâu xa và mãnh liệt đó vẫn không thể so sánh được chính ở chổ Đấng chịu đau khổ - là Con Duy Nhất: Thiên Chúa bởi Thiên Chúa. Bởi thế, chỉ mình Người, với tư cách là Người Con Một, mới dập tắt được sức tàn phá của sự dữ hàm chứa trong tội lỗi của con người, trong mọi tội lỗi và trong mọi lãnh vực chịu ảnh hưởng của tội, theo các chiều kích của lịch sử nhân loại trên địa cầu.

18. Bây giờ, có thể nói rằng, những nhận định trên đưa chúng ta thẳng đến vườn Giếtsimani và đồi Golgotha, nơi đã ứng nghiệm bài ca Người Tôi tớ đau khổ trong Isaia. Nhưng trước khi đến đó, ta cùng đọc lại những lời tiếp theo của bài ca, qua đó ta thấy trước cuộc khổ nạn ở Giếtsimani và ở Golgotha. Người Tôi tớ đau khổ - chủ đề này cũng rất cần thiết để phân tích cuộc khổ nạn của Đức Kitô - đã hoàn toàn tự nguyện gánh lấy các nỗi đau khổ mà ta đã nói đến:

“Bị ngược đãi Người cam chịu nhục,

chẳng mở miệng kêu ca.

Như chiên bị đem đi làm thịt,

Như cừu câm nín khi bị xén lông,

Người chẳng mở miệng kêu ca.

Người đã bị bắt, bị lên án, bị thủ tiêu.

Số phận của Người nào có ai màng tới?

Người đã bị khai trừ khỏi chốn dương gian,

Vì tội lỗi của dân,

Người đã bị đánh nhừ tử.

Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn,

Bị mai táng cùng quân trọc phú,

Mặc dù đã không làm chi hung ác bạo tàn,

Cũng chẳng hề nói lời xảo trá gian ngoa”

(Is 53,7-9)

Đức Kitô chịu đau khổ một cách tự nguyện, và Người chịu đau khổ trong tư thế kẻ vô tội. Qua đau khổ, Người đón nhận câu hỏi mà bao lần con người đã đặt ra, câu hỏi đã được sách Gióp đã diễn tả một cách được nói là triệt để. Tuy nhiên, không những Đức Kitô mang nơi mình chính câu hỏi đó (đối với Người, câu hỏi này còn mang một ý nghĩa triệt để hơn nữa, vì Người là con người như ông Gióp, nhưng cũng là Con Thiên Chúa), mà đồng thời Người còn mang lại câu trả lời đầy đủ nhất có thể có được. Có thể nói câu trả lời cũng được hình thành cùng một cách thức như câu hỏi. Đâu là nguyên nhân và ý nghĩa của đau khổ? Câu hỏi đã được Đức Kitô giải đáp không những qua giáo huấn của Người, tức là Tin Mừng, nhưng trên hết, bằng chính sự đau khổ của Người. Đau khổ ấy được bổ túc một cách chặt chẽ và đầy đủ nhờ giáo huấn của Tin Mừng. Đau khổ là tiếng nói cuối cùng, tổng hợp toàn bộ giáo huấn ấy, là ngôn ngữa thập giá, theo kiểu nói của Thánh Phaolô (xc lCr 1,18)

Ngôn ngữ thập giá đó đã đem lại một thực tại rõ ràng cho hình ảnh trong sách ngôn sứ xưa. Trong giáo huấn công khai của Đức Kitô, có nhiều bản văn, nhiều diễn từ cho thấy Người đã mau mắn chấp nhận đau khổ, theo thánh ý Chúa Cha, để cứu độ trần gian. Nhưng đỉnh cao của sự chấp nhận đó là lời cầu nguyện ở vườn Giếtsimani: “Lạy Cha, nếu được thì xin cho con khỏi uống chén đắng này, nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26,42). Những lời đó rất có ý nghĩa vì nhiều lý do: chứng thực tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha qua sự vâng phục, đồng thời cũng xác nhận Đức Kitô đã chịu đau khổ thật sự. Lời nguyện của Đức Kitô ở vườn Cây Dầu chứng tỏ một tình yêu chân thành qua đau khổ thật sự. Lời ấy xác nhận một cách hết sức đơn giản nhưng tận căn sự thật nơi con người: đau khổ là chịu đựng một điều ác mà đối diện với nó, con người rùng mình khiếp sợ. Họ nói: “Giả như tôi mà thoát được!” đúng như Đức Kitô đã từng thân thưa ở vườn Cây Dầu.

Lời Đức Kitô đồng thời cũng xác nhận tính cách sâu xa và mãnh liệt độc nhất vô nhị của sự đau khổ mà chỉ có Người là Con Một Thiên Chúa mới có thể cảm nhận được. Lời ấy xác nhận mức độ sâu xa và mãnh liệt mà lời ngôn sứ trên đây phần nào đã giúp ta hiểu, dĩ nhiên là không hoàn toàn (muốn được vậy phải thấu triệt mầu nhiệm Thiên Chúa và con người của Đấng chịu đau khổ đó), nhưng ít là hiểu được sự dị biệt và cả những tương đường giữa những đau khổ mà con người có thể chịu với đau khổ của Thiên-Chúa-làm-người. Chính ở vườn Cây Dầu là nơi mà sự đau khổ đó được tỏ bày hầu như dứt khoát cho tâm hồn Đức Kitô, với trọn vẹn ý nghĩa đã được ngôn sứ Isaia diễn tả về sự dữ mà đau khổ ấy gợi lên.

Tiếp theo là những lời thổn thức của Đức Kitô trên đồi Golgotha. Những lời này chứng tỏ mức độ lớn lao - độc nhất trong lịch sử thế giới - của sự dữ do đau khổ gây nên. Lời than thở: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, sao Chúa lại bỏ con?” không chỉ diễn tả tình trạng bị bỏ rơi, bị hắt hủi thường thấy trong Cựu Ước, đặc biệt trong các Thánh Vịnh, nhất là Thánh Vịnh 22,2 vừa trích dẫn. Có thể nói lời than thở đó phát xuất ngay trên bình diện sự kết hợp không thể phân ly giữa Chúa Con và Chúa Cha, và được thốt lên bởi vì Chúa Cha đã “đổ trên đầu Người tội vạ của tất cả chúng ta” (Is 53,6), như Thánh Phaolô sau này diễn tả: “Đức Kitô là Đấng chẳng hề biết tội là gì, nhưng vì chúng ta, Thiên Chúa đã coi Người như hiện thân của tội lỗi” (2Cr 5, 21). Cùng với sức nặng khủng khiếp đó, bao gồm tất cả sự dữ - chứa đựng trong tội - tức là quay lưng lại với Thiên Chúa, thì Đức Kitô, do sự kết hiệp thần linh sâu xa giữa Chúa Con và Chúa Cha, cũng cảm thấy - một cách không thể diễn tả được bằng ngôn từ loài người - nỗi đau đớn của sự xa cách, bị Chúa Cha ruồng bỏ, bị đoạn tuyệt với Thiên Chúa. Nhưng chính nhờ sự đau khổ đó mà Người thực hiện được công cuộc cứu độ, và Người đã có thể thốt lên khi sắp tắt thở: “mọi việc đã hoàn tất” (Ga 19,30).

Ta cũng có thể nói Sách Thánh đã hoàn tất, và những lời trong bài ca về Người Tôi tớ đau khổ đã được thực hiện trọn vẹn: “Chúa đã muốn Người phải tan nát vì đau khổ” (Is 53,10).

Đau khổ của con người đã đạt tới đỉnh cao nơi cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Đồng thời nó mang lấy chiều kích hoàn toàn mới mẻ và đã đi vào một trật tự mới: đau khổ được liên kết với tình yêu, tình yêu mà Chúa Kitô đã nói với Nicôđêmô, tình yêu làm nên điều thiện hảo bằng cách rút tỉa ngay từ sự dữ, ngay từ đau khổ, cũng như sự thiện cao cả nhất - tức là ơn cứu độ thế giới - đã được thực hiện qua thập giá Đức Kitô, và không ngừng khởi đi từ thập giá. Cây thập giá đã trở thành nguồn mạch tuôn trào dòng nước đem lại sự sống (xc Ga 7,37-38). Cũng chính từ thập giá, chúng ta phải đặt lại câu hỏi về ý nghĩa đau khổ và chúng ta tìm được lời giải đáp trọn vẹn về câu hỏi đó.

V. Tham dự vào các đau khổ của Đức Kitô

19. Các câu tiếp theo trong bài ca về Người Tôi tớ đau khổ sẽ giúp chúng ta tiếp tục suy tư theo chiều hướng câu hỏi và lời đáp trên:

“Nhưng khi đã hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ có kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ Người, chương trình của Chúa sẽ được thành tựu.

Qua cơn thống khổ, Người sẽ được giác ngộ và thỏa mãn.

Vì đã biết mùi đau khổ,

Người Công chính, Tôi trung của Ta,

Sẽ làm cho muôn người lên công chính, và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

Vì thế,

Ta sẽ ban muôn dân cho Người làm gia sản,

Và chiến lợi phẩm của Người,

Sẽ là ứng triệu sinh linh,

Bởi vì Người đã hiến thân chịu chết,

Đã bị liệt vào hàng phạm nhân,

Nhưng thật ra Người đã mang lấy tội muôn dân,

Và can thiệp cho những kẻ tội lỗi”

(Is 53,10-12)

Có thể nói, với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, mọi đau khổ của con người đã đi vào một tình trạng mới. Tình trạng này dường như ông Gióp đã linh cảm: “Tôi biết, vâng, tôi biết Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống…” (G 19,25). Và có lẽ ông đã hướng chính đau khổ của bản thân ông đến tình trạng mới này, vì nếu không có ơn cứu độ, thì ông không thể nào hiểu được ý nghĩa sung mãn của đau khổ. Nơi Thập Giá Đức Kitô, không những ơn cứu độ được thực hiện bằng đau khổ, mà hơn nữa, chính sự đau khổ của con người cũng đã được cứu chuộc. Đức Kitô, Đấng chẳng hề phạm tội, đã gánh lấy toàn bộ sự dữ do tội. Kinh nghiệm về sự dữ đó đã xác định mức độ vô song của sự đau khổ nơi Đức Kitô, và nỗi đau khổ đó đã trở thành giá cứu độ. Đó là điều mà bài ca về Người Tôi tớ đau khổ trong Isiaa đã nói tới. Về sau, các chứng nhân Giao Ước mới, giao ước ký kết trong máu Đức Kitô, cũng lặp lại điều đó.

Trong thư thứ nhất, Thánh Phêrô diễn tả như sau:

“Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được giải thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại, nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô” (1Pr 1,18-19)

Trong thư Galat, Thánh Phaolô cũng viết:

“Để cứu chúng ta thoát khỏi thế gian xấu xa hiện tại, Đức Giêsu Kitô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa, là Cha chúng ta” (Gl 1,4)

Trong thư 1 Côrintô, Người viết:

“Vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em, vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6, 20)

Với những lời lẽ như thế hay những kiểu nói tương tự, các chứng nhân Tân Ước đã diễn tả sự cao cả của công trình cứu độ được thực hiện nhờ đau khổ của Đức Kitô, Đấng Cứu Thế đã chịu đau khổ thay cho con người và vì con người. Mọi người cách này hay cách khác đều tham dự vào công trình cứu độ. Mỗi người cũng được mời gọi tham dự vào sự đau khổ, nhờ đó công cuộc cứu độ được hoàn tất. Họ được mời gọi tham dự vào sự đau khổ mà nhờ đó mọi khổ đau của con người cũng được cứu chuộc. Khi thực hiện ơn cứu độ bằng đau khổ, Đức Kitô đồng thời cũng nâng cao đau khổ của con người đến nỗi thông ban cho nó một giá trị cứu độ. Như vậy, qua đau khổ của mình, mọi người đều có thể tham dự vào đau khổ cứu độ của Đức Kitô.

Nhiều đoạn văn Tân Ước đã diễn tả tư tưởng đó. Thánh Phaolô viết trong thư 2 Côrintô:

“Chúng tôi bị dồn ép tứ bề, nhưng không hề bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang trong thân mình cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi… Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giêsu trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy cùng với Đức Giêsu” (2Cr 4,8-11.14).

Thánh Phaolô nói tới những đau khổ khác nhau, và nhất là những đau khổ mà các Kitô hữu đầu tiên phải chịu “vì Đức Giêsu”. Qua những đau khổ đó, độc giả Côrintô có thể tham dự vào công cuộc cứu độ được thể hiện nhờ đau khổ và sự chết của Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, sức thuyết phục của Thập Giá và của sự chết còn được bổ túc nhờ sự Phục Sinh. Con người tìm thấy trong sự Phục Sinh một ánh sáng hoàn toàn mới mẻ, giúp mở ra được một lối đi xuyên qua bóng tối dày đặc của những sỉ nhục, nghi ngờ, thất vọng và bách hại. Do đó Thánh Phaolô cũng viết:

“Vì chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi đau khổ của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2Cr 1,5)

Trong thư 2 Thêxalônica, Người khích lệ:

“Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Kitô” (2Tx 3,5)

Trong thư Rôma, Người viết:

“Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, nên tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1)

Qua kiểu nói trên, ta thấy chính việc tham dự vào đau khổ của Đức Kitô mang hai chiều kích: nếu con người được tham dự vào các đau khổ của Đức Kitô, đó là vì Người đã mở rộng đau khổ của Người cho nhân loại, vì chính Người, trong đau khổ cứu độ, đã tham dự cách nào đó vào tất cả các thống khổ của loài người. Khi nhận ra sự đau khổ cứu độ của Đức Kitô nhờ niềm tin, con người đồng thời cũng khám phá ra trong đó các đau khổ của bản thân mình, và cũng nhờ niềm tin, con người nhận ra rằng đau khổ của mình mang một nội dung và một ý nghĩa mới.

Khám phá đó đã gợi hứng cho Thánh Phaolô viết lên những lời lẽ quyết liệt trong thư Galat:

“Tôi chịu đóng đinh vào thập giá cùng với Đức Kitô. Thế nên tôi có sống thì không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp con người của tôi trong niềm tin vào Con Thiên Chúa là Đấng đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gl 2,19-20)

Đức tin đã giúp tác giả nhận ra rằng chính tình yêu đã dẫn đưa Đức Kitô đến với thập giá. Và nếu như Đức Kitô đã yêu thương đến nỗi chịu đau khổ và chịu chết, thì cũng chính với sự đau khổ và cái chết đó, Người đang sống nơi những kẻ Người thương yêu, nơi con người, nơi Phaolô. Và đang khi sống nơi con người Phaolô - theo mức độ ý thức điều đó nhờ đức tin mà đáp lại tình yêu của Người - thì Đức Kitô cũng kết hiệp một cách đặc biệt với con người, với Phaolô, nhờ thập giá. Sự kết hiệp đó đã thôi thúc Thánh Phaolô viết trong thư Galat những lời không kém quyết liệt như sau:

“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoại trừ thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ thập giá đó, thế gian đã chết đối với tôi, và tôi cũng đã chết đối với thế gian” (Gl 6,14)

21. Thập giá Đức Kitô cũng tỏa ánh sáng cứu độ rạng ngời như thế trên đời sống con người và nhất là trên nỗi đau khổ của con người, bởi vì nhờ đức tin mà thập giá gặp gỡ con người cùng lúc với sự Phục Sinh. Mầu nhiệm khổ nạn được hàm chứa trong mầu nhiệm Phục Sinh. Các chứng nhân trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô cũng là chứng nhân sự Phục Sinh của Người. Thánh Phaolô viết:

“Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ cõi chết” (Pl 3,10-11)

Thánh Phaolô thật sự đã cảm nghiệm được “quyền năng Phục Sinh” của Đức Kitô trên đường đi Đamas, và chỉ sau đó, dưới ánh sáng Phục Sinh, Người mới thông phần những đau khổ của Đức Kitô, như Người đã viết trong thư Galat. Con đường của Thánh Phaolô rõ ràng là con đường của mầu nhiệm Phục Sinh: sự tham dự vào thập giá Chúa Kitô được thực hiện qua kinh nghiệm về Đấng đã phục sinh, tức là nhờ một sự tham dự đặc biệt vào cuộc Phục Sinh. Vì thế trong các kiểu nói của Thánh Phaolô về đề tài đau khổ, chúng ta rất thường gặp thấy ý tưởng vinh quang nhờ thập giá Đức Kitô.

Các chứng nhân Thập Giá và Phục Sinh đều xác tín rằng: “Ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Chúa” (Cv 14,22). Và Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu ở Thêxalônica như sau:

“Bởi thế, chúng tôi hãnh diện về anh em trước mặt các hội thánh của Thiên Chúa, vì anh em kiên nhẫn và có lòng tin mỗi khi bị bắt bớ hay gặp cảnh gian truân. Đó là dấu cho thấy Thiên Chúa xét xử công minh: anh em sẽ được coi là xứng đáng tham dự Nước Thiên Chúa, chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ” (2Tx 1,4-5)

Như thế, thông hiệp với đau khổ của Đức Kitô đồng thời cũng là đau khổ vì Nước Thiên Chúa. Dưới cái nhìn của Thiên Chúa công minh, và theo phán quyết của Người, tất cả những ai thông hiệp vào các đau khổ của Đức Kitô, cũng đều trở nên xứng đáng với nước Thiên Chúa. Nhờ chịu đau khổ, họ có thể tái lập - theo một nghĩa nào đó - cái giá vô biên của cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô, Đấng đã trở thành giá cứu chuộc chúng ta. Với giá đó, Nước Thiên Chúa lại được củng cố trong lịch sử loài người, bằng cách trở nên hướng đi dứt khoát cho cuộc sống con người trên trần gian. Đức Kitô đã đưa chúng ta vào vương quốc đó nhờ cuộc khổ nạn của Người. Và cũng chính nhờ đau khổ, những con người đã được dìm vào mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô sẽ trở nên trưởng thành đối với Người.

22. Viễn tượng về Nước Thiên Chúa gắn liền với niềm hy vọng vinh quang bắt nguồn từ thập giá Đức Kitô. Phục Sinh đã mặc khải cho thấy vinh quang đó - vinh quang cánh chung - mặc dù, nơi thập giá Đức Kitô, vinh quang ấy vẫn còn hoàn toàn mờ tối bởi vì vẫn còn đầy dẫy đau khổ. Những ai thông hiệp với các đau khổ của Đức Kitô cũng được mời gọi thông hiệp vào vinh quang nhờ các đau khổ của họ. Thánh Phaolô đã nhiều lần nhắc đến điều đó. Trong thư Rôma, Người viết:

“Chúng ta là… những người đồng thừa kế với Đức Kitô, vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người. Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,17-18)

Và trong thư 2 Côrintô, chúng ta đọc thấy:

“Vì một chút gian truân tạm thời, trong hiện tại, mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Quả thế, chúng ta là những người không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình” (2Cr 4,17-18).

Trong thư thứ nhất, Thánh Phêrô diễn tả chân lý ấy như sau:

“Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng phấn khởi” (1Pr 4,13)

Tư tưởng của sự đau khổ và vinh quang hoàn toàn có tính chất Tin Mừng. Tính chất này được soi sáng nhờ quy chiếu về mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh. Trước tiên, Phục Sinh là sự tỏ hiện vinh quang, tương ứng với việc Đức Kitô được siêu tôn nhờ Thập Giá. Quả vậy, nếu dưới mắt loài người, Thập Giá tiêu biểu cho tình trạng Đức Kitô bị tước bỏ, thì đó lại là sự siêu tôn đối với Thiên Chúa. Trên Thập Giá, Đức Kitô đã đạt tới và thực hiện sứ vụ của Người đến mức sung mãn khi thi hành thánh ý Chúa Cha, đồng thời Người cũng thể hiện bản thân. Trong sự yếu đuối, Người đã tỏ bày quyền năng, và trong sự tự hạ, Người đã tỏ mình là Đấng Messia cao cả. Những lời Người thốt lên trong cơn hấp hối trên Núi Sọ và nhất là những lời cầu xin cho các lý hình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34) lại chẳng là bằng chứng về sự cao cả đó sao? Những lời ấy là tấm gương tuyệt vời cho những ai thông hiệp vào các đau khổ của Đức Kitô. Đau khổ cũng là lời mời gọi biểu lộ nét cao đẹp tinh thần của con người, tức là sự trưởng thành thiêng liêng của mình. Các Thánh tử đạo và hiển tu thuộc mọi thời đại đã chứng minh điều đó, vì các ngài trung thành với lời: “Anh em đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không làm hại được linh hồn” (Mt 10,28). Sự Phục Sinh của Đức Kitô đã mặc khải vinh quang mai sau, đồng thời đã củng cố việc suy tôn trên Thập Giá. Vinh quang tương lai đó đã bao gồm trong chính đau khổ của Đức Kitô, như thường thấy phản ánh và sẽ còn được phản ánh nơi đau khổ của nhân loại. Đau khổ này biểu lộ sự cao cả tinh thần của con người. Ta phải thừa nhận vinh quang không những nơi các chứng nhân đức tin, mà còn nơi rất nhiều người khác, có khi họ không tin vào Đức Kitô, nhưng đang chịu đau khổ và hiến mạng sống mình cho chân lý hoặc cho chính nghĩa. Phẩm giá cao cả của con người được khẳng định một cách đặc biệt nơi những đau khổ của họ.

23. Quả thật, đau khổ bao giờ cũng là một thử thách, đôi khi quá nặng nề, mà con người phải chịu. Trong các thư Thánh Phaolô, chúng ta thường ngạc nhiên, trước nghịch lý Tin Mừng về sự yếu đuối và sức mạnh mà Thánh Phaolô đã cảm nghiệm một cách đặc biệt, và cùng với Người, tất cả những ai đang thông hiệp vào khổ đau của Đức Kitô, cũng cảm nghiệm được. Trong thư 2 Côrintô, Thánh Phaolô viết:

“Tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2Cr 12,9)

Trong thư thứ 2 của Timôthêu, ta đọc thấy:

“Chíh vì lý do đó mà tôi phải chịu những đau khổ này, nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai” (2Tm 1,12)

Trong thư tín hữu Philíp, Người viết:

“Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể chịu được hết” (Pl 4,13)

Những ai thông hiệp với đau khổ của Đức Kitô đều nhìn thấy mầu nhiệm vượt qua của Thập Giá và Phục Sinh, trong đó Đức Kitô khởi đầu đã hạ mình xuống, đến tận cùng sự yếu đuối và bất lực của con người: Người chịu đóng đinh vào Thập Giá. Nhưng nếu trong sự yếu đuối đó, Người được tôn vinh, sự tôn vinh được xác nhận bởi sức mạnh Phục Sinh, thì điều đó có nghĩa là những yếu đuối trong mọi đau khổ của con người đều có thể được quyền năng Thiên Chúa bao phủ. Quyền năng này được tỏ hiện nơi Thập Giá Đức Kitô. Theo quan niệm đó, chịu đau khổ có nghĩa là trở nên hết sức sẵn lòng đón nhận, đặc biệt mở rộng trước tác động của những năng lực cứu độ nơi Thiên Chúa, được thông ban cho nhân loại qua Đức Kitô. Và Thiên Chúa đã xác định rằng Người muốn hành động nơi con người, nhất là qua sự đau khổ, tức là sự yếu đuối và trơ trụi của chính họ, và chính trong sự yếu đuối và trơ trụi đó mà Người muốn bày tỏ quyền năng của Người. Như vậy ta cũng có thể hiểu được lời căn dặn của Thánh Phêrô:

“Nếu có phải chịu đau khổ vì tin vào Đức Kitô thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì được mang danh hiệu đó” (1Pr 4,16)

Trong thư gởi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô quảng diễn rộng hơn về đề tài “sức mạnh phát xuất từ sự yếu đuối”, đề tài về sự canh tân năng lực thiêng liêng của con người giữa các thử thách và gian truân; cuộc canh tân đó là ơn gọi đặc biệt của những ai thông phần vào đau khổ Đức Kitô:

“Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng ai gặp gian truân thì quen chịu đựng, ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên, ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,3-5)

Đau khổ chứa đựng một lời mời gọi đặc biệt hướng về nhân đức mà con người phải thực hành, đó là trung kiên đón nhận những phiền hà và khổ đau. Khi chịu đựng như vậy, con người củng cố thêm niềm trông cậy, và nhờ đó họ mãi mãi xác tín rằng đau khổ sẽ không thắng được họ, không tước đoạt được phẩm giá của riêng con người ý thức về ý nghĩa của đời mình. Ý nghĩa cuộc đời được tỏ hiện cùng với công trình của tình yêu Thiên Chúa, tức là ơn cao trọng nhất của Chúa Thánh Linh. Càng tham dự vào lòng mến đó, con người càng tìm lại được chính mình cho dù đang đau khổ tột cùng, tìm lại được tâm hồn mà họ tưởng là đã đánh mất (xc Mc 8,35; Lc 9,24; Ga 12, 25).

24. Nhờ tham dự vào các đau khổ của Đức Kitô, Thánh Phaolô còn có những kinh nghiệm sâu sắc hơn nữa. Trong thư gởi tín hữu Côlôsê có một câu nói đến giai đoạn cao nhất trong hành trình thiêng liêng liên quan đến đau khổ. Thánh Phaolô viết:

“Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức. Như thế là vì lợi ích cho thân thể Người, là Hội Thánh” (Cl 1,24)

Và trong thư 1 Côrintô, Người đặt câu hỏi:

“Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?” (1Cr 6,15).

Qua mầu nhiệm Phục Sinh, Đức Kitô đã khởi sự kết hợp với con người trong cộng đoàn Giáo Hội. Mầu nhiệm Giáo Hội được diễn tả qua sự kiện là từ bí tích Thánh Tẩy - làm cho ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô - cho đến hy tế Đức Kitô - diễn lại trong Thánh Thể theo cách bí tích - Giáo Hội không ngừng tự kiến tạo một cách thiêng liêng để trở nên Thân Mình Đức Kitô. Trong Thân Mình này, Đức Kitô muốn được kết hiệp với mọi người, và Người được kết hiệp cách đặc biệt với những ai đang chịu đau khổ. Những lời trong thư Côlôsê được trích dẫn trên đây xác nhận tính cách đặc biệt của sự kết hiệp đó. Quả thật, người đau khổ mà kết hiệp với Đức Kitô - như Thánh Phaolô trải qua những “gian truân” trong sự kết hiệp với Đức Kitô - thì họ không những múc lấy nơi Đức Kitô sức mạnh mà chúng ta đã nói tới trên kia, nhưng còn nhờ đau khổ của mình mà “bù đắp” những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu. Trong cái nhìn của Tin Mừng như thế, nổi bật lên sự thật về tính sáng tạo của đau khổ. Đau khổ của Đức Kitô đã phát sinh một điều thiện hảo: đó là công trình cứu độ thế giới. Thiện hảo đó tự nó dồi dào khôn cùng. Không ai có thể thêm gì vào công trình đó nữa. Nhưng đồng thời, trong mầu nhiệm Giáo Hội là Thân Mình Đức Kitô, có thể nói Đức Kitô đã mở rộng đau khổ cứu độ của Người đến mọi đau khổ của con người. Ở bất cứ nơi nào, thời nào, con người càng thông phần vào đau khổ của Đức Kitô, thì họ càng bù đắp, theo cách thức của mình, vào đau khổ mà nhờ đó Đức Kitô đã thực hiện công trình cứu độ trần gian.

Như thế phải chăng công trình cứu độ của Đức Kitô là chưa đầy đủ? Không phải thế. Điều đó chỉ có nghĩa là công trình cứu độ - được thực hiện nhờ năng lực của tình yêu đền bù - vẫn mãi mãi rộng mở để đón nhận mọi tình yêu được diễn tả qua đau khổ của con người. Trong chiều kích đó, chiều kích tình yêu, có thể nói ơn cứu độ đã được thực hiện trọn vẹn, nhưng vẫn còn đang được hoàn tất liên lỷ. Đức Kitô đã thực hiện trọn vẹn công trình cứu độ và cho đến tận cùng, nhưng Người không đặt dấu chấm kết thúc trong sự đau khổ cứu độ - nhờ đó thế giới được cứu thoát - ngay từ đầu. Đức Kitô đã mở ra và Người vẫn mãi mãi mở rộng để đón nhận mọi đau khổ con người. Thật vậy, đòi hỏi luôn được bổ túc hình như cũng là thành phần trong yếu tính đau khổ cứu độ của Đức Kitô.

Như thế, chính trong sự rộng mở đối với mọi đau khổ của con người mà Đức Kitô đã thực hiện công trình cứu độ qua đau khổ của Người. Quả vậy, ơn cứu độ, mặc dù đã được thực hiện một cách sung mãn nhờ đau khổ của Đức Kitô, vẫn đang diễn tiến và phát triển trong lịch sử loài người theo một cách thức khác. Ơn cứu độ đang được thực hiện và phát triển như Thân Mình Đức Kitô là Giáo Hội, và trong chiều kích đó, mọi đau khổ của con người, nhờ kết hiệp với Đức Kitô trong tình yêu, đều bổ túc cho sự đau khổ của Đức Kitô; đau khổ của con người bổ túc cho đau khổ của Đức Kitô, tương tự như Giáo Hội bổ túc công trình cứu độ của Đức Kitô vậy. Mầu nhiệm Giáo Hội, tức nhiệm thể, đang tự bổ túc nơi chính mình cho thân thể bị đóng đinh Thập Giá và Phục Sinh của Đức Kitô, xác định một khoảng trống để đau khổ của con người bổ túc đau khổ của Đức Kitô. Chỉ ở trong lãnh vực này - trong chiều kích Giáo Hội như Thân Mình Đức Kitô, không ngừng phát triển trong không gian và thời gian - ta mới có thể nói tới những gì còn thiếu nơi các gian truân thử thách Đức Kitô phải chịu. Quả thật, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh điều đó khi nhắc đến “những gì còn thiếu nơi các gian nan thử thách mà Đức Kitô phải chịu vì thân thể Người, tức là Giáo Hội”.

Giáo Hội không ngừng kín múc từ nguồn mạch vô tận, để đem ơn cứu độ đến cho nhân loại, như vậy rõ ràng Giáo Hội là một chiều kích, trong đó đau khổ cứu độ của Đức Kitô luôn luôn được bổ túc nhờ đau khổ của con người. Ý nghĩa đó làm nổi bật bản chất của Giáo Hội, là vừa có tính nhân trần. Một cách nào đó, dường như đau khổ làm nổi bật những đặc tính ấy. Cũng vì thế, Giáo Hội nhìn nhận đau khổ có một giá trị đặc biệt. Đau khổ là một thiện hảo mà Giáo Hội nghiêng mình tôn kính trong niềm tin sâu xa vào ơn cứu độ. Giáo Hội cũng tôn kính trong niềm tin sâu xa nhờ đó Giáo Hội đón nhận mầu nhiệm khôn tả của thân mình Đức Kitô.

VI. Tin mừng về đau khổ

25. Các chứng nhân cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Kitô đã truyền lại cho Giáo Hội và nhân loại một Tin Mừng đặc biệt về sự đau khổ. Chính Đấng Cứu Chuộc đã viết nên Tin Mừng này, trước hết bằng đau khổ của riêng Người, được Người đón nhận bằng tình yêu, để con người “khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đau khổ của Người, cùng với lời giáo huấn sống động, đã trở thành nguồn mạch phong phú cho những ai thông phần vào các đau khổ của Người ở thế hệ đầu, tức là thế hệ các môn đệ đã tuyên xưng niềm tin vào Người, và trải qua các thế hệ kế tiếp theo dòng thời gian.

Trước tiên, thật đáng khích lệ khi ghi nhận - điều này đúng với sự thật của Tin Mừng và lịch sử - rằng bên cạnh Đức Kitô, ở vị trí hàng đầu, và rất rõ ràng, bao giờ cũng có hình ảnh Người Mẹ chí thánh, bởi vì trong suốt cuộc đời, Mẹ đã là chứng tá chói ngời của Tin Mừng đặc biệt về đau khổ. Nơi Mẹ, vô vàn đau khổ dữ dằn đã chồng chất dồn dập và liên tục đến nỗi đã góp phần cứu độ mọi người, đồng thời vẫn cho thấy đức tin không thể lay chuyển của Mẹ. Thật vậy, khởi từ cuộc tiếp xúc âm thầm với sứ thần, Đức Maria linh cảm được rằng sứ mạng làm Mẹ đã “an bài” cho Mẹ phải chia sẻ sứ vụ của Con Mẹ một cách hoàn toàn đặc biệt. Và Mẹ đã chứng nghiệm ngay được điều đó, chẳng hạn qua biến cố ngày Giáng Sinh ở Bêlem, qua những lời nói rõ ràng của cụ già Simêon về một lưỡi gươm nhọn sẽ đâm thấu trái tim Mẹ, hay qua những nỗi lo lắng, những thiếu thốn trên đường vội vã lánh nạn sang Ai Cập vì quyết định tàn ác của Hêrôđê.

Sau những thăng trầm trong cuộc đời ẩn dật và công khai của Đức Kitô, mà chắc chắn Mẹ đã chi sẻ với một tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc, Đức Maria còn phải chịu đau khổ cùng với những cực hình của Chúa Giêsu trên đồi Canvê, tới mức con người khó lòng tưởng tượng nổi, nhưng chắc chắn cũng mang tính cách huyền nhiệm và phong phú một cách siêu nhiên xét về phương diện ơn cứu độ phổ quát. Mẹ bước lên núi Canvê, Mẹ hiện diện dưới chân Thập Giá cùng với người môn đệ Chúa yêu quý, như thể Mẹ đã tham dự một cách hoàn toàn đặc biệt vào cái chết cứu độ của Con Mẹ, cũng như những lời Mẹ đón nhận từ môi miệng Đức Kitô đã trở thành lời chuyển giao long trọng về Tin Mừng đặc biệt đó, để loan báo cho toàn thể cộng đoàn những người tin.

Chứng kiến cuộc thương khó của Người Con bằng sự hiện diện, thông phần vào cuộc thương khó bằng sự đồng cảm, Đức Maria rất thánh đã đóng góp đặc biệt vào Tin Mừng về sự đau khổ, và đã sớm thực hiện điều khẳng định của Thánh Phaolô mà tôi đã trích dẫn ở đầu tông thư này (Cl 1,24). Quả đúng như vậy, với những danh nghĩa hoàn toàn đặc biệt, Mẹ đã có thể quả quyết rằng Mẹ đã “bù đắp nơi thân xác Mẹ - như Mẹ đã bù đắp trong tâm hồn Mẹ - những gì còn thiếu trong nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu”.

Dưới ánh sáng gương mẫu cực kỳ rạng ngời của Đức Kitô, Tin Mừng về đau khổ phản ánh một cách hiển nhiên lạ lùngnơi cuộc đời Đức Mẹ, qua kinh nghiệm về giáo huấn của các tông đồ, đã trở thành nguồn mạch vô tận cho cách thế hệ luôn mới mẻ kế tiếp nhau suốt lịch sử Giáo Hội. Tin Mừng về đau khổ, không những có ý nghĩa là sự hiện diện của đau khổ trong Tin Mừng như là một đề tài của Tin Mừng, nhưng còn là một mặc khải về năng lực cứu độ và ý nghĩa cứu độ của đau khổ trong sứ vụ Thiên sai của Đức Kitô, và tiếp đến, trong sứ vụ và ơn gọi của Giáo hội.

Trước các thính giả, Đức Kitô không che đậy sự cần thiết của đau khổ. Người đã quả quyết rất rõ ràng:

“Ai muốn theo Tôi… hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23)

Và với các môn đệ, Người đã đưa ra những đòi hỏi luân lý chỉ có thể thực hiện được với điều kiện từ bỏ chính mình (Lc 9,23). Con đường dẫn tới Nước Trời thì chật hẹp, ngược với con đường rộng rãi thênh thang dẫn đến diệt vong (Mt 7,13-14). Nhiều lần Đức Kitô cũng nói rằng những ai muốn làm môn đệ Người và tin theo Người, sẽ phải chịu nhiều bách hại, ta biết rằng điều đó không chỉ xảy ra ở trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội thời đế quốc Rôma, mà còn không ngừng xảy ra qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, và ngay cả trong thời đại chúng ta nữa.

Dưới đây là một ít lời của Đức Kitô về vấn đề này:

“Người ta sẽ tra tay trên các ngươi và bắt bớ, nộp các ngươi cho hội đường, và tống ngục, điệu các ngươi đến các vua chúa quan quyền vì danh Ta, một cơ hội để các ngươi làm chứng. Vậy các ngươi hãy ghi kỹ trong lòng là đừng tập dọn biện hộ, vì Ta sẽ cho các ngươi miệng lưỡi cùng khôn ngoan, làm hết thảy những kẻ chống đối các ngươi đều vô phương cự lại hay kháng lý. Các ngươi sẽ bị nộp do cả cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu và họ sẽ giết nhiều người trong các ngươi. Và các ngươi sẽ bị nhiều người ghét vì danh Ta. Nhưng dù một sợi tóc cũng không rơi mất khỏi đầu các ngươi. Chính bởi kiên nhẫn mà các ngươi giữ được mạng sống các ngươi” (Lc 21,12-19).

Nhiều chổ trong Tin Mừng về đau khổ đã nhấn mạnh đến sự đau khổ “vì Đức Kitô”, “vì danh Đức Kitô”, được diễn tả qua lời Đức Kitô hay lời các tông đồ. Đức Kitô không giấu giếm các môn đệ cũng như những kẻ theo Người cái viễn tượng đau khổ như thế. Trái lại, Người rất thẳng thắn khi mặc khải viễn tượng đó, đồng thời cũng loan báo về những sức mạnh siêu nhiên đi kèm, khi họ bị bách hại và thử thách “vì danh Người”. Những bách hại và nghịch cảnh ấy cũng được coi là cuộc trắc nghiệm đặc biệt về việc nên giống Đức Kitô và hiệp nhất với Người.

“Nếu thế gian ghét các ngươi, thì hãy biết rằng nó đã ghét Ta trước các ngươi…; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và Ta đã chọn các ngươi từ giữa thế gian, bởi vậy mà thế gian ghét các ngươi…Tôi tớ không lớn hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Ta, họ cũng sẽ bắt bớ các ngươi. Nhưng mọi điều ấy họ sẽ làm cho các ngươi vì cớ danh Ta, vì họ không biết Đấng đã sai ta” (Ga 15,18-21).

“Các điều ấy, Ta đã nói với các ngươi, ngõ hầu trong Ta các ngươi được bình an. Nơi thế gian, các ngươi sẽ phải khốn quẫn. Nhưng hãy vừng lòng! Ta sẽ thắng thế gian” (Ga 16,33).

Chương Tin Mừng về đau khổ đầu tiên này, khi đề cập đến những cuộc bách hại, tức là những cơn quẫn bách vì danh Đức Kitô, hàm chứa một lời mời gọi đặc biệt phải can đảm và mạnh mẽ, nhờ sự Phục Sinh oai hùng của Đức Kitô làm hậu thuẫn. Nhờ sự Phục Sinh, Đức Kitô đã hoàn toàn chiến thắng thế gian; tuy nhiên, vì sự Phục Sinh của Người gắn liền với cuộc thương khó và cái chết, nên Người cũng chiến thắng thế gian bằng đau khổ của Người nữa. Phải, đau khổ ấy đã hòa nhập một cách lạ lùng vào cuộc chiến thắng thế gian biểu lộ qua sự Phục Sinh. Đức Kitô vẫn giữ trong thân thể Phục Sinh của Người những vết thương nơi tay, chân, cạnh sườn do khổ hình Thập Giá gây nên. Nhờ sự Phục Sinh, Người biểu lộ sức mạnh tất thắng của đau khổ, Người muốn những kẻ Người tuyển chọn làm tông đồ cũng như những kẻ Người tiếp tục tuyển chọn và sai đi, phải xác tín rằng sức mạnh ấy vẫn còn đó. Sau này, Thánh Phaolô tông đồ có nói:

“Những ai muốn sống đạo đức trong Đức Giêsu Kitô, đều sẽ bị bắt bớ” (2Tm 3,12).

26. Nếu những người bị bách hại vì Đức Kitô đã viết nên một chương dài đầu tiên trong Tin Mừng về đau khổ trải qua các thế hệ, thì cũng có một chương dài khác nữa được viết ra trải dọc theo dòng lịch sử. Chương này do tất cả những ai cùng chịu đau khổ với Đức Kitô viết nên, tức là những người kết hợp những đau khổ nhân loại của mình với đau khổ cứu độ của Đức Kitô. Những điều mà các chứng nhân tiên khởi trong cuộc khổ nạn và Phục Sinh đã nói và đã viết về sự thông phần vào đau khổ của Đức Kitô, thì đã hoàn tất nơi chính họ. Do đó, Tin Mừng về đau khổ được thực hiện nơi họ, và theo một nghĩa nào đó, mỗi người trong họ lại tiếp tục viết nên Tin Mừng này, viết và loan truyền cho thế giới, cho môi trường họ đang sống và những người đương thời của họ.

Qua các thế kỷ và các thế hệ, người ta đã nhận ra rằng, có một sức mạnh đặc biệt ẩn giấu trong đau khổ, sức mạnh này làm cho con người gần gũi mật thiết với Đức Kitô, đó là một ân sủng đặc biệt. Chính nhờ ân sủng đặc biệt này mà biết bao vị thánh đã hoán cải sâu xa, như Thánh Phanxicô Assisi, Thánh Ignatio de Loyola,… Hoa quả của sự hoán cải này không phải chỉ là sự kiện người ta khám phá ra ý nghĩa cứu độ của đau khổ, mà nhất là vì qua đau khổ, người ta trở thành con người mới hoàn toàn, trong đó, người ta tìm thấy chiều kích mới cho cả cuộc đời và cho ơn gọi cá nhân của mình. Khám phá này đặc biệt khẳng định nét cao cả linh thiêng vốn có nơi con người, vượt thắng thân xác mà không gì có thể so sánh được. Trong khi thân xác bị bệnh tật tàn phá, đi đến chổ bất lực, trong khi con người thấy chính mình trong tình trạng hầu như không thể sống và hoạt động, thì sự trưởng thành nội tâm và sự cao cả linh thiêng lại càng trở nên rõ rệt hơn, và là một bài học sống động cho những ai đang mạnh khỏe.

27. Trong thư gởi giáo đoàn Côlôsê, Thánh Phaolô đã viết về niềm vui ấy như sau:

“Tôi vui mừng được đau khổ vì anh em” (1,24)

Việc chế ngự cảm giác về sự vô dụng của đau khổ, một ấn tượng đôi khi lặn sâu trong đau khổ của con người, điều đó đã trở nên một nguồn vui. Không những đau khổ làm hao mòn con người từ bên trong, mà dường như còn làm cho con người nên gánh nặng cho người khác. Người ta cảm thấy mình buộc phải đón nhận sự trợ giúp và nâng đỡ của người khác trong khi chính mình lại cảm thấy mình thật vô dụng. Chính khi khám phá ra ý nghĩa cứu độ của đau khổ việc kết hiệp với Đức Kitô, con người sẽ biến đổi được tâm trạng thất vọng ấy. Chính trong niềm tin vào sự thông hiệp với đau khổ của Đức Kitô đã hàm chứa một xác tín nội tâm sâu xa rằng con người đang đau khổ “bù đắp những gì còn thiếu nơi các thống khổ của Đức Kitô”, và như Đức Kitô, họ đã trở nên hữu ích cho ơn cứu độ của anh em mình, một khi nhìn công cuộc cứu độ theo viễn tượng thiêng liêng. Không những họ sinh ích cho kẻ khác, mà hơn nữa, còn thực hiện được một công việc phục vụ bất khả thay thế. Chính trong Thân Mình Đức Kitô không ngừng lớn lên từ Thập Giá của Đấng Cứu Chuộc, mà đau khổ, một khi được thấm nhuần tinh thần hiến tế của Đức Kitô, đã đương nhiên - và không thể khác được - trở thành trung gian và nguồn mọi ơn lành cần thiết để đem ơn cứu độ cho trần gian. Hơn mọi thứ khác, chính đau khổ làm cho các năng lực cứu độ được hiện diện trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc chiến có tính cách “vũ hoàn” giữa sức mạnh thiêng liêng của sự thiện và sự ác được nói đến trong thư Êphêsô (6,12), những đau khổ của con người, một khi kết hợp với những đau khổ của Đức Kitô, sẽ trở thành nguồn đỡ nâng đặc biệt cho sức mạnh của sự thiện bằng cách dọn đường cho sức mạnh (đem ơn) cứu độ đó vinh thắng.

Chính vì thế, Giáo Hội nhìn thấy tất cả những anh chị em đang chịu đau khổ của Chúa Kitô là một chủ thể đa hợp biểu dương sức mạnh siêu nhiên của Người. Biết bao lần các vị chủ chăn trong Giáo Hội đã chạy đến với họ chính vì các ngài tìm được nơi họ sự giúp đỡ và hậu thuẫn. Tin Mừng về đau khổ được viết mãi và không ngừng được diễn tả trong sự nghịch lý kỳ lạ này: nguồn sức mạnh thần linh thật sự tuôn trào từ nỗi yếu hèn của con người. Qua chính những đau khổ của riêng mình, những người thông phần vào đau khổ của Chúa Kitô nắm giữ một phần nhỏ độc đáo kho tàng vô tận ơn cứu độ trần gian, và họ có thể chia sẻ kho tàng ấy cho tha nhân. Con người càng bị tội lỗi đe dọa bao nhiêu, và thế giới hiện nay càng phải chịu những cơ cấu nặng nề của tội lỗi bao nhiêu, thì đau khổ của nhân loại tự nó lại càng có sức thuyết phục bấy nhiêu. Và Giáo Hội cũng càng cảm thấy cần nhờ đến giá trị của những đau khổ nhân loại để cứu độ thế gian bấy nhiêu.

VII. Người Samari nhân hậu

28. Dụ ngôn người Samari nhân hậu rõ ràng là một thành phần của Tin Mừng về đau khổ. Qua dụ ngôn này, Đức Kitô muốn trả lời câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10,29). Thật sự, trong ba người khách bộ hành đi từ Giêrusalem đến Giêrocô, chỉ có một người xứ Samari tỏ ra là “người thân cận” đích thực của kẻ bất hạnh bị cướp và bị đánh, đang nằm dở sống dở chết. Người thân cận còn có nghĩa là người chu toàn giới luận yêu thương người khác. Hai người khách lữ hành kia cũng đi trên cùng một con đường: một thầy tư tế, một thầy Lêvi, nhưng cả hai đều “thấy vậy và bỏ qua”. Trái lại, người Samari “thấy thế thì chạnh lòng thương, tiến lại băng bó vết thương cho người ấy, rồi đưa đến quán trọ và săn sóc người ấy” (Lc 10,33-34). Và khi đi, ông còn cẩn thận ủy thác cho chủ quán săn sóc người bị nạn và cam kết thanh toán các chi phí.

Dụ ngôn người Samari nhân hậu nằm trong Tin Mừng về đau khổ. Quả thật, dụ ngôn ấy cho thấy mỗi người chúng ta phải có mối tương quan như thế nào đối với người đồng loại đang đau khổ. Chúng ta không được “dửng dưng bỏ qua”, nhưng phải “dừng lại” bên kẻ đau khổ. Người Samari nhân hậu là tất cả những ai dừng lại bên bất cứ đau khổ nào của người khác. Dừng lại không phải vì tò mò mà là để sẵn sàng giúp đỡ. Thái độ này là sự sẵn sàng nội tâm biết mở lòng và xót thương. Người Samari nhân hậu là tất cả những ai nhạy cảm với đau khổ của người khác, “xúc động” trước sự bất hạnh của người thân cận. Đức Kitô, hiểu biết những gì xảy ra trong tâm hồn người ta, nên đã nhấn mạnh đến khả năng rung động này, đó là vì Người muốn cho thấy tầm quan trọng của nó khi ta ứng xử trước nỗi đau khổ của tha nhân. Vậy cần phải phát triển sự nhạy cảm ấy nơi mình, vì nó là bằng chứng mối đồng cảm của ta đối với một người đang đau khổ. Đôi khi sự cảm thông này là cách diễn tả duy nhất hoặc chính yếu có thể có được để nói lên tình thương và sự liên đới của ta đối với những người đang đau khổ.

Nhưng người Samari nhân hậu trong dụ ngôn của Đức Kitô không chỉ dừng lại ở chổ xúc động, cảm thương. Tình cảm cuồn cuộn trong lòng đã thôi thúc ông ra tay hành động và trợ giúp người bị thương tích. Như thế, bât cứ ai biết nâng đỡ những đau khổ, dù thuộc loại nào, đều là người Samari nhân hậu. Nếu có thể được, phải giúp đỡ thật hữu hiệu. Khi làm như thế, họ làm với tất cả tấm lòng và cũng chẳng tiếc gì những phương tiện vật chất. Người ta có thể nói ngay rằng họ trao tặng chính mình, trao tặng chính cái tôi bằng cách mở rộng cái tôi đó cho người khác. Ở đây, chúng ta đụng chạm tới một trong những điểm quan yếu của toàn bộ khoa nhân học Kitô giáo. Con người chỉ có thể “hoàn toàn nhận ra được chính mình nhờ thành thật trao ban chính mình” (Vat 2, Vui mừng và hy vọng, 24). Một người Samari nhân hậu, đó chính là một người có khả năng tặng ban chính mình như vậy.

29. Khi đọc bài dụ ngôn trong Tin Mừng, người ta có thể nói rằng, đau khổ, vốn mang bộ mặt hết sức đa dạng trong thế giới con người, thì đồng thời cũng xuất hiện để gợi lên khả năng yêu thương trong con người, cụ thể là việc trao ban chính cái tôi của mình để mưu ích cho người khác, cho những người đau khổ. Thế giới những đau khổ của con người không ngừng kêu gọi một thế giới khác, có thể nói như vậy, đó là: thế giới của tình thương nhân loại, và, tình thương chân thành này, phát khởi trong trái tim con người và tỏ hiện trong các hành vi của con người, con người có được là nhờ đau khổ, hiểu theo một nghĩa nào đó. Là “người thân cận”, căn cứ trên luật nền tảng là tình liên lới nhân loại, và hơn nữa căn cứ trên luật yêu thương người thân cận, con người không thể dửng dưng ngoảnh mặt đi trước những đau khổ của người khác. Họ phải “dừng chân”, “động lòng thương” như người Samari nhân hậu trong dụ ngôn Tin Mừng đã làm. Tự nó, dụ ngôn đó đã diễn tả một chân lý thấm nhuần tính chất Kitô giáo, nhưng đồng thời cũng là một chân lý hết sức phổ quát của con người. Ngay trong ngôn ngữ thông thường, người ta đã gọi một cách chí lý mọi hành động nhằm lợi ích cho những người đang đau khổ và cần được giúp đỡ là công việc của những “người Samari nhân hậu”.

Qua dòng lịch sử, hoạt động đó thể hiện trong những hình thức cơ chế có tổ chức, và, trong lãnh vực áp dụng, nó đã thúc đẩy những nghề nghiệp liên quan đến hoạt động đó. Bác sỹ, y tá và những nghề nghiệp khác tương tự quả thật là những hoạt động của “người Samari nhân hậu”. Xét theo hứng khởi “Tin Mừng” đã thúc đẩy hoạt động, chúng ta nên coi đó là một ơn gọi hơn là một nghề nghiệp thuần túy. Các tổ chức, trải qua nhiều thế hệ, đã chu toàn công tác của “người Samari”, nay lại phát triển và chuyên môn hóa hơn nữa trong thời đại chúng ta. Điều đó minh chứng rõ ràng rằng con người ngày nay vẫn luôn hết sức lưu tâm và sáng suốt nhìn tới những đau khổ của người thân cận, tìm cách để hiểu và dự đoán những đau khổ, cùng với những áp dụng thực tiễn phong phú. Trong lãnh vực này, khả năng và chuyên môn của con người cũng đang có nhiều tiến bộ. Khi nghĩ tới tất cả những điều đó, có thể nói dụ ngôn người Samari trong Tin Mừng đã trở nên một trong những yếu tố cốt thiết của nền văn hóa đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Chúng ta cũng nghĩ tới những người, nhờ sự hiểu biết và khả năng riêng của mình, đã thực hiện nhiều công tác phục vụ những người thân cận đang đau khổ, và chúng ta không thể không gởi đến họ lòng biết ơn sâu xa.

Chúng ta cũng tỏ lòng biết ơn tất cả những người hiến thân phục vụ một cách vô vị lợi đối với những người thân cận trong đau khổ, vì đã tự nguyện dấn thân vào những hoạt động cứu trợ của “người Samari nhân hậu”, và vì họ đã cống hiến tất cả thời giờ và sức lực của mình ngoài giờ làm việc. Hoạt động tự nguyện như “người Samari nhân hậu” hoặc là hoạt động bác ái như thế có thể được gọi là những hoạt động xã hội; cũng có thể coi là hoạt động tông đồ khi được thực hiện với lý do Tin Mừng rõ ràng, nhất là khi liên đới với Giáo Hội hoặc với một cộng đoàn Kitô Giáo nào khác. Hoạt động tự nguyện của “người Samari nhân hậu” được thể hiện trong những môi trường thích hợp hoặc qua những tổ chức được lập ra nhằm mục đích ấy. Hình thức hoạt động này hết sức quan trọng, nhất là khi nó đảm nhận những trách vụ lớn lao, đòi phải có nhiều người cộng tác và sử dụng những phương tiện kỹ thuật. Tuy vậy, hình thức cá nhân không phải là không đáng quý, nhất là với những người thích hợp hơn với việc săn sóc nhiều thứ đau khổ khác nhau, cần đến một sự giúp đỡ riêng tư, cá nhân. Còn về sự trợ giúp gia đình, đó có thể là hoạt động do tình yêu thương “của người thân cận” đối với những phần tử của một gia đình, hoặc có thể là sự trợ giúp lẫn nhau giữa các gia đình.

Thật khó mà kể ra ở đây tất cả những loại hình, những phạm vi hoạt động của “người Samari nhân hậu” trong Giáo Hội cũng như xã hội; ít nhất cũng phải nhìn nhận rằng có rất nhiều, và chúng ta phải vui mừng vì điều đó, bởi lẽ nhờ những hoạt động như vậy, các giá trị luân lý nền tảng, chẳng hạn như tình liên đới con người, tình yêu thương Kitô Giáo đối với người thân cận, làm nên khung cảnh của đời sống xã hội và của những tương quan nhân loại, đồng thời, trên bình diện này, nó cũng kìm hãm nhiều hình thức thù hận, bạo lực, dã man, khinh miệt con người, hoặc đơn giản là sự “vô tâm”, nghĩa là dửng dưng với người thân cận và những đau khổ của họ.

Ở đây, chúng ta phải nhấn mạnh đến tầm mức khá quan trọng trong việc hướng dẫn giáo dục những thái độ. Gia đình, trường học cũng như những thể chế đào tạo khác - đây mới chỉ dựa trên những lý do nhân loại - phải kiên trì giúp cho cảm quan của con người luôn thức tỉnh, bén nhạy đối với người thân cận và nỗi đau khổ của họ, theo mẫu mực là hình ảnh người Samari nhân hậu trong Tin Mừng. Hiển nhiên Giáo Hội cũng phải làm như thế, và nếu có thể, phải đào sâu hơn nữa những động lực rút ra từ giáo huấn của Đức Kitô trong dụ ngôn đó, cũng như trong toàn bộ Tin Mừng. Sức thuyết phục của dụ ngôn “người Samari nhân hậu” cũng như của toàn bộ Tin Mừng được tóm lại như sau: con người phải cảm thấy như được kêu gọi đích danh để làm nhân chứng cho tình yêu trong đau khổ. Các tổ chức rất cần thiết và quan trọng, tuy nhiên, khi đến với những đau khổ của người khác, không một tổ chức nào tự nó có thể thay thế được trái tim, sự cảm thông, tình yêu và sáng kiến của con người. Điều đó có giá trị đối với những đau khổ thể lý, và hơn nữa đối với vô số những đau khổ tinh thần, và nhất là đối với nỗi đau khổ của linh hồn.

30. Như đã nói, dụ ngôn người Samari nhân hậu nằm trong Tin Mừng về đau khổ; dụ ngôn đó, cùng với Tin Mừng đó, xuất hiện trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội, lịch sử Kitô Giáo, lịch sử con người và nhân loại. Dụ ngôn đó minh chứng rằng mặc khải của Đức Kitô về ý nghĩa cứu độ của đau khổ hoàn toàn khác biệt với thái độ thụ động. Trái lại, Tin Mừng là sự phủ nhận thái độ thụ động trước khổ đau. Trong lãnh vực này, chính Đức Kitô cũng hoàn toàn chủ động, và như thế Người thực hiện được sứ vụ thiên sai của mình đúng như lời ngôn sứ:

“Thần khí Chúa ngự trên tôi,

Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

Sai tôi đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,

Băng bó những tấm lòng tan nát,

Tuyên cáo lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,

Loan tin cho người mù biết sẽ được sáng mắt,

Trả lại tự do cho người bị áp bức,

Công bố một năm hồng ân của Chúa”

(Lc 4,18-19; xc Is 61,1-2)

Sau cùng, xét theo nội dung cơ bản, dụ ngôn này cũng hòa nhập với diễn từ về ngày xét xử cuối cùng, một diễn từ gây kinh ngạc, được thuật lại trong Tin Mừng Mátthêu:

“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dành sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thành trời đất. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,34-36).

Người sẽ trả lời cho những người công chính hỏi rằng họ đã làm những điều tốt cho Người khi nào:

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Với những người có thái độ khác thì sẽ bị phán xét ngược lại:

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 45).

Chắc chắn người ta còn có thể kéo dài danh sách những khổ đau đã khơi dậy mối xúc động, sự cảm thương, và thúc giục con người đảm nhận trách nhiệm, mà cũng có khi chẳng gợi lên gì cả. Trong trình thuật phán xét sau cùng, lời tuyên bố thứ nhất và thứ hai của Đức Kitô cho thấy hết sức rõ ràng rằng: việc “dừng lại” bên nỗi đau khổ của người thân cận, cảm thương và giơ tay nâng đỡ theo gương người Samari nhân hậu, điều đó thật quan trọng biết bao đối với sự sống đời đời của mỗi người. Trong chương trình thiên sai của Đức Kitô, tức là chương trình của Nước Thiên Chúa, đau khổ hiện diện trong thế giới để khơi dậy tình yêu, để làm nảy sinh những công việc của tình yêu đối với người thân cận, để biến đổi tất cả nền văn minh nhân loại thành “nền văn minh của tình yêu”. Trong tình yêu đó, ý nghĩa cứu độ của đau khổ được thể hiện tột cùng và đạt đến chiều kích trọn vẹn của nó. Lời Đức Kitô nói về cuộc xét xử sau hết cho phép chúng ta hiểu được điều đó với tất cả tính đơn giản và sáng sủa của Tin Mừng.

Những lời Chúa nói về tình yêu, về những hành vi bác ái cứu giúp người đau khổ còn cho phép chúng ta, một lần nữa, khám phá ra được nỗi đau khổ cứu độ của Đức Kitô nằm ở nền tảng mọi nỗi khổ đau của nhân loại. Đức Kitô nói rằng: “Đó là các ngươi đã làm cho chính Ta”, chính Người hiện diện nơi những người được đón nhận tình thương. Chính Người được nâng đỡ khi người ta nâng đỡ mọi nỗi khổ đau, không trừ điều gì. Chính Người hiện diện nơi người này hay kẻ kia đang phải chịu đau khổ, bởi vì sự đau khổ có tính cách cứu độ của Người đã mãi mãi rộng mở đối với tất cả mọi khổ đau của nhân loại. Và tất cả những người đau khổ cũng được kêu gọi một cách dứt khoát để trở thành những người tham dự vào “những nỗi khổ đau của Đức Kitô”. Cũng vậy, mọi người đều được kêu gọi để, bằng đau khổ của riêng mình, “hoàn tất những gì còn thiếu nơi những nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu” (Cl 1, 24). Đức Kitô cũng đã dạy con người phải biết làm điều thiện nhờ đau khổ, đồng thời phải biết làm điều thiện cho những người đau khổ. Qua hai khía cạnh đó, Người đã mặc khải ý nghĩa sâu xa của đau khổ.

VIII. Kết luận

31. Trên đây là ý nghĩa thật sự siêu nhiên, và cũng là ý nghĩa nhân bản của đau khổ. Là ý nghĩa siêu nhiên bởi vì nó bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ thế giới. Mặt khác, là ý nghĩa nhân bản sâu xa, vì nơi Thiên Chúa, con người nhận ra chính mình, cùng với nhân tính, phẩm giá và sứ mạng của riêng mình.

Đau khổ rõ ràng là một phần thuộc về mầu nhiệm con người. Nhưng có lẽ đau khổ không bị bao trùm bởi bức màn quá huyền bí như mầu nhiệm con người. Cộng đồng Vat. 2 đã diễn tả chân lý này như sau: “Thật vậy, mầu nhiệm con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Bởi vì… Chúa Kitô, Ađam mới, khi mặc khải về Chúa Cha và tình yêu của Người, đã cho con người biết rõ về chính con người và thiên chức rất cao cả của họ” (Vui mừng và Hy vọng số 22). Nếu bản văn trên nhằm đến tất cả những gì đụng chạm đến mầu nhiệm con người, thì chắc chắn, cũng liên quan đặc biệt đến đau khổ của con người. Về điểm này, “việc bày tỏ chính con người cho họ và khám phá ra nét cao cả trong ơn gọi của họ” là điều hoàn toàn không thể thiếu được. Cũng thế, kinh nghiệm minh chứng rằng điều đó được xác nhận một cách bi đát. Ngược lại, khi đã hoàn toàn thực hiện, khi cuộc sống con người được soi sáng về điều đó, thì rõ ràng là thật hạnh phúc. “Nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ” (Vui mừng và Hy vọng số 22).

Chúng tôi kết thúc những suy tư về đau khổ trong Năm Toàn Xá ngoại lệ để kỷ niệm công cuộc cứu độ.

Mầu nhiệm cứu độ trần gian gắn bó với đau khổ một cách lạ lùng, và ngược lại, đau khổ hướng về mầu nhiệm đó như đích điểm cao cả và chắc chắn nhất.

Trong Năm Thánh Cứu Độ, chúng tôi mong muốn liên kết chặt chẽ với tất cả những ai chịu đau khổ. Vì vậy, tâm trí của tất cả những ai đau khổ, những ai tin vào Đức Kitô, phải quy tụ lại với nhau dưới chân Thập Giá trên đồi Canvê, đặc biệt là những ai phải chịu đau khổ vì tin nơi Người, Đấng đã chịu đóng đinh và đã phục sinh, để cho hiến lễ đau khổ của họ làm cho lời nguyện xin của chính Đấng Cứu Thế - lời cầu xin cho mọi người hiệp nhất - được mau chóng thực hiện. Ước mong tất cả những người thiện tâm cũng quy tụ lại ở đấy, bởi vì ở bên Thánh Giá chính là Đấng Cứu Độ nhân loại, là người đau khổ đã đảm nhận nơi mình tất cả những khổ đau thể lý và tinh thần của nhân loại trong mọi thời đại, để cho nhân loại có thể tìm thấy, trong tình yêu, ý nghĩa cứu độ nơi những đau khổ của họ và tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc của họ. Cùng với Đức Maria, Mẹ Đức Kitô, đã đứng dưới chân Thánh Giá, chúng ta hãy dừng lại bên tất cả những Thánh Giá của nhân loại ngày nay. Chúng ta hãy khẩn cầu các Thánh, qua bao thế kỷ, các ngài đã tham dự đặc biệt vào đau khổ của Đức Kitô. Chúng ta hãy xin các ngài nâng đỡ chúng ta. Và chúng tôi xin tất cả anh chị em, những người đau khổ, hãy giúp chúng tôi. Anh chị em là những người đau yếu, xin anh chị em hãy trở thành nguồn sức mạnh cho Giáo hội và cho nhân loại. Trong cuộc chiến ghê gớm giữa hai sức mạnh thiện và ác mà thế giới hiện nay đang bày tỏ cho chúng ta thấy, ước mong rằng những đau khổ của anh chị em, hiệp với Thánh Giá của Đức Kitô, sẽ chiến thắng.

Tôi xin gởi tới anh chị em rất thân mến phép lành Tòa Thánh.

Ban hành tại Rôma, gần đền thờ Thánh Phêrô,

Ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, 11.2.1984

Năm thứ sáu Triều đại Giáo Hoàng của tôi

GIOAN PHAOLÔ II

 



[1] x. Is. 38,1-3

[2] Điều Agar lo sợ, x. St 15-16; Giacob nghĩ đến, x. St 37,33-35; và Đavít cảm nghiệm, x. 2 Sm 19,1

[3] Anna mẹ của Tobia lo sợ, x. Tb 10,1-7; Gr 6,26; Am 8,10; Gcr 12,10

[4] Như Abraham St 15,2; Rachel St 30,1; hoặc Anna mẹ của Samuel 1Sm 1,6-10

[5] Tv 22, 17-21; Gr 18,18

[6] Như trường hợp Gióp (x G 19,18; 30,1-9); một số tác giả Tv (x Tv 22,7-9; 42,11; 44,16-17); Giêrêmia (Gr 20,7), và Người Tôi tớ đau khổ (x Is 53,3).

[7] Như trường hợp một số Vịnh gia (Tv 22/21,2-3; 31/30,33; 38/37,12; 8,9-19); Giêrêmia (Gr 15,17) hay Người tôi tớ đau khổ (x Is 53,3).

[8] Của Vịnh gia (Tv 50,5); những người chứng kiến nỗi đau khổ của Người tôi tớ Giavê (Is 53,3-6); Ngôn sứ Giacaria (Dcr 12,10).

[9] Tv 73/72,3-14; Gv 4,1-3.

[10] G 9,19; Tv 41/40,10; 54/53,13-15; Gr 20,10; Hc 37,1-6

[11] Aica - Tv 44/43, 10-17; 77/76,3-11; 79/78,11; 89/88,51; Is 22,4; Gr 4,8; 13,17; 14,17-18; Ed 9,8; 21,11-12; Đn 3,31-40; 9,18-19.

[12] Is 38,13; Gr 23,9; Tv 31,10-11; 42,10-11.

[13] Tv 73,21; G 16,13; Ac 3,13.

[14] Ac 2,11.

[15] Is 16,11; Gr 4,19; G 30,27; Ac 1,20.

[16] 1Sm 1,8; Gr 4,19; 8,18; Ac 20,22; Tv 38,9.


Văn Kiện Giáo Hội