Tông Sắc Của ĐTC Phan-xi-cô Dưới Dạng Một Motu Proprio Về Việc Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Và Những Người Dễ Bị Xâm Hại

 

Việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những cá nhân cần được bảo vệ, chính là một phần không thể tách rời của sứ điệp Tin Mừng mà Giáo hội cũng như tất cả mọi thành viên của Giáo hội đều được kêu gọi hãy quảng bá trên toàn thế giới. Trong thực tế, chính Chúa Giê-su đã ủy thác cho chúng ta việc chăm lo và bảo vệ những con người phận nhỏ và những người bất lực: „Ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy“ (Mt 18,5). Vì thế, tất cả chúng ta đều có bổn phận phải tiếp đón cách quảng đại các em bé và những người dễ bị xâm hại, cũng như có bổn phận phải tạo ra một môi trường an toàn cho họ, mà ở đó, những mối quan tâm của họ sẽ được ưu tiên và tôn trọng. Điều này đòi hỏi phải có một sự hoán cải triệt để và không ngừng, mà trong đó, sự thánh thiện cá nhân cũng như sự dấn thân có tính đạo đức sẽ có thể góp phần vào việc thúc đẩy tính đáng tin cậy của công cuộc loan báo Tin Mừng và canh tân sứ mạng của Giáo hội trong lãnh vực giáo dục.

Vì thế Cha muốn tiếp tục củng cố những khuôn khổ có tính thiết chế và quy chuẩn để ngăn ngừa và đấu tranh chống lại tệ lạm dụng trẻ em và lạm dụng những cá nhân dễ bị xâm hại, để trong Giáo Triều Rô-ma và trong thành phố quốc gia Vatican:

-Một cộng đoàn được duy trì, mà cộng đoàn ấy tôn trọng những quyền lợi và những nhu cầu của trẻ em cũng như của những cá nhân cần được bảo vệ, và ý thức về những quyền lợi và những nhu cầu của mình, cũng như quan tâm tới chuyện ngăn ngừa tất cả mọi hình thức bạo lực cả về thể lý lẫn tâm lý, hay ngăn ngừa sự lạm dụng, sự khinh thường, sự cẩu thả, sự ngược đãi và sự bóc lột mà chúng vừa có thể đột nhiên xuất hiện trong các mối tương quan giữa những con người, lẫn nơi những cấu trúc hay tại những nơi công cộng;

-Nâng cao nhận thức trách nhiệm trước việc phải thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền biết về những vụ xâm phạm, và cộng tác với những cơ quan đó trong việc đưa ra những biện pháp phòng ngừa và kiểm soát;

-Bất cứ vụ lạm dụng hay ngược đãi nào đối với trẻ em và những cá nhân cần được bảo vệ cũng đều bị truy cứu cách hữu hiệu trong khuôn khổ quy định của pháp luật;

-Những người khai rằng, mình là nạn nhân của những vụ bóc lột, của những vụ lạm dụng tình dục hay của những hành vi ngược đãi, cũng như các thành viên trong gia đình của họ được pháp luật công nhận, đều sẽ được tiếp đón, để được lắng nghe và đồng hành;

-Hoạt động mục vụ dành cho các nạn nhân và các gia đình của họ, cũng như sự hỗ trợ chuyên nghiệp về tinh thần, y tế, tâm lý và pháp luật, sẽ được giới thiệu cho họ;

-Quyền được xét xử cách công bằng và vô tư sẽ được bảo đảm cho các bị cáo, kể cả việc được suy đoán là vô tội trước khi bản án được tuyên bố, cũng như các nguyên tắc mang tính pháp lý và mối liên hệ giữa hành vi phạm pháp và hình phạt;

-Kẻ bị kết án vì lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên hay lạm dụng một cá nhân cần được bảo vệ, sẽ được miễn không phải chu toàn những bổn phận riêng của mình, và đồng thời sẽ nhận được một sự hỗ trợ xứng hợp trong việc điều trị về tâm lý và tinh thần, kể cả việc nhắm tới mục đích tái hội nhập về mặt xã hội;

-Tất cả mọi điều có thể đều sẽ được thực hiện để phục hồi danh thơm tiếng tốt cho những người đã bị kết án cách bất công;

-Một sự nâng cao nghiệp vụ cách thích hợp để bảo vệ các trẻ vị thành niên và những cá nhân dễ bị xâm hại, sẽ được giới thiệu.

Vì thế, với Tông Sắc này, Cha đưa ra những chỉ thị sau:

1.Các cơ quan thực thi pháp luật có thẩm quyền của nhà nước thành phố Vatican cũng sẽ thực thi quyền xét xử hình sự đối với các hành vi phạm pháp được nêu ra ở khoản 1 và 3 của bộ Luật số 297, ban hành ngày 26 tháng 03 năm 2019 về việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những cá nhân cần được bảo vệ, mà các hành vi phạm pháp ấy đã bị các cá nhân được nêu ra trong điểm 3 của Motu Proprio „Trong Thời Đại Ngày Nay“, ban hành vào ngày 11 tháng 07 năm 2013, đã phạm phải trong lúc thi hành các chức năng của mình.

2.Ngoại trừ bí mật Tòa Cáo Giải, những cá nhân được nêu ra trong số 3 của Motu Proprio „Trong Thời Đại Hôm Nay“, ban hành ngày 11 tháng 07 năm 2013, đều bị bắt buộc phải lập tức trình cho Tòa Án của nhà nước thành phố Vatican một bản tố cáo, nếu trong lúc thi hành các chức vụ của mình, họ biết được hay giả định với lý do tốt lành rằng, một em bé hay một cá nhân cần được bảo vệ, chính là nạn nhân của những hành vi tội phạm được nêu ra trong khoản 1 của bộ Luật số 297, khi những hành vi đó bị phạm phải, kể cả khi qua lại:

a.Trên lãnh thổ quốc gia;

b.Gây tổn hại cho các thành viên quốc gia hay cho các cư dân của quốc gia;

b.Trong phạm vi thi hành các nhiệm vụ của mình bởi các công chức hay bởi các cá nhân được nêu ra trong số 3 của Motu Proprio „Trong Thời Đại Hôm Nay“, ban hành ngày 11 tháng 07 năm 2013.

3.Những cá nhân bị xâm hại bởi những hành vi tội phạm được nêu ra trong khoản 1 của bộ Luật số 297, sẽ được giới thiệu cho một dịch vụ bổ sung được quản lý bởi Tổng Cục Y Tế và Vệ Sinh của Chính quyền Thành phố Vatican, để có được một sự hỗ trợ về tinh thần, y tế và xã hội, kể cả sự hỗ trợ tức thời trong việc trị liệu và tâm lý, cùng những thông tin pháp lý hữu ích.

4.Trong sự cộng tác với dịch vụ bổ sung của Tổng Cục Y Tế và Vệ Sinh, văn phòng phụ trách công ăn việc làm của Tông Tòa, sẽ tổ chức các chương trình đào tạo nghiệp vụ cho các công nhân viên chức của Giáo Triều Rô-ma cũng như của các cơ quan có liên kết với Tòa Thánh về những nguy cơ bị bóc lột, bị lạm dụng tình dục và bị ngược đãi mà các em bé và những cá nhân cần được bảo vệ phải đối diện với, cũng như về những phương cách để nhận diện và ngăn ngừa những hành vi tội phạm ấy, và về bổn phận phải báo cáo.

5.Trong việc tuyển chọn và giới thiệu những cá nhân cho Giáo Triều Rô-ma, và cho các cơ quan có liên kết với Tòa Thánh, cũng như trong việc tuyển chọn và giới thiệu những cá nhân để họ cộng tác với các cơ quan vừa nêu, trên cơ sở tự nguyện, thì tư cách của ứng cử viên trong việc tương tác với các trẻ vị thành niên cũng như với các cá nhân cần được bảo vệ, phải được điều tra và xác nhận.

6.Các cơ quan của Giáo Triều Rô-ma và những cơ quan được liên kết với Tòa Thánh có nhiệm vụ tiếp cận với trẻ vị thành niên hay với những cá nhân cần được bảo vệ, sẽ phê chuẩn những bản hướng dẫn hành động và những nguyên tắc chỉ đạo để bảo vệ họ, với sự hỗ trợ của dịch vụ bổ sung do Tổng Cục Y Tế và Vệ Sinh phụ trách.

Cha chỉ thị rằng, Tông Sắc dưới dạng một Motu Proprio này sẽ được công bố trên trang L'Osservatore Romano, và sau đó được ghi vào Acta Apostolicae Sedis.

 

Cha cũng xác định rằng, những gì đã được ấn định, sẽ hoàn toàn có hiệu lực kể từ ngày mồng 01 tháng 06 năm 2019. Tất cả những quy định đi ngược lại với Tông Sắc này đều bị bãi bỏ.

 

Ban hành tại Rô-ma

Cạnh Đền Thờ Thánh Phê-rô

Ngày 26 tháng 03 năm 2019

Năm thứ Bảy triều đại Giáo Hoàng

(Công bố lúc 12g00 ngày 29 tháng 03 năm 2019)

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội