Bài Giảng Về Bánh Trong Hội Đường Ca-phác-na-um

(Ga 6, 22-71)

(Tìm hiểu Tin Mừng Gio-an) – Bài 7

Tác giả: Linh Mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J., ngày 11 tháng 6 năm 2018

1. Nhốn nháo kiếm tìm

Chuyển tiếp từ nơi ăn bánh vào Ca-phác-na-um, người kể chuyện đặt chúng ta vào khung cảnh một cuộc nhốn nháo kiếm tìm ở nơi ăn bánh. Cảnh này gợi lại cảnh nhốn nháo của Ai-cập sau khi dân Ít-ra-en ra đi trong đêm Vượt Qua (x. Xh 14,6-9). Sau khi Đức Giê-su lánh lên núi và các môn đệ xuống thuyền, thì trong đám “thực khách” vẫn còn những người ở lại đó. Họ đã thấy rõ ràng chỉ có một chiếc thuyền ở đó, và Đức Giê-su không cùng xuống thuyền với các môn đệ, chỉ có các môn đệ đi thuyền rời nơi đó với nhau thôi. Có lẽ một số đã về thành phố Ti-bê-ri-át báo tin, nên người ta kéo nhau lên thuyền tới nơi đã diễn ra bữa tiệc hôm qua. Không thấy Đức Giê-su và các môn đệ ở đó, họ liền kéo nhau lên thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. Họ đoán đúng, họ chẳng khó khăn gì gặp được Người ở bên kia Hồ, .

2. Câu chuyện tại Ca-phác-na-um

Họ vào đề bằng một lời hỏi thăm nhạt nhẽo : “Thầy tới đây hồi nào vậy ?” Nhưng Đức Giê-su thẳng thắn lật tẩy mục đích họ đến tìm Người : "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Người không xua đuổi họ, nhưng đề nghị cho họ một thứ của ăn đáng tìm kiếm hơn : “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”.

Chúng ta phục họ thông minh. Họ hiểu liền rằng muốn được thứ lương thực thường tồn ấy thì phải “làm những việc Thiên Chúa muốn”, và họ hỏi thẳng Người : “Chúng tôi phải làm gì ?” Người cũng nói thẳng cho họ biết : "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”. Họ lại tỏ ra thông minh lần nữa, hiểu rằng tin vào Đấng Thiên Chúa đã sai đến là tin vào Đấng đang nói với họ đây. Họ đòi Người phải chứng minh thân thế bằng một dấu lạ. Họ ra đề cho Người. Họ muốn được ăn như tổ tiên họ thời đi trong hoang mạc : “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông ? Tổ tiên chúng tôi đã ăn Man-na trong sa-mạc, như có lời chép : “Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”.

Người hiểu là họ muốn xem Người tỉ thí với ông Mô-sê, nên trả lời thẳng : “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33 vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Họ cũng bị “dụ dỗ” như người đàn bà Sa-ma-ri. Người đàn bà Sa-ma-ri xin Người cho thứ nước mà uống vào thì hết khát luôn, để khỏi phải đến giếng Gia-cóp mà kín nước mỗi ngày. Còn họ tham hơn : “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”.

Người đàn bà Sa-ma-ri bày tỏ lòng mong đợi Đấng Mê-si-a, thì Đức Giê-su tỏ cho bà biết : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với bà đây”. Bà liền bỏ vò nước lại, chạy về thành báo tin cho mọi người. Hôm nay Đức Giê-su cũng tỏ mình cho người “Do-thái” biết : “Chính tôi là bành trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói, ai tin vào tôi không khát bao giờ”.

Nhưng Người đã biết tâm địa người “Do-thái” ở Giê-su-sa-lem (x. Ga 2,23-25) cũng như ở Ga-li-lê (x. Ga 4,44), nên cảnh cáo họ ngay : “Nhưng tôi đã bảo các ông : các ông đã thấy tôi mà không tin. 37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”.

Người muốn mở cho họ một tầm nhìn khác. Ơn cứu độ là sáng kiến của Thiên Chúa. Muốn được ơn cứu độ thì phải xem Thiên Chúa muốn cứu chúng ta bằng cách nào, chứ không thể đòi Thiên Chúa cứu tôi theo cách tôi muốn. Đức Giê-su cũng không tự mình sáng kiến và làm theo ý mình, nhưng làm theo ý muốn của Chúa Cha : “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”.

Lập tức chúng ta gặp lại cảnh tương tự như tổ tiên họ đã phản đối ông Mô-sê trong hoang địa. Họ “biết” quê quán của Người, biết gia cảnh của Người ở làng Na-da-rét, nên họ “xầm xì phản đối”, bởi vì Người nói “Tôi là bánh bởi trời mà xuống”. Người lại trả lời thẳng tiếng xầm xì của họ :

"Các ông đừng có xầm xì với nhau ! 44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. 45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ : Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. 46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. 47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. 48 Tôi là bánh trường sinh. 49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. 50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. 51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Người không lùi bước trước những tiếng xầm xì đầy nghi ngờ của họ (x. Xh 16,7 ; Ds 14,27). Họ nhắc quê quán và gia cảnh trần gian của Người mà thắc mắc, thì Người nói rõ về thân thế, nguồn gốc và sứ mạng của Người là Đấng Chúa Cha sai đến để dạy dỗ họ và ban cho họ sự sống đời đời. Và Người tỏ mình tới cùng : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Vàbánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Lời cuối cùng này như bom nổ bên tai, làm họ ù tai nhức óc. Lời ấy vượt xa tầm của họ. Đáng lẽ họ phải hỏi Đức Giê-su xem lời ấy có nghĩ là gì. Nhưng họ quay ra tranh luận sôi nổi với nhau : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” Họ như những người mù xem voi tranh luận sôi nổi với nhau.

Họ đã ù tai nhức óc, thì Đức Giê-su mở hết công suất các đèn chiếu, cho họ lòa mắt luôn. Đức Giê-su đẩy họ vào chân tường của sự ngu dốt mong họ tỉnh ngộ :

"Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.

Nghe đến “ăn thịt tôi” họ đã ớn, Người lại bồi thêm “uống máu tôi” nữa. Họ hết chịu nổi rồi. “Chính các môn đệ của Người liền nói : “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi !” Cũng như đám đông hồi nãy. Họ xầm xì với nhau thay vì hỏi Người. Họ không nói với Người nhưng Người cũng biết họ đang xầm xì với nhau điều gì. Người mở cho họ một luồng sáng để có thể hiểu lời chướng tai ấy : "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư ? 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao ? 63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

Người “Do-thái” đã vấp phạm vì dán mắt vào thân phận “người làng Na-da-rét” của Người nên không thấy gì khác. Các môn đệ này cũng dán mắt vào Thầy bằng xương bằng thịt vẫn cùng đi, cùng ăn, cùng uống với họ, nên không thể hiểu gì hơn. Họ phải ngước nhìn lên vinh quang của Người, vinh quang Người vẫn có trong lòng Thiên Chúa thì mới hiểu được điều này. Nếu ngay bây giờ họ xúm lại ăn thịt và uống máu Người thì chẳng ích gì, vì “Lời đã thành người phàm và ở giữa chúng ta”. Bao lâu Người còn trong thân phận phàm nhân thì máu thịt của Người cũng như máu thịt của chúng ta, khiến Người có thể bị đâm thâu, bị giết chết trên thập giá ; nhưng vì là Máu và Thịt của Con Thiên Chúa, nên cái chết của Người đem lại ơn cứu độ. Khi Người đã được tôn vinh, thì máu và thịt của Người được biến đổi nên “Thần Khí”, “Thiên Chúa là Thần Khí” (Ga 4,24), và mới thành của ăn và của uống đích thật. Lời đã thành máu thịt khi sinh xuống làm người phàm, tuy hai mà một. Máu thịt được tôn vinh thì trở thành Lời, tuy một mà hai. Màu nhiệm nhập thể là cuộc “hôn phối” giữa Thiên Chúa và loài người : trong Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa nên một xương một thịt với loài người. Khi Đức Giê-su Ki-tô vào trong vinh quang Người vẫn có nơi Chúa Cha, thì xương thịt loài người trở nên Thần khí như Thiên Chúa. Thiên Chúa thực hiện điều mà Xa-tan đã xúi con người mơ ước và đi con đường tắt do nó bày ra, khiến con người rơi xuống vực thẳm với nó. Lời đã thành người phàm và đã đi trọn con đường làm người, trải qua cả cái chết để vào trong vinh quang, mở lại con đường để nên giống như Thiên Chúa, nên bằng Thiên Chúa (Một đoạn trong bài giảng của một tác giả được đọc trong giờ Kinh Sách sáng thứ bảy Tuần Thánh giúp chúng ta hiểu phần nào màu nhiệm này. Đức Giê-su nói với A-đam : “Nào trỗi dậy ; chúng ta ra khỏi đây. Kẻ thù đã kéo ngươi ra khỏi vườn Địa Đàng. Phần Ta, Ta sẽ không đặt người trong Vườn Địa Đàng nữa, mà đặt lên ngai trên trời. Kẻ thù đã ngăn chặn ngươi không cho dến gần cây ban sự sống. Nhưng nay Ta là sự sống. Ta liên kết với ngươi. Ta đã đặt các Kê-ru-bim làm đầy tớ canh giữ ngươi. Ta truyền cho các Kê-ru-bim phải thờ lạy ngươi cho xứng với một vì Thiên Chúa”. Ngai Kê-ru-bim đã sửa soạn, người khiêng ngai đã túc trực sẵn sàng, phòng loan đã làm xong, cỗ bàn đã dọn sẵn, nơi cư ngụ muôn đời đã được trang hoàng lộng lẫy, kho tàng ân phúc đã rộng mở và Nước Trời từ muôn thuở nay đã sẵn sàng”.).

“Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Bây giờ, đang lúc Người còn trong thân phận xác phàm thì máu thịt Người chỉ để hiến tế làm của lễ. Nhưng Lời của Người đã là thần khí và là sự sống rồi : “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8,52). Trong chương thứ tám, tại Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su sẽ dạy dỗ về “Lời” ban sự sống của Người, và người “Do-thái” ở Giê-ru-sa-lem sẽ phản ứng quyết liệt hơn, họ toan ném đá Người (x. Ga 8,21-59) .

Bài giảng về Bánh tại Ca-phác-na-um và bài giảng về Lời tại Giê-ru-sa-lem liên kết chặt chẽ với nhau và cùng liên kết với màu nhiệm tôn vinh của Đức Giê-su. Bánh và Lời là hai của ăn thông ban sự sống, thông ban thần khí của Thiên Chúa cho chúng ta. Sự thông chuyển ấy thực hiện bằng cách nào ? “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống bởi Người như thế nào, thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. (Ga 6,56-57).

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa ban sự sống bằng Lời. Trong Tân Ước, Lời đã thành máu thịt, nên Máu Thịt của Lời cũng là của ăn ban sự sống. Chúng ta có hai thứ của ăn : Lời và Máu Thịt của Chúa. Tin Mừng Gio-an giải thích cho chúng ta. Sách Công Vụ và các thư của thánh Phao-lô cho chúng ta thấy cách thực hành ngay từ buổi đầu, trong cộng đoàn tín hữu được qui tụ sau khi Thánh Thần xuống trên các môn đệ : “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”. (Cv 2,42). Phụng Vụ Thánh Thể chúng ta cử hành là tiếp tục cách thực hành từ ban đầu.

3. Lời tuyên xưng của ông Phê-rô.

Bài giảng về Bánh ở Ca-phác-na-um không những làm cho đám đông quay lưng với Đức Giê-su, mà còn khiến một số môn đệ bấy lâu nay đi theo Người cũng bỏ đi.

Từ đầu sách Tin Mừng này chúng ta đã biết Đức Giê-su thấu suốt lòng con người. Nhưng ở đây chúng ta vẫn sững sờ khi nghe : “Nhưng trong anh em có những kẻ không tin”. Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Người nói tiếp : "Vì thế, Thầy đã bảo anh em : không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”. 66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

Người đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người còn nói thêm : “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho ? Thế sao Người vẫn gọi họ, chọn họ làm môn đệ ? Ở đây là mầu nhiệm sự tự do của con người. Tin hay không tin vào Đức Giê-su Ki-tô vừa là tự do của con người vừa là ơn ban của Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa không cưỡng bức nhưng mời gọi người ta đáp ứng, ơn thì Thiên Chúa ban không giới hạn, nhưng phải chìa tay đón nhận. Biết họ không tin nhưng Đức Giê-su vẫn chọn họ, để cho họ một cơ may. Họ sẽ không thể nói “tôi đã không được biết, không có cơ hội để biết, để nhận”. Đó là sự hạ mình của Thiên Chúa trước sự tự do của con người mà chính Người đã tạo thành. Có ai đi cho một kho tàng mà lại phải năn nỉ người ta nhận ! Thế mà Thiên Chúa hạ mình đi năn nỉ xin con người hãy mở lòng, mở tay đón nhận sự sống đời đời của Người mà Người muốn chia cho họ.

Đến lúc này thì Đức Giê-su muốn nhóm Mười Hai, những người bạn thân tín nhất luôn ở bên Người phải dứt khoát :

Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai : "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?" 68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp : "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. 70 Đức Giê-su đáp : "Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao ? Thế mà một người trong anh em lại là quỷ !" 71 Người muốn nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt ; thật thế, chính y, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, sẽ nộp Người.

Cách đặt câu hỏi này trong trong tiếng Hi-lạp hàm chứa sự chờ đợi câu trả lời dứt khoát “không !” Ông Phê-rô đã mau mắn đáp lại sự chờ đợi của Người bằng một lời tuyên xưng dứt khoát : "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Hẳn là Đức Giê-su mát ruột. Nhưng cái mát ruột của Người chẳng trọn vẹn, vì bên cạnh Phê-rô còn có Giu-đa đứng đó.

“Đức Giê-su đáp : "Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao ? Thế mà một người trong anh em lại là quỷ !" 71 Người muốn nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt ; thật thế, chính y, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, sẽ nộp Người”.

Trong bữa Tiệc Ly, sau khi Giu-đa ăn miếng bánh Đức Giê-su chấm và trao cho, “Xa-tan liền nhập vào y”. Xa-tan đã giựt được một người trong nhóm Mười Hai người Chúa đã chọn.

Nếu ta cứ hỏi Chúa, sao lại như thế ? Sao Chúa không đuổi ông ta cho sớm đi ? Chúa đã biết rồi cơ mà ! Chắc Chúa sẽ trả lời : Nếu con muốn Ta phải đuổi Giu-đa sớm, thì Ta đã phải đuổi con từ lâu rồi ! Giu-đa chỉ phản nộp Ta một lần, còn con đã phản nộp, đã bán ta bao nhiêu lần con có đếm nổi không ? Và con bán Ta với giá nào ?

Con hãy lo bắt chước Phê-rô tuyên xưng, sống lòng tin và lòng mến, đừng bắt chước Phê-rô chối Ta ; còn chuyện Giu-đa là chuyện của anh ấy với Ta, sau này con sẽ biết. Giu-đa mãi mãi mang tên là kẻ phản nộp, nhưng trong cả Mười Hai Tông Đồ, Ta có chấm cho ai miếng nào đâu, chỉ chấm một miếng cho Giu-đa thôi ! Con đừng có ganh với Giu-đa. Tình Yêu là chuyện của con tim, cái đầu nhỏ bé của con làm sao hiểu được ! Nếu con hiểu được thì chắc không phải là Tình Yêu !

Giê-ru-sa-lem, ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, 27/5/2018

(ktcgkpv.org) BÀI VIẾT CHUYÊN MỤC KINH THÁNH

 


Trang Kinh Thanh