Lễ Lều

(Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gioan) – Bài thứ 8

Tác giả: Linh Mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J., ngày 14 tháng 10 năm 2018 (ktcgkpv.org)

Phong tục Việt Nam xưa : “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”

Phong tục Do-thái từ trong Sách Thánh cho tới ngày nay, “tháng giêng là tháng lễ lạc”. Họ cũng theo âm lịch giống Việt Nam, nhưng “tháng giêng” của họ tương ứng với tháng tám âm lịch của Việt Nam, ngày mồng một Tết của họ là ngày mồng một tháng 8 của ta.

Năm nay, 2018, ngày đầu năm của họ trùng với ngày 10 tháng 9 dương lịch. Sau một tuần “ăn Tết”, là “ngày ăn chay xá tội”, năm nay trùng ngày 19 tháng 9. Tuần lễ tiếp theo là LỄ LỀU (trùng với Tết Trung Thu), kéo dài 8 ngày, năm nay trùng ngày chúa nhật 23 tháng 9 dương lịch, tới mồng một tháng 10 dương lịch.

Nguồn gốc Lễ Lều, cũng như Lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần, vốn là lễ nông nghiệp, nhưng đã được biến thành lễ tôn giáo để ghi nhớ những biến cố trong lịch sử cứu độ. Lễ Vượt Qua (bánh không men và con chiên) kỷ niệm ngày dân Ít-ra-en được giải thoát khỏi ách nô lệ, lễ Ngũ Tuần, kỷ niệm ngày Thiên Chúa ban Lề Luật trên núi Xi-nai ; Lễ Lều kỷ niệm thời gian đi trong hoang địa, ở lều. (x. Lv23 ; Ds 28 ; Xh 12– 13).

Tin Mừng Gio-an vận dụng các ngày lễ Cựu Ước để trình bày cái mới trong màu nhiệm cứu độ nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Chương thứ năm đã sử dụng ngày Sa-bát để nói về quyền ban sự sống và phán xét mà Chúa Cha đã trao cho Chúa Giê-su. Chương thừ hai và thứ sáu đã vận dụng ý nghĩa lễ Vượt Qua, chương hai nói về cái chết và sự phục sinh (các ông cứ phá đền thờ này đi, tôi sẽ xây lại trong ba ngày) ; chương thứ sáu nói về Manna đích thật từ trời là Mình và Máu Chúa Giê-su sau khi Phục Sinh, cùng với Lời Chúa, đưa tới sự sống đời đời.

Từ chương thứ bảy tới chương thứ 10, câu 21 Gioan vận dụng những yếu tố chính của nghi thức Lễ Lều để trình bày căn tính va sứ mạng của Chúa Giê-su. Xưa Thiên Chúa đã là Mục Tử dẫn đưa dân của Giao Ước Xi-nai qua tay Mô-sê và A-ha-rôn, đã ban Bánh, Nước và Cột Mây, Cột Lửa dẫn đường cho dân Chúa. Nay Chúa Giê-su, “Lời đã làm người” là Mục Tử Đẹp (1), là Ánh sáng, là Bánh thật bởi trời, là Nước mạch hằng tuôn chảy để ban cho dân của Giao ước Mới sự sống đời đời, chứ không phải một miền nào trên cõi đất này.

Ghi chú về kỹ thuật trình bày. Trong những chương này (7–10), tác giả vận dụng một lối trình bày giống kỹ thuật “tường thuật trực tiếp” trên truyền hình ngày nay : phóng viên với người quay phim len lỏi theo dõi mọi diễn biến, cho chúng ta nghe mọi thứ ý kiến, từ những cuộc họp của lãnh đạo tới tranh luận trong quần chúng, giữa Chúa Giê-su với các thành phần khác nhau, và giữa quần chúng với nhau. Có cả mấy anh công an chìm len lỏi giữa quần chúng. Ống kính của máy quay phim cho chúng ta cảm thấy Chúa Giê-su như ở giữa vòng vây. Tác giả để chúng ta nhìn và nghe, rồi tự mình có thái độ, chọn lựa, cũng như chính những người trong cuộc lúc ấy. Tiêu biểu là giới lãnh đạo, họ không trực tiếp nghe Chúa Giê-su, nhưng ngồi trong “đại bản doanh” quyết định mọi chuyện. Còn đám công an chìm được phái đi, mang sẵn “đồng hồ ô-me-ga” để còng tay Chúa Giê-su đem về, thì đứng nghe, rồi về tay không, chuốc lấy cơn giận và những lời thóa mạ của giới lãnh đạo (x. Ga7,45-49). Nhưng trong hàng lãnh đạo cũng có một người sáng suốt để đứng lên kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy bình tĩnh suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với luật pháp, họ nguyền rủa đám dân đen không biết Lề Luật, nhưng chính họ đang chà đạp lên Lề Luật khi kết án một người mà chưa nghe người ấy. Họ nhục mạ luôn cả ông, mời ông về đi học lại ! (x. Ga 7,50-52).

Bầu khí căng thẳng lên tột đỉnh, trong khi Chúa Giê-su cũng đưa ra những lời khẳng định tột đỉnh về căn tính và sứ mạng của Ngài. Âm thanh và không khí bạo lực của những cuộc tranh luận lớn tiếng, gợi lại những cuộc tranh luận giữa dân chúng với nhau và với Mô-sê trong hoang địa như chúng ta thấy được trong sách Xuất Hành và Dân Số, trong đó có lần kể việc dân toan ném đá ông Mô-sê, khiến ông phải đi “mách” Thiên Chúa (x. Xh 17,4 ; Ds 14,5), thì ở đây hai lần “người Do-thái” cũng toan ném đá Chúa Giê-su (x. Ga 8,59 ; 10,31). Vòng vây tan lần thứ nhất ở cuối chương 7, khi giới lãnh đạo bất đồng ý kiến, ai về nhà nấy… lần thứ hai ở cuối Lễ Lều khi đám đông chia rẽ nhau và quay ra cãi nhau (Ga 10,19-21).

Đại khái đó là kỹ thuật trình bày được sử dụng trong phần này, tôi hy vọng đưa ra điều này có thể giúp người đọc đỡ lúng túng, vì quá nhiều chuyện tranh luận và những lời tự mạc khải quyết liệt của Chúa Giê-su được gom gọn trong mấy chương xoay quanh Lễ Lều.

Mở đầu. Câu chuyện bắt đầu từ Ga-li-lê.

Anh em họ hàng không tin vào Chúa Giê-su

Sau tiệc cưới Ca-na thì “Chúa Giê-su cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um”. Mở đầu câu chuyện dịp Lễ Lều, bối cảnh không còn là “thời bình” đối với Chúa Giê-su, vì ở miền Giu-đê “người Do-thái” đang tìm giết Chúa Giê-su rồi.

Ta lại bỗng thấy “anh em” của Chúa Giê-su xuất hiện. Họ tìm cách thuyết phục Người đi qua miền Giu-đê mà “biểu dương” quyền lực “tỏ mình ra cho thiên hạ được biết”. Chúa Giê-su vạch cho họ thấy là họ và Chúa Giê-su đang ở trên hai mặt phẳng khác nhau. Tuy cùng sống một thời với nhau, nhưng họ thuộc về thế gian, còn Chúa Giê-su không thuộc về thế gian, Chúa có sứ mạng riêng của Chúa mà họ không hiểu được : “Thật thế, anh em của Người không tin vào Người” (Ga 7,5) ; quả như lời tựa đã nói : “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Người nhà trong Lời Tựa là dân của Giao ước Xi-nai, còn người nhà ở đây là anh em họ hàng của Chúa, càng bi đát hơn. Chúa bảo họ : “Các anh cứ lên dự lễ này, tôi không lên dự lễ này, vì thời của tôi chưa tròn”.

Nói thế rồi, Người ở lại miền Ga-li-lê. Tuy nhiên khi anh em Người đã lên dự lễ thì chính người cũng lên, nhưng không công khai mà âm thầm”. Anh em Người khuyên Người đừng hoạt động âm thầm ở Ga-li-lê, mà qua Giu-đê hoạt động công khai (câu 4). Người cũng lên, nhưng không công khai theo ý họ muốn, nhưng âm thầm theo cách của Người.

Chú ý tới nghĩa đôi của động từ “lên”. Ở cuối chương 6, khi các môn đệ chướng tai vì bài giảng về bánh, Chúa cho họ chìa khóa để hiểu : “Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao ?” Nơi trước kia Người đã ở là trong lòng Chúa Cha (x. Ga 1,1.18). Khi Chúa đã phục sinh, Chúa truyền cho bà Maria Mác-đa-la : “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em”. Anh em ở đây là các môn đệ, “những ai tin vào Danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Anh em họ hàng của Chúa thì đã không tin vào Người rồi (Ga 7,5). Câu Chúa trả lời cho anh em, “lên” : các anh cứ lên dự lễ này tôi không lêntôi không lên theo kiểu các anh (công khai), nhưng còn hàm nghĩa “tôi không lên cùng Cha tôi”, vì thời của tôi chưa trọn. Ở tiệc cưới Cana Chúa đã nói với thân mẫu : “Giờ tôi chưa đến”. Giờ Chúa được tôn vinh (x. Ga 12,23). Anh em họ hàng xúi Chúa tìm vinh quang trước mặt người đời. Chúa Giê-su chờ tới giờ được Chúa Cha tôn vinh.

Không khí tại Giê-ru-sa-lem

Trong khi chờ Chúa Giê-su âm thầm lên Giê-ru-sa-lem thì “nhóm phóng viên” đã có mặt tại chỗ và cho chúng ta thấy bầu không khí ở đây : Chúa Giê-su có vẻ đã là trung tâm chú ý của các tầng lớp quần chúng đang kéo về dự lễ. Lễ Lều là Lễ vui nhất, kéo dài 8 ngày (2).

Bầu khí trong sách Tin Mừng cũng căng thẳng : “Người Do-thái tìm kiếm Người trong dịp lễ và nói : “Ông ấy đâu rồi ?” Dân chúng bàn tán với nhau về Người. Kẻ thì bảo : “Đó là một người tốt”. Kẻ khác lại nói : “Không, ông ta mê hoặc dân chúng”. Nhưng không ai dám công khai nói về người, vì sợ người Do-thái” (Ga 7,11-13). Chú ý cụm từ “người Do-thái” rõ ràng có hai nghĩa khác nhau. Người Do-thái sợ người Do-thái : quần chúng Do-thái sợ giới lãnh đạo Do-thái (3).

Đức Giê-su xuất hiện giữa kỳ lễ

Bất ngờ, “vào giữa kỳ lễ, Đức Giê-su lên Đền Thờ và giảng dạy” (Ga 7,14). Từ lúc này “nhóm phóng viên” cho chúng ta theo dõi phản ứng của các thành phần quần chúng và lãnh đạo, dân Giê-ru-sa-lem và người từ nơi khác lên dự lễ.

Một số ngạc nhiên : “Ông này không học hành gì, mà sao chữ nghĩa thông thạo thế !” Chúa Giê-su nghe được lời bàn tán của họ, và dùng ngay cơ hội để khẳng định nguồn gốc giáo lý của Ngài, và cho họ một tiêu chuẩn để nhận định, phân biệt giữa người giảng dạy giáo lý bởi Thiên Chúa và người giảng dạy theo ý mình. “Ai tự mình giảng dạy, thì tìm vinh quang cho chính mình. Còn ai tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình, thì là người chân thật, và nơi người ấy không có gì bật chính”.

Chúa Giê-su đột ngột tố cáo những người biết Luật Mô-sê mà không tuân giữ và vạch trần âm mưu giết Chúa : “Ông Mô-sê đã cho chẳng ban Lề Luật cho các ông sao ? Thế mà không một ai trong các ông tuân giữ Lề Luật ! Sao các ông lại tìm giết tôi ?”

Đám đông có vẻ là dân nơi khác tới nên không biết âm mưu này, họ phản ứng : “Ông bị quỉ ám rồi ! Có ai tìm giết ông đâu ?” Chúa Giê-su không trả lời họ, mà tiếp tục chất vấn những kẻ đang âm mưu giết Chúa. “Tôi chỉ làm có một việc, mà tất cả các ông đều ngạc nhiên”. Chúa trở lại câu chuyện ở chương thứ năm. Chúa chữa người bất toại đã 38 năm, nằm chờ bên hồ Bê-thét-đa. Hôm ấy là ngày Sa-bát. “Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật Sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình” (Ga 5,18). Âm mưu giết Chúa Giê-su đã có và gia tăng từ ngày ấy, vẫn âm ỉ tại Giê-ru-sa-lem. Chúa trở lại việc họ kết án Người vì đã chữa bệnh ngày Sa-bát và bẻ lại họ : ngày Sa-bát được cử hành nghi lễ cắt bì cho trẻ sơ sinh để gia nhập Dân Chúa thì sao lại không được phép chữa lành cho một người trong Dân Chúa ?

Chúng ta gặp một nhóm khác trong đám đông, hẳn là người ở Giê-ru-sa-lem, vì biết chuyện “họ” [giới lãnh đạo] đang tìm giết Chúa Giê-su, và thắc mắc tại sao Người ăn nói công khai. “Phải chăng các nhà chức trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô ?”

Về điểm này thì họ lại có lý do của họ để không nhìn nhận như vậy : “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi ; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến ghì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả”.

Chúa Giê-su công khai trả lời thắc mắc này. “Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng : “Các ông biết tôi ư ? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư ? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đáng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi”. Họ tưởng mình biết nguồn gốc của Chúa Giê-su. Nhưng Chúa như bảo họ : các ông biết một mà không biết mười ! Lát nữa chúng ta sẽ thấy họ nhắc lại lý do này và nói rõ hơn cách hiểu của họ.

Phản ứng đột ngột : “Bấy giờ họ tìm cách bắt Người”. “Họ” là ai ? Tất nhiên không phải quần chúng, nhưng là tay chân của giới lãnh đạo vẫn đang tìm giết Chúa Giê-su. Ta hình dung như thấy ống kính bỗng cho ta chú ý tới mấy anh “công an chìm” đang xì xầm, lấy tay ra hiệu với nhau, có anh đã thò tay vào túi rờ cái “đồng hồ ô-mê-ga” sẵn sáng rút ra. Nhưng dường như có một mãnh lực vô hình bắt họ từ từ rút êm : “Nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến. Mãnh lực vô hình ấy là kế hoạch Thiên Chúa đã ấn định mà Chúa Giê-su đã nhắc đến từ hôm tiệc cưới ở Ca-na : “Giờ tôi chưa đến”. Giờ Chúa Cha ấn định chưa điểm thì Chúa Giê-su không đi trước, mà cũng không ai vặn đồng hồ theo ý mình được.

Ống kính lại hướng chúng ta về một nhóm người khác, họ là nhưng người đã tin vào Chúa Giê-su, có lẽ là nhưng người đã gặp Chúa hồi lễ Vượt Qua ngay sau tiệc cưới Cana. Họ nêu một lý do tích cực để thán phục : “Khi Đấng Ki-tô đến, liệu Người có làm nhiều dấu lạ hơn ông này chăng ?”

Người Pha-ri-sêu lởn vởn khắp đâu đó nghe ngóng. “Người Pha-ri-sêu nghe dân chúng nói với nhau về Người như thế, nên họ và các thượng tế sai vệ binh đi bắt Người”. Lần này thì không phải “công an chìm” nữa mà là công an sắc phục.

Mọi động thái của họ đều không thoát tầm mắt của Chúa Giê-su. Chúa tiếp tục nói thêm những lời mới nói trong Đền Thờ. “Tôi còn ở với các ông ít lâu nữa thôi, rồi tôi đi đến cùng Đấng đã sai tôi. Các ông sẽ tìm tôi mà không gặp, và nơi tôi ở, các ông không thể đến được”.

Lời Chúa Giê-su vừa nói, lại cho đám đông một đề tài để bàn tán : “Người Do-thái liền nói với nhau : “Ông ấy sắp đi đâu mà chúng ta không gặp được ? Phải chăng ông sắp đi gặp kiều bào sống giữa người Hy-lạp, để giảng dạy cho người Hy-lạp ? Ông ấy muốn nói gì khi bảo : “Các ông sẽ tìm tôi mà không gặp, và nơi tôi ở, các ông không thể đến được ?”

Ngày bế mạc kỳ lễ : Nước hằng sống (Ga 7,37-39)

Lễ Lều có hai nghi thức đặc biệt mỗi ngày : mỗi sáng, rước nước từ hồ Si-lô-ê lên Đền Thờ, rưới lên bàn thờ để cầu mưa ; mỗi tối thắp bốn ngọn đèn khổng lồ ở sân Đền Thờ, sáng rực cả Giê-ru-sa-lem. Chúa Giê-su dùng lúc các nghi thức này đang diễn ra, vào ngày bế mạc kỳ lễ, là ngày long trọng nhất, để công bố một thực tại mới đang có mặt : Người là nguồn nước hằng sống và là ánh sáng cho thế gian.

Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng : “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi hãy đến mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói : từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”. Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh”.

Cách mời gọi của Đức Giê-su gợi nhớ lời mời gọi của sự Khôn Ngoan trong sách Châm ngôn và sách I-sai-a.

Đức Khôn Ngoan làm tiệc, rồi sai nữ tỳ ra đi. “Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố và kêu gọi : “Hỡi người ngây thơ hãy lại đây !” Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo : “Hãy đến mà ăn bánh của Ta và uống rượu Ta pha chế ! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống ; hãy bước đi trên con đường hiểu biết”. (Cn 9,3-6)

Sách I-sai-a 55,1 :

Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây !

Dù không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng ;

đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.

Trong câu chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri, Chúa Giê-su đã nói : “Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Chúa so sánh nước giếng Gia-cóp với nước Chúa cho. Ở đây thì Chúa nói về chính Chúa là nguồn mạch của thứ nước mà Chúa hứa ban. Ở chương 4, Chúa đã nói đến việc thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật. Chúa là Sự Thật và là Đấng ban Thần Khí. Ta không thể không liên tưởng tới cảnh trên thập giá, trong cách diễn tả của Gio-an : “Chúa Giê-su gục đầu trao Thần Khí” (Hơi Thở), như Thiên Chúa đã thổi hơi vào lỗ mũi con người mà Thiên Chúa đã nặn bằng đất sét, và con người thành loài có sự sống (Ga 19,30 // St 2,7) ; rồi sau đó người lính lấy đòng đâm thủng cạnh sườn Chúa, máu và nước chảy ra (Ga 14,39).

Gio-an giải thích ngay : nước ở đây là hình ảnh của Thần Khí, Thánh Thần, sẽ được tuôn đổ sau khi Chúa Giê-su được tôn vinh bằng cái chết và sự Phục Sinh.

Ở chương thứ sáu thì sau bài giảng về bánh, dân chúng tranh luận sôi nổi với nhau (Ga 6,52). Lời mời gọi này cũng gây tranh cãi trong quần chúng.

“Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói : “Ông này thật là vị ngôn sứ”. 41 Kẻ khác rằng : “Ông này là Đấng Ki-tô”. Nhưng có kẻ lại nói : “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao ? 42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói : Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao ?”

Ông này thật là vị ngôn sứ” ; họ không nói “một vị ngôn sứ”, nhưng nói vị ngôn sứ ở thể xác định, ám chỉ lời hứa của Thiên Chúa trong sách Đệ Nhị Luật (18,15.18) mà cho tới nay cả người Sa-ma-ri lẫn người Do-thái vẫn trông đợi. Kẻ khác lại quay về ngồn gốc của Chúa Giê-su mà phản bác : “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao ?” họ dựa vào lời sách ngôn sứ Mi-kha 5,1 để khẳng định : ”Đấng Ki-tô phải xuất thân từ Be-Lem”. Đây là lối châm biếm quen thuộc của Gio-an : họ nói nguyên tắc đúng, nhưng lại không biết thực tế. Ki-tô hữu cuối thế kỷ thứ nhất đều đã biết Chúa Giê-su sinh ra ở Be-lem, bởi dòng dõi Đa-vít, nghe tới đây thì cười thầm : rõ là biết một mà không biết mười !

Phản ứng của giới lãnh đạo

Nhóm phóng viên theo đám vệ binh về tận “tổng hành dinh” của giới lãnh đạo, cho ta chứng kiến những gì xảy ra ở đây. Đám vệ binh đi không lại về không. Lập tức họ bị những người đã sai họ đi bắt Chúa Giê-su cật vấn : “Tại sao các anh không điệu hắn về đây ?” Đám vệ binh thành thật nói lên cảm nghĩ của họ sau khi đứng nghe Chúa Giê-su : “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy !” Câu trả lời của họ như bấm nút cho giới lãnh đạo phun ra hết nỗi tức giận, kiêu căng của họ : “Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng : “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao ? 48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ? 49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !”

Họ nguyền rủa tất cả những người đã tin vào Chúa Giê-su là “đám dân đen, thứ người không biết Lề Luật”. Chúng ta gặp lại ông Ni-cô-đê-mô, người đã đến gặp Chúa Giê-su ban đêm, “vì sợ người Do-thái”, được Chúa Giê-su coi là “bậc thầy trong dân Ít-ra-en”. Hôm nay ngồi giữa Thượng Hội Đồng, ông giữ đúng vai trò của mình là Bậc Thầy. Ông nhắc họ một điều căn bản trong Lề Luật. : 51 “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?” 52 Họ đáp : “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao ? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy : không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả”.

Giận mất khôn. Các ông nguyền rủa đám dân đen không biết Lề Luật. Các ông biết Luật, các ông là thầy dạy Luật, cầm cân nẩy mực, các ông đang làm gì Lề Luật đấy. Điều sơ đẳng nhất các ông đã không tôn trọng rồi. Các ông chưa bao giờ đích thân nghe người ấy, kết án mà không tự mình tìm hiểu xem người ấy nói gì, làm gì. Mấy cậu vệ binh này, được các ông sai đi bắt. Nhưng họ đã đứng nghe người ấy rồi về tay không đây này…

Tội nghiệp ông Ni-cô-đê-mô, họ đuổi Bậc Thầy về đi học lại ! Họ nguyền rủa đám đen, rồi lại dựa vào ý kiến của đám dân đen ngoài sân Đền Thờ (x. Ga 7,27.34). Nhưng lời ông Thầy Ni-cô-đê-mô đã tác động như một quả bom nổ trong tổng hành dinh : “Sau đó, ai nấy trở về nhà mình”. Dân chúng chia rẽ, giới lãnh đạo cũng chia rẽ. Mỗi người về nhà mình, ôm theo những suy nghĩ, tâm tình ngổn ngang.

Còn Đức Giê-su thì lên núi Ô-liu”. Khách sạn ngàn sao của Chúa tại Giê-ru-sa-lem.

Người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,2-11)

Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5Trong Sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” 6Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.  Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói : “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” 11 Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”

Giữa thế kỷ 20, một số nhà nghiên cứu văn bản cho rằng trình thuật này là “bản văn đi lạc”, và cắt đưa xuống cuối sách như một phụ trương. Nhưng từ thập niên 80 thì các nhà chuyên môn này lại trả bản văn về vị trí ở đây. Đọc và nghiền ngẫm cho kỹ thì thấy bản văn này đứng ở đây rất ý nghĩa và hợp với mạch văn từ chương thứ năm, ở đó Chúa Giê-su đã nói về quyền ban sự sống và quyền xét xử mà Chúa Cha trao cho Con (Ga 5,20-23). Ở chương 7, Chúa Giê-su nhắc bảo những kẻ đang tìm giết Chúa : “Các ông đừng xét đoán theo bề ngoài nữa, nhưng hãy xét đoán cho công minh” (Ga 7,24). Suốt chương thứ 7, mọi thành phần, từ quần chúng tới lãnh đạo đều xét đoán Chúa Giê-su theo cái nhìn của họ. Hôm nay thì họ trắc nghiệm cách xét xử của Chúa Giê-su.

Sau một đêm nghỉ ngơi ở khách sạn ngàn sao, sáng sớm Chúa trở lại Đền Thờ. “Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy cho họ”. Bỗng có tiếng xôn xao. Một nhóm kinh sư và Pha-ri-sêu đang lôi một người đàn bà tới, đám đông dạt ra, họ xô chị ra đứng trước mặt Chúa Giê-su. Họ bất ngờ lập tòa án ngoài trời và mời Chúa Giê-su làm quan tòa. Họ đọc cáo trạng : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong Sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?”.

Nghe câu đầu của bản cáo trạng, chúng ta có thể cười thầm : Vậy là các anh đi dòm qua lỗ khóa nhà người ta hả ? Đối với họ thì bản án đã có sẵn trong Luật Mô-sê : ném đá ! Chúa biết họ muốn gì ! Chúa trả lời bằng cách :

Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đấtVì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.

Người ta thích tò mò, suy đoán xem Chúa viết cái gì. Thế là rơi vào bẫy của Chúa như đám người đang tố cáo và kết án người đàn bà này. Tin Mừng không nói Chúa viết cái gì, chỉ nhắc hai lần “Chúa cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Trước hết, Chúa kéo con mắt và sự chú ý của họ khỏi người đàn bà đang đứng ở giữa, khỏi thái độ quan tòa, tập trung vào ngón tay của Chúa. Chúa thinh lặng, họ cũng thinh lặng. Một lúc sau họ lại hối thúc Chúa trả lời. Chúa ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi !” Rồi Người lại cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Sau khi kéo sự chú ý của họ khỏi người đàn bà và bắt họ cúi xuống nhìn ngón tay của Chúa di chuyển trên mặt đất, Chúa bỗng lật sự chú ý và cái nhìn của họ quay vào chính mình họ. Hãy nhớ Luật do ông Mô-sê chuyển đạt cho các ông là do Thiên Chúa ban : “Sau khi phán với ông Mô-sê trên núi Xi-nai, Đức Chúa ban cho ông hai tấm bia Chứng Ước, hai tấm bia do chính tay Thiên Chúa viết” (Xh31,18). “Những bia ấy là do Thiên Chúa làm ra, chữ là chữ của Thiên Chúa, khắc trên đá” (Xh 32,16). “Đức Chúa đã ban cho tôi hai bia đá do ngón tay Thiên Chúa viết (Đnl 9,10). Chúa như nói với họ : Luật Mô-sê là do Thiên Chúa ban, do ngón tay Thiên Chúa viết, thì Thiên Chúa mới là Đấng xét xử, và người xét xử cả các ông nữa đấy ! Kết quả là họ nhìn vào chính mình… “rồi họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”. Lối châm biến thật là sâu sắc : càng già càng lắm tội ! Chẳng lẽ thằng ăn cướp lại xét xử đứa móc túi ! Chúa Giê-su chứng tỏ Người có quyền xét xử như Thiên Chúa, soi thấu tâm can mỗi người chứ không theo vẻ bên ngoài.

Chỉ còn lại một mình Chúa Giê-su và người phu nữ thì vẫn đứng ở giữa”. Ta ngạc nhiên : chỉ còn Chúa Giê-su ngồi đó, người phụ nữ thấy chung quanh mình chẳng còn ai nhưng cũng chưa dám bỏ đi. “Vẫn đứng ở giữa”, có thể hiểu là vẫn đứng yên chỗ đã đứng như trước vành móng ngựa ở tòa án, những kẻ tố cáo đứng vây quanh đã nhận biết họ chẳng tốt gì hơn mà đòi kết án chị ; họ đã bỏ đi hết, chị đứng một mình trước Đấng có quyền xét xử. Thánh Âu-tinh bình luận : Chỉ còn lại hai : con người yếu hèn và Đấng đầy lòng thương xót.

Chúa hỏi như để mở cho chị thấy hoàn cảnh của mình : “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?”. Chị đáp : “Thưa ông, không ai cả”. Đấng có quyền xét xử nói với chị : “Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu ! Thôi, chị cứ về đi và đừng phạm tội nữa !” Người không kết án chị, chỉ yêu cầu chị “đừng phạm tội nữa”. Họ không dám kết án chị vì họ tội lỗi hơn chị. Tôi không kết án chị vì tôi là Đấng có quyền xét xử. Lời Chúa Giê-su nghe như vọng lời Thiên Chúa phán trong sách Ê-dê-ki-ên : “Ta lấy mạng sống ta mà thề, Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống”. (Ed 33,11 ; x. 18,32).

Câu chuyện người đàn bà ngoại tình không phải chết nhưng được sống, cũng minh họa lời Chúa Giê-su mời gọi “hãy đến với tôi mà uống”. Người ta lôi chị đến trước mặt Chúa, nhưng Chúa đã cho chị uống lòng nhân lành thương xót để chị được sống, và đặt chị trở lại trên con đường đi tới sự sống : “Đừng phạm tội nữa !” Đồng thời chuẩn bị cho phần tiếp theo.

Ghi chú quan trọng trước khi đọc chương 8, 9 và 10.

Chương thứ 8 đẩy cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và người Do-thái tới tột đỉnh, người Do-thái mạ lỵ Chúa Giê-su là “quỉ ám”, Chúa Giê-su đáp lại bằng cách lập luận rằng họ là “con thằng quỷ”. Điều này phản ánh sự xung đột gay gắt giữa hai cộng đoàn môn đệ Chúa Giê-su và cộng đoàn Do-thái giáo sống gần nhau, vào thời và tại nơi tác giả chép phúc âm. Tác giả đã dùng thủ pháp “phóng to tô đậm” sự mâu thuẫn giữa Chúa Giê-su và cộng đồng Do-thái đương thời, để cho cộng đoàn môn đệ nơi tác giả viết sách thấy rằng chuyện xung đột hai bên không phải mới. Từ thời Chúa Giê-su sống giữa dân của Ngài đã có như thế rồi. Tiếc là trong lịch sử, các Ki-tô hữu đã dùng Tin Mừng Gio-an ngoài bối cảnh lịch sử xã-hội của thời tác giả, biến thành cuốn sách biện minh cho thái độ bài Do-thái, đi tới cực đoan bằng nhiều cách khác nhau tại nơi và thời gian khác nhau. Ý thức về điều này đã ngày càng sâu hơn, thậm chí có những người Ki-tô hữu (Công giáo và Tin Lành) đòi bỏ sách Tin Mừng này, đừng đọc trong phụng vụ nữa. Thái độ đúng đắn là đọc sách Tin Mừng này dưới ánh sáng Công Đồng Vatican II : Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội s. 16 ; Tuyên ngôn về mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo khác, s.4 ; và việc sửa lời cầu nguyện cho người Do-thái trong Nghi Thức ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Ánh sáng cho trần gian Ga 8,12-59

12 Đức Giê-su lại nói với người Do-thái : “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”.

Ba yếu tố thiết yếu cho sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ít-ra-en trong hoang địa là bánh, nước và ánh sáng, thì Chúa Giê-su đã lần lượt tuyên bố chính Ngài là bánh, chính Ngài là mạch nước hằng sống và chính Ngài là ánh sáng cho trần gian. “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu thoát tôi, tôi còn sợ ai ?” (Tv 27/26,1).

Ta có thể thắc mắc tại sao Gio-an nêu lên câu này rồi bỏ đó kể chuyện khác, mãi sang chương thứ chín mới thấy kể việc Chúa chữa người mù làm dấu chỉ Chúa là ánh sáng. Cứ đọc kỹ rồi sẽ thấy phần còn lại trong chương 8 cũng liên can tới “Chúa là ánh sáng”.

Tranh luận về “căn cước” của Chúa Giê-su.

Người Pha-ri-sêu nêu vấn nạn : “Ông làm chứng cho chính mình ; lời chứng của ông không thật”. Vấn nạn dựa vào nguyên tắc trong Luật là phải có hai người làm chứng hợp nhau thì lời chứng mới có giá trị. Chúa Giê-su sẽ trả lời thẳng vào vấn nạn, vạch rõ tại sao lời chứng của Ngài có giá trị.

14 Người trả lời : “Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là chứng thật, bởi vì tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu. Còn các ông, các ông không biết tôi từ đâu tới và đi đâu. 15 Các ông xét đoán theo kiểu người phàm ; phần tôi, tôi không xét đoán ai cả. 16 Mà nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi. 17 Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật. 18 Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi”. 19 Họ liền hỏi Người : “Cha ông ở đâu ?” Đức Giê-su đáp : “Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi”.

Lời chứng của Chúa Giê-su là thật. Thứ nhất, vì Người biết Người từ đâu đến và Người đi đâu. Còn các ông Pha-ri-sêu không biết, mà chỉ xét đoán theo kiểu người phàm. Chương trước đã cho thấy như vậy rồi. Thứ hai, xét đoán cũng là một cách làm chứng rằng người đó, việc đó tốt hay xấu… Chúa Giê-su không xét đoán một mình, vì luôn tìm theo ý Cha.

Ở chương 5,22 Chúa Giê-su đã nói : “Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử”. Với người đàn bà ngoại tình Chúa nói : “Tôi không kết án chị”. Ở chương 5,30-47, Chúa đã nói :

Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôinhưng theo ý Đấng đã sai tôi”.

Rồi Chúa cho biết có những ai làm chứng cho Ngài : Ông Gio-anChúa Cha làm chứng bằng những việc Chúa Cha trao cho Chúa Giê-su, bằng Lời trong Kinh Thánh và ông Mô-sê.

Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật32 Có người khác làm chứng về tôi, và tôi biết : lời người ấy làm chứng về tôi là lời chứng thật33 Chính các ông đã cử người đến gặpông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. 35 Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. 36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lờichứng của ông Gio-an : đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành ; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. 37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. 38Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến. 39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chínhKinh Thánh lại làm chứng về tôi40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống”.

45 “Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy. 46 Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói ?”

Hôm nay thì chính người Pha-ri-sêu đặt vấn đề giá trị lời chứng của Chúa Giê-su về chính mình. Chúa trả lời bằng hai luận cứ : tôi xét đoán hay tôi làm chứng, đều có Cha tôi và tôi, tôi và Cha tôi, chứ không phải một mình tôi. Chúa nhắc cho họ quy định về làm chứng trong Luật Mô-sê : phải có hai người. Ở đây luôn có tôi và Cha tôi, Đấng đã sai tôi.

Lời khẳng định của Chúa gây cho họ thắc mắc mới : “Cha ông ở đâu ?” Đức Giê-su đáp : “Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi”.

Cha và Con không thể tách rời : không biết Con thì cũng không biết Cha, không biết Cha thì cũng không biết Con.

Kết thúc hiệp một : “Không có ai bắt Người, vì giờ của Người chưa đến”.

Nơi tôi đi các ông không thể đến được.

Chúa Giê-su nêu đề mới : “Tôi ra đi… Nơi tôi đi các ông không thể đến được”.

Sau khi lý giải về “điểm xuất phát”, Chúa Giê-su chuyển sang “điểm đến” của Ngài. “Người Do-thái không hiểu gì, nhưng đoán già đoán non cách độc địa : “Ông ấy sắp tự tử hay sao ?” Ở chương trước Chúa nói “Nơi tôi ở các ông không thể tới được” thì họ đoán hiền hơn : “Phải chăng ông ấy sắp đi gặp kiều bào sống giữa người Hy Lạp…” (7,34-35). Chúa giải thích cho họ rằng Chúa và họ thuộc hai thế giới khác nhau. “Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết”. Chúa Giê-su dùng câu Thiên Chúa trả lời cho ông Mô-sê : “Ta là Đấng Hằng Hữu” (Xh 3,14) để nói về mình.

Họ ù tai, hỏi lại : “Ông là ai ?” Chúa khẳng định lại : “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông”, rồi thêm : “Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật ; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói”. Nhưng họ vẫn không hiểu

Chúa Giê-su cho họ biết phương thế cuối cùng để họ nhận biết Chúa : Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. 29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi ; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người”.

Một lần nữa Chúa Giê-su nói đến “giương cao” như đã nói với ông Ni-cô-đê-mô (x. Ga 3,14), Chúa sẽ nói một lần nữa (Ga 12,32) ám chỉ tới việc Chúa bị treo lên thập giá. Đó là dấu hiệu cuối cùng Chúa cho họ để nhận ra Ngài là ai. Thật là khó hiểu. Thánh Phao-lô giải thích :

Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. 22 Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, 23thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. 24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,21-25).

Kết thúc hiệp hai. Hiệu quả bất ngờ của lời loan báo thập giá : “Khi Đức Giê-su nói thế thì có nhiều kẻ tin vào Người” (Ga 8,30). Chúa Giê-su bắt đầu nói với những người Do-thái đã tin Người : “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi ; 32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông”.

Có lẽ bị chạm tự ái nên họ bắt bẻ ngay : Họ đáp : “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói : các ông sẽ được tự do ?” 34 Đức Giê-su trả lời : “Thật, tôi bảo thật các ông : hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. 35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. 36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thật sự là những người tự do. 37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. 38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi ; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói”.

Chúa Giê-su nói về nô lệ và tự do, ám chỉ tới câu chuyện I-xa-ác, con bà Sara và Ít-ma-en, con người nô-lệ Ha-ga (x. St 21). Nhưng Chúa nói đến một ách nô lệ khác : nô lệ tội lỗi. Cac ông là dòng dõi Áp-ra-ham, nhưng các ông làm nô lệ tội lỗi. Bằng chứng là các ông tìm giết tôi. Giữa Chúa Giê-su là Con với họ là nô lệ có sự khác biệt căn bản : 38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi ; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói”. Cha tôi là ai, cha các ông là ai ?

Họ khẳng định lại : “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham”.

Chúa Giê-su vạch cho họ thấy cha họ thật sự là ai, dựa vào việc làm : “Giả như các ông là con cái Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm”.

Họ leo thêm một nấc nữa : “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha : đó là Thiên Chúa !”

Bây giờ thì Chúa Giê-su phanh phui hết : “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi. 43 Tại sao các ông không hiểu lối nói của tôi ? Là vì các ông không thể nghe lời tôi nói.44 Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thíchNgay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối45 Còn tôi, chính vì tôi nói sự thật, nên các ông không tin tôi46 Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội ? Nếu tôi nói sự thật, sao các ông lại không tin tôi ? 47 Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa nói ; còn các ông, các ông không chịu nghe, vì các ông không thuộc về Thiên Chúa”.

Đuối lý, họ quay ra mạ lỵ Chúa Giê-su : “Chúng tôi bảo ông là người Sa-ma-ri và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao ?

Chúa bình tĩnh đáp lại : “Tôi không bị quỷ ám. Nhưng tôi tôn kính Cha tôi ; còn các ông, các ông lại làm nhục tôi. Phần tôi, tôi không tìm vinh quang cho mình. Có Đấng tìm cho tôi và xét xử cho tôi. Thật tôi bảo thật các ông : ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ phải chết”.

Mỗi lần Chúa mở thêm một đề mới để đẩy cuộc tranh luận xa hơn và mặc khải về Chúa rõ hơn. Chúa làm chủ cuộc tranh luận, “Người Do-thái” bị cuốn theo. Họ tiếp tục mạ lỵ : “Bây giờ thì chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, cac ngôn sứ cũng vậy ; thế mà ông lại nói : Ai tuân giữ lời tôi sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao ? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai ?

Họ nêu một thắc mắc mới. Từ đầu sách Tin Mừng, Gio-an đã cho thấy Chúa Giê-su lớn hơn tổ phụ Gia-cóp : Người là cái thang Gia-cóp đã thấy trong mộng (x. Ga 1,51 // St 28,10-19) ; nước giếng Gia-cóp uống rồi lại khát, nước Người cho thì uống vào sẽ thành mạch nước vọt lên nơi người uống (Ga 4,11-14).

Lời ông Gio-an Tiền Hô giới thiệu Chúa Giê-su (Ga 1,29) là “Chiên Thiên Chúa”, đã nhắc tới truyện Áp-ra-ham đem con một đi hiến tế, và trả lời con rằng Thiên Chúa sẽ tự lo liệu cho mình một con chiên để làm của lễ (St 22,8). Ở chương thứ ba, khi nói “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”thì lại ngầm nhắc tới ông I-xa-ác là con một của Áp-ra-ham mà ông đã không tiếc với Thiên Chúa, sẵn sàng dâng con làm của lễ tòan thiêu (x. St 22). I-xa-ác không bao giờ được nhắc đích danh, nhưng giống như hình mờ phía sau Chúa Giê-su Con Một của Thiên Chúa, Con Chiên của Thiên Chúa, niềm vui của Áp-ra-ham (x. Ga 8,58) ; sau này Chúa Giê-su tự vác lấy thập giá của mình đi tới nơi chịu đóng đinh (Ga 19,17) [Gio-an không kể ông Si-mông vác đỡ thập giá], cũng gợi lại việc ông I-xa-ác vác củi đi với cha lên núi (St 22,6). Ông là hình bóng của Chúa Giê-su.

Bây giờ người Do-thái lại thách Chúa Giê-su sánh mình với tổ phụ Áp-ra-ham.

“Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. 55 Các ông không biết Người ; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. 56Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ”.

Câu cuối này ám chỉ tới niềm vui khi I-xa-ác sinh ra. Hai lần Thiên Chúa báo cho ông Áp-ra-ham trước một năm (x. St 17,15-17 ; 18,9-15). Lần thứ nhất thì ông Áp-ra-ham cười (St 17,17) ; lần thứ hai thì bà Sa-ra cười, Chúa bảo : “Sao Sa-ra lại cười, Bà nói “Con đâu có cười, Chúa bảo : “có, bà có cười”. Khi sinh được I-xa-ác thì bà nói : “Chúa đã làm cho tôi cười ; tất cả những ai nghe biết sẽ cùng cười với tôi”(St 21,6). Tổng cộng là bảy lần cười. Ông Áp-ra-ham đặt tên cho con là I-xa-ác (St 21,3)Động từ gốc [txa-khaq] trong tiếng Do-thái nghĩa là “cười”, một từ tượng thanh, hơi giống kiểu Việt Nam “cười khanh khách”, dùng trong cả 7 lần kể trước và tên I-xa-ác. Vậy tên của I-xa-ác là “CƯỜI” có thể dịch ra bằng từ Hán-Việt là “Tiếu”. Quả là “rộn rã tiếng cười”.

Nhưng câu tiếp theo cho thấy tai họa xảy ra cho mẹ con nàng hầu Ha-ga trong ngày cai sữa cho I-xa-ác cũng vì Ít-ma-en cười : “Đứa trẻ lớn lên và cai sữa. Ông Áp-ra-ham làm tiệc lớn ngày I-xa-ác cai sữa. Bà Xa-ra thấy đứa con mà Ha-ga, người Ai-cập đã sinh ra cho ông Áp-ra-ham, đang cười, liền nói với ông Áp-ra-ham : “Ông hãy đuổi hai mẹ con đứa nữ tỳ này đi, vì con trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với con trai tôi”. (St 21,8-10) Thế là bà không chịu có hai “ông cười” ở trong nhà ! Đầu mối cũng tại bà đề nghị ông cho Ha-ga mang thai giùm bà (x. St 16,1-2), kết thúc cũng tại bà.

Chúa Giê-su gợi lai chuyện này, vì có I-xa-ác thì mới có Ngài là người dòng dõi Áp-ra-ham. I-xa-ác lại là hình bóng của Ngài, nên niềm vui khi I-xa-ác sinh ra thì coi như niềm vui nếm trước về ngày Chúa sinh ra. Nhưng Chúa lại ám chỉ Chúa là Con Một Thiên Chúa hằng sinh ra tự đời, nay đã sinh làm con của Áp-ra-ham.

Người Do-thái lại mỉa mai : “Ông chưa được 50 tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham !” Họ nghe lầm : Chúa không nói “tôi thấy ông Áp-ra-ham”, nhưng “ông Áp-ra-ham đã thấy tôi”.

Chúa nói lời kết thúc : “Thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có ông Áp-ra-ham thì tôi, tôi Hằng Hữu”.

Kết thúc hiệp ba. “Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ”.

Chúa Giê-su là ánh sáng để soi đường cho người ta biết mà đi đến với Thiên Chúa và được sống. Xưa Thiên Chúa hiện diện trong cột mây cột lửa (x. Xh 14,20.24 ; Ds 10,35) để dẫn dân đi tới Đất Hứa, nay Thiên Chúa hiện diện nơi Chúa Giê-su để dẫn người ta đến sự sống đời đời trong lòng Thiên Chúa (x. Ga 14,2-3 ; 20,17). Nơi xuất phát và đích tới của Chúa Giê-su là Chúa Cha. “Nơi tôi ở, các ông không tới được (Ga 7,34). “Nơi tôi đi các ông không đến được” (8,21), chỉ có tôi mới có thể đưa các ông tới, nếu các ông tin vào tôi, giữ lời tôi.

Người mù từ thuở mới sinh được sáng (Ga 9,1-41)

1 Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người : “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mùanh ta hay cha mẹ anh ta ?” Đức Giê-su trả lời : “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. 4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng ; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian,Thầy là ánh sáng thế gian”.

Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta : “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là : người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

Các môn đệ đặt một câu hỏi khiến ta ngạc nhiên. Quan niệm bình dân : bị mù như thế là do tội. Ai đã phạm ? Cha mẹ anh ta hay chính anh ta ? Chúa bảo chẳng phải tại bên nào cả. Anh ta bị như thế là để công trình Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta. Công trình của Thiên Chúa tỏ hiện, tức là để anh thành dấu chỉ Chúa Giê-su là ánh sáng cho thế gian. Lời này gợi cho chúng ta nhớ lời thánh Phao-lô : “Đức Ki-tô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giê-su Ki-tô muốn tỏ bầy tất cả lòng đại lượng của người nơi tôi là kẻ đầu tiên mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người để được sống muôn đời” (1 Tm 1,15-16).

Chúa Giê-su làm một cử chỉ có vẻ ngược đời : nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù ! Phải chăng Chúa muốn gợi lại công trình tạo dựng con người “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”. ( St 2,7). Chúng ta sẽ thấy từ trên thập giá Chúa Giê-su tạo dựng con người mới bằng lời và hơi thở của Chúa, cùng với máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thủng.

Chúa bảo anh đi rửa ở hồ Si-lo-ác, có nghĩa là người được sai pháiChúa đã nhiều lần nhắc tới tư cách của Người là được Chúa Cha sai đến. Tín hữu của Chúa được rửa trong Đức Ki-tô (x. Rm 6,3-5). “Anh em phải để Thần Khí đổi mới con người anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người được tái tạo theo hình ảnh Thiên Chúa” (Ep 4,23-24).

Chịu phép Rửa là được soi sáng.

Truyện người bất toại được chữa lành ở chương 5 thành đề tài tranh luận giữa Chúa Giê-su với người Do-thái, truyện người mù được sáng sẽ là đầu đề tranh cãi giữa người Do-thái với nhau về Chúa Giê-su, và anh mù được sáng trở thành người làm chứng cho Chúa và phải trả giá bằng việc bị trục xuất.

Trước hết là những người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin. Họ thắc mắc với nhau : “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao ?” Người thì nói : “Chính hắn đó !” Kẻ lại bảo : Không phải đâu ! nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi !” Còn anh ta thì quả quyết : “chính tôi đây !

Chuyện bỗng mang sắc thái phiên tòa mở đầu với việc xác nhận căn cước lý lịch. Họ hỏi anh ta : “Làm sao mắt anh lại mở ra được như thế ?” Anh ta kể lại chuyện đã xảy ra cho anh : “Người tên là Giê-su đã làm một chút bùn, thoa vào mắt tôi, rồi bảo : “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa”. Tôi đã đi, đã rửa, rồi tôi thấy”. Thật là gãy gọn, chắc nịch (4). “Họ lại hỏi anh : Ông ấy ở đâu ? Anh ta đáp : “Tôi không biết”.Người bất toại ở chương 5 không biết ai là người đã chữa anh và bảo anh “vác chõng mà đi”, còn anh mù này biết tên người đã mở mắt cho mình, nhưng không biết Người ở đâu.

Chúng ta ngạc nhiên, không hiểu sao “họ dẫn kẻ trước đây đã mù đến với những người Pha-ri-sêu”. Bây giờ thì Chúa Giê-su “bị liên lụy”, vì hôm Chúa trộn bùn chữa anh mù lại là một ngày Sa-bát. Khi Chúa chữa người bất toại ở chương thứ năm, cũng là ngày Sa-bát, mang họa cho Chúa. Nhưng lần này thì anh mù được sáng lại là người bị liên lụy vì khẳng khái làm chứng cho Chúa Giê-su.

Người Pha-ri-sêu hành xử như “tòa án”, bắt anh khai lại sự việc. Hồi nãy là những người láng giềng và quen biết nên anh kể chi tiết. Bây giờ anh trả lời vắn gọn : “Ông ấy đã thoa bùn vào mắt tôi, tôi đã rửa và tôi đang thấy”. Ai đã có kinh nghiệm bị hỏi cung và ra tòa thì hiểu, khai càng gọn càng tốt !

Đến phiên người Pha-ri-sêu tranh luận với nhau về câu kết luận. “Người này nói : “Ông ta không phải là người từ Thiên Chúa mà đến, vì ông ta không giữ ngày Sa-bát”. Mấy người khác lại bảo : “Người tội lỗi thì sao có thể làm được những dấu lạ như thế ?” Thế là họ đâm ra chia rẽ”.

Họ quay ra xin anh mù đã được sáng làm trọng tài : “Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh ?” Anh trả lời dứt khoát, không chần chừ : “Người là một vị ngôn sứ”.

Lúng túng, họ quay ra nghi ngờ như những người láng giềng và và những người quen mặt anh ta, họ xác minh lại căn cước, lý lịch anh mù đã được sáng. Biết đâu anh này không phải là anh mù vẫn ngồi ăn xin thì xong chuyện rồi. Họ cho gọi cha mẹ anh ta đến. “Họ hỏi hai ông bà : “Anh này có phải là người con của ông bà, mà ông bà vẫn bảo là sinh ra đã mù không ? Tại sao bây giờ anh ta lại thấy được ?” Cha mẹ anh ta đáp : “Chúng tôi biết rằng anh này là con chúng tôi và rằng nó mù từ thuở sinh ra. Còn tại sao bây giờ nó thấy được thì chúng tôi không biết, hoặc có ai mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết. Các ông cứ hỏi nó, vì nó khôn lớn rồi, nó tự khai được mà”. Lý do cha mẹ anh ta né tránh là vì : hai ông bà “sợ người Do-thái, vì họ đã đồng lòng trục xuất khỏi Hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Hai ông bà này trả lời rất khôn để khỏi liên lụy : Những gi các ông hỏi thì chúng tôi biết hai điều và không biết hai điều. Nó khôn lớn rồi, cứ hỏi nó.

Sau khi lấy lời khai của nhân chứng, họ cho gọi “người trước kia đã mù” trở lại trước tòa. Họ dùng công thức long trọng để buộc người làm chứng phải nói đúng sự thật (5) : “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi”.

Chúng ta bắt đầu chứng kiến một cuộc đối đầu giữa một bên là “chúng ta”, những người Pha-ri-sêu vỗ ngực, bên kia là “tôi” (anh mù đã được sáng) và “chúng ta” là quần chúng bình dân khiêm tốn do anh đại diện.

Anh đáp : Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biếtTôi chỉ biết một điều : trước đây tôi mù mà nay tôi thấy được !”

Họ hỏi lại, có lẽ hy vọng anh sẽ “phản cung” hay nói khác đi : “Ông ấy đã làm gì cho anh ? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào ?

Đến phiên anh mỉa mai khiêu khích : “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa ? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy ?

Bị cho ăn mứt “bí”, họ lại dùng chiêu mạ lỵ : “Có mày mới là môn đệ của ông ấy ; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. Chúng ta biêt rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê, nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến”.

Anh mù được sáng tiếp tục mỉa mai : “Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt cho tôi. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi ; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy”. Chúng ta ở đây gồm mọi người Do-thái đơn sơ chân thành, họ đều nắm được. Thánh vịnh 66/65 diễn tả nhẹ nhàng trong một bài ca tạ ơn :

Vừa mở miệng kêu lên cùng Chúa, tấc lưỡi tán dương tôi đã sẵn sàng. Điều gian ác, nếu lòng này ấp ủ, chắc hẳn là Chúa chẳng nghe đâu Thế mà Thiên Chúa đã nghe rồi, để tâm đến lời tôi cầu nguyện”. (Tv66/65,17-19)

Anh lý luận dựa trên hiện trạng bản thân, như một bằng chứng không ai chối cãi được : “Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”.

Họ lại dùng chiêu thức cuối cùng : mạ lỵ và xua đuổi, như họ đã làm với Chúa Giê-su ở cuối chương 8. Họ cũng dùng một sự tin tưởng bình dân mà các môn đệ đã nêu lên cho Chúa Giê-su như một thắc mắc. “Mày sinh ra tội lỗi ngâp đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ?” Rồi họ tống anh ta ra ngoài”. Với Chúa Giê-su, bị đưa vào thế bí thì họ toan ném đá Người (x. Ga 8,59), còn với kẻ tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giê-su, làm chứng về Chúa thì họ tống ra ngoài. Nguồn ánh sáng hay tia sáng đều làm chói mắt họ. Anh mù được sáng đã được chung thân phận với Chúa Giê-su. Anh được gì bù lại ?

Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi : “Anh có tin vào Con Người không ?” Anh đáp : “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?” Đức Giê-su trả lời : “Anh đã thấy Người, chính Người đang nói với anh đây”. Anh đáp : “Thưa Ngài tôi tin. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người”.

Chúa Giê-su sẽ phát biểu một “quy luật” : “Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến, Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. Anh mù được sáng đã thành tiêu biểu cho qui luật ấy. Anh đã tin Chúa, đã liều mạng làm chứng cho Chúa thì Chúa tỏ mình ra cho anh. Chúa Giê-su nhắc lại quyền xét xử mà Chúa đã khẳng định ở chương 5,22-24. “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử : cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù”.

Có tật giật mình. “Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy liền lên tiếng : “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao ?” Đức Giê-su bồi thêm : “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng : “Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn đó”.

Họ rủa người mù đã được sáng : “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu”. Chúa Giê-su vạch cho họ thấy, họ mới là những người mù vì tội lỗi. Họ không tin vào Chúa Giê-su thì chẳng có ai giải thoát họ, nên tội của họ vẫn còn đó. Họ mới thật là những kẻ sinh ra tội lỗi ngập đầu nhưng lại không muốn được sáng. Anh mù đã được sáng là bằng chứng “để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.

Mục Tử Đẹp (Ga 10,1-21)

Yếu tố quan trọng nhất và bao trùm tất cả trong Lễ Lều, là kinh nghiệm về Thiên Chúa là Mục Tử dẫn đoàn chiên là dân của Ngài. Thiên Chúa đã chọn ông Mô-sê là một người chăn chiên với 40 năm kinh nghiệm, ở Ma-đi-an (Xh 3,1-12) để dẫn dân Chúa. Nhưng ông Mô-sê luôn nhận ra mình bất lực, từ việc đi nói với dân, nói với Pha-ra-ô ; dân run sợ ở bờ biển khi thấy Pha-ra-ô đem quân đuổi theo và trách móc ông. Vừa qua biển xong thì dân đòi nước, đòi bánh, rồi đòi thịt, nhưng lần nào thì ông Mô-sê cũng chỉ biết hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa ban bánh, nước và ánh sáng. Thiên Chúa chỉ bảo ông Mô-sê từng bước. Chính Thiên Chúa là Mục Tử, ông Mô-sê chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa, cũng như ông đa đi “chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô” (Xh 3,1) : “Toàn dân kính sợ Thiên Chúa, tin vào Đức Chúa và Mô-sê, tôi trung của Người (Xh 14,31).

Từ đầu cuộc lễ tới giờ, Gio-an đã kể Chúa Giê-su là Nước, là Ánh Sáng để ban sự sống. Cuối cùng, Chúa Giê-su là Mục Tử Đẹp.

Người ta thường dịch là “Mục Tử nhân lành/ tốt lành”. Nhưng bản văn Hy-lạp dùng từ “ĐẸP”, gợi lại hình ảnh vua Đa-vít (x. 1 Sm 16,12), phù hợp với những lời hứa về Giao Ước Mới, trong đó Thiên Chúa hứa ban một Mục Tử từ nhà Đa-vít, một Đa-vít mới :

Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en sẽ được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng cho vua ấy sẽ là : “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta”. (Gr 23,5-6)

Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng ; nó sẽ chăn dắt chúng, đó là Đa-vít, tôi tớ của Ta : chính nó sẽ chăn dắt chúng ; chính nó sẽ là mục tử của chúng. 24 Chính Ta, ĐỨC CHÚA, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và Đa-vít, tôi tớ của Ta, sẽ là ông hoàng ở giữa chúng. Chính Ta, ĐỨC CHÚA, Ta đã phán”. (Ed34,23-24).

Chúa Giê-su là Mục Tử xuất thân từ nhà Đa-vít, mục tử đẹp như Đa-vít. Khi Chúa Giê-su cỡi lừa con đi vào Giê-ru-sa-lem, Gio-an sẽ trích dẫn lời sách Da-ca-ri-a : “Hỡi thiếu nữ Xi-on đừng sợ, này Đức Vua của người ngự đến, ngồi trên lưng lừa con”. (Dc 9,9)

Ở phần trên Chúa Giê-su đã nói : “Chẳng ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44) ; “Nơi tôi ở, các ông không tới được” (Ga 7,36) ; “nơi tôi đi, các ông không thể đến được” (8,21). Ở đây Chúa Giê-su dùng hình ảnh cửa chuồng chiên và áp dụng cho những người chăn chiên (Ga 10,1-6), rồi áp dụng cho con chiên (Ga 10,7-10).

Chúa Giê-su là cửa. Kẻ trộm, kẻ cướp leo rào để vào chuồng chiên. Người chăn chiên thì qua cửa mà vào. Chúa Giê-su vừa là cửa, vừa là người giữ cửa. Người chăn chiên và chiên nhận biết nhau. Người chăn chiên gọi tên từng con chiên, còn chiên thì nhận ra tiếng người chăn chiên. Người chăn chiên đi trước, chiên theo sau. Chiên không đi theo người lạ, vì chúng không biết tiếng người lạ. Đó là hình ảnh quen thuộc ở vùng này, xưa cũng như nay. Chúa dùng như một dụ ngôn, gợi lại cuộc phán xét các mục tử của Ít-ra-en trong sách Ê-dê-ki-ên, chương 34 : Thiên Chúa phán xét những kẻ chăn chiên chỉ biết hưởng sữa và len, con nào béo thì ăn thịt, chứ không săn sóc đoàn chiên, không đi tìm chiên lạc, không băng bó chiên bị thương (Ed 34,1-6). Vì thế Thiên Chúa sẽ giải thoát chiên của Thiên Chúa khỏi tay những mục tử xấu, và đích thân chăm sóc chiên của Ngài (Ed 34,7-22). Rồi Thiên Chúa hứa : “Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng ; nó sẽ chăn dắt chúng, đó là Đa-vít, tôi tớ của Ta. Chính Ta, Đức Chúa, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và Đa-vít, tôi tớ của Ta, sẽ là lông hoàng ở giữa chúng”. (Ed34,23-24).

Trong mạch văn bút chiến và khẩu chiến của sách Tin Mừng thứ tư, mà chúng ta thấy lên tới đỉnh cao gay gắt trong dịp Lễ Lều này, với những lời rủa sả thậm tệ và kết thúc bằng việc đối phương toan ném đá Chúa Giê-su, ta dễ hiểu Gio-an tiếp tục gợi lại cuộc phán xét các mục tử và lời hứa trong sách Ê-dê-ki-ên, để ám chỉ những mục tử của cộng đoàn Do-thái và công đoàn Ki-tô hữu đang đối đầu nhau, đi tới chỗ loại trừ nhau.

Câu 8 làm ta lúng túng : “Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp”. Câu này ám chỉ ai ? Quy chiếu với Ê-dê-ki-ên 34, có thể hiểu là ám chỉ giới lãnh đạo của công đồng Do-thái, nơi tác giả đang viết sách Tin Mừng này, đối nghịch với những mục tử của cộng đoàn môn đệ của Chúa.

Chúa Giê-su là Mục Tử Đẹp như Đa-vít, là Đa-vít mới. Khi Đa-vít tình nguyện ra đương đầu với Gô-li-át, Đa-vít kể chuyện mình đi chăn chiên : “Khi sư tử hay gấu đến tha đi một con chiên trong bầy, thì con ra đuổi theo nó, đánh nó và giật con chiên khỏi mõm nóNó mà chồm lên con, thì con nắm lấy râu nó, đánh cho nó chết luôn”. (1 Sm 17,34-35).

Đa-vít liều mạng để cứu chiên. Chúa Giê-su là Đa-vít Mới, sẽ hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên được sống. Trái với kẻ trộm, kẻ cướp. Chúa Giê-su hy sinh mạng sống vì đoàn chiên thể theo thánh ý của Chúa Cha. “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18)

Chúa sẽ qui tụ tất cả đoàn chiên, để “chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”, như Thiên Chúa đã hứa trong sách Ê-dê-ki-ên (34,11-16).

Kết thúc hiệp cuối trong dịp Lễ Lều. Những lời của Chúa Giê-su làm cho những người Do-thái chia rẽ nhau, kẻ thì phỉ báng, người lại bênh : “Người Do-thái lại chia rẽ nhau vì những lời đó. 20 Nhiều người trong nhóm họ nói : “Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi ! Nghe ông ấy làm gì ?” 21 Kẻ khác bảo : “Người bị quỷ ám đâu có nói được như vậy ! Quỷ có thể mở mắt cho người mù được sao ?” (Ga 10,19-21)

 

(1) Ga 10,11 : ho poimen ho kalos, quen dịch là mục tử nhân lành, nhưng bản văn Hy Lạp là mục tử đẹ ;. quy chiếu vào hai yếu tố trong Cựu Ước : Đa-vít là Mục tử đẹp (x. 2 Sm 16,12), Cựu Ước ca tụng Đa-vít là vị vua lý tưởng (x. Hc 47,2-11), và trong lời hứa Giao Ước Mới, Thiên Chúa hứa cho một Đa-vít mới để chăn dắt dân đã được cứu chuộc (x. Ed 34,23-24).

(2) Hôm nay tôi đang ngồi viết là ngày 24 tháng 9 năm 2018, là ngày thứ nhất Tuần Lễ Lều, không gian vọng tiếng hát hò, mọi cơ quan nhà nước đóng cửa, không khí an ninh căng thẳng, vì người Do-thái sợ bị khủng bố.

(3) Bởi vậy không phải mọi người Do-thái muốn giết hay can tội giết Chúa Giê-su, cũng không phải toàn thể giới lãnh đạo, vì chúng ta biết ít là hai vị có chân trong Thượng Hội Đồng không đồng ý với họ : ông Giô-sép A-ri-ma-thê (Lc23,50) và ông Ni-cô-đê-mô (Ga 3,1-15 ; 7,50 ; 19,38-42)

(4) Nghe phảng phất lá thư nổi tiếng của Xê-da báo tin chiến thắng cho Thượng viện Rô-ma, sau khi chinh phục được nước Anh : “veni, vidi, vici” (tôi đã đến, đã thấy và đã thắng).

(5) Trong Mt 26, 63 Thượng tế cũng dung công thức tương tự mà hỏi Chúa Giê-su.

 


Trang Kinh Thanh