Khúc Ca Khải Hoàn
(Ga 20, 1-29)
(Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an) – Bài 17

Tác giả: Linh mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S., ngày 6 tháng 3 năm 2019

Báo động

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."

Hình dung như đang coi một đoạn phim. Nhớ lại khi Giu-đa đi ra thì đêm đã xuống (Ga 13,30). Bây giờ là sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, trời còn tối, Ma-ri-a Mác-đa-la đi ra mộ. Ma-ri-a Mác-đa-la là người đã đứng bên thân mẫu Chúa Giê-su để chứng kiến Người có một đứa con mới, sinh ra do lời Chúa Giê-su trên thập giá. Các Tin Mừng Nhất Lãm đều kể bà đứng đầu danh sách các phụ nữ có mặt khi Chúa chịu treo trên thập giá rồi khi ra mộ sáng ngày thứ nhất trong tuần. Gio-an không cho ta biết gì thêm về lý lịch của bà (1), cũng không cho biết lý do bà đi ra mộ. Nhưng Gio-an không kể chuyện để thỏa mãn tò mò của chúng ta về những gì xảy ra buổi sáng hôm đó, nhưng dựng lại như một khúc phim để cho chúng ta biết ý nghĩa của buổi sáng hôm đó, ánh sáng Tin Mừng Chúa Phục Sinh đã bừng lên như thế nào, như một khúc khải hoàn, ca mừng sự thành tựu của Giao Ước Mới nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giê-su là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian và cũng là Chàng Rể mà các ngôn sứ đã loan báo, dựa trên nền nhạc sách Diễm Ca. Trong khúc phim này bà Ma-ri-a Mác-đa-la như tiếp tục vai “Người Yêu” trong sách Diễm ca mà Ma-ri-a làng Bê-ta-ni-a đã thoáng gợi lên với “một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quí giá”, trong bữa Tiệc ở nhà ba chị em “Cục Cưng của Chúa”, sáu ngày trước lễ Vượt Qua. (x. Ga 12,1-8)

Trời còn tối”, nhưng cũng đủ cho bà thấy cửa mộ mở toang, vì tảng đá lấp đã lăn khỏi mộ. Bà hốt hoảng quay lưng “chạy về gặp ông Simôn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến”. Chúng ta đã gặp hai môn đệ này gần nhau trong bữa Tiệc Ly (2). Bà Ma-ri-a Mác-đa-la báo động : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Có hai điều cần lưu ý trong câu “báo động của bà” : Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ. Đấng ở trong mộ là Chúa ! Nhưng nếu là Chúa thì ai mà đem đi được ! Câu nói phản ánh sự hoảng hốt trong tâm trí bà, nhưng cũng gợi cho chúng ta hình ảnh “người yêu” trong sách Diễm Ca đang đêm “rảo quanh khắp thành, nơi đầu đường cuối phố để tìm người yêu dấu của lòng tôi”. Gặp bọn lính gác tuần tiễu trong thành cũng hỏi : “có thấy người yêu của tôi ở đâu không ?” (Dc 3,1-3).

Rồi cảnh “mất hồn” ở chương thứ năm :

Tôi đứng dậy mở cửa cho người yêu ;

bàn tay tôi chứa chan một dược.

Một dược đầu ngón tay nhỏ giọt xuống then cài.

6Tôi mở cửa cho người tôi yêu, nhưng chàng đã quay đi khuất dạng.

Chàng đi rồi, hồn tôi như đã mất.

Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp, tôi mãi gọi chàng, không một tiếng đáp !

7Đang tuần tiễu trong thành, bọn lính gác gặp tôi.

Chúng đánh tôi đến mang thương tích quân gác đồn cướp cả áo choàng tôi.

Này thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, tôi van nài các bạn :

gặp người tôi yêu dấu, các bạn sẽ cho biết tin gì ?

Xin cho nhắn rằng : tôi đang ốm tương tư. (Dc 5,5-8)

Ở Bê-ta-ni-a (12,3) Ma-ri-a, em của Mác-ta, đã mang “một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá” đổ lên chân Chúa, khiến “cả nhà sực nức mùi thơm”. Cảnh này đã gợi cho ta nhớ chương đầu sách Diễm ca :

–12 Lúc quân vương ngự giữa nội cung,

dầu cam tùng của tôi toả hương thơm ngát.

13Người tôi yêu là chùm một dược

nằm gọn trên ngực tôi. (Dc 1,12-13)

Trong lần đi tìm thứ hai trích dẫn ở trên, Diễm ca lại nhắc đến “bàn tay tôi chứa chan một dượcMột dược đầu ngón tay nhỏ giọt xuống then cài” thì quả là chan chứa hết lời, khiến chúng ta chìm ngụp trong mùi hương cam tùng và một dược khi nhìn ông Ni-cô-đê-mô tẩm liệm rồi sáng nay lại nhìn cảnh Ma-ri-a Mác-đa-la đi tìm Chúa, khi trời còn tối. Ghi hai đoạn sách Diễm Ca này trong đầu và nghiệm xem khi theo dõi “khúc phim” này.

Hai môn đệ chạy đua ra mộ

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. 10 Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.

Cả hai cùng chạy”. Âm thanh : tiếng bước chân một người phụ nữ chạy, bỗng tăng vọt thành bước chân hai người đàn ông chạy đua. “Môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước”. Khoan hãy chấm điểm và giải thích tại sao ; lạc đề như người ta hay làm. Hãy chú ý xem ông làm gì ? “Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào”. Ta nghe tiếng chân ông Si-môn Phê-rô tới, ông không dừng lại, không nhìn chung quanh, nhưng chạy thẳng vào trong mộ. Người ta lại hay lạc đề ngừng lại để suy diễn. Hãy theo dõi khúc phim. Người tới trước không vào, nhưng đã nhìn vào và đã “thấy những băng vải còn đó”. Người đến sau chạy xộc vào, cũng thấy như vậy, và thấy rõ hơn : “thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”. Giữa hai cuộc chạy, ngày đã sáng hơn, nên người tới trước cúi nhìn vào đã có thể thấy bên trong. Người tới sau chạy xộc vào và thấy rõ hơn.

Khúc phim có dáng một phim “điều tra hình sự”. Một người phụ nữ phát hiện. Báo động. Hai người đàn ông chạy tới. Người tới trước không vào, đứng ngoài cửa đợi người thứ hai, nhưng trong khi chờ đợi, ông đã cúi xuống nhìn vào hiện trường, đã thấy một phần. Người phụ nữ chỉ thấy cửa mở toang là chạy đi báo động. Người thứ hai vào rồi người thứ nhất vào theo. Vậy là cả ba người không ai làm xáo trộn hiện trường. Tin Mừng Gio-an nhấn mạnh tới “làm chứng”, nên chi tiết này có tầm quan trọng riêng. Hai người cùng làm chứng giống nhau về những gì còn trong ngôi mộ trống.

Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.” Bây giờ ta mới thấy phản ứng nội tâm. Nhưng tin cái gì ? Cần trở lại với hôm các ông theo Thầy lên Đền Thờ lần đầu vào dịp lễ Vượt Qua, các ông đã nhìn Chúa Giê-su hành động nghe Chúa đối đáp với “Người Do-thái” :

Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. 14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. 15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò, ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 16 Người nói với những kẻ bán bồ câu : “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.”

18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su : “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?” 19 Đức Giê-su đáp : "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." 20Người Do-thái nói : “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao ?” 21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậycác môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đóhọ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

Câu này lại gợi nhớ sách Xuất Hành. Sau khi đã vượt qua Biển, “Ít-ra-en thấy quân Ai-cập phơi thây trên bờ biển. Ít-ra-en thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập. Toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Mô-sê, tôi trung của người.” (Xh 14,30-31).

Lễ Vượt Qua lần này, các ông đã hiểu Chúa phải thiệt thân nghĩa là gì. Sáng nay chạy ra mộ, các ông không thấy những kẻ đã đóng đinh Chúa phơi thây trước cửa mộ, nhưng thấy những bằng chứng của cái chết còn đó : ngôi mộ đã mở toang, “những băng vải và khăn che đầu (3) Chúa Giê-su còn ở đó, khăn này không để lẫn với các băng vải nhưng cuốn lại để riêng một nơi.” Hôm chứng kiến ông La-da-rô đã ở trong mồ bốn ngày, nghe tiếng Chúa gọi, bật ra đứng ở cửa mộ, các ông đã thấy : “chân tay còn quấn băng vải và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo : “Cởi khăn và băng vải cho anh ấy, rồi để cho anh ấy đi” (Ga 11,44).

Những dấu hiệu “tĩnh” này đã giúp “người môn đệ Chúa thương mến” “tin vào Kinh Thánh và Lời Chúa Giê-su” : “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi ; nội ba ngày, tôi sẽ dựng lại… Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.” Người môn đệ Chúa thương mến có sự nhạy bén đặc biệt để nhận ra trước những người khác. Ta không biết phản ứng của ông Phê-rô thế nào. Gio-ancho biết : “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.” Sáng nay môn đệ kia cũng chạy nhanh hơn và tới mộ trước ông Phê-rô, và thấy những dấu hiệu “tĩnh” trong ngôi mộ trống nên “ông đã tin” ; ông nhanh hơn ông Phê-rô cả thể lực lẫn nhạy bén tinh thần.

“Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.” Chưa có gì thay đổi bên ngoài.

Tôi đã thấy Chúa

Trên màn hình ta thấy hai ông từ trong mộ ra, không dừng lại ngó quanh, đi thẳng về nhà, nên chẳng thấy gì khác. Đang nhìn lưng hai ông xa dần, ta bỗng nghe tiếng thút thít của một người phụ nữ. Nhìn trở lại phía mộ, ta thấy là người phụ nữ đã chạy đi báo động lại đứng đó. Bà bỏ mặc cánh đàn ông chạy. Thơ thẩn như bất hồn, bà đã buông cho bước chân bị sức vô hình kéo trở lại bên mộ, nhẹ nhàng đến nỗi cánh đàn ông chẳng nghi ngờ là bà có thể quay lại ngôi mộ. Đàn ông thường ra vẻ tỉnh táo hơn, nhưng hôm nay thì cũng hoảng hồn chạy đi, quên cả người phụ nữ vừa hổn hển chạy về báo động, bỏ mặc bà đứng ngoài cửa với những tâm tư ngang ngổn. Bây giờ thấy cảnh trong mộ rồi thì lững quay lưng đi về, chẳng thèm ngó tới bà đang đứng nép bên mộ thút thít một mình. Có lẽ bà đang mang tâm trạng được diễn tả trong thánh vịnh :

Nỗi sầu riêng tìm người chia sớt, luống công chờ không được một ai ; Đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu !” (Tv 69/68,21).

Một mình trong tâm trạng cô đơn buồn tủi, bà cũng chẳng thèm lên tiếng hỏi cánh đàn ông. Ngày lên cao hơn, trời đã sáng rõ…

11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà : “Này bà, sao bà khóc ?” Bà thưa : "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !" 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà : “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16 Đức Giê-su gọi bà : “Ma-ri-a !” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : “Ráp-bu-ni !” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’).17 Đức Giê-su bảo : “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : 'Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em." 18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

Chẳng ai an ủi bà, chẳng ai ngó tới bà, bà chỉ biết ngó vào nơi đã đặt xác Chúa ở trong mộ. Bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng, ngồi hai đầu phiến đá Chúa đã nằm. Bà như mất hồn nên cũng chẳng ngạc nhiên, chẳng sợ hãi.

Giống như “Nàng” trong Diễm Ca, lần thứ nhất gặp lính gác đi tuần tiễu, hỏi họ cũng chẳng được một câu trả lời (x. Dc 3,3) ; lẫn thứ hai gặp lính canh đang tuần tiễu, thì bị đánh tới mang thương tích, gặp quân gác đồn thì bị cướp mất cả áo choàng giữa đêm khuya lạnh lẽo (x. Dc 5,7),Nàng vẫn cứ lững thững lang thang như “một người điên trong thành phố”. Gặp một đám con gái đang đùa giỡn bên đường lại nhờ nhắn tin cho “Chàng”. Thấy chúng quan tâm hỏi hình dáng người yêu, nàng như hoàn hồn, thao thao bất tận tả người yêu, với cả ngọn lửa say mê ngùn ngụt, cuốn cả đám con gái này mê lây, tình nguyện theo nàng đi tìm “Chàng” (x. Dc 5,8 – 6,1).

Ở mộ thì hai thiên thần lên tiếng hỏi trước : “Này bà, sao bà khóc ?” Lời bà báo động cho cánh đàn ông hồi sáng sớm như đã thành điệp khúc âm thầm theo nhịp chân lững thững lang thang, liền vang lên thành tiếng : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu !” Nhưng bỗng như có sức hấp dẫn nào mạnh hơn từ phía sau lưng bà, khiến bà chẳng đợi thiên thần trả lời : “Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà : “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói : “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về."

Ta có cảm tưởng như đang dự một trò chơi “bịt mắt bắt dê” - ở đây là bịt mắt đi tìm người yêu đang giả dạng người dưng. Hai thiên thần như “cùng phe” với Chúa lên tiếng hỏi để đánh lạc hướng. Chúa cũng nhắc lại câu hỏi, nhưng thêm : “Bà tìm ai ?”. Đã đến lúc “đánh thức tình yêu” (x. Dc2,7). Trong Vườn ở bên kia suối Kít-rôn, Chúa đã hỏi đám lính và thuộc hạ của các thượng tế, do Giu-đa dẫn tới bắt Chúa, cùng một câu như thế. Hôm nay thì Chúa hỏi người đang đi tìm Chúa như kẻ mất hồn. Bà tìm ai mà lại đứng khóc ở bên ngôi mộ này ? “Hỡi người đàn bà” trong câu hỏi của hai thiên thần, rồi của Chúa Giê-su : “Hỡi người đàn bà, sao bà khóc ?” gợi nhớ lời Chúa nói trong bữa Tiệc Ly :

Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình ; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. 22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. (16,20-22)

Hỡi người đàn bà, sao bà còn đứng khóc ở đó, nơi của cõi chết. Chuyện sinh nở đã xong rồi, từ ngôi mộ ấy như từ trong lòng mẹ, con người mới đã sinh ra trong đời rồi, chính bà đã chứng kiến trên Gôn-gô-tha. Bà tìm ai ? Bà tìm Chúa của bà, hay tìm cái xác chết đã chôn ở đó ?

Một người đàn ông đứng đó trong thửa vườn này, vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, ắt phải là người làm vườn, người chủ vườn này. Bà tranh thủ hỏi ngay : “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Câu hỏi đột ngột của bà tiếp tục cho thấy tâm hồn bà đang ở đâu. Bà giống như người yêu trong sách Diễm Ca, “chàng đi rồi hồn tôi như đã mất” (Dc 5,6) bởi vì tâm hồn bà vùi trọn trong niềm khao khát tìm lại “Chúa của bà” đã bị ai đó mang đi mất. Bà tưởng mọi người biết bà đang đi tìm ai. Nếu là ông làm vườn thì đích thị ông là người đã di dời xác của Người ra khỏi ngôi mộ trong vườn của ông. Quả là bà nói mà “không biết mình nói gì ?” (x. Mc 9,6). Hai người đàn ông mới khiêng được xác đặt vào ngôi mộ, thế mà bà đòi “đem Người về” ! Bà đem nổi không và đem về đâu ?

“Ông làm vườn” gọi tên bà : “Ma-ri-a !” Bà quay lại. Có vẻ như tâm trí và mắt bà vẫn dán vào ngôi mộ ; bà hỏi ông làm vườn nhưng lại quay ngay về ngôi mộ như vẫn chờ đợi một sự bất ngờ từ phía ngôi mộ. Nghe tiếng gọi tên bà, bà quay lại và lập tức nhận ra người mà bà tưởng là ông làm vườn, chính là “Thầy”. Bà reo lên : “Rap-bu-ni ! Thầy !” Ta bỗng nhớ lời Chúa đã nói về “mục tử đẹp” : “Anh gọi tên từng con chiên… chúng nhận biết tiếng của anh” (x. 10,3-4).

Lần thứ hai bà Ma-ri-a ra mộ tìm Chúa. Hình ảnh người chủ vườn kết hợp với hình ảnh người chăn chiên làm ta nhớ tới lời trong sách Diễm ca kết thúc cuộc tìm kiếm thứ haiSau khi nghe Nàng miên man tả người yêu của mình, bọn con gái bên đường hỏi : “Người cô yêu đã quay gót phương nao, để chúng em cùng với cô tìm kiếm ?” Nàng như chợt tỉnh và biết phương hướng : “Người yêu của tôi đã xuống vườn nhà, xuống nơi trồng phương thảo, chàng để đàn vật ăn trong vườn… Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc về tôi trọn vẹn. Giữa những khóm huệ thơm, chàng cho chiên gặm cỏ.” (Dc 6,1-3).

Đến đây chúng ta cũng bị “đánh thức” vì người kể cho chúng ta nghe liền câu Chúa nói : “Đức Giê-su bảo : "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha". Ta dễ theo “quán tính” điền vào đây lời Mát-thêu kể : “Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói : “Chào chị em !” Các bà liền lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy NgườiBấy giờ Đức Giê-su nói với các bà : “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28,9-10).

Gio-an không nói bà Ma-ri-a nhào lại ôm lấy chân Thầy. Nhưng kể ngay lời Chúa nói : “Thôi, đừng giữ (4) Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha”. Trong sách Diễm Ca, kết thúc cuộc tìm kiếm lần thứ nhất, “Nàng” kể :

Tôi đã gặp người lòng tôi yêu dấu.

Tôi vội níu lấy chàng

và chẳng chịu buông ra

cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu,

tới khuê phòng người đã cưu mang tôi(Dc 3,4)

Níu lấy chàng… đưa tới khuê phòng người đã cưu mang tôi” là để xin cưới (x. St 24,67). Lời Chúa Giê-su nói mở ra một chân trời mới. Lời này gợi lại lời Chúa đã nói trong bữa Tiệc Ly : “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” Đám cưới của Con Chiên Thiên Chúa diễn ra trong nhà Cha. Chúa Giê-su phải lên lên cùng Cha đã. Chưa tới lúc để được hưởng hạnh phúc trong vườn nhà : “Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc về tôi trọn vẹn” ; vì “Thầy chưa lên cùng Cha” để “dọn chỗ cho anh em”. Ngay bây giờ phải đi công bố Tin Mừng đã : “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.”

Các môn đệ đã được “nâng cấp” thành “bạn hữu của Thầy” (x. 15,15) ; bây giờ lại được nâng lên một cấp nữa : “Anh em của Thầy”. Bà Ma-ri-a đã chứng kiến khi “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” được Chúa Giê-su trên thập giá trao làm con của Thân Mẫu thì bây giờ bà biết ai là “anh em của Chúa”, đi tìm họ ở đâu và nhắn gì với họ. “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em”. Ở núi Xi-nai Thiên Chúa đã công bố : “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Chúa Giê-su đã thực hiện cuộc Xuất Hành Mới và “qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối” trong Giao Ước Mới là chính bản thân Chúa, như “cây nho đích thật.” Ở Gôn-gô-tha, Người Đàn Mẹ của Thầy đã thành Mẹ của kẻ sống, Mẹ của anh em. Bây giờ Thầy vào trong vinh quang của Thiên Chúa là Cha của Thầy nên “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em”. Thầy đưa anh em vào nhà Cha của Thầy.

Sáng nay bà hốt hoảng chạy đi báo động. Bây giờ bà hớn hở đi báo tin vui mừng.

“Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà”.

Các Giáo Phụ đã tặng Bà danh hiệu “tông đồ của các tông đồ”, vì bà được sai đi loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho chính các tông đồ.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nâng “lễ nhớ” bà lên bậc “lễ kính”, ngang hàng với các tông đồ.

Buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. (20,19-23)

Sau cái đêm chạy tứ tán thoát thân khi Chúa bị bắt, chiều nay lại thấy các ông tụ họp nhau trong nhà, ắt là tại nơi đã ăn bữa tiệc ly trước khi Chúa bị bắt. Nhưng “các cửa đều đóng kín, vì các ông sơ người Do-thái”. Hôm Lễ Lều, người Do-thái có thiện cảm với Chúa Giê-su xầm xì với nhau về Người, “nhưng không ai dám công khai nói về Ngưới, vì sợ người Do-thái” (7,13). Hôm nay Thầy đã bị người Do-thái bắt và đóng đinh thập giá, các ông sợ là phải rồi. Nhưng sao không trốn khỏi Giê-ru-sa-lem mà còn ở lại đó ? Đóng kín cửa mà họ không bắt được hay sao ? Có vẻ giống đứa trẻ sợ ma lấy mền trùm kín ! Nhưng Chúa Giê-su vẫn đến và đứng giữa các ông. Chúa lên tiếng trước : “Bình an cho anh em !” Bình an [Sha-lôm] được dùng làm tiếng chào cho mọi tình huống : gặp gỡ, chia tay, sáng, trưa, chiều, tối (5). Nhưng trong mạch văn của Gio-an thì ý nghĩa không giới hạn ở tiếng chào thông thường, vì Chúa Giê-su đã nói trong bữa Tiệc Ly :

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo : ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em.’ Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha. (14,27-28)

Không đợi các ông phản ứng, “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn” để các ông thấy người đang đứng trước mặt các ông chính là Thầy của các ông, đã bị đóng đinh thập giá, bị đâm thủng cạnh sườn. “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa”. Chúa đã hứa : “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (14,18). “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (16,22). Lời hứa đã được thực hiện.

Nhưng Chúa đến với các ông chiều nay không chỉ để cho các ông niềm vui đã hứa, nhưng còn để thực hiện một lời hứa khác để giúp các ông thi hành sứ mạng : lời hứa ban Thánh Thần (6). Chúa đã hứa gởi Thần Khí Sự Thật đến, “Người sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (14,26) ; “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật trọn vẹn” (16,13) ; “Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng sẽ làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (15,26-27).

Sứ mạng Chúa đã trao cho các môn đệ “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (15,16) chỉ có thể thực hiện được nhờ hoạt động của Thánh Thần nơi các ông. Hôm nay Chúa ban Thánh Thần cho các ông và nói rõ hơn về sứ mạng của các ông khi trao quyền tha tội.

21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.

Chúa nói rõ là Người trao cho các ông sứ mạng giống như Chúa Cha đã trao cho Người. Người đến công bố và thiết lập Giao Ước Mới để “qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối”. Bây giờ Chúa đã “về cùng Cha”, các môn đệ phải tiếp tục sứ mạng là qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi bằng cách làm chứng cùng với Thánh Thần và nhờ Thánh Thần. Quyền ban ơn tha tội là để nhận người ta vào trong Giao Ước Mới, vì lời hứa Giao Ước Mới bao gồm ơn tha tội (x. Gr 31, 34 ; Ed36, 25) (7). Muốn qui tụ người ta trong Giao Ước Mới phải làm chứng để người ta tin vào Chúa rồitrao Thánh Thần cho người ta.

Chúng ta thường có hình ảnh “tĩnh” về ơn tha tội : “xóa tội” như xóa những vết trên tường, trên áo. Ơn tha tội là cuộc tạo dựng mới nhờ quyền năng Thánh Thần, và sứ mạng loan báo ơn cứu độ để đưa người ta đến với Thiên Chúa, tùy thuộc vào đó, như lời thánh vịnh :

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,

đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ

Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,

đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

14 Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,

và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con ;

15 đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,

ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài. (Tv 50/51,12-15)

Mang Tin Mừng trong tim thì phải hớn hở vui mừng ; mang bộ mặt đám ma đi rêu rao là “tôi đem Tin Mừng cho anh em” thì người ta chỉ có thể nghĩ là mình đang mỉa mai cái tin mình mang tới !

Tha tội là thông ban Thánh Thần cho người khác nhờ Lời Chúa và các bí tích để người ta được đổi mới, được vào và được sống trong Giao Ước Mới.

Tám ngày sau

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !"

Trong nhóm Mười Hai, Gio-an chúng ta thấy ba nhân vật rất đặc biệt : Giu-đa bán Thầy, Phê-rô chối Thầy và Tô-ma cứng lòng tin. Nhưng Chúa rất khoan dung với “kẻ cứng lòng tin” này để giữ đúng lời Chúa đã thưa với Chúa Cha : “Con đã canh giữ và không để một ai trong họ phải hư mất” (17,12).

Không biết tại sao ông không có mặt tối hôm ấy. Nhưng khi ông về thì các ông khác nói như bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã nói với các môn đệ : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Nhưng ông Tô-ma tỏ ra là người có bản lĩnh, chỉ tin vào mắt mình và tay mình thôi. Ông đòi phải đích thân ông “thấy tận mặt, bắt tận tay” mới tin lời các ông kia nói. Ông đang thách đố ai ? Không phải thách đố các ông kia bởi vì các ông kia đâu có cất Chúa trong tủ mà mở ra cho ông xem. Ông thách đố Chúa đấy : “Anh em nói thế đấy, nhưng Chúa có đến cho con thấy và con thọc ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay con vào cạnh sườn bị đâm thủng thì con mới tin.

Nếu Chúa không đến lần nữa vì một mình ông thì sao ? Khỏi lo, cái “nếu” đó đã không xảy ra. Chúa không bỏ Tô-ma. Chúa đi tìm từng con chiên bị lạc mà ! Đây lại là một trong Nhóm Mười Hai đã được tuyển chọn nữa. Nhưng Chúa cũng để cho ông chờ một tuần nữa. Trong khi các ông khác sống trong niềm vui đã thấy Chúa thì ông vẫn một mình ôm “trái sầu riêng”.

Tám ngày sau, vẫn căn phòng ấy, vẫn cửa đóng then cài. Ông Tô-ma có mặt. Chúa lại đến, đứng giữa các ông và ban bình an. Sự hiện diện của Chúa là bình an. Cả tuần lễ ấy chẳng có ai gặp Chúa để mách nhay năn nỉ giùm ông. Nhưng Chúa đâu cần ai mách, vì “Con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa” (Tv 139/138,2). Chúa nói ngay với ông để cho mọi người thấy rằng Chúa đến lần này chỉ vì Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”.

Các bức họa thường vẽ Tô-ma thọc tay vào cạnh sườn Chúa. Nhưng bản văn không kể như vậy, mà kể ngay lời tuyên xưng của ông Tô-ma : “Lạy Chúa của con ! Lạy Thiên Chúa của con !” Cần đọc lời tuyên xưng này trong bối cảnh Giao Ước Mới đã mở ra từ Bữa Tiệc Ly cho tới khúc ca khải hoàn với hình ảnh sách Diễm ca diễn tả Giao Ước Mới đã hoàn thành, rồi Chúa Giê-su đến ban Thánh Thần cho các môn đệ để tha tội mà nhận người ta vào Giao Ước Mới, lời tuyên xưng của ông Tô-ma lại mang ý nghĩa đặc biệt như lời đón nhận Giao Ước Mới, tuyên xưng Đức Giê-su là “Chúa của tôi, Thiên Chúa của tôi”, vọng như tiếng đáp lại Lời Thiên Chúa ở Xi-nai : ”Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. 5 Vậy giờ đây, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta” (Xh 19,4-5) ; và Thiên Chúa công bố điều răn thứ nhất : “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi” (x. Xh 20,2).

Tông Đồ Tô-ma trở thành đại diện cho những người đã thấy mới tin và những người không thấy mà tin. Chúa Giê-su công bố mối phúc thứ hai (8) trong Gio-an : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !” Tất cả các thế hệ sau các tông đồ, trong đó có chúng ta, đều có thể hưởng cả hai mối phúc này là không thấy mà tin, và thực hành lời Chúa. Thấy Chúa đó, xem Chúa làm phép lạ, nhưng không tin thì có ích gì cho họ đâu. Nghe Lời Chúa, thông thạo Sách Thánh mà không thực hành thì có ích gì hơn đâu.

Kết luận thứ nhất (20,31-32)

Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Đến đây chúng ta có câu kết luận thứ nhất. Người viết nhắc cho chúng ta về tính cách riêng của sách này, không phải là sưu tập mọi dấu lạ Đức Giê-su đã làm, nhưng chỉ tuyển chọn một số dấu lạ. Nếu tính từ dấu lạ thứ nhất ở Tiệc Cưới Ca-na cho đến La-da-rô ra khỏi mồ là sáu, tất cả đều hướng về dấu lạ cuối cùng là chính cái chết và sự Phục của Chúa Giê-su, hay hai thì của cuộc tôn vinh, mà Chúa đã kín đáo gói trong câu thách đố người Do-thái, khi Chúa cùng đi với các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem lần đầu tiên nhân dịp Lễ Vượt Qua. Tất cả mọi dấu lạ chỉ có ý nghĩa vì hướng về dấu lạ thứ bảy này, và vì dấu lạ này đã xảy ra.

Việc chọn lọc và cách thức trình bày ở đây có chủ đích rõ ràng : “Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa”. Cái chủ đích này mới lý giải tạo sao người viết lại chọn những dấu lạ này và trình bày theo cách thức như thế này.

Tại sao TIN Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa lại quan trọng như thế ? để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người. Lời Tựa đã nói :

Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống,

và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,

thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,

… nhưng do bởi Thiên Chúa(1,4.12-13)

Con Rắn Xa-tan, “thằng cha sự dối trá”, “kẻ sát nhân từ ban đầu” (8,44) đã phun vào con người nọc chết bằng cách xúi con người NGHI NGỜ Tình Yêu của Thiên Chúa, đi đường tắt, “ăn trái cấm để nên như Thiên Chúa” (x. St 3,4-5). Thiên Chúa đã giải nọc chết của Con Rắn Xa-tan bằng phương thuốc kỳ diệu là sai Lời, Con Một Thiên Chúa, đi vào dòng dõi loài người và sống trọn kiếp người, “vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chết, chết trên thập giá” (Pl 2,6-11) rồi được Cha tôn vinh, kéo cả dòng dõi loài người lên theo vào trong vinh quang của Thiên Chúa, “nên như Thiên Chúa”. Điều kiện duy nhất làTIN Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa, nghĩa là TIN vào Tình Yêu của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã bày tỏ Tình Yêu bằng cách BAN CON MỘT, ĐỂ AI TIN VÀO CON CỦA NGƯỜI THÌ KHỎI PHẢI CHẾT, NHƯNG ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI (3,16).

Sự Sống đã thắng. Tình Yêu đã thắng.

Giê-ru-sa-lem, Lễ kính Tòa Thánh Phê-rô 2019

(1) Xin coi “Maria Ma-đa-lê-na là ai ?”, sách tôi đã xuất bản nhân dịp Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nâng lễ nhớ thánh nữ lên bậc lễ kính ngang hàng với các thánh tông đồ (có bán tại Nhà Sách Hòa Bình).

(2) Ở cổng vào dinh Khan-na, có người môn đệ quen biết thượng tế ra bảo lãnh cho ông Phê-rô vào trong sân, nhưng Gio-an không nói đó là người môn đệ Chúa Giê-su thương mến.

(3) Khăn che đầu là tấm khăn liệm dài, đặt xác lên một nửa, rồi lật nửa kia trùm từ đầu xuống chân, nhiều băng vải cột chung quanh cho gọn. Băng vải, tiếng Hy-lạp ở Ga 11, 44 là keiria, ở 20, othonia cùng ý nghĩa.

(4) Nhiều bản quen dịch là đừng chạm tới Thầy. Nhưng “thì” của mệnh lệnh cách động từ Hy-lạp ở đây nghĩa là “ngưng một cử chỉ đang làm, hoặc toan làm”.

(5) Người Do-thái ngày nay tản mác khắp châu Âu, châu Mỹ nên dịch các kiểu chào của các ngôn ngữ ấy ra tiếng Do-thái để sử dụng. Nhưng họ vẫn giữ “Shalom” (bình an) để chào khi gặp nhau hoặc từ giã.

(6) Gio-an kể Chúa ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay hôm đến với các ông chiếu ngày thứ nhất trong tuần. Ngày thứ nhất trong tuần là người ta bắt đầu làm việc lại sau khi nghỉ ngày sa-bát. Chỉ có Lu-ca kể Chúa đến dạy dỗ các môn đệ suốt 40 ngày rồi được rước lên trời, và lễ Ngũ Tuần, lễ mừng Thiên Chúa ban Luật Giao Ước trên núi Xi-nai (x. Xh 19-24) thì Thánh Thần, “Luật của Giao Ước Mới”, Luật khắc trong tim (x. Gr 31,33-34 ; Ed 36,26-27), mới xuống trên các môn đệ và họ bắt đầu rao giảng. Không có mâu thuẫn giữa các sách Tin Mừng, vì Mt và Mc không kể gì về việc này, Gio-an thì cho thấy các ông về Ga-li-lê và lại rủ nhau đi thả lưới bắt cá (21,1-19) nên cũng không cho biết lúc nào các ông mới bắt đầu đi rao giảng.

(7) Gr 31,34 : “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa”. Chúng ta thì tha nhưng nhớ hoài ! Vì thế mà bức tường từ từ mọc lên trong lòng ngăn cách chúng ta với nhau.

(8) Mối phúc thứ nhất : “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành thì thật phúc cho anh em” (13, 17).

 


Trang Kinh Thanh