Của Lễ Toàn Thiêu Sống Động
(Theo thư Rô-ma, chương 12)

L.M.Nguyễn công Đoan S.J.

(ktcgkpv.org) Ngày 9 tháng 9 năm 2019

Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ (toàn thiêu) sống động, thánh [thiện] và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.

Của lễ toàn thiêu ngày xưa là một con vật được sát tế rồi được đốt trên bàn thờ, thành khói bay lên như hương thơm. Thánh Phao-lô lại bảo chúng ta hiến dâng thân mình, ghê quá ! – lại làm của lễ toàn thiêu sống, ghê hơn nữa !

Con đường shawarma

Nghe “shawarma” chắc nhiều người tưởng tôi sắp quảng cáo một con đường nào mới học từ Ấn Độ ! Xin an tâm vì tôi chưa bao giờ đi Ấn Độ và cũng chưa bao giờ ham đọc sách của các Guru, và không thích món ăn lạ, nhất là cà-ri ( !) chỉ thích canh rau đay, rau muống luộc, cà pháo mắm tôm.

Bên cạnh Sách Thánh là của ăn hàng ngày, càng ăn càng ngon, không bao giờ chán, tôi thấy mình đứng trước cánh rừng các bậc thầy về tu đức xuất phát từ Sách Thánh và đức tin Ki-tô giáo, cùng tuyên xưng một Thiên Chúa Ba Ngôi, một Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa đã sinh làm người vì chúng ta ; Ngài là con đường, là sự thật và là sự sống ; đã chết, sống lại và lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha... Liên tục từ thời các Tông Đồ đến nay, các vị ấy dạy dỗ mà tôi nhỏ bé, chưa thạo i-tờ. Nhất là khi sống tại miền Đất đã in dấu chân của các tổ phụ trong đức tin, và của Con Thiên Chúa làm người, của những người đầu tiên đã rao giảng Tin Mừng, thì chỉ thèm Lời Chúa và thức ăn “chế biến” từ Lời Chúa thôi.

Nhưng cũng vì sống ở đây tôi mới biết “shawarma”. Nó là một trong hai món thịt nướng trong hàng thức ăn hàng ngày của người Pa-lét-tin. Nó là thịt (thường là thịt chiên, hoặc gà là hai thứ thịt thông thường người ta ăn hàng ngày), sắt miếng lớn, ướp gia vị rồi xâu vào cây sắt thành như một cái trục. Ngươi ta dựng đứng nó, cho nó xoay chậm, giữa một cái lò điện vòng quanh ; ở miền xa thì người ta xoay nó trên lò than. Hơi nóng làm thịt chín chậm, không mất đi đâu tí nước cốt nào. Khi bán cho khách thì người ta dùng con dao thật bén, sắt mỏng từ trên xuống. Thịt mềm, thơm ngon.

Món thịt nướng thứ hai gọi là qebap, là thịt sắt thành miếng nhỏ, xỏ xâu và nướng bằng vỉ đặt trên than hồng, nó chín mau. Thịt khô và cứng hơn.

Khi phải làm bánh mì kẹp thịt mang theo thì tôi chọn shawarma. Vì thế khi muốn giải thích con đường để thành của lễ toàn thiêu mà thánh Phao-lô dạy ở thư gởi tín hữu Rô-ma chương 12, thì tôi chọn hình ảnh cách nướng thịt shawarma.

Vậy xin cứ an tâm học với thánh Phao-lô làm món thịt nướng shawarma thơm ngon dâng lên Thiên Chúa. Cẩn thận, món này thánh Phao-lô không dạy làm bằng thịt chiên, nhưng bằng chính thân mình đấy !

Của lễ toàn thiêu trong Cựu Ước và của lễ Chúa Giê-su dâng

Trong thời Cựu Ước người ta dâng nhiều thứ của lễ cho Thiên Chúa bằng thịt chiên, thịt dê, thịt bò và chim. Của lễ toàn hảo là của lễ toàn thiêu, tức là làm thịt con vật (bò, chiên, dê, chim) ; khi cá nhân dâng thì tùy theo khả năng tài chánh của mỗi người ; khi cả cộng đoàn dâng thì tùy theo luật quy định về mỗi thứ của lễ, rồi tư tế chất củi trên bàn thờ, đặt của lễ lên trên và nổi lửa cho cháy thành khói bay lên Thiên Chúa (coi sách Lê-vi, chương 1 đến 16, và sách Dân Số, chương 29).

Thánh Phao-lô biết rõ về các thứ lễ tế này, nên ứng dụng để dạy chúng ta cách thờ phượng Thiên Chúa theo Tân Ước, sau khi Chúa Giê-su đã gồm thâu mọi thứ lễ tế nơi bản thân mình, làm của lễ duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta không có và cũng không thể có của lễ nào khác để dâng cho Thiên Chúa.

Chúa Giê-su đã dâng chính mình làm của lễthì chúng ta cũng phải dâng chính mình. Nhưng của lễ duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa là chính Chúa Giê-su, Con Chiên của Thiên Chúa, nên chúng ta cũng chỉ có thể trở thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nếu được nên một với Chúa Giê-su, nhờ Thánh Thần. “Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha Toàn Năng trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen

Trở lại với lời Thánh Phao-lô khuyên :

Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người2 Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.

Cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Thiên Chúa. Khi người đàn bà Sa-ma-ri hỏi Chúa Giê-su về cuộc tranh cãi lâu đời từ sau cuộc ly khai giữa hai vương quốc, giữa Giê-ru-sa- lem (thủ đô nước Giu-đa) và Sa-ma-ri-a (thủ đô nước Ít-ra-en) đâu là nơi phải tới để thờ phượng Thiên Chúa, Chúa Giê-su trả lời :

“Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. 22 Các người thờ Đấng các người không biết ; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. 23 Nhưng giờ đã đến –và chính là lúc này đây– giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21-24)

Từ chúng tôi dịch là “thần khí”, có người hiểu là “tinh thần” trong nghĩa đối lập với vật chất. Nhưng trong Tin Mừng thứ tư không có chỗ nào cho phép hiểu như vậy, mà chỉ nói về Thần khí theo nghĩa là Thánh Thần. Từ mà thánh Phao-lô dùng ở đây, theo nghĩa đen là “hợp lý”. Trong Giao Ước mới, việc thờ phượng “hợp lý” là việc thờ phượng mà Chúa Giê-su đã giải thích cho người phụ nữ Sa-ma-ri và thánh Phao-lô giải thích ở phần giáo huấn trong thư Rô-ma cũng như thư Ga-lát, chương 5 và các thư khác.

Đó là giáo huấn mà các ngôn sứ, đặc biệt I-sai-a (ch.1), Hô-sê-a đã rao giảng : “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (6,6), và nhiều thánh vịnh, như 49/50, hoặc 51/50 :

Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,

con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận.

Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,

một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê. (51,18-19)

Sách I-sai-a :

Đức Chúa phán : “Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì ?

Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm !

Khi các ngươi đến trình diện Ta, ai khiến các ngươi phải giẫm lên khuôn viên của Ta ?

Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương ;

Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sa-bát, ngày đại hội,

không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạt linh đình.

Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi.

Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa.

Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn ;

các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe.

Vì tay các ngươi đầy những máu.

Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta.

Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bằng,

sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ. (1,11-17)

Của lễ toàn thiêu trong Giao Ước Mới

Chúa Giê-su dâng chính mình làm của lễ đẹp lòng Thiên Chúa vì Chúa Giê-su thi hành điều Chúa Cha truyền và bày tỏ lòng yêu mến Cha đến tột cùng. Nhờ thế “Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta và cho chúng ta được xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” và đưa chúng ta vào trong Giao Ước Mới :

Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. Bởi vậy Người là Trung Gian Giao Ước Mới (Hr 9,14-15)

Thư Hip-ri giải thích tiếp :

Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi.  Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.

Trước hết, Đức Ki-tô nói : Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói : Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ (10,4-10).

Thánh Gio-an cho biết thêm : Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31 Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy ! Ta đi khỏi đây ! (Ga 14,30-31).

Của lễ đã tiến dâng cho Thiên Chúa thì là thánh, vì đã thánh hiến, dành riêng cho Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa trọn vẹn.

Của lễ dâng với lòng thành thì đã đẹp lòng Thiên Chúa, vì được Thiên Chúa chấp nhận.

Của lễ toàn thiêu thì đốt một lần là thành khói bay lên, xong rồi, không sợ lửa tắt, không phải dâng lại lần nữa và cũng khỏi sợ ai xâm phạm, làm ô uế nữa.

Nhưng của lễ toàn thiêu mà sống, nghĩa là sống trong tư thế là của lễ toàn thiêu, là thánh theo nghĩa đã thuộc trọn về Thiên Chúa, đã được Thiên Chúa chấp nhận rồi. Nhưng vẫn sống, không bị trói như I-xa-ác, nên có thể nhảy xuống khỏi bàn thờ, có thể tự mình ra ô uế, có thể bị người ta xẻo bớt, có thể bị người ta lấy xiên khều xuống khỏi bàn thờ… nghĩa là vẫn bị đe dọa bên trong bên ngoài, nên cứ phải coi chừng chính mình.

Cựu Ước kể về hai quý tử của thượng tế Ê-li : Các con trai ông Ê-li là những tên vô lại, chúng không biết gì đến Đức Chúa và đến quyền lợi các tư tế được hưởng trên dân. Mỗi khi có ai dâng hy lễ, thì đầy tớ của tư tế đến, tay cầm xiên ba răng, trong lúc người ta đang nấu thịt.  Nó thọc vào vạc, vào nồi, vào chảo hay vào niêu ; hễ xiên đưa lên được miếng nào, thì tư tế lấy cho mình. Chúng vẫn làm như thế với tất cả những người Ít-ra-en đến đó, tại Si-lô. Cả trước khi người ta đốt mỡ cho cháy nghi ngút, thì đầy tớ của tư tế đến và bảo người dâng hy lễ : “Đưa thịt đây để quay cho tư tế ! Người không lấy thịt ông đã nấu đâu, chỉ lấy thịt sống thôi !”.  Người kia có nói : “Để người ta đốt mỡ cho cháy nghi ngút trước đã, rồi anh thích gì thì cứ lấy”, thì nó bảo : “Không, phải đưa ngay bây giờ ! Nếu không, tôi dùng sức mạnh mà lấy” (1Sm 2,12-16)

Hàng rào nào có thể bảo vệ của lễ nguyên vẹn trên bàn thờ ?

Ngọn lửa nào có thể “thiêu chậm” hàng ngày, ngày này qua ngày khác, cho tới khi bay lên trọn vẹn trong hơi thở cuối cùng ?

Ba kẻ thù vẫn lăm le đánh cướp của lễ là Xa-tan, thế gian, xác thịt.

Ngày nay nhiều người, có cả các nhà thần học công giáo, không tin là có Xa-tan. Chúc mừng Xa-tan đã đạt thắng lợi lớn nhất, cả về “chiến lược lẫn chiến thuật” ! Nhớ cám ơn các nhà thần học kia nhé. Con đường có vẻ thênh thang, “kẻ bị phục kích nhởn nhơ” trên đường, chắc bụng là không có ai phục kích, không có ai rình…

Chiến thuật của Xa-tan đã bị thánh Phê-rô vạch trần :

Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xéAnh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế. (1 Pr 5,8-9).

Thánh Phê-rô dạy chúng ta phương thế để chống cự, và cho chúng ta biết rằng mọi anh em tín hữu trên trần gian này đều chung một cuộc chiến dai dẳng suốt đời như thế. Chúng ta không cô độc, cũng chẳng phải là gặp số phận hẩm hiu, không được yên thân.

Xa-tan không đơn thương độc mã, nó là “thủ lãnh thế gian”, như Chúa Giê-su đã điểm mặt. Nó tạo ra cả một bầu không khí nhiễm độc bao quanh chúng ta, nhưng khí độc này lai thơm tho nhẹ nhàng, khiến chúng ta khoan khoái, thích hít hoài. Thật đáng sợ. Mọi phương tiện truyền thông rất hữu ích cho loài người ngày nay được nó dùng làm công cụ truyền lan khí độc của nó. Không bức tường lửa nào ngăn được. Những bức tường gạch, tường đá của nhà thờ, tu viện nghĩa lý gì ; cả đến sự canh chừng của cha mẹ trong gia đình, nếu có, vì cha mẹ đâu có canh chừng 24/24 được đâu !

Nhà Viên Ngoại họ Vương “thâm nghiêm kín cổng cao tường” đã chẳng ngăn được con gái leo tường qua nhà Kim Trọng. Thúy Kiều và Kim Trọng ngày nay có phép mầu, chỉ cần bấm nút là “xuyên bích” [xuyên tường] gặp nhau.

Kẻ nội thù mới đáng sợ hơn cả.

Nó chính là “xác thịt” mà chẳng ai gỡ ra được cho tới khi nó tan trong hơi thở cuối cùng. Thánh Phao-lô đã tả cái khủng khiếp của nó :

Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu : vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm…

Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm...

Bởi đó tôi khám phá ra luật này : khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa ; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác : luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.

Thánh Phao-lô phải thốt lên não nuột, nhưng lại tức thời reo lên vui sướng : Tôi thật là một người khốn nạn ! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ! (Rm 7,14-25)

Thánh Phao-lô chỉ dẫn cho chúng ta biết của lễ toàn thiêu mà sống thì phải biến đổi từng bước để là “thánh”, nghĩa là thành của dành riêng cho Thiên Chúa, bằng động tác hai thì : “Anh em đừng có rập theo đời này – nhưng hãy biến đổi con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì hoàn hảo”.

Con đường nào…

Bà Rê-béc-ca, vợ của I-xa-ác, người đã “làm của lễ thiêu hụt” trên bàn thờ của Áp-ra-ham, giúp cho con trai cưng là Gia-cóp làm món ăn mà bà biết I-xa-ác thích… khiến I-xa-ác ban cho Gia-cóp lời chúc lành dành cho con cả.

Con Thiên Chúa đã sinh làm người, làm Con Chiên của Thiên Chúa ở miền đất “thịt nướng” này, biết Chúa Cha đã chán ngấy các thứ mỡ, các thứ khói hương và mùi thịt cháy khét lẹt, và được Mẹ Maria, cô gái làng Na-da-rét, dạy làm món thịt thơm ngon này.

Chúa Giê-su đã tự trở thành shawarma, đốt chậm suốt cuộc sống làm người trên dương gian cho tới khi có thể tuyên bố : “Thế là đã hoàn tất !” và gục đầu, thành hơi thở để trao cho chúng ta, như trong ngày tạo dựng Thiên Chúa đã “thổi hơi thở vào lỗ mũi”, cho con người nặn từ bụi đất, thành “loài sống” (x. St 2,7).

Trong bữa ăn sau hết, Chúa Giê-su đã tâm sự với các môn đệ về bí quyết sống thành tựu “hạnh phúc được thành của lễ sống” :

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn (Ga 15,9-11).

Thư Híp-ri khuyên ta theo bí quyết của Chúa Giê-su : Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta,  mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.  Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí.  Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu (Hr 12,1-4)

Ngọn lửa liu riu đã biến Chúa Giê-su thành “của lễ toàn thiêu đốt chậm” là ngọn lửa yêu mến : “Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31). “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì những kẻ mình yêu mến” (Ga 15,13).

Cũng chính ngọn lửa tình yêu ấy có thể liu riu cháy chậm, làm chúng ta cùng với Chúa Giê-su trở thành “của lễ toàn thiêu đốt chậm” đẹp lòng Thiên Chúa, như thịt nướngshawarma thơm ngon.

Cũng có những người được ơn, như thánh Lô-ren-xô thời xưa, được nướng trên vỉ sắt, hay như thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê, người Ba-lan, thời nay, hiến mạng thế cho một người bạn tù và đã được đốt trong lò thiêu của Đức Quốc Xã.

Con đường chung dành cho tất cả mọi người là con đường Chúa Giê-su đã đi và trở thành của lễ toàn thiêu “đốt chậm”. Đó là ý nghĩa lời thánh Phao-lô khuyên.

Chúng ta hãy xin Mẹ Maria dạy cho biết tự làm món shawarma này như Mẹ đã dạy Chúa Giê-su.

Một Câu chuyện thật

Để kết thúc bài này, tôi xin phép kể một chuyện “tình sử” trong gia đình tôi.

Chị Hai tôi qua đời cách đây 62 năm. Anh rể tôi còn sống, 96 tuổi và vẫn sáng suốt.

Mới đây, nhân dịp mừng 50 năm hôn phối của con trai thứ hai của chị tôi. [Và nếu chị tôi còn sống, thì anh chị đã mừng 75 năm hôn phối]. Nhân thánh lễ cử hành “tại nhà”, tôi muốn cho các con, các cháu, chắt của chị tôi được nghe chính miệng anh rể tôi nói ra “bí mật” của anh chị. Tôi đóng vai chị tôi để hỏi anh : “Tại sao trước khi chết, tôi đã tha thiết khuyên Thầy Nó rằng : “Tôi chết rồi thì mình phải đi lấy người khác, vì mình còn trẻ lắm, không ở vậy được đâu”. Thế mà nay đã qua 62 năm, Thầy Nó vẫn không lấy ai ?”

Anh rể tôi trả lời với ngôn từ của ông lão nhà quê chất phác : “Hôm lễ cưới, tôi đã hứa với Bu Nó là yêu thương và trung thành với nhau cho đến chết. Tôi đã chết đâu ? Làm sao tôi có thể nói lại câu đó với một người đàn bà khác, chẳng hóa ra tôi hai mồm à !”.

Bí mật tình sử” của anh rể và chị Hai tôi đơn giản như thế thôi.

Nếu chúng ta không tuyên lời hứa ấy vì không cưới ai, thì chúng ta cũng đã hứa với Chúa điều tương tự như thế, ngày chịu phép Rửa để làm Con Chúa, ngày khấn Dòng hay ngày lãnh sứ vụ linh mục. Làm sao đừng “hóa ra hai mồm” ? !

Giê-ru-sa-lem, ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ 2019

Linh mục Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.

 


Trang Kinh Thanh