HIỂU SAO CHO ĐÚNG:

GIÁ TRỊ VẬT CHẤT VÀ ĐỨC KHÓ NGHÈO

MỞ ĐẦU

“Ấm no hạnh phúc”, có ấm có no mới có hạnh phúc. Cũng vậy, nghèo khi nào cũng đi liền với khổ  “nghèo khổ”. Đã sống thì ai cũng mong thoát khổ, tìm hạnh phúc.

Nhìn ra thiên nhiên thì thú vật, từ con ong cái kiến, cá mú ở sông hồ biển cả cho đến muông thú trên rừng: cọp beo, voi khỉ, mở mắt ra là cần mẫn đi tìm thức ăn cho no bụng. Con người giành phần lớn thời gian vàng để làm việc và kiếm sống. Rảnh rỗi mới đi chơi, vui thú.

Người còn tiến xa hơn, biết tích góp phòng cơ, ngộ nhỡ lúc trái gió trở trời, mùa màng thất bát thì lấy ra mà dùng, ấy là lẽ khôn ngoan. Người ta có trí tuệ biết lo xa: mùa xuân, mùa hè thời tiết thuận lợi thì lo làm lụng, tích trữ vào kho cho mùa đông tuyết giá, năm này và cho năm khác.

Của cải dư dật, có tiền gởi ở ngân hàng thì bảo đảm cho mình an toàn và ổn định, thoát khỏi lo lắng. Thế là có hạnh phúc. Ngụ ngôn “Con ve và con kiến”của La Fontaine, học từ nhỏ; ai lại nói chú kiến cần mẫn chăm chỉ là ngu dại bao giờ?

Tôi có một người bạn: chăm chỉ làm ăn, lo lắng cho gia đình. Sau vài chục năm tiết kiệm chi tiêu, nay đã có nhà cửa, phương tiện đi lại, lương hưu đầy đủ để nghỉ ngơi hưởng nhàn, bù lại cho cả đời trai trẻ cật lực làm việc. Khi đọc đến đoạn tin mừng Chúa Giê Su nói với người thanh niên giàu có, để vào nước trời: “Anh hãy về bán của cải, phân phát hết cho kẻ nghèo khó, rồi đến theo ta.” (Mt 19, 21). Chúa nói rõ tưởng chừng như không có gì cụ thể hơn.

Theo ông à ! Một người vô gia cư, “Cáo có hang, chim có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu”(Lc 9, 58), dễ thường cái giường ngả lưng cũng không có, tứ cố vô thân. Có mà…! Người thanh niên nghe chướng tai liền bỏ đi.

Chúa nói với các môn đệ: “Người giàu vào nước trời giống như con lạc đà chui qua lỗ kim”( Mt 19, 24 ). Còn môn đệ thì nghĩ: vô phương! Ai mà làm cho được!

Sống phúc âm sao mà khó quá, hầu như không thể…

 Đạo Chúa đi đến không tưởng sao? Lời Chúa là phép thắng lợi tinh thần của AQ ( AQ là một nhân vật của Lỗ Tấn: tự huyễn hoặc mình trỗi vượt hơn mọi người ), là thuốc phiện ru ngủ bọn người cùng đinh?

 

 I - CỰU ƯỚC VÀ QUAN NIỆM GIÀU NGHÈO.   

 

Ta có thể dễ dàng nhận ra có một sự khác biệt về quan niệm giàu nghèo, hay nói đúng hơn một tiến trình nhận thức, tuỳ theo não trạng của con người thời đại. Không thể nói: các tác giả sách cựu ước giáo huấn cho những người đương thời hàng trăm, hàng ngàn năm trước tân ước và chúng ta ngày nay, 2000 năm sau Chúa giáng sinh, là hoàn toàn giống nhau được.

        Chế độ sở hữu nô lệ chẳng hạn. Chiến tranh Nam Bắc Hoa Kỳ: giải phóng cho những người da đen bị buôn bán từ châu Phi làm nô lệ, kết thúc năm 1865. Thế giới, về cơ bản, coi sở hữu nô lệ như tàn ác bất nhân, không thể nào chấp nhận trong xã hội loài người, mới 155 năm gần đây mà thôi. Trước đó, người ta vẫn coi việc chiếm hữu nô lệ là bình thường và hợp pháp.

Phê phán đúng sai phải dựa trên quan điểm lịch sử.

Vậy thì, với quan niệm giàu nghèo, các sách cựu ước nói gì?

1.1. Giàu có là một ân phước của Thượng Đế:

Ta có thể thấy bàng bạc khắp sách cựu ước, một ân phước mà Thiên Chúa ban thưởng cho cá nhân và toàn dân Do Thái là sự giàu có của cải vật chất: khi trung tín thờ phụng Ngài thì được thịnh vượng; trái lại khi bất trung và xa lánh Ngài thì tai ương ập đến: khổ cực, đói nghèo, mất nước, nô lệ cho ngoại bang.

Người Do Thái thời xưa quan niệm rằng: giàu có phải là đông con nhiều cháu, nhiều gia nhân, nhiều súc vật, sở hữu ruộng nương đất đai màu mỡ và sống thọ. Đó là dấu chỉ  được Chúa thương chúc phúc.

Tổ phụ Abraham là người công chính được Chúa thương ban cho dòng dõi: đông đúc như sao trời, nhiều gia nhân, đất đai thẳng cánh cò bay, gia súc đầy đồng. Ông sống thọ 175 tuổi.

Vua Salomon là điển hình nữa cho sự chúc phúc của Thượng Đế. Ông là vị vua cực kỳ giàu có, Chúa phán cùng Salomon: “Ta cũng sẽ ban cho cho ngươi của cải giàu có, danh vọng mà không một vị vua nào trước hay sau ngươi được như vậy.”(1 V 3,15).

Sách Châm Ngôn cũng khẳng định: “Chính phúc lành của Đức Chúa cho ta được giàu sang”.( Cn 10, 22)

1.2. Nghèo khó là án phạt hoặc là sự thử thách của Thượng Đế.

Sau khi ăn trái cấm trong vườn địa đàng, bất tuân lệnh Chúa, từ cuộc sống an vui sung túc, Adam và Eva liền rơi vào cảnh khốn khổ nghèo khó:Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn(St 3, 17-19).

Sách Gióp thì coi sự nghèo khổ là một thử thách mà Đức Chúa gởi xuống.

Sa-tan nói với Chúa: Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản nó (ông Gióp) xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt” (G 1, 11).

Được phép của Chúa, Sa-tan  hành hạ ông Gióp khiến ông mắc phải chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu. Ông ngồi giữa đống tro lấy mảnh sành mà gãi. Bấy giờ, vợ ông bảo: ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa mà chết đi cho rồi. Nhưng ông Gióp đáp lại: cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao? (G 2, 7-10).

Sau sự thử thách trên, ông Gióp vẫn một lòng kiên trung với Thượng Đế .

“Vậy Đức Chúa đã khôi phục tài sản cho ông Gióp. Đức Chúa đã tăng gấp đôi những gì ông đã có trước kia(G 42, 10).

1.3. Sự giàu có hay khó nghèo đều là tạm thời chóng qua. Giàu có phải làm phúc bố thí.

Tất cả đều là phù vân: “Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ; kẻ bo bo giữ của chẳng thu được lợi lộc gì. Điều ấy cũng chỉ là phù vân” (Gv 5,9)

Cựu ước đề cao sự hiểu biết và khôn ngoan hơn là giàu có, “Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu có như không” (Kn 7, 7-11). Vua Salomon đã xin với Chúa sự khôn ngoan và Đức Chúa đã cho ông sự giàu có đi kèm theo.

Cảm nhận sự chóng qua và sự phù vân giả tạo của vật chất, nay còn mai mất, nhất là lúc chết đi thì chẳng còn gì: “Con người ta trần truồng vào thế gian, thì cũng trần truồng mà bỏ nó” (G 1, 21).

Cựu ước khuyên con người ta không nên kiếm tiền một cách bất chính:Đừng bóc lột kẻ nghèo, vì họ đã nghèo sẵn; cũng đừng chà đạp người yếu thế nơi cửa công, vì Đức Chúa sẽ biện hộ cho họ, và ai tước đoạt họ, Người sẽ tước mạng sống”. (Cn 22, 22-23)

Trái lại phải làm phúc bố thí cho người bần cùng: “Ai bố thí cho người nghèo, sẽ chẳng hề túng thiếu.” (Cn 28, 27) và “Người công chính quan tâm đến quyền lợi kẻ nghèo, điều đó, ác nhân làm sao hiểu nổi” (Cn 29, 7)

Kinh nghiệm: sự giàu sang phú quý thường làm cho con người sa đoạ và sau đó thì mất tất cả. Vua Salomon là một ví dụ. Sự giàu có tột độ đã làm cho vua hết khôn: thê thiếp đầy cung điện, sa đàng tội lỗi, bỏ Đức Chúa mà theo tà thần. Rồi cuối cùng là mất ngai vàng và mất nước.

Vì thế, sách Châm Ngôn viết: “Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy đủ, con sẽ khước từ Ngài mà nói: Đức Chúa là ai vậy? Hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con” (Cn 30, 8-9).

Cựu ước đã đem của cải vật chất vào đúng giá trị của nó.

Nếu cựu ước coi sự thịnh vượng giàu có là dấu chỉ ơn phước của Thượng Đế thì trong tân ước, của cải vật chất dường như là nỗi bất hạnh: “Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có” (Lc 6, 20) ?

II. TÂN ƯỚC VỚI ĐỨC KHÓ NGHÈO

 

“Đa kim ngân phá luật lệ”, cái gì không mua được bằng tiền thì mua bằng thật nhiều tiền, điều này cho chúng ta thấy sức mạnh của tiền tài vật chất. Xã hội bây giờ không khác gì xã hội dân Do Thái thời Chúa Giê Su.

2.1. Mãnh lực tiền bạc vật chất

Tiền tài vật chất có một sức mạnh vô cùng lớn, ảnh hưởng trên mọi lãnh vực xã hội. “Có tiền mua tiên cũng được”. Từ cán cân công lý, đổi trắng thay đen, chức vị, tình yêu, đến lãnh vực tâm linh: buôn thần bán thánh, tiền bạc là thước đo, là thực tại tối cao, quy định tất cả. Tiền bạc soán ngôi vua, thành ông chủ đối nghịch và ngang hàng với Thượng Đế.

Chúa Giê Su cũng cảm nhận được vị thế hầu như không thể đạp đổ của cái ông vua không ngai ấy và dạy các môn đệ:Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dễ chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6, 24)

Tiền bạc rõ ràng là một ngẫu tượng, là con bò vàng dân Do Thái đã đúc và thờ lạy trong sa mạc

mà Đức Chúa rất “ghen tị”: “Ngươi không được có thần khác đối nghịch với ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.” (Xh 20, 3-4).

Chính Chúa Giê Su cũng bị ma quỷ đem của cải tiền bạc thế gian ra mà cám dỗ trong hoang địa:Quỷ lại đem người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy và bảo rằng: “tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.”

(Mt 4, 8).

Tiền bạc quả là vô song, nó thống trị và nô lệ hoá con người. Lòng tham tiền bạc kết dính với con người, khó mà thoát cho được:Của cải các ngươi ở đâu thì lòng dạ các ngươi cũng ở đó” (Mt 6, 21)

2.2. Tiền tài vật chất làm tha hoá con người

-                 Tham lam:

Thánh Phao Lô viết trong thư thứ nhất gởi tín hữu Timôthê: “Bởi chưng sự tham lam tiền bạc là cội rễ mọi điều ác” (1 Timôthê 6, 10). Lòng tham của cải làm cho tâm trí hoá ra mù quáng, từ đó gây nhiều tội ác. Ký sự pháp đình ghi nhận biết bao tội ác do lòng tham lam của cải gây ra: lừa đảo, bội bạc, cướp bóc, giết người… Giu Đa Ítcariốt cũng bởi lòng tham lam của cải mà bán thầy mình với giá 30 đồng bạc.

-                 Ích kỷ, chai cứng lòng nhân ái, không biết chia sẻ.

Câu truyện phúc âm kể lại Lazarô nghèo khổ và ông nhà giàu. Cuộc sống dư dật đầy đủ, sung sướng của ông phú hộ bên cạnh Lazarô nghèo khổ, nhặt từng mảnh bánh vụn mà ăn. Khi cả hai cùng chết, Lazarô hạnh phúc trong lòng tổ phụ Abraham; còn người phú hộ thì chịu khốn khó, đói khát trong lửa hoả ngục thiêu đốt.

Phú ông không phải vì giàu có mà bị trừng phạt mà do thái độ dửng dưng trước sự đói khổ của người khác, sống ích kỷ, không quan tâm chia sẻ với kẻ nghèo khó bên cạnh.

Người thanh niên giàu có mà ta mới đề cập ở trên, nổi tiếng với câu nói đầy tranh cãi của Chúa Giê Su : “Người giàu có vào thiên đàng khó như con lạc đà chui qua lỗ kim”. Anh ta tuyên bố đã từng giữ các điều răn từ nhỏ, liệu có tự dối lòng, khi không dám chia sẻ tiền bạc vật chất rộng rãi cho tha nhân, như lời khẳng định của thánh Phao Lô :” Nếu ai nói yêu mến Thiên Chúa, mà lại không yêu anh em mình, người ấy là kẻ nói dối”( 1 Ga 4, 20).

-                 Tự cao, tự phụ, kiêu căng:

Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Timôthê đoạn 6 câu 17-19, thánh Phao Lô đưa ra cảnh báo:Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” vàHọ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật.”

-                 Phóng túng, thác loạn:  

Cha ông chúng ta vẫn dặn dò con cháu “No cơm ấm cật, dâm dật mọi nơi”, thật xác đáng. Đối với Khổng Tử, bậc chính nhân quân tử thì:phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di”, nghĩa là lúc giàu có không vì thế mà sinh tật ăn chơi, khi nghèo túng cũng không vì thế mà bị lung lạc làm điều bất chính. Khi con người đã no đủ thì có khuynh hướng ăn chơi thoả thích, no say, không kiềm chế được bản năng.

Dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” trong phúc âm: vì ham tiền của mà người con út đang tâm từ bỏ cả người cha thân yêu của mình, đòi chia gia tài đi phương xa. Có tiền rồi thì ăn chơi đàng điếm, phóng túng.

-                 Giả hình, gian dối, vụ hình thức bề ngoài:

Cha ông ta thường nói “phú quý sinh lễ nghĩa”. Giàu có thì phát sinh lễ nghi hình thức. Ta không cho hình thức là xấu nhưng vụ hình thức thì không tốt. Nhiểu người tỏ vẻ sang trọng bên ngoài còn bên trong thì rỗng tuếch, giả dối, hai lòng. Nhiều người làm từ thiện để đánh bóng mình, thực tế thì cho đi những gì thừa thãi, hoặc tự dối lòng mình cũng làm điều bác ái cho anh em, không đúng với sự chia sẻ chân thực là hy sinh chính mình.

Còn nhiều nữa sự tác hại của tiền tài vật chất lên đời sống. Nhưng liệt kê như thế cũng đủ cho ta thấy, lý do tại sao Chúa Giê Su lại dị ứng đến thế với sự giàu có thế gian.

Trong bài giảng tám mối phúc thật như một tuyên ngôn nước trời, điều trước tiên Ngài phán chính là tinh thần nghèo khó:Phúc cho ai có lòng khó nghèo vì nước trời là của họ” (Mt 5,3)

Ngài đòi buộc các môn đệ phải có thái độ buông bỏ dứt khoát “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với nước Thiên Chúa”(Lc 9, 62).

2.3. Đức khó nghèo và đời sống tu trì

-                 Gương khó nghèo của Chúa Giê Su :

Đời sống Chúa Giê Su là tấm gương cho môn đệ sống đời khó nghèo.

Người ta đã nói quá nhiều về sự nghèo khó của Ngài. Ta chỉ đề cập ở đây tính cách nghèo trổi vượt, không ai có thể làm, như thánh Phaolô nói: “Đức Giê Su Ki Tô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân.” (Pl 2,6-7).

Hay như khởi đầu phúc âm thánh Gioan “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1, 3)

Từ hang đá giáng sinh nghèo hèn, đến hy sinh trên thập giá trần truồng, Ngài đã trở nên nghèo thật sự.

Cay đắng nhất của cái nghèo là mất hết sự cảm thông, trở nên trơ trọi, cô độc. “Thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người”(Ga 1, 10). Ngài đã biết trước hết mọi sự và đã chấp nhận nó.

Khoa học đã tìm ra nguyên nhân mồ hôi rịn ra cùng với máu, ở nơi người bị một nỗi lo sợ cùng cực được biết trước. Chúa Giê Su đã trải qua tâm trạng đó trong vườn cây dầu: bị phản bội bởi môn đệ thân tín; bị ruồng bỏ, chối từ  bởi những người thân thiết nhất, đồng cam cộng khổ hàng ngày; bị hành hình độc ác cho đến chết; bị tước đoạt hết mọi sự: “Người đã bị khai trừ khỏi đất người sống…Bởi vì Người đã hiến thân chịu chết và đã bị liệt vào hạng phạm nhân.(Is 52, …)

Chúa Giê Su đã nghèo thật sự khi không còn lại gì: thân thể thì rách nát; bị phỉ báng sỉ nhục: tiếng tăm như Đấng Cứu Thế Messia, mới tuần trước khi được toàn dân tung hô, thì nay là tội đồ:Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng nộp cho quan” (Ga 18,30). Môn đệ thì xa lánh, sợ liên luỵ đã bỏ đi hết, chẳng còn mấy người.

Còn gì đắng cay hơn khi cả Chúa Cha dường như cũng bỏ mặc Ngài “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni!  Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15, 34)

Đến đây chúng ta mới thực sự ngụp lặn trong sự huyền nhiệm của việc cứu độ, mà Thiên Chúa đã làm cho con người, và cảm nhận cái nghèo tận cùng của Chúa Giê Su trên thập giá.

-                 Tu sĩ : những người được Chúa Giê Su tuyển chọn :

Ngay từ đầu, môn đệ Chúa Giê Su đã phải từ bỏ ý riêng, điểu rất quan trong trong đời, là sự do chọn lựa.

“Không phải anh em đã chọn thầy nhưng chính thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái” (Ga 15, 16).

Khó nghèo là tiêu chuẩn hàng đầu. Buông bỏ tất cả: cha mẹ, vợ con, ruộng vườn tài sản… Ông Phêrô thưa với Chúa:Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo thầy…” (Mc 10, 28)

Nhiều người giàu có, chẳng biết làm gì cho hết của cải, thấy cuộc sống ngắn ngủi, than vãn: tiền nhiều để làm gì ?

Tu sĩ của Chúa cũng tự hỏi câu tương tự : khó nghèo để làm gì?

Thì để sinh hoa trái, bởi vì:

·                Cái nghèo làm tăng tính quảng đại, rộng rãi, vị tha.

·                Cái nghèo làm tăng lòng nhân ái, chia sẻ.

·                Cái nghèo làm cho ta biết khiêm tốn, nhịn nhục .

·                Cái nghèo giúp tâm hồn thanh khiết, tự chủ bản thân, dũng cảm.

·                Cái nghèo giúp công bình, chính trực liêm khiết thật thà.

·                Cái nghèo giúp thăng hoa gắn bó với Thiên Chúa và nước trời.

Không còn dính bén đến của cải, người thánh hiến đặc biệt cho Chúa sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tinh thần, chuyên tâm lo việc nhà Chúa:

“ Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất” (Ga 12, 15). Con người tự do nhất là khi không còn gì để mất, kể cả thân xác mình. Không gì ép buộc được ta và ta có thể tự do làm những gì mình muốn.

Thánh Phaolô:Tôi coi mọi thứ như cỏ rác, khi có Đức Kitô “(Pl 3, 8). Với người môn đệ, chỉ có Chúa Kitô là đủ. Rác rến là thứ phải vất đi; không ai giữ lại rác rến bao giờ.

III. GIÁ TRỊ CỦA VẬT CHẤT

 

3.1. Thiên Chúa là ông chủ rất giàu có.

Cả cựu ước và tân ước đều coi Thiên Chúa là nguồn cội của giàu sang phú quý. Ngài muốn sao thì tuỳ.

Từ sách Sáng Thế Ký, Đức Chúa sáng tạo mọi thứ từ hư không, cho con người quyền quản lý và sử dụng.

Cho đến sách Các Vua: vương quyền và sự giàu có đều do Ngài.

Sách Gióp nói của cải vật chất đều do Chúa ban: “Đức Gia Vê đã ban cho, Đức Gia Vê lại cất đi (G 1, 20)

Tân ước cũng quan niệm như vậy. Chúa Giê Su diễn tả Chúa Cha bằng những dụ ngôn qua hình ảnh ông chủ giàu có, độc lập và toàn quyền:

·                Ông chủ vườn nho, trả công cho người làm sớm muộn do mình (Mt  20)

·                Ông vua là chủ nợ, đòi đầy tớ thanh toán sổ sách (Mt 18, 23-34)

·                Ông vua mở tiệc cưới ( Lc 14, 15-24)

·                Ông chủ vườn nho và những tá điền gian ác. (Mc 12, 1-12)

·                Ông chủ và đầy tớ trung tín (Lc 12, 42-46)

·                Ông chủ và người quản lý bất trung.( Lc 16, 1-8).

·                Ông chủ giàu có giao những nén bạc cho đầy tớ, trước lúc đi xa (Mt 25, 14-30)

Cũng như dụ ngôn đứa con hoang đàng, người cha là ông chủ giàu có chia gia tài cho con theo lời yêu cầu của nó, để nó tự do tiêu pha.

Chúa Giê Su cũng nói đến sự giàu sang của Thiên Chúa không gì sánh, khi giảng dạy các môn đệ tin tưởng vào sự quan phòng: long bào của vị vua giàu có nhất thế gian là Salomon cũng không đẹp bằng bông huệ ngoài đồng, nay còn mai mất.

Chúa đã tạo dựng thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, phong phú mà lại còn hào phóng nữa.

Ta cứ suy nghĩ mà xem: cây cỏ hoa trái, nước nôi, không khí, ánh sáng mặt trời, tài nguyên bất tận trong lòng biển, lòng đất… là để cho ai?

Ngài cũng cho chúng ta phương tiện tuyệt vời để sử dụng chúng:

·                Vẻ đẹp, màu sắc lung linh kỳ ảo có giá trị gì, nếu không có đôi mắt nhìn ngắm.

·                Âm thanh trầm bổng du dương, cũng như không, nếu thiếu đôi tai thưởng thức.

·                Hương thơm lan toả cỏ hoa, vị ngọt bùi cây trái cũng vô ích khi không có mũi ngửi và lưỡi nếm.

·                Ta cũng không thấy được cái mềm mại, dịu dàng của làn gió nhẹ mơn man nếu không có sự tinh tế của xúc giác.

·                Và hơn tất cả là bộ não tinh vi tổng hợp, cảm nhận và đánh giá.

( Suy nghĩ lan man cho vui:

Chỉ có con người là bạn thật sự của Thiên Chúa, vì chỉ có con người mới đủ những điều kiện trên, vạn vật không có được.

Trong vườn địa đàng, khi tạo dựng xong mọi thứ, Chúa thấy Adam vẫn buồn và cô đơn, vì không tìm đâu ra người bạn tri kỷ trong đám thú vật vô hồn kia. Ngài liền tạo dựng Eva có tri giác, cóđầu óc”,”tình yêu”, Adam liền mừng rỡ hân hoan đón nhận.

               Có lẽ con người là tạo vật duy nhất để Thượng Đế “khoe” công trình sáng tạo tuyệt diệu của mình).

Ngạn ngữ Latinh có câu “Nemo dat quod non habet” (không ai có thể cho cái mà mình không có). Đừng lo, Chúa cho mỗi người chúng ta dư dật mọi thứ ta cần. Bạn hãy nhìn quanh mình để tự khám phá ra những thứ Ngài ban cho bạn một cách nhưng không, cả vốn liếng để bạn sinh lợi và trở nên giàu có.

Chỉ khác ở chỗ “ Phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi”( Mt 25, 29).

Thật đó bạn ạ. Bạn có nhớ dụ ngôn nén bạc trong phúc âm: có một ông chủ giàu có kia trước lúc đi xa, gọi gia nhân lại và giao người thì 5 nén bạc, kẻ thì 2 nén , người thì 1 nén và nói các ngươi hãy sinh lợi để khi ta về sẽ thu lại cả vốn lẫn lời.

 Bạn có giống người được giao 1 nén, đem chôn đi nén bạc được giao, làm thui chột khả năng sinh lợi: thời gian của bạn, cơ hội, khả năng, nhận thức, sức khoẻ, ý chí, giao tế và cả tấm lòng của bạn?

3.2. Giá trị chân thực của vật chất:

-                 Của cải vật chất rất quý; nhân phẩm còn quý hơn:

Thiên nhiên dầu có huy hoàng tráng lệ thì cũng không là gì với giá trị con người.

Chính Chúa Giê Su đã khẳng định điều này khi nói:Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?(Mt 6, 26)

Đoạn khác: “Anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10, 31)

Của cải vật chất, dù có nhiều mãnh lực đến đâu, cũng không bằng sinh mệnh con người, nó chỉ là tạo vật thấp kém dưới con mắt Thiên Chúa.

Vậy hà cớ gì lại tôn nó làm ông chủ mà thờ, mà làm tôi mọi, thâm chí có người còn coi nó quan trọng hơn cả Thiên Chúa. Có gì ngu dại hơn?

-                 Nhận chân giá trị: nước trời ưu tiên, tiền bạc thì chóng qua.

Phúc âm kể truyện: (Lc 12, 16-21)

“Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu. Rồi ông ta tự bảo: mình sẽ làm thế này, phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình có vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Cựu ước coi của cải chỉ là phù vân, chóng qua. Trong tân ước, Chúa Giê Su đã trả lại cho của cải vật chất đúng vị trí của nó phải có. “Tiên vàn hãy tìm kiếm nước trời và đức công chính của Người, còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho sau.” (Mt 6, 33).

Ngài còn cảnh giác chúng ta phải rất cẩn thận trước cái bã vinh hoa làm cho chúng ta chọn sai, xa tình yêu chân thật là Thượng Đế, để mất ơn cứu độ là cái cần hơn.

Trong dụ ngôn nước trời giống như viên ngọc quý, người khôn là người biết dùng vật chất chóng qua để mua lấy cái bền vững đời sau: “Nước trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy”. (Mt 13, 45)

-                  Sử dụng tiền của cho đúng :

       Cách ngôn có câu:“ của cải là một ông chủ tồi và là một đầy tớ tốt”.

·                Tiết kiệm, không lãng phí:

Trong sa mạc, Đức Chúa đã cho dân Do Thái no nê, ngày này đến ngày kia manna nuôi sống họ, nhưng Ngài cũng quy định không được lấy nhiều hơn những gì mình cần.

Chúa Giêsu làm phép lạ bánh hoá nhiều cho hàng ngàn người ăn no nê. Ngài cũng bảo các môn đệ sau đó thu gom bánh vụn kẻo lãng phí.

Ta cũng vậy, không nên bủn xỉn. Hà tiện là thái độ của kẻ ti tiện, quý trọng thái quá vật chất hay hư nát, không tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa luôn chăm sóc đời ta, không độ lượng và đủ quảng đại để sẵn sàng chia sẻ và cho đi.

Cũng không sử dụng lãng phí của cải Chúa ban, quanh ta không biết bao nhiêu người đói khổ đang cần của ăn.

Khai thác thiên nhiên vừa đủ và tái tạo nó để không lãng phí tài nguyên cho thế hệ sau.

·                Quảng đại và biết cho đi :

         Một quy luật sự giàu có là tính cách luân chuyển của vật chất. Vật chất luân chuyển thì mới sinh lợi. Nó cũng như dòng nước hay như thức ăn trong ta, nếu đọng lại ắt sinh hại. Cho đi tưởng là mất, nhưng ngược lại, mối lợi đem lại nhiều hơn. “Khi hiến thân là lúc được nhận lãnh” (kinh hoà bình).

Đời sống không phải chỉ là cơm áo gạo tiền: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4) mà lời Chúa lại là lời hằng sống. Lời đem lại sự sống thật đời đời.

·                Sử dụng tiền của đúng mục đích, đúng lúc, đúng nơi cần:

          Ta không khinh ghét của cải Chúa ban để ta được sống và sống phong phú dồi dào như Ngài muốn, nhưng biết sử dụng nó phải phép, đúng lúc, đúng nơi. Của cải Chúa ban không chỉ để giúp người nghèo như một bổn phận mà thôi:” Người nghèo thì lúc nào các con cũng có bên cạnh mình”( Mc 14, 7), nhưng còn bao nhiêu việc khác nữa: nhà thờ, bệnh viện, trường học… và muôn vàn những việc lớn nhỏ cần đến sự đóng góp của ta để thăng tiến đời sống, phục vụ công ích.

           Bình dầu thơm đáng giá 300 đồng, thời Chúa Giê Su, cũng to lắm nhưng là việc đáng làm. Chúa Giê Su để mặc cho người phụ nữ đổ dầu thơm quý giá lên mình :” Cô ấy đổ dầu thơm trên mình thầy là hướng    về ngày mai táng thầy”.(Mt 26,  12)

Tiền bạc nhiều khi làm ta thui chột, bị choá mắt, không nhận ra việc đáng phải làm. Trong phúc âm thánh Mát Thêu: “Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”.Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy.”(Mt 25, 31-34).

Được mấy người trong chúng ta thấy Chúa trong hình hài những người nghèo vất vưởng rách nát, hay chỉ biết chúc mừng những vị quyền cao chức trọng, áo mũ xênh xang.   

·                Của cải và sự công bằng:

         Của cải ta có phải là những đồng tiền sạch, chúng không đến từ nguồn dơ bẩn: tham nhũng, hối lộ, buôn bán gian lận…Với nhiều người, giàu có là do làm ăn bất chính, bóc lột người khác:Người nào hà hiếp kẻ nghèo, ắt sẽ làm cho nó giàu có” (Cn 22, 16).

  Đức công bằng đòi buộc phải đền bù. Ông Giakêu là người thu thuế giàu có, sau khi nhận chân được giá trị tiền bạc, đã tự nguyện:Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

   Và Chúa Giê Su khen ông: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này.” (Lc 19, 8-9).

·                Sống đơn giản, thanh nhàn :

          “Tri túc, tiện túc” (biết đủ là đủ). Như sách Châm Ngôn: “Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng.” (Cn 30, 8).

          Trong kinh lạy Cha , Chúa Giê Su dạy ta: Xin cho chúng con lương thực hằng ngày” cũng là triển khai ý đó.

          Tôi nhớ, lần kia, đi với đoàn CCFD ( tổ chức chống đói nghèo và giúp phát triển của giáo hội Pháp) sang Lào, mục đích giúp đỡ dân tộc thiểu số vùng rừng núi xoá đói giảm nghèo. Chiều đến, thấy bên bờ suối một đôi vợ chồng người dân tộc và hai đứa trẻ, nướng con cá to trên bếp củi hồng, chia sẻ nhau ăn, chan hoà hạnh phúc.

          Tôi trộm nghĩ, đưa họ xuống đồng bằng với “điện, đường, trường, trạm” có là giải pháp tốt hay ngược lại mới hợp lý. Sống đơn giản, hoà mình vào thiên nhiên giàu có hay là tước đoạt làm nghèo nó, để phục vụ cho những tiện nghi phức tạp của mình, là đúng hay sao ?

PHẦN KẾT

Đấng Messia mà dân Do Thái trông chờ, Ngài không đến để tổ chức một đội quân có binh hùng tướng mạnh, giúp dân đánh đổ cảnh nô lệ ngoại bang; cũng không phải là vị cứu tinh trần thế, giúp dân thoát cảnh đói rách lầm than. Ngài đến để cứu con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi. “Loan báo tin mừng cho người nghèo, trả tự do cho người bị áp bức”(Lc 4, 18) là đứng về phía người nghèo, người thấp cổ bé miệng, người bị áp bức để họ thoát nghèo, thoát lao tù, áp bức của tội lỗi, của thần dữ.

Phúc âm không bao giờ cổ vũ cho sự đói nghèo cũng như miệt thị những ai giàu có vật chất. Giáo hội của Chúa Giê Su cũng vậy. Giáo hội nỗ lực không ngừng nghỉ để thăng tiến người nghèo, thiết lập công bằng xã hội. (Xem học thuyết xã hội Công Giáo, kim chỉ nam đời sống xã hội).

Giáo hội hướng dẫn mọi người sử dụng của cải vật chất như một phương tiện cần thiết và đúng đắn, để đạt mục đích tối hậu là sự cứu rỗi cho mình và cho đồng loại.

            Không biết từ bao giờ, có thể bởi lòng mộ đạo cảm tính và cực đoan, nhiều người trong chúng ta

rất dị ứng với sự giàu có, coi nó như cùng phe với thế gian ma quỷ, đồng thời tôn sự nghèo khó như một đức hạnh đáng ngưỡng mộ.

Ta thấy rõ, điều đó đi ngược lại với tự nhiên và giáo huấn phúc âm.

Thăng tiến xã hội, bảo vệ và nâng cao phẩm giá con người, luôn là mục tiêu hàng đầu của giáo hội Chúa Giê Su.

Nếu nghèo khổ là một đức hạnh thì hà cớ gì mà phải đấu tranh với bất công, cứu giúp kẻ khốn cùng?

Thánh Phaolô: “Quả thật, anh em biết Đức Giê Su Ki Tô Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” (2 Cor 8, 9).

Trả lại của cải vật chất giá trị của nó và trân trọng sự nghèo khó tự nguyện của môn đệ theo gương Chúa Giê Su, như lời thánh Phaolô trên đây, mới đúng giáo huấn của Phúc Âm.

Chúa Giê Su nói “Ách ta thì êm ái, gánh ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11, 30).

 Sống đạo thì rất khoẻ, rất tự nhiên, không có gì là khó khăn cả…” Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi…và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an” (Mt 11, 29).

Còn gì an ủi hơn vì biết rằng Chúa là Cha chúng ta rất giàu có, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ngài rất hào phóng và thương yêu chúng ta và đã hứa cho chúng ta tham phần vào hạnh phúc của Ngài, Tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15, 31) như Ngài nói với người anh cả trong dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng. Quả đáng cho chúng ta suy nghĩ.

 

Tác giả: Tiếng sa mạc


Trang Kinh Thanh