Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu Kitô Theo Thánh Gioan - (Ga 18-19)

Lm. Giuse Ngô Quang Trung 

Tin mừng Gioan được trình bày một cách đặc biệt về văn phong cũng như về nội dung, và rất khác biệt với các Tin mừng Nhất lãm. Các nhà chú giải Kinh Thánh từ lâu đã cho rằng Gioan sử dụng một hình thức kĩ thuật vòng tròn để viết nên toàn bộ sứ điệp của ngài một cách thực tế và sống động trong mỗi đoạn Tin mừng.

Chúa Giêsu là trung tâm điểm của Tin mừng. Người là Ngôi Lời vĩnh cửu sinh ra từ chính sự sống của Thiên Chúa trước khi thời gian khởi đầu. Người bắt đầu hiện hữu trong thời gian và một không gian cụ thể, trở thành xác phàm để mặc khải vinh quang của Thiên Chúa cho thế giới. Mặc khải Thiên Chúa là tâm điểm sứ vụ của Người. Đó không phải chỉ là công việc phổ biến thông tin về Thiên Chúa. Điều chính yếu Chúa Giêsu muốn mặc khải cho con người, đó là Thiên Chúa không lên án thế gian nhưng Ngài yêu thế gian và sai Con Một đến cứu độ nhân loại (3,16-17).

Mọi khía cạnh của cuộc đời Chúa Giêsu trở thành Lời mặc khải. Những lời của Người được Gioan ghi lại và kết tạo thành những diễn từ dài, đầy chất suy tư, và trở thành lời sự thật mặc khải về Thiên Chúa. Những hành động chữa lành của Người trở thành “dấu chỉ” hiển minh biểu hiện vinh quang Thiên Chúa. Những hành vi chữa lành đó cũng được coi là dấu chỉ tỏ hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người. Ngay cả cái chết của Người cũng trở thành một dấu chỉ cho thấy phẩm chất tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa đối với thế gian (15, 12-13).

Ngôi Lời đi vào thế giới và qua cái chết và sự phục sinh lại trở về với Thiên Chúa. Sự trở lại với Thiên Chúa – không chỉ của Ngôi Lời mà cũng của toàn nhân loại là mục đích cuối cùng của sứ vụ Chúa Giêsu đối với nhân loại. Do đó, cái nhìn toàn cảnh của Gioan đã được đúc kết trong 17,21-22: “Con cầu nguyện cho họ để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”. Và để giúp các môn đệ và thế giới đạt được vận mệnh Thiên Chúa trao ban, Chúa Kitô Phục Sinh gửi sức mạnh của Thần Khí vào thế giới.

Tin mừng Gioan có thể được chia thành bốn phần chính:

1.    Lời Tựa (1,1–18)

2.    Sách Các Dấu Chỉ (1,19–12,50)

3.    Sách Vinh Quang (13,1–20,31)

4.    Trở Về Galilê (21,1–25)

Chúng ta chú ý trình thuật Thương Khó nằm trong phần ba, Sách Mặc Khải Vinh Quang.

Chuẩn bị cho Trình thuật Cuộc Khổ Nạn

Cái chết của Chúa Giêsu là sợi chỉ đỏ đưa dẫn câu chuyện trong Tin Mừng Gioan ngay từ đầu cho đến cuối. Trong tất cả các Tin mừng, Gioan trình bày rõ nhất cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và các đối thủ của Người. Ngay khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai thì xung đột đã nổ ra một cách hết sức gay gắt. Và khi sứ vụ của Người đang xuôi chiều thuận tiện thì cuộc xung đột và những cơ hội đối diện thường trở nên căng thẳng đôi khi nhuốm màu sắc bạo lực.

Ba lần báo trước cái chết trong Tin mừng Marcô cũng có những điểm tương đồng trong Tin mừng Gioan qua những câu nói “Con Người được giương cao”. Trong thực tế đối với Gioan, thập giá của Chúa Giêsu vừa là dấu chỉ của cái chết, vừa là cuộc tôn vinh.

Trong Gioan 3,14, “Con Người phải được giương cao, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”, chúng ta đừng nghĩ đối với Gioan Chúa Giêsu sẽ phải bước tới thập giá. Người không bị “trao nộp” như trong các Tin mừng khác. Trong Gioan, “được giương cao” có hai ý nghĩa. Trước hết, hành động ấy ngụ ý được treo lên thập giá nhưng cuối cùng cũng là được đến cùng Chúa Cha.

Lần thứ hai “được giương cao” xuất hiện trong Ga 8,28. Lần này Chúa Giêsu trả lời cho những người Pharisêu là tất cả những gì Người đang làm Người thực thi ý định của Chúa Cha. Trường hợp thứ ba xuất hiện trong Ga 12, 32,34, Chúa Giêsu loan báo Người sẽ được tôn vinh.

Quan niệm của Gioan về chuỗi bi kịch trong Tin mừng mang một chiều kích không gian. Chúa Giêsu, Con Người từ trời “bước xuống”, cũng được “sai đến” từ Thiên Chúa. Người “đi vào thế gian” và “ở lại” đó. Ngược lại, với cái chết, Chúa Giêsu “rời khỏi thế gian”, và “trở về” với Chúa Cha, cũng như Người “ngự lên” nơi Người ở trước đó.

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng Ga 12,27-36 gợi nhớ đến nỗi xao xuyến của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu như được mô tả trong các Tin mừng Nhất lãm. Còn ở đây, Chúa Giêsu nhận được lời xác nhận từ trời, “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa”. Đối với Gioan, cái chết hay sự tôn vinh Chúa Giêsu là một hành động thể hiện sự vinh quang, đem lại vinh quang cho chính Thiên Chúa. Tất cả là kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, và phải diễn ra vào thời điểm được ấn định.

Khía cạnh thời gian được ấn định này xuất hiện rõ ràng trong ý tưởng của Gioan về “giờ”. Lần đầu tiên chúng ta gặp thấy điều này trong Ga 2,4 khi Chúa Giêsu nói với mẹ Người rằng giờ của Người chưa đến. Trong Chương 7, kẻ thù của Chúa muốn bắt giữ Chúa nhưng không thể tra tay bắt vì giờ của Người chưa đến (7,30). Một ghi nhận tương tự cũng thấy trong 8,20 nơi Chúa Giêsu lên án mạnh mẽ những người Pharisêu trong Đền Thờ, nhưng họ cũng không bắt Người được vì “giờ” của Người chưa đến. Và Sách Vinh Quang bắt đầu bằng lời tuyên bố long trọng: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (13,1).

Tin mừng Gioan về cuối thường kết nối “giờ” chết của Chúa Giêsu với ý niệm về vinh quang. Chúng ta có thể thấy điều này trong Chương 12 khi người Hi Lạp đến gặp Chúa và Người nói với họ rằng: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (12,23). Một lần nữa “giờ” được nói đến trong Chương 17 ngay trước khi bắt đầu trình thuật cuộc Khổ Nạn: “Nói thế xong, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện: ‘Lạy Cha, giờ đã đến! xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha’” (17,1).

Các ý niệm về “vinh quang”, “tôn vinh” mang ý nghĩa thần học rất phong phú trong Tin mừng Gioan và liên kết chặt chẽ với cách giải thích sâu xa của ngài về Chúa Giêsu là Đấng mặc khải trọn vẹn về Thiên Chúa. Toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu và công việc của Người là để “tôn vinh” Thiên Chúa, nghĩa là để đem lại cho Thiên Chúa danh dự và lời ngợi khen xứng hợp (x. 17,4). Và đến lượt mình, Chúa Cha lại  tôn vinh Chúa Giêsu bằng cách ban cho Người chiến thắng tử thần: “…Giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (17,5).

Khi nối kết “giờ” về cái chết của Chúa Giêsu với ý niệm về “vinh quang”, đặc biệt trong phần sau của Tin mừng, Gioan chuẩn bị cho người đọc về nghịch lý của thập giá. Đó là một khoảnh khắc dường như bị đẩy về phía trước do quyền lực khủng khiếp của bóng tối làm chủ, nhưng đó cũng là giờ khắc của sự tôn vinh và khải hoàn khi vinh quang Thiên Chúa rực sáng nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh.

Chủ đề lễ Vượt Qua cũng được Gioan sử dụng rất hiệu quả trong Tin mừng. Ông Gioan Tẩy Giả xác định Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (1,29, 26), một chỉ dấu rõ ràng về con chiên bị giết trong nghi lễ Vượt Qua. Đối với Gioan, Bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ  không phải là cử hành lễ Vượt Qua. Trái với  truyền thống Nhất Lãm, Gioan cho rằng tiệc Vượt Qua trong năm Chúa Giêsu chết rơi vào đêm trước ngày Sabát – tức là vào thứ Sáu Tuần Thánh. Đối với Gioan, Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” bị giết như những con chiên khác vào lúc 12 giờ đêm. Nếu Người là Chiên Thiên Chúa, thì không một cái xương nào của Người bị đánh gãy trên thập giá.

Gioan cũng bỏ qua những lời cầu nguyện tạ ơn mà chúng ta thấy trong các Tin mừng Nhất lãm. Tuy nhiên, bữa ăn cuối cùng là một bữa ăn kéo dài. Nó bắt đầu từ Chương 13 và kéo dài đến Chương 17, trong đó chúng ta thấy có những bài diễn từ cáo biệt. Chính từ những bài diễn từ li biệt này, chúng ta rút ra những chủ đề quan trọng của thần học Kitô giáo: Chúa Giêsu là “Cây Nho thật” và là “Con Đường” đến với Chúa Cha, lời hứa ban Chúa Thánh Thần… Vào lúc bắt đầu bữa ăn cuối cùng này, Chúa Giêsu làm một cử chỉ rất đặc biệt – Người đứng dậy khỏi bàn ăn và rửa chân cho các môn đệ. Đối với Chúa Giêsu, đây là một hành động rất quan trọng. Nó biểu thị hai điều. Trước hết, đó là một cách để hiệp thông với Chúa. Đó là lí do tại sao Người nói với ông Phêrô: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (13,8). Thứ hai, Người đưa ra cho môn đệ một mẫu gương để họ làm theo (13,14). Bữa ăn tối cuối cùng không chỉ là bữa ăn để hiệp thông với nhau và với Chúa Giêsu, mà chủ yếu còn mang một ý nghĩa biểu tượng – một mệnh lệnh – cho tất cả chúng ta trong việc phục vụ tha nhân. Các linh mục cũng cần luôn ghi nhớ bổn phận phục vụ trọng yếu của mình là cử hành Bí tích Thánh Thể – để tưởng niệm “Bữa ăn cuối cùng” mà Chúa chỉ thị. Đó không phải là một đặc quyền mà là một mệnh lệnh phục vụ cộng đoàn.

Nhưng còn những lời chúc tụng, lời tạ ơn và bánh và rượu? Tại sao Gioan loại bỏ những chi tiết nghi thức đó khỏi bữa ăn tối cuối cùng? Chúng ta có thể suy đoán rằng Gioan đặt mọi thứ trong một viễn tượng riêng – cụ thể bữa ăn cuối cùng là một dịp đặc biệt mà Chúa Giêsu muốn hiện diện và chia sẻ tâm tình với các môn đệ thân cận nhất của mình. Người đưa ra cho họ chỉ dẫn lần cuối trước khi đi vào cuộc thương khó và đón nhận cái chết bi thảm. Đó là bữa ăn tóm kết toàn bộ cuộc đời của Chúa cũng như nối kết với cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Nó cũng là sự tiếp nối “các bữa ăn-hiệp thông” khác nhau mà Người đã cử hành với các môn đệ và với nhiều nhóm khác xuyên suốt thời gian hoạt động sứ vụ của mình. Gioan đã kết nối các dữ kiện khác nhau để trình bày một nền thần học về Bí tích Thánh Thể ngay từ Chương 6 trong bối cảnh Người nuôi sống năm ngàn người khi Người tuyên bố: “Tôi là bánh bánh trường sinhBất cứ ai đến với tôi sẽ không bao giờ phải đói” (6,35). Một lát sau, khi người Do Thái tranh luận làm sao một người có thể cho người ta ăn thịt mình, Chúa Giêsu liền nói rằng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời…” (6,54).

Chỉ trong Tin mừng Gioan, cái chết được hiểu là một hành động đặc biệt biểu tỏ tình bạn và tình yêu: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (15,12-13).

Cũng chỉ trong Tin mừng Gioan, chúng ta có trình thuật Lazarô sống lại. Rõ ràng đoạn văn này được sử dụng để giải thích sự sống lại và ý niệm về sự sống vĩnh cửu khi người ta tin vào Chúa Giêsu. Đồng thời, cái chết của Lazarô cũng báo trước cái chết của chính Chúa và là nguyên nhân cuối cùng dẫn đến cái chết của Người (x. 11,45-53). Do đó, việc cho Lazarô sống lại đã tóm kết sứ vụ của Chúa Giêsu trong Tin mừng và mặc khải ý nghĩa cái chết của chính Người: qua thập giá Chúa Giêsu sẽ giải cứu người mình yêu mến khỏi quyền lực của tử thần.

Một điểm cuối cùng giúp cho chúng ta có được sự nhận xét tổng quát trước khi đi vào trình thuật  cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, đó là sự chống đối dữ dội nhắm vào Chúa Giêsu được ghi nhận trong Tin mừng Gioan. Sự phản đối đó là của những người từ chối tin vào Người. Tuy nhiên, theo quan điểm của Gioan, đằng sau tất cả sự thù địch dai dẳng này ẩn khuất bộ mặt của ác quỷ. Tin mừng Gioan không thuật lại phép trừ quỷ, đó là một điểm khác biệt lớn với các Tin mừng Nhất lãm. Nhưng Chúa Giêsu chiến đấu với cái ác mà các Tin mừng Nhất lãm thể hiện bằng các câu chuyện trừ quỷ, lại tìm thấy âm vang của nó trong Tin mừng thứ tư trong cuộc xung đột quyết liệt giữa Chúa Giêsu và các đối thủ của Người. Sự đối kháng này đạt đến đỉnh điểm của nó trong nhân vật Giuđa, một trong những môn đệ của Chúa. Hãy đọc 13,2 : “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Itcariốt ý định nộp Chúa Giêsu”.

Chúa Giêsu bị bắt giữ (18,1-11)

// Mt 26,47-56; Mc 14,43-50; Lc 22,47-53

Gioan bắt đầu câu chuyện về cuộc khổ nạn bằng việc bắt giữ Chúa Giêsu khi Người đối đầu với kẻ thù của mình (18,1-1). Cấu trúc cũng tương tự như của Nhất lãm, tuy nhiên Gioan đề cập riêng đến việc các ngài đã vượt qua thung lũng Kítrôn và đến một khu vườn ở gần đó. Đó là một nơi rất quen thuộc đối với Chúa Giêsu cũng như các môn đệ. Các ngài dự định sẽ qua đêm ở đó. Điều này là khá bình thường, vì vào dịp lễ Vượt Qua nhiều đám đông dân chúng đã tuốn đến Giêrusalem gây nên cảnh chật chội và tất cả  được yêu cầu phải qua đêm ở bên ngoài thành phố.   

Trong cảnh bắt giữ, tác giả Tin mừng trình bày diễn tiến cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Giuđa bằng cách sử dụng biểu tượng bóng tối. Khi đón nhận miếng bánh từ Chúa Giêsu trong bữa ăn tối, Satan đã nhập vào anh ta, và anh ta đi ra ngoài vào “đêm tối” (13,30). Gioan một lần nữa lại nói đến cảnh đêm tối khi ngài nhắc lại rằng Giuđa cùng với những toán quân và đám thuộc hạ của các thượng tế mang theo đèn đuốc và khí giới (18,3).

Ở đây, chính Chúa Giêsu hoàn toàn làm chủ tình hình, Người bước ra và hỏi họ: “Các anh tìm ai?” Họ đáp: “Tìm Giêsu Nadarét.” Chúa nói: “Chính tôi đây”, lúc đó họ “lùi lại và ngã xuống đất”(18,6). Chúa Giêsu xuất hiện trong uy thế của một người làm chủ mọi tình huống.

Lời Chúa nói với Giuđa và binh lính theo nghĩa đen làego eimi, Tôi là”. Tác động của lời này đối với đối thủ của Chúa Giêsu đã cho thấy đây là một tình huống mà Chúa Giêsu mặc khải danh thánh của Người, vốn chỉ được gán cho Thiên Chúa trong Kinh Thánh Hípri, “Tôi là”. Ở đây Gioan đang chơi chữ với từ ngữ “ego eimi” để nói đến bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Đó là một mặc khải về Thiên Chúa. Nhiều lần, Gioan cũng sử dụng cùng một phương thức đó trong Tin mừng của ngài (x. 13,19).

Những kẻ bắt Chúa Giêsu lùi lại trước uy quyền thiêng liêng toát ra từ Chúa Giêsu và họ ngã dúi  xuống đất (18,6), đó là một phản ứng theo kinh thánh, điển hình cho sự hiển linh của sự hiện diện thần linh.

Chúng ta cũng có thể thấy ở đây một sự khác biệt rõ rệt với các Tin mừng Nhất lãm, nơi Giuđa lù lù  xuất hiện trao cho Chúa Giêsu một cái hôn phản bội để chỉ điểm Chúa Giêsu. Gioan không thuật lại như vậy. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn bảo vệ các môn đệ của mình để họ không cần phải chạy trốn: “Nếu các anh tìm bắt tôi thì hãy để cho những người này đi”, và như vậy Người đã giành được tự do cho họ (18,8).

Tác giả coi đây là sự hoàn tất những gì Chúa đã nói trước đó trong 6,39 và 17,12 rằng Người sẽ bảo vệ họ và không ai trong số họ phải bị hư mất. Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ gợi lại hình ảnh người mục tử tốt lành hi sinh mạng sống của mình cho đàn chiên (x.10, 28-29).

Chỉ trong Tin mừng Gioan người ta mới thấy cảnh Phêrô chém đứt tai của Malkhô người đầy tớ vị thượng tế. Luca chỉ nói trống một người trong nhóm (x. Lc 22,50). Ngài cũng nói rõ hơn đó là tai phải. Cảnh này tạo cơ hội cho Chúa Giêsu đưa ra một tuyên bố thần học khác: “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” Biểu tượng của “cái chén” chính là sự chết. Tuy nhiên, nơi Gioan, Chúa Giêsu lại khao khát uống chén đau khổ đã được trao cho Người, và điều này được nhận thấy trên thập giá khi Người kêu lên “Ta khát”. Chúa Giêsu quyết tâm uống “chén” của sự chết bởi vì cái chết của tình yêu tuyệt đối này – chứ không phải sức mạnh bạo lực – có khả năng chứng tỏ tình yêu cứu chuộc trọn vẹn của Người đối với thế gian.

Nói cách khác, Gioan đã phác họa một sự tương phản sắc nét về việc thực thi quyền bính: những đối thủ của Chúa Giêsu thì sử dụng vũ khí để trấn áp còn Chúa thì đem đến sức mạnh giải phóng bằng chính sự sống và cái chết của Người. Sự tương phản triệt để giữa hai giá trị đối lập này- được bộc lộ rất sống động trong cảnh bắt giữ, sẽ lại được nhấn mạnh khi Chúa Giêsu đối diện với Philatô tại phiên tòa: “Nước tôi không thuộc thế gian này…” Khi kết thúc cảnh bắt giữ, Gioan sẽ lại cho thấy hành động hung tợn của những toán lính, bọn chỉ huy và đám thuộc hạ Do Thái (18,12).

Không giống như các Tin mừng Nhất lãm, Chúa Giêsu bị nhóm bắt giữ đưa đến Khanan, người bố vợ của Caipha, làm thượng tế năm đó. Dường như có một sự nhầm lẫn trong câu 18,19, nơi được cho biết vị thượng tế đã thẩm vấn Chúa Giêsu. Tuy nhiên, sau đó, mãi tới câu 18,24 chúng ta mới thấy Người được giải đến thượng tế Caipha. Vậy chính xác ai đã tra hỏi Chúa Giêsu? Đó là Khanan hay Caipha? Ai là thượng tế năm đó?

Dù sao, đây chưa phải là cuộc xét xử chính thức, mà chỉ là một dạng tra hỏi về các môn đệ và về giáo lí của Chúa. Không có câu hỏi nào về việc Người có phải là Đấng Messia hay là Con Thiên Chúa. Thay vào đó, trọng tâm của cuộc xét hỏi dường như nhắm vào giáo huấn của Người. Có lẽ họ đang cố gắng tìm biết xem liệu Chúa Giêsu có đang huấn luyện các môn đệ theo một kế hoạch bí mật hay không. Khi màn tra vấn kết thúc, có vẻ như Chúa Giêsu hoàn toàn nắm chủ tình hình, còn Khanan thì tỏ ra hoang mang lo lắng. Có một chi tiết nói đến một tên thủ hạ Do Thái đánh vào mặt Chúa Giêsu vì Người đã trả lời vị  thượng tế một cách thẳng thắn. Nhưng Chúa Giêsu vẫn giữ thái độ điềm tĩnh để nghiêm chỉnh hỏi lại tên lính xấc xược ấy (18,22-23). Người trả lời rằng giáo lí của Người hoàn toàn không có gì bí mật, nhưng đã được phổ biến công khai trong các hội đường và đền thờ. Ở đây mạch văn nhắc tới hội đường, có lẽ là một chỉ dấu cho thấy cộng đoàn Kitô hữu của Gioan đã bị trục xuất khỏi đó lúc Gioan viết Tin mừng của ngài.

Màn Khanan tra hỏi Chúa Giêsu được chủ ý xen vào với những lời chối sống chối chết của Phêrô để cho thấy sự tương phản giữa hai trạng thái tâm lí con người: sự trâng tráo của quyền lực và sự sợ hãi của kẻ thất thế. Chỉ có trong Tin Mừng Gioan, người ta mới thấy đề cập đến việc Simôn Phêrô và một môn đệ khác đi theo Chúa Giêsu, và người môn đệ khác này đã quen biết vị thượng tế, nên đã cùng với Chúa Giêsu đi vào trong sân. Câu hỏi đặt ra là, chính xác “người môn đệ khác” đó là ai? Vấn đề này đã làm nảy sinh nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Có phải đó cũng chính là người môn đệ yêu dấu của Chúa Giêsu không?

Chúa Giêsu chịu xét xử (18,28–19,16)

// Mt 27,1-2.11-30 ; Mc 15,1-19 ; Lc 23,1-5.13-23

Bây giờ chúng ta bước vào phần chính của trình thuật Thương Khó trong Tin Mừng Gioan, nơi Chúa Giêsu được đưa đến trước tổng trấn Philatô, bắt đầu từ 18,28 đến 19,16a. Nó mang một cấu trúc thần học và đầy nét kịch tính được cẩn thận chia thành bảy phân cảnh. Điểm chính của cấu trúc thần học này là việc trình bày vương quyền của Chúa Giêsu. Nhưng ngoài ra, cấu trúc còn kết hợp một sự chuyển động nội tại, làm khai mở tuần tự các ý nghĩa khi sự việc diễn tiến.

18,28–32  : Tổng trấn đi ra ngoài dinh

18,32–38a: Tổng trấn trở vào dinh (Vương quyền của Chúa Giêsu)

18,38b–40: Tổng trấn ra ngoài gặp người Do Thái (Vô tội/ Lựa chọn: Baraba + Chúa Giêsu)

19,1–3      : Ở bên trong dinh (Đánh đòn Chúa Giêsu / Đội vòng gai / Khoác áo choàng đỏ)

19,4–8      : Philatô ra ngoài dinh (Chúa vô tội/ “Đây là người!”)

19,9–11    : Philatô trở vào dinh (Hỏi về thân thế Chúa Giêsu)

19,13–16  : Philatô trao nộp Chúa Giêsu cho người Do Thái để chịu đóng đinh thập giá.

Trong khi một số học giả cho rằng Tin mừng Gioan đã xây dựng theo một cấu trúc đảo đổi (chiasmus) đặt trọng tâm vào vương quyền của Chúa Giêsu trong 19,1-3 thì những người khác lại nghi ngờ điều này.

Họ quả quyết rằng sức lôi cuốn của khung cảnh xét xử không phải ở tính đối xứng của cấu trúc mà là ở sự chuyển động của trình thuật. Bi kịch gia tăng cường độ khi nó chuyển từ cuộc đối đầu giữa Philatô và các nhà lãnh đạo Do Thái cho đến các yêu sách cuối cùng đòi buộc Chúa Giêsu phải bị đóng đinh, và Philatô bất đắc dĩ muốn giải cứu Chúa Giêsu khỏi chết. Có một số nhóm và các tuyến nhân vật trong câu chuyện này. Các nhân vật chính là Philatô, các nhà lãnh đạo Do Thái và Chúa Giêsu. Điều quan trọng chúng ta cũng cần lưu ý là không giống như Tin mừng Nhất lãm, Gioan không đề cập đến “đám đông” trong Tin mừng của ngài.

Chẳng hạn, Philatô bắt đầu bằng thái độ vừa cao ngạo vừa có vẻ lạnh lùng khi lần đầu tiên ông ta xuất hiện lắng nghe yêu cầu của giới lãnh đạo Do Thái, cũng như sau đó trong cuộc thẩm vấn Chúa Giêsu. Nhưng khi tuyên bố ban đầu của ông về sự vô tội của Chúa Giêsu bị những người Do Thái phản đối dữ dội, thì chính ông bị lôi kéo vào cuộc tranh đấu gay go: đầu tiên ông cố gắng muốn thả Chúa Giêsu dựa vào phong tục lễ Vượt Qua; rồi ông nỗ lực đề nghị tội nhân chỉ chịu đánh đòn nhằm nói lên sự vô tội của mình, nhưng sau đó ông bị xâm chiếm bởi một nỗi sợ hãi thầm kín khi ông cảm nhận được dung mạo bí ẩn của Chúa Giêsu; và cuối cùng trong một nỗ lực tuyệt vọng ông muốn thả Chúa Giêsu bằng cách giới thiệu Chúa với người Do Thái như là vua của họ.

Thánh sử Gioan cũng mô tả hành vi của các nhà lãnh đạo Do Thái ngày càng trở nên hung hăng, dữ dằn và quyết liệt hơn khi phiên tòa tiến đến đỉnh điểm của nó.

Với tài năng đặc biệt, tác giả ghi nhận thái độ hoàn toàn bình tĩnh của Chúa Giêsu, Người khẳng định sự uy nghiêm của mình giữa lúc lòng thù hận và sự hung hãn vây phủ Người. Chúa Giêsu không nói gì với giới chức Do Thái; lời cuối cùng của Người với họ diễn ra trong cuộc thẩm vấn của Khanan (18,23). Các nhà lãnh đạo này được Gioan miêu tả là đã điếc đặc trước sự thật; không còn gì để Chúa Giêsu có thể nói với họ. Nhưng Người lại ngỏ lời với Philatô, Người khẳng khái tuyên bố về bản chất của vương quyền của Người và xác định nguồn gốc vương quyền đó, đồng thời nhắc nhở về giới hạn quyền bính của chính vị tổng trấn. Khi Philatô tỏ rõ thái độ thờ ơ đối với sự thật, Chúa Giêsu không còn nói gì với ông ta nữa.

Ngoài ra còn có sự qua lại con thoi giữa “bên trong” và “bên ngoài” dinh tổng trấn. Các nhà lãnh đạo Do Thái từ chối vào bên trong vì họ sợ bị nhiễm uế. Điều này xảy ra do sự tiếp cận với người dân ngoại. Nhưng Gioan đã thêm vào một chút trớ trêu cho tình huống này. Mối bận tâm hàng đầu của họ là sự ô uế vì sợ không được dự lễ Vượt Qua, trong khi họ lại trao nộp “Chiên Thiên Chúa” để bị giết và bị đóng đinh.

Gioan có khuynh hướng xếp các thượng tế và các nhà lãnh đạo quốc gia vào nhóm “người Do Thái”. Ngài liên tục nói tới điều này trong cảnh xét xử. Việc gộp các đối thủ của Chúa Giêsu lại thành “người Do Thái” là điều bất hạnh nhất và có lẽ phản ánh những vấn đề cộng đoàn của Gioan đang phải đối mặt.

1) Lãnh đạo Do Thái nộp Chúa Giêsu cho Philatô xét xử (18,28-32)

Trong màn đầu tiên (18,28-32), có một số vấn đề lịch sử có thể được nêu ra, nhưng đây không phải là phần chính của trình thuật. Người đọc không được giới thiệu cho biết vị tổng trấn Rôma là ai. Có lẽ những chi tiết này đã được cộng đoàn Gioan biết đến rồi. Dinh tổng trấn là tổng hành dinh của vị đại diện Rôma tại Giêrusalem, còn chính ông thì thường ở tại Caesarea Maritima bên bờ biển Đia Trung Hải. Cuộc đối thoại giữa Philatô và nhà cầm quyền Do Thái khá gay gắt. Philatô hỏi họ về các cáo buộc, và họ trả lời rằng họ đã không trao nộp Chúa Giêsu nếu Người không phải là tội phạm. Philatô không để ý tới những cáo buộc đó, đáp lại họ rằng, “Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người” (18,31). Khi nói “các người…”, “theo luật của các người” ông Philatô cho rằng đây là chuyện nội bộ của người Do Thái, ông không muốn dây dưa vào, ông muốn họ tự giải quyết lấy. Nhưng người Do Thái không được phép quyết định bản án tử hình. Trong các tỉnh do người Rôma cai trị, chỉ có vị tổng trấn là có quyền sinh sát trên thần dân. Do đó, người Do Thái tìm giết Chúa thì phải có lệnh của Rôma. Chúa Giêsu chịu đóng đinh, điều này rõ ràng do người Rôma quyết định và hành động. Nhưng người Do Thái đã tìm mọi cách để giết Chúa Giêsu mà không thể làm được, thì cuối cùng tội ấy vẫn đổ lên đầu người Do Thái. Họ đã đồng lõa với Philatô trong cái chết của Người. Gioan nói Chúa Giêsu biết mình sẽ phải chết cách nào, vì Người đã ba lần báo trước sẽ được “giương cao” trên thập giá (3,14; 8,28; 12,32).

2) Philatô tra hỏi Chúa Giêsu về vương quyền của Người (18,33-38a)

Trong màn thứ hai, Philatô bước vào trong dinh tổng trấn và khá bất ngờ hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Những lo ngại về việc Chúa Giêsu tuyên bố quyền lực chính trị chắc chắn là một trong các lí do lịch sử dẫn đến cái chết của Người. Tuy nhiên, mục tiêu của Gioan đặt ra lại hoàn toàn khác trong Tin mừng này. Câu trả lời của Chúa Giêsu đưa ra một phân định rõ ràng giữa ý nghĩa chính trị thuần túy và ý nghĩa thần học của câu hỏi đó. Người đặt ra cho Philatô một câu hỏi khác. Tội nhân lại tra hỏi người thẩm vấn mình: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Nhưng Philatô tìm cách hỏi lại Chúa Giêsu: “Ông đã làm gì?” Độc giả biết rằng những gì Chúa Giêsu “đã làm” không phải là tội phạm đáng bị trừng phạt, mà chính là tình yêu tự hiến sẽ đạt đến đỉnh điểm nơi cái chết tự nguyện của Người trên thập giá.

Câu trả lời của Chúa Giêsu đưa cuộc trò chuyện đi theo hướng này: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (18,36). Điều quan trọng là phải hiểu ý nghĩa thần học Gioan muốn trình bày trong lời nói này.

So với Tin mừng Nhất lãm vốn sử dụng hình ảnh “Nước Trời” khá thường xuyên, Gioan chỉ nhắc đến “Nước Thiên Chúa” hai lần (3,3,5) nhưng lại mô tả Chúa Giêsu là một nhân vật vương giả mà cuộc lên ngôi của Người trên thập giá đã khai mào chủ quyền của Người trên toàn thế giới. Trong các Tin mừng Nhất lãm, mầu nhiệm Nước Trời diễn ra theo khung thời gian. Việc thiết lập trọn vẹn quyền cai trị của Thiên Chúa là một sự kiện tương lai, nhưng thực tại đó đã bắt đầu thẩm nhập vào hiện tại thông qua những lời nói và hành động của Chúa Giêsu. Những hoạt động chữa lành, trừ quỷ và giải thoát của Chúa Giêsu giúp người ta nhận ra Nước Thiên Chúa đã bắt đầu hiện diện. Chúa Giêsu khai mở Nước Thiên Chúa, nhưng sự hoàn thành cuối cùng của nước ấy xảy ra vào thời gian cánh chung.

Nhưng Tin mừng Gioan lại muốn trình bày những thực tại tương phản giữa một hiện tại tội lỗi và một tương lai đã được cứu độ theo chiều kích không gian hơn là theo thời gian. Vương quốc của Thiên Chúa nơi sự thật và tình yêu cư ngụ thuộc về “trên cao”. Đó là một “thế giới khác”. Còn thế giới mà trong đó bóng tối, sự gian dối và thù hận phô diễn sức mạnh độc hại của nó là ở “bên dưới”, trong “thế giới này”. Nhưng chúng ta không nên nhầm lẫn điều này, coi đó chỉ đơn thuần là thực tại đối lập “Trời” và “Đất”, khiến chúng ta phải suy nghĩ theo thuật ngữ nhị nguyên: thế giới này là xấu xa tội lỗi, còn trời cao thì thánh thiêng siêu việt. Thay vào đó, quan điểm của Gioan thì rất khác. Tác giả mô tả hai “thế giới” cùng tồn tại nhưng lại mang các giá trị và ý nghĩa hoàn toàn đối kháng nhau. Một là “thế giới chết chóc”, được cai trị bởi bóng tối và sự gian dối, chung cuộc là thuộc về quỷ dữ; còn bên kia là “thế giới” hay vương quốc của Thiên Chúa nơi sự thật và tình yêu ngự trị. Đấu trường lịch sử của con người diễn ra giữa hai thế giới này, đôi khi nó quy phục ác quỷ và thù ghét Chúa Giêsu, nhưng vào những lúc khác nó lại khao khát được tự do và giải thoát, do đó nó trở thành đối tượng của tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa (x. 3,16-17).

Điều hàm ý trong cuộc đối thoại giữa Philatô và Chúa Giêsu là vương quyền của Người “không thuộc thế giới này” (18,36). Cụ thể, vương quyền của Chúa không tìm kiếm sức mạnh của nó từ cùng một thế giới các giá trị mà Philatô và các nhà lãnh đạo Do Thái mong muốn. Cả hai nhóm đối lập đều sử dụng sức mạnh và uy quyền để thực thi đường lối của mình. Sức mạnh của Chúa Giêsu thì xuất phát từ tình yêu và sự thật.

Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Vậy ông là vua sao?” Điều đó dẫn đến một trong những tuyên bố quan trọng nhất về sứ mệnh của Chúa Giêsu là vua: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (18,37).

Trở thành một vị “vua” chính là mục tiêu sứ vụ của Chúa Giêsu trong thế giới này. Nhưng vai trò làm vua của Chúa được thể hiện không phải ở sức mạnh thống lĩnh mà là “làm chứng cho sự thật”. Làm chứng cho sự thật là một chủ đề chính trong Tin mừng Gioan. Chủ đề này được nhắc đến nhiều lần trong các chương trước. Tất cả Tin mừng Gioan có thể được nhìn theo sứ vụ Chúa Giêsu làm chứng cho sự thật. Điều này được nhìn nhận qua hình ảnh Chúa Giêsu là “Ánh sáng thế gian”, cũng như qua các đối thủ của Người, những kẻ không thể chấp nhận sứ điệp của Chúa vì họ chống lại sự thật.

Đoạn này kết thúc với câu hỏi nổi tiếng của Philatô: “Sự thật là gì?” Câu này tỏ cho thấy mối hoài nghi của Philatô, hoặc ý tưởng bất khả tri của ông về sự thật.

3) Philatô tuyên bố Chúa Giêsu vô tội (18,38b–40)

Một phân đoạn mới bắt đầu khi Philatô đi ra ngoài tuyên bố Chúa Giêsu vô tội. Ông thậm chí còn cố gắng xoa dịu nhà cầm quyền Do Thái. Ông nhắc nhở họ về một phong tục vốn có là thả một tù nhân vào dịp lễ Vượt Qua và gợi ý rằng sự lựa chọn đó là “Vua của người Do Thái” (18,39). Nhưng dân chúng la lên: “Không phải người này, mà là Baraba!” (18,40)

Khung cảnh hiện ra đậm nét trớ trêu. Một quan chức dân ngoại thấy Chúa Giêsu vô tội trong khi giới lãnh đạo Do Thái lại tìm cách tiêu diệt Người. Đây là một báo trước về sự thất bại cuối cùng của cộng đồng Do Thái, họ không đón nhận sứ điệp của Chúa Giêsu, trong khi ngày càng có nhiều người ngoại gia nhập hàng ngũ các Kitô hữu tiên khởi. Trong khi Kitô giáo bắt đầu từ số các Kitô hữu gốc Do Thái vào cuối thế kỷ thứ nhất, thì ngày càng có nhiều lương dân đứng vào hàng ngũ của cộng đoàn Giáo hội sơ khai.

Cảnh trớ trêu tương tự cũng diễn ra trong Tin mừng Nhất lãm. Người ta đã chọn tha một tên cướp thay vì một người vô tội.

4) Quân lính Rôma đánh đòn và nhục mạ Chúa Giêsu (19,1-3)

Cảnh đánh đòn và chế giễu ở Tin mừng Gioan khác với Nhất lãm. Ở đây các tác giả thuật lại sự kiện đó sau khi Chúa Giêsu bị kết án, điều này đúng với lịch sử hơn vì lý do đơn giản là người Rôma luôn đánh đòn các phạm nhân trước khi dẫn họ đi đóng đinh. Còn Luca thì không thuật lại hình ảnh này.

Mục đích của Gioan rõ ràng đậm nét kịch tính và thần học hơn. Sự tàn bạo gây ra cho Chúa Giêsu chuẩn bị cho phân đoạn kế tiếp khi tù nhân bị bầm dập được đưa ra ngoài và phơi bày trước đám đông dân chúng.

Chúa Giêsu bị những người lính Rôma chế giễu vì họ cho rằng Người tự phong mình làm vua (19,2-3). Các biểu tượng vua được gán cho Người, nhưng mỗi lần làm như thế người ta lại nhạo báng và khích bác thậm tệ để cho những lời Chúa Giêsu tuyên bố về địa vị làm vua bị chế giễu và phủ nhận. Người được trao vương miện, nhưng đó là một vương miện bằng gai nhọn. Người được những người lính khoác cho một chiếc áo choàng màu đỏ và được kính chào là “Vua dân Do Thái”, nhưng những cú đánh dữ dằn và hiểm độc chứ không phải thái độ tôn kính đúng nghĩa là hành động họ dành cho Chúa.

Người đọc dĩ nhiên biết rằng Chúa Giêsu là một vị “vua”, và trong mắt của tác giả Tin mừng cũng như người đọc, sự nhạo báng tự nó mang một tác dụng tạo phản. Những gì đang bị chế giễu không phải là con người Chúa Giêsu mà đó chỉ là những biểu tượng phù phiếm của vương quyền trần gian đặt lên cho Người: vương miện, áo choàng đỏ, những lời tung hô và hành động tôn kính giả tạo. Nhân phẩm và uy quyền đích thực giờ đây lại được thể hiện qua các dấu chỉ phản diện nơi một tù nhân dường như đã hoàn toàn suy kiệt.

Đâu là động cơ của Philatô khi cho Chúa Giêsu chịu đánh đòn như được miêu tả trong Tin Mừng? Có phải là để làm nhục Chúa Giêsu hay chỉ để làm nguôi lòng giới lãnh đạo Do Thái?

5) Philatô đưa Chúa Giêsu ra trước mặt dân chúng và lại tuyên bố Người vô tội (19,4–8)

Philatô đi ra một lần nữa, ông đưa tội nhân ra ngoài và tuyên bố rằng ông không tìm thấy lí do gì có thể kết tội Chúa Giêsu. Ông giới thiệu Chúa Giêsu với công chúng, nói rằng: “Đây là người!” – Ecce Homo (19,5). Chúa Giêsu đứng yên đó với các biểu tượng vua trên mình, và Người hoàn toàn kiệt sức. Đối với một số người, “Đây là người” gợi lên danh hiệu “Con Người” xuất hiện nhiều lần trong Tin mừng Nhất lãm nhưng cũng nhắc tới ba lần Chúa tiên báo “Con người được giương lên cao” trong Gioan.

Thay vì gợi lên sự cảm thông và cảm thương của mọi người, cảnh tượng này lại khơi dậy bạo lực và hận thù nơi công chúng. Lần đầu tiên trong bài tường thuật về cuộc khổ nạn, tác giả nói tới việc đóng đinh Chúa Giêsu và nó xảy ra vì sự thù hận. Philatô đáp lại dân Do Thái rằng, họ cứ đưa Chúa Giêsu đi và đóng đinh nếu họ muốn. Bây giờ tầm mức của thế trận đã mở rộng. Họ bày ra một lời buộc tội mới chống lại Chúa Giêsu, cụ thể là Người đã tự xưng là “Con Thiên Chúa” (19,7) và do đó đáng bị giết. Điều này phù hợp với luật Lêvi 24,16, chỉ thị rằng bất cứ ai nói phạm đến danh Đức Chúa sẽ bị xử tử. Ít nhất ba lần trong Tin mừng Gioan, người Do Thái đã tìm cách giết Chúa Giêsu vì lí do này (x. 5,18; 8,59; 10,31-19). Đây rõ ràng là một danh hiệu chính Chúa Giêsu sử dụng để nói đến mối tương quan của Người với Thiên Chúa.

Từ hình ảnh bạo lực và cuồng nộ của đám đông, chúng ta có thể hiểu rõ đâu là lí do thực sự khiến giới lãnh đạo Do Thái quyết liệt chống đối Chúa Giêsu và tại sao Người phải chịu đóng đinh, đó là vì Người đã tự xưng là Con Thiên Chúa. Họ bác bỏ lời tuyên bố của Chúa về địa vị làm Con của Người và coi đó là thái độ báng bổ.

Khi nghe nói đến một ghi nhận mới có vẻ bí ẩn trong lời buộc tội, Philatô trở nên “sợ hãi hơn”  (19,8). Cảm giác sợ sệt của ông là nỗi kinh hãi gây ra bởi sự đối diện với thực tại siêu việt vẫn thường xảy ra trong Kinh Thánh. Việc kiểm soát tình huống của Philatô lúc này trở nên khó khăn hơn khi ông bắt đầu nhận ra mình phải đóng một vai trong màn kịch phức tạp vượt ra ngoài sự nắm hiểu của ông.

6) Philatô hỏi về xuất thân của Chúa Giêsu (19,9–12)

Ngay khi Philatô nghe những lời buộc tội của người Do Thái, ông lại quay vào bên trong để hỏi Chúa Giêsu một lần nữa. Trước đó, trọng tâm của câu hỏi là về vương quyền của Chúa Giêsu, thì bây giờ Philatô lại chú ý đến quyền bính của Người.

Ông đưa ra cho Chúa Giêsu một câu hỏi mở, là điển hình trong thần học của Gioan: “Ông từ đâu mà đến?” (19,9) Vấn nạn về nguồn gốc của Chúa Giêsu là một chủ đề luôn tái hiện trong Tin mừng Gioan. Nhận ra nguồn gốc của Chúa Giêsu, theo quan điểm của Gioan, là dấu chỉ của một đức tin đích thực (17,8). Ngược lại, không nhận ra được “Từ nơi Chúa Giêsu đến” là tương đương với việc không biết hoặc không tin vào Chúa Giêsu. Trong những lần giảng dạy tại Đền Thờ, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ thách thức các nhà cầm quyền Do Thái khi họ tuyên bố biết Chúa Giêsu từ đâu đến: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông không biết Ngài. Phần tôi, tôi biết Ngài, bởi vì tôi từ nơi Ngài mà đến, và chính Ngài đã sai tôi” (7,28-29).

Philatô không nhận ra rằng Chúa Giêsu chính là sự thật hiện thân và giờ đây ông không biết Người từ Thiên Chúa mà đến. Tuy nhiên, sự im lặng của Chúa Giêsu đã làm Philatô tức giận, để rồi tạo ra sự chuyển tiếp hoàn toàn sang chủ đề quyền bính tiếp theo. Philatô nói rằng ông có khả năng và thẩm quyền để thả hoặc đóng đinh Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã mạnh dạn thách thức tuyên bố của ông.

Ý nghĩa của lời tuyên bố của Chúa Giêsu trong 19,11 là gì? Philatô không có tất cả thẩm quyền trên Chúa Giêsu ngoại trừ những gì được trao cho ông trong màn kịch bi thương này. Chúa Giêsu hoàn toàn thách thức các tuyên ngôn quyền lực của Philatô, cũng giống như Người bác bỏ các đòi hỏi về tôn giáo của giới lãnh đạo Do Thái. Thẩm quyền của Philatô kết án Chúa Giêsu chịu đóng đinh, theo quan điểm của tác giả Tin mừng, không xuất phát từ vị thế ông là tổng trấn Rôma. Philatô được phép hành động, cũng như cả giới chức Do Thái, đều phải thông qua Chúa Giêsu. Họ được chỉ được đặt vào tấn bi kịch để hành động theo kế hoạch cứu độ mà chính Thiên Chúa chủ động điều khiển. Bởi vì chính Chúa Cha đã muốn Chúa Giêsu trao ban sự sống mình trong tình yêu tự hủy trên thập giá, để trở nên dấu chỉ cuối cùng và khả tín nhất của tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đối với thế gian. Chính vì lí do này chứ không phải Philatô nào khác được trao cho quyền hành trên Chúa Giêsu. Quyền năng thực sự chỉ thuộc về Chúa Giêsu như đã thấy trong 17,1-2.

Tuyên bố táo bạo của Chúa Giêsu về quyền lực dường như đã lay động tinh thần của Philatô, do đó ông cố tìm cách tha Chúa Giêsu. Nhưng do Philatô thiếu xác tín vào sự thật, thì cuối cùng mọi chuyện cũng xôi hỏng bỏng không. Ông là người bất lực, nên không thể chống lại các thế lực xấu. Ông bị buộc phải đóng đinh Chúa Giêsu khi các nhà lãnh đạo Do Thái bắt đầu đưa ra vấn đề về lòng trung thành với Xêda. Muốn lột tả ý nghĩa trớ trêu, Gioan cho thấy rằng chính các nhà lãnh đạo Do Thái chứ không phải vị tổng trấn nói về lòng trung thành với Xêda.

7) Philatô trao Chúa Giêsu cho người ta đóng đinh (19,13–16)

Philatô đưa Chúa Giêsu ra ngoài và Người được đặt ngồi trên tòa, ở nơi gọi là Nền Đá. Thời gian được nói đến, đó là vào buổi trưa. Theo luật Do Thái, con chiên phải được hiến tế vào nghi lễ buổi tối. Nhưng với số lượng lớn con chiên phải giết trong một buổi chiều tối, người ta không thể làm việc kịp, do đó điều luật này đã được giải thích rộng hơn cho phép giết chiên vào buổi chiều để kịp được hiến tế trong Đền Thờ. Chính tại thời điểm này, Philatô đã kết án Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ông đưa Chúa Giêsu ra ngoài và nói với mọi người: “Đây là vua các người!”, thay cho trước đây ông đã nói “Đây là người!” Ý tưởng về vương quyền của Chúa Giêsu nơi Philatô đã hiện ra xuyên suốt từ đầu đến cuối. Bị khuất phục bởi quyết tâm kiên cường của người Do Thái cũng như ý thức mối đe dọa đặt ra cho sự an toàn chính trị của mình, Philatô dường như cũng còn muốn chế giễu các nhà lãnh đạo Do Thái ngay cả khi ông tuân theo yêu cầu của họ.

Tấn thảm kịch lên đến đỉnh điểm với một cuộc trao đổi cuối cùng: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả ngoài Xêda” (19,15). Chỉ có một công trình đào sâu suy tư thần học Do Thái cùng với việc khảo cứu sâu xa dòng lịch sử Do Thái mới có thể đo lường được sự trớ trêu khủng khiếp của một tình huống như vậy. Khi khước từ Chúa Giêsu, các thượng tế đã đi quá xa, họ truất bỏ lòng trung thành của tổ tiên họ đối với duy một mình Thiên Chúa là vua, là chủ  của họ, để chấp nhận một chủ quyền mà Do Thái giáo không bao giờ có thể phục tùng. Điều này đã là một sự thật lịch sử rất khó chấp nhận, nhưng đó lại là một cách phóng họa sự trớ trêu cùng cực mà Gioan muốn lột tả. Theo quan điểm của Gioan, hậu quả của việc khước từ Sự Thật để chụp bắt cái bóng giả dối, chính là hành động hủy diệt căn tính của mình cũng như lật đổ tất cả nền tảng vững chắc mà một dân tộc đã có. Đó chính là giao ước với bóng tối vậy.

Đóng đinh Chúa Giêsu (19,17-22)

// Mt 27,33-38; Mc 15,22-26; Lc 23,33-38

Bấy giờ ông Philatô trao Chúa Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá” (19,16). Sự nhấn mạnh đến “họ” trong văn bản gây khó hiểu. Rất có thể Gioan muốn nhắc lại rằng chính các thượng tế và kì mục đã đưa Chúa Giêsu đến cái chết. Tuy nhiên, chắc chắn một điều đây không phải là chi tiết lịch sử. Việc đóng đinh Chúa Giêsu đã được những người lính Rôma thực hiện và ngay lập tức trong các đoạn sau, người ta thấy những người lính Rôma chịu trách nhiệm về hành động này.

Theo cách riêng của Gioan, và trái ngược hoàn toàn với Nhất lãm, chân dung Chúa Giêsu vác thập giá đi chịu chết cho thấy Người hoàn toàn chủ động. Không có Simôn thành Kyrênê vác đỡ thập giá Chúa, Người mang nó một mình. Cũng không có ba nhóm lính chế nhạo Chúa. Nếu có điều gì khác chăng nữa, thì chủ đề vương quyền và sự tôn vinh Chúa Giêsu vẫn tiếp tục xuất hiện trong mạch tường thuật cuộc khổ nạn.

Chúa Giêsu bị đóng đinh giữa hai người khác. Trong Tin mừng Gioan, những người này không được nhắc đến như những tên trộm. Và một bảng chữ được treo lên thập giá, cũng giống như được mô tả trong các Tin mừng khác. Tuy nhiên, sự nhấn mạnh đặc biệt ở đây nhắm vào bảng chữ được viết bằng ba ngôn ngữ khác nhau. Chính sự phản đối của các thượng tế cho thấy Gioan có một dụng ý khác ở đây. Philatô muốn chọc tức người Do Thái, rằng Chúa Giêsu tự xưng là vua người Do Thái thì lời tuyên bố đó chính là như vậy. Nhưng Gioan muốn gợi lên cảnh trớ trêu như vẫn thường thấy khi mô tả hình ảnh này, đó là Philatô thực sự tiếp tục tuyên bố Chúa Giêsu là vua cho thế giới ngay cả khi bị đóng đinh và chịu chết. Nhiều người đương nhiên đọc được dòng chữ này, bởi vì điểm đóng đinh nổi bật lên trên một đồi cao.

Do đó, tại thời điểm đóng đinh, Chúa Giêsu được tuyên bố là Vua cho toàn thế giới. Đây là lí do sau cùng làm cho Người được “giương cao” trên thập giá. Chúa Giêsu đã tuyên bố như vậy trong Tin mừng: “Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (12,31-32).

Do đó, mọi chi tiết ghê rợn của cuộc hành hình đều được biến đổi để tiếp nhận một ý nghĩa mới: sự đóng đinh là cuộc lên ngôi vua; những người bị đóng đinh với Chúa Giêsu là đoàn tùy tùng của Người; việc đặt bảng chữ trở thành lời tuyên bố về vai trò là vua của Người; những ngôn ngữ của bảng chữ và địa điểm công khai của vụ hành hình nói lên việc loan truyền sứ điệp phổ quát của Chúa Giêsu; sự khẳng quyết  của Philatô trở thành phương tiện để nhờ đó, căn tính của Chúa Giêsu được tỏ lộ, bất chấp sự thù địch của các nhà lãnh đạo Do Thái và cả sự hèn nhát của tổng trấn Rôma.

Cảm giác chiến thắng hiện lên rất rõ trong Tin mừng Gioan, lung linh qua những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời Chúa Giêsu.

Gioan cũng giống như các Tin mừng Nhất lãm khác tiếp tục thuật lại cách thức những người lính chia nhau và bắt thăm áo xống của Chúa Giêsu. Đây là một chi tiết nhắc đến lời Tv 22,18, đặc biệt những lời cuối cùng của Chúa Giêsu lưu giữ một ý nghĩa rất quan trọng trong các Tin mừng Marcô và Mátthêu. Nhưng Gioan đặc biệt nhấn mạnh vào chiếc áo trong liền mạch của Chúa Giêsu, được dệt thành một nguyên mảnh từ trên xuống dưới. Mặc dù có nhiều cách giải thích tại sao Gioan nhấn mạnh điểm này, gồm cả một ý kiến cho rằng hình ảnh đó nói về sự hiệp nhất Giáo hội, là một trong những chủ đề chính trong Gioan. Tuy nhiên, trong tất cả ý nghĩa mà điều này muốn nói, thì đó là y phục chính thức của vị Thượng Tế. Theo chủ ý này, Gioan muốn cho thấy Chúa Giêsu là vị Thượng Tế Tối Cao, một hình ảnh được thư Hípri nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Sự quy định y phục của thầy tư tế phải là một tấm áo liền mạch không được trực tiếp nói đến trong Sách Thánh (x. Xh 28), nhưng chúng ta biết điều này từ các nguồn khác, đặc biệt từ sử gia Josephus, người đã ghi lại nguyên tắc này. Do đó, Chúa Giêsu là Thượng Tế, Người xóa bỏ tội lỗi của thế gian.

Mô tả tiếp theo hướng vào cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với Mẹ Maria và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến. Rõ ràng, cử chỉ này mang nhiều ý nghĩa sâu thẳm, hơn là cử chỉ của một người con thực hiện nghĩa vụ cuối cùng của mình đối với mẹ! Nhưng người môn đệ yêu dấu này là ai? Có phải là tông đồ Gioan không? Chúng ta biết rằng Gioan thường sử dụng một thủ pháp văn chương được gọi là “hình loại cách”, nghĩa là đưa ra một người để đại diện cho cả một nhóm người khác. Điều đó có thể có nghĩa là người môn đệ yêu dấu thực sự đại diện cho toàn thể Giáo hội, và Chúa Giêsu đang cố gắng củng cố mối tương quan giữa Đức Maria và Giáo hội tương lai. Các học giả cũng cố gắng nối kết mối liên hệ giữa câu chuyện tại tiệc cưới Cana nơi Chúa Giêsu nói với mẹ rằng “Giờ” của Người chưa đến, với trình thuật cuộc Khổ Nạn khi “Giờ” của Người cuối cùng đã đến. Vào điểm cuối cùng này, người ta nhận ra mối liên kết đặc biệt giữa Giáo hội (hoặc cộng đoàn của Gioan) và Chúa Giêsu.

Sự kết thúc đã gần kề, và Gioan tiếp tục thuật lại rằng Chúa Giêsu “biết rằng mọi sự đã hoàn tất”. So với các Tin mừng khác, không có lời than trách bị bỏ rơi cũng như không có lời nhạo báng cuối cùng của quân lính. Thay vào đó là sự nhấn mạnh đến cái biết trước của Chúa Giêsu.

Động từ tiếng Hi Lạp diễn tả sự hoàn tất, sự kết thúc là teleo. Đây là một từ có ý nghĩa đặc biệt trong Tin mừng Gioan. Nó được sử dụng khá thường xuyên trong Tin mừng này khi Chúa Giêsu nói về sứ vụ của Người. Người hoàn thành các công việc được Chúa Cha giao phó. Bây giờ, vào lúc cái chết gần kề, công trình lớn lao của Chúa sắp “hoàn thành”.

Một lời cuối cùng được Chúa cất lên: “Tôi khát!” Gioan cố gắng kết nối hình ảnh này với việc hoàn tất lời Kinh Thánh. Tiếng kêu của Chúa Giêsu có lẽ nhắc đến Thánh vịnh 69,22 nói về giấm: “Thay vì đồ ăn chúng trao mật đắng, con khát nước lại cho uống giấm chua”; và Thánh vịnh 22,16 mô tả cơn khát của một người đang đau khổ: “Nghe cổ họng khô ran như ngói, lưỡi với hàm dính lại cùng nhau, chốn tử vong Chúa đặt vào.” Cả hai thánh vịnh có lẽ đã giữ một vai trò quan trọng trong việc liên kết cơn khát của Chúa Giêsu với Sách Thánh.

Nhưng Gioan cố gắng trình bày Chúa Giêsu không chỉ hoàn tất những lời Kinh Thánh nói, mà còn kiện toàn lời ấy. Dường như lời của Chúa ở đây còn hàm một ý giễu nhại nữa. Nó thật sự gợi lại khoảnh khắc xô xát xảy ra trong khu vườn khi Chúa bị bắt, lúc đó Người quở trách Phêrô và bảo ông xỏ thanh gươm vào bao: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (18,11). Hoàn thành công việc của Chúa Cha, hiến mạng sống vì tình yêu cho loài người và trở về với Thiên Chúa, đây đích thực là “thức ăn” Chúa Giêsu sẽ ăn (4,34) và “chén” mà Người sẽ uống (18,11).

Rượu được đưa lên cho Chúa Giêsu bằng nhành cây hương thảo. Hình ảnh cây hương thảo cũng có thể là một biểu tượng. Marcô và Mátthêu nói đến một “cây sậy” mà trên đó những người qua đường cột một miếng bọt biển thấm đầy giấm đưa lên cho Chúa nhấm (x. Mc 15,36; Mt 27,48). Cành hương thảo thì  không phù hợp với việc cột một miếng bọt biển thấm giấm vì nó có nhiều lá và dẻo. Tuy nhiên, Gioan có thể có ý định gợi lên biểu tượng của lễ Vượt Qua vốn xuất hiện xuyên suốt trình thuật Khổ Nạn. Cành hương thảo đã được dùng để nhúng vào máu chiên mà bôi lên các khung cửa (Xh 12,22-23). Tương tự như vậy, thư gửi tín hữu Hípri nhắc lại việc rảy máu bằng cành hương thảo để kí kết giao ước (9,18-20). Có phải tác giả Tin mừng này muốn gợi lên biểu tượng ấy chăng?

Tính éo le, trớ trêu mà Gioan sử dụng để gia tăng hiệu quả cho câu chuyện kể tác dụng mạnh trong trình thuật Khổ Nạn. Khi đọc bản văn thuần túy, ta thấy những người lính giám sát việc hành hình kẻ tự nhận là đấng cứu thế, và đáp ứng những đòi hỏi cho tiếng kêu khát này. Cảnh tượng này có thể khơi lên cảm giác đồng cảm hay sự khinh miệt, tức giận hay lòng trắc ẩn tùy theo vị trí của người đọc. Nhưng khi đọc kĩ, người ta còn nhận thấy nhiều ý nghĩa tiềm ẩn hơn thế. Chúa Giêsu kêu khát là một hành động có chủ ý. Khi đối mặt với cái chết, Người tái khẳng định sự tự do hoàn toàn cũng như quyết tâm không lay chuyển đối với sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó. Người khao khát bởi vì Người mong muốn cháy bỏng được “uống” chén đã được trao cho Người, chén sẽ hoàn tất công trình Người được giao phó, đó là yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trong thế gian cho đến cùng. Máu của Người sẽ mang lại ơn giải thoát đã được báo trước qua hình ảnh Israel được giải thoát khỏi cảnh nô lệ.

Do đó, cơn khát cháy bỏng của Chúa Giêsu hoàn tất mọi lời đã hứa trong Kinh Thánh và đưa sứ mệnh của Người đi đến tột đỉnh của nó. Giờ đây, một lời cuối cùng sẽ được thốt lên, lời này phù hợp hoàn hảo với giọng kể của Gioan trong toàn bộ trình thuật cuộc Khổ Nạn: “Thế là đã hoàn tất! (telelestai)” (19,30). Cùng động từ đó đã được sử dụng hai lần trong đoạn này (x. 19,28), nó đưa sự sống của Chúa Giêsu đến tuyệt đích của nó. Người đã “hoàn tất” công việc của mình và trở về với Chúa Cha.

Gioan phác họa một bức chân dung thống nhất cho Tin mừng của mình: Chúa Giêsu chết với phong thái uy nghiêm nhẹ nhàng. Khi gánh lấy sứ vụ tình yêu cứu chuộc, Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và tỏ bày các dấu chỉ cũng như lời ban sự sống cho con người, sứ vụ ấy bây giờ đã đạt đến tuyệt đỉnh và hoàn thành ngay khi chết. Khoảnh khắc của cái chết được mô tả rất phù hợp với hình thức diễn tả sự kết thúc. Chúa Giêsu gục đầu và trao Thần Khí (19,30).

Tấn bi kịch chưa kết thúc. Người Do Thái muốn đẩy nhanh cái chết của những người bị đóng đinh,  họ đòi hỏi xương của tội nhân phải bị đánh gãy. Có vẻ đó là một thực hành phổ biến trong việc xử tội kẻ chịu đóng đinh vào thời đó. Người bị đóng đinh sẽ phải khó thở hơn và mau chết. Nhưng xương của Chúa Giêsu không bị đánh gãy, vì Người đã chết rồi. Tuy nhiên, có một biểu tượng sâu xa hơn hiện lên trong sự thực này, vốn chỉ được Gioan thuật lại. “Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập”, đích thực câu này gợi lại một số mô tả về con chiên được sát lế trong lễ Vượt Qua. Sách Thánh chỉ thị: “Ngươi không được làm gãy một chiếc xương nào của con chiên.” (Xh 12,46) và còn nhắc thêm rằng con chiên chỉ được “ăn nướng nguyên vẹn với đầu, chân và lòng của nó” (Xh 12,8-9). Do vậy, Gioan đã tạo lập một đối chiếu hoàn hảo: Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, Đấng ban sự sống mình “để xóa bỏ tội lỗi trần gian” (1,29,35).

Một số nhà chú giải lại nhìn thấy trong hình ảnh này một ám chỉ khác nơi Tv 34 nói về việc Giavê bảo vệ những người công chính, ngay cả khi người Israel này bị vây hãm bởi những kẻ gian ác: “Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi. Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn, dầu một khúc cũng không bị giập” (Tv 34,30).

Cuối cùng, cạnh sườn của Chúa Giêsu bị đâm thâu, và từ đó chảy ra máu và nước. Rõ ràng một lần nữa, Tin mừng Gioan lại kết hợp việc ghi lại hình ảnh “máu và nước” với một ý nghĩa biểu trưng. Nhưng chính xác hình ảnh đó có nghĩa gì? Nhiều tranh luận đã được đưa ra. Rõ ràng hình ảnh ở đây quy chiếu về  những đoạn văn khác khi Chúa Giêsu nói về nước: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (3,5). Tương tự vào một dịp khác trong ngày bế mạc tuần Lễ Lều, Chúa Giêsu tuyên bố tại Giêrusalem: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống. Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (7,37-38).

Rõ ràng nước có một ý nghĩa biểu trưng trong Tin mừng Gioan và tượng trưng cho đời sống mới mà Chúa Giêsu ban cho những người tin. Hơn nữa, nước còn là biểu tượng của Thần Khí qua đó người tin cảm nghiệm được quyền năng ban sự sống trong cái chết của Chúa Giêsu. Những ý nghĩa biểu trưng của nước trong Tin mừng thứ bốn nhắc nhớ người đọc nhận biết ý nghĩa sâu thẳm của dòng nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu.

Còn biểu tượng của máu thì đã xuất hiện trong diễn từ về “Bánh Trường Sinh” ở chương 6, nơi chúng ta có thể tìm thấy máu mà Chúa Giêsu nói đến. Máu ở đây được diễn tả bằng ngôn ngữ bí tích và biểu thị những chiều kích cứu chuộc của cái chết của Chúa Giêsu: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (6,53-55).

Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng dòng máu và nước từ cạnh sườn đâm thâu của Chúa Giêsu biểu thị cho hiệu năng ơn cứu chuộc của cái chết của Người. Cái chết của Chúa Giêsu, theo quan điểm của Gioan, có tác dụng ngay lập tức: Thần Khí Thiên Chúa tuôn tràn thế giới. Điều này đã được Chúa Giêsu hứa trước. Nhưng người ta có thể vượt ra ngoài sự giải thích căn bản về những biểu tượng này và chuyển sang chiều kích bí tích và giáo hội của các dấu chỉ đó. Giáo hội xác tín rằng mình đã được khai sinh vào chính thời điểm này. Nói cách khác, Giáo hội được sinh ra từ cạnh sườn đâm thâu của Chúa Giêsu. Do đó,  Giáo hội là khí cụ để chuyển thông nguồn ân sủng và sức mạnh cho các tín hữu.

Chúa Giêsu được mai tang (19,38-42)

// Mt 27,57-60 ; Mc 15,42-46 ; Lc 23,50-54)

Cuối cùng, một bản tường thuật ngắn gọn trình bày cuộc mai táng Chúa Giêsu. Điều đặc biệt trong Tin mừng Gioan là đề cập đến Nicôđêmô. Nhưng hai cá nhân này, Giuse Arimathê và Nicôđêmô, những người đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu bí mật, thì giờ đây đã đến chôn cất Người. Cả hai đều là môn đệ “lấp lửng” của Chúa Giêsu; một người đã không dám gặp Người vào ban ngày. Họ sợ phải chấp nhận trọn vẹn đòi hỏi nghiệt ngã của đời môn đệ. Nicôđêmô, một thủ lãnh Do Thái, khi ấy đến với Chúa Giêsu vào ban đêm và được chỉ cho thấy ông không hiểu những gì Chúa Giêsu nói (3,1-15). Thật sự, Gioan mô tả họ trước đây bằng những lời lẽ không sáng sủa lắm. Việc nhắc đến họ trong bối cảnh chôn cất Chúa một lần nữa lại mang ý nghĩa thần học. Hai người này trước đây là những môn đệ rụt rè và nhát sợ như vậy, giờ đây họ không chỉ công khai xuất đầu lộ diện mà còn dũng cảm phục vụ Chúa: họ được nên mạnh mẽ nhờ bởi ân sủng tuôn ra từ cạnh sườn đâm thâu của Chúa Giêsu chịu chết.

Kết

Trình thuật Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trong Tin mừng Gioan đứng tách riêng khỏi trình thuật của các Tin mừng Nhất lãm chính bởi các chủ đề thần học và các biểu tượng được sử dụng một cách hết sức phong phú. Thật vậy, người ta không thể đọc bản tường thuật Cuộc Khổ Nạn tách biệt khỏi nội dung còn lại của Tin mừng. Gioan miêu tả Chúa Giêsu như một người hoàn toàn chủ động trong những chặng đường khổ nạn, Người bình thản uống chén mà Chúa Cha đã chuẩn bị cho Người. Tiếp theo Gioan trình bày hành động tôn vinh Thiên Chúa của Chúa Giêsu khi Người được giương cao trên thập giá. Gioan cũng phác họa Chúa Giêsu là một vị Vua oai hùng trong suốt câu chuyện. Và cuối cùng, cái chết của Chúa Giêsu được Gioan coi là đỉnh điểm của Tin mừng, chứ không phải biến cố phục sinh. Vào lúc Chúa Giêsu chịu chết, Người và Chúa Cha được tôn vinh, đồng thời kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa được thành toàn. Và từ cạnh sườn của Người tuôn trào dư đầy nguồn ơn cứu độ và sức mạnh đỡ nâng.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung (gpcantho.com)

(Soạn theo tài liệu tóm lược của cha Donald Senior, CP trong “The Passion of Jesus in the Gospel of John”, Liturgical Press, Minnesota 1991)

 


Trang Kinh Thanh