Bài 4

NHỮNG TÁC PHẨM RƠI RỚT
TRONG THỜI MACABÊ

 

Cuộc nổi dậy của nhà Macabê tuy ngắn ngủi (3 năm : 167-164). Nhưng là cột mốc quan trọng cho Do thái giáo. Trước ý muốn của vua Antiochus IV dùng bạo lực buộc người Do thái chỉ còn nước phải chọn lựa dứt khoát hoặc chối đạo mình hoặc chịu tử đạo. Cuộc nổi dậy của Giuđa Macabê và sự thành công - thanh tẩy Đền thờ - đã giúp cho đức tin sống lại. Nhưng như ta đã thấy, những kẻ kế nghiệp ông đã tự bôi bẩn mình với những âm mưu chính trị và tranh giành quyền lực.

Trong vòng một thế kỷ, khúc Anh hùng ca Macabê đã khơi lên 3 phản ứng thể hiện trong các tác phẩm mà ta có thể tóm lược như sau.

 

1) Tay cầm gươm :

Ca tụng các chiến sĩ, tường thuật những chiến công. Đó là những quyển 1Macabê, Giuđita, Ét-te.

 

2) Tay chắp lại :

Có nhiều người lại khó chịu với cuộc nổi dậy của nhà Macabê. Họ nghĩ rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể giải phóng. Vì thế thái độ đúng duy nhất không phải là tay cầm gươm, mà là tay chắp lại để xin Thiên Chúa can thiệp. Quan niệm này thể hiện trong quyển 2Macabê cũng là quyển đại biểu của trào lưu Pharisêu : nếu có đức tin thì phải sẵn sàng chịu tử đạo vì nhờ thế mà Thiên Chúa sẽ ra tay can thiệp.

Trào lưu khải huyền, với quyển Đaniên, cũng theo cùng hướng này, nên chờ đợi Thiên Chúa can thiệp vào lúc tận cùng lịch sử.

 

3) Tay đưa ra :

Khi giông bão đã qua, và cũng vì sống ở Alexandria xa cách những bi kịch ở Palestina, một hiền sĩ đã viết quyển Khôn ngoan của Salômon trong đó ông cố gắng sử dụng văn hoá Hy Lạp để diễn tả đức tin Do thái.

Chúng ta hãy xem xét lướt qua giòng lịch sử này. Và dừng lại hơi lâu trên 2 bản văn : Đanien 7 và Khôn ngoan 7.

 

I. GIUĐITHA (Đệ nhị thư quy) và ÉT-TE :

Đây là hai truyện giáo dục (midrash) diễn tả sự hứng khởi được khơi lên do anh hùng ca Macabê. Chúng nhấn mạnh một điểm chủ yếu : chính Thiên Chúa hành động và giải cứu. Nhưng Ngài làm việc ấy bằng những phương tiện yếu đuối nhất : dùng tay của một phụ nữ.

 

II. 2MACABÊ (Đệ nhị thư quy) :

Quyển này không phải là tiếp theo quyển Macabê, mà nó còn được viết trước nữa, khoảng 124. Đây là tóm lược một tác phẩm khác gồm 3 tập do Jason viết ít lâu sau biến cố Giuđa Macabê.

Xuyên qua những câu chuyện đạo đức, ta khám phá linh đạo của phái Pharisêu và sự họ gắn bó hoàn toàn vào Thiên Chúa. Sau đây là vài điểm :

- Một cuộc thánh chiến : khi tường thuật những chiến công của Giuđa, tác giả nhấn mạnh rằng chính Thiên Chúa ban chiến thắng. Bởi thế trước mỗi trận đánh đều có những lời cầu nguyện và có nhiều can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa (chương 8 và tiếp theo).

- Việc tử đạo : sự hoàn toàn gắn bó với Chúa có thể đưa đến việc làm chứng cho Ngài một cách dứt khoát bằng cách chịu tử đạo. Gương tử đạo của cụ già Êlêazarô (6,18-31) và nhất là của 7 anh em (7) là những chuyện nổi tiếng.

- Sự sống lại (7,9.23.29) : tác giả sử dụng lại - nhưng rõ ràng hơn - giáo thuyết đã được trình bày bởi Đanien (Đn 12,2) và cũng là giáo thuyết của Pharisêu. Chúng ta sẽ xem lại điểm này khi nghiên cứu sách Đaniên.

- Cầu nguyện cho người đã chết (12,38-45) : bản văn này đóng một vai trò quan trọng trong Thần học Công giáo về "luyện ngục" : nếu ta phải cầu nguyện cho người đã chết là vì không phải họ rơi vào hư vô, nhưng vì họ có thể được cứu sau khi chết. Những người Tin lành thì không công nhận sách này, nên chỉ đơn giản phó thác cho Chúa số phận những người đã chết, chẳng cần cố gắng vén màn bí mật ấy làm gì.

- Tạo dựng từ hư vô (7,28) : từ trước cho tới bây giờ, người ta không trình bày Thiên Chúa tạo dựng mọi sự từ hư vô, mà chỉ nói Ngài tạo dựng bằng cách tách biệt và bằng cách ra lệnh (St 1).

 

III. 1 MACABÊ (Đệ nhị thư quy)

Sách này được viết có lẽ khoảng những năm 100. Tác giả có thiện cảm với triều đại Macabê. Ông thuật lại lịch sử của 3 người con đầu của gia đình này : Giuđa (3-9), Gionatan (9-12) và Simon (13-16). Ông muốn viết một lịch sử thánh trong đường hướng của các ngôn sứ đầu tiên, và muốn chứng minh rằng chính Thiên Chúa giải phóng dân Ngài khi ra tay cứu họ khỏi nỗi bất hạnh mà tội lỗi đã ném họ xuống.