CHƯƠNG VIII

CÁC THÁNH VỊNH

  

Bài 1

TỔNG QUÁT

 

Chúng ta kết thúc chuyến tham quan Cựu ước bằng tập Thánh vịnh.

Từ đầu tới giờ chúng ta đã đọc những bản văn theo thời kỳ lịch sử chúng được viết. Nhưng không làm thế với các Thánh vịnh vì hầu như không thể xác định chúng được viết vào thời điểm nào. Thánh vịnh là lời cầu nguyện mà thời nào người ta cũng cầu nguyện cả. Bởi đó chúng ta gom chung tất cả các Thánh vịnh vào chương cuối cùng này.

 

I. NHỮNG TIẾNG KÊU CỦA CON NGƯỜI

A. Chouraqui, một thi sĩ Do thái đã viết : "Chúng tôi sinh ra với quyển Thánh vịnh trong bụng". Đây là một quyển sách gồm 150 bài thơ, 150 bậc giữa cái chết và sự sống, 150 tấm gương phản ánh những cuộc nổi loạn và những sự bất trung của chúng ta, những cơn hấp hối và những lần hồi sinh của chúng ta. Còn hơn là một quyển sách, đó là một người đang nói, đang sống, đang đau khổ, đang rên rỉ và đang chết dần mòn, nhưng rồi đang sống lại và đang hát trước ngưỡng cửa đời đời...

Thánh vịnh là tiếng kêu của con người, là bài ca thán phục trước thiên nhiên và tình yêu, là nỗi khắc khoải trước đau khổ và sự chết, là tiếng rên rỉ dưới sự chà đạp của xã hội, là sự nổi loạn trước sự phi lý của cuộc đời và sự im lặng của Thiên Chúa... Thánh vịnh là tất cả những tiếng kêu ấy vang lên tới Chúa để trở thành lời cầu nguyện. Đúng vậy, mọi tiếng kêu lên Thiên Chúa dù là tiếng ca ngợi hay là tiếng than van, thậm chí tiếng nổi loạn cũng đều có thể thành lời cầu nguyện.

 

II. HAI LOẠI NGÔN NGỮ

Ta cần phân biệt ngôn ngữ thông tinngôn ngữ quan hệ. Đứa trẻ nằm trên giường kêu lên "Má ơi ! con khát". Đó có thể là ngôn ngữ thông tin nếu nó đang khát nước thực sự. Mẹ nó sẽ đem nước tới cho nó uống. Nhưng nếu nó đã uống no trước rồi mà vẫn kêu : "Má ơi ! con khát" thì thực ra nó không cần nước, không khát nước mà khát sự âu yếm của mẹ. Đây là ngôn ngữ quan hệ.

Trong ngôn ngữ thông tin, lời nói diễn tả đúng sự việc. Còn trong ngôn ngữ quan hệ thì lời nói diễn tả một sự việc khác. Thí dụ chồng nói với vợ "Chim bồ câu của anh ơi", "con chuột nhỏ bé của anh à". Tương tự như thế Thánh vịnh gọi Thiên Chúa là "đá tảng của con, thành luỹ của con".

Sự phân biệt trên rất quan trọng để ta có thể cầu nguyện bằng Thánh vịnh, và rộng hơn để ta có thể đọc và hiểu Thánh kinh. Thực ra Lời Chúa thường thuộc ngôn ngữ quan hệ. Dĩ nhiên sách thánh cũng muốn thông tin một số việc nhưng trước hết, sách thánh muốn đưa ta vào quan hệ hữu vị với Thiên Chúa, nó đánh động chúng ta. Xét cho cùng, ngôn ngữ thông tin chỉ nói với trí óc của ta, còn ngôn ngữ quan hệ nói với chính con tim của ta. Câu "má ơi con khát" nếu thốt lên khi đứa bé cần nước thật thì mẹ nó chỉ có việc mang nước đến cho con ; nhưng nếu nó là ngôn ngữ quan hệ thì nó làm cho người mẹ xúc động vì nó kêu gọi chính bản năng mẫu tử của bà.

Con người khoa học thường hiểu ngôn ngữ theo nghĩa thông tin, nhưng những người yêu thương nhau thường hiểu theo nghĩa quan hệ. Một giáo viên Sinh vật đưa một cành hoa cho học sinh và hỏi "Cái gì đây ?". Học sinh sẽ trả lời đó là một loài thực vật thuộc giống gì, có những đặc tính gì v.v... Nhưng một thanh niên đưa một cành hoa cho một cô gái, cô sẽ hiểu hoàn toàn khác hẳn.

Vì thế khi đọc Thánh vịnh - và Thánh kinh - ta phải nhớ rằng đó là ngôn ngữ quan hệ. Có những hình ảnh trong đó ta không nên tìm hiểu ý nghĩa theo kiểu khoa học chính xác mà phải cố gắng khám phá ngụ ý tình cảm của chúng. "Tảng đá" có thể là thứ đè bẹp người ta, nhưng cũng có thể là thứ che chắn cho người ta. Thiên Chúa là "đá tảng", ta phải tìm xem nói như thế có nghĩa gì ?

 

III. NGÔN NGỮ CỦA MỘT THỜI ĐẠI

Những hình ảnh trong thi văn thay đổi theo từng nền văn minh. Hình ảnh người gieo giống có thể rất đẹp đối với các thế hệ cha ông chúng ta, nhưng chẳng còn ý nghĩa gì nữa đối với thời đại cơ khí bây giờ.

Thánh kinh diễn tả trong một nền văn hoá không giống chúng ta bây giờ bởi đó nhiều chỗ ta thấy khó hiểu. Nhưng những chú thích sẽ giúp chúng ta hiểu.

Thi luật ngày xưa cũng không giống ngày nay. Nhưng chưa chắc là các Thánh vịnh không hay bằng những bài thơ hiện đại.

 

IV. CÁCH ĐÁNH SỐ CÁC THÁNH VỊNH

Cách đánh số các Thánh vịnh có khác nhau giữa bộ Thánh kinh Hy Lạp (được dùng theo trong bản dịch Latin và Phụng vụ Công giáo) với bộ Thánh kinh Híp-ri (được theo bởi hầu hết ấn bản nghiêm chỉnh). Khi thấy có khác nhau xin bạn lưu ý rằng bản Híp-ri lớn hơn bản Hy Lạp một số. Khuynh hướng ngày nay là chọn theo cách đánh số của bản Híp-ri. Nhiều ấn bản Thánh kinh cẩn thận hơn, đề ra cả 2 con số. Thí dụ Tv 51 (50) nghĩa là 51 theo bản Híp-ri, và 50 theo bản Hy Lạp.

 

V. NHỮNG VĂN THỂ

Các chuyên viên đã nỗ lực xác định những văn thể của các Thánh vịnh. Việc này giúp ích cho ta hiểu và cầu nguyện với các Thánh vịnh. Phải chuẩn bị lòng mình trước khi đến thăm một người bạn, hoặc dự một tiệc cưới hay phân ưu với một đám tang... Có thế thì ta mới có được một thái độ thích hợp. Tương tự như thế, biết văn thể của Thánh vịnh là rất cần trước khi ta dùng nó để cầu nguyện với Thiên Chúa.

Các chuyên viên đưa ra nhiều cách xếp loại văn thể Thánh vịnh, tuy khác nhau trong chi tiết nhưng đại khái cũng giống nhau trong những nét lớn. Bạn có thể tìm cách xếp loại ở phần dẫn nhập vào Thánh vịnh trong ấn bản Thánh kinh của bạn. Còn chương này nhằm giúp bạn cầu nguyện với Thánh vịnh nên không chú ý tới cách xếp loại cho bằng tới những chủ đề (nhưng cả hai cũng gặp nhau).

 

VÀI CHỦ ĐỀ CỦA CÁC THÁNH VỊNH

- Lời nguyện tán tạ Thiên Chúa cứu tinh và tạo hoá.

- Lời nguyện tán tạ Thiên Chúa ở bên cạnh ta, Ngài ở nơi dân Ngài (Giêrusalem, Đền thờ).

- Lời nguyện hi vọng : Thiên Chúa là vua và Ngài sắp thiết lập vương triều công chính của Ngài, qua vị Vua-Messia của Ngài mà ông vua trần thế chỉ là hình bóng.

- Lời nguyện xin ơn và tạ ơn : đây là 2 phương diện không tách rời.

- Lời nguyện để sống : gom lại trong đây nhiều chủ đề phát sinh từ suy tư của các hiền sĩ : phải sống thế nào trong hoàn cảnh khó khăn của con người ?

- Trước đó, các Thánh vịnh Lên đền cũng chứa đựng những chủ đề trên.