V. NGƯỜI PHỤ NỮ MÌNH KHOÁC MẶT TRỜI

        Trong phần thứ hai sách Khải Huyền, từ chương 12 đến 19, rõ ràng thánh Gio-an đi song song với những khải huyền Do-thái khác. Điều này không có nghĩa là ngài không còn tùy thuộc vào Cựu Ước hoặc truyền thống văn chương khải huyền nữa. Thực ra phần thứ hai lại chứa đựng nhiều ám chỉ Cựu Ước hơn cả phần thứ nhất. Nhưng trong phần thứ hai này, ngài nói về những điều Cựu Ước không biết được. Phần thứ nhất đã ít nhiều đề cập tới những tai ương hoặc những phương diện khác nhau liên hệ đến việc Thiên Chúa trừng phạt. Còn trong phần này chúng ta sẽ có một nội dung với nhiều chi tiết tỉ mỉ đề cao vai trò của Giáo Hội. Giáo Hội, sự kiện toàn ước vọng thời Cựu Ước, sẽ cho thấy khác biệt giữa khải huyền Do-thái với khải huyền Ki-tô.

        Thánh Gio-an lại bắt đầu phần này với một loạt những thị kiến chuẩn bị. Tuy nhiên ở đây không thấy trình bày thị kiến về Ba Ngôi Thiên Chúa. Đúng hơn, những "diễn viên thuộc màn kịch" nếu chúng ta có thể nói như vậy, tức những nhân vật sẽ nắm giữ vai trò quan trọng trong những thị kiến sau đây, được giới thiệu cho chúng ta biết qua một loạt những "dấu chỉ" hoặc "điềm".

        Điềm đầu tiên là "một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao." Qua mô tả đầy đủ về người phụ nữ này (12:1-2,5-6), chúng ta thấy bà vừa là Giáo Hội, vừa là Mẹ Đấng Mê-si-a. Giáo Hội được trình bày một lúc dưới cả hai hình ảnh, vinh hiển và trong thời thử thách. Mặt trời, mặt trăngcác ngôi sao có thể là hình ảnh trong Sáng Thế 37:9, tức câu truyện ông Giu-se là hình bóng Đấng Mê-si-a. Trong mọi biến cố, hình ảnh này đều có ý nói lên vinh quang của Giáo Hội. Chi tiết trong câu 2 lấy ý từ Mi-kha 4:10, nói về người thiếu nữ Xi-on, tức Giê-ru-sa-lem dưới đất là hình ảnh báo trước Giê-ru-sa-lem trên trời. Nàng đang chịu đau khổ trước khi được Chúa đến cứu thoát khỏi Ba-by-lon. Trong câu 5, Hài nhi do người phụ nữ sinh ra là chính Chúa Giê-su như đã được mô tả theo ngôn ngữ cứu thế trong Thánh Vịnh 2:9. "Những người còn lại trong dòng dõi bà" (câu 17), như chúng ta sẽ thấy, đó là các Ki-tô hữu. Giáo lý của thánh Phao-lô về Chúa Ki-tô dạy Người là "trưởng tử trong số những anh em", là Đấng Cứu Thế đã cho chúng ta được chia sẻ sự sống với Người. Sau hết, người Phụ nữ được cư ngụ trong sa mạc (có lẽ Gio-an liên tưởng đến việc Thiên Chúa che chở Ít-ra-en trong hoang địa) trong khoảng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày, tức là khoảng thời gian Giáo Hội hiện diện trên mặt đất, như chúng ta đã thấy trước đây.

        Dấu chỉ thứ hai (câu 3-4) là con rồng, được hiểu ngay đó là Xa-tan. Ở đây Xa-tan được mô tả dưới hình ảnh con thú trong Đa-ni-en 7:7 và đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất (Đn 8:10), nghĩa là nó đứng đầu một số lớn các thiên thần sa ngã. Vậy ở đây chúng ta gặp thấy hai đối thủ chính trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại.

        "Đôi cánh đại bàng"

        Trong các câu 7-12, cuộc giao chiến trên trời này được diễn tả như cuộc chiến giữa thiên thần Mi-ca-en cùng các thiên thần của ngài (xem Đn 10:13) với Xa-tan cùng các thiên thần của nó, chiến thắng được hứa ban cho những ai là anh em với Chúa Ki-tô và tin vào Người. Các câu 13-17 lập lại hình ảnh thù nghịch giữa Xa-tan và dòng dõi người phụ nữ. Ở đây nói là bà được ban cho đôi cánh đại bàng, một hình ảnh Cựu Ước ám chỉ sự che chở của Thiên Chúa (Xh 19:4, vv.).

        Còn những người khác nữa cũng được giới thiệu. Nhưng trước khi xem tiếp, chúng ta nên để ý trong câu 15 kể rằng Con Rồng, cũng là con rắn trong Sáng Thế 3, cố gắng dùng nước để tiêu diệt người phụ nữ. Cũng như vậy trong câu 17, rồi nó đứng trên bãi cát ngoài biển. Ngay sau đó chúng ta thấy một Con Thú từ dưới biển đi lên.

        Bình thường trong sách Khải Huyền khi nói tới cả đất lẫn biển thì có nghĩa như là chúng bị chúc dữ (xem câu 12), cho nên chúng là "thế gian" và không được dự phần với Chúa Ki-tô. Vậy trong chương 13, thực ra có hai Con Thú thù địch, một con trên mặt đất và một con từ dưới biển. Nhưng trong câu 16, đất đã chống lại nước để cứu người phụ nữ. Khi diễn tả đất và nước chống nhau như thế, Gio-an ám chỉ về một tư tưởng cổ xưa đã thường gặp thấy trong Cựu Ước và hàm ý trong Sáng Thế chương thứ nhất. Nước nói lên ý nghĩa mênh mang xáo trộn, từ đó Thiên Chúa đã cho đất xuất hiện, cho nên việc này tượng trưng cho việc Thiên Chúa đã thiết lập trật tự.

        Con Thú dưới biển hành động nhờ quyền lực Xa-tan và được người ta theo (13:1-4). Diễn tả Con Thú này cùng với Con Thú trên mặt đất là tóm kết câu truyện kể trong Đa-ni-en 7:1-8. Đa-ni-en nói về bốn Con Thú tượng trưng cho bốn đế quốc bách hại dân Do-thái. Còn Gio-an thì chỉ nghĩ về một đế quốc đang bách hại Ki-tô hữu là đế quốc Rô-ma. Nhưng ngài đưa ra hai Con Thú nhằm nói lên cả hai phương diện của cuộc bách hại này, tức chính trị lẫn tôn giáo.

        Vậy Con Thú dưới biển là một biểu tượng đúng với đế quốc Rô-ma, vì trong thời Gio-an đó là lực lượng phản Ki-tô hiện nguyên hình, quyền lực thế gian chống lại vương quốc Chúa Ki-tô. Dĩ nhiên điều này có nghĩa là những gì Gio-an cho biết không chỉ xảy ra tại Rô-ma mà thôi. Con Thú này thi hành quyền lực của nó trong vòng bốn mươi hai tháng (c. 5), nghĩa là hết tất cả thời gian Giáo Hội hiện hữu trên mặt đất. Thời nào thì cũng luôn luôn có quyền lực trần gian này - "thế gian" - là quyền lực sẽ cố chiếm lấy chỗ của Chúa Ki-tô. Gio-an chỉ mô tả nó theo dạng thức ngài nhận thấy trong thời ngài.

        Tiếp tục hiểu như vậy, chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa của những cái sừng và những cái đầu, cũng như ý nghĩa chi tiết về một cái đầu đã bị thương và lại được chữa lành (câu 3). Những lời huênh hoang phạm thượng của Con Thú (cc. 5-6) và cuộc giao chiến chống Thiên Chúa và Giáo Hội (cc. 7-8) nói lên công việc của Xa-tan là tên đã nuôi dưỡng Con Thú. Trong các câu 9-10, Gio-an nhắn nhủ Ki-tô hữu về thái độ họ phải có khi đối diện với những ác độc này. Lòng kiên nhẫnđức tin mà thánh Phao-lô đã nêu lên như đức tính cần thiết khi phải chịu bách hại cũng chính là lời khuyên của sách Khải Huyền vậy.

        Những dấu lạ lớn lao

        Một Con Thú khác trên mặt đất (cc. 11-18) mà sau này Gio-an gọi là các ngôn sứ giả (16:13) nói lên phương diện thứ hai của quyền lực đối nghịch Chúa Ki-tô. Đây chính là trào lưu ngoại giáo hiện hình. Đặc thù của nó là có hai sừng giống như sừng chiên - nghĩa là nó có thể giả dạng làm Con Người - nhưng lại nói năng như một Con Rồng, vì nó chính là tiếng nói của Xa-tan (c. 11). Chính ngoại giáo đã xúi giục người ta thờ phượng những quyền lực không phải là Chúa Ki-tô (c. 12) và nó thực hiện những điềm lạ dối trá để đánh lừa người ta (cc. 13-14) giống hệt như những chứng nhân của Giáo Hội đã thực hiện những điềm lạ đích thực (11:5-6). Trong câu 15, có lẽ Gio-an muốn nhắc đến hình ảnh những hoàng đế muốn được người ta thờ phượng mình và đã giết hại nhiều Ki-tô hữu vì họ từ chối không chấp hành việc thờ phượng ấy. Ngoại giáo hoàn toàn saün sàng phục vụ cho đế quốc (cc. 16-17), đến độ những ai không đứng vào phe nó để được thích dấu trên tay hữu hoặc trên trán, thì sẽ bị bách hại và phải chịu thiệt thòi về mua bán hoặc bị tẩy chay.

        "Con Thú"

        Con số thời danh của Con Thú xuất hiện trong câu 18. Trước hết, con số sáu trăm sáu mươi sáu là biểu tượng sự bất toàn tệ hại nhất, vì là con số bảy thánh thiện bị trừ đi một tới ba lần. Nhưng Gio-an nói rằng đó là con số của tên một người, tức là con số gồm các trị số thay cho những mẫu tự của tên một người nào đó. Vậy là tên của ai? Chúng ta phải nhận rằng không thể là cái tên hoàn toàn chính xác của một người. Chúng ta không nắm chắc được Gio-an muốn ngôn ngữ nào khi sử dụng những con số để chỉ về mẫu tự. Khi viết, Gio-an dùng tiếng Hy-lạp, nhưng có lẽ ngài nghĩ theo lối A-ram và sử dụng hầu hết là những nguồn Híp-ri. Cũng có thể là tiếng La-tinh nữa, vì ngài nhân cách hóa kẻ phản-ki-tô bằng hình ảnh Đế quốc Rô-ma. Có lẽ một người với đầu óc biến báo đều có thể triết ra con số 666 từ một cái tên hoặc một danh hiệu do người ấy chọn lựa, nếu chúng ta để họ tự ý dùng ngôn ngữ nào và lập luận theo cách của họ về cái tên hoặc danh hiệu ấy. Thực ra cái tên ứng với con số của con thú được coi là đúng nhất, đó là tên Hoàng đế Nê-rô, kẻ bách hại đầu tiên, viết theo mẫu tự La-tinh. Nếu chúng ta gồm lại những trị số mẫu tự Híp-ri về tên của hoàng đế Nê-rô (Neron Qesar), chúng ta sẽ có con số 666. Vậy giải đáp này có đúng không? Chúng ta không dám chắc chắn; đó chỉ là phỏng đoán. Nhưng có lẽ đúng như vậy nếu chúng ta xét thêm những gì tiếp theo đó.

        Chúng ta nên lưu ý là giờ đây, với Con Rồng, Con Thú (dưới biển), và ngôn sứ giả hiệu (con thú trên đất) hiệp lại, thì chúng ta có một thứ "ba ngôi ma quỷ" chống đối với Ba Ngôi Thiên Chúa. Như Gio-an đã nhắc tới "ba ngôi" này trong chương 13, cũng như trước đây ngài đã nói đến sự tỏ hiện của Ba Ngôi Thiên Chúa, thì chúng ta có thể kết luận rằng sự kiện đối nghịch giữa Ba Ngôi với "ba ngôi" không phải chỉ là một trùng hợp đâu. Điềm cuối cùng trong loạt những điềm mở đầu được trình bày như "một màn tổng hợp tất cả các diễn viên", tức là cảnh 144,000 người (14:1-5), mà chúng ta đã thấy trước kia (7:4 tt), tượng trưng cho Giáo Hội trên thế gian, những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Nơi đây, họ ở với Con Chiên, dấu của Con Chiên ghi trên trán họ, tất cả cùng đứng trên Núi Xi-on trong tư thế đối nghịch với con Thú và những kẻ theo nó. Cũng nơi đây, họ được gọi là những người còn trinh tân và của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa, giống như thánh Phao-lô đã gọi Ki-tô hữu trong thư của ngài.

        Bảy chén tai ương

        Sau những điềm này là một đoạn ngắn giới thiệu bảy thiên thần tiên báo trước khi bảy chén tai ương xảy đến. Thiên thần thứ nhất (14:6-7) loan báo một tin mừng vĩnh cửu, tức là ý định rõ ràng và cương quyết của Thiên Chúa muốn phán xét muôn loài. Thiên thần thứ hai báo tin Ba-by-lon sụp đổ (c. 8), một chủ đề sẽ được nói đến sau với đầy đủ chi tiết. Thiên thần thứ ba (cc. 9-11) tiên báo những kẻ nào đi theo Con Thú sẽ bị kết án đời đời. Một lần nữa Gio-an kêu gọi Ki-tô hữu hãy kiên trì chịu đựng và ngài nói đến phần thưởng quê trời dành cho những tín hữu đích thực (cc. 12-13). Thiên thần thứ bốn được mô tả giống như Con Người, vì ngài phải thi hành công việc của Con Người (c. 14). Thiên thần thứ năm thông báo công việc ấy là gì (c. 15), đó là xét xử thế gian, được diễn tả bằng hình ảnh gặt hái mùa màng (c. 16). Thiên thần thứ sáu xuất hiện để làm công việc gặt hái (c. 17) và thiên thần thứ bảy lên tiếng từ bàn thờ trên trời là nơi dâng lên lời cầu nguyện của các thánh (c. 17). Tiếp đến việc phán xét lần này được mô tả như một mùa hái nho đẫm máu (cc. 19-20).

        Cuộc phán xét

        Hai hình ảnh về cuộc phán xét lấy từ sách ngôn sứ Giô-en 3:13 và I-sai-a 63:1-6. Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng khoảng cách một ngàn sáu trăm dặm (khoảng hai trăm dặm Anh), vùng ngập máu do cuộc phán xét, là chiều dài của đất Pha-lét-tin. Cũng như Giê-ru-sa-lem dưới đất trong 11:8 tượng trưng cho toàn thể địa cầu là nơi Giáo Hội sẽ làm chứng cho mọi người, đồng thời cũng tượng trưng cho chính thế giới gồm những kẻ thù nghịch với Chúa đang sinh sống (x. 11:2, tiền đình phía ngoài Đền Thờ dành cho dân ngoại), thì ở đây có lẽ Gio-an muốn dùng biên giới Pha-lét-tin làm biểu tượng cho toàn thế giới sẽ bị Thiên Chúa phán xét.

        Chương 15 bắt đầu với hình ảnh cuối cùng trong số bảy hình ảnh về cuộc phán xét hoặc về ngày tận thế, tức hình ảnh về bảy chén tai ương. Nhưng ở đây lại nhấn mạnh đến cuộc khải hoàn, việc báo thù cho những người công chính được thể hiện qua việc trừng phạt kẻ gian ác. Vì thế, sau khi nhắc qua đến bảy tai ương (15:1) là một bài ca chiến thắng ở trên trời của những người đã thắng Con Thú, tức là các Ki-tô hữu đã chịu bách hại và giờ đây được thưởng công (cc. 2-4). Họ hát bài ca của ông Mô-seâ và bài ca của Con Chiên. Thực vậy, bài ca vang vọng bài ca của ông Mô-sê trong Xuất Hành 15:1 sau khi dân Chúa băng qua Biển Đỏ. Như thế chúng ta hiểu tại sao cái gì như biển trong vắt (c. 2) mà trước đây đã được nói tới cùng với cái ngai trên trời, giờ đây lại pha ánh lửa. Như ông Mô-sê đã đem Ít-ra-en chiến thắng vượt qua Biển Đỏ, Giáo Hội vinh hiển cũng vượt qua biển đỏ trong vắt để bước vào cõi vinh phúc trên trời.

        Lều Chứng Ước

        Theo dòng tư tưởng đang diễn tiến, Đền Thờ trên trời được mô tả ở đây như là Lều Chứng Ước (c. 5), tựa như câu truyện trong sách Xuất Hành về Hòm Bia Giao Ước trong sa mạc (Xh 40:34, vv.). Bảy chén đựng cơn lôi đình của Thiên Chúa giờ đây được một trong bốn Con Vật đứng chung quanh ngai Thiên Chúa trao cho bảy thiên thần ăn mặc giống như Con Người, vì họ phải thi hành mệnh lệnh trong giờ phán xét (cc. 6-8).

        Mệnh lệnh phải đổ những chén đựng cơn lôi đình của Thiên Chúa xuống (16:1) khởi đầu cho cảnh tượng sau hết về ngày tận thế dưới hình thức phán xét. Bảy chén tai ương liên hệ với bảy tiếng kèn nhiều hơn. Bảy chén ấy liên tiếp nhau dồn dập, ngoại trừ trước khi đến chén cuối cùng thì có một thời gian ngưng nghỉ giống như trường hợp tiếng kèn thứ bảy. Chén thứ nhất (c. 2) lập lại hình ảnh tai họa tại Ai-cập kể trong Xh 9:10-11. Thực ra tất cả các chén tai ương đều theo sát với câu truyện những tai họa tại Ai-cập và lấy chúng làm mẫu.

        Những biểu tượng về con số

        Chén thứ hai và thứ ba (cc. 3-4) cùng lập lại tai ương được tả trong Xh 7:20-21. Chén thứ hai cũng giống như tiếng kèn thứ ba (8:10-11). Sau ba chén tai ương đầu thì có tiếng tán đồng (cc. 5-7) của thiên thần và của bàn thờ (nơi dâng lên lời cầu nguyện của các thánh). Đến đây, người ta nhận thấy có sự phân chia thành hai nhóm chén tai ương, giống như cách phân chia nhóm của bảy thư gửi các hội thánh ở phần đầu sách Khải Huyền. Như chúng ta đã thấy, các thư chia thành nhóm 3 + 4, các ấn chia thành nhóm 4 + 3, hoặc đúng hơn, là 4 + (2+1). Còn các chén tai ương thì trở lại nhóm 3 + 4, hoặc 3 + (3+1).

        Chén thứ bốn không giống với tai họa nào trong Xuất Hành, nhưng lấy từ Is 49:8-10. Mô tả này (cc. 8-9) đặt số phận những kẻ gian ác đối nghịch với số phận những kẻ công chính (7:16). Chén thứ năm trở lại với hình ảnh trong Xh 10:21-22, và giống như tiếng kèn thứ bốn và năm (cc. 10-11).

        Chén thứ sáu (c. 12), tựa như trường hợp tiếng kèn thứ sáu (9:13 tt), là hình thức tiên báo việc dân man di xâm lăng vào cuối thời Đế quốc Rô-ma. Sông Êu-phơ-rát, có thể nói là con sông ngăn giữ những dân ấy, giờ đây đã không còn nữa. Điều này cũng đưa ra một hình ảnh (c. 13) giống như hình ảnh tai họa Ai-cập trong Xh 8:2. Ở đây "ba ngôi ma quỷ" đã thả ra những thần khí của ma quyû, tức là những ảnh hưởng ma quỷ hoành hành trên nhân loại để kéo họ chống lại Thiên Chúa (c. 14). Nhưng như thánh Phao-lô nói (1 Tx 5:2), Đức Ki-tô tới phán xét bất ngờ, tựa như kẻ trộm đến ban đêm (c. 15), và Người sẽ tiêu diệt chúng hoàn toàn (c. 16). Hác-mơ-ghít-đô, nơi chốn tượng trưng trong cuộc Chúa phán xét, là thung lũng Mơ-ghít-đô, bãi chiến trường của Pha-lét-tin. Tại đây ngày xưa vua Giu-đa là A-khát-gia đã bị ông Giê-hu giết (2 V 9:27). Cũng tại đây vua Giô-si-gia bị vua Ai-cập Nơ-khô giết chết (2 V 23:29). Do đó, bãi chiến trường này đã thành biểu tượng cho sự chết và trừng phạt.

        Biểu tượng của Ma quỷ

        Sau cùng, chén thứ bảy mô tả chung cuộc của mọi sự (cc. 17-21), sử dụng ngôn ngữ như chúng ta đã thấy trước đây (xem 8:7), và dựa theo Xh 9:23-24. Theo cùng một viễn tượng những chén tai ương, trong chương 17 và những chương tiếp theo, những biến cố này được mô tả với chi tiết kỹ càng hơn cũng như với nhiều hình ảnh và tưởng tượng hơn.

        Trước hết là hình ảnh Con Điếm khét tiếng Ba-by-lon ngồi trên Con Thú (17:1-6). Con Điếm là nữ thần Rô-ma. Nó ngồi bên những làn nước mênh mông, biểu tượng của gian ác (gần như lập lại cùng một từ ngữ của Giê-rê-mi-a 51:13); mô tả nó trong câu 2 là mô tả thành Tia trong Is 23:15-17. Ở đây Con Thú có mầu đỏ thẫm (mầu của vua chúa) và có bảy đầu cùng bảy sừng (sẽ được giải thích sau); cũng vậy, người đàn bà có những điểm giống như Con Thú (xem Gr 51:7), là kẻ bách hại những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Sự kiện mụ ấy sống trong sa mạc (c. 3) có lẽ để cho thấy sự đối nghịch với người phụ nữ trong chương 12 tượng trưng cho Giáo Hội được Thiên Chúa che chở trong sa mạc. Giáo Hội và lực lượng phản Ki-tô cùng chiếm một chiến tuyến là thế gian này, nhưng Giáo Hội sẽ được bảo vệ trước những tấn công của ma quỷ.

        "Quyền lực của Con Thú"

        Như đã thông báo trong câu 7, phần cuối chương 17 là để giải thích thị kiến này. Con Thú đã có, nhưng không còn nữa (c. 8), đối nghịch với Thiên Chúa là Đấng hiện có, đã có (1:4, vv.). Tuy nhiên cả quyền lực của Thiên Chúa lẫn quyền lực của Con Thú đều đang đến - thực ra sự đối nghịch giữa hai quyền lực này là tất cả nội dung của sách Khải Huyền. Bảy đầu của Con Thú là bảy quả núi trên đó người đàn bà ngồi (c. 9), chắc chắn ám chỉ Rô-ma với bảy ngọn đồi. Nhưng ở đây chúng ta thấy tại sao Gio-an lại lấy Ba-by-lon để xác định quyền lực ma quỷ. Đối với người Do-thái thời Cựu Ước, Ba-by-lon đã tượng trưng cho tất cả những gì là gian ác và bách hại (cũng có vài tên những thành khác nữa, nhưng Ba-by-lon vẫn là tên người ta thường dùng), thì trong thời Gio-an, Rô-ma cũng gian ác và bách hại như vậy, nhưng ngài vẫn theo tư tưởng Cựu Ước, lấy Ba-by-lon để tượng trưng cho gian ác và bách hại.

        Trong các câu 10-11, chúng ta đọc thấy: bảy đầu cũng là bảy vua; năm vua đã đổ, một vua hiện còn, một vua khác chưa đến, và khi vua này đến thì phải ở lại ít thời gian thôi. Còn Con Thú đã có và không còn nữa, thì là vua thứ tám, nó cũng thuộc số bảy vua và đang tới chỗ diệt vong. Có lẽ Gio-an muốn hiểu như sau. Ngài đã sử dụng hình ảnh Con Thú lấy từ sách Đa-ni-en và không thay đổi gì cả. Tuy nhiên ngài nghĩ tới tám hoàng đế của Rô-ma. Đó là những hoàng đế đã trị vì cho đến thời ngài, tức Au-gút-tô, Ti-bê-ri-ô, Ca-li-gu-la, Clau-đi-ô, Nê-rô, Vét-pa-xi-a-nô, Ti-tô và Đô-mi-xi-a-nô (tuy có ba hoàng đế khác nữa là Vi-tê-li-ô, Gan-ba và Ô-thô, nhưng triều đại của họ rất ngắn và tạm thời). Năm trong số các hoàng đế này đã chết - Giáo Hội lúc này đã qua cơn bách hại do Nê-rô. Vì Gio-an đang sống thời hoàng đế Vét-pa-xi-a-nô (lúc ngài được thị kiến), cho nên ông ta là một vua hiện còn, nhưng trong triều đại của ông đã có một lúc tạm ngưng cơn bách hại. Một vua chưa đến - Ti-tô, người đã phá hủy Giê-ru-sa-lem và đã cai trị một thời gian tương đối ngắn. Vua thứ tám, cũng thuộc số bảy vua, là Đô-mi-xi-a-nô. Theo tài liệu sử gia Tacitus, Dio Cassius, Dio Chrysostom và nhiều người khác, các Ki-tô hữu hồi ấy đã gọi vua này là Nê-rô tái sinh. Cũng theo nghĩa đó, chúng ta nên hiểu hình ảnh được nói đến trong13:3 về một trong các đầu của Con Thú bị tử thương nhưng lại được chữa lành, đó là ám chỉ về vua này. Cũng theo giải thích ấy, chúng ta thấy lý do tại sao 12:3 mô tả Con Rồng như thế. Con Rồng, tức Xa-tan, thi hành quyền lực của nó qua Con Thú.

        Mười vua trong 17:12 để giải thích về mười sừng của Con Thú có lẽ ám chỉ những vua khác trên mặt đất, những người cùng chia sẻ quyền lực của Rô-ma trong thời thánh Gio-an, dù chỉ chia sẻ một phần nào đó, tức trong vòng một giờ. Tuy nhiên họ cũng tạo thành một thế giới chống Đức Ki-tô và nâng đỡ việc bách hại Giáo Hội (cc. 13-14). Nhưng cuối cùng, họ sẽ cùng với Con Thú chống lại Rô-ma và tiêu diệt nó (cc. 15-18). Không những Gio-an tiên báo việc đế quốc Rô-ma bị tiêu diệt, qua hình ảnh Con Thú trước đây được mô tả bằng hình ảnh đế quốc Rô-ma, mà giờ đây lại chống lại chính đế quốc ấy, nhưng ngài còn cho thấy là ngài không coi quyền lực phản Ki-tô chỉ đồng hóa với riêng Rô-ma mà thôi đâu. Quyền lực phản Ki-tô ấy vẫn tiếp tục và vẫn tồn tại cả sau khi Rô-ma sụp đổ.

        Ba-by-lon sụp đổ

        Chương 18 gồm có trước hết là lời công bố thành Ba-by-lon sụp đổ (cc. 1-8), một tổng hợp những trích dẫn sách ngôn sứ I-sai-a và nhất là Giê-rê-mi-a, theo thứ tự sau: Gr 51:8, Is 21:9, Gr 50:39, Gr 25:15,27, Is 48:20, Gr 50:8, Gr 51:45, Tv 137:8, Is 47:7-8, vv. Rồi từ câu 9-19, các vua chúa trần gian, các con buôn trên mặt đất và các người trong giới hàng hải đã thương khóc vì Ba-by-lon sụp đổ khiến họ không còn được dự phần vinh quang với nó nữa. Những lời thương khóc này hầu như lập lại từng lời trong Ê-dê-ki-en 26-27. Những lời thương khóc ấy bị gián đoạn ở câu 20. Câu này nói đến niềm vui trên trời vì sự gian ác bị lật đổ, dựa theo ngôn từ thường gặp trong Cựu Ước (Đnl 32:43, Is 44:23, Gr 51:48, vv.) Sau hết, phần cuối cùng của chương 18 (cc. 21-24) lập lại lời tiên báo chắc chắn về sự sụp đổ của Ba-by-lon, dựa theo những lời trong Gr 51:63, Ed 26:21, Gr 25:10, Ed 26:13, Is 24:8.

        Đoạn 19:1-10 tiếp tục ghi lại cuộc hân hoan vui mừng vì Rô-ma bị đánh bại, đồng thời cũng mở đầu cho những cảnh khải hoàn sau hết sẽ được sách Khải Huyền nói tới. Nơi đây, một lần nữa những bài ca ngợi trên thiên quốc đã theo mẫu mực những bài trong Cựu Ước như chúng ta đã thấy. Trong câu 9, lần đầu tiên nhắc tới tiệc cưới của Con Chiên. Đây là một hình ảnh quen thuộc của Do-thái nói về vương quốc Đấng Cứu Thế. Gio-an sử dụng hình ảnh này để nói về cuộc khải hoàn sau hết của Chúa Ki-tô và Giáo Hội Người - vì Giáo Hội là Hiền Thê trong tiệc cưới này - là cuộc khải hoàn sẽ được nói đến trong những chương cuối cùng. Trong câu 10, quá cảm động nên Gio-an quỳ xuống dưới chân thiên thần và thiên thần từ chối cử chỉ ấy. Có lẽ Gio-an đã đưa chi tiết này vào cốt ý chống lại việc thờ phượng các thiên thần, một sự kiện rất phổ biến tại Tiểu Á và bị kết án như chúng ta thấy trong thư Cô-lô-xê và thư Do-thái.

        Những hình ảnh buồn thảm trong sách Khải Huyền hầu hết đã qua rồi. Những gì phải đến, đó chính là thị kiến Giê-ru-sa-lem trên trời.


Trở Về Trang Mục Lục Kinh Thánh | Trở Về Trang Nhà
Trở Về Trang Nhà