Hành trình học hỏi Tin Mừng Gio-an

 

 

Vào đề

 

 

          Cũng như ba tập sách trước (các Hành trình học hỏi Tin Mừng Mác-cô, Mát-thêu và Lu-ca), Hành trình học hỏi Tin Mừng Gio-an được soạn cho những ai muốn học hỏi Tin Mừng hoặc một mình, hoặc với một nhóm.  Không hẳn chỉ trình bày những dữ kiện, mà mỗi bài học còn cho thấy qua kinh nghiệm con người, làm sao áp dụng Kinh Thánh vào cuộc sống Ki-tô hữu là những người đang trên hành trình cùng đi với Chúa và đến với Chúa.  Mục đích cuối cùng của mỗi Hành trình là để giúp bạn đọc tìm thấy trong Tin Mừng Gio-an một phương thức làm tăng thêm lòng yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô và tha nhân.

 

          Hành trình học hỏi Tin Mừng Gio-an theo cùng một khuôn mẫu dành cho người trưởng thành học hỏi giống như những tập trước, nghĩa là có những phần:  Khám phá (những chi tiết thông đạt kiến thức), Những điều khám phá được (những bài tập suy nghĩ), Ôn lại (nhìn lại những điểm đã khám phá) và Khám phá thêm (liệt kê những tài liệu giúp học hỏi thêm).  Raymond Apicella, tác giả của ba tập Hành trình trước, đã chọn phương thức đó cho việc học hỏi Kinh Thánh.

 

          Không có ấn định thời gian cho mỗi Hành trình, vì các Hành trình được sắp đặt cho thích hợp với cả từng cá nhân cũng như với một nhóm nhỏ.  Nếu sử dụng tập sách này trong một nhóm thì chúng tôi khuyên các bạn hãy thảo luận và chia sẻ với nhau những tư tưởng đã thâu đạt được trong mỗi buổi họp.

 

 

Trước khi bạn lên đường hành trình

 

          Khi bắt đầu Hành trình học hỏi Tin Mừng Gio-an, điều quan trọng là hãy nhớ rằng các sách Tin Mừng đã xuất phát từ nơi những cộng đồng Ki-tô thế kỷ thứ nhất.  Thánh Thần, Đấng hoạt động giữa họ, đã dẫn dắt họ suy tư các điều đã được lưu truyền về những lời giảng và ý nghĩa cuộc sống, sự chết và phục sinh của Đức Giê-su.  Mỗi sách Tin Mừng độc đáo về nhiều phương diện:  mỗi thánh sử tìm về những nguồn truyền thống mà những vị khác không có;  khi trình bày, mỗi thánh sử chú ý đặc biệt đến một chiều kích nào đó của những lưu truyền ấy theo cách độc đáo của mình;  mỗi vị nhấn mạnh đến những khía cạnh khác biệt về cuộc sống và giáo lý của Đức Giê-su để đáp ứng cảm nghiệm, nhu cầu và những bách hại đau khổ của một cộng đoàn trong Giáo Hội.

 

          Hầu hết các học giả Kinh Thánh ngày nay đều cho rằng niên biểu sách Tin Mừng Gio-an được viết là vào thập niên cuối cùng thế kỷ I, hoặc ít ra là sau khi những Ki-tô hữu gốc Do-thái bị đuổi ra khỏi các Hội đường Do-thái vào năm 85.  Biến cố này đã tạo nên một hàng rào ngăn cách giữa những người Do-thái tin Đức Giê-su là đấng cứu thế người ta trông đợi từ lâu trong lịch sử Ít-ra-en và ngài là Con Thiên Chúa, với những người Do-thái không tin như vậy.  Một mẫu thức chúc dữ đã được thêm vào trong phần kinh nguyện tại Hội đường để trừng phạt kẻ nào tuyên xưng Đức Giê-su là đấng cứu thế và là Con Thiên Chúa, do đó Ki-tô hữu gốc Do-thái không còn được đón nhận vào tham dự thờ phượng và sinh hoạt tại các Hội đường như trước kia nữa.  Sự kiện ấy đưa đến việc Ki-tô hữu gốc Do-thái dứt khoát tách rời khỏi Hội đường cùng những người Do-thái đối nghịch họ, tiếp theo cũng là căn nguyên gây ra bao nhiêu tranh chấp giữa họ với nhau.

 

          Dựa trên hiểu biết của tác giả về Do-thái giáo, chúng ta có thể nói rằng thánh sử Tin Mừng thứ bốn đúng là một Ki-tô hữu gốc Do-thái viết cho những Ki-tô hữu gốc Do-thái đã phải chịu đau khổ vì cuộc tách rời khỏi Hội đường.  Mặc dù truyền thống cổ thời vẫn coi tác giả của sách Tin Mừng thứ bốn là Gio-an, con ông Dê-bê-đê, một trong Nhóm Mười hai đã được nhắc đến trong Tin Mừng Nhất lãm, nhưng các học giả tân thời lại thấy là không có bằng chứng hiển nhiên nào hỗ trợ cho lý thuyết đó.  Đúng hơn, tác giả của sách Tin Mừng này hầu như là một người đồng hành với Đức Giê-su và với “người môn đệ yêu dấu” được nhắc đến trong Tin Mừng Gio-an.  Tác giả là người đã sắp đặt những điều lưu truyền của Người Môn đệ yêu dấu về Đức Giê-su và những suy tư của cộng đoàn về những lưu truyền ấy mà hình thành sách Tin Mừng thứ bốn như chúng ta có hôm nay, và chính tác giả này tôi sẽ coi như là “Gio-an.”

 

          Khoảng thập niên cuối cùng thế kỷ I là thời kỳ mà hầu hết các học giả đều tin là Tin Mừng Gio-an đã được viết, thì những sách Tin Mừng Mác-cô, Mát-thêu và Lu-ca đã được lưu hành tại nhiều nơi rồi.  Có thể tác giả đã sử dụng Tin Mừng Mác-cô làm nguồn liệu, nhưng nếu có sử dụng thì gần như ngài cũng chỉ sử dụng rất ít chứ không như Mát-thêu và Lu-ca.  Đúng hơn, Gio-an đã tìm đến một nguồn lưu truyền tương tự như của Tin Mừng Nhất lãm, nhưng là một nguồn khác biệt đứng độc lập với ba sách Tin Mừng kia.

 

          Dù có những điểm giống nhau giữa Tin Mừng Nhất lãm với Tin Mừng Gio-an, thì vẫn có những khác biệt đáng kể.  Thí dụ, trong Tin Mừng Nhất lãm, phần lớn về sứ vụ công khai của Đức Giê-su diễn ra tại Ga-li-lê và kéo dài khoảng một năm, rồi Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem chỉ có một lần dịp lễ Vượt qua, trong thời gian này xảy ra cuộc Thương khó.  Còn trong Tin Mừng Gio-an, sứ vụ của Đức Giê-su được thi hành tại cả hai nơi Giu-đê và Ga-li-lê, kéo dài ít nhất khoảng ba năm.  Tin Mừng Nhất lãm thuật lại nhiều phép lạ, trong khi chỉ có bảy dấu lạ trong Tin Mừng Gio-an.  Trong Tin Mừng Nhất lãm, các người được nói đến trong những trình thuật mãi cho đến cuối sách Tin Mừng mới biết được Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa;  còn trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su lập đi lập lại rằng Ngài là một với Chúa Cha và Ngài từ trời mà xuống.  Những lần chữa khỏi quỷ ám được kể trong Tin Mừng Nhất lãm không thấy nói đến trong Tin Mừng Gio-an.  Trong Tin Mừng Nhất lãm, bữa Tiệc ly chú trọng đến khía cạnh Bí tích Thánh Thể;  còn trong Tin Mừng Gio-an, không có bữa Tiệc ly nói về Thánh Thể, nhưng ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể lại được làm sáng tỏ trong chương 6.

 

          Tác giả Tin Mừng thứ bốn sử dụng ngôn ngữ riêng của ngài.  Thí dụ, khi sử dụng từ “những người Do-thái,” ngài muốn nói về những người chống đối Đức Giê-su, nhất là giáo quyền, một sự kiện có thể gây hiểu lầm không biết liệu người ta có nhớ rằng bản thân Đức Giê-su và các môn đệ Ngài đều là người Do-thái hay không.  Đức Giê-su thường nói về “giờ” của Ngài, tức là lúc Ngài chịu đau khổ, chết và sống lại.  Cả Người Môn đệ yêu dấu (hoặc “người môn đệ Đức Giê-su yêu mến”) lẫn “mẹ Đức Giê-su” đều không bao giờ được nêu tên trong Tin Mừng Gio-an.

 

          Những diễn từ và đàm thoại dài phản ánh đức tin của cộng đoàn Gio-an thay thế cho những dụ ngôn trong Tin Mừng Nhất lãm.  Những diễn từ này dùng để giải thích ý nghĩa những dấu lạ Đức Giê-su đã làm và ý nghĩa Đức Giê-su là đấng nào.

 

          Tin Mừng Gio-an gợi ý và làm say sưa bất cứ ai muốn học hỏi đàng hoàng.  Tôi cầu xin khi bạn đi vào nguồn liệu vĩ đại này của truyền thống Ki-tô, bạn sẽ được đầy tràn Thánh Thần để gặt hái được những hoa trái phong phú sách Tin Mừng Gio-an sẽ đem lại cho bạn.