Hành trình học hỏi Tin Mừng Lu-ca

Hành trình 16

 

 

 

Những trình thuật Hậu Phục Sinh

 

 

Hành trình 15 đã trình bày sự kiện bạn không thể chứng minh sự Phục Sinh, nhưng bạn phải tin vào sự Phục Sinh.  Một trong những cách biểu lộ niềm tin mạnh nhất, đó là làm chứng.  Khi học hỏi về đoạn thư Phao-lô nói về Phục Sinh (1 Cô-rin-tô 15), chúng ta nhận thấy có hai phần:  nội dung niềm tin cốt yếu và danh tính của những người tin.  Phao-lô khẳng định rằng Đức Giê-su đã chết, đã được mai táng và đã sống lại.  Đối với Phao-lô, sự Phục Sinh đã thực sự xảy ra là vì Đức Ki-tô đã được nhìn thấy do cộng đồng Giáo Hội mà thay mặt là danh sách những chứng nhân, từ ông Kê-pha (Phê-rô) cho đến chính ngài là Phao-lô.  Qua dòng lịch sử Ki-tô giáo, chứng cớ Phục Sinh đã được nói lên qua hằng ngàn người đã làm chứng cho sự kiện Đức Giê-su đã sống lại từ kẻ chết.

 

 

Khám phá

 

Câu truyện trên đường Em-mau thường được coi như trình thuật dễ thương nhất đối với nhiều độc giả Tin Mừng Lu-ca.  Đó cũng là câu truyện tôi ưa thích, bởi vì câu truyện ấy là tột điểm của nhiều chủ đề đã được trình bày trong sách Tin Mừng của ngài.  Khi học hỏi câu truyện này, chúng ta sẽ để ý tới một số chủ đề này.

          Bạn hãy đọc Lu-ca 24:13-35.

          Trong phần sau của Hành trình, tôi sẽ xin bạn hãy tóm tắt lại những biến cố tiếp nối nhau trong đoạn Tin Mừng tùy theo các nhóm câu, rồi sau đó cứ mỗi biến cố bạn hãy viết một câu cho biết biến cố ấy liên hệ với chủ đề nào của Lu-ca.

          Bạn hãy tóm tắt những biến cố trong Lu-ca 24:13-16.  Rồi viết xuống mỗi biến cố liên hệ với một chủ đề của Lu-ca.

 

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

Khởi đầu câu truyện có thể phân chia như sau.  Hai người đi Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem bảy dặm.  Họ đi vào cùng một ngày mà các phụ nữ bảo rằng xác Đức Giê-su không còn ở trong mộ.

          Hai ý tưởng trong câu thứ nhất liên hệ với chủ đề của Lu-ca:  Có hai môn đệ, và họ rời khỏi Giê-ru-sa-lem.  Chi tiết đặc biệt “hai người trong nhóm môn đệ” nhắc đến chủ đề của Lu-ca về làm môn đệ và Đức Ki-tô sai họ đi từng hai người một (Lu-ca 10:1).

          Rời khỏi Giê-ru-sa-lem cũng mang ý nghĩa đặc biệt.  Giê-ru-sa-lem tượng trưng cho hành trình tới Thiên Chúa.   Chúng ta sẽ gặp Thiên Chúa ở đâu?  Chúng ta sẽ gặp Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem.  Hành trình của Đức Giê-su tới Thiên Chúa đưa Ngài lên Giê-ru-sa-lem.  Hành trình của chúng ta tới Thiên Chúa cũng sẽ đưa chúng ta tới Giê-ru-sa-lem biểu trưng là nơi đức tin.  Hành động hai người rời khỏi Giê-ru-sa-lem ám chỉ họ xa rời khỏi đức tin, chứ không phải đến với đức tin và hiểu biết.

          Chuỗi biến cố sau đây ghi lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ với Đức Giê-su.  Khi Đức Giê-su đến gần và cùng đi với họ, thì họ thảo luận với nhau về tất cả những gì đã xảy ra.  Tuy nhiên, họ không nhận ra Ngài.

          Mặc dù trình thuật không ghi lại chi tiết cuộc thảo luận của họ, nhưng chúng ta coi như đó không phải là một cuộc đàm đạo về đức tin vì họ đã rời khỏi Giê-ru-sa-lem và không nhận ra Đức Giê-su.  Mấu chốt tình trạng lúng túng của họ là họ không thể nhìn thấy Đức Giê-su.  Đây không phải là mù lòa thể lý, nhưng mù lòa thiêng liêng khi không thấy được Đức Giê-su là Chúa.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy tóm tắt lại chuỗi biến cố liên tiếp trong Lu-ca 24:17-31.  Rồi bạn viết xuống liên hệ mỗi biến cố với một chủ đề của Lu-ca.

 

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

Đoạn này chứa đựng nội dung chính của trình thuật.  Câu truyện tiếp tục với cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và hai người (các học giả không đồng ý kiến về sự kiện có phải hai người là đàn ông, hoặc là một người đàn ông và một người đàn bà và có lẽ là một cặp vợ chồng).

          Cuộc đối thoại bắt đầu khi Đức Giê-su hỏi họ bàn luận chuyện gì và họ hỏi Ngài có phải là người duy nhất tại Giê-ru-sa-lem không hay biết gì về những việc mới xảy ra (Lu-ca 24:17-18).

          Trong lúc thảo luận về cuộc Thương khó, chúng ta được biết Đức Giê-su bị tố cáo là ngôn sứ, vua và Đấng Mê-si-a.  Mặc dù việc tố cáo là đúng, nhưng những kẻ tố cáo lại không nhận thức những điều ấy là đúng.  Cũng thế, đáp lại câu hỏi của Đức Giê-su, câu trả lời của hai người này thật là kỳ cục.  Những ngày vừa qua, trong số tất cả những người tại Giê-ru-sa-lem chỉ có một mình Đức Giê-su mới là người thực sự biết được những gì đã xảy ra thôi!

          Cuộc đối thoại  tiếp tục.  Hai người đưa ra một cái nhìn tổng quát về cuộc đời Đức Giê-su.  Họ bảo rằng Đức Giê-su là một vị ngôn sứ, rồi Ngài bị đóng đinh như thế nào và họ hy vọng Ngài sẽ giải phóng Ít-ra-en ra sao.  Họ còn ngạc nhiên trước tin nói rằng Ngài không còn ở trong mộ và các thiên sứ đã tuyên bố là Đức Giê-su đang sống (Lu-ca 24:19-24).

          Đức Giê-su trả lời cái nhìn tổng quát của họ về cuộc đời Ngài, bằng cách dạy cho họ một lịch sử đầy đủ được giải thích qua từng đoạn Kinh Thánh (Lu-ca 25-27).

          Cái nhìn tổng quát của hai người về cuộc đời Đức Giê-su không đầy đủ nếu đem so sánh với lịch sử đầy đủ do Ngài kể ra.  Như mọi người chúng ta gặp thấy trong sách Tin Mừng, họ có một hình ảnh khiếm khuyết về Đức Giê-su.  Những điều họ nghĩ về Đức Giê-su cũng không khác gì những điều họ nghĩ về ông Mô-sê là một ngôn sứ có uy quyền trong lời nói cũng như hành động và là người giải phòng Ít-ra-en.  Tuy nhiên, ngay cả khi họ so sánh Đức Giê-su với ông Mô-sê thì những điều họ nói cũng chẳng phải là một Tin Mừng.  Bạn nhớ là họ đã rời khỏi Giê-ru-sa-lem hoặc đã lìa bỏ đức tin rồi.  Còn trong những lời của Đức Giê-su, Ngài chứng tỏ rằng Ngài cao trọng hơn ông Mô-sê, và chỉ có Đức Giê-su mới là Đấng đã hoàn tất hết mọi điều các ngôn sứ đã nói trong Cựu Ước.

          Chuỗi biến cố sau đây ghi lại việc họ xin Ngài hãy ở lại và dùng bữa với họ.  Trong bữa ăn, mắt họ được mở ra(24:28-31).

          Chủ đề bữa ăn đã được nói đến rất nhiều lần trong hành trình tới Thiên Chúa qua Đức Giê-su.  Trước hết, vì chúng ta thường cho đây là một bữa tiệc Bí tích Thánh Thể nên chúng ta không nắm được điểm chính.  Bữa ăn có thể là một bữa tiệc Thánh Thể vì nó đặt nền tảng trên chủ đề hiếu khách.  Nhưng điểm chính là Đức Giê-su vẫn chỉ là người khách lạ đối với họ cho tới khi họ mời Ngài dùng bữa.  Đến khi họ mời một kẻ bên ngoài trở thành người bên trong thì lúc ấy họ mới nhận ra Ngài.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy tóm tắt chuỗi biến cố và liên hệ giữa chúng với những chủ đề của Lu-ca trong Lu-ca 24:32-35.

 

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

 

Những điều khám phá

 

Khi nhận ra người khác lạ là Đức Giê-su, Chúa Phục Sinh, hai người quay lại Giê-ru-sa-lem, ở đó họ gặp nhóm Mười Một.  Toàn thể nhóm đã biết Chúa sống lại.  Đây là Tin Mừng.  Khi bạn ý thức Đức Giê-su đã chiến thắng tội lỗi và sự chết qua cuộc Phục Sinh, bạn sẽ vội vàng chạy đi để chia sẻ Tin Mừng ấy với mọi người.

 

 

Khám phá

 

Một lần nữa chúng ta cần suy nghĩ về tư tưởng sự Phục Sinh là một vấn đề đức tin đã được làm chứng do các người tin.  Sự Phục Sinh không thể minh chứng bằng tài liệu lịch sử hay dữ kiện khoa học.

          Với ý tưởng này về sự Phục Sinh, bạn hãy đọc phần kết luận Tin Mừng Lu-ca.  Đọc với cặp mắt Kinh Thánh.  Đọc kết luận này lớn tiếng sao để bạn nghe được bằng đôi tai Kinh Thánh.

          Bạn hãy đọc Lu-ca 24:36-51.

          Viết xuống những ý nghĩ bạn có sau khi đọc bằng cặp mắt Kinh Thánh và lắng nghe bằng đôi tai Kinh Thánh.

 

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

Khung cảnh cuối cùng này chứa đựng hai phần:  Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và Lên trời.  Khi hiện ra, Đức Giê-su không phải là như trong giấc mộng hoặc ma.  Ngài là thực, được minh chứng qua hành vi thực, tức là đưa vết thương cho họ xem và ăn uống với họ.  Các môn đệ là nhân chứng cho Đức Giê-su đích thực, Đấng Mê-si-a (Lu-ca 24:48).  Các nhân chứng không khép mình ở lại trong nơi tụ họp này.  Nhưng họ bắt đầu hành động tại nơi họ ở (Giê-ru-sa-lem) và loan báo Tin Mừng cho muôn dân.

          Rõ ràng sứ điệp này không chỉ dành riêng cho đám người họp nhau lại hai ngàn năm trước đây.  Chúng ta cũng phải là những chứng nhân cho Phục Sinh và phải rao giảng Tin Mừng tại những nơi chúng ta sống và làm việc.  Cùng với toàn thể cộng đồng rao giảng Tin Mừng, lời của Đức Giê-su là Đấng Ki-tô sẽ được đem chia sẻ với muôn dân, như thế chứng tỏ rằng Đức Ki-tô muốn cứu độ mọi người.

          Việc Đức Giê-su lên trời không chỉ là để họ ở lại một mình.  Nếu quả thực như thế, thì tại sao họ lại “lòng đầy hoan hỷ” (Lu-ca 24:52)?  Đức Giê-su lên với Chúa Cha tức là Giê-ru-sa-lem trên trời, một ý niệm đã được diễn tả qua hành trình tới Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su mà đến Giê-ru-sa-lem.  Các môn đệ trở lại Giê-ru-sa-lem, lên Đền Thờ, ở đó họ bắt đầu ngợi khen Thiên Chúa.

          Cách nói ngợi khen Thiên Chúa cũng giống như điểm chúng ta đã gặp trong chủ đề cầu nguyện.  Lu-ca đã dạy chúng ta rằng cầu nguyện đem lại Thánh Thần.  Bạn hãy xét Lu-ca 24:49 để thấy Đức Giê-su dạy các môn đệ “hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời ban xuống”.  Hiểu theo một ý nghĩa, chúng ta kết thúc ngay tại điểm chúng ta đã bắt đầu, nghĩa là:  Cầu nguyện đưa Thánh Thần đến và khởi sự cho sứ mệnh truyền giáo.  Cũng như các môn đệ của Đức Ki-tô, chúng ta cầu xin được quyền năng Thánh Thần để tiếp tục sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội.

 

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 16, bạn đã khám phá những điều sau đây:

 

 

 

Sách đọc thêm

 

Fitzmyer, Joseph.  The Gospel According to Luke (X-XXIV), Anchor Bible Series.

          Garden City, N.Y.:  Doubleday & Company, Inc., 1985.

 

La Verdiere, Eugene.  “Why Do You Seek the Living One Among the Dead?” 

The Gospel of Luke, Audiocassettes.  Austin, Texas:  Texas Catholic Conference

 Scripture Seminar, 1985.

 

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà