Hành trình học hỏi Tin Mừng Mác-cô

Hành trình 8

 

Sự mù quáng và môn đệ tính

 

 

Hành trình 7 đã trình bày một khung cảnh với diễn tiến việc tiên báo, sự hiểu lầm và huấn dụ cho các môn đệ.  Sách Tin Mừng mô tả họ là những người không hiểu rõ vai trò của Đức Giê-su.  Bạn đã thấy Phê-rô hiểu lầm khi ông cố can gián Đức Giê-su (8:32b), các môn đệ lo tranh giành xem ai quan trọng hơn ai (9:34) và hành vi điên khùng của anh em Gia-cô-bê với Gio-an (10:35).  Đức Giê-su dạy dỗ các môn đệ (9:35) và anh em Gia-cô-bê với Gio-an (10:42-46) bằng lời lẽ rõ ràng.  Tuy nhiên cần giải thích thêm về lời dạy của Đức Giê-su dành cho Phê-rô.

 

          Trước khi có hiểu lầm, chính Phê-rô đã tuyên xưng:  “Thầy là Đấng Ki-tô!” (8:29).  Thế mà lúc này Đức Giê-su lại có những lời nặng nề với Phê-rô:  “Xa-tan!  Lui lại đàng sau Thầy!” (8:33).  Thoạt đầu bạn có thể lấy làm lạ tại sao Đức Giê-su lại bực mình đến như thế.  Thực ra Phê-rô chỉ xin Đức Giê-su đừng lên Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài tiên báo chịu đau khổ và chịu chết.  Những lời của Phê-rô rõ ràng là những lời của một người bạn van xin bạn mình đang đối diện với cái chết.

 

          Tuy nhiên Mác-cô có ý khác.  Ông không cho chúng ta một hình ảnh về Phê-rô là người bạn đang lo lắng cho Chúa, nhưng là một người đang hiểu lầm sứ mạng của Chúa.  Đúng như lời tuyên xưng của Phê-rô trong 8:29, Đấng Mê-si-a là vị cứu thế sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết.  Đức Giê-su trách mắng ông Phê-rô vì ông xin Ngài hãy là đấng cứu thế khác chứ không phải đấng cứu thế như vậy, cho nên ông đang cám dỗ Đức Giê-su (giống như Xa-tan đã cám dỗ Ngài trong 1:12) đưng tiếp tục sứ mạng ấy nữa.

 

          Mác-cô cũng trình bày sứ mạng của Đức Giê-su và sự hiểu lầm của các môn đệ qua hai câu truyện về sự mù quáng.  Trong Hành trình này, các bạn sẽ suy nghĩ về hai câu truyện ấy.

 

 

Khám phá

 

Hãy đọc Mác-cô 8:22-26.

          Trong câu truyện về người mù tại Bết-xai-đa, người ta thấy những điểm sau đây:

·         Dân chúng đem anh mù đến với Đức Giê-su và xin Ngài chạm tới anh ta.

·         Đức Giê-su đem anh ta ra ngoài và lấy nước bọt bôi vào mắt anh ta.

·         Anh mù kêu là nhìn không rõ (“Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối đi đi lại lại! [8:24]).

·         Đức Giê-su lại đặt tay trên người ấy và anh ta nhìn thấy mọi sự rõ ràng.

 

Nếu coi câu truyện này như là một lời mở đầu cho ba trình thuật về sự tiên báo, hiểu lầm và huấn dụ, thì bạn có thể tìm ra những móc nối nào giữa câu truyện người mù thành Bết-xai-đa với sự hiểu lầm của các môn đệ?

Dưới đây bạn hãy tóm tắt những điểm móc nối giữa hai sự kiện:  người mù và sự hiểu lầm của các môn đệ.

 

............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

 

Những điều khám phá

 

Có thể Mác-cô so sánh người mù tại Bết-xai-đa với các môn đệ?  Có lẽ Mác-cô nói rằng đức tin của các môn đệ còn vẩn đục.  Khi nào họ mới thực sự nhìn rõ?  Đối với Mác-cô, các môn đệ sẽ thấy rõ khi họ hiểu được huấn dụ của Đức Giê-su về phục vụ và đau khổ.  Họ sẽ hiểu rõ khi nào ý thức được quyền năng lớn lao của thập giá.

 

          Bạn hãy để ý tới cách di động rất tế nhị của Tin Mừng Mác-cô.  Người mù Bết-xai-đa di chuyển từ sự mù lòa (không nhìn thấy) tới độ nhìn thấy (mặc dù không rõ) rồi tới nhìn thấu (thấy mọi sự rõ ràng).  Các môn đệ cũng di chuyển trong việc hiểu biết về Đức Giê-su:  từ mù quáng tới nhìn ra rồi đến thấu hiểu.

 

 

Khám phá

 

Bây giờ bạn hãy đọc câu truyện thứ nhì về sự mù lòa:  Mác-cô 10:46-52.

............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

Trong câu truyện anh Bác-ti-mê, những điều sau đây đã xảy ra:

 

·         Một người hành khất mù kêu xin:  “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”

·         Người ta bảo anh mù im đi, nhưng anh ta càng la to hơn.

·         Đức Giê-su gọi anh mù tới.

·         Bác-ti-mê liệng áo choàng đi và nhảy xổ về phía Đức Giê-su.

·         Sau khi nghe hỏi anh muốn gì, anh mù xin được nhìn thấy (“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được” [10:51]).

·         Đức Giê-su bảo anh đức tin của anh đã chữa lành anh.

·         Người mù được nhìn thấy.

·         Anh ta theo Đức Giê-su “trên con đường Người đi” (10:52).

 

Bạn hãy xét hành động của anh mù Bác-ti-mê:  Anh kêu cứu, anh muốn nhìn thấy.  Anh liệng áo choàng đi, nhẩy lên khi được Chúa gọi và anh theo Ngài lên đường.  Nhưng Bác-ti-mê đang cùng với Chúa đi về đâu?  Câu trả lời gặp trong 11:1:  “Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu...”  Bác-ti-mê đang đi lên Giê-ru-sa-lem.  Mà những gì sắp xảy ra tại Giê-ru-sa-lem đó là Đức Giê-su sẽ chịu đau khổ và chịu chết.  Giê-ru-sa-lem trở thành nơi người ta sẽ thấy rõ ràng Đức Giê-su là ai.

 

Những hành động trong hai câu truyện này song song với nhau.  Cũng như người mù tại Bết-xai-đa, Bác-ti-mê di chuyển từ sự mù lòa tới nhìn thấy rồi nhìn thấu.  Sự nhìn thấu của anh chính là lòng tin vào Đức Giê-su.  Chính lòng tin này đã giúp Bác-ti-mê mạnh dạn theo Chúa lên đường chịu đau khổ và phục vụ – con đường mà Mác-cô đã trình bày trong ba huấn dụ của Đức Giê-su xảy ra giữa hai câu truyện người mù.

 

Suy nghĩ hai câu truyện về sự mù lòa và khuôn mẫu tiên báo, hiểu lầm và huấn dụ giúp chúng ta có cái nhìn phong phú về Đức Giê-su theo Tin Mừng Mác-cô.  Nếu bạn áp dụng phương pháp bắt chước và muốn trở nên một môn đệ của Đức Ki-tô, thì bạn cũng phải theo con đường từ sự mù quáng tới nhìn thấy và thấu hiểu.  Sự thấu hiểu bạn đạt được cũng giống như sự thấu hiểu của Bác-ti-mê và các môn đệ:  Bạn phải theo Chúa lên đường phục vụ và chịu đau khổ.

 

Học hỏi những trình thuật này cũng giúp chúng ta hiểu rõ về những câu truyện chữa lành theo Mác-cô.  Mỗi câu truyện có những mức độ rõ ràng khác nhau để giúp chúng ta di chuyển từ ý nghĩa theo văn tự mà tiến đến ý nghĩa thần học sâu xa hơn.  Khi bạn chuyển từ mức độ này tới mức độ khác, sự hiểu biết của bạn sẽ sâu sắc hơn.

 

-  Trình độ thứ nhất là những lời hiểu theo nghĩa đen trong hai câu truyện chữa lành người mù.  Nói một cách đơn giản, Đức Giê-su chữa lành hai người.

-  Trình độ thứ hai là Mác-cô nói với cộng đoàn của ngài.  Có lẽ họ là những người đang cần có một cái nhìn thấu suốt về vấn đề phục vụ và chịu đau khổ.  Hãy nhớ là trong thời Mác-cô sống, các Ki-tô hữu chịu đau khổ và bị bách hại.  Mác-cô có thể xin cộng đoàn của ngài hãy suy nghĩ về sự đau khổ Đức Giê-su đã chịu và làm sao để cho đau khổ trở nên một dấu hiệu đích thực nói lên môn đệ tính của họ.

-   Trong trình độ thứ ba Mác-cô hỏi bạn (độc giả) có hiểu làm môn đệ nghĩa là gì không.  Nếu bạn đang theo dõi câu truyện này, thì đến lượt bạn cũng phải ý thức rằng bạn đang được mời gọi phục vụ và chịu đau khổ.

 

Thường thường khi tôi hướng dẫn Hành trình này, người ta hay hỏi tôi câu này:  Thế ở đây Mác-cô có ý nói về sự đau khổ hiểu theo nghĩa đen không?  Tôi trả lời “Có!”  Trong thời Mác-cô, đau khổ hiểu theo nghĩa đen đã xảy ra cho cộng đoàn ngài.

 

Câu trả lời có đưa đến một câu hỏi khác:  Làm sao chúng ta có thể chấp nhận đau khổ hiểu theo nghĩa đen được, vì chẳng có ai trong chúng ta được bảo phải chết vì đức tin?  Trả lời cho câu hỏi thứ hai này không thể có ngay được.  Tôi đồng ý rằng có ít người trong chúng ta được bảo phải chết vì đức tin.  Nhưng có lẽ chúng ta vẫn có thể áp dụng câu hỏi này vào cuộc sống chúng ta.

 

Câu hỏi cũng cho chúng ta có dịp nghĩ về việc làm sao chúng ta lại là nguyên nhân của sự đau khổ thay vì chúng ta làm thế nào đối diện với cái chết giống như cộng đoàn của Mác-cô.  Tôi mang trách nhiệm về đau khổ của thế giới do thái độ thiếu suy nghĩ của tôi về thế giới.  Tôi cố ý muốn nhấn mạnh sự thiếu suy nghĩ ở đây.  Tôi tin rằng chính tôi cũng thường thiếu suy nghĩ về thái độ của mình chẳng lo lắng gì cho nhân loại.  Hành động của tôi thường cho thấy mình chưa cố gắng phục vụ những người bị ruồng bỏ trong cộng đồng. Tôi thường im lặng khi phải đối diện với bất công và cũng để cho sự “hưởng thụ” lôi cuốn dẫn mình đến tham lam.

 

Bạn cũng có thể suy nghĩ thêm về câu hỏi này.  Ngày nay đau khổ thực là rõ rệt nơi nhiều người:  các gia đình phải vật lộn hằng ngày với những vấn đề như ly dị, nghèo đói, không nhà cửa, đổ vỡ và xáo trộn;  những người cứ phải chịu thành kiến bất công;  những người đang đau khổ vì lo lắng, buồn phiền và sợ hãi.  Mác-cô kêu gọi chúng ta hãy suy nghĩ về đau khổ của mỗi cá nhân mình, đau khổ của thế giới, và quan trọng nhất đó là chúng ta phải muốn thay đổi cuộc sống của chúng ta nếu cuộc sống này là nguyên nhân gây đau khổ cho người khác.

 

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 8, bạn đã khám phá những điều sau đây:

 

·         Việc tuyên xưng của Phê-rô trong 8:29 là đúng, nhưng cần được làm sáng tỏ thêm.  Đức Giê-su là Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ và chịu chết.  Đây chính là điểm Phê-rô hiểu lầm.

·         Câu truyện người mù tại Bết-xai-đa là biểu tượng cho việc các môn đệ hiểu biết về Đức Giê-su.

·         Câu truyện Bác-ti-mê củng cố thêm việc hiểu rõ môn đệ tính đích thực chỉ có khi nào lên đường tới Giê-ru-sa-lem và tới thập giá.

·         Tất cả chúng ta phải di chuyển từ sự mù lòa tới nhìn thấy và thấu rõ.

 

 

Sách đọc thêm

 

Harrington, Wilfred.  Mark.  New Testament Message, Vol. 4. 

Wilmington, Del.:  Michael Glazier, Inc., 1979.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà