Hành trình học hỏi Tin Mừng Mác-cô

Hành trình 10

 

 

 

Con Thiên Chúa / Con Người

 

 

Hồi còn nhỏ, đội banh nhóc tì tụi tôi cứ mỗi mùa lại ước mong làm sao có được một tên nào to con hơn một chút di chuyển đến ở trong xóm chúng tôi, hoặc làm sao có được một cầu thủ sáng giá cho đội.  Trong các năm ấy, chỉ có một lần vào tháng tám, một tên nhóc – tên hắn là Doan – xuất hiện.  Đồn rằng hắn sẽ là vị cứu tinh cho đội banh chúng tôi.  Nhưng khi những chiếc xe van chở đồ đi khỏi rồi, chỉ còn lại một thằng Doan kém cả thằng trẻ nhất trong đội hai tuổi đời và nhẹ hơn 20 cân.  Thế là tụi tôi lại phải chật vật với một đội banh thật xoàng, một mùa banh nếu không nói là bết bát nhất thì cũng chẳng phải là ngon lành nhất.  Đó, chúng tôi như thế đấy.

 

          Bối cảnh cho những tước hiệu “Con Người” và “Con Thiên Chúa” của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô cũng từa tựa như những thích thú thời thể thao của tôi ngày xưa vậy.  Giống như đội banh của tôi đã dài cổ chờ đợi một cầu thủ mới đến cứu bồ, cũng vậy, những người Do-thái hồi thế kỷ thứ nhất rên rỉ dưới sự áp bức của Rô-ma đã mòn mỏi đợi chờ một “tên nhóc mới trong xóm.”  Họ trông đợi một người sẽ giúp họ thoát tình trạng tuyệt vọng và sẽ trở thành một nhà lãnh đạo tài ba về quân sự cũng như chính trị:  đó là Đấng Cứu Thế.  Bạn có thể tưởng tượng dân chúng ngạc nhiên và thất vọng ê chề khi nhân vật vừa nhập cuộc là Đức Giê-su:  “Vậy ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xê, Giu-đa và Si-mon sao?” (6:3).  Không những có khó khăn vì gia cảnh xuất xứ của Đức Giê-su, mà còn khó khăn vì “chính trường” sau này nữa.

 

          Khi Mác-cô viết Tin Mừng khoảng năm 70, hoàn cảnh còn rối ren.  Các Ki-tô hữu đang chờ đợi việc trở lại của một Đức Giê-su “đặc biệt” sẽ đem tới sự cứu chuộc.  Qua sách Tin Mừng, Mác-cô dạy cho cộng đoàn của ngài biết rằng hy vọng được cứu thoát của họ hoàn toàn khác với những gì họ đang trông đợi.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc và suy nghĩ những đoạn sau đây:  Mác-cô 10:15;  10:29-31;  12:31b-34 và 12:42-44.

 

 

Những điều khám phá

 

Trong những đoạn vừa đọc, bạn nhận thấy Đức Giê-su khuyên chúng ta hãy trở nên giống như con trẻ, hãy ước muốn chết đi, hãy làm đầy tớ và hãy hoàn toàn hiến thân hy sinh.  Chắc chắn đây không phải là một lời nhắn nhủ do một nhà lãnh đạo quân sự cứng rắn.

 

          Tệ hơn nữa, đó là hình ảnh Mác-cô diễn tả về những người có liên hệ với Đức Giê-su.

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc và suy nghĩ về những đoạn:  Mác-cô 1:40-41;  2:23-24 và 7:24-30.

 

 

Những điều khám phá

 

Giờ đây vị lãnh đạo dân chúng trông đợi lại không phải là một chiến sĩ anh dũng, nhưng đang biến thành một người lui tới với những kẻ bị ruồng bỏ (những người phong cùi và đàn bà ngoại giáo) và lỗi cả luật lệ ngày hưu lễ!  (Vào thời này, một người Do-thái không được giao thiệp với dân ngoại [không phải người Do-thái] và đàn ông không bao giờ giao thiệp với phụ nữ giữa nơi công cộng.  Hãy lưu ý đến một Đức Giê-su đi ngược lại văn hóa trong đoạn 7:24-30).

 

          Nếu Đức Giê-su không phải là vị lãnh đạo người ta chờ đợi thì Ngài phải là một hạng người khác nữa.  Đối với Mác-cô, Đức Giê-su chắc chắn là Đấng Ki-tô (Đấng được xức dầu), nhưng chỉ có Chúa Cha gọi Ngài bằng tước hiệu đó.  Việc trình bày Đức Giê-su theo ngôn từ của Chúa Cha đã được Mác-cô diễn tả bằng những tước hiệu “Con Thiên Chúa” và “Con Người.”  Những tước hiệu này bắt nguồn từ Kinh Thánh Do-thái (Cựu Ước).  Trong Hành trình này, bạn sẽ học hỏi về xuất xứ của những tước hiệu này từ trong sách ngôn sứ I-sai-a và Đa-ni-en.

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc I-sai-a 52:13 – 53:12.  Rồi bạn hãy tóm tắt lại trong một câu hoặc một đoạn ngắn để nói lên những đức tính lãnh đạo của Đức Giê-su được trình bày trong sách I-sai-a.

 

Những điều khám phá

 

Với những chi tiết đọc thấy trong I-sai-a, bạn hãy nhớ lại những định đề về Con Thiên Chúa trong những đoạn Mác-cô 1:1;  1:11;  3:11;  14:61-62a và 15:39.

 

          Những học hỏi của bạn trước đây về những đoạn Tin Mừng này (xem lại tài liệu Hành trình 2 và 6) đã giúp bạn nhận ra rằng tước hiệu “Con Thiên Chúa” được tuyên xưng do các tín hữu trong 1:1 và do Thiên Chúa Cha trong 1:11.  Đó cũng là một bí ẩn đối với ma quỷ (3:11) và được Đức Giê-su thừa nhận (14:62a).  Ngay đến viên sĩ quan Rô-ma (15:39) cũng công bố như vậy – nhưng chỉ sau khi Đức Giê-su chịu đóng đinh.  Bạn đã thấy trong Hành trình 2, tước hiệu này không liên hệ gì tới việc Đức Giê-su là con của Đức Ma-ri-a về phương diện thể xác.

 

          Mác-cô đã không sáng tạo ra tước hiệu Con Thiên Chúa.  Như chúng ta biết trong văn hóa Hy-lạp, tước hiệu này để chỉ về một vị thần linh, đầy khôn ngoan và có thể làm những phép lạ.  Trong quan niệm ngày nay, “Con Thiên Chúa” có thể ví như một nhân vật thuộc cỡ siêu nhân (superman).  Điều khác biệt giữa Mác-cô với quan niệm Hy-lạp là Mác-cô đã giải thích thêm về tước hiệu Con Thiên Chúa.

 

          Việc giải thích này được làm sáng tỏ qua tước hiệu Con Người – một tước hiệu bạn sẽ học hỏi tiếp trong Hành trình này.

 

          Tước hiệu Con Thiên Chúa được hiểu dựa trên những gì I-sai-a diễn tả về một người tôi tớ chịu đau khổ, chứ không phải một người làm phép lạ.  Mác-cô cố ý muốn chúng ta hiểu như vậy.  Mác-cô muốn chúng ta đừng lẫn lộn Đức Ki-tô với một người làm phép lạ, nhưng phải hiểu ý nghĩa đích thực về Đức Giê-su.

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc những đoạn sau đây:  Mác-cô 1:25;  1:34;  1:43-44;  3:12;  5:43;  7:35;  8:26;  8:30 và 9:9.

 

Những điều khám phá

 

Sứ điệp qua chín đoạn Tin Mừng này đã rõ ràng.  Đức Giê-su dặn dò những ai đã được Ngài chữa lành hoặc được chứng kiến quyền năng Thiên Chúa biểu hiện nơi Ngài đều phải giữ im lặng, không được nói ra.  Điều nãy thật rõ ràng và có thể tóm tắt lại như sau:  “Đừng nói gì về biến cố này kẻo bạn có thể hiểu lầm.”  Đây không phải là một người làm phép lạ hay một vị thần linh như Hy-lạp hiểu, nhưng là Con Thiên Chúa, Đấng bạn chỉ hiểu được sau khi Ngài đã hoàn tất việc chịu đau khổ.  Do đó, không có gì là bí ẩn đối với viên sĩ quan Rô-ma (15:39).  Ông ta là người duy nhất trong sách Tin Mừng đã tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, và ông chỉ làm công việc tuyên xưng này dưới chân thập giá.

 

          Quan niệm Đức Giê-su là Thiên-Chúa-làm-người hoặc Con Thiên Chúa rất quan trọng.  Nhiều lần khi học hỏi Kinh Thánh, bạn sẽ đọc hoặc nghe nhiều cách giải thích về những phép lạ Đức Giê-su làm.  Có khi người ta nói với bạn rằng những phép lạ này đâu có xảy ra hệt như đã được viết ra trong bản văn.  Điều ấy không có nghĩa là chối bỏ những phép lạ, nhưng cốt để đòi bạn phải xét lại xem đức tin của bạn đang thực sự ở đâu.  Bạn tin vào một người làm phép lạ, hay bạn tin vào một Đức Giê-su đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại?  Nếu đức tin của bạn bén rễ sâu  trong niềm tin vào Đức Giê-su thì khi ấy bạn sẽ hiểu được đầy đủ ý nghĩa của những câu truyện phép lạ.

 

Khám phá

 

Bây giờ bạn hãy đọc những đoạn Tin Mừng sau đây về “Con Người”:  Mác-cô 2:10;  9:9;  9:12;  9:31;  10:33-34;  10:45;  14:21 và 14:41.

          Rồi bạn hãy tóm tắt những điều bạn hiểu về những đoạn Tin Mừng trên.

 

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

          Một lần nữa, nhớ lại đoạn Kinh Thánh I-sai-a, bạn có thể liên kết những đoạn của I-sai-a với những đoạn của Mác-cô về “Con Người.”  Đức Giê-su là “Con Người” tức là người tôi tớ chịu đau khổ sẽ bị nộp vào tay kẻ thù và bị giết.

 

 

Khám phá

 

Mác-cô trình bày một hình ảnh khác về Đức Giê-su là “Con Người” để bổ túc cho chủ đề của I-sai-a.  Hình ảnh này là do sách ngôn sứ Đa-ni-en.  Đa-ni-en 7 kể lại một hình ảnh thị kiến và dùng ngôn ngữ biểu tượng.

 

          Để giúp bạn hiểu Đa-ni-en 7, bạn hãy nhớ là đoạn văn kể lại chiêm bao này liên hệ với cảnh phán xét trong tương lai.  Thường thường các học giả Kinh Thánh gọi cảnh phán xét này là ngày thế mạt (tận thế).  Đa-ni-en trình bày khung cảnh phán xét ngày thế mạt khi Con Người sẽ đến như vị quan án sau hết để phán xét muôn loài.  Mác-cô sẽ đem hình ảnh này vào trong những đoạn mà bạn sẽ đọc và tóm tắt tới đây.

 

          Bạn hãy đọc Đa-ni-en 7 để làm quen với một số ý tưởng đã trình bày ở trên.

          Rồi bạn hãy đọc và tóm tắt những đoạn Mác-cô 8:38;  13:26;  14:62.

 

.................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

 

Những điều khám phá

 

Hình ảnh “Con Người” đúng là những gì bạn đã đọc trong Đa-ni-en 7.  “Con Người” sẽ đến trong vinh quang giữa mây trời.

 

          Hai hình ảnh đan kết với nhau (Con Thiên Chúa và Con Người) trình bày một bức chân dung đầy đủ về Đức Giê-su.  Đức Giê-su là Đấng đã được Chúa Cha giới thiệu.  Ngài đã được giới thiệu bằng chính ngôn từ của Chúa Cha, chứ không phải ngôn từ của chúng ta.  Ngài không phải là một người làm phép lạ hay một chiến sĩ anh dũng.  Trái lại, Ngài là một người tôi tớ chịu đau khổ, Đấng đã hiến thân vì bạn hữu;  vì thế Ngài sẽ xét xử toàn thể vũ trụ.  Hai tước hiệu Con Thiên ChúaCon Người đã bổ túc cho nhau và cho chúng ta hiểu ý nghĩa đầy dủ về Đức Ki-tô.

 

          Trong thời Mác-cô, tước hiệu Con Người đã được nhiều người hiểu như một tước hiệu nói lên uy quyền.  Nhưng Mác-cô sử dụng tước hiệu này theo một ý nghĩa sâu xa hơn chứ không phải chỉ nói về uy quyền thôi.  Đối với Mác-cô, Đức Giê-su là “Con Người,” một diễn ý của tước hiệu “Con Thiên Chúa.”  Vì tự ý muốn làm người tôi tớ chịu đau khổ, nên Đức Giê-su mới lãnh nhận địa vị uy quyền làm Đấng chủ trị và xét xử muôn loài.

 

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 10 này, bạn đã khám phá những điều sau đây:

 

·         Những tước hiệu Con Thiên ChúaCon Người bổ túc cho nhau và giúp chúng ta nhận ra hình ảnh đầy đủ về Đức Giê-su là ai.

·         “Con Thiên Chúa” là tước hiệu lấy trong Kinh Thánh Do-thái.  Người Hy-lạp cũng sử dụng từ ấy.  Tuy nhiên Mác-cô đã sử dụng tước hiệu này không phải để chỉ về một người làm phép lạ, nhưng về một đấng sẽ là người tôi tớ và muốn chịu đau khổ.  Bối cảnh để chúng ta hiểu tước hiệu này nằm trong I-sai-a, chương 52.

·         “Con Người,”  từ lấy trong Đa-ni-en 7, áp dụng cho Đức Giê-su bởi vì Ngài tự ý muốn làm người tôi tớ chịu đau khổ qua sự chết và sự sống lại của Ngài.  Đức Giê-su, Con Người, sẽ thống trị và xét xử vũ trụ.

·         Các yếu tố bổ túc cho nhau trong những tước hiệu này chỉ hiểu được khi người ta nhìn vào thánh giá.  Tại đây, tín hữu sẽ cùng với viên sĩ quan Rô-ma tuyên xưng rằng:  “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (15:39).

 

 

Sách đọc thêm

 

Fuller, Reginald & Pheme Perkins.  Who Is This Christ?

          Philadelphia:  Fortress Press, 1984.

 

Kee, Howard Clark.  Community of a New Age:  Studies in Mark’s Gospel.

          Philadelphia:  Westminster Press, 1977.

 

Kingsbury, Jack Dean.  The Christology of Mark’s Gospel.

          Philadelphia:  Fortress Press, 1983.

 

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà