Hành trình học hỏi Tin Mừng Mác-cô

Hành trình 11

 

 

 

Bánh, Nước và Biến đổi hình dạng

 

 

Sau khi đã hiểu về hai danh hiệu chính của Đức Giê-su, giờ đây bạn có thể xét tới một số câu truyện nổi bật trong Tin Mừng Mác-cô.  Hành trình này, bạn sẽ chú ý đến hai câu truyện cho dân chúng ăn (chương 6 và 8), đi trên mặt nước (6:45tt) và cuộc Biến đổi hình dạng (9:2-9).

 

 

Khám phá

 

Mác-cô thuật lại hai câu truyện Chúa cho dân chúng ăn.  Bạn sẽ đọc cả hai đoạn để biết câu truyện và những chi tiết phụ thuộc:  Mác-cô 6:34 – 7:37 và 8:1-26.

          Trong phần trống dưới đây, bạn hãy ghi lại những sự kiện tiếp nối nhau trong câu truyện.  Chú trọng đến những điểm giống nhau giữa hai câu truyện hơn là những khác biệt.

 

Mác-cô 6

 

...............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Mác-cô 8

 

....................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

 

Những điều khám phá

 

Sau đây bạn sẽ thấy một số những điểm song song giữa hai câu truyện.  Đừng quan tâm là chúng có đúng như những gì bạn ghi lại ở trên hay không.  Mục đích chỉ là giúp thảo luận.

 

6:30-34     Số người ăn là 5000                   8:1-9      Số người ăn là 4000

6:45-52     Đi sang Bét-xai-đa                      8:10      Đi sang Đan-ma-nu-tha

6:52       Không hiểu ý nghĩa của bánh 8:14-21     Không hiểu ý nghĩa của bánh

7:1-23             Nghịch lại nhóm Biệt phái                8:11-13     Nghịch lại nhóm Biệt phái

7:31-37     Chữa lành người điếc                   8:23-26     Chữa lành người mù

 

          Những điểm giống nhau giữa hai đoạn làm cho các học giả Kinh Thánh có những ý kiến khác nhau.  Một số người tin rằng có hai biến cố khác biệt về việc cho dân chúng ăn, trong khi những người khác lại chủ trương chỉ có một nhưng do hai người thuật lại.  Chúng ta không rõ có phải Mác-cô cho rằng vì tầm quan trọng của những biến cố ấy nên ngài kể lại hai câu truyện khác nhau hay là ngài ghi lại hai trình thuật khác nhau về cùng một câu truyện.  Bạn tự do chọn lựa một trong những ý kiến này.  Dù ý kiến của bạn thế nào thì bài tập sau đây cũng giúp bạn khám phá tầm quan trọng của những biến cố ấy.

 

 

Khám phá

 

Đọc hết hai trình thuật ấy, bạn hãy cho biết về chi tiết sau đây:

 

·         Bao nhiêu bánh còn dư sau khi cho 5000 người ăn?

·         Bao nhiêu bánh còn dư sau khi cho 4000 người ăn?

 

....................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

Những con số và ý nghĩa của chúng là điểm quan trọng trong Kinh Thánh.  Con số về những thúng bánh còn dư đã giúp các học giả Kinh Thánh có những mấu chốt để giải thích.

 

          Sau khi cho 5000 người ăn, còn lại 12 thúng bánh dư.  Sau khi cho 4000 người ăn, còn lại 7 thúng bánh dư.  12 thúng bánh tượng trưng cho 12 chi họ Ít-ra-en được nói đến trong Cựu Ước.  Vậy Mác-cô 6 là một trình thuật của Do-thái về câu truyện.

 

          Con số 7 là số toàn bích trong truyền thống văn hóa Hy-lạp.  Đối với người đương thời Mác-cô, bảy là số tổng hợp của số ba (tượng trưng cho Thiên Chúa) và số bốn (tượng trưng cho thế giới).  Cho nên bảy chứa dựng mọi sự:  cả Thiên Chúa lẫn thế giới.  Vậy trong đoạn Tin Mừng với bảy thúng bánh dư, bạn có trình thuật của Dân ngoại (không phải Do-thái) về những câu truyện cho dân chúng ăn.  Dùng cả hai con số (12 và 7), sẽ có một câu truyện có thể áp dụng cho mọi người, cả Do-thái lẫn Dân ngoại.

 

          Học hỏi thêm về những điều tiếp theo câu truyện phép lạ hóa bánh ra nhiều sẽ giúp bạn suy nghĩ về tầm quan trọng của Bánh.  Ở đây chúng ta lại phải trở về thời Cựu Ước.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc sách Xuất Hành 16.

 

 

Những điều khám phá

 

Trong đoạn Kinh Thánh Cựu Ước này, những người Ít-ra-en được nuôi bằng “man-na” từ trời xuống, đang khi họ lang thang trong sa mạc.  Để ý trong những đoạn của Mác-cô nói “Ở đây hoang vắng...” (6:35) và trong 8:4, “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?”

 

          Hai lần nói đến địa điểm hoang vắng không phải là ngẫu nhiên.  Nhưng Mác-cô muốn gợi lại việc Thiên Chúa nuôi nấng dân Người giữa sa mạc.  Nếu không nhớ tới câu truyện nuôi Dân Chúa trong sa mạc, bạn sẽ không hiểu hết được ý nghĩa của hai lần Đức Giê-su cho dân chúng ăn.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc lại những hiểu lầm trong 8:17-21.

 

 

Những điều khám phá

 

Đoạn Tin Mừng này nói lên việc hiểu lầm của các môn đệ.  Bạn hãy chú ý tới lời Đức Giê-su:  “Anh em chưa hiểu chưa thấu sao?  Lòng anh em ngu muội thế!  Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?”

 

          Trong những điểm song song giữa hai trình thuật mà bạn khám phá ở trên, bạn hãy để ý tới phần kết câu truyện với việc chữa lành người điếc (7:31-37) và người mù (8:23-26).  Tầm quan trọng của hai việc chữa lành này không có nghĩa là chữa lành mắt lòa tai điếc thể xác, nhưng là chữa lành sự mù lòa và điếc thiêng liêng.  Chính qua việc chữa lành thiêng liêng này mà chúng ta lãnh nhận được ánh sáng đức tin và nghe được lời ban sự sống để rồi hiểu được ý nghĩa của bánh.

 

          Cộng đoàn của Mác-cô đã hiểu ý nghĩa của bánh dùng để cử hành Thánh Thể.  Bánh Thánh Thể này được lãnh nhận trong cộng đoàn của Mác-cô gồm cả người Do-thái lẫn Dân ngoại.  Họ là những người đã nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, Con Người và Con Thiên Chúa.

 

 

Khám phá

 

Thoạt mới đọc, câu truyện đi trên mặt nước xem ra ít quan hệ với những câu truyện cho dân chúng ăn.  Nhưng thực ra có sự tiếp nối thật gần gũi giữa việc nuôi dân chúng và nước trong sách Tin Mừng Mát-thêu (Mt 14) và Mác-cô.  Những câu truyện nuôi dân chúng có căn bản từ Cựu Ước, cũng vậy, muốn hiểu ý nghĩa của nước thì phải trở lại với Cựu Ước.

 

          Bạn hãy đọc những đoạn sau đây và ghi lại hình ảnh nước tượng trưng trong:  Sáng Thế 1:6 và 7:6-10;  Xuất Hành 14:23-31;  và Mác-cô 4:35-41.

         

Trong phần trống dưới đây, bạn hãy viết một hoặc hai câu cho thấy bạn hiểu về nước như thế nào.

 

....................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

 

 

Những điều khám phá

 

Trong câu truyện về Tạo dựng (St 1:6), nước cần được chứa lại để khỏi chảy lung tung.  Những gì trước đây là vô hình thể và mênh mang thì giờ đây trở thành thứ tự, tức là đất và nước do Thiên Chúa sắp đặt.

 

          Trong đoạn Cựu Ước nói về Nô-ê và gia đình ông (St 7:6-10), nước có sức tàn phá.  Chỉ có Nô-ê và những người cùng loài vật trên tàu của ông là sống sót giữa vùng nước loạn lưu ấy.

 

          Trong Xuất Hành 14:23-31, dân Ít-ra-en phải đối phó với cái chết từ hai phía:  quân Ai-cập đuổi sau lưng và nước Biển Đỏ trước mặt.  Chính Thiên Chúa đã phân rẽ nước, cho họ đi qua.  Rồi nước ập lại, tàn phá và giết chết những tên Ai-cập gian ác kia.

 

          Sau hết, nước gây xáo trộn trong Mác-cô 4.  Ở đây nước làm người ta khiếp sợ:  các môn đệ tưởng mình sẽ chết đuối.  Đức Giê-su khiến cho nước lặng và Ngài chất vấn các môn đệ về đức tin của họ.

 

          Trong tất cả những đoạn Kinh Thánh trên, nước được coi là một yếu tố tàn phá.  Mặc dù đoạn nào cũng diễn tả sự tàn phá theo nghĩa đen, nhưng có một sự khác biệt theo ý nghĩa biểu tượng của nước.   Trong một số câu truyện Cựu Ước, nước tượng trưng sự chết và tội lỗi, còn trong Tân Ước thì nước biểu tượng cho sự chết và thiếu lòng tin.

 

          Chính vì dựa trên ý nghĩa nước là yếu tố tàn phá mà Mác-cô kể lại Đức Giê-su đi trên mặt nước.  Hiểu theo nghĩa biểu tượng, nước của sự chết không làm gì được Đấng sẽ chiến thắng sự chết.  Đức Giê-su, Đấng là ân sủng và chân lý, sẽ chiến thắng sự chết trên thập giá.  Những gì đã hơn một lần không ai kiềm chế nổi và là biểu tượng của sự chết thì giờ đây trở nên bình lặng để cho Đấng Cứu Thế đi trên đó.

 

          Chắc chắn đối với cộng đoàn của Mác-cô cũng như những ai có lòng tin, nước liên quan đến Bí tích Rửa tội.  Khi cử hành Bí tích Rửa tội, người ta được dìm xuống nước như dấu chỉ chết đi cho tội lỗi để rồi ra khỏi nước với sự sống mới và ơn cứu độ.  Hai biểu tượng – nước và bánh , Rửa tội và Thánh Thể – là những biểu lộ cốt yếu của đức tin Ki-tô giáo.  Rửa tội cho chúng ta mắt và tai để đón nhận đức tin được biểu lộ qua Thánh Thể.

 

          Sau hết, ai hiểu Kinh Thánh Cựu Ước sẽ biết móc nối giữa biến cố trọng đại về dân Ít-ra-en thoát qua Biển Đỏ và được nuôi bằng man-na trong sa mạc với biến cố Đức Giê-su nuôi dân chúng và Ngài đi trên mặt nước.  Đây chính là lý do tại sao hai câu truyện được xếp gần nhau trong Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu.

 

          Tóm lại, để hiểu rõ hơn, bạn bắt đầu học hỏi hai trình thuật kể lại việc nuôi dân chúng trong Tin Mừng.  Bạn kể ra những liên hệ theo nghĩa đen giữa hai câu truyện.  Tiếp theo đó bạn xét những bối cảnh liên hệ rút ra từ Kinh Thánh Cựu Ước hoặc từ văn hóa thời Mác-cô.  Rồi bạn ghi lấy những chi tiết biểu tượng của những câu truyện để nhận ra tầm quan trọng của những con số và ý nghĩa của nước là sự chết.  Khi ấy bạn có thể móc nối việc hiểu về bánh và nước trong Cựu Ước với cộng đoàn của Mác-cô.  Sau hết, bạn có thể liên kết việc hiểu ý nghĩa về bánh và nước với ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể và Rửa tội.

 

          Việc học hỏi về hai câu truyện nuôi dân chúng cho bạn dịp quan sát trình thuật Kinh Thánh dưới hai khía cạnh:  trình thuật hiểu theo nghĩa đen và theo nghĩa biểu tượng.  Ý nghĩa thứ nhì này quan trọng hơn đối với hành trình đức tin của bạn.  Vấn đề hai câu truyện khác nhau hay cùng một câu truyện với hai trình thuật sẽ không còn nghĩa lý gì nếu người ta nhìn những câu truyện ấy trong tương quan với Bí tích Thánh Thể và Rửa tội.  Mong mọi người có lòng tin hãy luôn luôn dùng con mắt đức tin để nhận ra và dùng tai để nghe được Lời Chúa!

 

 

Khám phá

 

Học hỏi về câu truyện Biến đổi hình dạng cho thấy hai điểm:  danh hiệu Con Thiên Chúa (đã được thảo luận trong Hành trình 10) và tại sao các môn đệ vẫn tiếp tục hiểu lầm.

 

          Để đặt câu truyện vào đúng bối cảnh của nó, bạn hãy suy nghĩ về đoạn Mác-cô 8:29, một trong những điểm then chốt trong cách cấu trúc Tin Mừng Mác-cô.  Bạn hãy nhớ là tuyệt đỉnh phần thứ nhất của Tin Mừng Mác-cô là khi Phê-rô tuyên xưng đức tin “Thầy là Đấng Cứu Thế!”  Nhớ những lời đó của Phê-rô trong đầu, chúng ta hãy đọc Mác-cô 9:2-13.

 

          Trước hết bạn nhận thấy Đức Giê-su đã lựa những người thân tín nhất để lên núi cao.  Bạn có thể nhớ tới ý nghĩa của núi, núi Xi-nai (xem Xuất Hành 19:16-25).  Trong đoạn Xuất Hành, Thiên Chúa hiện ra với Mô-sê trong tiếng kèn vang và lửa hồng khói tỏa.  Thiên Chúa phán trong tiếng sấm sét.  Việc Thiên Chúa hiện ra qua thiên nhiên (sấm sét, lửa, khói) được gọi là hiển dung.  Do đó, từ ngữ “núi cao” sẽ đưa bạn tới một cuộc hiển dung khác:  cuộc hiển dung làm sáng tỏ lời tuyên xưng của Phê-rô.

 

          Giờ đây bạn hãy đọc về cuộc hiển dung trong Mác-cô, đoạn thuật nói về việc Chúa biến đổi hình dạng.

 

 

Những điều khám phá

 

Trong Mác-cô 9:7, bạn đọc thấy:  “Đây là Con Ta yêu dấu.”  Những lời này của Thiên Chúa cũng giống như những lời mạc khải cho Đức Giê-su và chúng ta trong câu truyện lãnh nhận phép rửa của Gio-an (Mác-cô 1:11).  Điều khác biệt ở đây là mạc khải cho ba môn đệ.

 

          Tuy nhiên các môn đệ vẫn không hiểu.  Mặc dù thấy Đức Giê-su biến đổi hình dạng và nghe những lời của Thiên Chúa, họ vẫn không hiểu được.  Việc không hiểu này biểu lộ qua phản ứng sững sờ của Phê-rô:  “Vì các ông kinh hoàng” (9:6).  (Kinh hoàng được hiểu là ngược lại với đức tin và hiểu biết).

 

          Cho dù Phê-rô đã tuyên xưng trong 8:29, ông vẫn tiếp tục hiểu lầm.  Lời tuyên xưng của Phê-rô tự nó là đúng.  Tuy nhiên ông nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế chỉ sau khi được chứng kiến những phép lạ chữa lành hay trừ quỷ Ngài làm.  Ông vẫn chưa hiểu được đầy đủ ý nghĩa về sứ mệnh cứu thế của Đức Giê-su.  Mọi hiểu biết chỉ được trọn vẹn cho đến khi đứng dưới chân thập giá hoặc sau Phục Sinh.

 

          Sau đó Mác-cô viết:  “Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu ‘từ cõi chết sống lại’ nghĩa là gì” (9:10).  Chúng ta có thể nghĩ là các môn đệ đã trả lời được câu hỏi này sau khi Chúa sống lại, bởi vì sách Công Vụ Tông Đồ đã ghi nhận rằng Phê-rô và các môn đệ Chúa đã rao giảng về ý nghĩa đích thực của Đấng Cứu Thế (Cv 2).  Trong cuộc Biến đổi hình dạng, thật vô nghĩa đối với họ khi muốn dựng ba cái lều, bởi vì cuộc Thương khó, sự chết và sống lại của Đức Giê-su chưa xảy ra.

 

          Trong cuộc Biến đổi hình dạng, bạn nhận thấy là áo Đức Giê-su trở nên “trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (9:3).  Hình ảnh Đức Giê-su biến đổi hình dạng tương tự như những trình thuật trong sách Đa-ni-en.

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Đa-ni-en 7:9 và 12:3

 

 

Những điều khám phá

 

Hai câu này trong sách Đa-ni-en mô tả một khuôn mặt trong thời thế mạt, đấng sẽ đến khi tận thế, mặc áo trắng hơn tuyết.  Đức Giê-su sẽ là nhân vật này sau khi sống lại.  Như vậy trình thuật về cuộc Biến đổi hình dạng chính là một tiên báo về vinh quang Phục Sinh của Đức Giê-su sắp xảy tới.

 

          Hai nhân vật khác trong cuộc Biến đổi hình dạng là Ê-li-a và Mô-sê.  Trong Kinh Thánh Cựu Ước, không có ai cao trọng hơn Mô-sê và Ê-li-a.  Đọc kỹ Mác-cô 9:2-13, chúng ta thấy Mô-sê cũng như Ê-li-a đều biến đi khi lời hiển linh của Thiên Chúa phán ra:  “Đây là Con Ta yêu dấu...” (9:7).  Nhân vật chính là Đức Giê-su, Đấng sẽ kiện toàn mạc khải trong Cựu Ước qua Lề Luật (Mô-sê) và các ngôn sứ (Ê-li-a).

 

          Mác-cô nhấn mạnh đến Ê-li-a trong cuộc Biến đổi hình dạng và trong những biến cố xảy ra ngay sau đó (9:9-13).  Truyền thống Do-thái tin chắc rằng Ê-li-a sẽ xuất hiện trước khi Đấng Cứu Thế đến.  Truyền thống này dựa trên Ma-la-khi 3:2-3.  Ê-li-a phải tới để chuẩn bị dân chúng đón nhận Đấng Cứu Thế, Đấng sẽ xét xử nhân loại.  Ngày nay, các gia đình Do-thái vẫn còn đặt chén của Ê-li-a trên bàn ăn mừng lễ Vượt qua của họ để nhắc nhở rằng họ đang trông đợi Ê-li-a đến báo tin Đấng Cứu Thế sắp tới.

 

          Việc Ê-li-a chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến khiến chúng ta nghĩ tới việc thống hối.  Trong Mác-cô 9:11, các môn đệ ngầm hiểu là Ê-li-a chưa tới.  Nhưng Đức Giê-su trả lời rằng Ê-li-a đã đến rồi, qua Gio-an Tẩy giả (9:12).  Gio-an, hình ảnh của Ê-li-a, đã loan báo cần phải hối cải (1:4).  Hơn nữa, Gio-an là hình ảnh đích thực của Ê-li-a vì ông đã minh chứng mình là một người tôi tớ chịu đau khổ.  Ông đã chuẩn bị con đường cho Đang61 Cứu Thế tới, ngay đến mức độ bắt chước Ngài mà sẵn sàng chịu chết do âm mưu thâm độc của Hê-rô-đi-a (6:27).

 

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 11 này, bạn đã khám phá được những điều sau đây:

 

·         Hai câu truyện về nuôi dân chúng trình bày một hình ảnh về toàn thể thế giới, cả Do-thái lẫn Dân ngoại.

·         Con số và ý nghĩa của chúng rất quan trọng đối với việc học hỏi Kinh Thánh.

·         Mặc dù việc trình bày câu truyện theo nghĩa đen thật quan trọng, nhưng quan trọng hơn thì phải tìm ra ý nghĩa biểu tượng của các trình thuật.  Có được những suy nghĩ sâu xa hơn khi chúng ta sử dụng những bối cảnh trong Kinh Thánh Cựu Ước.

·         Hai câu truyện về nuôi dân chúng nói cho cộng đoàn Mác-cô cũng như các cộng đoàn tín hữu biết tầm quan trọng của Bí tích Rửa tội và Thánh Thể.

·         Cuộc Biến đổi hình dạng bị các môn đệ hiểu lầm cho tới khi nào họ hoàn toàn hiểu được ý nghĩa của thập giá.

·         Hình ảnh Ê-li-a được thể hiện nơi Gio-an Tẩy giả.

 

 

 

Sách đọc thêm

 

Anderson, Bernhard.  Understanding the Old Testament.

          Englewood Cliffs, N.J.:  Prentice Hall, 1984.

 

LaVerdiere, Eugene.  The Gospel of Mark:  An Adventure in Scripture Study,

          Videocassettes, 4 Series.  Chicago:  Dominican Central Productions, 1986.

 

 

 

         

 

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà