Hành trình học hỏi Tin Mừng Mát-thêu

Hành trình 7

 

Bài giảng về Nước Trời (tiếp theo)

 

 

Tâm điểm của bài giảng về Nước Trời được trình bày trong 5:1-12. Ở đây Ki-tô hữu khám phá ra theo Ðức Ki-tô cốt yếu là gì. Từ ngữ “Christian Manifesto” (Tuyên ngôn của Ðức Ki-tô) do học giả Kinh Thánh Neil Flanagan đưa ra đã nói lên cốt lõi của đoạn Tin Mừng này. Khi trình bày các Mối phúc như Tuyên ngôn của Ðức Ki-tô, Mát-thêu đã đặt cơ sở cho Ki-tô hữu để họ công khai tuyên bố quyết định theo Ðức Giê-su và đi xây Nước Trời. Những “lời nói” tiếp theo Mát-thêu 5:1-12 chỉ để làm thí dụ và quảng diễn những Mối phúc.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Mát-thêu 5:13-16.

 

Những điều khám phá

 

Mát-thêu 5:13-16 mô tả các môn đệ là “muối cho đời” và “ánh sáng cho trần gian.” Trong Mát-thêu 10, toàn thể bài giảng nói về làm môn đệ.

          Vào thời sách Tin Mừng được viết, người ta dùng muối để giữ và ướp đồ ăn. Muối không thể mất vị được. Nhưng trong Luật Do-thái, muối có thể trở thành nhơ bẩn và vì thế phải vứt đi. Người môn đệ Chúa, với tính cách như một thầy dạy, đừng khi nào để mất đi mục đích đích thực của mình do việc trở thành nhơ bẩn. Nhưng đúng hơn, người môn đệ phải tiếp tục “gìn giữ” lời Chúa bằng cách chuyển lại cho học trò mình. Hành động này sẽ “muối” đầu óc và trái tim họ thật đúng cách.

          Nhà cửa tuy to lớn, nhưng là nhà một phòng được mọi người gần xa trong nhà dùng để chung nhau ở, đôi khi còn thêm cả người lạ nữa. Là những người giàu có, lúc nào cũng có dầu để đốt đèn, cũng như những người không có đủ tiền mua dầu, tất cả đều sống dưới ánh sáng phát ra từ ngọn đèn để trong nhà ở trên một trụ đèn cao. Cũng thế, người môn đệ phải giống như ngọn đèn đem lại ánh sáng cho mọi người.

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Mát-thêu 5:17-20.

 

Những điều khám phá

 

Ðức Giê-su khẳng định rõ ràng là Ngài đã không đến để xóa bỏ Cựu Ước. Cộng đồng Mát-thêu có gốc rễ trong truyền thống Do-thái. Khi sứ điệp Ki-tô lan rộng thì có hai điều ảnh hưởng tới cộng đồng: (1) Một lớp sóng người Dân ngoại là những người không biết đến Lề Luật Do-thái tiến đến, và (2) sự thù nghịch do những người Do-thái không nhìn nhận Ðức Giê-su là Ðấng Mê-xi-a. Giữa thay đổi và xáo trộn ấy, Mát-thêu muốn nói với cộng đoàn ngài rằng Ðức Giê-su là sự kiện toàn của Lề Luật và do đó Ngài đã chu toàn mục đích do Thiên Chúa đặt định. Mát-thêu nêu lên câu hỏi: “Chúng ta tìm được ở đâu giáo huấn, lề luật và tình yêu của Thiên Chúa?” Ngài trả lời câu hỏi ấy bằng cách luôn luôn cho thấy đó là nơi Ðức Giê-su. Mát-thêu cho thấy là mọi sự Thiên Chúa đã hoạch định cho chúng ta đều gặp được nơi Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô.

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Mát-thêu 5:21-48.

          Ðoạn Tin Mừng này cố ý sử dụng một thể văn quen thuộc được gọi là “phản đề”, theo đó trước hết người viết trình bày một khẳng định rồi lập tức sau đó là một quan điểm đối nghịch, thí dụ: “Anh em đã nghe... còn Thầy, Thầy bảo anh em...” Chúng ta có thể gặp một thí dụ khác trong thư 1 Cô-rin-tô 15:22 khi thánh Phao-lô trình bày đối nghịch giữa cái chết trong A-đam và sự sống trong Ðức Ki-tô.

          Trong khoảng trống dưới đây, bạn hãy viết xuống những phản đề đã được nói trong Mát-thêu 5:21-48. Hãy đặt giới răn và/hay tập tục của Cựu Ước đối nghịch với lệnh truyền mới của Ðức Giê-su.

 

Giới răn/Tập tục

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Lệnh truyền của Ðức Giê-su

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

Bạn thử so sánh kết quả của bạn với kết quả của chúng tôi.

 

Giới răn/Tập tục

1)                            đừng giết người

2)    đừng ngoại tình

3)    đàn ông được phép ly dị

4)    thề thốt

5)    bình đẳng theo lề luật

6)    ghét kẻ thù

7)    lòng đạo đức tỏ ra nơi cộng cộng chỉ là để khoe khoang

8)    cậy vào của cải trần gian

9)    lên mặt đạo đức xét đoán người khác

 

Lệnh truyền của Ðức Giê-su

1)    đừng giận dữ

2)    đừng tà dâm

3)    tôn trọng người vợ

4)    không thề thốt

5)    không trả thù

6)    yêu thương kẻ thù

7)    cầu nguyện riêng tư, bố thí và ăn chay

8)    tin tưởng Thiên Chúa

9)    thống hối cá nhân và hoán cải

 

Mát-thêu 5:21-48 bình luận về những phản đề đưa người tín hữu vượt qua bề mặt hời hợt của khẳng định để đi vào tâm điểm của sứ điệp Thiên Chúa. Trong những phản đề ấy, người môn đệ sẽ khám phá ra sứ điệp đích thực của Thiên Chúa là tình yêu, lòng thương xót và chân lý.

Trong những câu đi trước đoạn này, Mát-thêu khẳng định rằng sự thánh thiện của một người phải vượt trên những người Pha-ri-sêu và kinh sư (Mát-thêu 5:20). Ðiều khó khăn không phải vì người ta là một Pha-ri-sêu hay một kinh sư; nhưng vì người ta coi trọng Lề Luật hơn cả chính Thiên Chúa nên đó không phải là một thái độ đúng. Lề Luật, đáng lẽ phải là sự yêu thương đáp lời gọi mặc khải của Thiên Chúa, thì nhiều khi trở thành mục đích thay vì phương tiện, nhất là đối với những người Pha-ri-sêu. Khi chúng ta đặt mình trên Lề Luật, chúng ta sẽ dễ dàng biến thành những kẻ giả hình. Tình trạng này hoàn toàn đối nghịch với “tâm hồn nghèo khó” hoặc “hiền lành”, là những thái độ giúp ta nhìn nhận lề luật đích thực chính là Thiên Chúa và mọi người đều là anh chị em với chúng ta.

Khi đặt trên môi miệng Ðức Giê-su những lời “Anh em đã nghe Luật dạy rằng... Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”, Mát-thêu muốn nhắc nhở độc giả rằng cũng như Chúa Cha, Ðức Giê-su là Ðấng thực sự ban Lề Luật.

1) Mặc dù Lề Luật dạy không được giết người, Ðức Giê-su còn đi xa hơn nữa khi đòi người ta phải loại bỏ hoặc kiềm chế tận gốc rễ việc giết người, tức là sự giận dữ. Như thế, đòi hỏi ấy vượt trên cả lối giữ Lề Luật hời hợt bề ngoài và đưa chúng ta đến những thái độ và ý hướng nội tâm.

2, 3) Ý đích thực của Lề Luật cũng được trình bày qua việc đặt lại vấn đề ngoại tình và ly dị (Mát-thêu 5:27). Cũng như việc giết người có thể bắt đầu là do giận dữ thì việc ngoại tình cũng bắt đầu do tà dâm. Người có tâm hồn đầy tà dâm sẽ không còn tôn trọng phẩm giá của người khác nữa. Quan hệ lý tưởng giữa người nam và người nữ được trình bày trong đoạn sách Sáng Thế: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình; Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (1:27).

          Trường hợp ngoại trừ – ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp” (Mát-thêu 5:32) – đã làm cho các học giả Kinh Thánh bối rối một thời gian. Các học giả ghi nhận rằng từ Hy-lạp được Mát-thêu sử dụng là porneia chứ không phải moicheuo. Từ moicheuo nghĩa là “ngoại tình”, còn từ porneia được dùng để nói về những “quan hệ loạn luân”. Vậy khi dùng từ porneia trong hoàn cảnh này, Mát-thêu muốn ám chỉ tới Luật cấm mọi quan hệ loạn luân theo sách Lê-vi 18:6-18, đồng thời trình bày một lệnh truyền mới tức là không được phép ly dị vì bất cứ lý do nào.

          Một trích dẫn Cựu Ước nữa từ sách Ðệ Nhị Luật 24:1-4, cho phép một người đàn ông được ký giấy ly dị cho người vợ vì những vấn đề liên quan tới sự thiếu đứng đắn. Trong Mát-thêu 19:8, Ðức Giê-su lưu ý người Pha-ri-sêu rằng ông Mô-sê đã cho phép ly dị là vì người ta cứng lòng. Ngoài ra, trong thời Mát-thêu một cuộc tranh luận về vấn đề ly dị vẫn diễn ra giữa hai trường phái ráp-bi: Hillel và Shammai. Trường phái Hillel cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì. Còn trường phái Shammai giới hạn việc ly dị trong những trường hợp người nữ không trong sạch thôi. Có thể Mát-thêu chủ trương quan điểm của trường phái Shammai khi viết cho cộng đoàn ngài hoặc có thể ngài muốn làm sáng tỏ ý nghĩa của việc không trong sạch.

4) Lệnh truyền đừng khi nào thề thốt có tính cách cấp tiến. Dường như nó trực tiếp chống lại Luật được nói trong Xuất Hành 20:7 hoặc Lê-vi 19:12. Có lẽ Mát-thêu muốn móc nối khẳng định trong 5:34 với những khẳng định trong 23:16-22. Việc thề thốt là để chứng thực sự thật. Tuy nhiên Mát-thêu 23:16-22 lại chứng tỏ nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư đã bóp méo việc thề thốt đi để biện minh cho việc tránh né sự thật. Do đó, thay vì phá bỏ Lề Luật, Ðức Giê-su đã làm nổi bật lên ý nghĩa đích thực của Lề Luật.

          Mát-thêu cũng nhắc nhở độc giả rằng Thiên Chúa là “đấng siêu việt” và ở ngoài sự hiểu biết của loài người. Loài người không có quyền lấy Thiên Chúa ra để làm chứng điều này điều nọ. Loài người chỉ có thể yêu mến và vâng phục Chúa mà thôi.

5) Ba trích dẫn Cựu Ước (Xuất Hành 21:22-25, Lê-vi 24:20, Ðệ Nhị Luật 19:21) nói về căn bản luật trả thù, sẽ là đề tài của phản đề tiếp theo. Ngày nay khẳng định “mắt đền mắt, răng đền răng” thường bị giải thích sai để biện minh được phép trả thù. Luật Cựu Ước đòi phải có một phương cách hỗ tương công bằng và phải được viết xuống để giúp người ta hành động sao cho quân bình. Ðức Giê-su còn đi xa hơn cách xử sự công bằng này khi Ngài truyền cho các môn đệ phải yêu thương kẻ thù nữa.

6) Cả Cựu Ước (Thánh Vịnh 139:19-22) lẫn tài liệu Qumran đều chủ trương ghét những người xấu là điều phải. Còn Ðức Giê-su lại mở rộng giới luật yêu thương tới cả kẻ thù và kẻ bách hại chúng ta. Môn đệ của Ðức Giê-su là con cái Thiên Chúa nên phải noi gương Cha mình, Ðấng ban ơn cho người tốt cũng như kẻ xấu. Lại nữa, Ðức Giê-su đòi người nghe phải sống lối sống mới, lối sống giúp người ta nhận ra Nước Trời là gì.

7, 8, 9) Tất cả những phản đề do Ðức Giê-su trình bày đều là những đường lối thiết lập Nước Trời để biến đổi thế giới. Mỗi lệnh truyền là một cách để Ðức Giê-su chỉ cho chúng ta thấy về ngày tận thế khi Nước Thiên Chúa được hoàn tất.

          Bài giảng kết thúc với cả một đoạn nói về vấn đề phải có ý ngay thẳng (Mát-thêu 6), song song với Luật về sự thánh thiện trong sách Lê-vi (17-26). Chứng từ cuối cùng nói lên thế nào là sống thánh thiện, đó là việc cầu nguyện, bố thí và ăn chay. Cầu nguyện thiết lập quan hệ đích thực giữa con người với Thiên Chúa. Làm phúc bố thí là cách cụ thể để sống niềm tin mọi người là anh chị em với nhau. Ăn chay có căn rễ trong Cựu Ước, I-sai-a 58:6-7: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” Khi ăn chay theo những ý hướng ấy, người ta sẽ hạ mình trước mặt Chúa và sẵn sàng phục vụ tha nhân.

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 7, bạn đã khám phá những điều sau đây:

 

·         Bài giảng về Nước Trời cho chúng ta những tiêu chuẩn để người môn đệ biết phải sống thế nào.

·         Mát-thêu trình bày một phản đề đối với Lề Luật Cựu Ước để minh chứng ý nghĩa đích thực của Lề Luật.

·         Người môn đệ Ðức Giê-su thực thi lối sống triệt để đã được Ngài trình bày.

·         Chứng từ tối hậu nói lên đời sống thánh thiện là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí.

 

Sách đọc thêm

 

Kingsbury, Jack Dean, ed. The Gospel of Matthew. Interpretation: A Journal

of Bible and Theology, vol. XLVI, October 1992.

 

Meier, John P. Matthew, New Testament Message, vol. 3.

Collegeville, Minn.: Michael Glazier, 1980.

 

 

 

 

 

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà