Hành trình học hỏi Tin Mừng Mát-thêu

Hành trình 10

 

 

Bài giảng về làm môn đệ

 

 

Mỗi bài giảng trong Tin Mừng Mát-thêu đều bắt đầu bằng một trình thuật dẫn chúng ta đến bài giảng.  Bạn hãy nhớ lại trong Hành trình 8, chúng ta đã khám phá trình thuật giới thiệu bài giảng về làm môn đệ.  Mát-thêu 10 trình bày chính bài giảng ấy.

 

 

Khám phá

 

Bạn hãy đọc Mát-thêu 10 theo cách chia làm ba phân đoạn như sau.  Trong khoảng trống dưới đây, bằng ngôn từ của bạn, bạn hãy tóm tắt hành động hay huấn dụ được trình bày trong mỗi phân đoạn.

 

Mát-thêu 10:1-4

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Mát-thêu 10:5-15

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Mát-thêu 10:16-25

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

Những điều khám phá

 

Hành động trong Mát-thêu 10:1-4 có hai phương diện:  Đức Giê-su ban quyền bính cho các tông đồ và các tông đồ được gọi tên.

          Chúng ta thấy có những liên quan với Mát-thêu 10:1 trong Mát-thêu 9:35-38 và Mát-thêu 4:23-25.  Đức Giê-su có quyền bính để công bố Tin Mừng và chữa lành bệnh tật;  Ngài trao quyền ấy cho các môn đệ là những người thợ tốt.  Việc sai các tông đồ ra đi với quyền bính của Đức Giê-su là câu trả lời cho Mát-thêu 9:37:  “... anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

          Mát-thêu 10:2-4 liệt kê tên của các tông đồ.  Tất cả tác giả Tin Mừng đều kể tên Phê-rô đầu tiên, còn tên các tông đồ khác thì thay đổi thứ tự.  Vậy khi nhấn mạnh “trước hết là Si-mon” có thể là muốn giới thiệu Phê-rô sẽ giữ vai trò quan trọng hơn trong Mát-thêu 14 và 16.

          Mát-thêu người thu thuế (10:3) hầu như cùng là một người trong câu truyện được kể lại trong Mát-thêu 9:9-13  Những người thu thuế cộng tác với chính quyền Rô-ma để chống lại dân mình.  Không lạ gì khi những người thu thuế thường lươn lẹo tiền bạc để lo cho những nhu cầu của họ.  Bị nhiều người thù ghét nên những người thu thuế (cùng với những người làm nghề khác như thợ thuộc da và dẫn lạc đà) bị coi là ô uế theo Lề Luật Do-thái và là những kẻ tội lỗi.

          Cũng nên chú ý một điểm nữa là trong số các tông đồ lại có ông Mát-thêu người thu thuế cùng với ông Si-mon thuộc nhóm Quá Khích.  Nhóm Quá Khích là nhóm tôn giáo làm chính trị, tích cực hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Rô-ma.  Do đó, hơn ai hết, những người làm cách mạng, những phần tử nhóm Quá Khích ắt phải khinh miệt những người thu thuế.  Vậy cặp bài trùng này là thí dụ điển hình Nước Trời đòi hỏi mọi người phải sống với nhau trong công lý và hòa bình.

 

Những điều khám phá

 

Mát-thêu 10:5-15 có hai điểm chính:  (1) giới hạn của sứ mệnh và (2) huấn dụ về việc thi hành sứ mệnh.  Giới hạn của sứ mệnh được trình bày trong 10:6:  “Tốt hơn anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” và được lập lại trong câu truyện đối thoại giữa Đức Giê-su với người đàn bà xứ Ca-na-an (Mát-thêu 15:24).  Cả Mát-thêu 10:6 lẫn 15:24 đều chứng thực sứ mệnh của Đức Giê-su tại thế là đến với các chiên lạc thuộc nhà Ít-ra-en.  Không có đoạn trình thuật nào kể lại Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng ở ngoài phạm vi của Ngài.  Tuy nhiên, sứ mệnh sẽ được nới rộng do Đức Ki-tô Phục sinh, Đấng sai các môn đệ đến với muôn dân (Mát-thêu 28:16-20).

          Huấn dụ đầu tiên là hãy công bố “Nước Trời đã đến gần.”  Công bố này giống với công bố của Gio-an Tẩy giả trong Mát-thêu 3:2 và của Đức Giê-su trong Mát-thêu 4:17.  Vậy Mát-thêu cố ý nhắm tới liên quan này để cho thấy môn đệ được ban quyền bính mà tiếp tục công việc của Đức Giê-su là công việc đã được ông Gio-an báo trước.

          Huấn dụ thứ hai là hãy làm cho người ta được lành mạnh, là điểm chúng ta đã thảo luận trong Hành trình 8.

          Huấn dụ thứ ba trình bày phong cách ăn mặc và cư xử.  Những tác phẩm ráp-bi cổ xưa (thí dụ Mishna Bekorot) dạy người ta phải ăn mặc xứng đáng khi bước vào Đền Thờ.  Họ không mang trang phục của khách lữ hành hoặc đeo vàng bạc.  Việc Đức Giê-su không cho môn đệ mang theo một số quần áo hoặc tiền bạc cũng giống như những huấn thị của ráp-bi.

          Cốt lõi của huấn dụ về truyền giáo là phải cư xử xứng đáng:  “Thợ thì đáng được nuôi ăn.”  Khi họ bước vào nhà nào ở đó có người xứng đáng, thì có nghĩa người xứng đáng ấy chính là người tiếp nhận cả sứ giả lẫn sứ điệp.

 

Những điều khám phá

 

Mát-thêu 10:16-25 hình như muốn chuyển từ những hành động của Đức Giê-su lịch sử trong giới hạn miền Ga-li-lê sang hoạt động truyền giáo của một cộng đồng phổ quát hơn (“... anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền...”).  Khi lãnh nhận quyền bính của Đức Giê-su để ra đi rao giảng, người môn đệ cũng lãnh nhận bách hại và cái chết nữa.  Sứ điệp này phản ánh mối phúc “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại...” (Mát-thêu 5:11). 

          Cũng như mọi cộng đoàn khác trong Giáo Hội sơ khai, cộng đoàn Mát-thêu đã sống trong thời bách hại khốc liệt.  Trong khoảng một thời gian ngắn, cuộc chiến Do-thái với Rô-ma (66-70 sau công nguyên) đã mang lại hậu quả là Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ bị tàn phá, các Ki-tô hữu gốc Do-thái bị đuổi ra khỏi hội đường và Rô-ma bách hại các môn đệ Đức Ki-tô.  Trong thời buổi tuyệt vọng như thế, Mát-thêu muốn nêu cao niềm hy vọng cho tất cả những ai nhận biết Đức Ki-tô.

 

Những điều khám phá

 

Đoạn cuối cùng của bài giảng (Mát-thêu 10:40-42) nói về việc cần phải có một thái độ thích hợp.  Người môn đệ chân chính luôn có thái độ niềm nở tiếp đón và muốn tiếp đón “những kẻ bé nhỏ.”  Việc tiếp đón được nói ở đây cũng là điều được nói đến trong Mát-thêu 10:10-11; 31.

          Cần phải bàn đến lời nói trong đoạn Tin Mừng Mát-thêu 10:34 khó hiểu:  “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an...”  Dĩ nhiên, câu này không thể đi ngược lại tất cả những gì Tin Mừng Mát-thêu đã nói về vấn đề yêu thương kẻ thù và làm người kiến tạo hòa bình.  Thực ra câu ấy muốn nói người ta cần phải đi tới quyết định tối hậu là theo hay không theo Đức Ki-tô.  Tín hữu chân chính không thể giữ thái độ lảng tránh (giống như một số Pha-ri-sêu và kinh sư), nhưng phải tuyệt đối tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa và theo gương sống do Đức Giê-su để lại.

          Để kết thúc Hành trình về làm môn đệ, bạn hãy suy nghĩ về chương trình hành động bạn sẽ thực hiện để chứng tỏ bạn muốn ra đi rao giảng Nước Trời.  Sau một lúc thinh lặng cầu nguyện, bạn hãy viết xuống những tư tưởng bạn đã ý thức được.

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 10, bạn đã khám phá những điều sau đây:

 

·         Các tông đồ lãnh nhận quyền bính từ nơi Đức Giê-su.

·         Những ai được kêu gọi làm môn đệ, bất kể họ thuộc thành phần nào, đều phải hành động để xây dựng Nước Trời.

·         Các môn đệ loan báo Nước Trời đến gần và giúp cho người ta trở nên lành mạnh.

·         Các môn đệ có thái độ tiếp đón đối với mọi người trong Nước Trời.

·         Các môn đệ được kêu gọi phải chọn lựa dứt khoát theo hay không theo Đức Ki-tô.

 

 

Sách đọc thêm

 

Harrington, Daniel J.  The Gospel of Matthew, Sacra Pagina series, vol. 1.

          Collegeville, Minn.:  The Liturgical Press, 1991.

 

Kingsbury, Jack Dean.  Matthew, Proclamation Commentaries.

          Philadelphia:  Fortress Press, 1977.

 

 

 

                   


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà