Hành trình học hỏi Tin Mừng Mát-thêu

Hành trình 17

 

Cuộc Khổ nạn, Chết và Sống lại:  Cốt tủy của các Bài giảng

 

 

Ngày nay khó khăn chúng ta thường gặp trong vấn đề hiểu Kinh Thánh, đó là chúng ta cứ tưởng mình đã biết câu truyện mà thực ra là chưa biết.  Sách Kinh Thánh được phổ biến rộng rãi, hằng ngày hoặc hằng tuần Tin Mừng được tuyên đọc trong các giờ phụng vụ, có nhiều dịp học hỏi Kinh Thánh, dĩ nhiên cách nào cũng tốt cả, nhưng những điều này lại có thể tạo nên một đảm bảo giả tạo tin rằng người ta thông thạo Kinh Thánh lắm.  Nghe lời Chúa quá thường xuyên có thể làm chúng ta nhảy qua để đi tới kết thúc câu truyện hoặc lan man nghĩ sang câu truyện khác.  Cho nên chúng ta cần phải luyện “đôi tai Kinh Thánh”, tức là khả năng không những nghe cả câu truyện mà còn nghe tất cả những chi tiết và sắc thái của câu truyện nữa.  Với “đôi tai Kinh Thánh” chúng ta sẽ nghe được sứ điệp một cách mới mẻ và có được những suy tư mới.

 

 

Khám phá

 

Một cách để nghe câu truyện với “đôi tai Kinh Thánh” là bạn hãy đặt mình vào trong đoạn Kinh Thánh.  Tập suy nghĩ theo cách này sẽ giúp cho giác quan của bạn được bén nhậy và bạn sẽ nghe câu truyện như là mới vậy.

          Bạn hãy đọc qua một lượt hết bài tập để làm quen với từng bước sẽ được trình bày.  Sau khi đọc xong lần đầu rồi, bạn hãy làm bài tập.

 

1)    Đọc chậm Mát-thêu 26 – 27.  Trong khi đọc, cố gắng nhớ lại thứ tự các biến cố xảy ra.

2)    Bạn  ở trong tư thái thoải mái.

3)    Đặt sách Kinh Thánh trên lòng.  Dùng trí tưởng tượng tóm tắt lại Mát-thêu 26 – 27.

4)    Khi nhớ lại câu truyện, bạn hãy đặt mình vào đoạn Tin Mừng.  Đừng giữ thái độ đứng nhìn vào khung cảnh câu truyện.  Nhưng hãy tìm một vị trí cụ thể trong khung cảnh để bạn có thể quan sát được mọi hành động.

5)    Hãy lập lại những đối thoại trong câu truyện.  Tưởng tượng âm điệu của tiếng người nói, gương mặt của họ cũng như những cách phản ứng của người khác khi nghe họ nói.

6)    Đặc biệt chú ý đến những nhân vật chính trong câu truyện.

7)    Sau khi đã kể lại câu truyện trong trí tưởng tượng rồi, bạn hãy viết xuống trong khoảng trống dưới đây những suy tư mới bạn có được.  Ghi lại tên của những nhân vật chính và kể một chút về vai trò của họ trong câu truyện, và Đức Giê-su phản ứng thế nào về vai trò của họ.

 

Những suy tư mới tôi có được là:

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

 

Những nhân vật chính:

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

 

Những điều khám phá

 

Bạn hãy so sánh kết quả của bạn với kết quả sau đây của chúng tôi.

 

1)    Cai-pha (cùng với các thượng tế và kỳ mục)

2)    người phụ nữ xức dầu thơm chân Đức Giê-su

3)    các môn đệ, đặc biệt là Giu-đa và Phê-rô

4)    Phi-la-tô

5)    Ba-ra-ba

6)    Si-môn Ky-rê-nê

7)    viên đại đội trưởng

8)    các phụ nữ:  bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xép, bà mẹ các con ông Dê-bê-đê

9)    Giô-xép A-ri-ma-thê

 

Qua việc học hỏi về những nhân vật chính này, chúng ta hy vọng khám phá được những suy tư mới qua trình thuật Thương khó.

 

1)  Khung cảnh Đức Giê-su bị giết là lễ Vượt qua – lễ mừng kỷ niệm cuộc giải phóng dân Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai-cập.  Điều này thật là mỉa mai, vì các viên chức Do-thái (Cai-pha, các thượng tế và kỳ mục) là những người giữ vai trò chính yếu trong việc cử hành lễ Vượt qua mà lại âm mưu giết một người sẽ đem lại sự giải phóng toàn diện con người.

Mát-thêu 26:57-68 nói rằng các thượng tế và kỳ mục đã tìm chứng gian để buộc tội Đức Giê-su.  Mát-thêu cho thấy có hai người làm chứng tiến ra – số người luật Do-thái buộc phải có (Đệ Nhị Luật 17:6).

Điều họ tố cáo là Đức Giê-su có thể phá hủy Đền Thờ, tức là tội phạm thượng.  Đức Giê-su không bênh vực mình về điều này, mà Ngài lại tiên báo việc Con Người sẽ đến.  Câu trả lời của Đức Giê-su trước lời tố cáo trở thành bằng chứng cho các thượng tế và kỳ mục chụp lấy để lên án Ngài phải chết.

Chúng ta đã hiểu rằng Đức Giê-su biểu tượng cho sự sống và tự do, đối nghịch với âm mưu của các thượng tế và kỳ mục.  Vậy giờ đây Đức Giê-su, Đấng là sự sống và sự thật, bị điệu đến trước mặt những kẻ biểu tượng cho sự chết và gian dối.  Ngài đáp lại lời tố cáo của họ bằng cách xưng mình là nhân vật khải huyền đến để thay thế Đền Thờ bằng Giê-ru-sa-lem mới đã được Thiên Chúa xây dựng.

 2)  Người phụ nữ xức dầu chân Đức Giê-su cho chúng ta một cảnh đối nghịch với việc đối xử tàn ác của các thượng tế và kỳ mục.  Các viên chức ấy khạc nhổ và vả mặt Đức Giê-su, còn bà lại xức dầu cho Ngài với dầu thơm quý giá.  Bà nhận biết Đức Giê-su là Con Người và đối xử với Ngài hết lòng kính cẩn và tôn trọng.  Chỉ có Đức Giê-su mới biết mục đích việc làm của bà – chuẩn bị cho việc mai táng thi thể Ngài.

          3)  Mặc dù từ môn đệ được nói đến mấy lần trong trình thuật Thương khó, nhưng hai lần từ này mang ý nghĩa đặc biệt.  Các môn đệ chỉ trích người phụ nữ đã phung phí và các môn đệ đã bỏ Đức Giê-su mà chạy thoát thân khi Ngài bị bắt.  Đối nghịch chính trong việc làm môn đệ Chúa, đó là giữa Giu-đa và Phê-rô.  Cả hai đều thấy khó làm chứng Đức Giê-su là Con Người:  Giu-đa thì phản bội Đức Giê-su;  còn Phê-rô thì chối Ngài.

          Giu-đa đóng vai trò kẻ phản bội – và quan trọng hơn nữa, đó là kẻ phản bội người bị đổ máu oan.  Sự kiện hắn phản bội người vô tội đã được xác nhận do việc các viên chức lấy tiền họ đã mua chuộc hắn để mua mảnh đất của thợ gốm.  Vấn đề Giu-đa hối hận đã làm cho nhiều học giả Kinh Thánh không biết phải giải thích làm sao.  Có phải việc hắn trả tiền lại cho các viên chức là dấu chỉ hối hận không?  Nếu đúng như vậy thì làm sao chúng ta có thể dung hòa giữa việc Giu-đa trả lại tiền cùng hành vi tự sát sau đó với điều khẳng định của Đức Giê-su:  “...khốn cho người nào nộp Con Người” (Mát-thêu 26:24)?  Giu-đa đã có sự chọn lựa:  chọn theo Đức Ki-tô và chọn xin được tha thứ.

          Phê-rô cũng có sự chọn lựa ấy (mặc dù việc Phê-rô chối bỏ không gây nên cái chết cho Đức Giê-su giống như hành động phản bội của Giu-đa).  Sự kiện Phê-rô chối Đức Giê-su ba lần là có thực như vậy.  Cả bốn sách Tin Mừng đều đặt biến cố này vào trong trình thuật Thương khó.  Phê-rô tìm sự tha thứ khi ông ra ngoài và khóc lóc thảm thiết.  Ông là gương mẫu cho cộng đồng Ki-tô cần đến sự tha thứ.

          Đặc tính của Phê-rô cũng hoàn toàn trái ngược với đặc tính của Đức Giê-su.  Phê-rô không thể trung thành trong sự dấn thân làm môn đệ và là kẻ xấu xa khi phải đối điện với sự chống đối.  Trái lại, Đức Giê-su là gương mẫu cho các môn đệ:  Ngài muốn đối diện với mọi thử thách trong cuộc sống Ngài và trung thành cho tới cùng.

          4)  Phi-la-tô là người lãnh đạo bị dày vò tìm cách trấn tĩnh cả đám dân chúng lẫn lương tâm của ông ta.  Ông ta biết rõ Đức Giê-su vô tội, nhưng lại sợ dân chúng.  Sự kiện Đức Giê-su là vô tội được xác nhận qua việc bà vợ Phi-la-tô kể lại giấc mơ của mình.  Bạn hãy nhớ lại chúng ta đã thấy trong những trình thuật của Mát-thêu về cuộc đời thơ ấu Đức Giê-su, các giấc mơ đều mang một sứ điệp.  Đây thực là lý do sự thật được chấp nhận vào thời ấy.  Mặc dù biết Đức Giê-su vô tội, Phi-la-tô vẫn ngồi ghế chủ tọa để kết án Đức Giê-su.  Tín hữu sẽ nhận ra điều nhố nhăng của khung cảnh, vì đúng ra phải là chính Đức Giê-su với tính cách là Con Người sẽ chủ tọa để xét xử toàn thể nhân loại và công bố sự phán xét đích thực!

          5)  So sánh Ba-ra-ba với Đức Giê-su là điều rõ ràng.  Ba-ra-ba được gọi là “người tù khét tiếng”, thế mà chúng ta lại không biết hắn đã phạm tội ác gì đến nỗi bị coi là nguy hiểm.  Nhưng chúng ta biết rõ Đức Giê-su hoàn toàn vô tội.  Kẻ vô tội và đáng lẽ phải được tự do (Đức Giê-su) thị bị giữ lại để cho kẻ có tội (Ba-ra-ba) được giải thoát.  Tột đỉnh đối nghịch giữa hai nhân vật này là lúc dân chúng gào lên xin thả Ba-ra-ba và đóng đinh Đức Giê-su.  Dân chúng được gọi là “toàn dân” – một từ đã gây rất nhiều tranh luận ý kiến giữa các học giả Kinh Thánh.  Có thể từ ấy là một nhắc nhở rằng chúng ta phải chấp nhận hậu quả hành động của mình sẽ được tỏ lộ vào lúc Con Người đến phán xét.

          6)  Các tác giả Tin Mừng Nhất lãm nói đến ông Si-môn người Ky-rê-nê là người giúp Đức Giê-su vác thập giá.  Ông có thể là một người có thực (Mác-cô 15:21 nói đến các con của ông).  Người ta cũng bàn luận về việc người Rô-ma có cho phép một người đến giúp vác thập giá đỡ cho một tử tội hay không.  Chứng lý được chấp nhận nhiều nhất nói rằng ông Si-môn đã được phép giúp Đức Giê-su là vì Ngài đã quá yếu sức bởi bị đánh đòn.  Nếu thực sự ông Si-môn là thân phụ của A-lê-xan-đê và Ru-phô, thì ông cũng là một chứng nhân về cuộc Thương khó của Đức Giê-su.

          7)  Ba câu trả lời về cái chết của Đức Giê-su được diễn tả trong Tin Mừng Mát-thêu.  Viên đại đội trưởng (một người Dân ngoại và không phải là tín hữu) đã biểu lộ đức tin sâu xa qua lời khẳng định “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!”  Điều xem ra là vô lý, tức là cái chết của Đức Giê-su, lại trở thành một kinh nghiệm trở lại đạo khi viên đại đội trưởng nhận ra chân tính của Đức Giê-su là Con Thiên Chúa.  Ông tin Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a ngay cả khi ông chưa phải là một môn đệ của Ngài.

          8)  Viên đại đội trưởng trái nghịch với nhiều phụ nữ đang có mặt “đứng xa xa mà nhìn”.  Mặc dù Tin Mừng nói rằng họ đã theo để phục vụ Đức Giê-su, nhưng không thể giúp đỡ Ngài nếu họ ở cách xa Ngài.  Những phụ nữ làm môn đệ Ngài cũng ở quá xa nên không thể làm chứng nhân cho Ngài.  Nhóm mười hai là những người gần cạnh Đức Giê-su khi Ngài thi hành sứ vụ thì đã chạy trốn hết rồi.

          9)  Rõ ràng chỉ có một môn đệ duy nhất ở lại với Đức Giê-su cho tới cùng, ông Giô-xép A-ri-ma-thê.  Là người giàu có, nhưng ông khác hẳn với chàng thanh niên có nhiều của cải trong Mát-thêu 19.  Là môn đệ trung thành, ông khác hẳn với những phụ nữ đứng nhìn từ xa và mười hai tông đồ chạy trốn.  Ông trở thành một gương mẫu làm môn đệ Đức Ki-tô cho các phần tử thuộc cộng đoàn Mát-thêu và mọi cộng đoàn Ki-tô khác.

 

 

Khám phá

 

Hành trình bắt đầu với một bài tập suy tư bằng cách bạn đặt mình trong khung cảnh đoạn Tin Mừng.  Trong bài tập sau đây, bạn hãy viết xuống những suy nghĩ của bạn khi đóng vai trò của mỗi nhân vật.

 

1)  Cai-pha

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

2)  người phụ nữ xức dầu chân Đức Giê-su

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

 

3)  các môn đệ, nhất là Giu-đa và Phê-rô

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

4)  Phi-la-tô

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

5)  Ba-ra-ba

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

6)  Si-môn Ky-rê-nê

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

7)  viên đại đội trưởng

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

8)  các phụ nữ:  Ma-ri-a Mác-đa-la, Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xép,

     và mẹ các con ông Dê-bê-đê

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

9)  Ông Giu-se A-ri-ma-thê

...........................................................................................................

...........................................................................................................

...........................................................................................................

 

 

Ôn lại

 

Trong Hành trình 17, bạn đã khám phá những điều sau đây:

 

·         Đặt mình vào trong đoạn Kinh Thánh như một người quan sát giúp bạn có những suy tư về sứ điệp của Kinh Thánh

·         Đặt mình vào những vai trò của các nhân vật chính trong câu truyện sẽ giúp bạn có những suy tư về chính đoạn Kinh Thánh.

·         Những nhân vật chính trong trình thuật Thương khó cho thấy những trái ngược giữa các nhân vật với nhau và với Đức Giê-su.

·         Trong các đoạn Kinh Thánh đã học hỏi ở trên, chỉ có ba nhân vật (người phụ nữ xức dầu thơm cho Đức Giê-su, viên đại đội trưởng và ông Giô-xép A-ri-ma-thê) đã thực sự hiểu được vai trò làm môn đệ Đức Ki-tô.

 

 

Sách đọc thêm

 

Brown, Raymond E.  The Death of the Messiah, vols. 1 & 2.

          New York:  Doubleday, 1994.

 

 


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà