SÁCH KHẢI HUYỀN TRÌNH BÀY NHỮNG THẾ LỰC SỰ DỮ

TÁC ĐỘNG TRÊN VÀ TRONG LỊCH SỬ.

 

Dẫn Nhập

Lần dỡ lại các trang sách Khải Huyền, chúng ta thấy có ba thế lực sự dữ chính tác động trên và trong lịch sử là: con Mãng Xà và, Con Thú đi lên từ biển và Con thú từ đất; hai con thú này là các thuộc hạ của con Mãng Xà. Mỗi thế lực có một chức năng và nhiệm vụ riêng, nhưng lại chung mục tiêu là lôi kéo con người xa Thiên Chúa là nguồn ơn cứu độ.

I  Con Mãng Xà

1  Dáng Vẽ

Con quái vật này được mô tả dưới hình dạng con rắn (Kh 12, 14), có vẻ hám ăn, sẵn sàng nuốt chửng người phụ nữ và con bà (Kh 12, 4. 15). Đây là một con rắn lớn và đỏ, có bảy đầu mười sừng, trên mười sừng đều có vương miện (Kh 13, 1; 17, 3. 8). Những dáng vẻ này biểu trưng cho sự nguy hiểm, quyền lực, có khả năng hủy diệt và gây tai ương (Kh 12, 4); cũng như nói lên sự viên mãn, tròn đầy của quyền lực và sức mạnh.

2  Các Danh Xưng

*  Con Mãng Xà: trong Khải Huyền, danh xưng này xuất hiện nhiều lần nhất (Kh 12, 3- 4. 7. 9. 13. 16- 17; 13, 2. 4. 14). Với danh xưng này, tác giả Khải Huyền diễn tả quyền năng vô cùng nguy hại của con Mãng Xà: hủy diệt, dẫn tới sự hư mất và xa cách Thiên Chúa.

*  Con Rắn Xưa (Kh 12, 9. 14- 15): Hình ảnh này gợi lại hình ảnh về cơn cám dỗ của con rắn trong địa đàng (x. St 3, 1- 19). Dã tâm của con rắn là làm người ta bất tuân lệnh Thiên Chúa, chống lại Đấng Tạo hóa. Qua việc dèm pha, nói xấu hay mê hoặc, nó vẽ lên một hình ảnh Thiên Chúa dị dạng trong con mắt con người hầu làm cho mối tương quan giữa con người và Thiên Chúa đỗ vỡ và dẫn tới hư vong.

*  Quỉ Dữ Hay Satan: nhắc ta nhớ lại sách Gióp (G 1, 1- 12), Satan là kẻ đứng trước mặt Thiên Chúa, bôi nhọ ông Gióp để Thiên Chúa hiểu sai về ông. Khác với con rắn trong địa đàng bôi nhọ Thiên Chúa (St 3, 1- 19), còn Satan bôi nhọ con người và nó hoạt động ở trên trời nhằm gây ác cảm và cắt đứt mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người (Kh 12, 9). 

* Kẻ Mê Hoặc Toàn Dân Thiên Hạ: Liên quan đến haọt động chính yếu của con mãng xà (Kh 20, 3. 8. 10), làm cho người ta hiểu không đúng về Thiên Chúa, tách lìa khỏi con người ngay chính và đánh mất cái nhìn hiểu biết về thân phận của mình.

3  Hoạt Động Của Con Mãng Xà

Họat động chính của con Mãng xà hướng đến ba đối tượng

a- Đứa Con Của Người Phụ Nữ Sinh Ra (Kh 12, 4- 5)

Đây là đối tượng mà ý muốn và quyền bính của con Mãng xà nhắm tới, vì nếu nuốt chửng được đứa con này thì chương trình của nó sẽ hoàn tất. Sở dĩ, nó nhắm đến người phụ nữ sắp sinh, vì Người con trai ấy là Đấng Messia: Đấng đưa nhân loại hiệp thông với Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ; Đấng ấy là Con Chiên (Kh 12, 11; 14, 1- 4). Đứa trẻ này thuộc về Thiên Chúa (Kh 12, 5). Do đó, sứ vụ của đứa bé và mục tiêu của con Mãng Xà luôn đối lập nhau.

b- Người Phụ Nữ

Khi con Mãng Xà giao chiến với Thiên thần Micael nhưng không có sức thắng được (Kh 12, 8). Cho nên, lúc bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người phụ nữ đã sinh con trai (Kh 12, 13). Tuy nhiên, người phụ nữ này đã thoát tay nó nhờ được Thiên Chúa giúp đỡ (Kh 12, 6. 14- 16).

Người phụ nữ là biểu tượng cho dân Thiên Chúa trong toàn thể, vẫn luôn được Thiên Chúa đồng hành, nânng đỡ và giải thoát khỏi mọi thế lực nguy hại. Do đó, dù dân ấy vẫn còn ở dưới đất, con Mãng Xà vẫn không nuốt chửng được.

c- Những Người Tin

Giận dữ vì không làm gì được người phụ nữ, con Mãng xà đi giao chiến với những người tin, thuộc dòng dõi người đàn bà. Họ là những người trung thành tuân giữ các điều răn và lời hứa của Thiên Chúa (Kh 12, 17- 18). Vì niềm tin và lòng trung thành với Thiên Chúa, họ hết sức nguy hiểm vì luôn phải đối diện với những cuộc chiến khốc liệt. Họ cần phải biết chiến đấu để chống lại những sức mạnh thù nghịch với Thiên Chúa, làm cho họ có nguy cơ đánh mất niềm tin và sự trung thành. Tuy nhiên, họ sẽ chiến thắng nếu giữ lòng trung thành, vì họ được Thiên Chúa bảo vệ và ở với họ (Kh 11, 8; 12, 11; 14, 1- 5).

II  Các Thuộc Hạ Của Con Mãng Xà

1-  -Con Thú Từ Biển (Kh 13, 1- 10)

a- Hình Dáng

Nó có bảy đầu mười sừng, người giống như con báo, chân như chân gấu, mõm như mõm sư tử và được con Mãng Xà ban quyền hành lớn lao (Kh 13, 1- 4). Như vậy, con thú này là tổng hợp bốn con thú mà sách Đaniel nói tới (Đn 7, 1- 8), tức là tổng hợp các vương quốc có trước với sức mạnh vô biên, biểu tượng cho đế quốc Rôman. Các sừng nói lên quyền chủ tể và sức mạnh của vương quốc này. Bảy đầu là bảy quả núi trên đó người đàn bà ngồi, ám chỉ đến Rôma là thành phố được xây dựng trên bảy ngọn đồi; đồng thời, đó cũng được hiểu là bảy ông vua. Một trong các đầu dường như bị giết chết, nhưng đã được chữa lành (kh 13, 3). Như thế, vết thương của con thú diễn tả đế quốc Rôma lấy lại được sức mạnh dưới thời Hoàng đế Domixianô.

b- Nét Đặc Trưng

Đặc trưng của con thú là mang những danh hiệu phạm thượng, xúc phạm đến Thiên Chúa (Kh 13, 1. 5-6; 17, 3). Với những danh hiệu này, nó mạo nhận mình là Thiên Chúa. Cho nên, nó làm cho người khác hiểu sai về Thiên Chúa và đưa họ tới sai lầm là đòi chiếm vị trí của Ngài.

c- Vinh Dự Nó Được Hưởng

Con thú được tôn vinh bằng những lời tung hô và hành động. Cả thế giới thờ lạy con thú và con Mãng Xà: “Ai sánh được với con thú và ai có thể giao chiến với con thú” (Kh 13, 4). Ngỡ ngàng trước sức mạnh, vẽ huy hoàng và khả năng phục hồi, cả thế giới sẵn sàng đặt mình thần phục con thú và cho đấy là quyền lực mạnh nhất.

d- Hoạt Động (Kh 13, 5- 8)

Có bốn lần được ban quyền cho con thú: Thứ nhất là ban cho cái miệng để phạm thượng (Kh 13, 5). Thứ hai: ban quyền hoạt động (Kh 13, 5). Thứ ba: cho nó chiến đấu với các thánh (Kh 13, 7). Thứ tư: cho nó một quyền lực lớn lao trên mọi chi tộc, mọi nước và mọi dân (Kh 13, 7). Như vậy, kiểu nói “nó được ban”, có nghĩa là Thiên Chúa ban cho nó và ấn định thời gian hoạt động của nó (Kh 13, 5). Con thú nhận từ con Mãng xà hình thức và biểu tượng quyền lực, nhưng chính Thiên Chúa ban cho nó quyền đi giao chiến. Vậy nó đi giao chiến với ai?

Ở 13, 7 thì con thú được quyền đi giao chiến với các thánh. Họ là những người tin vào Thiên Chúa, trung thành với Lời Chúa, nên không thờ lạy và không chấp nhận một thứ quyền lực nào là tuyệt đối ngoài Thiên Chúa. Trong cuộc chiến này, các thánh đã thất bại; họ đã bị khuất phục bằng những tai ương khủng khiếp (Kh 13, 7). Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh đó, các ngài chứng tỏ lòng trung thành, sự kiên nhẫn và đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa.

Như vậy, với con thú thứ nhất, tác giả Khải huyền muốn nói đến nhà nước La Mã, nơi con người thần thánh hóa Hoàng đế, coi Hoàng đế như một người có thẩm quyền giữa Đấng Tạo Hóa và con người. Cho nên, mọi người phải đầu phục Hoàng đế cách tuyệt đối. Đàng khác, nó cũng muốn nói đến một thứ quyền bính mang tính nhà nước là những chế độ độc tài toàn trị và tuyệt đối hóa thực tại trần gian.

2- Con Thú Trên Đất (Kh 13, 11- 18)

a- Dáng Vẻ

Con thú này được mô tả vẻ bề ngoài khiêm tốn: “Nó có hai sừng như con chiên” (Kh 13, 11). Tuy nhiên, nó lại ăn nói như con Mãng Xà, bởi chưng đặc tính quan trọng đối với nó là “nói”. Nó được gọi là ngôn sứ giả, tiên tri giả (Kh 16, 3; 19, 20; 20, 10). Nó luôn làm theo mục đích con Mãng Xà. Nó phục vụ cho con thú thứ nhất, nên nó không lôi kéo sự chú ý về mình mà muốn tất cả thờ lạy con thú thứ nhất (Kh 13, 12).

b- Quyền Năng

Tác giả nhắc đến chuyện vết tử thương đã được chữa lành (Kh 13, 12. 14). Như vậy, tác giả quy chiếu về sức mạnh khả năng phục hồi của con thú. Nó được đem so sánh sức mạnh phục hồi của Con Chiên qua cái chết và phục sinh. Con thú này làm những dấu lạ cả thể, khiến lửa từ trời xuống và làm cho người ta bị mê hoặc. Thánh sữ Máccô cũng đã nói sẽ có những ngôn sứ giả xuất hiện, làm những việc phi thường để lừa dối và thu phục người khác (Mc 13, 22). Nhiệm vụ của con thú thứ nhất là mê hoặc ngườit ta tạc tượng và thờ lạy con thú thứ nhất (Kh 13, 12). Tượng mà tác giả muốn nói là tượng các vị hoàng đế mà người ta phải thờ lạy, vì nó biểu trưng cho chính hoàng đế và quyền lực; những ai khước từ thờ lạy tượng này thì có nguy cơ bị kết án tử hình. Như vậy, hành động của ngôn sứ giả không chỉ giới hạn ở tuyên truyền mà còn đẩy người ta tới cái chết.

c- Dấu Thích (Kh 13, 16- 18)

Dưới hình thức nhẹ nhàng mà tàn độc, nó bắt người mang dấu thích trên tay phải và trán (Kh 13, 16); phải có dấu thích của con thú mới mua bán được (Kh 13, 17). Do đó, nó đánh vào nhu cầu chính yếu của con người, bởi chưng, một cuộc sống không có giao thương buôn bán ắt sẽ gặp khốn cùng. Điều này đồng nghĩa người ta sẽ trở nên bi đát nếu không thuộc về con thú và mang dấu thích của nó.

Con thú này đã sử mọi phương tiện để đòi buộc người ta phải thờ lạy con thú thứ nhất. Một cách nào đó, các chế độ toàn trị cũng đi vào quỉ đạo này khi áp dụng mọi phương thế để đặt người khác dưới ách thống trị. Chon nên, kết thúc thị kiến là một lời dặn dò (Kh 13, 18): đây là lúc cần phải có sự khôn ngoan, để nhận ra sự xảo quyệt và biết được đâu là đường “chính”, đâu là đường “tà” hầu chọn cho mình một phương thức sống phù hợp với đường lối Thiên Chúa.

Kết Luận

Với những gì đã trình bày về con Mãng Xà và các thuộc hạ của nó, tác giả cho ta thấy sự trung thành với con Thiên Chúa và Con Chiên không đem lại sự dễ dãi, mà thậm chí còn phải trả giá rất đắt. Tuy nhiên, cho dầu phải trải qua những tình cảnh bi đát và căng thẳng, nhưng họ vẫn không sợ hãi, vì đó là chuyện thường xảy ra cho những ai trung thành với Thiên Chúa. Qua sự trung thành, họ muốn chứng minh cho mọi người thấy một Thiên Chúa duy nhất, tuyệt đối và làm chủ tình hình. Chính Thiên Chúa sẽ đem lại chiến thắng, niềm vui và hạnh phúc đích thực cho những ai trung thành bước theo Ngài.

Montfort Nguyễn Xuân Pháp. Ocist.


Khải Huyền, Sứ Điệp Hy Vọng