IV.  TAI ƯƠNG XẢY TỚI

        Thực ra các nhà chú giải sách Khải Huyền đều đồng ý là sau phần dẫn nhập với những thư gửi cho bảy hội thánh (chương 1-3), thân đề của sách được chia làm hai phần chính, phần thứ nhất từ chương 4 đến 11. Phần này diễn tả cuộc khải hoàn tương lai của Chúa Ki-tô và Giáo Hội Người trên quan điểm tiêu cực, nghĩa là nhấn mạnh đến việc trừng phạt những kẻ thù của Thiên Chúa. Trong bài tới, chúng ta sẽ thấy khía cạnh tích cực hơn.

        Các thư gửi cho bảy hội thánh thực ra đã gồm tóm tất cả những gì được viết trong hai phần chính ấy. Nhưng trong các thư, những sự kiện chỉ mới được khẳng định, còn trong phần thân đề, những sự kiện đó sẽ được mô tả như một thị kiến của ngôn sứ.

        Cũng như trong các thư gửi cho bảy hội thánh, Gio-an bắt đầu với một thị kiến về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên thị kiến này không xảy ra ở dưới đất, mà ở trên trời, và được mô tả chi tiết hơn nhiều.

        Trước hết là thị kiến về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (chương 4). Chất liệu Gio-an sử dụng để mô tả thị kiến hầu hết lấy từ I-sai-a chương 6, Ê-dê-ki-en chương 1 và Đa-ni-en chương 7. Nếu đọc qua những đoạn Cựu Ước này, chúng ta thấy Gio-an mô tả cái ngai trên trời theo cách của Ê-dê-ki-en, những "sinh vật" đứng chung quanh ngai là hình ảnh lấy từ Ê-dê-ki-en và I-sai-a, còn một số chi tiết khác thì lấy từ Đa-ni-en. Có một ít thay đổi, thí dụ Gio-an đã đơn giản hóa thị kiến của Ê-dê-ki-en, bỏ đi "những bánh xe" và cho những sinh vật ấy mang những biểu tượng nói lên sự hiện diện toàn năng của Thiên Chúa, tức là những mắt ở "đằng trước và đằng sau" (c. 6), thay vì ở chung quanh bánh xe như trong Ê-dê-ki-en. Hơn nữa, đây là thị kiến Ki-tô chứ không phải Do-thái, do đó Chúa Thánh Thần, được mệnh danh là "bảy thần khí của Thiên Chúa" (c. 5), được đưa vào trong thị kiến và được giải thích.

        Đó là thị kiến mà Gio-an đã được đưa lên tầng trời và nhìn thấy Thiên Chúa Cha ngự trên ngai trời, có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, chung quanh là các tạo vật biểu trưng mà chúng ta thường gặp thấy trong Kinh Thánh Cựu Ước. Thiên Chúa nhậm lời ca tụng của toàn thể tạo vật, kể cả "hai mươi bốn vị Kỳ Mục" ngồi trên hai mươi bốn cái ngai chung quanh Người. Những cái ngai chúng ta đã đọc trong Đa-ni-en. Sự kiện có hai mươi bốn cái ngai là do Gio-an thấy cần thay đổi cho thích hợp với Khải Huyền Ki-tô giáo. Các vị Kỳ Mục tượng trưng cho những người được tuyển chọn trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Hình ảnh biểu tượng này đã được nói đến trước đây trong Cựu Ước rồi, vì trong Is 24:23 chúng ta đọc thấy "Đức Chúa các đạo binh hiển trị trên núi Xi-on và tại Giê-ru-sa-lem; và vinh quang Chúa tỏ rạng trước mặt các kỳ mục của Người."

        Con Chiên

        Ngôi Hai Thiên Chúa, Chúa Con, xuất hiện trong chương 5, được tượng trưng dưới hình ảnh Con Chiên. Trước hết, bên phải Chúa Cha có một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, niêm bảy ấn (xem Ed 2:9-10). Như chúng ta sẽ thấy, sách đó là sách nói về tương lai, chỉ được tỏ lộ do một mình Thiên Chúa mà thôi. Duy có Sư tử xuất thân từ chi tộc Giu-đa, Chồi Non của Đa-vít, là Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, mới có thể mở cuốn sách ấy và tỏ ra những gì được viết trong đó.

        Bởi vậy, đây là cách giới thiệu Con Chiên, "đứng... và trông như thể đã bị giết, có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất" (c. 6). Con Chiên là hình ảnh Đấng Mê-si-a, lấy trong Is 53, có sừng là tượng trưng cho quyền lực (Sách Hê-nóc trình bày Đấng Mê-si-a như con chiên có sừng), và cũng như Chúa Cha, Người sai Thánh Thần Thiên Chúa tới (xem Ga 15:26...). Chỉ mình Người mới có thể mở cuốn sách, cho nên những kẻ trung thành đến dâng lời cầu nguyện lên Người (c. 8).

        Thật là hấp dẫn nếu chúng ta xem cách Gio-an nhìn cả Giáo Hội được vinh hiển trên trời lẫn Giáo Hội tại thế là cùng một thực thể. Dĩ nhiên điều này giáo lý Tân Ước thường dạy như vậy. Những "chén vàng đầy hương thơm", tức là những lời cầu nguyện của các thánh, được hai mươi bốn vị Kỳ Mục dâng lên Thiên Chúa. "Các thánh" là những phần tử của Giáo Hội dưới đất, như thánh Phao-lô trong các thư thường gọi Ki-tô hữu như vậy, khi ngài mượn trong Cựu Ước từ ngữ gọi những người Ít-ra-en trung thành là các vị thánh của Thiên Chúa. Sự hiệp nhất cầu nguyện giữa Giáo Hội dưới đất và trên trời chính là điều giáo lý Công Giáo gọi là "các thánh cùng hiệp thông." Hình ảnh hiệp thông này trong Khải Huyền là một bằng chứng lâu đời nói lên niềm tin truyền thống của Ki-tô giáo là: các thánh trên trời có thể nhận những lời cầu nguyện của các tín hữu dưới đất và chuyển cầu lên Thiên Chúa.

        Con Thiên Chúa

        Chúa Con lãnh nhận danh dự do toàn thể thụ tạo của Thiên Chúa, tức "những sinh vật," các vị Kỳ Mục, các thiên thần và sau hết là mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó" (c. 13). Đây là hình ảnh Con Thiên Chúa được vinh hiển vượt trên mọi thụ tạo, một hình ảnh quen thuộc đối với chúng ta qua các thư Do-thái, Cô-lô-xê, Ê-phê-xô...

        Tất cả những điều kể trên là để chuẩn bị cho khởi đầu mạc khải được tượng trưng qua việc mở bảy ấn. Chúng ta hãy lưu ý cách sắp đặt thứ tự Gio-an sử dụng qua suốt sáu chương kế tiếp. Bốn ấn đầu tiên sẽ được mở một lượt và cùng vẽ lên một hình ảnh. Tiếp đến ấn thứ năm và thứ sáu được mở một lượt và cùng vẽ lên một hình ảnh khác. Sau đó sẽ có một nguồn liệu giao tiếp đưa tới việc mở ấn thứ bảy. Rồi chính ấn thứ bảy lại là mở đầu để bảy kèn được thổi lên tiếp theo. Bảy tiếng kèn trổi lên thường lập lại mạc khải do bảy ấn, mặc dù trình bày nội dung mạc khải theo quan điểm của Thiên Chúa nhiều hơn. Rồi Gio-an lại theo cách sắp đặt thứ tự như trước. Nghĩa là bốn kèn được trổi lên trước, tạo nên một hiệu lực đồng nhất. Rồi đến tiếng kèn thứ năm và thứ sáu cùng tạo nên một hiệu lực khác. Sau đó là một loạt những thị kiến xen kẽ dẫn tới việc trổi lên tiếng kèn thứ bảy.

        Đi theo cách sắp xếp phức tạp và lập đi lập lại ấy, Gio-an duy trì được tính cách duy nhất trong tác phẩm của ngài, kết nối những phần tách biệt lại với nhau, đồng thời quảng diễn những chủ đề của ngài. Tuy nhiên sự khai triển không theo một đường lối hoàn toàn luận lý như chúng ta thường gặp thấy nơi lối viết người tây phương. Trái lại, đây là một tác phẩm được viết theo lối suy nghĩ Sê-mít, cứ chạy đi chạy lại cùng một hình ảnh (thí dụ bảy thư, bảy ấn, và bảy kèn đều nhất thiết nói về cùng một điều), mỗi lần như vậy lại nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó của toàn cục diện. Đây cũng là văn thể được sử dụng trong các sách ngôn sứ thuộc Cựu Ước. Quên điều ấy và cứ cố tình giải thích sách Khải Huyền tựa như được viết do một người trong chúng ta, thì thường người ta sẽ đi tới việc giải thích sai lạc.

        Bốn ấn đầu tiên (6:1-8) được liên kết với nhau bằng một hình ảnh chung, đó là "bốn người cỡi ngựa của Khải Huyền." Thị kiến này mượn của Da-ca-ria 6:1-5. Cả bốn người cỡi ngựa đều nói lên hình ảnh chiến tranh, chém giết, ôn dịch và chết chóc, cho nên cũng là bức họa mà chính Chúa Giê-su đã diễn tả về ngày tận thế trong Mt 24:6-8. Chúa nói: "Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã... dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những việc ấy chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn." Vậy người thứ nhất cỡi con ngựa trắng (ám chỉ thắng trận), mang triều thiên (chiến thắng), và ra đi để chiến thắng. Con ngựa thứ hai mầu đỏ, mầu máu. Con thứ ba mầu đen, tượng trưng cho ôn dịch. Tiếp đến, Gio-an nghe nói về giá cả của cơn đói kém: "Một cân lúa mì, một quan tiền" (một quan tiền là lương công nhật trung bình)! "Còn dầu và rượu thì chớ đụng đến!" (c. 6), nghĩa là dầu và rượu thì thường dân không tài nào mua nổi, vì giá lúa mì và lúa mạch như thế đã là giá cắt cổ rồi. Người cỡi ngựa thứ tư là tử thần và mầu ngựa là mầu sự chết.

        Trong Ngày của Chúa

        Hai ấn kế tiếp đi với nhau. Ấn thứ năm mở ra cho thấy các vị tử đạo đứng dưới bàn thờ Thiên Chúa và cầu xin Người hãy báo thù cho họ. Tuy nhiên họ được biết là phải đợi cho tới khi nào thời gian của Chúa đến (6:9-11). Điều này giúp giải thích về mục đích của việc tiên báo những hiện tượng khủng khiếp sẽ xảy ra trên mặt đất. Về việc Thiên Chúa xét xử, một mặt là trừng phạt những kẻ không công chính, còn mặt khác là thưởng công cho người tốt. Do đó, ấn thứ sáu là mạc khải về ngày thịnh nộ của Thiên Chúa (6:12-17). Mô tả việc mở ấn này gần như lấy từng chữ trong một số sách Kinh Thánh. Động đất (Mt 24), mặt trời tối đen và mặt trăng như máu (Giô-en 2:31), sao trời rơi xuống như trái vả rụng (Is 34:4), trời bị cuốn đi như cuốn sách cuộn lại (Is 34:4), vua chúa trần gian trốn lánh (Is 2:10), kêu xin núi và đá hãy đổ xuống trên họ (Hô-sê 10:8), tất cả đều là từ ngữ quen thuộc nói lên phút cuối cùng của thế cuộc này.

        Ấn của những kẻ sống

        Tiếp theo là việc mô tả khải hoàn trên trời của Giáo Hội. Gio-an viết một đoạn ngắn nói về việc này, rồi sau đó là việc bảy thiên thần lãnh nhận bảy chiếc kèn. Nhưng tác giả gần như chưa saün sàng viết về điều này. Cho nên ngài sẽ duyệt qua diễn tiến của bảy chiếc kèn một lần nữa, để chuẩn bị trình bày một khía cạnh khác của sứ điệp.

        Vậy trước khi làm như vậy, thì trong chương 7 có một loạt những thị kiến chuyển tiếp đưa tới việc mở ấn thứ bảy và kéo dài thời gian mở ấn thêm nữa. Trước hết, trong 7:1-8 là hình ảnh một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn của Thiên Chúa hằng sống. Trước khi giới thiệu đám người này, "có bốn thiên thần đứng ở bốn phương của mặt đất, giữ bốn ngọn gió của đất lại, không cho ngọn gió nào thổi trên đất liền, trên biển cả cũng như trên mọi cây cối." Nói khác đi, họ là biểu tượng cho quyền năng của Thiên Chúa trên mặt đất và họ bị một thiên thần khác, một sứ giả của Thiên Chúa, cấm không được phá hại mặt đất cho đến khi chọn xong những kẻ được tuyển chọn. Những thiên thần này lấy trong hình ảnh của Da-ca-ri-a 6:1-8, đoạn Kinh Thánh Gio-an đã sử dụng trước đây và bây giờ được sử dụng lại. Cuộc tàn phá đe dọa chỉ xảy ra sau khi Thiên Chúa đã ấn định con số những kẻ được cứu thoát. Con số 144,000 là biểu tượng sự hoàn hảo "trên trời"; số 12 được nâng lên một ngàn lần, rồi lại được nhân với 12 là con số mười hai chi tộc Ít-ra-en. Tuy nhiên, tên các chi tộc này lại không giống như trong Cựu Ước, vì danh sách mười hai chi tộc không có chi tộc nào là Giu-se. Cho nên những chi tộc ấy chỉ là tượng trưng cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn nói chung, chứ không phải riêng những Ki-tô hữu gốc Do-thái. Tất cả đều là Giáo Hội tại thế cho tới ngày sau hết.

        Ngay sau sự kiện này là một hình ảnh tương tự (7:9-12) về Giáo Hội khải hoàn trên trời, những kẻ đã chiến thắng trong cuộc bách hại. Một trong những vị Kỳ Mục đã giải thích thị kiến này (các câu 13-17), dùng ngôn ngữ của một số đoạn Cựu Ước như Ed 34:23, Is 49:10 và Is 25:8. Sau đó là mở ấn thứ bảy (8:1) trước khi xảy ra thị kiến bảy chiếc kèn.

        Bảy chiếc kèn lập lại phương thức của bảy ấn, nhưng không phải chỉ lập lại đơn giản như vậy. Có một loạt thị kiến trình bày tính cách khẩn trương, viễn ảnh rõ ràng hơn về toàn bộ chương trình của Thiên Chúa và nhấn mạnh đến phương thức Người hoàn toàn nắm trong tay vận mạng tương lai. Cũng giống như trường hợp bảy ấn, trước khi kèn bắt đầu trổi lên thì có một thị kiến mở đầu về việc các thánh cầu nguyện để xin Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử (8:2-5), lời lẽ cầu nguyện hầu như đều giống như nhau.

        Những chiếc kèn

        Bốn kèn đầu tiên được thổi lên cùng một đợt (cc. 6-12), giống như bốn ấn đầu tiên được mở cùng một đợt. Cả đến những hình ảnh cũng giống nhau, tức là sấm sét, động đất, máu, v.v... Hình ảnh chiếc kèn chúng ta cũng gặp thấy trong thư có tính cách khải huyền 1 Thê-xa-lô-ni-ca 4:16 của thánh Phao-lô. Đoạn Kinh Thánh Cựu Ước mà Gio-an đã dựa vào đó để diễn tả những gì xảy ra là chương thứ mười sách Xuất Hành nói về những tai họa xảy tới cho Ai-cập. Vậy ở đây chúng ta có mưa đá (kèn thứ nhất), nước biến thành máu (kèn thứ hai), tiếp theo là một hình ảnh đã được sử dụng trước kia, tức là tinh tú từ trời rơi xuống và mặt trời lẫn mặt trăng biến đổi (kèn thứ tư), và một biến cố mượn từ Giê-rê-mi-a 9:15, nước hóa thành ngải đắng (kèn thứ ba). Mỗi chiếc kèn đều đem lại tàn phá "một phần ba", nghĩa là tàn phá đáng kể. Rồi tiếp đến là câu cuối cùng (8:13) giới thiệu ba tiếng "khốn thay" ứng với ba chiếc kèn sau hết.

        Chúng ta lại thấy ở đây có sự song song với bảy ấn, tức là kèn thứ năm và thứ sáu có liên hệ với nhau, tách biệt với kèn thứ bảy bằng một loạt thị kiến xen kẽ. Vậy liên hệ giữa kèn thứ năm và thứ sáu dựa trên một đoạn Cựu Ước, hai chương đầu sách ngôn sứ Giô-en. Diễn tiến cũng giống như ấn thứ năm và thứ sáu. Kèn thứ năm tiên báo cái khốn thứ nhất giáng xuống chỉ làm hại chứ không giết chóc, còn kèn thứ sáu thì thực sự đem lại tiêu diệt. Châu chấu (9:1-12) và những người cỡi ngựa (9:13-21) nói lên tình trạng khốn khổ mỗi lúc một trầm trọng hơn và đó là một phần của việc tận thế đang đến.

        Rô-ma xâm lăng

        Qua hai thị kiến nói trên, Gio-an cũng đưa ra một số đề tài được trình bày dài dòng hơn trong phần thứ hai của sách Khải Huyền. Kẻ mang trách nhiệm về dịch châu chấu là Xa-tan, ngôi sao từ trời sa xuống (9:1). Nó không làm gì được trên những người được Thiên Chúa tuyển chọn (c. 4), mà chỉ được phá hại những người từ chối Thiên Chúa thôi. Những người cỡi ngựa được mô tả là đang bị các thiên thần của Thiên Chúa giam giữ và giờ đây được phép tràn qua sông Êu-phơ-rát, hết sức đông đảo (9:16). Cách Gio-an diễn tả một cuộc xâm lăng như thế ai ai trong thời ngài cũng hiểu ngài muốn ám chỉ điều gì. Trong thời thánh Gio-an, mối đe dọa chính cho luật lệ và trật tự của Đế quốc Rô-ma là Đế quốc Pác-thy bên kia sông Êu-phơ-rát. Những cuộc xâm lăng này tiêu diệt "một phần ba" nhân loại, và rồi chúng ta được biết Chúa đã cho phép những điều ấy xảy ra là để giúp thế giới tội lỗi ăn năn hối cải (cc. 20-21); nhưng tất cả đều vô ích.

        Các thiên thần của Chúa

        Ở thị kiến thứ nhất trong số những thị kiến xen kẽ trước tiếng kèn thứ bảy trổi lên, có một nhân vật nổi bật, đó là thiên thần được mô tả như trong những thị kiến về Con Người và Đấng ngồi trên ngai trời (1:12 tt và 4:1 tt). Vậy thiên thần ấy thay mặt Đức Ki-tô và Thiên Chúa. Người cũng có một cuốn sách nhỏ, đứng một chân trên biển, một chân trên đất (10:1-2). Hình ảnh này hầu hết dựa trên Đa-ni-en 12:7, mặc dù Gio-an đã thay đổi đi. Vì thay mặt cho Thiên Chúa nên thiên thần đứng ngự trị trên biển cả lẫn đất liền, tức là trên toàn cõi địa cầu. Người lớn tiếng gọi bảy hồi sấm hãy nói lên, nhưng những lời nói ấy Gio-an không được phép viết ra (10:3-4); như vậy đã có một phần thuộc mạc khải Gio-an không được phép nói ra cho chúng ta biết. Tuy nhiên, sau khi đã long trọng thề sẽ tỏ lộ và sẽ mau hoàn tất mầu nhiệm của Thiên Chúa (cc. 5-7), thiên thần ban cho Gio-an cuốn sách nhỏ của ngài, tức cuốn sách Gio-an sẽ nuốt đi (cc. 8-11). Cảnh sau cùng này lấy từ Ê-dê-ki-en 2:8-3:3. Cuốn sách được mô tả là nhỏ, so với cuốn sách lớn niêm bảy ấn đã nói trước đây, bởi vì đó là phần của Gio-an, tức là mặc khải ban cho ngài để tỏ ra cho người ta được biết. Cuốn sách ấy ở trong miệng ngài thì ngọt, nhưng ở trong bụng dạ thì lại cay đắng. Trong Ê-dê-ki-en cũng giống như vậy. Lời Chúa khi chúng ta lãnh nhận thì cảm thấy dễ chịu, nhưng thường lại làm cho khó chịu khi phải nắm giữ và thực thi.

        Rồi bất thần khung cảnh thay đổi. Gio-an nghe dạy phải đo đạc Đền Thờ trên trời (11:1). Chúng ta nói "trên trời" vì vào thời Gio-an viết sách Khải Huyền không còn Đền Thờ nào cả, và viễn tượng sách Khải Huyền nhắm là tiếp tục nói tới nói lui về những gì ở khoảng giữa trời với đất. Nhưng cũng có thể ám chỉ Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, vì dầu sao thì hình ảnh này cũng mượn của Ê-dê-ki-en 40:3. Tuy nhiên Đền Thờ tượng trưng cho Giáo Hội. Gio-an muốn nói rằng việc đo kích thước Đền Thờ có ý nghĩa là Giáo Hội cần thiết cho việc cứu rỗi của loài người. Bên ngoài Đền Thờ là đất đai thuộc Dân ngoại không thờ phượng Chúa. Họ sẽ chà đạp Thành Thánh trong khoảng "bốn mươi hai tháng" (11:2). Ở những chỗ khác trong sách, bốn mươi hai tháng còn được gọi là ba năm rưỡi, một thời, những thời và một nửa thời, hoặc một ngàn hai trăm sáu mươi ngày, mượn cách tính của Đa-ni-en 7:25 và 12:7. Con số này là một nửa của chu kỳ bảy năm, tượng trưng cho thời gian Giáo Hội gặp khó khăn trên mặt đất, hoặc một thời gian nào đó; nói cách khác là thời gian cách biệt với cuộc báo thù vinh hiển của Đức Ki-tô. Con số này cũng dựa trên sự kiện lịch sử, tức là khoảng thời gian Ít-ra-en bị bách hại dưới triều vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê (168-175 trước công nguyên) thời anh em nhà Ma-ca-bê.

        Vậy trong thời gian này, Chúa bảo Gio-an rằng hai nhân chứng của Người sẽ nói tiên tri (11:3). Những nhân chứng này được gọi là hai cây ô-liu và hai cây đèn, mượn hình ảnh từ Da-ca-ri-a 4:1-3,11-14, và tiếp đến trong 11:5-6 các nhân chứng ấy có những đức tính của ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a (xem Dân số 16:35; 2 Vua 1:10; 1 Vua 17:1, v.v...). Vậy, các ngài tượng trưng cho những chứng nhân trung thành của Chúa trong Giáo Hội, những người sẽ làm chứng cho Thiên Chúa qua suốt lịch sử Giáo Hội tại thế. Khi thời gian này đã hoàn tất, họ sẽ gục ngã trước Con Thú cuồng nộ đến từ vực thẳm (11:7). Con Thú này chúng ta sẽ gặp lại trong phần thứ hai của sách Khải Huyền.

        Cuộc Khải hoàn trên trời

        Vậy Gio-an đã nói với chúng ta rằng dù phải chịu đau khổ bách hại do thế gian, qua mọi thời đại Giáo Hội vẫn tiếp tục làm chứng cho sự thật. Ngay cả khi các nhân chứng của mình bị Con Thú sát hại (c. 7 dựa theo Đn 7:3 tt), rồi dân gian vô đạo biểu đồng tình đóng đinh Đấng Cứu Thế (c. 8 dựa theo Is 1:10, v.v...) và không cho ai chôn táng các ngài, một việc vô cùng tủi nhục cho các ngài (c. 9 t), thì Thiên Chúa sẽ báo thù cho các ngài. Trong 11:11-13, việc sống lại và lên trời của các nhân chứng được diễn tả theo ngôn ngữ tươi sáng của thị kiến trong Ed 37, và theo việc lên trời của ngôn sứ Ê-li-a trong 2 Vua 2:11. Sau "ba ngày rưỡi" ám chỉ một khoảng thời gian rất ngắn so với thời gian các ngài phải làm chứng, tựa như ngày so với năm vậy. Việc báo thù và khải hoàn của Giáo Hội xảy ra qua việc kẻ thù phải tủi hổ và có nhiều người trở lại (cc. 13-14).

        Như vậy chúng ta được chuẩn bị đưa tới tiếng kèn thứ bảy và là sau hết, tức hình ảnh khải hoàn của Giáo Hội khi "vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Ki-tô của Người" (cc. 15-19). Ca khúc khải hoàn được dựa theo Thánh Vịnh 2, rồi có sấm sét, mưa đá và những dấu chỉ đã xảy ra trước đó.

        Thánh Gio-an có thể dễ dàng kết thúc tại đây, nhưng ngài còn nhiều điều để nói với chúng ta. Trong phần thứ hai mà chúng tôi sẽ đề cập trong bài tới, ngài nói về khía cạnh tích cực, về chính Giáo Hội hơn là về những hình phạt dành cho kẻ thù của Giáo Hội. Cuộc phán xét của Thiên Chúa có cả hai yếu tố tiêu cực và tích cực, không tách biệt nhau. Không thể thưởng kẻ lành mà không phạt kẻ dữ.

        Giải thoát

        Khi nào thì những điều thánh Gio-an nói sẽ xảy đến? Ngài đã bảo chúng ta ngay ở đầu cuốn sách là "gần đến." Xét theo một mặt thì những điều ấy đã xảy ra rồi, nhưng xét theo mặt khác, những điều ấy vẫn chưa xảy đến. Khải hoàn của Giáo Hội là điều vĩnh cửu. Khi một biến cố nào đó, dù chỉ có vẻ như Giáo Hội thắng được quyền lực sự dữ thì việc giải thoát cũng đã được bảo đảm rồi. Giáo Hội phải thắng Đế quốc Rô-ma là kẻ thù mạnh mẽ nhất trong thời Gio-an. Rồi kể từ đó, Giáo Hội liên tiếp khải hoàn. Giáo Hội sẽ thắng kẻ thù của thời đại chúng ta, và cứ tiếp tục như thế cho tới ngày báo thù và vinh hiển sau hết trên trời.

        Như chúng ta thấy, người ta sẽ hoàn toàn sai lạc nếu cứ muốn đọc Khải Huyền dưới một phóng ảnh muốn nhìn tương lai qua những lời tiên tri về ngày giờ tháng năm. Gio-an đã nói lên đức tin của ngài dựa trên những lời của Chúa và Kinh Thánh. Những con số và hình ảnh ngài đưa ra chỉ có tính cách biểu tượng. Cũng như chúng ta thôi, ngài không biết đích xác khi nào sẽ xảy ra cuộc khải hoàn chung cuộc cùng việc Chúa lại đến trong vinh quang. Cũng như chúng ta, ngài biết điều ấy chắc chắn sẽ đến.

        Sách Khải Huyền lập đi lập lại cùng những đề tài. Đó là tác phẩm gồm những thị kiến riêng rẽ nhưng đã được Gio-an đan kết lại thành một dàn bài phức tạp và tinh tế. Như thế chúng ta luôn gặp cùng một giáo lý chung, khi ở khía cạnh này khi ở khía cạnh khác. Nhưng vì Chúa là Đấng vĩnh cửu, Con Người là thiên thu vạn đại trên trời và hiển trị trong Giáo Hội dưới đất, Con Chiên đã bị giết đang đứng khải hoàn, nên chúng ta phải nhìn những thị kiến của sách Khải Huyền trong chính những viễn ảnh ấy. Những thị kiến này kết hợp lại những chân lý được đem áp dụng cho mọi thời đại. "Hai nhân chứng" là những tôi tớ trung thành của Đức Ki-tô trong mọi thế hệ; các ngài không bị gò bó vào một thời đại nào đặc biệt cả. Các ngài đang ở với chúng ta hôm nay như đã ở với Gio-an ngày xưa. Các ngài bị giết trong thời chúng ta cũng như đã bị giết trong thời Gio-an. Sau hết, như các ngài đã "sớm" được chỗi dậy khải hoàn trong thời Gio-an, thì cũng thế, các ngài sẽ được chỗi dậy trong chính thời chúng ta nữa.


Trở Về Trang Mục Lục Kinh Thánh | Trở Về Trang Nhà
Trở Về Trang Nhà